Phần IV

Bên trong một căn nhà gạch, buồng tiếp khách phía ngoài không ngăn cách với buồng ngủ phía trong bằng một bức tường hay một tấm bình phông nào.
Nhà trang trí lịch sự và sang trọng.
Bấy giờ là tám giờ đêm. Bên ngoài trời mưa lâm râm.
Thúy trang điểm đã xong, nhưng chưa mặc áo. Nàng mở tủ, chiếc tủ mặt gương, có lẽ đặt đóng riêng, bề mặt rộng bằng ba tủ thường, rộng hơn bề dài của chiếc giường đặt trước đó nhiều lần.
Lặng thinh, Thúy nhìn vào đó rất lâu để chọn áo, đoạn lấy ra chiếc áo bông lụa nội hóa màu vàng nghệ, dệt cành tre, lá tre sáng bóng lấp lánh dưới ánh đèn.
Chưa kịp mặc áo vào, chưa kịp khép cửa tủ, nàng bỗng nghe gõ cửa.
Tươi nét mặt, nàng lẩm bẩm tự hỏi thầm: "Lạ, sao không nghe tiếng xe ngừng kìa?"
Xách áo trên tay, nàng vội vàng chạy ra mở cửa. Đó là cái cửa ba nô một cánh. Thúy tay nắm hột xoài, vặn qua một tua rồi vừa kéo cửa vào vừa lùi
lại để núp sau cánh cửa mở ấy, lặng lẽ mỉm cười một nụ cười hóm hỉnh.
Toàn hiện ra nơi khung cửa, trên nền trời tối đen của con phố vắng bên ngoài không được thắp đèn.
Chàng đã đi trong đám mưa dầm nầy mà không có áo tơi, bộ âu phục ướt men, nhưng cái vẻ phong trần nơi chàng là do tóc không được cắt xén, râu không được cạo từ nhiều ngày rồi và đôi má hóp của kẻ thiếu ăn, đôi quầng mắt sâu của người thiếu ngủ.
Không thấy ai trong nhà cả, mà cửa không lẽ tự động mở, Toàn ngạc nhiên lắm, đứng đó mà ngơ ngác.
Thúy từ sau cánh cửa ba nô thình lình vọt nhảy ra và hét lớn:
- Hù!... Oái!
Sau cái tiếng "hù" để bắt chợt cho người ta sợ điếng hồn ấy, kẻ hù lại kêu lên thất thanh liền theo đó, kêu lên cái tiếng "oái" kinh dị khủng khiếp ấy rồi nhảy trái ra sau, đứng chết sững, hả miệng trố mắt mà nhìn người khách không phải là người mà nàng mong đợi, hơn thế không mong đợi, người khách mà nàng ngỡ đã biệt tích rồi.
Toàn vội đóng cửa lại. Thúy sợ hãi bảo, giọng hơi phản đối:
- Đừng, đừng đóng cửa, sao lại...
- Em gần như đang cởi trần, em quên mất rồi à? Ở đây sáng lắm mà ngoài kia tối om. Bộ em định triển lãm cho người đi đường họ ngắm nước da trắng của em hay sao chớ?
Bấy giờ chợt Thúy mới chợt nhớ ra rằng nàng chưa mặc áo và trên người nàng, y phục chỉ có cái sú cheng thôi.
Hổ ngươi, nàng mặc vội áo vào, ngay trước mặt bạn cũ, vừa mặc vừa nói:
- Anh nên đi ra ngay.
- Đuổi hả? Sao em tàn nhẫn thế?
- Em van anh! Hôm khác hãy đến.
- Té ra không phải cấm cửa vĩnh viễn mà chỉ cấm đêm nay thôi? Nhưng tại sao...
- Rồi em sẽ cắt nghĩa anh rõ. Anh nên đi ngay cho, không thì khổ em lắm.
Toàn cười khanh khách, giọng cười mỉa mai, rồi hỏi:
- Em mở cửa mà không cần mặc áo thế nghĩa là người khách đang được em nóng lòng trông đợi và y rất là thân với em, có phải vậy hay không?
Thúy sốt ruột, giậm chân, chắt lưỡi, bứt tóc bứt tai mà rằng:
- Em van anh, nó sắp tới bây giờ đây!
Nàng xem đồng hồ tay rồi châu mày nhăn mặt.
Tiếng cười của Toàn càng mỉa mai hơn, và người cười càng sung sướng hơn trước sự bối rối của chủ nhà. Chàng thọc tay vào túi quần, hất mặt lên và nói:
- Anh không sợ thằng nào hết.
- Nhưng em lại sợ.
- Hừ! Nhưng em lại sợ! Em lại dám sợ ai trước mặt anh nữa à?
- Ồ hay, anh nói như là em còn thuộc quyền sở hữu của anh! Vật sở hữu của anh SAO LẠI DÁM sợ kẻ khác à? Vô lý chưa! Thật vô lý không thể tưởng tượng được. Hứ, làm như là... Nếu em còn thuộc về anh thì quả thật em cả gan lắm đó. Nhưng anh đã tự ý ra đi, đã bỏ rơi em và tám tháng đã trôi qua rồi, còn gì nữa!
- Tốp, Toàn la lên, đừng nói nhiều hơn nửa, phũ phàng lắm, anh đau lòng lắm. Anh đã chót hiểu là anh vô lý.
- Ai bảo anh hỏi.
- Ừ, ai bảo hỏi. ĐỪNG HỎI TẠI SAO, có phải không em?
Thúy càng sốt ruột hơn bao giờ cả, giục:
- Nhưng anh nên ra ngay giùm cho.
Toàn vẫn không chịu nhúc nhích. Chàng đưa mắt nhìn qua một lượt sự sang trọng của căn nhà nầy và nghĩ rằng nếu chàng có may mắn làm chức giám đốc của hãng ve chai của ông Hiệu, cũng không đủ khả năng tài chánh để bao cho Thúy ăn xài theo mức nầy.
Công việc trang trí ở đây là không tốn dưới hai trăm ngàn bạc, đó là chưa kể bàn ghế, tủ giường, món nào cũng là đồ thượng hảo hạng từ các hiệu trang hoàng lớn mà ra cả.
Thình lình có tiếng gõ cửa. Thúy cuống cuồng lên, nhìn trước nhìn sau rồi níu Toàn mà kéo vào trong, vừa lôi chàng, nàng vừa nói với giọng hốt hoảng:
- Em lạy anh trăm ngàn lạy, đừng có bướng bỉnh mà giết em. Anh trốn đỡ trong tủ nầy giây
lát.
Nàng toan xô Toàn vào chiếc tủ đã mở khi nãy để lấy áo mà chưa kịp đóng lại. Toàn chống cự, xô mạnh Thúy khiến nàng xiểng liểng suýt té. Nhưng không hiểu sao bỗng dưng chàng lại đổi ý thình lình, vội vàng bước vào tủ một cách ngoan ngoãn và Thúy cũng vội khóa cửa tủ lại ngay.
Xong đâu đấy, Thúy chạy lẹ trở ra cửa mở cửa và cũng lùi lại để núp sau đó.
Một ngoại kiều da trắng xuất hiện ra nơi khung cửa, hình ảnh mới nầy cũng y hệt như hình ảnh khi nãy với nền đen sau lưng người khách, chỉ có khác là người khách mới cao lớn hơn và quần áo không ướt mem như y phực của Toàn khi nãy.
Hắn mặc sơ mi vẽ con chim con cò, bỏ ngoài, có lẽ từ xe hơi chạy vào đây nên áo chỉ lấm tấm có mấy hột mưa nhỏ.
- Hù!
Thúy nhảy ra thình lình và hét lên như vậy, tay cầm chìa khóa chỉ vào người khách.
Khách mỉm cười, đưa tay lên ngực bợ lấy trái tim, làm bộ khủng khiếp nhưng vẫn tỉnh queo.
Hắn nói, nói bằng tiếng Việt hơi chậm, nhưng rất đúng giọng, mà là giọng miền Bắc.
- Hú ba hồn chín vía anh!
Thúy cười dòn rụm như pha lê vỡ, cười ngả nghiêng ngả ngửa rồi khen:
- Giỏi lắm! Mới học câu đó với ai vậy?
- Bí mật nhà nghề.
- Anh đến thật là đúng giờ hẹn.
- Nhưng anh rất tiếc mà không
giữ đúng được chương trình mà ta đã dự đinh. Đêm nay anh bận công việc quan trọng lắm. Anh chỉ báo tin em biết thôi rồi đi ngay. Xin lỗi em và hẹn tối mai.
Thúy níu lấy cánh tay đầy lông lá của khách, một người khách không thể đoán được niên kỷ là bao nhiêu, vì ta không quen xem tuổi tác trên gương mặt của các dân tộc khác màu da.
Nàng mếu máo và phụng phịu nói:
- Làm người ta trang điểm mắc công quá trời, em hổng chịu đâu.
- Cưng đừng giận anh. Tới phút chót, anh mới hay là phải bận. Bộ em tưởng anh sung sướng mà phải làm việc ban đêm sao? Người buồn nhứt giữa đôi ta là anh đây. Thôi cưng à, để anh bù cho em một món quà xứng đáng.
- Hông, em hổng thèm đâu. Trời mưa, ở nhà buồn gần chết hè.
- Thôi em nghe nhạc cho đỡ buồn. Hay là em đi chơi một mình.
- Hông. Anh ở lại với em giây lát, uống ly cốc ten hè!
- Không được. Anh phải đi ngay đây.
Hắn xoa cằm Thúy cười nói:
- Tối mai sẽ có quà.
- Nói thiệt a nha.
- Thiệt mà.
- Thề đi.
- Lời hứa danh dự mà.
Hắn cao gần bằng hai Thúy. Muốn cúi xuống để hôn lên tóc Thúy, hắn phải lùi lại để dang xa ra, rồi còn phải dang hai chơn cho thấp xuống, y như con lạc-đà-gấm cao giò cao cổ trong sa mạc chuẩn bị đi uống nước, đoạn hắn mới khum lưng xuống rồi mặt mũi hắn mới chạm đầu của Thúy được.
- Thôi, anh đi đây, tối mai nhé!
- Tối nay em buồn quá!
- Anh sẽ cưng em nhiều lắm, để bù lại.
Hắn trở gót, nện giày trên gạch bước qua ngưỡng cửa.
Thình lình Toàn ở trong tủ ho lên một tiếng. Hắn đã bước xuống vỉa hè, day lại để nói giã từ lần chót chớ không phải vì nghe tiếng ho:
- Good night!
- Good night! Thúy đáp lại.
Thúy đứng nơi cửa mà nhìn xe chạy khuất dạng rồi mới đóng cửa lại rồi vội bước vào trong nhà để mở tủ.
Toàn từ trong ấy nhảy ra thiệt lẹ, hít không khí một hơi thật sâu và thật dài rồi nói:
- Suýt chết ngộp! Mệt quá!
Thấy bạn toát mồ hôi dầm dề, Thúy đi ra sau rồi trở lại với chiếc khăn lông, trao khăn cho chàng mà rằng:
- Anh lau mồ hôi kẻo lạnh.
Toàn đỡ lấy khăn lau trán, lau cổ và nói:
- Em ác lắm. Anh ngoan ngoãn vâng lời em thì tức là anh sẽ không có hành động phá đám. Như vậy em chỉ khép tủ là đủ rồi, còn khóa lại làm gì. Nếu rủi ro hắn đưa em đi được, có phải là anh chết ngộp trong ấy hay không. Đã ác lại dại nữa. Một xác chết trong tủ em, sẽ đưa em vào tù dễ như chơi.
- Làm sao mà anh chết ngộp được. Nếu em đi, em đã lập thế cho anh ra.
- Làm sao em dám cho anh ra?
- Dễ ợt. Chẳng hạn, ra tới đường, em giả đò bỏ quên cái gì, chạy trở vào mở tủ ra, rồi trao chìa khóa thứ nhì cho anh để năm phút sau đó anh ra khỏi nhà rồi khóa cửa lại bên ngoài.
- Nhưng rủi em quên anh?
- Không thể quên được. Dầu sao em cũng phải dè dặt vì ai biết được rằng anh sẽ phá đám hay không. Và em xin lỗi anh về hành vi không đẹp của em. Chẳng qua là sự vạn bất đắc dĩ thôi anh à.
Thúy nói rồi đi lại tủ lạnh, vừa mở tủ lấy từ trong đó ra hai chai Coca Cola, vừa hỏi:
- Anh nghe giọng nó chớ?
- Nghe.
- Khi nãy anh nói anh không sợ nhưng khi biết nó là ai, là hạng người có thể có súng trong mình lại mạnh mẽ hơn anh gấp bội, anh có...
- Không, anh vẫn không sợ. Người ÂU MỸ họ dễ thông cảm về vấn đề nầy lắm. Nếu hắn bắt gặp anh khi rủi ro hắn đâm hứng, mở tủ ra, hắn chỉ sẽ cười ngất là cùng. Anh tiếc là không được gặp mặt hắn.
Thúy mở nút chai, thọc vào hai chai nước ngọt ấy hai ống sậy rồi trở lại, trao một chai cho người bạn cũ.
- Cám ơn em.
- Anh đừng tưởng là người ÂU MỸ ai cũng thế.
- Chắc như vậy. Uổng quá, anh không được nói chuyện với nó vài phút.
- Đừng có nói điên. Đã bảo anh không sợ, nhưng em thì em sợ kia mà. Nó có thể không làm gì anh, nhưng sẽ nghi ngờ rồi bỏ rơi em.
- Người da trắng không ghen với dĩ vãng đâu.
- Không phải người da trắng nào cũng thế. Vả lại nó tin sao được rằng anh là người cũ. Anh nên biết cho mà đừng hờn em.
- Anh đâu có hờn. Anh cố ý đến ban đêm để gặp mặt nó, nhưng anh đã chịu chui vào tủ, nghĩa là anh rất biết tình cảnh của em nên mới nhượng bộ vào phút chót, mặc dầu anh tủi nhục lắm, thì không có chuyện giận hờn đâu em.
- Anh cố ý đến ban đêm để gặp nó?
