Thạch Chương dịch từ tiếng Pháp
Thái Hà hiệu đính theo bản tiếng Nga
- 3 -

Ở nhà Simonov tôi gặp hai người bạn học cũ. Lúc bấy giờ họ đang bàn một chuyện gì có vẻ quan trọng lắm. Không ai để ý chút xíu gì đến sự xuất hiện của tôi: thật là lạ, bởi hàng năm rồi chúng tôi không gặp lại nhau. Rõ ràng là họ coi tôi chẳng ra gì, coi tôi như một con ruồi. Ngay hồi ở trường họ cũng không đến nỗi đối với tôi như thế, mặc dù ở trường ai cũng ghét tôi. Tôi hiểu chứ, họ khinh tôi là phải, bởi tôi chằng làm nên trò trống gì trong sự nghiệp của tôi hết, bởi cái vẻ tiều tụy, bởi bộ quần áo cũ rích của tôi - mà dưới mắt họ thì quần áo rách rưới là một dấu hiệu rõ ràng về nỗi bất lực và tình cảnh khốn nạn của tôi. Nhưng tôi đâu có ngờ một sự khinh bỉ ra mặt đến thế! Riêng Simonov thì tỏ vẻ rất ngạc nhiên khi thấy tôi bước vào. Với lại lúc nào chàng cũng ngạc nhiên như thế mỗi lần tôi đến thăm. Cho nên tôi sững sờ hẳn người ra. Tôi buồn bực ngồi xuống một chỗ và nghe xem họ đang nói chuyện gì.
Họ đang bàn tán với nhau có vẻ rất quan trọng và say sưa về một bữa ăn để tiễn chân một người bạn của họ, Zverkov, một sĩ quan, đổi về tỉnh xa làm việc. Ngày xưa Zverkov cũng là bạn học của tôi, và hồi đó tôi ghét hắn lắm, nhất là trong những năm gần ra trường. Hồi còn ở lớp dưới, hắn là một cậu bé lễ phép, vui tính và ai cũng mến; nhưng tôi lại không thích hắn chính vì cái lễ phép và vui tính đó. Ngay từ hồi đầu hắn học hành đã dốt và càng về sau càng dốt hơn. Nhưng hắn cũng thi đậu ra trường bởi có người trên che chở. Lúc sắp ra trường, hắn được thừa hưởng một đồn điền lớn và hai trăm nông nô, và bởi hồi đó chúng tôi ai cũng nghèo cả, nên với chúng tôi hắn bắt đầu làm bộ. Hắn là một đứa vô duyên đặc biệt, nhưng nói chung là một thằng tốt, ngay cả khi hắn làm ở bộ. Ở trường, mặc dù nói rất hay và rất khiếp về danh dự, về phẩm giá, mọi người trong chúng tôi, ngoại trừ mọt vài đứa, ai cũng chạy theo hắn, vì thế hắn lại càng được thể làm bộ hơn nữa. Nhưng lí do khiến mọi người bám chung quanh hắn không phải vì tư lợi, mà chính vì cái số may của hắn. Hơn nữa, chúng tôi ai cũng coi hắn là một người có biệt tài về bất cứ cái gì liên quan đến lịch thiệp, đến hào hoa phong nhã, và đây lại chính là cái làm tôi điên tiết hạng nhất. Tôi ghét cái giọng nói thanh thanh đầy tự mãn của hắn, những câu đùa bạo mồm mà hắn tự cho là sâu sắc nhưng đều là những câu đùa ngu cả. Tôi ghét cái bộ mặt hắn nữa, đẹp trai nhưng rất bột (tuy nhiên tôi rất sẵn sàng đổi ngay bộ mặt “thông minh” của tôi lấy bộ mặt đó!), tôi ghét những cử chỉ hể hả bệ vệ kiểu sĩ quan của những năm bốn mươi. Tôi ghét cái lối hắn kể về những mưu toan chinh phục đàn bà (khi chưa mang lon sĩ quan hắn chưa dám động tới đàn bà, nên hắn rất sốt ruột chờ đợi cái ngày này), cái lối hắn khoe khoang sẽ quyết đấu với tình địch hắn. Tôi còn nhớ một hôm, nhân giờ ra chơi, không thể giữ bình tĩnh thêm được nữa, tôi đã cãi lộn với Zverkov một trận dữ dội, nhân lúc hắn đang ba hoa với bạn bè về những