Phần III

 - Gặp một quản giáo như cán bộ, tù chúng tôi cũng thấy an ủi lắm.
 - Tôi cứ nghĩ cách mạng thành công rồi, tù sẽ giảm. Không ngờ lại tăng gấp bội. Các anh chắc thèm thuốc lào lắm, phải không? Hút tạm một điếu đi. Chiều, tôi sẽ đưa cho anh một gói, phân phát cho họ hút. Nhưng đừng nói với họ là tôi cho. Rách việc lắm.
 - Chào cán bộ ạ.
 Bà Sài-Gòn mang màn ra phơi, chào.
 Lão đứng dậy:
 - Cảm ơn cán bộ đã cho hít thở không khí ngoài sân.
 - Uống xong trà, hãy vào.
 Phó Nhòm chạy đã mệt, dừng lại, nháy mắt với lão.
 Ông quản giáo mời bà Sài-Gòn:
 - Chị uống trà với chúng tôi đi.
 - Cảm ơn cán bộ. Tôi có trà. Xin phép cán bộ cho cắm nước sôi.
 - Phép tắc gì. Cứ tự nhiên.
 Bà Sài-Gòn mang ở buồng ra một ca nước, và một túi ni-lông gạo nếp rang, khoảng ba kí lô.
 - Báo cáo cán bộ, tôi biếu anh Hai đây ít gạo nếp.
 Lão vội vàng từ chối:
 - Tôi không dám nhận đâu. Chị phải để mà dùng chứ.
 Ông quản giáo cười vui:
 - Chị ấy thấy anh còm, chị ấy cho. Tôi ra lệnh mang vào buồng!
 Phó Nhòm xách túi gạo nếp rang vào. Lão bối rối cảm ơn, rồi đi theo.
 Các buồng lần lượt ra, tắm rửa thỏa thích. Họ mở cửa gió buồng nhau ra, nhìn vào, chuyện trò tự do. Ông quản giáo già ngồi hút thuốc, uống trà, vẻ chán đời, không nói năng gì. Chiếc điếu cầy của ông rít lên liên tiếp. Dân nghiện, ai cũng muốn hút bằng điếu cầy có nước, cho nó mát phổi. Thuốc lào cuộn giấy báo hút nóng lắm. Ông cho họ thuốc, cho họ hút. Gã đầu gấu đứng ở cửa buồng người yêu thì thầm rất lâu.
Cô diễn viên kịch nói, giục:
 - Hôn nhau đi!
 Gã cười:
 - Thử hôn rồi, nhưng song sắt to quá, khít quá. Môi không chạm nhau được. Chỉ đưa lọt ngón tay qua thôi.
 Người yêu gã bảo:
 - Ai anh cũng chửi. Nói nhiều lần, anh không nghe. Nhưng riêng ông chú mới vào, nếu anh chửi, em sẽ cắt đứt quan hệ đấy.
 Gã vẻ thuần phục:
 - Đời nào anh chửi ông chú. Anh còn bảo vệ là đằng khác. Kể cả lão ở cùng buồng ông chú làm ăng-ten, anh chỉ thỉnh thoảng cảnh cáo thôi. Lão ấy không sớ bẩm gì chuyện xà lim, nên anh không ra tay.
 - Thôi, vào buồng đi. Không nên lợi dụng sự dễ dàng của ông quản giáo mà quá đáng. Phải nể ông ấy một chút.
 Người yêu giục, gã mới chịu vào buồng.
 Phó Nhòm ngong ngóng đợi cô buôn đô la ra. Gã đứng lom khom, áp mặt vào cái cửa gió to bằng hai bàn tay. Cô ca sĩ đi trước, gã cười chào xã giao. Tới lượt cô buôn đô la đi sau. Gã thò qua song sắt lá thư đã gấp gọn bằng bao diêm. Ả cầm lấy, giấu đi rất nhanh, rồi vào nhà vệ sinh.
 Phó Nhòm mặt mày rạng rỡ:
 - Bước đầu như thế là thắng lợi. Phải chuyển sang bước hai. Tấn công ào ạt.
 Lão cười:
 - Ông quản giáo này tốt thật. Các buồng, nam nữ nói chuyện với nhau như thế, mà cứ lờ tịt. Phải có sự thông cảm sâu sắc lắm, mới dễ dàng đến thế được. Trong đời tù, tôi cũng gặp vài ông tương tự. Tù quý trọng các ông ấy lắm. Kể cả tù lưu manh. Quả là gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Bản chất phải lương thiện vô cùng, mới giữ được vậy.
 - Ông bạn thấy có nam, có nữ, vui hẳn lên, phải không?
 - Đương nhiên. Đơn vị nhân loại không phải là một, mà là một cặp nam nữ. Tạo hoá sinh ra vậy rồi.
 Phó Nhòm vẫn nghe ngóng. Thấy tiếng dép lẹp xẹp từ nhà vệ sinh đi tới, gã nhẩy ra cửa. Cô ca sĩ ra sân phơi quần áo. Cô buôn đô la xách bô, xách sô nước vào buồng, rồi trở ra. Qua cửa buồng, cô ta đứng lại.
Phó Nhòm mỉm cười:
 - Cái nhẫn ngọc thạch đẹp quá. Có thể cho xem được không?
 Cô ta thò ngón tay qua song sắt. Phó Nhòm nắm lấy ngón tay búp măng, vuốt ve, không muốn buông ra. Lão quay lưng đi...
 - Ông bạn nhìn gì ngoài sân đấy?
 Lão quay lại:
 - Không, để cho anh chị tự nhiên thôi. Chúc mừng anh đã toại nguyện.
 Phó Nhòm, mắt long lanh:
 - Chưa đọc thư, đã quỵ rồi. Tôi dự tính không sai. Còn ông bạn sao cứ lạnh lùng thế. Hãy noi gương tôi. Tù lâu, tim hóa đá rồi sao?
  Gã đầu gấu từ nẫy vẫn theo rõi, cười ha ha.
 - Công nhận cưa của Phó Nhòm đúng là loại cưa Tiệp thứ thiệt. Xoẹt một cái, cưa đổ Nữ Thần Đô La ngay.
 Cơm nước nhà bếp đã chia xong. Ông quản giáo già mở cửa từng buồng, cho ra lấy cơm, rồi khóa cửa khu xà lim, bỏ đi.
 Gã trưởng phòng công ty hóa chất trầm trồ:
 - Ông quản giáo già này đúng là một Găng-đi Việt-Nam. Đạo đức thực, chứ không đạo đức giả, đạo đức đóng kịch, như mấy vị tai to, mặt lớn tôi đã gặp khi họ tới thăm công ty tôi.