- Ừ.
- Thật không?
- Thật đó chớ.
- Nghĩa là anh đã biết.
- Ừ, anh biết, biết hết.
Cả hai cùng im lặng rất lâu rồi Thúy hỏi:
- Anh biết cái gì?
Toàn cười ha hả mà rằng:
- Em đã phản chủ nghĩa của em, chủ nghĩa ĐỪNG HỎI TẠI SAO, ĐỪNG HỎI CÁI GÌ HẾT. À, anh đã
bắt quả tang.
- Anh bắt ai, mà quả tang cái gì?
- Chiều hôm qua, về tới Sàigòn sau tám tháng làm việc, thất bại và đi lang thang từ tỉnh nầy đến tỉnh khác. Anh ngồi ăn tại quán Ngân Đình ở bờ sông để hồi tưởng lại bữa ăn đầu tiên của ta, cũng ở đó. Tình cờ ngước trông lên tàu Mỹ Cảnh, anh thấy em mặc đầm, đội chiếc nón rơm lớn vành, đứng ẹo người, dựa lan can cho hắn chụp hình. Máu ghen anh sôi lên, nhưng thằng bạn đi với anh nó vỗ về anh rồi cho anh biết về đời em trong mấy tháng nay...
- Thật là rủi ro cho anh. Đã thế lại còn muốn rủi ro thêm, tìm đến đây để biết nhiều hơn nữa.
Bỗng Thúy sực nhớ lại một điều kỳ dị là từ nãy giờ hai người cứ đứng mãi mà đàm thoại với nhau.
- Mời anh ngồi chớ.
Cả hai cùng ngồi mỗi người trên một chiếc ghế sa lông, đối diện với nhau. Nhưng Thúy lại vụt đứng trở lên liền, vừa bước ra khỏi ghế vừa nói:
- Anh uống nước đi. Em đã lú lẫn rồi quên mất mở quạt. Anh mồ hôi nhễ nhại thế nầy.
Nàng cho chạy cây quạt máy đứng, đặt dựa tường cạnh đó.
Mặc dầu trời mưa Toàn lại nóng nực vì đã bị nhốt trong tủ lâu quá.
Trong khi Thúy trở lại ghế mà ngồi, Toàn đưa mắt nhìn qua căn nhà rồi khen:
- Nhà sang trọng quá! Sang trọng hơn căn nhà của ta hồi đó nhiều. À, căn nhà ấy...
- Căn nhà anh thuê cho em ở lúc đó, em đã sang lại cho người khác. Nó chê chỗ đó bất tiện.
- Nó bao em mỗi tháng bao nhiêu?
- Tám ngàn.
- Trời, chỉ có tám ngàn thôi à?
- Thế mà còn hơn tụi nó nhiều bực. Họ mang tiếng là dân của một nước giàu nhưng tiền bạc của họ cũng chỉ có hạn thôi. Có đứa chỉ đưọc bao có bốn ngàn mỗi tháng.
- Em bán rẻ em quá. Thế mà còn phải sợ nó nữa!
- Em biết sao bây giờ! Tiền bạc ngày nay tuy không nặng giá bao nhiêu, nhưng rất là khó kiếm.
- Nhưng làm sao em đủ để mà tiêu xài?
- Em chỉ ăn trưa ở nhà mà thôi, còn tối nào cũng đi ăn với nó hết, trừ đêm nay. Coi hát coi xướng cũng đi với nó. Thỉnh thoảng nó tặng son phấn, nước hoa, hàng vải thì cũng tạm đủ.
- Chớ không dư?
- Anh tính, còn làm thế nào mà có dư được.
- Nhưng sao nghe nói có người có dư?
- Họ khác, em khác.
- Em khác thế nào?
- Nó định cưới em, nên em giữ mình. Còn tụi khác thì nhảy dù.
- Nó định cưới em?
- Ừ.
- Nghiêm trang mà nói chớ!
- Biết đâu được, còn tùy thuộc nhiều yếu tố lắm anh à, nhưng hiện giờ nó thành thật và đã nghiêm trang nói chuyện hôn nhơn.
- Thế còn ông Thành?
- Anh cũng phải đoán hiểu rằng ông ấy đã bỏ rơi em. Chỉ nhìn nhan sắc tàn phai của em đây là anh hiểu cả rồi. Em tiều tụy lắm hay không?
- Kể ra thì em còn khá nhiều phong độ.
- Em hư thai, sa sút về thể chất đi, nên ông ấy bỏ rơi em.
- Còn bé Bích Thủy?
- Đã chết rồi.
- Tội nghiệp.
Hai người lặng thinh lâu lắm, Thúy lại hỏi:
- Em có già lắm không?
Nỗi băn khoăn lớn nhứt của phụ nữ là sợ già, sợ xấu. Họ hỏi mà không mong người đáp nói lên sự thật, chỉ ngầm hi vọng người ta nói láo thôi, hoặc nguời ta thấy sai về sự phấn lợt hương phai của họ.
- Chiều hôm qua, em mặc đầm, đội nón rơm, trông cứ như là nữ sinh.
- Mặc đầm luôn luôn xem trẻ hơn mặc ta.
- Sao đêm nay em lại mặc ta?
- Ấy, vì nó thích như vậy. Nó ưa màu sắc địa phương mà! Nó định cưới em, chắc cũng chỉ mang em về xứ nó một thứ quà của nước non xa lạ, như một con chim xanh, đỏ, vàng, tím rực rỡ nhiều màu, một khóm lan rừng của rừng nhiệt đới, vậy thôi, chớ em nào có đức tính gì hơn đàn bà của xứ đó đâu. Anh thấy hay không? Đừng hỏi tại sao thế nầy, thế kia cả, vì duyên cớ của sự việc rắc rối, dị kỳ lắm, rất khó nói ra. À, ta đi ăn cái gì nhá! Em đợi nó đưa đi ăn cơm, nên đói lắm.
- Anh đã no tới cổ. Em không xấu hổ mà đi với anh hay sao?
- Lại hỏi nữa! Sao lại xấu hổ?
- Anh là kẻ chiến bại trên đường đời, trông thấy là biết ngay, còn tệ hơn hồi ở tù mới ra nữa.
- Trước khác, giờ khác. Giờ em không mong lấy chồng Việt Nam nữa thì...Vả lại, ta sẽ núp trong xó nào đó mà ăn bánh cuốn chẳng hạn, ai thấy được mà sợ. Nhưng em nói ra điều đó, tức là nhận rằng có sự xấu hổ và anh phải tức giận, vậy đừng hỏi tại sao hết.
- Kha...kha... kha. Tấm lòng tọc mạch từ đây xin chừa.
- Bây giờ tới phiên em xé rào, hỏi anh đây. Nhưng em chỉ hỏi những điều không hề lôi ra chuyện buồn. Anh định làm gì?
- Anh định đến hỏi em mấy điều rồi đi tự tử.
- Sao lại hỏi rồi mới tự tử.
- Vì anh không ham chết. Anh hỏi với hi vọng em nói láo để anh khỏi phải tự tử. Không dè em lại nói thật cả.
- Thành thử anh sẽ tự tử phải không?
- Không. Sự thật vừa vừa làm cho con người không thích sống nữa. Nhưng sự thật trắng trợn như thế đó, sự thật phũ phàng quá như vậy lại làm cho con người ê chề, tê tái quá đến đỗi họ không thiết chết nữa.
- Hoan hô! Không chết thì sống. Và sống thì sẽ làm cái gì. Vậy anh định làm gì?
- Anh định không làm gì cả. Làm gì được bây giờ với hai bàn tay trắng...
- Anh có thể đạp xích lô chớ?
- Anh đủ sức khỏe để làm công việc đó, nhưng anh không có gan làm.
- Anh thấy chưa? Em cũng đủ sức khỏe để gánh chè đậu đi bán, nhưng em cũng không có can đảm buôn gánh bán bưng, vậy đừng có hỏi tại sao mà em làm như thế nầy và nhứt là đừng có trách em.
- Không anh không còn trách em về điều gì nữa hết, vì anh đã biết đời, nhứt là nhờ anh đã biết anh. Anh nhiều thành kiến như em, không dám đẩy một xe nước mía thì gặp hồi đen, anh dễ tuột đốc, em cũng thế.
- Hoan hô sự hiểu biết của anh. Nhưng anh phải làm cái gì chớ?
Toàn thở dài mà rằng:
- Chẳng những không làm gì được mà cho đến có cơm ăn hằng bữa, chưa chắc anh sẽ có. Em nè, anh không định đến đây để nhờ cậy em cái gì cả, còn trái lại nữa vì ngay hồi chiều nầy, anh còn oán ghét em lắm. Nhưng sau buổi nói chuyện, anh đã tỉnh ngộ, hết giận hờn em rồi, và nhơn em hỏi về tương lai anh, anh mới nghĩ ra sáng kiến nầy: hình như quả thật em không có dư, đúng y như em đã nói. Nhưng có thế nào em rán chạy cho anh độ mười ngàn đồng hay không? Cố gắng thử xem.
Thúy châu mày, cắn môi dưới lặng thinh suy nghĩ.
Thình lình lại có tiếng gõ cửa.
Cộp... cộp... cộp...
Thúy hốt hoảng đứng lên, quýnh quáng, toan níu Toàn để lôi trở vào tủ như khi nãy, vì nàng đinh ninh rằng gã ngoại kiều trở lại vì lẽ gì đó hoặc đến phút chót hắn được tha khỏi phải làm việc hoặc hắn quên dặn một điều gì quan trọng lắm.
Nhưng lần nầy Toàn nhứt định ngồi lì nơi ghế, không chịu nhúc nhích.
- Em van anh!
Thúy đoán biết Toàn quyết mọc rễ nơi ghế, khi nhìn thấy đôi mắt khiêu khích của chàng, nên lại phải hạ mình năn nỉ như lúc nãy.
- Không.
- Em lạy anh.
- Nhứt định không. Mất nhân phẩm anh lắm, thà là anh chịu một viên đạn vào đầu còn mát ruột hơn.
- Nhưng anh nên nghĩ tới người khác chớ. Tương lai của em không cân nặng bằng nhơn phẩm của anh hay sao?
- Không. Nhơn phẩm của con người phải ở trên tất cả.
- Trời ơi, chết tôi rồi.
Thúy kêu lên rồi té ngồi trên chiếc ghế nhỏ đặt cạnh ghế của Toàn. Toàn đứng dậy, bước mau ra cửa trong khi ngoài ấy tiếng một chất cứng chẳng hạn như cái ống bíp, gõ vào gỗ mạnh hơn khi nãy và nghe nhịp nhặt của tiếng gõ cửa đoán biết được rằng người khách sốt ruột lắm.
Thúy khủng khiếp, kêu rú lên một tiếng, nhưng không phản ứng kịp.
Cửa đã được Thúy khóa lại cẩn thận khi nãy, Toàn vặn khóa rồi mở cửa ra thật lẹ.
Bấy giờ chính chàng cũng kêu lên, kêu nho nhỏ hơn Thúy một tiếng kêu kinh ngạc.
Người xuất hiện ra nơi khung cửa, trên nền đen bên ngoài là... một mụ đàn bà trạc năm mươi. Mụ ta đã gõ cửa bằng cán dù của mụ.
Thúy bụm mặt mà khóc nên không thấy khách.
Toàn há hốc mà nhìn người đàn bà cao niên ấy, cao niên nhưng vẫn son phấn và ăn mặc lòe loẹt, ú ớ muốn hỏi gì, nhưng không hỏi được.
Người khách tỉnh ra, vừa nhìn chàng vừa mỉm cười, vừa đưa mắt vào trong tìm chủ nhà.
Thấy Thúy đang nức nở, bà ta nói:
- Xin lỗi, tôi không dè đang có sóng gió ở đây, nhưng đã trót bắt chợt gia đạo của cô Thúy, tôi cứ xin được tiếp, để rồi tạ tội sau.
Nghe tiếng người khách, Thúy hoàn hồn, ngước lên ngay và cười trong khi nước mắt nước mũi còn choàm ngoàm.
- A, dì tư! Thúy reo lên, mừng như em bé mừng mẹ đi chợ về. Vô chơi dì tư.
Toàn lặng lẽ bước tránh đi cho khách vào nhà. Thúy đứng dậy bước tới đón khách và giới thiệu:
- Anh Toàn, bạn của cháu
- Dì tư, một người quen của em.
Khách ngã đầu chào rất lịch sự:
- Hân hạnh được biết ông Toàn.
- Hân hạnh.
Thúy làm thinh chỉ ghế. Bà khách vừa ngồi xuống vừa nói:
- Xin lỗi cô Thúy nhé.
- Ơ... không, không có gì. Tụi nầy giận nhau ấy mà. Đó là chuyện cơm bữa. Nhưng cháu đã căn dặn dì nhiều lần là đừng có đến ban đêm, sao dì lại...
Bà khách vừa cười vừa chỉ Toàn mà nói:
- Bồ của cô đến thì nguy hiểm hơn tôi chớ, mà ông ấy còn đến được, huống hồ gì tôi là đàn bà.
- Ấy, vì thế mà cháu mới khóc.
- Nói chơi với cô chớ tôi rất nhớ lời cô dặn và rất kể đến lời dặn dò ấy. Nhưng vì có chuyện rất cần. Vả lại tôi biết đêm nay ông không ở lại.
Thúy hết hồn và ngạc nhiên hỏi:
- Sao dì biết. Mà thôi, không hỏi, dì cũng đừng cắt nghĩa mất công.
Bà khách đưa mắt nhìn Toàn rồi nhìn Thúy, thầm hỏi nàng điều gì, Thúy cười đáp:
- Dì có gì muốn nói cứ nói.
Họ có những lối nói lóng, nói bóng, nói ẩn, mà chỉ có họ là hiểu với nhau thôi, nên Thúy thấy không phải ngại gì cho lắm, trước sự có mặt của Toàn.
- Cái chuyện đó, đó mà!
Thúy châu mày cắn môi, giữ sự im lặng rất lâu, mắt nhìn rất xa đâu trong khoảng vắng nào. Đoạn nàng nhìn Toàn, không phải nhìn mặt chàng mà nhìn chiếc sơ mi tưa cổ, nhìn đôi giày tàn của chàng, mặt đăm chiêu, suy nghĩ dữ lắm.