vụ chim gái của hắn trong tương lai; và đến độ say sưa mê mải y hệt như một con chó con lăn lộn ngoài nắng, hắn bỗng tuyên bố rằng hắn sẽ không để cho một cô gái quê nào trong lãnh địa của hắn yên cả, rằng đó là droit du Seigneur[1] của hắn, và nếu tên nhà quê nào dám lên tiếng phản đối hắn sẽ cho bọn cổ cày vai bừa hạ cấp đó một trận roi nên thân và sẽ tăng thuế lên gấp đôi. Một vài thằng hèn trong bọn tôi còn vỗ tay hoan hô hắn, nhưng riêng tôi, tôi đả kích hắn dữ dội, không phải là vì tôi thương hại bọn gái quê kia hay thương hại những ông bố của họ, mà là vì một con bọ như thế lại được một số kẻ tung hô. Lần đó tôi thắng; nhưng mặc dù ngu xuẩn, cái mặt Zverkov vẫn cứ bơ bơ ra, vẫn cứ vui vẻ, xấc láo như thường; hắn lại còn cười to hơn nữa đến nỗi mặc dù hắn thua, mọi người chung quanh lại đâm ra quay sang cười tôi. Sau lần đó hắn thắng tôi rất nhiều phen không cần ác ý, mà chỉ cần đùa cợt chế giễu tôi mà thôi. Riêng tôi, tôi ngậm tăm khinh bỉ.
Khi đã ra trường, có vài lần hắn làm quen với tôi; tôi không từ chối bởi tôi cũng thấy đó là một vinh hạnh cho tôi, nhưng rồi chúng tôi cũng lại mỗi người một ngả, rất tự nhiên. Về sau tôi nghe hắn rất thành công trong binh nghiệp và sống một cuộc đời rất “ăn chơi”. Tôi còn nghe thêm nhiều lời đồn đại nữa; hắn lên lon rất mau. Rồi gặp nhau ngoài phố hắn thôi không chào tôi nữa, và tôi bắt đầu ngờ rằng hắn sợ lôi thôi đến hắn nếu phải chào hỏi một kẻ hèn mọn như tôi. Có một lần tôi nhìn thấy hắn ở nhà hát, ngồi trong thứ ba, đang xun xoe quanh mấy cô con gái một vị tướng già. Nhưng sau ba năm không gặp hắn, bây giờ hắn đã bớt óng ả đi nhiều, song mặc dù béo ra hắn vẫn còn một bộ mặt khá đẹp trai và vẫn giữ nguyên những dáng dấp lịch sự cũ. Chắc đến ba mươi mặt hắn sẽ răn rúm hết.
Vâng, chính là để tiễn chân chàng Zverkov này được bổ về tỉnh mà các bạn hắn dự định tổ chức một bữa ăn chia tay. Suốt ba năm qua họ vẫn thường xuyên có liên lạc với hắn, tuy tôi dám chắc là trong thâm tâm họ không dám tự coi mình ngang hàng.
Một trong hai người khách của Simonov tên là Ferfichkin. Hắn là người Nga gốc Đức, người bé nhỏ, mặt trông như mặt khỉ. Hắn rất ngu dốt mà bạ ai cũng lên giọng khinh miệt và là kẻ thù cay nghiệt nhất của tôi hồi còn học lớp dưới. Một thằng làm phách lối, hèn mạt và láo xược, ra cái điều tự phụ nhất mà thực ra chỉ là một tên vô danh tiểu tốt. Hắn là một trong những tên tôn sùng Zverkov, nịnh hót với mục đích tư lợi hoàn toàn và luôn luôn vay tiền chàng này.
Người khách kia, Trudoliubov, không có gì đặc biệt. Một tên nhà binh, dáng dấp cao lớn nhưng mặt thì lạnh như tiền; khá trung thực nhưng vẫn thần phục sự thành công, bất cứ sự thành công nào, và chỉ biết nói chuyện về bổ nhiệm, thăng trật thăng bổng, v.v… Hắn có họ xa với Zverkov, và nói ra có vẻ ngu ngốc nhưng điều đó đã cho hắn có một vẻ gì khá quan trọng trước con mắt chúng tôi. Hắn không coi tôi ra cái thớ gì hết, nhưng đối với tôi hắn vẫn đối xử không đến nỗi nào, nếu không nói là lễ phép.