 - Từ nay, chúng ta gọi ông là Găng-đi.
 - Nhất trí, nhất trí.
 Khoảng bốn giờ chiều, Găng-đi vào mở buồng, cho mọi người ra lấy cơm, lấy quần áo vào. Buồng lão ra trước tiên. Găng-đi đưa cho lão gói thuốc lào Thống-Nhất một lạng.
Lão cảm ơn:
- Cán bộ tốt quá. Anh chị em ở đây gọi cán bộ là Găng-đi Việt-Nam.
Ông quản giáo già cười hom hem:
- Tôi đâu xứng đáng như vậy. Đời tôi cũng đã đau khổ nhiều, nên thông cảm với đau khổ của người khác. Tôi thật lòng thương tù. Em trai tôi cũng tù mà. Nhìn suất cơm các anh, tôi ái ngại quá. Nhưng biết làm thế nào? Tôi không nói mầu mè đâu.
- Tôi thấy người miền Nam phần nhiều thật thà, thẳng thắn. Nhất là nông dân. Hồi năm sáu mươi, tôi ngồi ăn bánh xèo ở vỉa hè. Tôi hỏi bác già Nam bộ bán bánh cho tôi: “Bánh xèo trong Nam có làm giống thế này không?” Bác ta đốp chát: “Trong Nam mà làm bánh xèo thế này, chó nó cũng không thèm ăn”. Rồi bác kể bánh xèo trong Nam phải có nào là nước cốt dừa, nào là tôm...
Găng-đi cười:
- Đúng vậy. Nông dân Nam bộ nghĩ sao, nói vậy. Lúc đó, anh có giận không?
- Tôi còn thích thú là đằng khác. Tôi đang ngồi ăn bánh xèo của bác ta, mà bác ta lại độp vào mặt là bánh xèo đó, chó trong Nam cũng không thèm ăn. Ngay thật đến thế là cùng. Nhưng đó là sự thật. Tôi đâm quý bác ta. Từ đó, tôi hay ra ăn. Chúng tôi trở thành thân nhau. Cán bộ cho phép tôi đi phân phát thuốc lào.
Lão đi tới từng buồng, đưa thuốc lào cho mọi người.
Gã thượng úy bộ đội năn nỉ:
 - Con không có lửa. Bố cho con viên đá. Con đói lắm. Bố có gì cho con ăn với.
Lão chạy vào buồng, lấy cái khuy gắn đá đưa cho gã, kèm thêm một cân gạo nếp rang. Lão tới các buồng nữ, cảm ơn những người cho lão quà mừng sinh nhật. Lão cho cô ca sĩ, cô diễn viên kịch nói, gã đầu gấu mỗi người một bao thuốc lá. Tới buồng bà Sài-Gòn, lão đưa cho bà một bao:
 - Chị không nghiện. Nhưng mỗi ngày, sau bữa cơm, hút một điếu cho thơm, không hại gì đâu.
 - Em nhận. Nhưng với điều kiện, từ nay em cho gì anh Hai cũng phải nhận. Anh Hai cho em địa chỉ cô em anh Hai. Em về, em sẽ tới thăm, gửi quà cho anh Hai. Liệu anh Hai có được tha không? Hai mươi năm rồi, còn giam đến bao giờ nữa. Độc ác quá vậy.
- Không có hy vọng gì. Công an ép tôi phải làm việc cho họ, hại người khác, mới thả. Tôi không chấp nhận. Họ cho tôi tí quà là để dụ dỗ tôi thôi. Không tốt lành gì cả. Tối nay, tôi sẽ ghi địa chỉ của em tôi đưa cho chị. Tôi rất xúc động trước lòng tốt của chị. Cảm ơn nhớ.
 - Có gì mà ơn với huệ. Anh Hai cứ coi em như em gái anh Hai.
 Lão giơ tay chào:
 - Vâng, cảm ơn cô em.
 Rồi vào buồng. Phó Nhòm cũng từ cửa buồng Nữ Thần Đô La trở về.
 Gã tò mò:
 - Ông bạn “khai hỏa” rồi phải không? Phản ứng của em ra sao? Tôi thấy hai bên có vẻ “hữu nghị” lắm.
 Lão lắc đầu:
 - Chị ấy tốt với tôi, tôi cảm ơn. Có gì khác đâu.
 - Về phía tôi, kết quả vượt chỉ tiêu. Em hứa ra ngoài sẽ tìm tôi. Tôi cho em địa chỉ một thằng bạn. Em sẽ liên lạc với tôi qua nó. Em ly dị lâu rồi. Nhưng vợ tôi là con sư tử Hà-Đông, dữ tợn lắm.
 - Thôi, chúng ta ăn đi, rồi uống trà. Ủ lâu cũng nguội mất.
 Tối đến, cả xà lim tán tụng Găng-đi không tiếc lời. Mùi thuốc lào, thuốc lá thơm lừng. Phó Nhòm tràn đầy hứng khởi, đứng lên tuyên bố:
 - Tối nay, chúng ta hát mừng thánh Găng-đi Việt-Nam. Tôi xin mở đầu với bài “Danube Bleu”, tức “Giòng Sông Xanh”.
 Gã hát cả bằng tiếng Việt, lẫn tiếng Pháp. Mục đích là để trổ tài với Nữ Thần Đô La. Tiếp theo, gã hát bài “Trở Về Sô-ri-en-tô”, rồi kết thúc với bài “Lịch Sử Một Cuộc Tình”. Mọi người vỗ tay ầm ầm. Cô ca sĩ, cô diễn viên kịch nói, thay nhau hát, không mệt mỏi. Càng hát, càng bốc. Gã thượng úy bộ đội, no bụng, cũng đứng lên góp vui. Không ngờ giọng gã trầm và ấm đến thế! Cả xà lim ngạc nhiên. Gã hát một loạt bài cách mạng. Rồi kết thúc bằng ba bài dân ca Lào, vừa bằng tiếng Lào, vừa bằng tiếng Việt. Gã được hoan hô nhiệt liệt.
 - Xà lim đã phát hiện một tài năng mới.
 - Đã có một cặp song ca nam nữ tuyệt vời.
 Gã tự phụ:
 - Nếu tôi có ăn, tôi hát sẽ hay hơn nhiều. Đói hụt cả hơi. Chỉ hát được đến thế!
 Gã đầu gấu mắng:
 - Chưa gì đã giở giọng vòi ăn. Đồ mạt hạng.
 Lão can:
 - Thôi, từ nay xà lim là một nhà. Mọi chuyện cũ, bỏ qua hết. Chú mày ơi, đừng giận nữa. Rằng tài nên trọng, mà tình nên thương.