Rồi nàng thở dài mà nói với bà khách:
- Cháu đã trả lời dứt khoát với dì từ lâu rồi kia mà.
- Biết vậy, nhưng tôi phải bền chí, ai lại không thường đổi ý vì một hoàn cảnh mới nào nó xảy đến bất ngờ.
Lại im lặng. Thúy suy nghĩ còn nhiều hơn khi nãy nữa, đoạn lại thở dài:
- Dì nói có lý. Có những hoàn cảnh mới, xảy đến bất ngờ, làm đảo lộn cả dự định của mình.
- Ấy, ít ra mấy mươi năm sống của tôi cũng cho tôi được mớ kinh nghiệm nào về cuộc đời.
- Dì bảo đảm an ninh chớ? Thúy hỏi.
- An ninh một trăm phần trăm.
- Còn vấn đề tiền nong?
- Y như tôi đã đề nghị.
Toàn chợt hiểu, tái mặt và run lên, Chàng dợm đứng dậy, toan nói cái gì nhưng Thúy thấy
kịp, đưa tay ra chận lại mà rằng:
- Suỵt!
Đoạn nàng nói với bà khách bằng một giọng cương quết:
- Vậy ngày mai.
- Quí hóa lắm. Chín giờ sáng cô nhé.
- Tôi sẽ đúng hẹn.
- Thôi xin phép cô. Ông còn ở chơi.
Thúy tiễn khách ra ngoài, trở vào ngay, đóng cửa lại, nhìn Toàn mỉm cười và nói:
- Em trả lời câu hỏi của anh hồi nãy đây.
Mặt Toàn đã đổi từ màu tái xanh qua màu tím. Chàng nắm hai bàn tay run rẩy lại rồi đấm lên vế chàng, vừa đấm vừa hét:
- Không.
Thúy khi nãy thẹn thùa với bạn, đã đâm ra cố lì được, và bình thản hơn bao giờ cả, nàng nói:
- Em không thể chạy được số tiền mà anh hỏi. Em tiếc lắm. Xin anh biết cho thời buổi khó khăn nầy mà đồng tiền rút trốn mất hết, khó lòng mà vay mượn ai, đừng nói chi bạc vạn, chỉ năm bảy trăm, một ngàn cũng đã phải nói gãy lưỡi mà lắm khi họ còn không chịu lòi ra.
Nhưng em hứa chắc với anh rằng em có thể giúp anh mỗi ngày ba trăm bạc. Đó là em giúp không anh, nghĩa là tặng anh để tiêu xài chơi, không phải cho vay cho mượn gì đâu và anh khỏi phải thắc mắc về vấn đề hồi lại tiền ấy cho em.
Toàn lại đấm tay lên vế, vừa đấm, chơn chàng vừa giậm lên gạch:
- Không!
Thúy Vẫn bình thản nói tiếp:
- Hứa chắc như vậy. Và bắt đầu ngày mai đã có rồi. Mai mười giờ sáng anh đến đây, em trao tiền cho.
- Không! Toàn vừa nói vừa giậm cả hai chơn lên gạch, trông chàng hệt như một kẻ đã điên loạn.
- Anh chê ít hả? Nhưng em chỉ có thể cố gắng tới chừng ấy thôi.
- Không! Không! Và không!
- Hay anh bảo rằng chỉ cần một số tiền lớn thôi, còn năm ba trăm thì anh đủ sức kiếm? Chính khi nãy anh đã lo ngại cho chén cơm hằng bữa của anh kia mà!
- Im! Tức lắm! Tại sao em lại làm thế?
- Lại hỏi nữa. Đã bảo đừng hỏi tại sao kia mà!
- Nhưng tức lắm.
- Em không thể bỏ rơi hẳn một người bạn cũ. Ít ra em cũng phải có chút đỉnh gì để đáp nghĩa xưa.
- Ha... ha... ha... đáp nghĩa xưa? Em bảo em sẽ phủ nhận ơn anh, nếu anh kể ơn kia mà?
- Ừ, không ơn nhưng còn nghĩa. Một ngày cũng nghĩa, huống chi ta đã ăn ở với nhau mấy tháng trời.
- Hứ, mấy tháng trời! Trời ơi! Như là một giấc mộng!
Toàn thả rơi mình xuống ghế sau khi đã đứng lên mấy phút, đã bước tới toan đập cho Thúy mấy cái. Rồi chàng lại kêu than một mình, nhưng nói to lên:
- Trời ơi, tôi đã đặt lầm tình yêu, và nay tôi mới biết rõ chơn tướng của ai?
Thúy cười dòn một cách rất mỉa mai và hỏi:
- Anh biết thế nào? Anh cố ý mà biết phiến diện, cố ý mà chỉ thấy những điểm xấu của lòng em. Xấu đây là theo quan niệm của anh chớ em thì không thấy thế là xấu. Anh cố ý mà nhắm mắt trước hi sinh của em. Vâng, em hi sinh mà làm liều một việc mà chính anh cũng phản đối.
- Hi sinh cái gì mới được chớ?
- Hi sinh hạnh phúc của em. Nếu nó hay được, nó sẽ bỏ rơi em.
- Không làm sao mà nó hay được cả, thì không thể có vấn đề hi sinh. Em đừng có nói lớn lối.
- Nhưng tại sao anh lại ngăn em?
- Em phản bội chính em rồi. Đừng hỏi tại sao kia mà.
- Em dám hỏi vì em biết rằng câu trả lời của anh không thể động chạm tới em.
- Em chắc mười mươi như vậy không?
- Sao lại không. Điều hỏi mà chơi chớ em cũng đã biết vì sao rồi. Anh ngăn em vì anh còn hi vọng, hi vọng lên và hi vọng em bị nó bỏ rơi. Nếu sự việc xảy ra như vậy thì anh còn có thể vớt em được, bởi em chưa hoen ố lắm. Còn như mà em thuận theo đề nghị của dì tư hồi nãy thì...
- Kha... kha... kha... Em tưởng tượng giỏi lắm. Thật là suy bụng ta ra bụng người. Nhưng em lầm. Anh ngăn em vì anh không muốn làm ma cô.
- Ma cô có xấu gì hơn thụt kết đâu.
- Xấu hơn chớ. Kẻ thụt kết chỉ làm hại một ông nhà giàu, ông ấy không thể sạt nghiệp vì vố mất cắp đó. Còn thằng ma cạo thì rút rỉa xương máu của người nghèo, người đó lại là một phụ nữ yếu đuối.
- Té ra cũng có giai cấp trong giới lưu manh?
Toàn bất kể lời mắng rất nặng nề của Thúy, phá lên cười.
- Ha... ha... ha... Đừng hỏi tại sao? Bởi vì người hỏi sẽ thiệt. Đúng, đúng lắm. Em nói rất chí lý. Anh không muốn đáp cặn kẽ nhưng không thể đáp được, sau khi em thả rơi mặt nạ của em xuống mà mắng anh.
- Em can đảm nhìn nhận hành động của em, chỉ có ai kia mới đeo mặt nạ.
- Em can đảm? Xin cho phép anh ngờ. Anh ngăn em một là vì anh không muốn làm ma cạo, hai là để trả thù đó.
- Trả thù! Hừ! Té ra không phải chỉ có em là hèn.
- Vâng, ai cũng có thể hèn cả. Nhưng trả thù không hèn.
- Em thách anh đó! Anh làm gì được em? Anh trả thù cách nào?
- Anh không làm gì em cả. Anh chỉ ngăn cấm em thôi.
- Mai em nhứt định đi. Em thề quyết là em sẽ đi, không trời đất nào ngăn em được hết. Thế là anh hỏng giò trong cuộc trả thù hèn mạt của anh.
- Ha... ha... ha... Đâu có tự vệ dễ dàng như vậy được. Anh ngăn em đi không đưọc thì anh ngăn em an ổn tâm hồn. Cuộc hành hạ tinh thần nầy thì không trời đất nào cứu em được.
- An ổn tâm hồn à? Tâm hồn em luôn luôn an ổn, vì em không có làm gì phải xấu với lương tâm em.
- Biết đâu đấy. Chẳng hạn như thế nầy. Em đang túng tiền...
- Ừ, túng tiền đó, rồi sao?
- Không, mà em không túng tiền. Cái mới nặng tội hơn. Em đang no ấm nhưng lòng tham không thỏa, em cứ còn ham tiền.
- Ai lại không ham tiền.
- Biết vậy. Nhưng người ta không ham tiền đến đỗi làm bất cứ cái gì.
- Em làm bất cứ cái gì là để cho ai đó đừng chết thèm cà phê, đừng chết thèm la ve, đừng chết thèm trứng gà la cót...
- Thì nghe anh nói hết đã nào! Em ham tiền, cứ muốn cho đầy hồ bao. Nhưng nó lại không chịu tăng tiền cấp dưỡng. Nó đào ở đâu cho ra chớ. Nó cũng chỉ là công nhân lương có hạng, chớ có phải là ông hoàng đâu.
- Nên em mới nhảy dù hả! Phi ân bội nghĩa ơi là phi ân bội nghĩa! Mình ngỡ hi sinh cho họ, họ lại gán ý xấu cho mình.
- Ấy, chưa hết mà! Vốn là người tử tế, còn biết xấu biết tốt, em đã không dám, mặc dầu cái dì tư ấy đã rủ rê nhiều bận. Lương tâm em ngăn em làm liều.
- Đoạn nầy thì đúng sự thật.
- Đoạn nào cũng đúng sự thật tuốt hết, kể cả đoạn sau đây.
- Thật là nhàm tai.
- Lương tâm em ngăn em làm quấy, nhưng lòng tham lại xúi giục mạnh ghê hồn. Em đã khổ sở hết sức trong cuộc chiến đấu đó. Một điểm son cho em. Chợt một dịp may xảy đến: đó là sự cầu cứu của một người bạn cũ. Em mới tự bảo: "Hay lắm! Ta đã có cớ với lương tâm ta để mà nhảy dù rồi đây. Đã được tiền lại thơm danh là người có nghĩa!"
- Ơ kìa! Cái anh nói chuyện nghe vô duyên chưa!
- Ha... ha... ha... sự thật nào nói ra, nghe cũng vô duyên hết.
- Coi cái mặt kìa!
- Cái mặt anh sượng chớ sao, vì anh đã bị đánh trúng vào tim đen.
- Được, đã thế em cứ làm cho biết. Anh không nhận sự giúp đỡ, em cũng làm.
- Để bỉ mặt anh?
- Ừ đó.
- Đó là một cái cớ nữa để cho em dám. Ừ, sở dĩ ta liều mà hi sinh để giúp ai. Giờ ai đó không thèm thọ ơn, lại mắng ta thì ta cứ liều vậy cho bỏ ghét. Thế là lương tâm ta càng sẽ để ta an ổn hơn lên.
- Vô duyên.
- Có duyên lắm, cũng không ai thèm yêu tôi.
- Thôi, nhàm tai lắm. Có thèm cà phê thì mai ghé nhận tiền.
- Không dại. Không dại mà để em được an ổn tâm hồn.
- Nhưng anh từ chối mặc anh, em vẫn dám mà không hối hận gì cả.
- Chưa chắc là em sẽ không khó chịu. Những điều tôi giấu kín tận đáy lòng tôi, ai mà vạch ra, tôi không ngăn kịp, tôi nói rằng tôi không sợ. Nói thế, chớ suốt đời tôi vẫn khổ vì chỗ sâu kín bị vạch trần. Tôi không được cớ chánh đáng để mà làm xằng, nhưng tôi cứ làm xằng thì cái thiện căn nơi tôi không thể để tôi yên.
Toàn mỉm cười đắc thắng, đứng lên, trong khi Thúy bậm môi câm hận. Chàng nói:
- Anh không thể chúc em Good Night vì đêm nay hẳn là đêm không tốt cho em, khó lòng mà em sẽ ngủ yên được.
Trong khi Toàn quảy quả ra đi thì Thúy ôm mặt mà khóc.
Người thanh niên đã chiến bại trên đường đời nầy nghe lạ quá. Chàng không sầu, không đau khổ như mấy tháng nay nữa.
Mấy tháng nay, lòng chàng cứ quặn đau vì biết phải mất Thúy một cách vĩnh viễn, sau cái chết tai hại của ông Hiệu.
Lúc ra đi, không ngăn được Thúy rơi trở vào tay ông Thành, chàng cũng đau đớn lắm, nhưng vẫn còn hi vọng chinh phục lại nàng, bởi vì chàng rất lạc quan về tương lai của chàng mà chàng đang nắm chặt trong tay.
Tang thương xảy đến thình lình với sự bỏ dở công trình của nhà doanh nghiệp mà bà góa phụ không có can đảm tiếp tục, mà cũng chẳng có thương cuộc, xí nghiệp nào thèm mua lại.
Sáng kiến lớn không phải mỗi lúc mà có. Có được mãi chăng là những sáng kiến lặt vặt hợp với một ông chủ hiệu tạp hóa và không đưa người có sáng kiến đi tới đâu cả.
Vả lại cũng không dễ gì tìm ra một ông Hiệu thứ nhì, trong xã hội ta ngày nay, một kẻ đủ can đảm để thực hiện một sáng kiến táo bạo và lớn lao của người khác.
Toàn thấy rằng nếu chàng không rơi tuốt xuống sát đất thì giỏi lắm là kiếm được một chân thơ ký như trước là cùng. Và vĩnh biệt Thúy vậy.
Sau nhiều tháng đi bơ vơ như một kẻ mất quê hương, chàng trở về Sàigòn vì ở đây, dầu sao cũng dễ tìm sanh kế hơn ở bất kỳ nơi nào khác.
Chàng có gọi điện cho người bạn cũ là Mục thì hay rằng Thúy đã thôi làm điện thoại viên ở hãng Xucamêcô.
Chàng làm mặt lì, tìm đến thăm Thúy ở căn nhà trong đầu cầu chữ Y thì Thúy đã dọn đi đâu mất rồi.
