Chương 2

     hân gục đầu vào gối, mới nằm yên một lúc đã bắt đầu ngáy. Bên cạnh chàng, Loan nằm ngửa, hai tay buông xuôi, mở to mắt nhìn thẳng lên đình màn. Mấy sợi tóc mai của nàng dán chặt lên má còn ướt đẫm mồ hôi. Môi nàng hé mở, tỏ ra vẻ chán nản ghê gớm, ghê tởm cho những đêm ái ân miễn cưỡng. Nàng không cần thiết ái tình: bổn phận nàng là cái máy đẻ, thì nàng phải coi nàng như cái máy đẻ và những cử chỉ của chồng nàng lúc nào cũng nhắc cho nàng biết rằng thân phận nàng chỉ là thế và chỉ có thế thôi.
Bỗng nghe đồng hồ ngoài nhà điểm năm tiếng, nàng giật mình ngồi dậy vì quen như mọi khi, cứ đúng giờ ấy là nàng phải dậy để làm việc, tuy rằng không có việc gì đáng để nàng dậy cả. Những lúc đó thì nàng đi làm những công việc lặt vặt. Nếu có tiếng động chạm để bà mẹ chồng thức giấc, thì thế nào cũng có lúc bà tỏ cho nàng biết rằng nàng làm bộ ra để dậy sớm. Nhưng nếu nàng cứ yên lặng mà làm việc, đến bảy giờ, bà mẹ chồng thức dậy, sẽ dùng những lời mát mẻ cho nàng là một con dâu lười biếng, hư thân, sáng bảnh mắt còn quấn lấy chồng.
- Quấn lấy chồng.
Nghĩ đến đấy, tự nhiên Loan quay mặt ngắm Thân nằm bên cạnh, rồi thở dài, bĩu môi. Tuy nàng đã biết vì cớ gì mấy tháng trước đây nàng nhận làm vợ Thân, nhưng nàng vẫn lấy làm lạ rằng bấy lâu nàng có thể ở cạnh một người như Thân được. Thẫn thờ, nàng trạnh nghĩ đến Dũng ở nơi xa xôi, tưởng ra Dũng đương đi trên một con đường dài đầy cát bụi, để mặc gió thổi tóc phất phơ và mỉm cười như vui vẻ đón chào những cảnh non sông rộng rãi, những ngày đầy đủ của một cuộc đời phiêu lưu hoạt động.
Đã hơn nửa năm nay, Loan không từng được tin gì về Dũng. Nàng tưởng rồi nàng sẽ quên được nếu nàng may mắn có được một người chồng xứng đáng, một gia đình êm ấm. Nhưng không!
Trong sáu tháng nay đã biết bao nhiêu việc làm cho nàng hối hận rằng nàng đã trót nghe lời mẹ giam hãm thân mình vào một nơi toàn người thù, càng ngày càng khó thoát ra khỏi.
Rồi nàng đau đớn nghĩ rằng nàng đã có thai hai tháng nay. Đứa con ấy sẽ là cái dây trói chặt nàng vào cái đời đầy đọa này.
Nàng lấy làm lạ rằng cái chí muốn thoát ly mạnh đến nỗi con nàng mà nàng cũng không mong mỏi nó ra đời. Nàng rưng rưng muốn khóc, tủi cho thân phận đứa bé ở trong bụng và tủi cho nàng cũng có, một cái vui sướng làm mẹ cũng không thiết đến nữa.
Loan quấn tóc rồi với cái bút chì viết mấy chữ để lại cho chồng nói là nàng phải đi tiễn một người chị em bạn. Thật ra nàng thấy tâm hồn chán nản nên muôn đi bất kỳ đi đâu đó cho khuây khỏa.
Ra đến ngoài đường cái, thấy còn lâu mới có chuyến xe điện ở Hà Đông lên, nàng gọi xe tay bảo kéo về phố Mới.