 Phó Nhòm đứng lên tuyên bố bế mạc. Mọi người chuyện trò râm ran tới khuya. Chỉ im lặng, khi nghe tiếng giầy công an võ trang vào tuần tra.
 Lão nói với Phó Nhòm:
 - Bắt đầu đêm nay, tôi dạy anh khí công.
 Gã cười:
 - Cảm ơn ông bạn. Tôi phấn chấn quá, chưa học nổi. Đợi mấy hôm nữa. “Vitamine E” công hiệu thực.
 - Vậy chúng ta làm một điếu. Tôi đi ngủ. Còn anh nằm nhấm nháp khoản “Vitamine E”. Không biết em bên kia có nằm nhâm nhi khoản “Vitamine A” không?
 - Em đa tình lắm. Mắt lúc nào cũng long lanh là nhờ có “Vitamine A” do tôi cung cấp đấy. Thôi ông bạn ngủ đi. Tôi còn phải mơ màng... 
Ngày qua ngày, lão ở xà lim thấm thoát đã hai tuần. Lão không xin gặp tên cục trưởng. Lão biết khi khước từ sự cộng tác với công an, cánh cửa nhà tù sẽ tiếp tục khép chặt. Lão đã tỏ rõ lập trường ngoan cố, không chịu phục vụ cách mạng. Lão thở dài. Không còn lựa chọn nào khác. Phó Nhòm đối với lão đã trở thành một người bạn tâm tình. Lão thấy gã có học vấn, thẳng thắn, tốt bụng và rất ghét chế độ. Gã cứ tiếc rẻ: “Giá miền Nam mà giải phóng miền Bắc thì tốt biết bao!” Từng ở trong Đảng nhiều năm, gã khẳng định guồng máy độc tài này chỉ mang lại tai ương cho dân tộc. Từng được đi ngoại quốc, gã khẳng định kẻ nào đã sống trong chế độ, đã được nhìn thấy thế giới, với tất cả cái tốt, cái xấu của nó, mà còn chấp nhận được chế độ, thần kinh kẻ đó phải có vấn đề. 
Em gái lão đã gửi quà cho lão. Kèm theo một lá thư khuyên lão hãy đón nhận sự “mở đường” của Đảng. Xem thư, lão lắc đầu. Chúng nó vận động cả cô em lão, để lung lạc lão. Quà chỉ có mấy cân mì rang, vài lạng đường Cuba, ít muối vừng. Mang tiếng là có tiếp tế, mà không có gì đáp lại những người cho quà mình. Lão áy náy. Phó Nhòm an ủi:
 - Họ cũng biết ông bạn nghèo. Chẳng ai nhỏ nhen, để ý đâu. Mụ Sài-Gòn cho ông bạn nhiều thực. Trông ông bạn đã bắt đầu có da, có thịt rồi đó. Trẻ hẳn lại.
 - Biết vậy, nhưng tôi vẫn thấy ngượng. Thường tình, có đi, có lại, mới toại lòng nhau.
 - Cả xà lim này, ai chả biết ông bạn rộng rãi. Riêng khoản thuốc lào, thuốc lá, nếu ông bạn đổi chác, cũng đủ no hàng tháng là ít. Gã thượng úy bộ đội cũng được ông bạn chia xẻ. Ai cũng phục ông bạn.
 - Nó không biết ăn dè như mọi người. Cứ hỏi xin tôi luôn. Nghĩ cũng khổ tâm. 
 Một buổi chiều, cơm nước xong, Ngưu-Ma-Vương mở cửa buồng, bảo lão:
 - Anh thu xếp nội vụ. Chuyển sang buồng 1.
Phó Nhòm tái mặt. Hai người ở với nhau đang hợp, đang vui. Gã thấy bàng hoàng. Gã chưa quen với cảnh bạn bè chia tay đột ngột trong tù. Lão thu xếp đồ đạc, chuyển sang buồng 1.
 Gã thượng úy bộ đội hớn hở:
 - Bố ở với con. Con sẽ hầu hạ bố, đấm bóp cho bố.
 - Buồng này gần nhà vệ sinh, ẩm mốc, hôi hám quá. Mai phải báo cáo cán bộ, xin cọ rửa.
- Nếu được phép, mai để con làm. Bố già yếu rồi, cứ nghỉ ngơi. Con còn thanh niên. Con xin xốc vác hết.
 - Mày năm nay bao nhiêu tuổi?
 - Con ba mươi mốt.
 - Bị bắt lâu chưa?
 - Mới mười tháng. Con bị nhốt mấy tháng ở Bất-Bạt, trại giam quân đội. Không hiểu sao lại chuyển về đây. Trại quân đội đỡ hơn. Ở đây đói quá.
 Gã đầu gấu kêu:
 - Ông chú ơi, ông chú ở buồng ấy là buồn rồi.
 - Vẫn cùng xà lim. Xa hơn có bốn thước. Không buồn đâu.
 - Thằng thượng úy, mày mà hỗn với ông chú, thì biết tay tao.
 Phó Nhòm nói sang:
 - Ở với nhau đang vui. Ông bạn chuyển sang đó. Chán quá.
 - Anh em hiểu nhau là đủ. Xa một chút, không sao.
 Gã thượng úy nhìn lão:
 - Con đói quá. Bố có gì cho con ăn với.
 Lão ngạc nhiên:
 - Hôm kia, tao mới cho mày một cân mì rang. Đã hết rồi?
 - Con ăn một lúc hết ngay.
 - Ăn lối đó, không được. Phải chia ra mà ăn. Cốt cầm cự, giữ sức khỏe. Không nên ăn cho đã. Tao về đây, nếu hàng tháng được tiếp tế vài cân mì rang, là may rồi. Trên trại, đường xá xa xôi, cô em chỉ tiếp tế vào dịp tết thôi. Tù còn dài, phải chịu đựng cái đói, cái khổ, cho quen đi.
Lão pha một ca nước đường, rồi bốc vài nắm mì rang cho gã. Lão cũng bốc vài nắm, để lên miếng các-tông lão vẫn dùng làm quạt.
 - Bố không uống à?
 - Mỗi ngày chỉ uống một lần. Tao uống rồi.
 Gã nốc một hơi hết ca nước. Rồi bốc mì, nhai ngấu nghiến. Vài phút hết sạch.
 - Mày can tội gì?
 - Con đóng quân ở Lào. Con phụ trách chở lương thực sang Thái, giúp du kích Thái. Con ăn tiền, đưa người vượt biên. Được mấy chuyến thì bại lộ.