Mãi cho đến nửa tháng sau, một chiều kia, chiều hôm qua nầy, chàng mới bắt gặp Thúy đứng trên bông tàu Mỹ Cảnh cho nhân tình của nàng chụp ảnh.
Chàng đã chết lặng đi trong mấy phút đồng hồ, người bạn cùng bàn với chàng an ủi chàng dữ lắm, chớ không thôi chàng đã nhảy luôn xuống sông, tại đầu mũi đất mà trên đó chàng đang ngồi.
Nhờ thằng bạn ấy biết nếp sống của Thúy về sau nầy, hỏi thăm giùm, chàng mới có địa chỉ mới của Thúy và mới mò tới đây để bị nhốt vào tủ, mặc dầu chàng không phạm tội nào cả.
Chàng đã nghe hết đau thình lình. Vố đánh ác liệt quá như đã giết chết luôn các dây thần kinh dẫn dắt xúc giác, khiến người bị đánh tái tê không còn biết đau đớn gì nữa cả.
Chàng đã hết mất Thúy trên tay người khác. Thúy đã chết rồi. Một cô Thúy sa cơ ngày trước đành phải làm nhơn tình của ông Thành cũng vẫn còn là Thúy. Một cô Thúy sa cơ ngày nay, bám vào một ngoại kiều với lời hứa hôn nhơn, cũng vẫn còn là Thúy.
Nhưng mà một cô Thúy đáp tiếng gọi của bà khách cao niên khi nãy, trong khi không có nhu cầu cấp bách nào thúc đẩy, không phải là Thúy nữa.
Nhưng mà chàng không thể tin nhiều lắm là Thúy đã chết vì sự thật là nàng vẫn còn. Nếu Thúy không chết thì có cái gì phải chết. Cái đó là tấm lòng chàng.
Nó chết lạnh, nó tê buốt như bị ngâm nước đá nhiều giờ.
Bước dưới những hạt mưa thưa, cứ dai dẳng rơi mãi, chàng cười khan lên, và lẩm bẩm: "A... ha... không có cái gì đứng vững cả. Tình yêu? Danh dự? Đức hạnh tối thiểu nào? Không, tất cả đều sụp đổ".
Chàng đã yêu thật, cứ ngỡ không bao giờ hết yêu Thúy được cả, cho dầu bị Thúy hất hủi hành hạ đến đâu đi nữa. Thế mà Thúy không có làm gì chàng hết, mà tự nhiên rồi chàng đã khỏi hẳn bịnh tình.
Chỉ cần một chút xíu gì đó thôi là một tòa lâu đài đồ sộ có thể đổ vỡ như chơi. Đừng hỏi tại sao mà con người lại quên đau khổ được để mà tiếp tục sống. Ký ức của họ không ngắn lắm đâu, và họ có thể nhớ đến năm mười năm, nếu không có gì xảy ra. Nhưng nếu người đã làm cho họ đau khổ mà có một tác phong nhỏ nào không xứng đáng với mối tình của họ nữa, họ sẽ ê chề đến không thiết... chết nữa.
Còn danh dự? A... ha... cũng thế. Chàng rất nhiều tự ái, nhưng lại mượn tiền của Thúy vì chàng bí quá không biết làm thế nào để tái khởi hành. Chàng đã xem rẻ danh dự của chàng chỉ vì đã bước tới con đường cùng.
Phía bên Thúy, nếu còn lại được cái gì nơi nàng thì cái đó phải là đức hạnh giai đoạn, giai đoạn tiền hôn với người ngoại kiều đã bao bọc cho nàng no ấm.
Nhưng một chút của hiếm hoi và dễ giữ đó, nàng giữ cũng không được. Đừng hỏi tại sao mà không có nhu cầu nào thúc đẩy, con người vẫn tuột dốc. Sao lại không có nhu cầu? Cái gì cũng có lý do sâu kín của nó cả.
Giáo dục của nhà Thúy không luyện cho nàng làm vợ thì nàng không thể làm vợ được, cho dẫu là vợ hờ của một ngoại kiều. Không quyết tâm làm vợ, nàng còn giữ gìn làm gì.
Thúy đã nhốt chàng trong tủ, không phải là sợ hụt làm vợ lắm, mà chỉ sợ mất một chỗ dựa tương đối dễ chịu trong lúc tiền bạc khan hiếm thôi.
Đêm hay, tâm trạng của Toàn còn đen tối hơn là vào đêm chàng sắp sửa lên đường đi Nha Trang. Đành rằng chàng đã thôi sầu, hết đau, nhưng sự trống rỗng còn dễ sợ hơn bất kỳ mối sầu tình nào.
Thật là ngao ngán như đứng trong cảnh tận thế, không còn biết sống sót lại để làm gì, trong khi kẻ sống sót không có chỗ nhắm nữa.
Hơn bao giờ hết, chàng cần một điểm tựa cho tinh thần. Đã sống, chàng biết rằng chỉ có một mối tình khác mới trị lành được một cuộc sầu tình, hay cải tử hoàn sanh được cho một cái chết của một tâm hồn.
Một mối tình khác? Ừ, nhưng chàng đã hết tin nơi tình yêu rồi thì không còn vấn đề tìm một mối tình khác nữa.
Nếu tự nhiên mà nó đến, lòng chàng sẽ được phục sinh. Nhưng chỉ có trong tiểu thuyết là tự nhiên nó đến mà thôi.
Toàn đi bộ rất lâu, trời dứt hột hồi nào chàng không hay. Chàng đã qua những con phố nào, chàng cũng không biết nữa.
Gió đêm thổi khô áo sơ mi chàng nhưng nó đã nhăn mặt. Chỉ còn chiếc quần fil à fil là có phong độ phần nào vì thứ vải ấy giữ lằn xếp rất giỏi.
Đôi giày tàn thì không sao vì có thể giấu được.
Toàn soát lại áo quần của chàng vì chàng vừa đi qua một quán rượu.
Quán nằm trong một khu phố ta, không có khách ngoại quốc, nhưng sang trọng như các quán rượu ở đường Tự do.
Chàng nhớ ra thì trong túi còn ba trăm bạc. Nếu ăn cơm ở các quán cơm xã hội, uống cà phê ở các tiệm nước cắc chú thì cũng lây lất được mười ngày. Nhưng để làm gì trong mười ngày ấy? Và sau đó rồi sẽ ra sao?
Khi nãy chàng nghĩ rằng chỉ có trong tiểu thuyết là mối tình mới tự nhiên đến, và chàng đã mơ chơi, một cuộc đời tiểu thuyết như vậy: chàng toan tự tử thì được nàng cứu thoát rồi nghe chàng tâm sự, nàng thương xót quá, an ủi chàng một cách cụ thể.
Và vì đang sống trong không khí tiểu thuyết, chàng đánh liều nhắm mắt như nhơn vật tiểu thuyết và hơi tin rằng sẽ có may mắn nào xảy đến.
Thế nên chàng quyết xài cho hết số tiền cuối cùng còn sót lại ấy.
Quán là một căn phố gạch, mặt tiền trang hoàng bằng một lớp tre mỡ chẻ làm hai đóng lên vách tường trông như vách nhà tranh ở thôn quê.
Cửa sổ, song sắt cũng thay bằng tre mỡ nguyên thân, có lẽ là tre giả gì đó là những đoạn tre ngọn có cả cành nhỏ với rất nhiều lá, cố để che kín bên trong mà không phạm luật lệ đô thành 1. Tre ngọn thật thì đâu có bền để dùng làm song cửa được.
Cái quầy chạy dài từ ngoài vào trong, sâu độ chín thước. Sau quầy, hai
cô chiêu đãi viên áo choàng trắng đang ngồi ngáp vặt.
Mấy chiếc ghế cao giò không có khách ngồi, trông càng ốm nhom hơn là khi phải chở nặng.
Mười giờ đêm.
Mặc dầu có vẻ thất trận, Toàn vẫn được hoan nghênh ngay. Hôm nay hăm bốn, trời lại mưa dầm, buồn cho đến chiêu đãi viên cũng nghe cô đơn.
Cô bán rượu phía ngoài xấu hơn cô bên trong, đang đọc báo hàng tuần, mà thoạt trông, Toàn phải chú ý ngay đến nhan sắc của cô ta.
Nhưng đã trót được người thứ nhứt chào đón, chàng không nỡ ác mà đi tuốt vào trong.
- Anh uống chi?
- Cassis.
- Như đờn bà vậy à?
- Nhưng có hay không cái đã.
- Sao lại không.
- Quán có tiếp đàn bà sao?
- Không.
- Sao lại sắm Cassis?
- Để đợi anh.
Cô chiêu đãi uể oải day vào trong mà kệ rượu đặt sát vách, chỉ cách cô ta có mấy tấc, vừa tầm tay của cô ta lắm.
Đặt ly rượu trên mặt quày nàng hỏi:
- Anh ở xóm nào mà đi lạc vào đây?
- Anh ở tận ngả ba chú Ía lận.
- Can đảm lắm.
- Sao lại can đảm?
- Vì anh dám thú thật chỗ ở danh tiếng của anh.
- Nói chơi với em chớ anh làm ăn trên Pleiku mới về Saigon sau năm năm vắng mặt ở thủ đô.
- Hèn gì.
- Sao lại hèn gì?
Toàn không đợi cô bán rượu trả lời. Chàng liếc nhìn cô nữ chiêu đãi phía trong, bây giờ đã xếp tập báo lại, nhìn lần chót bức ảnh màu của cô đào nào không rõ, in trên bìa báo, rồi day mặt ra ngoài mà nhìn khách để xem coi quen hay lạ.
Trong khi nàng giựt mình nhìn Toàn trân trối thì Toàn bợ ngợ nửa nhớ nửa quên cái gương mặt lạ mà dường như rất quen ấy!
Gần ba phút đồng hồ qua, thiếu nữ bên trong mới tuột xuống ghế cao của nàng, bước ra ngoài mỉm cười và cúi đầu chào người khách đang trố mắt nhìn nàng.
- Anh! Lâu dữ.
Toàn càng ngạc nhiên hơn. Câu chào hỏi của nàng chỉ thường thôi nhưng cái cúi đầu không thuộc tác phong của nữ chiêu đãi viên quán rượu với khách nhậu.
- À em, mạnh giỏi?
Toàn vẫn chưa nhận ra nàng là ai. Chàng ngạc nhiên lắm vì chàng không hay la cà các quán rượu và không hề quen với cô chiêu đãi nào bao giờ.
Thiếu nữ cười hỏi:
- Anh quên em rồi chắc? Quán Địa cầu.
- À...
Toàn kêu lên như vậy rồi chưa uống rượu mà lảo đảo muốn rơi xuống khỏi ghế.
Trời ơi, cô thu ngân viên ngây thơ như nữ sinh ngày nào. Sự thay đổi đột ngột quá, tàn nhẫn quá, khiến Toàn nghe như bị ai đánh một vố thật mạnh lên đầu làm cho chàng choáng váng cả người.
Cô gái ngây thơ ấy bây giờ ma ky dê dữ dội, uốn tóc như một me Tây, khó lòng mà nhìn ra nàng được, chính vì lối hóa trang hạ cấp nó làm cho nàng già và khác đi. Và quả nàng già thật.
Trời ơi! Mới có non một năm sao nàng lại xuống mau lẹ quá thế nầy? Xuống ở địa vị, ở thân thể, ở cả tác phong nữa.
Ừ, nàng đã mang tác phong của một cô chiêu đãi viên, không quen với chàng hơn trước mà lại gọi chàng bằng anh chớ không
phải bằng ông như trước.
- À... cô... em... Sao em ra thế nầy?
- Đừng hỏi tại sao...
Toàn lại trố mắt nhìn cô gái rồi bật cười. Nàng có học một sách một vở với Thúy hay không mà vẫn có nhơn sinh quan y như Thúy và ăn nói như Thúy.
- Đừng hỏi tại sao à? A... ha... ha... ngộ lắm! Rất nhiều người bảo anh như vậy, thét rồi
anh cũng phải thấy rằng như vậy là hơn. Ừ, đừng hỏi tại sao, rất đồng ý.
- Và anh cũng đừng nói: "Sao ra thế nầy?" Nói như vậy mích lòng bạn em lắm, mặc dầu làm em rất hãnh diện đã có một thời ở trên cao.
- Đồng ý.
- Còn chị ấy đâu?
- Đi rồi. Hay nói cho đúng ra, chính anh đã đi rồi.
- Sao vậy?
- Đừng hỏi tại sao.
Toàn áp dụng liền câu "ĐỪNG HỎI TẠI SAO" của bọn sa ngã và thấy rằng châm ngôn ấy rất tiện, đã khỏi phải cắt nghĩa lôi thôi về những điều không đẹp lắm, lại có vẻ văn chương, triết lý hết sức.
Cô gái và bạn của cô ta đều cười dòn lên. Cô gái nói:
- Ta chỉ nên sống với hiện tại thôi.
- Khôn ngoan lắm. Em học đời không đầy một năm mà đã khôn bằng anh học suốt ba bốn năm dài. À, em tên gì?
- Cứ gọi em là Thủy Tiên.
- Ngày xưa em có tên mà anh quên mất, giờ...
- Giờ em chỉ mang biệt hiệu thôi, nhưng biệt hiệu vẫn hơn tên chớ.
- Cái đó còn tùy. Nguyễn thị Hai tuy thông thường, nhưng hay hơn là Thủy Tiên mà bất kỳ ai cũng mang được. À quên tự giới thiệu, anh là Phong Võ!
- Biệt hiệu hay tên thật?
- Tên thật. Đàn ông thì chỉ có văn nghệ sĩ mới được phép lấy biệt hiệu, không như các em.
Cô chiêu đãi viên đầu thấy mình dư nên tự ý rút lui. Cô ta vào trong tắt chiếc máy hát âm thanh nổi đang hát nhạc ngoại quốc và mở ra dô có lẽ để nghe vọng cổ mà cô ta thích hơn.
Nhưng lại gặp lúc ngâm thơ. Tuy thế, cô ta vẫn để vậy mà nghe cho đỡ ghiền.