Trudoliubov tuyên bố:
- Vậy là, nếu mỗi người chung bảy rúp thì bọn mình ba đứa, sẽ thành hai mươi mốt rúp. Nghĩa là có thể chén một bữa rất oách. Zverkov thì không phải trả, cố nhiên rồi.
- Dĩ nhiên, bởi bọn mình mời anh ấy. - Simonov phụ họa.
- Bộ các anh tưởng. - Ferfichkin nói xen vào bằng một giọng vênh váo tự phụ và hỗn xược của một tên đầy tớ đang khoe những huy chương của chủ mình, - bộ các anh tưởng Zverkov sẽ chỉ để cho bọn mình trả thôi sao? Vì lịch sự anh ấy mới nhận lời mời, chứ thế nào anh ấy cũng khao mình sâm banh, nhất định là sáu chai.
- Bốn người uống nửa tá thì nhiều đấy! - Trudoliubov nói, vì hắn chỉ để ý tới số chai.
Simonov được chọn làm người đứng ra tổ chức, kết thúc:
- Vậy ba tụi mình, với Zverkov là bốn. Hai mươi mốt rúp, Hôtel de Paris, năm giờ chiều mai!
- Tại sao lại hai mươi mốt? - Tôi lên tiếng giọng hơi tức và thấy như bị xúc phạm. - nếu kể cả tôi thì không phải hai mươi mốt, mà là hai mươi tám rúp.
Lúc đề nghị như vậy tôi có cảm tưởng bất thình lình tôi sẽ gây được một ấn tượng đẹp, mọi người sẽ chấp nhận ngay và phải nhìn tôi với vẻ thán phục.
- Anh có thật muốn đi với bọn này không? - Simonov hỏi có vẻ không bằng lòng mấy. Chàng tránh không nhìn tôi bởi chàng vốn rất biết tính tôi.
Tôi hết sức cáu vì lẽ chàng biết rõ tôi đến thế.
- Sao lại không? - Tôi la lớn, giọng như vỡ ra. - Tôi cũng là bạn của Zverkov chứ, và nếu gạt tôi ra ngoài như thế tôi sẽ giận thật đấy!
- Nhưng ai biết anh ở cái chỗ đếch nào! - Ferfichkin thô lỗ xen vào. - Với lại anh và Zverkov bất hòa với nhau mà. - Trudoliubov cau mặt đế thêm.
- Tôi thiết tưởng không ai có quyền phê phán chuyện đó. - Tôi run run nói như thể có Trời biết có chuyện gì hết sức hệ trọng xảy ra. - Chính bởi vì chúng tôi bất hòa với nhau mà bây giờ tôi muốn…
- Có ai mà hiểu nổi anh bao giờ… những tư tưởng cao siêu của anh!… - Trudoliubov cười khẩy.
Simonov quay sang tuyên bố:
- Rồi, anh sẽ nhập bọn này. Mai, năm giờ, Hôtel de Paris. Đừng quên đấy!
- Còn tiền? - Ferfichkin hất đầu về phía tôi làm hiệu với Simonov, nói khẽ. Nhưng hắn bỗng im bặt ngay, bởi thấy Simonov cũng có vẻ ngượng.
- Thôi được rồi! - Trudoliukov vừa nói vừa đứng lên - Nếu hắn muốn đi thì để cho hắn đi.
- Nhưng giữa mấy người bạn thân như bọn mình… - Ferfichkin cũng cầm lấy mũ nói, hết sức cáu. - Đâu phải là hội họp quan trọng gì. Có thể chúng tôi chẳng cần đến sự có mặt của anh cũng nên…
Họ ra về. Lúc ra cửa, Ferfichkin cũng chẳng buồn chào tôi nữa. Trudoliubov thì hơi nghiêng đầu một chút và cũng không nhìn tôi.