 - Sao không ai tiếp tế cho mày?
 - Bố mẹ con đã chết. Con chưa có vợ. Có một ông anh, thì đã trốn sang Úc.
 - Mày đi bộ đội từ năm nào?
 - Con đi bộ đội từ năm 17 tuổi. Con phải khai man thành mười tám. Quê con ở Thái-Bình. Mang tiếng là vựa thóc, là “Quê hương năm tấn”, nhưng đói lắm. Bình quân, mỗi đầu người hàng tháng chỉ được chín cân gạo. Bố tính, sức thanh niên chúng con, kể cả con gái, phải ăn mỗi ngày một cân gạo mới tạm no. “Mười bảy bẻ gẫy sừng trâu” mà. Hàng năm đi thủy lợi, mỗi người phải góp một cân gạo mỗi ngày. Thế mà phải ăn như rồng cuốn. Ai ăn chậm thì đói. Để con kể cho bố nghe. Năm đó, có con bạn cùng xóm. Nó đem dăm lạng cá mòi khô đi thủy lợi. Sau mười ngày, lại mang nguyên về. Bọn chúng con cười vỡ bụng. Số là, nếu ăn cá nhằn xương, chậm chạp, thì cơm sẽ bị mấy cô bạn cùng mâm ăn hộ bớt. Thành thử, không dám đụng tới cá. Chúng con hát giễu cô ta: “Cá đi rồi cá lại về”, làm cô ta xấu hổ, đỏ cả mặt. Con đói từ bé. Còn nhớ năm con mười tuổi, một buổi tối, bố con nằm ở chõng, cứ thở dài sườn sượt. Một lúc, bố con chửi: “Mang rổ khoai luộc mẹ nó đi. Sáng mai nhịn cũng được”. Con sướng quá, bê rổ khoai, nhảy vọt qua bậc cửa, bị vấp ngã, gẫy mất cái răng cửa. Từ đó bạn bè gọi con là thằng sứt. Cái răng sứt vẫn còn đây.
 Gã cười, nhe răng cho lão xem.
 Lão vét nốt mấy sợi mì, uống một ngụm nước.
 - Thế mày trúng tuyển bộ đội ngay?
 - Vâng, được biết trúng tuyển, con mừng hơn mẹ con sống lại. Thế là hết cảnh đói mòn, đói mỏi. Mấy đứa gầy yếu quá bị loại, buồn như cha chết. Có đứa khóc.
 - Hồi đó, chúng mày có biết đi B, chết rất nhiều không?
 - Chúng con biết chứ. Trai làng bao đứa đã vong mạng. Hai thằng em họ con cũng đã chết ở Khe-Sanh.
 - Chúng mày không sợ chết à?
 - Chẳng đứa nào sợ cả. Cái đói triền miên đáng sợ hơn nhiều. Bố bảo, đi bộ đội, chết chưa thấy đâu, đã thấy no trước mắt. Hai mốt cân gạo, một cân rưỡi thịt, một cân đường, mỗi tháng. Nghe trên thông báo tiêu chuẩn đó, chúng con thèm rỏ rớt, rỏ dãi. Cứ như là một giấc mơ ấy. Chiến đấu dũng cảm được thăng chức lên sĩ quan. Tiêu chuẩn còn cao hơn nữa. Hơn đi thanh niên xung phong nhiều.
 - Mày có ở Căm-pu-chia bao giờ không?
 - Có chứ. Năm 79, con tiến công Căm-pu-chia theo đường Lào. Con gái Lào, Căm-pu-chia dễ dàng lắm, bố ạ. Nói thật với bố, hồi ở Căm-pu-chia, con ăn cả gan người. Thấy nói bổ lắm.
 - Gan tươi hay gan khô?
 Gã tiếc rẻ:
 - Con chỉ mới được ăn gan khô thôi. Mấy thằng bạn con, chúng ăn gan tươi. Moi từ trong bụng ra, nhắm rượu luôn. Kể cũng tàn bạo.
 - Mày không chết là may mắn lắm đó. Năm bảy mươi nhăm, tao xem báo Nhân-Dân. Ông Chế-Lan-Viên nói là tổng số hơn ba ngàn cán bộ gửi vào hoạt động ở Lâm-Đồng, chỉ có ba mươi người sống sót. Một tướng công an nói là cứ bốn mươi xe tải, mà một vào tới đích, coi như thắng lợi.
 - Đúng vậy, bố ạ. Chết nhiều lắm. Đủ thứ chết. Chết bom đạn. Chết bệnh tật. Chết tai nạn, rơi xuống vực. Cánh vận tải chết vô số. Nhưng có hy sinh thế, mới thắng lợi.
 - Con vào đảng lâu rồi. Không phải là đảng viên, làm sao lên được thượng úy.
 Lão đứng dậy:
 - Thôi, tao đi lại vận động một chút. Mày tham gia ca nhạc với xà lim đi cho vui.
 Lão vừa đi lại trên sàn nằm, vừa nghe hát. Khi chương trình kết thúc, lão ngồi xoa bóp toàn thân, rồi luyện khí công.
 - Hút thuốc đi bố.
 - Mày hút thuốc lào hay thuốc lá?
 - Bố cho con thuốc lá.
 Hút hết điếu thuốc, gã hỏi:
 - Bố có gạo nếp phải không? Bà Sài-Gòn mới cho bố mà. Kể bố cũng có duyên đấy chứ. Bà ta mê bố như điếu đổ.
 - Đừng nói nhảm. Bà ta thương hại, bà ta cho thôi.
 - Bố để con nấu cơm nếp ăn bây giờ nhá.
 Lão ngạc nhiên:
 - Lấy gì mà nấu? Xoong, nồi đâu?
 - Con nấu bằng cái bô. Con đã cọ sạch sẽ. Xé cái chăn này ra để đun.
 Lão cau mặt:
 - Nấu bằng bô? Kinh tởm thế, nuốt sao được. Mà ngay có xoong nấu, cũng không nấu được. Mày muốn cùm à? Chúng tao đun hai ly con nước pha trà, mất độ vài phút là sôi, cũng phải có người đứng canh. Thổi cơm nếp, ít nhất mất nửa tiếng. Mùi chăn cháy khét lẹt. Cả Hỏa-Lò ngửi thấy. Làm sao đun nổi. Chúng nó bắt được sẽ kết tội phá hoại tài sản nhà nước. Nếu mày thèm quá, mai tao sẽ nhờ nhà bếp nấu giúp. Thôi, ngủ đi.