Nếu nói về sự ủy mị riêng của nhạc điệu mà không kể đến lời thì có phải chăng những điệu hò mái đẩy, những điệu ngâm thơ, ủy mị hơn bất kỳ bản tân nhạc buồn thê thảm nào?
- Chưa bao giờ buồn thế! Toàn than.
- Chắc mới bị mọc sừng nên chưa nguôi? Thủy Tiên hỏi.
- Tệ hơn nữa.
- Em không tưởng tượng nổi đàn ông làm thế nào để phải chịu một cảnh tệ hơn là mọc sừng.
- Mọc sừng thì buồn, thì đau nhưng đau buồn vẫn dễ chịu hơn là cái đó.
- Cái đó là cái gì?
- Nói không được.
- Rắc rối lắm. Nhưng cứ tới đây là vui. Em an ủi cho.
- Anh muốn lắm. Ngặt không tiền.
- Ráng mà chạy tiền. Không tiền thì đừng có mong gì.
- Em nói rất đúng. Ly rượu nầy bao nhiêu?
- Bốn chục.
- Không có bốn chục với lại mười đồng để buộc boa em thì còn mong gì vào đây.
- Anh khỏi buộc boa em.
- Sao vậy? Em sống bằng gì?
- Bằng buộc boa. Em làm không có lương. Nhưng tha anh khoản đó.
- Sao anh lại được hưởng ân huệ đặc biệt ấy?
- Vì ta đồng cảnh ngộ. Tha cho bạn đồng tâm, đồng chí, vậy mà.
- Nhưng vẫn phải có bốn chục.
- Cố nhiên, vì quán không phải của em.
- Còn cái gì của em thì khỏi tốn hử?
- Chẳng hạn như cái gì?
- Trái tim em chẳng hạn.
- Em không còn trái tim nữa.
- Vậy à? Như Tỷ Cang vậy? Ghê quá!
- Nhưng em sẽ không chết như Tỷ Cang.
- Trời ơi, mới non có một năm mà tim em đã mòn đến không còn nữa.
- Ừ, mau quá. Tại cái thằng ấy!
- Thằng nào?
- Cái thằng bồ lúc anh ghé Địa Cầu uống rượu.
- Thằng khốn nạn. Em có muốn trả thù không?
- Khỏi. Nếu phải trả thù thì nhơn loại sẽ chết hết vì thằng nào cũng như thằng nấy.
- Anh đâu có vậy.
- Chưa chắc.
- Khéo vơ đũa cả nắm!
- Sau thằng đó, em lại đã bị một thằng khác nữa. Lần sau đó chẳng những bị nó bỏ mà còn bị nó lường tiền, em phải mượn tiền kết mà giúp nó và phải bồi thường cho chủ bằng tất cả vốn liếng của em là món tiền thế chân và rốt cuộc bị cho nghỉ việc vì mất tín nhiệm.
- Cái thằng sau đó anh gả con Thúy cho nó là vừa.
- Con Thúy nào?
- Em không biết đâu. Giờ em sống bằng gì? Quán ế thế nầy làm sao kiếm buộc boa cho đủ ăn cơm.
- Em xoay.
- Thủy Tiên nè! Cả hai ta đều là nạn nhơn, tức là cả hai ta đều thật thà như nhau, anh nghĩ ta sẽ ở đời với nhau được.
- Vô ích.
- Em không nghe cô đơn sao?
- Đã có khách để em phục dịch tới khuya. Khuya về nhà, mệt mỏi quá, em ngủ ngay, không có thì giờ để mà nghe cô đơn.
- Nhưng nếu không có khách như đêm nay?
- Thì anh sẽ đến. Anh hứa đi, hứa đến những đêm mưa như đêm nay.
- Nhưng lỗ cho anh quá. Anh đến để an ủi em, lại phải tốn tiền rượu.
- An ủi em hay an ủi anh? Hãy thành thật mà nói đi. Nếu quả để an ủi em thì em sẽ tính. Nhưng đừng nói láo vô ích, em không thể tin đâu.
Toàn cưới khà. Ly cassis là rượu nhẹ đối với người khác, nhưng nó đã làm cho mặt chàng đỏ rần, và giọng cười của chàng dầy và nhựa như giọng của các bợm nhậu.
Trong kia người ta vừa hết ngâm thơ và cô chiêu đãi bạn của THỦY TIÊN ghét nhạc ngoại quốc nên tắt máy!
Dư vang của điệu ngâm thơ còn văng vẳng đâu đây, khiến Toàn sanh hứng cũng cất tiếng lên ngâm một bài thơ mà chàng thuộc trong tù.
Cả hai người nữ chiêu đãi viên đều bu lại để phục dịch có một người khách đệ nhứt thôi. Thật ra, họ bu lại để nghe người ấy ngâm thơ.
- Buồn bỏ mẹ. Bạn của Thủy-Tiên phê.
- Buồn sao cho bằng Vọng cổ của em.
- Không, Vọng cổ đâu có buồn đến thế.
Nhưng Thủy-Tiên lại có vẻ sung sướng, mặc dầu nàng cũng buồn và như đi vắng. Toàn biết rằng nỗi buồn do bài thơ gây ra là nỗi buồn dễ chịu, vì chính chàng cũng nghe dễ chịu hơn lúc mới vào đây.
- Thủy Tiên!
Cô thu ngân viên cũ giựt mình, day lại nói:
- Em đang ngồi trước mặt anh đây, còn kêu gọi làm gì?
- Ậy, phải kêu gọi như vậy mới mùi. Em Thủy Tiên nè, ta cần ra khỏi tình trạng nầy, nếu không, ta sẽ chết mất.
- Chưa chắc ta sẽ chết mất đâu. Nhưng thoát cách nào?
- Anh an ủi em và em an ủi anh.
- Nhưng anh lại sợ tốn tiền.
- Ờ... ờ... Mà không phải hẳn là sợ tốn tiền. Nói đúng ra là anh không có tiền.
- Em cũng không.
- Thì huề vậy. Ta an ủi suông nhau thôi.
- Nhưng có lẽ anh uống nước lạnh được còn em thì không.
- Chớ em uống cái gì?
- Em uống nước mía.
- Ăn gì?
- Ăn cơm với cá kho.
- Như vậy thì cũng dễ nuôi. Anh cứ lo sợ em tiêu xài như Thúy.
- Thúy nữa! Thúy nào đó vậy? Có phải là chị ấy hay không?
- Em không cần biết. À nè, hai em uống gì với anh chớ.
- Xem lại túi anh coi còn bao nhiêu.
- Ba trăm.
- Vậy em với con Xuân-Lan mỗi đứa một cái cassis, và anh thêm một cái nữa nhé.
- Ừ. Bốn cái chỉ có trăm sáu thôi, còn những trăm tư biết làm gì bây giờ!
- Bao tụi em về tắc xi.
- À, ý hay đó. Nhưng cũng còn tiền.
- Ta ăn cái gì trước khi về.
- Hay lắm! Cho thật sạch túi đêm nay.
- Rồi đêm mai?
- Anh sẽ kiếm được số tiền khác, cũng cứ ba trăm không hơn cũng không kém, nếu em chịu an ủi anh.
- Anh sẽ kiếm được ba trăm mà không ăn cơm à?
- Ăn chớ, nhưng anh ăn ở nhà em.

*

Toàn gõ cửa căn nhà số 718 đường Yersin hồi 11 giờ sáng.
Một cô bé mở cửa cho chàng và chàng thấy chủ nhà đang ăn... điểm tâm!
Cũng may là chàng đoán trước để biết giờ giấc của cô ta, chứ không, chàng đã đụng đầu với sự cấm cung.
Thúy chỉ hơi ngạc nhiên có một giây thôi rồi vui vẻ chào hỏi khách, mời khách ngồi.
- Anh uống cà phê với em nhé.
Thoạt tiên Toàn nghe buồn nôn hết mấy phút, cứ trợn trạo muốn ói nên không thể đáp.
Con người xinh đẹp trắng trẻo trước mặt chàng thế mà bẩn thỉu không thể tưởng tượng được.
Thủy Tiên cũng bẩn thỉu không kém, nhưng chỉ trước đây thôi và chàng tin rằng nàng ấy đã hết bẩn thỉu kể từ đêm rồi mà nàng đã bắt tình với chàng, không đòi hỏi gì cả mà chỉ xin được no bụng mỗi ngày hai bữa cơm và sẵn lòng ở nhà không đi bán rượu nữa, nếu chàng muốn thế và bảo đảm sự no ấm cho nàng.
Chàng muốn như thế lắm nên mới làm mặt chai mày đá mà trở lại chốn nầy.
Thúy bẩn thỉu mà không có lý do, không có nhu cầu như Thủy Tiên, vì thế mà Toàn thấy Thúy ghê tởm hơn.
Đàn bà họ ăn, thật là bất lợi cho họ. Họ phải hả miệng ra, và trình bày bên trong của môi họ, nó tái nhạt trước màu son bên ngoài, trông họ bịnh hoạn làm sao ấy, và muốn yêu mỹ nhơn tưởng không nên nhìn họ dùng bữa.
Đó là một khám phá mới lạ của Toàn. Nếu Toàn mà phổ biến khám phá nầy, chắc không người phụ nữ nào còn dám nhận lời của đàn ông mời họ đi ăn nữa.
Và đây là bí quyết mà phụ nữ nên theo: hễ ăn trước mặt đàn ông thì không lên ma-ky dê. Môi son tươi thắm sẽ đối chọi với sự tái lợt phía trong nó làm cho người ta thấy cái gì tàn tạ, cái gì phai màu rất là chán đời.
Hôm nay Thúy đã hai lần đáng nhờm. Toàn ghê tởm vì cuộc đời của nàng, hai tiếng đồng hồ trước đây và ghê tởm vì màu thịt tái bên trong môi của nàng.
Nhưng ly cà phê phin trông ngon quá và nghe thơm quá, sau tô phở, giúp cho ông khách trở lại bình thường được.
Thúy vừa uống vừa nói:
- Anh trở lại đây mà không mắng nhiếc em, tức là anh đã bỏ qua cho mọi việc. Và anh cứ làm thinh mãi, chắc anh có gì muốn nói mà khó nói lắm.
Chẳng muốn cãi rằng không phải thế, rằng sở dĩ chàng làm thinh vì buồn mữa, nhưng chợt nhận ra rằng quả cũng khó mở lời thật, nên lại tiếp tục làm thinh.
Thúy mở đường giùm cho bạn:
- Ta đã là vợ chồng với nhau một thời gian, tuy ngắn ngủi, vẫn là vợ chồng thì không còn gì phải giấu nhau cả. Anh có cần em giúp đỡ gì thì đó cũng là sự thường, có qua có lại, ai lại không gặp lúc khó khăn. Vậy anh lấy chút ít uống rượu anh nhé.
Nàng đã uống xong ly cà phê, con bé mở cửa khi nãy bưng ra một tách trà nóng, mà Toàn vẫn cứ làm thinh, sau một cái giựt mình.
Chàng không uống rượu, Thúy biết thế nhưng nàng lại dùng mấy tiếng "lấy chút ít uống rượu" có lẽ đó chỉ là một lối nói thôi, nhưng Toàn lại hoảng lên ngỡ nàng biết sự thật về đêm rồi, hoảng lên và hơi mắc cỡ.
Thúy lại đã uống xong chén trà tráng miệng.
Nàng đi mở tủ, lấy ba tờ giấy một trăm xỉa trước mặt Toàn và thêm:
- Không có điều kiện nào cả.
Toàn không làm sao mà không nhớ lại buổi đầu của cuộc tái ngộ của họ. Thúy giúp chàng, nhiều hơn thế nầy nữa kia, mà cũng cứ "không có điều kiện nào cả" thế mà rồi lần lần, chàng bị đưa đi từ cuộc phiêu lưu nầy đến cuộc phiêu lưu khách, nhục nhã ê chề biến chàng thành một tên vô lại hôm nay.
Phải, ông Thành đã mắng chàng không sai. Chàng là một tên ma cô đứt đi rồi, khi chàng đưa tay để nhận món tiền nầy. Mà chàng sẽ đưa tay ra, mặc dầu hiện giờ chàng còn do dự, còn một chút xíu thiện căn sót lại nó đang giằng co với sự tuột dốc cuối cùng của nhân phẩm chàng.
Toàn lại buồn nôn khi nhìn ba tờ giấy một trăm mới tinh khôi, và nếu để gần mũi chàng sẽ nghe mùi keo thơm, một thứ hương đặc biệt của sách mới.
Thúy lại nói:
- Như anh đã biết, em không dư dã. Vậy anh phải mất công mỗi ngày một phải trở lại đây.
Toàn làm thinh và lời ông Thành mắng chàng như còn văng vẳng bên tai chàng.
Năm ngoái, lời mắng ấy rất oan cho chàng nên chàng đã nổi giận mà tát tai ông ta. Oan vì, mặc dầu chàng hưởng của ông Thành qua tay Thúy, nhưng chàng không hề hay biết.
Giờ thì đã khác. Giờ chàng hành động một cách ý thức, biết rõ nguồn gốc của số tiền nầy.
Trong giây phút, trong cái bừng dậy cuối cùng và chớp nhoáng của thiện căn, Toàn tức sôi gan lên đã sắp bị biến thành một tên lưu manh thật sự, và thủ phạm của sự biến đổi con người chàng cũng không còn nguyên vẹn để cho chàng tôn thờ, làm điểm tựa tinh thần cho bước ngã của chàng bớt đau đớn, phần nào.
Chàng đã biến thành con thú dữ, đứng dậy nắm lấy đầu Thúy rồi đánh túi bụi vào má, vào đầu, vào vai vào ngực nàng.
Thoạt tiên Thúy kinh ngạc mà bị tấn công đột ngột và vô cớ như vậy. Nàng cố thoát và tìm hiểu và ngỡ Toàn chê ít, tưởng nàng có tiền mà xấu bụng. Nàng tức giận lắm, vừa vùng vẫy, vừa chưởi bới om sòm, vừa đánh trả lại.