Còn lại mình tôi với Simonov. Simonov có vẻ ngần ngừ và hơi bực mình, chàng nhìn tôi một cách rất lạ. Chàng không ngồi và cũng chẳng mời tôi ngồi xuống.
- A hèm… vâng… vậy mai nhớ. Anh chung tiền bây giờ không? Tôi hỏi là để biết chắc - chàng nói nhanh có vẻ lúng túng.
Tôi giận đỏ mặt: nhưng lúc mặt đỏ tôi lại sực nhớ rằng từ hồi nào đến giờ tôi hãy còn nợ Simonov mười lăm rúp, tôi không bao giờ quên nhưng cũng không bao giờ trả.
- Simonov, chắc anh cũng hiểu lúc đến đây tôi đâu có biết… Tôi rất tiếc vì đã quên…
- Không sao, không sao… Ngày mai anh chung tiền cũng được. Tôi nói thế cốt để biết chắc thôi… Xin lỗi.
Chàng bỗng ngừng bặt và bắt đầu đi đi lại lại, có vẻ mỗi lúc một cáu hơn, nện gót giày thật mạnh trên sàn gỗ.
- Tôi không làm phiền gì anh chứ? - Tôi nói, sau vài phút yên lặng.
- À, không! - Chàng như sực tỉnh. - Quả thực, tôi còn có việc phải đến… không xa đây mấy. - Chàng nói thêm, nửa như xấu hổ, nửa như xin lỗi.
- Ôi trời, thế sao anh không bảo tôi! - Tôi vừa kêu lên vừa cầm lấy mũ bằng một cử chỉ hết sức tự nhiên mà không hiểu tôi lấy được ở đâu.
- Không xa đây mấy… độ vài bước thôi… - Simonov vừa nhắc lại vừa dẫn tôi ra cửa với dáng điệu tất bật không thấy có ở chàng thường ngày. - vậy mai nhớ, đúng năm giờ đấy, - chàng nói lớn ở đầu cầu thang. Thấy tôi ra về, chắc hẳn chàng cảm thấy thoát nợ. Riêng tôi, tôi giận điên người.
- Ăn thua đếch gì đến mình mà phải dính vào chuyện này cơ chứ! - tôi bước vội trên phố, răng nghiến lại. - Mà cho ai mới được chứ! Cho cái thằng mặt lợn Zverkov! Nhất định là mình sẽ không đi. Ông nhổ nước bọt vào ấy! Có gì bắt buộc mình phải đi. Mình sẽ báo cho Simonov biết trước bằng thư.
Nhưng cái làm tôi phát điên lại chính là sự tôi biết chắc rằng tôi sẽ đi, tôi sẽ cố tình đi. Rằng càng thiếu tế nhị bao nhiêu, bất lịch sự bao nhiêu, tôi lại càng muốn đi bấy nhiêu.
Tuy nhiên có một khó khăn hết sức thật: tôi không có tiền. Cả cửa nhà còn đúng chín rúp, mà ngày kia tôi đã phải trả cho lão Apollon, lão người làm của tôi, bảy rúp rồi. (Mỗi tháng tôi phải trả lão bảy rúp, kể cả tiền cơm). Hiểu rõ tính nết lão già, tôi biết không thể khất lão được. (Để một hôm nào tôi xin nói chuyện với quý vị về tên khốn nạn, tên hạ cấp này) Nhưng tôi biết là tôi sẽ không trả lương cho lão, và tôi nhất định sẽ đi dự bữa tiệc kia.