 Sáng hôm sau, Ngưu-Ma-Vương cho phép lão cọ buồng. Hai người ra sức cọ rửa trong vòng mươi phút. Mùi hôi đỡ hẳn.
 Lão nói:
 - Mình phải cố giữ vệ sinh tới đâu hay tới đó. Muốn trụ được với nhà tù là phải thế.
 Gã thượng úy bộ đội lôi từ gầm sàn ra một túi ni-lông toàn vỏ bưởi, vỏ chanh, vỏ chuối, lá bánh, nhồm nhoàm nhai.
Lão ghê sợ, ngăn lại:
 - Không ăn được! Mày lấy ở trong cầu tiêu ra, phải không? Thằng này hỏng. Không thể tưởng tượng nổi! Cái thùng cao su đó chứa giấy chùi đít, giấy vệ sinh phụ nữ. Thế ra hằng ngày, mày vẫn moi những thứ này từ cái thùng đó ra ăn. Mày muốn chết đấy. Gói ngay lại. Chiều, vất đi hết. Đây, tao cho ít mì rang.
 Gã len lét gói tất cả lại, vất vào gầm sàn.
 Lão cảnh cáo:
 - Bận sau mày còn ăn bẩn, ăn thỉu thế nữa, tao sẽ báo cáo quản giáo, và cắt, không cho mày một thứ gì nữa. Kể cả thuốc lào.
 Tối hôm đó, ngồi bình tĩnh, lão giảng giải:
 - Tao thương mày, tao mới đối xử như vậy. Tao định tới khi hết mì rang, mới ăn tới gạo nếp. Nhưng thấy mày thèm quá, tao cũng nhờ nhà bếp nấu. Kẹo, bánh, đường, mì rang, muối vừng, tao dùng thứ nào, mày dùng thứ ấy. San sẻ đều. Tao biết, ăn thế không thấm tháp gì với mày. Kể cả với tao, cũng còn thiếu. Gọi là đỡ đói đôi chút. Chúng ta không có nhiều. Biết làm thế nào? Ăn căng rốn ra, hai ba hôm hết. Rồi cả tháng nhịn. Ăn kiểu ấy, không có lợi cho sức khỏe. Ốm đau trong tù, lại không có thuốc. Tao rất thông cảm. Tao tù hai mươi năm rồi. Tao quen với đói khổ hơn mày. Nhưng mày cũng cố luyện dần đi, để thích ứng với hoàn cảnh sống trong tù. Tội mày, ít nhất cũng phải năm, bảy năm. Sau này đi trại, nếu vì đói, mà cứ gặp cái gì, ăn cái ấy, sẽ chết rất nhanh. Tuổi mày còn trẻ, phải cố mà sống. Hãy suy nghĩ kỹ lời tao nói: “Ăn để sống, chứ không phải để chết”. 
 - Con đâu muốn ăn những thứ dơ dáy đó. Con cũng là một con người. Một quân nhân cách mạng. Con có danh dự. Nhưng con đói quá. Không kiềm chế nổi.
 - Tao hiểu. Trận đói năm bốn nhăm, chính mắt tao nhìn thấy, nhiều người còn ăn bậy hơn mày. Có trường hợp ăn cả thịt người chết. Bên Trung-Quốc, những năm đói, nhiều ông bố, bà mẹ không nỡ ăn thịt con mình, phải trao đổi con với người khác để ăn. Nhưng chúng ta không đói đến mức như họ. Họ không có thứ gì để ăn cả. Chúng ta vẫn có ba lạng gạo hẩm một ngày. Tuy chỉ còn xương da, nhưng vẫn sống trong nhiều năm. Tao không nói chuyện danh dự với mày. Chuyện cách mạng lại càng không muốn nói. Cả một thực tế bi thảm không mở mắt được mày. Vài lời nói của tao, ăn thua cái gì? Tao chỉ muốn nhấn mạnh một điều, đó là cái mạng sống của mày. Muốn giữ được nó trở về, tuyệt đối không được ăn uống bừa bãi, mất vệ sinh. Cách duy nhất để chống lại sự hành hạ của cái đói là không nghĩ tới nó. Cứ nhắm mắt luyện khí công như tao là quên đi. Mày xem, gã đầu gấu, cô ca sĩ, cô buôn đô la, và mấy người không có tiếp tế khác. Họ có no gì hơn mày đâu. Thỉnh thoảng được người ta cho, chẳng qua vài cái bánh, vài cái kẹo. Họ có cào cấu như mày đâu. Phải học tập họ.
 - Vâng, con sẽ hạ quyết tâm.
 - Không quyết tâm, cũng không có cách nào khác để no. Càng hành hạ mình thôi.
 Phải sống với gã thượng úy bộ đội, lão ngán quá. Gã không biết chuyện gì để nói. Lúc nào cũng hau háu nghĩ tới ăn.
 Một hôm, thấy bà Sài-Gòn có tiếp tế, gã háo hức:
 - Bố xin bà ta ít gạo nếp rang, ít thịt đi. Con thèm thịt quá.
 Lão buồn rầu:
 - Người ta cho, tao còn không muốn nhận. Làm sao tao có thể nhục nhã xin xỏ được.
 - Bố không nên sĩ diện. Bà ta quý bố lắm. Bố hỏi là được ngay thôi.
 - Tao đã bảo không là không.
 Gã nằm dài ra, tiu nghỉu. 
 Sáng hôm sau, vừa ra vệ sinh xong, Ngưu-Ma-Vương gọi lão đi cung.
 Vẫn căn phòng cũ. Tên cục trưởng và hai thanh niên phụ tá ngồi ở bàn. Y chỉ ghế, mời lão ngồi. Qua mấy câu xã giao vô nghĩa, y vào đề:
 - Chắc anh đã suy nghĩ kỹ đề nghị của tôi. Hôm nay, tôi muốn biết ý kiến của anh.
 Lão ôn tồn:
 - Vâng, tôi đã nghĩ kỹ. Tôi thấy, tôi không thể làm việc cho công an.
 Y hơi ngạc nhiên:
 - Anh cho tôi biết tại sao?
 - Thời trẻ đi lính, tôi chỉ biết cầm súng, xông pha trận mạc một cách vô ý thức. Tôi không bao giờ để ý tới chính trị. Giờ đây, sau hai mươi năm tù, tôi chán nản lắm, chỉ muốn sống yên, làm một người dân thường. Nếu tôi có ý định bay nhẩy, thì năm bảy tám, tôi đã vượt biển. Một là thoát, hai là chết chìm rồi. Đâu có nằm tù thế này.
 - Anh không muốn phục vụ cách mạng, lập công, chuộc tội?