Bà Hai thấy con về chơi sớm, ngạc nhiên không hiểu vì cớ gì, Loan đem cái cớ tiễn bạn nói với mẹ cho mẹ khỏi nghi ngờ. Nàng nhận thấy bà Hai gầy sút hẳn, trông mặt có vẻ lo lắng, nhưng nàng vờ như không để ý, chạy lăng quăng khắp nhà, cười nói như trẻ vô tư lự.
Không thấy ông Hai đâu, Loan hỏi mẹ:
- Thầy con ngủ?
- Không, thầy con xuống Hải Phòng đã ba hôm nay.
Loan đoán có việc gì khác thường liền hỏi:
- Thầy con đi có việc gì thế me?
Bà Hai không trả lời, Loan hỏi:
- Con thấy me có dáng lo nghĩ. Có việc gì xảy ra thế me?
Bà Hai yên lặng một lát, rồi bảo Loan ngồi lại gần mình nói:
- Nhà ta sắp nguy. Thầy xuống Hải Phòng để chạy tiền trả nợ, nhưng me chắc cũng không ăn thua gì.
Loan hỏi:
- Nợ bao nhiêu?
- Ba nghìn.
- Nợ ai thế me?
- Nợ bà phán, mẹ con bên ấy
Loan sửng sốt:
- Nợ từ bao giờ thế?
- Từ năm ngoái, độ con còn ở nhà.
Thấy bà Hai lắc đầu chán nản, Loan cau mày bực tức nói:
- Nhưng không có tiền trả thì thôi chứ làm gì.
- Làm gì? Bà ấy đe dọa tịch ký.
Nói đến đây, bà Hai không giữ nỗi uất ức, ứa nước mắt khóc.
Loan ngồi yên lặng, ngẫm nghĩ. Nàng biết là bà Phán Lợi muốn báo thù nàng, chứ ngoài ra không có cớ gì để hai bên thông gia giận nhau đến nỗi đòi nợ nhau một cách kịch liệt như thế.
Loan nhìn mẹ nửa thương, nửa giận. Bây giờ nàng mới rõ vì cớ gì mẹ nàng tha thiết bắt nàng lấy Thân. Nàng mới hay rằng trước nàng phải bỏ học, vì nhà túng bấn, mà bà Phán Lợi chính là người cứu giúp nhà Loan. Việc nhân duyên của nàng chỉ là việc mua bán.
Trước kia, cha mẹ Loan giao ước cho nàng làm vợ Thân đã làm một việc bán linh hồn của con đi, nay cha mẹ bắng nàng làm vợ Thân đã bán xác thịt nàng, bán nàng vì một số tiền ba nghìn bạc.
Nếu trước kia biết rõ như vậy thì không bao giờ Loan nhận lời. Nàng nhận chỉ vì tưởng vui được lòng cha mẹ. thế mà bây giờ sự hy sinh của nàng đã không có kết quả gì tốt, lại còn cho hai bên cha mẹ thù ghét nhau.
Loan biết từ nay không còn tình nghĩa với nhà chồng nữa. Mẹ nàng đem nàng bán một cách gián tiếp cho nhà bà phán Lợi, đã làm hỏng cả đời nàng mà không ích gì, thì vì cha mẹ một lần này nữa, nàng sẽ nhận cái nghĩa gả bán đó và cố lấy lòng mẹ chồng và chồng cho bà Hai được yên thân. Ôn tồn, Loan nói với bà Hai:
- Xin me cứ yên tâm. Me đã cho phép con lo đến việc đó thì me để con trù liệu.
Thoáng thấy bóng bà Đạo đến chơi, bà Hai vội vã lau nước mắt, đi vào nhà trong. Loan đứng dậy chào mời. Bà Đạo chưa kịp ngồi đã cất tiếng nửa đùa nửa thật, mắng Loan:
- Cô Cả không được một nết gì hết.
- Thưa cô làm sao ạ?
Bà Đạo quay mặt nhìn đi, cao giọng:
- Cô làm tôi ngượng mặt với người ta.