Đêm hôm đó tôi có những giấc mơ khủng khiếp. Chẳng có gì lạ, bởi cái kỉ niệm tù ngục về những năm ở trường học đã ám ảnh tôi suốt ngày hôm đó. Hồi đó có mấy người trong họ xa đã nhét tôi vào trường này - những người trong họ mà tôi đã phải nhờ vả và đã từ lâu cũng chẳng hề gặp lại. Họ nhét vào trường một đứa trẻ đã khờ dại cả người vì luôn luôn bị họ quở mắng, một đứa trẻ thích mơ mộng, ít nói, nhìn mọi vật chung quanh với đôi mắt bỡ ngỡ của một con vật lạ. Bạn học chế nhạo tôi bởi tôi không giống đứa nào trong bọn chúng. Nhưng tôi không chịu nổi những cái chế giễu của chúng, không thể kết bạn với chúng dễ dàng như chúng kết bạn với nhau. Cho nên ngay từ ngày đầu tôi đã ghét chúng và tự giam mình vào một niềm kiêu hãnh đầy sợ sệt, một niềm kiêu hãnh bị tổn thương và không bờ bến. Cái thô tục của chúng làm tôi không chịu nổi. Chúng chế giễu rất chó má bộ mặt của tôi, cái dáng điệu ngu độn của tôi, nhưng mặt chúng còn ngu độn đến đâu! Trong trường học chúng tôi, mọi khuôn mặt đều biến dạng và mang một vẻ ngu đần đặc biệt. Bao nhiêu đứa, lúc mới vào trường trông thực là sáng sủa, thế mà chỉ độ vài năm là y như khuôn mặt đã khoác vào một vẻ gì rất là ghê tởm. Mới mười sáu tuổi, tôi đã nhìn chúng bằng cặp mắt ngạc nhiên tức tối: cái vụn vặt trong suy nghĩ của chúng, cái ngây ngô đần độn trong những đề tài nói chuyện, trong lúc chơi, trong lúc làm việc - thảy đều làm tôi hết sức ngạc nhiên. Bởi chúng không thể hiểu nổi những chuyện quan trọng, bởi chúng chẳng thèm để tâm đến những điều mà ai cũng cho là lạ thường nhất, rồi tự nhiên tôi đã tự cho tôi là cao hơn chúng rất nhiều, mặc dù tôi đâu có muốn. Chắc chắn không phải vì lòng tự kiêu bị thương tổn mà tôi nói như vậy đâu, và vì Chúa, xin cũng đừng nhai lại với tôi những lời phản đối mà chúng ta ai cũng đã bị nhồi tọng đến độ muốn mửa ra, là: hồi đó tôi chỉ là một tên mơ mộng hão huyền, còn chúng thì chúng đã có một ý thức về cuộc sống thực tế! Nhưng đâu có! Chúng chẳng hiểu gì ráo trọi, chúng không hề có lấy một chút xíu ý niệm nào về cuộc sống cả, và tôi dám thề rằng chính vì thế mà tôi đã khinh chúng nhiều hơn hết. Ngược lại, cái thực tại hiển nhiên nhất, đập vào mắt chúng nhất, chúng lại đón nhận một cách ngu dốt kinh khủng, và mới ngần ấy tuổi đã quen thói nghiêng mình trước thành công. Tất cả những gì là chính đáng nhưng bị bỏ rơi và phỉ báng thì chúng lại giễu cợt một cách ngu xuẩn nhất, độc ác nhất. Chúng đánh giá cao phẩm trật hơn là trí tuệ, và mới mười sáu tuổi đầu đã chỉ nghĩ tới chuyện hưởng thụ, chuyện nhà mát bát vàng. Hiển nhiên là vì chúng đã bị những tấm gương xấu xung quanh làm ảnh hưởng. Chúng đã hư hỏng một cách quái gở. Cố nhiên ở đây là cái bề ngoài, cái vẻ trơ trẽn giả tạo nhiều hơn. Cố nhiên tuổi xanh, cái trong sáng của chúng đôi khi cũng thoáng hiện sau cái đồi trụy kia, nhưng nó cũng chẳng quyến rũ được gì mấy bởi nó được bộc lộ ra bằng một thứ nhục cảm thô tục. Tôi ghét chúng kinh khủng, dù rằng chính tôi có thể tồi tệ hơn. Chúng cũng trả miếng lại tôi và cũng không thèm che giấu sự ghê tởm của chúng đối với tôi. Nhưng tôi đã không cần gì đến sự quý mến của chúng, trái lại, tôi chỉ muốn sỉ nhục chúng mà thôi.