Nhưng Toàn mạnh hơn nàng quá nhiều và bị đánh trả, hắn tức giận thêm, mạnh tay thêm và Thúy bị thoi ành ành rồi bị xô ngã trên gạch, bị đá đạp lên người nàng không biết bao nhiêu đá mà đếm.
Thúy chỉ còn rên khóc chớ không kêu la được nữa. Không phải là nàng không kêu cứu được mà tại nàng không muốn kêu cứu. Thúy thuộc vào hạng đàn bà đầu phục sức mạnh. Trước nàng xem thường Toàn vì Toàn nhiều tình cảm quá, hay nói chuyện buồn, nhắc chuyện buồn.
Trong con mắt của Thúy, Toàn là một người đàn bà, tệ hơn thế, một con hình bằng giấy bồi mà nàng xỏ mũi lôi kéo đi đâu nó cũng đi theo.
Sự tàn bạo bất ngờ của anh con trai nầy khiến nàng vụt đổi ý nghĩ của nàng về hắn ngay trong trận đòn đau: Toàn tỏ ra là một NGƯỜI ĐÀN ÔNG, có cá tánh riêng, có cá tánh mạnh.
Nàng vẫn còn oán hận sự phũ phàng của hắn, nhưng đã phục lăn hắn và quyết định đầu hàng.
- Tội nghiệp em anh ơi! Để em ráng thêm!
Toàn bật cười trước sự ngộ nhận âm thầm của Thúy mà giờ Thúy nói ra, chàng mới hay.
Sự đầu hàng của Thúy giúp chàng nguôi giận. Nhưng chàng không thương xót người đẹp, đúng theo những tâm trạng bình thường.
Trong sự đầu hàng ấy Thúy đã tỏ ra quá hèn, vâng, đầu phục sức mạnh là hèn, thì chàng không thể xem nàng là con người nữa.
Nói cho thật đúng ra thì tình cảm nơi chàng vừa chết vì chàng cũng đã không xem chàng là con người nữa. Con người đã phẫn nộ nên mới đang tay đánh kẻ yếu, đánh một người đẹp, nhưng cũng chính trong trận đánh đó mà cái con người còn sót lại chút ít ấy chợt nhận ra sự mất nhơn cách của mình, mất trước khi biến thành ma cô chánh hiệu bằng cách nhận món tiền của Thúy.
Nhưng sự mất trước chỉ là bước sơ khởi đồi trụy tinh thần mà thôi. Cái mất sau đó mới là mất vĩnh viễn.
Sau khi nghe Thúy nói lên ngộ nhận của nàng và đề nghị cố gắng thêm, chàng thấy là sự việc đã chuyển qua một hướng thuận lợi cho chàng và nhận ngay thuận lợi đó.
Đã tuột thì tuột luôn, Thúy cũng đã khinh chàng rồi (chàng không dè là Thúy phục chàng) thì cho khinh luôn vậy.
Đến đây chàng mới thấy là mất cả, là không còn gì nữa của cái nhơn cách của chàng.
Chàng đã trở thành một con thú, sẽ sống máy móc theo luật sinh lý là ăn, ngủ, bài tiết, không yêu, không thương, không nghĩ ngợi lôi thôi nữa.
Đừng hỏi tại sao mà một người hiền lành, lương thiện, bỗng dưng trở nên một con vật chỉ còn biết có nhu cầu của cơ thể.
Có những chi tiết nho nhỏ trong đời con người nó biến đổi họ từ từ ra như vậy mà chính họ cũng không hay. Người ngoài, cho dẫu là tay thầy tâm lý, theo dõi họ từng giây từng phút cũng khó lòng mà ghi nhận được các nguyên nhơn phức tạp của biến chuyển và chính sự biến chuyển đó. Họ chỉ có thể biết một cách tổng quát về nguyên nhơn lớn, nguyên nhơn nguyên thỉ nó đưa con người vào cái bước đầu đồi trụy.
Khôn ngoan của con người là cảnh cáo đồng loại chớ vào cái bước đó, vì bước rồi, sẽ bị đưa đẩy đi luôn, khó lòng mà thoát ra khỏi được cái guồng máy gồm nhiều trái khế nó quay tròn, nghiến nát ta như chơi.
Toàn bật cười và hỏi:
- Ráng thêm? Nhưng bao nhiêu?
- Bằng hai số đó.
- Thôi cũng được.
Nói xong chàng thò tay lấy ba tờ giấy một trăm nhét vào túi quần, thấy ba tờ giấy ấy sẽ biến thành thức ăn, thành rượu, thành quà biếu Thủy Tiên.
Chàng định quay lưng đi liền, nhưng nghĩ cần phải lì thêm, chàng cười lớn và nói với Thúy:
- Cả hai ta đều xuống thấp quá rồi, không còn đứa nào khinh đứa nào được nữa. Từ rày đừng có nhiều chuyện lôi thôi, gặp nhau là vui với nhau, còn không thích nhau thì a-lê, đoạn tuyệt.
- Đoạn tuyệt mà được với anh!
Thúy đã lồm cồm ngồi dậy từ lúc Toàn đừng tay chân đánh đập.
- Cứ được như thường, nếu Thúy mạnh hơn tôi.
Toàn đã xưng hộ theo lối khác, không xa lạ, cũng không thân như cũ.
- Anh là đàn ông, làm thế nào...
- Không tôi nói mạnh là mạnh cá tánh kia.
- Cá tánh anh là cá tánh đàn bà! Em chỉ thua anh về sức khỏe thôi.
Toàn giựt mình. Chàng hơi hiểu rằng Thúy đã đầu hàng bạo lực và càng khinh Thúy hơn. Đêm nay, chàng sẽ an vui trong quán của Thủy Tiên vì chàng sẽ không hối hận đã thành võ phu.
Chàng từ lương thiện qua lưu manh mà khỏi gặp giai đoạn giao thời dài và rõ rệt chính nhờ sự khinh rẻ nầy phần nào. Thúy không còn cân nặng gờ ram nào hết, và tự nhiên kẻ tôn thờ nàng cũng phải sụt cân thình lình trên cái cân giá trị con người.
Một bác sĩ Tây Phương nghiên cứu về bọn gái giang hồ và bọn ma cạo, kết luận rằng cả hai hạng người nầy đều bịnh hoạn tâm hồn.
Bọn gái buôn hương chai lòng chai dạ, chai cả thể xác nữa, rất cần bạo lực để kích thích chúng mà cũng cần che chở đàn ông bằng sự cấp dưỡng tiền bạc để được ảo tưởng có quyền uy mà chúng đã mất trong xã hội.
Bọn ma cạo, vì thế phải vừa võ phu, vừa yếu đuối tinh thần, vừa thất bại trên đường đời, tức là kẻ bịnh hoạn tâm trí rồi. Võ phu để kích thích bọn kia, yếu đuối tinh thần và thất bại trên đường đời để cần sự che chở của bọn giang hồ.
Thành thử bề ngoài, bọn ma cô thủ vai kẻ bảo vệ nhưng thật ra chúng là kẻ được bảo vệ.
Thúy và Toàn điển hình đúng y cuộc nghiên cứu y học nói trên.
Thúy đứng dậy nói:
- Anh lấy thêm chút đỉnh nhé.
Toàn ngạc nhiên. Chàng cứ ngỡ Thúy nói sẽ cố gắng là cho ngày mai, ngày mốt kia chớ.
- Thôi, bấy nhiêu đây đủ rồi. Cám ơn em và xin lỗi.
- Ta nên quên đi là hơn. Anh định đi à?
- Ừ.
- Ở lại với em vài giờ.
- Chi vậy?
- Ta xa nhau gần một năm rồi, lẽ nào ngày tái ngộ lại lạnh lạt như vầy.
Toàn ngạc nhiên hết sức và đâm sợ. Chàng sợ đây là mưu trá sâu độc của đàn bà quyết trả thù một cách ác hiểm trận đòn khi nãy. Ở lại, chàng sẽ bị ám hại chắc chắn.
Thúy vén lên mớ tóc rối nùi, bước đến gần bạn thỏ thẻ:
- Nhé, ạnh nhé!
Bạo lực đã kích thích con người tê liệt cả tâm hồn lẫn thể xác và anh con trai xoàng xĩnh ngày xưa đã trở nên quyến rủ kỳ lạ đối với nàng.
- Sau cuộc hiểu lầm nhau như vậy, anh tưởng đã hết rồi...
- Ta nên quên đi là hơn.
- Nhưng em sắp lấy chồng.
Thúy cười dòn rất dài rồi hỏi:
- Anh tin như vậy lắm hả?
- Té ra em bịa?
- Không, em không bịa. Quả hắn có hứa, nhưng làm sao mà tin hắn được.

*

Toàn ra khỏi nhà Thúy hồi bốn giờ chiều sau khi ăn vài trái lê, trái táo ngâm lạnh.
Chàng có cảm giác vừa ở hồng lâu ra. Ngày trước Thúy đã giả chết trong buổi ái ân, nhưng chàng vẫn sung sướng trong tinh thần vì hi vọng tình cảm của nàng sẽ biến chuyển thuận lợi cho chàng. Nhưng giờ Thúy đã sống dậy, sống mãnh liệt mà lòng chàng lại chết.
Khó chịu nhứt là chàng cũng không khinh không ghét Thúy được, Thúy không có trên đời nầy nữa. Thúy là thân của cây chuối lạnh, chàng nhờm nhờm, chớ cũng không được là chiếc gối như ngày ấy. Chiếc gối dầu sao cũng ấm phần nào.
Chàng đã ở lại vì xác thịt và ở lại xong chàng hối hận hết sức.
Giữa Thúy và chàng phải không còn gì nữa, mà nó có còn gì, thì chỉ nên về bên phía Thúy thôi. Mặc kệ nó. Chàng phải dứt khoát hẳn, phải bôi sổ nó.
Cuộc gần gũi hôm nay đã giết nó chết thêm một chút nữa trong lòng chàng thì khó chiu quá đi.
Chàng muốn đưa đám ma nó mà còn thương tiếc đôi phần trong lòng. Nhưng đã rủi ro và dại dột ở lại nên giờ chàng thấy nó chết như là một con chó ghẻ chết.
Không, tệ hơn nữa kia! Nó giống như một con heo chết chương, vì con chó dầu sao cũng dễ thương và đáng tiếc bởi trong những ngày tàn của nó, nó còn biết ngửi một người quen và vẫy đuôi mừng rỡ, còn tình cảm đôi phần.
"Con người có thể xuống thấp đến thế à?", Toàn tự hỏi thầm như vậy rồi rùng mình mà chợt nhớ ra rằng chính chàng còn xuống thấp hơn Thúy nữa.
Chàng đã thấy Thúy là con heo chết chương, chắc Thúy cũng thấy chàng là con trâu chết sình, con trâu mắc dịch ở nhà quê chết rồi bị các nông dân lười chôn, kéo xác xuống sông, chìm ba ngày rồi nổi lên, trôi theo dòng nước, biến thành một bữa tiệc ngon lành cho kênh kênh.
Thúy đã biến thành gái buôn hương bắt đầu bằng những cuộc nhảy dù do dì Tư xúi dục.
Nhưng gái buôn hương vẫn có thể còn thiên lương và có thể hoàn lương. Chí như ma cô thì không còn đường ngóc đầu được nữa.
Người ta có thể buôn hương mà chưa bịnh hoạn tâm hồn, buôn hương vì nhu cầu tiền bạc. Ma cô cũng cần tiền y như bọn bán phấn, nhưng chúng đã đi ăn cướp nếu chúng không đau ốm tinh thần.
Sống bám vào đàn bà, hẳn phải mắc một chứng bịnh tâm trí mà các y sĩ cho là nặng hơn bịnh của gái giang hồ nữa.
Thủy đã chết và chàng cũng đã chết.
Nhưng chàng là một thây ma đặc biệt, chết mà biết mình chết và muốn được hồi sinh.
Thế nên Toàn trông mau cho tới tối để đến với Thủy Tiên.
Thủy Tiên cũng xuống thấp, nhưng còn ở trên Thúy và chàng nhiều bực. Nàng chưa sa hẳn vào địa ngục.
Người chết ý thức rằng mình đã chết, muốn chờ kẻ chưa sa địa ngục hà sinh khí vào hắn cho hắn sống lại.
Hôm qua hắn chưa chết và chỉ thấy nơi cô bán rượu một nguồn vui tạm bợ giúp hắn quên sầu. Nay thì nguồn vui ấy trở nên quí báu vô cùng đối với hắn, bởi nó là một liều thuốc cải tử hoàn sanh.
Giữa hai kẻ hoen ố, cô bồi rượu hiện lên sáng rỡ như một góa phụ tiết hạnh khả phong vì cô điện thoại viên cũ đã bẩn thỉu đến tột cùng, so sánh hai người thì kẻ ngồi sau quày rượu có vẻ trắng tinh như chiếc áo choàng của cô ta.
Đêm nay, có tiền nhiều hơn đêm rồi, lại chắc bụng là ngày mai sẽ có tiền nữa, Toàn lại không thèm say, cũng từ chối luôn ly rượu mà Thủy Tiên xin.
Bọn nữ chiêu đãi viên không hề biết uống rượu nhưng cứ xin mỗi khách một ly, chọn toàn rượu mắc tiền, để nhắm một hớp rồi đổ. Thành thử khách chỉ uống được một ly mà phải trả tiền hai ba ly.
Cái ly thứ nhì, thứ ba đó bọn chiêu đãi ăn hoa hồng rất nhiều với chủ quán, chủ quán sẽ hưởng lời ít hơn là khách uống, bởi phải chia với các nàng. Nhưng nếu không nhờ họ, thì chủ quán sẽ không có cái lợi ít oi đó. Nếu một ly cho khách, lời bốn chục, một ly cho chiêu đãi viên chỉ còn lời hai chục thôi, thì sáu chục vẫn hơn bốn chục vậy.
Không, chàng phải hà tiện. Thủy Tiên nó phục chàng một hai đêm, đâu có bằng nó an ủi chàng một đời.
Mà muốn nó an ủi chàng một đời hay ít ra cũng vài năm thì phải nuôi nó. Muốn nuôi nó, phải có một lúc thật nhiều tiền, để dọn nhà, chớ năm ba trăm một ngày, không đưa tới đâu cả.