 - Tôi xin nói thẳng. Tôi không có tội gì, mà phải chuộc. Năm 54, theo lời kêu gọi của cách mạng, tôi không đi Nam. Tôi chưa hề có lời nói, hoặc hành động nào chống chế độ. Các ông có quyền. Bỏ tù tôi. Tôi phải chịu. Bây giờ, các ông tha cũng được. Tiếp tục giam cũng được. Tôi không có khả năng quyết định số phận của tôi.
 - Anh cho cộng tác với chúng tôi là trái lương tâm?
 - Ngành an ninh nước nào cũng có. Từ trẻ, tôi đã không thích nghề đó. Xã hội trăm nghề. Mỗi người hợp với một nghề. Khi không yêu nghề, thì không thể làm việc tốt được. Do đó, tôi không nhận đề nghị của ông. Hơn nữa, ngành an ninh không phải là một ngành an toàn. Nhất là với một người có lý lịch như tôi.
 - Không an toàn? Anh nói, tôi không hiểu. Hãy giải thích kỹ hơn.
 - Tôi nghĩ nghề công an, cũng như nghề chính trị, đều không an toàn. Những người muốn sống an phận như tôi, không ai muốn tham dự. Trước kia bao ông làm chính trị thân Nga đã bị bắt. Bây giờ, lại đến lượt những ông thân Trung-Quốc vào tù. Còn công an, tôi đã gặp nhiều ông trong trại giam. Kiên trì cách mạng như họ mà còn phạm sai lầm, nằm tù. Huống hồ tôi, một “đại úy ngụy”.
 - Tóm lại, anh không chấp nhận đề nghị của chúng tôi?
 - Vâng, tiếc rằng tôi không thể chấp nhận.
 Y đứng dậy, lạnh lùng:
 - Thôi, anh về. Anh muốn tiếp tục ở tù, khước từ sự mở đường của chúng tôi. Chúng tôi sẽ cho anh toại nguyện.
 - Tôi đã nói, tôi không có khả năng quyết định số phận của tôi. Quyết định thế nào là ở các ông.
 Trở lại xà lim, lòng lão buồn. Nhưng lương tâm lão thanh thản. Thế là sự lựa chọn đã dứt khoát.
 Ngưu-Ma-Vương cho các buồng ra lấy cơm. Lấy túi muối vừng ra, lão thấy vơi đi tới một phần ba. Gói mì rang, gói đường cũng vậy.
Lão hỏi gã thượng úy bộ đội:
 - Mày ở buồng, ăn mì rang, muối vừng, đường phải không?
 Gã chối:
 - Không, con không hề đụng tới túi quà của bố.
 Lão giận lắm:
 - Mày không chối được. Tao buộc dây theo một kiểu riêng. Không buộc thế này. Tao có gì, cũng chia sẻ đều với mày. Đối xử thế, mà vắng tao, mày còn ăn vụng. Từ nay, tao không cho mày cái gì nữa.
Suốt ngày hôm đó, lão không cho gã ăn, gã hút, không nói với gã nửa lời.
Buổi tối, xà lim ca hát, chuyện trò, gã nằm lì, mặt lầm lầm. Lão ngồi luyện khí công đều đặn. Mắt nhắm lại, tinh thần thư giãn.
Gã đột nhiên ngồi dậy, chửi đổng:
 - Tiên sư nó. Tao sẽ cướp, tao ăn. Tao còn dần cho tan xác nữa. Báo cáo cán bộ, tao cũng không sợ.
 Lão mở mắt, nhìn gã:
 - Mày chửi tao? Mày nói mày cướp, mày ăn? Tao hứa sẽ không báo cáo cán bộ. Nếu mày dám sờ vào túi tiếp tế, hoặc chửi xỏ xiên một câu nữa, tao sẽ cho mày gẫy thêm vài cái răng cửa. Mày thử ngay đi. Xem tao có làm đúng lời tao nói không. Loại như mày mà cũng học đòi trấn lột!
 Thấy mắt lão long lên, gã im lặng. Một lúc, gã nằm xuống, ngủ vật, mồm há hốc. Nhìn khuôn mặt vêu vao, nhìn thân hình da bọc xương của gã, lão thở dài. 
 Sáng hôm sau, Phó Nhòm báo tin mừng:
 - Hôm nay, thánh Găng-đi coi.
 Lại một dịp may hiếm có. Các buồng ra làm vệ sinh, mở cửa gió, nói chuyện với nhau thỏa thích. Ai đi qua buồng lão cũng đứng lại hỏi thăm việc về ở. Nghe lão kể lại cuộc đi cung hôm qua, Phó Nhòm tán thưởng:
 - Ông bạn hành động đúng lắm. Đành phải hy sinh thôi. Vắng ông bạn, nằm một mình, buồn lắm. Không còn được trà thuốc bù khú với nhau nữa.
 Gã đầu gấu tuồn ít thuốc lào qua song sắt:
 - Đàn em cháu lén gửi cho cháu, nhiều lắm. Hút hết, ông chú cứ nói.
 - Tao vẫn còn thuốc.
 - Ông chú cứ giữ lấy.
 Gã chừng mắt nhìn gã thượng úy bộ đội:
 - Mày được ở với ông chú, có ăn, có hút là phước tổ nhà mày đấy. Không hầu hạ ông chú tử tế, tao cắt cổ.
 Bà Sài-Gòn nhìn vào buồng lão hỏi:
 - Hôm qua, anh Hai đi cung, kết quả thế nào?
 Lão tươi cười:
 - Chắc chắn là còn tù. Họ nói thẳng vào mặt tôi như vậy.
 Bà ta buồn rầu:
 - Chúng nó khốn nạn thực. Anh Hai từ chối là phải. Thà chết, chứ đời nào đi giúp chúng nó. Ở đây hôi quá. Em cho anh Hai lọ dầu thơm.
 - Cám ơn cô em. Sau này, nếu được về, thể nào cũng phải vào Sài-Gòn, ăn với vợ chồng cô em một bữa cơm.
 - Anh Hai sẽ là thượng khách của gia đình em. Em sẽ mua vé tầu cho anh Hai.
Đến lượt buồng lão ra. Găng-đi đưa cho lão một gói thuốc lào như lần trước. Thêm một gói trà Hồng-Đào:
 - Biếu riêng anh gói trà này. Còn thuốc lào, chia cho họ.
 - Cán bộ lương lậu có là bao. Không nên cho chúng tôi. Thấy cán bộ là xà lim vui rồi.
 - Dù sao, ở ngoài cũng hơn ở tù. Cứ cầm lấy, nhớ kín đáo.
 Bà Sài-Gòn báo cáo xin phép cho lão ít quà.