Để tránh những lời chế giễu của chúng, tôi cố học thật giỏi, và vì vậy đã đứng vào hàng đầu lớp. Điều này làm chúng kiêng nể. Hơn nữa, dần dà chúng đều biết rằng tôi đã biết một vài thứ (ngoài những bài dạy trong lớp) mà đối với chúng hoàn toàn xa lạ. Chúng nhìn những thứ đó với đôi mắt nửa kinh ngạc, nửa chế nhạo, nhưng vẫn phải thầm thán phục, nhất là khi những kiến thức của tôi cũng đã làm cho các ông thầy phải để ý. Vì vậy chúng thôi không chế nhạo tôi nữa, tuy vẫn còn ác cảm, và giữa chúng tôi chỉ còn lại những liên hệ lạnh lùng kiểu cách.
Về sau tôi cũng chẳng thiết gì đến chúng; càng lớn tôi càng cảm thấy cần phải tiếp xúc với những người khác. Tôi cố làm quen với một vài đứa bạn, nhưng bao giờ cũng có cái gì giả tạo trong quan hệ giữa chúng tôi, sau rốt cũng lại chẳng còn gì. Tuy thế, một lần tôi cũng đã có một người bạn. Nhưng trong đáy cùng bản thể tôi đã vốn là một kẻ chuyên chế rồi; tôi muốn thống ngự hoàn toàn đầu óc hắn, tôi muốn thổi vào tâm hồn hắn cái ý tưởng khinh bỉ mọi kẻ chung quanh, tôi bắt hắn phải cắt đứt khỏi cái môi trường hắn sống, mãi mãi, và phải hãnh diện như thế. Cái tình bạn say mê đó của tôi đã làm hắn hoảng sợ, tôi đã làm cho hắn phát khóc, phát run. Đó là một tâm hồn ngây thơ và quảng đại. Nhưng từ khi hắn bắt đầu thuần phục tôi hoàn toàn, thì tôi lại đâm ghét hắn và đẩy hắn ra. Cơ hồ như tôi đã chỉ cần cái tình bạn đó để mang về một chiến thắng, để tôi trở thành ông chủ của mình hắn. Nhưng tôi đâu có chinh phục được tất cả mọi người. Người bạn tôi cũng vậy, hắn chẳng giống một đứa nào khác trong bọn: đó là một ngoại lệ hiếm có.
Ngay từ lúc học xong, tôi không mong muốn gì hơn là bỏ quách cái nghề chuyên môn mà tôi đã học đi, mục đích là để cắt đứt mọi liên lạc, để có thể nguyền rủa quá khứ và chôn vùi nó trong đống tro… Đến như vậy rồi mà đếch hiểu tại sao tôi lại vẫn còn tới cái tên Simonov này làm gì không biết!
Sáng hôm sau tôi tỉnh dậy sớm; trong lòng rất hồi hộp, cứ y như là ngay bây giờ mọi việc sẽ phải được hoàn tất. Nhưng tôi tin chắc rằng có một bước ngoặt căn bản trong đời tôi sẽ phải xảy ra, sẽ phải xảy ra ngay ngày hôm nay. Có thể đó là do tôi không quen; nhưng dù sao, suốt đời tôi, bất cứ khi nào có một biến cố xảy ra, nhỏ nhặt đến đâu, bao giờ tôi cũng chờ đợi một sự thay đổi căn bản trong đời. Tuy vậy, tôi cũng vẫn đến sở như thường, nhưng về sớm hơn hai tiếng để sửa soạn. Tôi nghĩ: “Điều cốt yếu nhất là làm thế nào đừng để mình là tên đến sớm nhất, làm bọn nó tưởng là mình mong mỏi lắm.” Nhưng tôi còn bao nhiêu việc quan trọng khác phải nghĩ đến! Tôi rối rít đến run rẩy cả người!