Đêm nay trời không mưa dầm, nhưng chuyển nặng để mưa lớn. Những đêm nóng bức như thế nầy, quán nào cũng đông khách cả vì khí hậu nặng nề đuổi đàn ông ra khỏi tổ ấm của họ.
Các bà nội trợ, bà nào cũng sợ mùa nực vì hễ mùa nực đến thì các ông bắt đầu đi ra ngoài cho tới mùa mưa sau. Mà trong giữa mùa mưa, các ông cũng đào ngũ gia đình hôm nào có bạn, nóng bức như đêm nay.
Đêm nay Thủy Tiên bận tíu tít khiến Toàn nghĩ khác ngay về lối tìm an ủi với nàng.
Thì giờ của cô bé nầy cô ta không thể dành trọn cho chàng được... trừ những đêm mưa dầm. Chàng lại ghen ghê lắm mỗi lần người ta bỡn cợt với nàng. Phải có ngay một số tiền lớn để kéo Thủy Tiên ra khỏi chốn nầy nếu nàng quả thật muốn ra, cố nhiên.
Chàng ngồi mỏi lưng quá, uống đã hết hai ly rượu mà Thủy Tiên chỉ nói chuyện được với chàng có hai lần, mỗi lần già năm phút rồi chạy đi phục dịch người khác.
Cái lũ uống rượu nầy, thằng nào cũng tính mọc rễ luôn ở đây cho tới giờ đóng cửa thì không mong vắng khách lát nữa đây.
Chàng tính nát trí mới ra một mưu rất xoàng, không hi vọng thành công. Chàng rút viết, lấy danh thiếp ra viết cho Thủy Tiên ba chữ.
"Thủy Tiên mến.
"Anh sắp tự tử. Nhưng lại còn ham sống. Chỉ cần có bạn là thoát chết. Nếu Thủy Tiên muốn trổ tài nữ kiếm hiệp thì giúp anh bám níu vào cuộc đời. Anh sẽ dọn nhà cho ta ở chung cho tới chừng nào một trong hai đứa chán đứa kia.
"Nếu Thủy Tiên muốn thảo luận hay đưa điều kiện gì khác, xin hẹn chiều mai tại Quán Cẩm Bình, đại lộ Lý thái Tổ, hồi bốn giờ.
"Rất nghiêm trang, đứa nào nói láo ông Táo bẻ cổ.
TOÀN
Chàng biếu Thủy Tiên năm chục bạc với tấm danh thiếp giấu dưới tờ giấy nửa trăm rồi ra đi, không ngoái lại lần nào cả.
Tấm danh thiếp lớn bảng quá, lòi ra ngoài, ai cũng thấy hết. Một ẩm khách cười hỏi:
- Thơ tình hắn viết có mùi hay không?
Thủy Tiên chưa đọc nhưng cũng đáp:
- Hắn là thi sĩ, mỗi đêm đến tặng một bài thơ chớ không phải trao thư tình.
- Hoan hô. Cho xem.
- Đâu có được. Xem rồi mất màu còn gì.
Thủy Tiên ngồi lại trước mặt một ông khách đã say mèm, lấy đanh thiếp để dưới mặt quầy mà đọc:
LÊ-VĂN-TOÀN
Phó Giám đốc
HÃNG PHA LÊ ĐẠI-VIỆT
Nha Trang  Sai gon
Nàng không khiếp nhục lắm vì nàng đã được thiếp của Bác sĩ, Kỷ sư, và Chánh Giám Đốc nữa kia mà cũng chẳng đi tới đâu cả nữa là.
Cái ông phó giám đốc nầy nói gì?
Thủy Tiên đọc hết bức thơ rồi không mỉm cười, cũng không phá lên cười như sau khi đọc nhiều bức thơ khác của người khác.
Cái anh chàng phó giám đốc nầy ăn nói khác thiên hạ hết thảy. Hắn không văn hoa để o mèo, không nói thương yêu gì ráo như thiên hạ, mà lại trắng trợn đề nghị ngay cái gì hắn muốn, trắng trợn cho biết tương lai bấp bênh của nàng nếu nàng thuận tình: "Cho đến chừng nào một trong hai đứa chán đứa kia."
Quả thật Thủy Tiên chưa hề đọc một bức thơ nào, nghe một đề nghị nào thô lổ, trân tráo và... thành thật như thế nầy.
Nàng chỉ nghe lời ngon tiếng ngọt, lời thề yêu tới bạc đầu, lời cầu khẩn bố thí tình yêu, lời hứa non vàng biển bạc, thét rồi nàng đâm ra ngờ vực một cách máy móc tất cả cái gì nghe êm đẹp, nghe rôm những viễn ảnh tương lai huy hoàng.
Cái anh chàng trắng trợn nầy không thề giả dối một khi hắn đã dám nói ra những điều không quyến rũ chút nào. Hắn cũng không thể xấu hơn trên thực tế vì hắn đã đề nghị một cuộc sống tệ nhứt rồi, không làm sao mà tệ hơn được nữa.
Tệ nhưng vẫn có đường, vì cái thời hạn mà họ sẽ chán nhau ấy, có thể kéo dài trên bai ba năm.
Hai ba năm khỏi thức đêm, nghĩ cũng đỡ khổ phần nào chớ.
Vì thế mà Thủy Tiên đã y hẹn.
Toàn ngạc nhiên. Chàng đúng hẹn mà không mong gặp cô bán rượu, vì chàng dư biết hạng người ấy bất cần lấy chồng, hoặc cóc cần ăn ở với ai một thời gian. Họ chuộng tự do hơn là làm vợ. Bằng như mà có làm nhơn tình thì họ phải được chinh phục khá lâu, chớ không nghe gọi là chạy tới ngay, trừ những ả kiếm tiền thì không kể.
- Thế nào, Toàn gọi món uống rồi hỏi.
- Chẳng có thế nào cả, anh gọi thì em đến.
- Nhưng nhận hay không?
- Tùy.
- Tùy. Đồng ý. Điều kiện nào?
- Không bị ai đánh ghen hết.
- Cái đó thì em khỏi lo. Em biết Thúy đã bỏ rơi anh nên anh mới sầu đến thế.
- Thúy nào vậy?
- Cô nàng đi ăn với anh ở hiệu Địa Cầu năm ngoái.
- Điều kiện thứ nhì là no ấm.
- Cố nhiên.
- Mức sống bằng mức sống của một gia đình công chức bực trung.
- Đồng ý.
- Nhà mới, chớ không phải nhà cũ của anh. Để tránh chị Thúy tìm đến.
- Đồng ý.
- Nhà thuê hay mua gì cũng được, nhưng em đứng tên để có chán nhau thì chính anh phải ra, chớ không phải em.
- Cũng được. Nhưng anh cũng có điều kiện của anh.
- Cứ nói.
- Anh hay ghen, vậy em không được đi làm nữa.
- Đồng ý.
- Thôi, anh không đòi hỏi gì thêm nữa. Em Thủy Tiên nè!
- Dạ.
- Tại sao em nhận dễ đàng quá như vậy. Mấy em khác, anh muốn đi với họ một đêm hay một tuần thì dễ thật đó, nhưng muốn cột họ lại như định cột em thì không đứa nào chịu hết.
- Đừng hỏi tại sao. Bởi vì em sẽ nói láo rằng em yêu anh.
Thủy Tiên từ hơn tháng nay mỗi chiều nàng cứ nghe hâm hâm nóng nhưng cứ như thế mãi mà không hề bịnh nặng hơn. Nàng lại mất ngủ, mặc dầu ăn tợn lắm.
Đi bác sĩ, thầy thuốc cho nàng hay rằng nàng bắt đầu đau phổi và khuyên nàng đừng có thức đêm nữa.
Cô bán rượu rất muốn giải nghệ để tránh vi trùng đụt khoét phổi cô ta, nhưng không làm sao giải nghệ được. Đây là dịp may xảy đến bất thần và chắc nàng gặp năm hên, năm hạn tuổi nên mới có một chàng ngốc định đem nàng về nhà.
Toàn thích chí hết sức trước câu trả lời chơn thật một cách trắng trợn như thế của Thủy Tiên. Thà là như vậy. Hai đứa đều không đứa nào ăn gian đứa nào, họ sẽ tâm đầu ý hiệp ghê lắm, và có xa nhau họ sẽ xa nhau trong tình bằng hữu, vui vẻ bắt tay nhau để ô rờ voa, không ai làm khổ ai hết.
- Chừng nào thực hiện trò chơi nầy? Thủy Tiên hỏi.
- Để anh tìm nhà cái đã. Nhưng kể từ hôm nay, anh ước ao em nghỉ việc. Không đòi hỏi lắm nhưng, được như vậy thì quí hơn.
Thủy Tiên cắn môi suy nghĩ một hơi rồi nói:
- Em muốn nhượng bộ lắm, ngặt không tiền ăn cơm.
- Mỗi bữa anh cho em trăm rưỡi. Đủ chớ?
- Rất đủ ăn cơm và ăn vặt. Nhưng không mua sắm gì được.
- Ráng đợi vài tuần. Nhưng anh biết em ở đâu để anh trao tiền?
- Em ở trọ cũng tại đường nầy, phía trên kia, gần ngã bảy, số 978/45/76F.
- Anh sẽ tìm tới đó.
Toàn chia tay với Thủy Tiên liền và nghe mình còn mang bịnh nặng hơn nữa.
Nếu cô bán rượu sắp giải nghệ, làm bộ, làm tịch, làm khó, làm dễ để chàng phải chinh phục, chắc chàng nhẹ bớt đi phần nào cái bịnh chán chường phát ra từ lúc bị nhốt trong tủ của Thúy, Từ lúc chợt hiểu đề nghị của bà khách của Thúy, từ lúc võ phu với nàng rồi nhận tiền nàng và nhứt là qua với nàng một buổi trưa.
Thủy Tiên không thơm nhưng ít thúi hơn Thúy. Trong khi cấp bách cần trị bịnh kẻo chết đến nơi, chàng quơ cái ít thúi đó nhưng nó lại dễ đàng quá để cho chàng chán chường thêm.
Nếu như Thủy Tiên dè dặt, sợ chàng gạt gẫm rồi cho leo cây, chàng đã phải o nó, đã phải thề non hẹn biển với nó và chiều hôm nay cuộc đời đã mang một màu hồng tươi tốt, và chàng sẽ đưa nó đi ăn cơm, sẽ xúi nó bỏ ngang chỗ làm đêm nay để hai người lại đi thề non hẹn biển nữa ở xó nào đó. Chàng sẽ rung động như hồi còn con trai, sẽ nuôi ảo tưởng rằng nó là gái thơ ngây, và có lẽ nội đêm nay, chàng đỡ bịnh hết năm phần mười cũng nên.
Toàn thất thểu bước, và đi một thôi đường ngắn thì quẹo vào Phan Đình Phùng mà không hay.
- A, xì thẩu a!
Chàng giựt nẩy mình vì á xẩm nói to quá.
Đó là giọng của một á xẩm già. Bà ta đứng trước mặt chàng mà la lên vậy, không biết nói với ai.
Toàn ngước mặt lên thì thấy mình đã bước quá bước và suýt chạm phải bà già Tàu nầy. Bà ta cười và lặp lại cái câu hồi nãy nhưng nhỏ hơn:
- A, xì thẩu a! Ăn cơm chưa?
Bây giờ, hoàn hồn. Toàn nhận ra giọng rất quen thuộc của người nói và đồng thời cũng nhận diện được người ấy. Thì ra đó là bà vú xẩm đã săn sóc bé Bích Thủy.
- A, bà vú, mạnh giỏi bà vú?
- Cám ơn, xì thẩu cũng mạnh giỏi. Lâu quá!
- Ừ, lâu quá!
- Sao xì thẩu không đi thăm Bích Thủy?
Toàn kinh ngạc, trố mắt há miệng mà nhìn bà già nầy trân trối. Bích Thủy còn sống? Trời tại sao Thúy lại bảo rằng nó chết rồi?
Nhưng lanh trí, chàng không tỏ sự ngạc nhiên của chàng ra, cho Thúy bị lộ tẩy và bà già nầy sanh nghi thì còn rắc rối thêm ra, chàng thở dài rồi than:
- Ngộ thôi ở với bà chủ rồi, bà chủ không cho đi thăm.
- Vậy hò? Tội nghiệp ông chủ quá. Nếu ông chủ muốn thăm con, ngộ lén lén cho ông chủ thăm được mà, hỏng hề gì mà. Mỗi tháng bà chủ lại thăm Bích Thủy có một lần, ngày đầu tháng trả tiền cho ngộ.
- Bà vú ở gần đây hay xa?
- Gần lắm. Trong đường hẻm nầy.
Bà ta chỉ tay vào ngõ hẻm phía bên kia đường.
Giữa chàng và Bích Thủy không có giây liên hệ nào cả. Chàng cũng không kịp thương nó vì không được nuôi nó lâu ngày rồi mến tay mến chơn.
Nhưng chàng tò mò muốn biết vài sự thật nho nhỏ nên quyết định đi thăm đứa bé mà bà xẩm già tốt bụng nầy ngỡ là con của chàng.
- Nào ta đi nè!
Bà vú ra hiệu chạp phô để mua nhang và đèn vội mà bà ta cầm nơi tay. Bà không còn phải đi đâu nữa nên đưa đường cho chủ cũ của bà mà không bắt chàng chờ đợi phút nào.
Lúc băng qua đường, chàng hỏi:
- Bà Chủ trả bà mỗi tháng bao nhiêu?
- Năm ngoái một ngàn rưỡi vì Xủy còn bú, tốn tiền sữa bò. Giờ nó ăn cơm được bà chủ đưa có một ngàn.
- Như vậy cũng hậu lắm rồi. Bà nuôi nó tử tế chở?
- Ngộ thương Xủy như con.