 Găng-đi nheo mắt cười:
 - Tình cảm quá nhỉ.
 Lão vội nói:
 - Chúng tôi coi nhau như anh em.
 Lão đi các buồng, phát thuốc lào cho mọi người. Tới buồng người yêu gã đầu gấu, lão đùa:
 - Liệu sau này có đi tiếp tế cho nó được không? Muốn làm Tô Thị vọng phu hả?
 - Nhất định cháu sẽ đi. Cháu thương anh ấy lắm.
 - Thằng ấy có chí khí đấy.
 Cô diễn viên kịch nói bĩu môi:
 - Ở đây thì chỉ non, thề biển. Ra ngoài gặp chàng khác, là cho rơi ngay. Rồi xem có đúng thế không.
Cứ hôm nào Găng-đi thay Ngưu-Ma-Vương là xà lim hệt như ngày hội. Một trái tim tốt có thể xoa dịu được nhiều khổ đau, oan trái. Chẳng trách Beethoven phải nói: “Ngoại trừ lòng tốt, tôi không thừa nhận một thứ ưu việt nào khác”. Victor-Hugo cũng khuyên con gái: “Con hãy sống tốt. Lòng tốt hàm chứa tất cả, con ạ”.
 Buổi tối, sau khi nghe xà lim ca hát xong, lão lấy ít quà bà Sài-Gòn cho ra ăn. Gã thượng úy bộ đội nằm dài trên sàn, mặt buồn thỉu, nghĩ ngợi.
 Khi lão buộc gói quà lại, gã quỳ phọp, gục đầu xuống sàn:
 - Con lạy bố, bố tha tội cho con. Bố muốn đánh chửi con thế nào, con cũng xin chịu. Con xin bố.
 Gã cứ quỳ gục đầu như vậy. Lão nhìn gã lòng đau xót vô hạn. Cái đói có thể hạ nhục con người đến thế này sao? Lão buồn rầu:
 - Mày ngồi dậy đi. Không nên làm thế.
 Gã nói như khóc:
 - Nếu bố không tha tội cho con, con sẽ quỳ suốt đêm.
 - Ngồi dậy. Tao đâu có chấp với mày.
 Gã ngồi lên, vẻ ăn năn:
 - Ở đây ai cũng khinh con. Chỉ có bố là thương tới con, coi con như con. Con láo, mong bố tha thứ cho.
 Lão chỉ vào túi quà:
 - Tao hiểu. Mày lạy túi quà này. Chứ không phải lạy tao. Tao cũng chỉ định phạt mày một hôm. Nhưng mày đói quá hóa rồ, chửi tao, đe dọa tao, đòi trấn lột, tao mới cắt, không cho mày ăn. Ở cùng buồng, cùng cảnh tù tội, tao ngồi ăn, nhìn mày nằm đói, nuốt khó trôi lắm. Từ nay, tao cho cái gì, được cái ấy. Cấm xin xỏ, đòi hỏi.
 Lão mở túi, lấy cho gã ít xôi đậu xanh, mấy miếng giò, một bánh khảo.
 Gã rối rít:
 - Con xin bố, con xin bố.
 Đợi gã ăn xong, lão cuộn thuốc lào cho gã hút. Rồi bằng một giọng chân tình, lão khuyên:
 - Sau này thành án, mày sẽ phải đi trại. Mày là đảng viên, có thể mày sẽ được ưu tiên làm một việc nào đó no bụng. Nhưng sống với lưu manh, rất khó. Nếu muốn không bị đập chết, hoặc bị đánh thành thương tật suốt đời, nhất thiết phải sống lương thiện. Xì xọt, bẩm báo, trộm cắp lặt vặt là điều tối kỵ. Chết như bỡn. Nếu được làm toán trưởng, nhớ đừng bao giờ đàn áp, cưỡng bức toán viên lao động để lập công. Chúng sẽ cho mất mạng ngay. Không quản giáo nào che chở nổi cho mày đâu. Mày sống với bạn tù là chính. Chứ không phải với cán bộ. Mày đâu phải là đối thủ của những tay anh chị sừng sỏ. Chúng là những tay đao búa. Đâm chém là chuyện cơm bữa đối với chúng. Dù mày có to khỏe, có võ nghệ, cũng vô ích. Chúng sẽ đánh du kích. Đánh bất cứ lúc nào. Lúc ăn, lúc ngủ. Bất thình lình. Làm sao đỡ nổi. Tao ở tù hai chục năm, tao đã chứng kiến, những bộ đội đặc công, những dũng sĩ diệt Mỹ, tất cả đều len lét, sợ chúng một phép. Không dám ho he. Đơn giản là bởi chúng rất hung dữ, liều lĩnh, coi chuyện sống chết không là cái gì. Mày phải ghi nhớ lời tao, mới mong tha được xác về.
- Vâng, từ nay con xin ghi nhớ những lời dạy bảo của bố. 
 Cuộc sống cứ trôi đi. Lão ở xà lim đã được gần ba tuần. Lão dạy khí công, dạy luân lý cho gã thượng úy bộ đội, bắt gã góp vui ca hát. Mục đích giúp gã quên cái đói. Gã tấn tới trông thấy. Không còn nằm ườn ra, ngày đêm nghĩ tới ăn.
Một sáng, xà lim đón hai khách mới. Đó là hai phụ nữ. Một trung niên, một trẻ măng. Nhìn thấy hai người đi vào hành lang, lão biết ngay mụ trung niên là một ăng-ten. Nội vụ mụ lỉnh kỉnh, tay xách, nách mang. Mắt mụ lơ láo nhìn quanh. Trong khi cô gái trẻ nước mắt đầm đìa, ôm một túi con quần áo.
 Khi Ngưu-Ma-Vương có việc, vắng mặt một lúc, gã đầu gấu hỏi:
 - Bà cô mới vào bị bắt lâu chưa?
 - Cô mới bị bắt sáng nay.
 - Số giam bà cô bao nhiêu?
 - X 1025.
 - Còn cô em đừng khóc nữa. Cũng mới bị bắt, phải không?
 - Em cũng bị bắt sáng nay.
 - Nhớ rằng nội quy ở đây cấm không được tâm sự, kể lể tội trạng mình với ai. Vi phạm là cùm đấy.
 - Cảm ơn anh. Em sẽ giữ đúng nội quy.
 Lão nghĩ thầm: “Thằng ranh con này thông minh thật. Tiếc rằng không được ăn học. Số giam của lão là Z4257. Số giam của mụ này là X1025. Rõ ràng mụ đã bị bắt từ lâu, vào một năm nào đó, không phải năm nay. Con bé mới vào ngờ nghệch lắm. Phải tìm cách bảo rõ cho nó biết, để nó đề phòng. Gã đầu gấu báo động thế, chắc nó chưa hiểu gì cả.”