 Tôi tự mình đánh giày thêm một lần nữa: lão Apollon thì đừng có hòng lão đánh cho hai lần một ngày, vì lão cho như vậy là làm lộn xộn hết công việc của lão. Muốn đánh giày tôi phải rón rén vào phòng xép lấy bàn chải để cho lão Apollon khỏi thấy là tôi đánh giày lấy và như thế lão sẽ khinh tôi. Rồi tôi xem kĩ lại các quần áo của tôi và thấy bộ nào cũng cũ và sờn cả. Thật mình chẳng để ý tí gì đến quần áo mình hết! Bộ binh phục[2] của tôi còn trông được, nhưng đi dự cơm tối ai lại mặc binh phục. Tệ hại nhất là ở chỗ đầu gối quần tôi lại có một vết ố vàng thật lớn. Tôi đã thấy trước rằng vết đó chắc phải lấy đi đến chín phần mười nhân phẩm của tôi. Nhưng tôi cũng biết rằng nghĩ như vậy là tầm thường và hạ cấp. “Hơn nữa, bây giờ đâu phải lúc suy nghĩ! Bây giờ là vấn đề thực tế một trăm phần trăm.” Tôi tự nhủ như vậy nhưng cứ thấy mất dần đi can đảm. Tôi cũng thừa biết là tôi đã quan trọng hóa quá sức vấn đề, nhưng làm sao được! Tôi không còn làm chủ được tôi nữa, và cơn sốt bắt đầu hành hạ tôi.
Tôi đã tuyệt vọng hình dung ra được cái giọng nói ngạo mạn và lạnh nhạt của tên khốn Zverkov kia lúc tiếp đón tôi, cái nhìn khinh bỉ không che giấu nổi của gã ngu xuẩn Trudoliubov, và cái cười mất dạy của con bọ Ferfichkin kia nữa lúc hắn muốn nịnh bợ Zverkov. Còn Simonov, chàng đã biết tôi quá và sẽ khinh tôi về cái tính kiêu căng, hèn hạ và sự bạc nhược của tôi. Và cái chính là tất cả cảnh đó tầm thường làm sao, hạ lưu làm sao, thiếu văn chương làm sao! Cố nhiên tốt hơn hết là ở nhà quách, nhưng chính điều đó mới là khó thực hiện nhất. Một khi ý nghĩ nào vừa bắt đầu lôi kéo tôi, là tôi lao mình vào luôn. Để rồi sau đó suốt đời tôi phải tự bêu giếu mình: “A, thế là mày đã sợ nhá, mày đã sợ thực tế nhá! Đồ hèn!” Trái lại tôi muốn chứng tỏ cho tên hạ lưu kia biết là tôi không có hèn nhát như tôi tự nghĩ đâu. Nhưng còn cái này nữa: trong lúc sốt tôi đã mơ là tôi sẽ chiến thắng, tôi sẽ hạ được bọn chúng, làm cho chúng phải mê tôi, phải mến tôi ít nhất là vì “tư tưởng thanh cao và cái tinh thần trào lộng sắc bén không chối cãi được” của tôi. Chúng sẽ bỏ rơi Zverkov, tên này sẽ ngồi một xó yên lặng và xấu hổ, và tôi sẽ bóp bẹp hắn. Sau đó có thể tôi sẽ làm lành với hắn, hai người sẽ uống rượu với nhau, sẽ xưng hô mày tao với nhau.
Nhưng điều bực mình hơn hết thảy, điều làm tôi cáu hơn hết thảy là tôi biết chính xác và chắc chắn rằng sự thực tôi chẳng cần đếch gì những cái đó, tôi chẳng muốn bóp bẹp ai, thắng được ai, làm cho ai mê tôi làm đếch gì! Và nếu có đạt được kết quả nào thì tôi sẽ là thằng đầu tiên đá mẹ nó đi! Chà, tôi cầu Chúa làm sao cho buổi tối đó qua đi thật nhanh! Lòng sầu muộn vô tả, tôi tiến lại gần cửa sổ, mở cái ô cửa nhỏ phía trên ra và cố nhìn qua màn tuyết mù đang xuống, tuyết đang tan rơi từng nắm…
Cuối cùng, chiếc đồng hồ quả lắc nhỏ bé cũ kĩ của tôi ho hen cò cử rồi điểm năm giờ. Tôi với lấy chiếc mũ rồi cố tình không nhìn lão Apollon suốt từ sáng chỉ chờ tôi trả lương (nhưng vì tự ái đã không thèm hỏi tôi trước), tôi chuồn nhẹ ra ngoài. Tôi gọi thuê một chiếc xe trượt với năm mươi cô pêch cuối cùng trong túi, và đi đến Hôtel de Paris sang trọng như một ông hoàng
Chú thích:
[1] Nguyên văn tiếng Pháp: quyền của ông chủ. (ND).
[2] Ở Nga hồi đó công chức cũng mặc binh phục. (ND).