Toàn tư lự ghê lắm! Chàng đã đoán đúng là Thúy dùng con để làm khí giời khảo của ông Thành. Ngoài tiền cấp dưỡng hòn máu rơi của ông ta, hẳn ông ta phải sợ Thúy làm rùm rồi ông ta phải mang khổ với bà xã của ông, và nhờ vậy ông đã phải tốn thêm tiền với Thúy rất nhiều.
Như vậy, sao Thúy còn ăn ở với một ngoại kiều mà sự sống chung ấy làm nàng mất hẳn may mắn lấy chồng? Vâng, người mình rất nhiều thành kiến về vụ đó. Những phụ nữ đã làm vợ hay làm nhơn tình của người da trắng rồi thì đừng có mong lấy chồng người mình.
Chàng tin rằng Thúy thành thật về vụ tiền bạc. Nàng quả không dư dả tức là không làm tiền ông Thành được nữa.
Nàng không sành pháp lý lắm, và độ rằng có lẽ vì câu chuyện đã cũ nên không thưa kiện được và vì thế mà ông Thành hết sợ chăng?
Hoặc giả khó sưu tầm phụ hệ lắm và kết quả của vụ kiện rất là bấp bênh?
Chàng nhớ mang máng có nghe một người bạn thành thạo vấn đề nầy cho biết rằng việc thử máu không chứng tỏ gì rõ rệt. Nó chứng tỏ hai điều: một là đứa con không phải là con của người bị kiện, hai là đứa con có thể là con của người bị kiện vì cùng một loại máu với người ấy. Vì có hàng triệu người cùng loại máu với nhau nên nếu đứa bé mà cũng cùng loại máu thì nó chỉ được cái may mắn có thể là con của kẻ ấy thôi.
Tòa án có muốn quyết định, phải dựa vào nhiều yếu tố khác nữa như là những bức thư tình, những lời khai của nhơn chứng v. v...
Có lẽ thiếu những yếu tố giúp tòa án buộc tội, nên nàng phải nhịu thua chăng?
Vú xẩm ở một căn nhà lụp xụp và tồi tàn như trăm ngàn căn nhà khác ở trong rún xóm nầy.
Vú có đến 8 đứa con, đứa lớn hơn hết là một đứa con gái trạc 16 tuổi, còn đứa nhỏ nhứt chỉ mới 3 tuổi thôi.
Chúng nó nheo nhóc, đứa nào cũng đầy ghẻ, đầy sài.
Bé Bích Thủy mới biết đi chập chững cũng lăn lóc trong đám trẻ con mũi dải lòng thòng ấy, nhưng trông là biết ngay vì quần áo của nó, do mẹ nó sắm cho sạch và sang hơn áo quần của lũ kia một bực.
Chàng bước ngay lại gần Bích Thủy, vừa cười, vừa ẵm nó lên, vừa nói:
- Con, con ơi, ba đây...
Bích Thủy ngơ ngác trước người lạ, nhưng không sợ hãi, không khóc thét lên, mà trái lại cũng cười và nắm lấy cà vạt cửa ông cha giả hiệu nầy mà chơi với.
Bà vú xẩm cười hề hề rưng rưng nước mắt cảm động, trong khi cả xóm bu quanh đó để xem người đàn ông mà họ cũng độ là cha của đứa bé, bị mẹ nó cho ra rìa và giấu mất đứa con, bởi từ thuở giờ chỉ có Thúy là đến đây thôi.
Toàn hôn hít và nựng bé Thủy một hồi, cố làm ra vẻ thương yêu, đau đớn lắm, đoạn nói với bà vú:
- Vú nè, vú có tội nghiệp tôi hay không! Nếu có, vú để tôi nuôi nó.
- Đâu có được ông chủ. Bà chủ đi kiện ngộ, ngộ ở tù.
- Khỏi lo. Vú đã bảo mẹ nó mỗi tháng chỉ đến ngày mồng một thì tôi đem nó lại đây ngày đó. Như vậy vú khỏi nuôi mà vẫn được lãnh tiền.
- Ông chủ làm sao nuôi?
- Tôi có vợ. Vợ tôi bị mổ không đẻ con được, và muốn nuôi con nuôi lắm. Tôi sẽ nói láo với vợ tôi rằng bé Thủy là con của vú.
Toàn biến thành lưu manh và nghĩ một cách lưu manh ngay. Khí giới Bích Thủy, Thúy không biết sử dụng nhưng chàng thì biết.
Và chàng sẽ sử dụng nó mãi mãi. Nó là con gà đẻ trứng vàng, một kho tiền vô tận cho chàng khai thác.
Vú xẩm rất sợ lộn xộn lôi thôi, nhưng nghèo quá, sanh tham lam. Khỏi công tốn của với đứa bé lại được mỗi tháng ngàn bạc, thì còn gì sung sướng cho bằng.
Mụ ta châu mày giây lâu rồi nói:
- Ngộ sợ quá!
- Mậu pha mà. Vả lại ngộ cho nị biết nhà, ni muốn bắt lại giờ phút nào cũng được.
- Ngộ thương ông chủ quá mà! Nhưng ngộ cũng sợ bà chủ quá.
- Vú nên nghĩ lại. Tuần sau tôi sẽ đến xem vú quyết định ra sao.
Ra khỏi nơi đó, Toàn yêu đời hết sức. Thế là đã đào ra tiền để dọn nhà cho Thủy Tiên ở.
Chàng dông tuốt ra chợ Bến Thành tìm một phòng điện thoại công cộng rồi gọi ông Thành.
- A lô, ông Thành đó phải không?
- Vâng, chính tôi đây, ai đó?
- Toàn, kẻ có lỗi với ông. Ông còn giận tôi hết?
- Rua Toàn. Dạo nầy ở đâu, làm gì, có khá không?
- Nghèo lắm ông Thành ơi, cho nên bị Thúy cho ra rìa từ lâu rồi, lại còn...
- Thúy. Nghe đâu hình như Thúy...
- Đúng, nó sắp lấy chồng ngoại quốc.
- Toàn vừa nói: "Lại còn...". Lại còn gì đó?
- Lại còn mang một cục nợ trên tay. Thúy nó ác lắm, không thèm chịu nuôi con Bích Thủy và thằng em của ông phải nuôi vậy.
- Thế à? Nhưng moa có cho ẻn một số tiền lớn.
- Nó ăn dộng đâu hết rồi bỏ con bé bù lăn, bù lóc. Toàn chịu không nổi, phải đem về cho vợ Toàn nuôi.
- Đã có vợ rồi? Chúc mừng.
- Và hạnh phúc lắm! Chỉ phiền đói rách quá. Ông Thành ơi, ông có thương thằng em có lỗi của ông hay không?
- Sao lại không?
- Vậy giúp nó chút ít nhé.
- Được, hôm nào ghé lại lấy vài trăm uống cà phê.
- Trời ơi, vài trăm làm sao đủ ông anh? Bé Thủy mắc chứng lao xương, thầy thuốc bảo phải đưa nó vào Đồn Đất, sự tốn kém sẽ không dưới năm mươi ngàn.
Bên kia đầu giây, im lặng hoàn toàn. Toàn đoán rằng ông thương gia ấy đang tức giận hơn là thương con. Lâu lắm, chàng mới nghe gọi:
- A lô, anh Toàn nè!
- Dạ.
- Anh có biết rằng tôi đã tốn ngót năm trăm ngàn rồi hay không?
- Không. Nhưng thằng em của ông anh tin ông anh bằng lời. Tuy nhiên tiền ấy chính Thúy nuốt. Mà sự kiện hiển nhiên bây giờ là hòn máu của ông anh lâm nguy và Toàn lãnh đủ.
- Quả thật tôi không có tiền. Vợ tôi giờ nó kiểm soát gắt lắm.
- Ông anh không thương con à?
- Máu mủ của tôi sao tôi lại không thương. Nhưng tôi biết làm thế nào bây giờ?
- Đệ tính như ông anh không thương con rồi đó nên không chịu cố gắng! Nhưng ông anh cũng phải biết sợ chớ?
- Sợ à? Thúy và anh làm gì được tôi?
- Thằng em của ông anh đâu dám vô lễ. Nhưng nó sẽ cầu cứu với Bà Thành. Bà Thành sẽ tin thằng em của ông anh bằng lời, vì Thủy giống ông anh như đúc từ một khuôn ra.
Thế là ông anh sẽ ăn ngủ không được từ ngày nầy qua tháng khác bởi sự mè nheo của bà chị.
- Đồ khốn nạn!
- Ông anh đừng vội giận mà hỏng việc.
- Đồ quân đầu trộm đuôi cướp!
- Đệ xin nhận.
- Đồ trâu sanh, chó đẻ.
- Hoàn toàn không ăn nhậu với vấn đề.
- Tao cho quân bây vào tù hết ráo cho mà coi.
- Cũng được. Nhưng ông anh nên nhớ rằng vụ nầy sẽ đổ bể tùm lùm. Đệ vào tù thì đệ yên thân. Còn ông anh ở ngoài tự do, lại mất ăn mất ngủ vì bà chị.
Bên kia lại im lặng. Lâu lắm chàng phải gọi lên:
- A lô ông anh còn đó chớ?
- Ơ... hơ... còn.
Giọng ông Thành nghe thiểu não lạ!
- Ông anh nên nghĩ lại. Mua sự yên thân có năm mươi ngàn, rẻ quả!
- Nhưng quả thật mầy có con bé trong tay không? Tao chỉ hỏi thăm, Thúy nó nói chết rồi.
- Con Thúy nó ác không thể tưởng tượng được ông anh à. Nó không biết làm tiền ông anh bằng con bé Thủy nữa, vì nó thấy ông anh hết sợ nó kiện, nó quyết giấu luôn sự thật, sau khi vứt bỏ lên tay đệ. Nhưng đệ sẽ đưa bé Thủy tới thăm ông anh. Nó giống ông anh như là...
- Ý đừng, đừng có đưa tới đây mà chết tao. Hẹn nhau, ở quán Nam Mỹ nhé?
- Đồng ý. Nhưng ông anh trao tiền cái đã rồi mới được múc cháo.
- Bằng cách nào, thằng dịch vật?
- Mai đệ tới văn phòng nhận tiền mặt. Mà đừng có gài bẫy, biên số giấy bạc rồi cho công an hay tin để đến xét đệ nhé. Nên nhớ rằng đệ vào tù thì ông anh ăn ngủ không yên với bà chị nhé, vì bé Thủy giống ông anh ghê hồn đi.
Ông anh không sợ ai hết, nhưng phải sợ bà xã ghen. Đó là đều chắc chắn không thể chối cãi được.
- Đồ trời đánh thánh vật!
- Nhớ mai mười giờ sáng đệ tới nhận tiền rồi chiều lại hồi ba giờ, ta sẽ gặp nhau ở hiệu Nam Mỹ với bé Bích Thủy mà khai sanh ghi là không cha, khó lòng mà kiện thưa ai được, nhưng rất dễ cho bà xã nhìn mặt nó mà tìm thủ phạm để làm tình, làm tội hắn. Báo mà đăng ảnh Thúy thì bà chị sẽ ghen như điên vì Thúy còn đẹp hơn năm ngoái nữa.
- Đồ quân lưu manh.
- Ha... ha...ha... chỉ mới lưu manh có mấy hôm đây thôi. Nhưng đã là tay thầy rồi.
Ông Thành móc máy lại kêu cái cụp và Toàn tiếp tục cười ha hả một mình.
Không để mất thì giờ, tên "thầy hát" tập sự nhưng đã cừ khôi lắm rồi, chạy đi tìm nhà ngay.
Thủy Tiên không đòi hỏi nhiều. Vì chàng tạm hài lòng với căn phổ nửa gạch nửa ván ở hẻm Bùi Chu mà một người bạn mách cho.
Nhà cho thuê mỗi tháng một ngàn hai, nhưng khỏi đóng tiền nước.
Ngày mai, chàng sẽ nhận nhà, sẽ mua sắm tủ giường tốn độ hai mươi ngàn, còn lời được ba vạn.
Chàng sẽ cho vú xẩm năm ngàn cho vú tối mắt để buông Bích Thủy ra.
Hôm ấy, Toàn không có đến tìm Thúy để lấy tiền hằng bữa nữa. Gả lưu manh nầy không tham lam quá độ, hễ sống được rồi để yên nạn nhân của hắn. Dầu sao lương tri cũng sót lại chút xíu nào nơi lòng chàng.
Chàng cũng không buồn đi thăm Thủy Tiên tại nhà trọ của nàng vì Thủy Tiên đã mất hấp dẫn bởi quá dễ dãi.
Chàng nín đi với hi vọng quên được rằng cô bé bán mình dễ quá, để nhớ nàng, thèm nàng, có thế, chàng mới tự an ủi được phần nào trong kiếp sống chung về sau.
Công việc xảy ra đúng từng li từng tí theo ý muốn và chương trình của chàng.
Khi chàng thò tay để lấy năm mươi ghim bạc mà ông Thành vứt mạnh trên bàn giấy của ông ta, vừa vứt vừa lẩm bẩm rủa, Toàn thủ thế hẳn hòi.
Quả nhiên ông thương gia đã mang khổ nhiều vì tánh lăng nhăng với gái ấy suýt đấm vào mặt tên tống tiền tập sự.
Ông ta đã giữ lại kịp, vì kịp nhớ tới hậu quả không hay, nhưng cũng nhờ kịp thấy là chàng đã có thủ thế.
- Đồng tiền là núm ruột, mầy nên nhớ điều đó, ông ta nói. Nếu chiều mai mà sai hẹn, tao sẽ tức mà dám bỏ ra nửa triệu bạc để thuê người tìm mầy và thuê người thủ tiêu mầy. Mầy biết chưa?
Toàn cười lạt:
- Ai dại gì sai hẹn. Đệ còn phải gặp ông anh nhiều lần nữa mà!
- Đồ chó đẻ!
Toàn giả điếc nhét tiền vào túi quần chào ông chủ cũ chàng theo lối nhà binh, làm một cái "chơn mũi" rồi xây lưng đi liền.
- Đồ trâu sanh!
Tiếng chưởi đuổi theo chàng nhưng chàng mặc kệ.
--------------------------------

1

Năm đó có lịnh cấm các ba đóng kín cửa.