 Lão đứng lên, gỡ một đoạn dây sắt han gỉ trên lưới sắt đã rách, căng ở phía cửa sổ sau, trên cao. Lão luồn đoạn dây sắt đó qua khe cửa gió, nhẹ nhàng cậy cái chốt gỗ phía ngoài. Cánh cửa gió chỉ cần đẩy nhẹ một cái là có thể mở. Lão đợi buồng mụ mới vào ra làm vệ sinh. Nhưng cô gái đi trước. Mụ đi liền sau. Chưa tiện nói. Lão kiên nhẫn, đợi hai người đi ra. Lần này, mụ ta xách sô nước ra trước. Lão gật đầu chào xã giao. Một phút sau, cô gái cầm khăn mặt, bàn chải, thuốc đánh răng, đi ra. Lão lấy tay ra hiệu. Cô gái dừng lại, nhìn lão.
Lão nói nhỏ:
 - Cháu tuyệt đối không được nói với người cùng buồng những gì cháu định giấu không khai. Nguy hiểm đấy. Biết không?
 Cô gái gật đầu:
 - Cảm ơn chú đã bảo cháu.
 Lão giục:
 - Cháu đi đi.
 Tới buồng gã đầu gấu ra vệ sinh. Thấy cửa gió mở, gã nhìn vào, nói:
 - Ông chú phải bảo con bé mới vào cẩn thận. Mụ nằm cùng với nó là ăng-ten đấy.
 Lão cười:
 - Yên tâm. Tao vừa nhắc nó rồi. Đóng cửa gió lại hộ tao.
 - Ông chú làm cách nào mà mở được nó thế?
 - Lấy một đoạn sắt ở lưới sắt, bẻ như móc câu, luồn qua, giật cái chốt xuống là xong.
 - Ông chú sáng kiến đấy. Cháu phải học tập.
 - Mày phải cảnh cáo mụ mới vào. Nó bẩm báo chuyện xà lim thì mất vui.
 - Ông chú yên chí.
 Gã đóng cửa gió lại.
 Buồng lão ra vệ sinh sau cùng. Lão và gã thượng úy tranh thủ tắm. Phải giội nước rất khẽ, để Ngưu-Ma-
 Khoảng năm giờ sáng, bốn công an vũ trang rầm rập mở cửa xà lim, mở cửa buồng gã, khóa tay, bịt mắt gã lại, rồi tháo cùm đưa gã đi. Gã gần như ngất sỉu, không bước nổi. Hai công an vũ trang phải xốc nách gã, lôi xềnh xệch. 
 Liền mấy hôm, xà lim không ca hát.
Rồi cuộc sống cũng trở lại bình thường. Vương không nghe thấy. Hắn còn đương bận khám tiếp tế của giặc lái.
 - Xà lim nghiêm cấm hút thuốc. Năm bao Điện-Biên này, tịch thu.
 - Báo cáo Ban, cháu tử hình, Ban chiếu cố cho.
 - Nội quy là nội quy. Không chiếu cố gì hết. Xách quà vào buồng.
 Tiếng gã giặc lái nổi nóng:
 - Tôi là thằng sắp dựa cột. Đã cùm, không được gặp gia đình thì chớ. Mấy gói thuốc vợ gửi cho, ông cũng thu nốt.
 - Không lải nhải, vào!
 - Tôi không vào, nếu ông không trả lại chỗ thuốc đó.
 - Thằng này láo. Được, mày sẽ biết tay tao.
 Ngưu-Ma-Vương đe, rồi bỏ đi.
 Lão đã tắm xong, đương giặt cái áo lót. Gã thượng úy đương cọ cái bô. Ở ngoài sân, đột nhiên ầm ầm. Tiếng gã giặc lái kêu thét:
 - Ông liều mạng với chúng mày. Đằng nào ông cũng chết.
 Hai người từ nhà vệ sinh vội chạy ra. Hai tên tù tự giác to béo vật gã giặc lái xuống sân. Chúng dùng gót chân đạp ừng ực vào sườn, vào bụng. Gã giặc lái nằm co quắp, kêu “ối, ối”. Ngưu-Ma-Vương đứng nhìn, mắt gườm gườm, mặt lằm lằm.
Lão quăng cái áo lót, cái khăn mặt cho gã thượng úy, chạy tới can, lôi chúng ra.
Hai tên tù tự giác, mặt phừng phừng, chửi: 
 - Đ... mẹ thằng già phản động! Có phải việc của mày không?
 Chúng đánh luôn lão. Bằng hai miếng võ Nhật điêu luyện, lão quật hai tên nằm sõng soài xuống sân. Rồi nói với Ngưu-Ma-Vương:
 - Nếu chúng nó nhỡ tay, đánh chết anh ta, thì ông phải chịu trách nhiệm chính.
 Ngưu-Ma-Vương quát hai tên tù tự giác:
 - Chúng mày về buồng!
 Lão chỉ vào mặt chúng, nghiêm khắc:
 - Đồ vô lương tâm. Tao mà còn gặp chúng mày đánh người. Tao sẽ bẻ gẫy cổ.
 Hai tên tù tự giác cun cút chuồn thẳng.
 Lão bảo giặc lái:
 - Cần gì mấy bao thuốc. Mang quà vào buồng thôi.
 Rồi giải thích cho Ngưu-Ma-Vương:
 - Cơ thể người ta có những tử huyệt. Nhỡ tay đánh trúng những chỗ đó, chết ngay. Bao người đã tù vì tội nhỡ tay đánh chết người. Ông nên thận trọng.
 Hắn khóa cửa buồng giặc lái, buồng lão lại, đi khỏi xà lim.
 Cô diễn viên kịch nói, la lớn:
 - Ông chú ơi, hai thằng lực lưỡng như vậy mà ông chú quật ngã trong nháy mắt. Ông chú ghê thật!
 Phó Nhòm hào hứng:
 - Không ngờ ông bạn giỏi judo như vậy. Phải cho cái bọn chuyên lấy thịt đè người một bài học đích đáng như thế, chúng mới cạch.
 Gã trưởng phòng công ty hóa chất bất bình:
 - Dẫy buồng bên này, chúng tôi theo rõi từ đầu. Không thù oán gì mà chúng đánh giặc lái dã man như vậy. Không phải là giống người nữa. Đáng lẽ ông anh phải đánh bỏ mẹ chúng nó đi.