Loan ngồi yên đợi, bà Đạo tiếp luôn:
- Mang tiếng là con gái đảm mà không được tích sự gì cả. Cô liều liệu chứ không ở ngoài người ta nói nhiều lắm đấy, cô ạ.
Như lúc thường thì Loan cũng cố nhịn và bỏ đi nơi khác, nhưng nàng vừa mới gặp việc khó chịu xong, nàng không thể nén được nữa.
- Thưa cô, ở ngoài người ta nói gì thì nói, cháu không cần biết đến. Còn như cô nói đảm, nhưng thế nào là đảm mới được chứ.
Bà Đạo nhiếc:
- Thế nào là đảm thì cô biết đấy.
Loan đáp:
- Vâng, đảm nghĩa là về hầu hạ nhà chồng từ người trên đến người dưới cho chu tất. Nếu chỉ thế thì một con sen cũng làm nổi, không cần phải một nàng dâu. Cháu, cháu nghĩa khác: cháu không cho đó là bổn phận chính. Vì người ta bắt cháu như thế cháu không nghe, nên người ta cho cháu là một nàng dâu hư thân, mất dạy!
Rồi trong khi bà Đạo còn đang ngạc nhiên nhìn Loan, Loan thản nhiên nói tiếp:
- Vả lại cô cũng chẳng việc gì phải ngượng hộ cháu. Đời cháu, cháu phải lo.
Nói đến đấy Loan cảm thấy thân mình trơ trọi sống ở trong một xã hội cũ kỹ mà người nào cũng tỏ cho nàng biết rằng người ta đều có quyền đối với nàng, có quyền nhiếc mắng nàng khi nàng không chịu theo.
Nghĩ vậy, Loan thấy Loan không còn can đảm nữa, mong mỏi có thể thay đổi được cả tâm tình mà buông tay thẫn thờ mặc cho cuộc đời mình trôi theo dòng cũ.
Mãi đến chiều, Loan mới về ấp Thái Hà. Khi qua cổng nhà một ông chú, Loan gặp Đức, một người em họ làm thầy thuốc ở nhà thương Hà Nội. Đức nói:
- Tôi vừa ở đằng nhà ra đây. Hôm nay nhà có giỗ.
Loan ngơ ngác hỏi:
- Nhà ai?
- Nhà anh chị chứ nhà ai? Chị không biết à?
- Không, thế giỗ ai?
Đức cười:
- Tôi cũng không biết như chị. Thấy bên nhà gọi sang thì sang... Chắc là giỗ xép.
Trong họ chỉ có Đức là hiểu được Loan và biết rõ tình cảnh nàng, Đức nhìn Loan ái ngại:
- Chị nghĩ cớ gì trước để về nói với bác, không thì cũng khá rầy rà đấy.
Loan cười nói:
- Con dâu trưởng như tôi thì mất nhờ.
Lúc Loan về đến nhà, trên bàn thờ đèn nến còn sáng trưng.
Bà phán Lợi ngồi ở sập uống nước, thấy nàng về ngọt ngào hỏi:
- Mợ đi chơi mát về?
Loan cúi đầu không đáp, đi rẽ sang buồng bên cạnh. Bà phán hỏi to:
- Mợ đã xơi cơm chưa để bảo nó dọn cơm.
Rồi bà lên tiếng gọi con gái:
- Bích ơi! Con dọn cơm lên để chị xơi đi.
Bích đang ngồi nói chuyện với em là cô Châu, thấy mẹ gọi, vội đáp:
- Thưa mẹ nhà hết cơm rồi, chỉ còn ít cơm cháy thôi ạ.
Rồi hai chị em khúc khích cười với nhau mãi.
Thấy Thân đi qua bàn, bà Phán vẫy lại:
- Này anh, anh xem vợ anh đấy. Tôi cưới nó về cho anh để làm vương làm tướng ở nhà này à? Có đời thủa nhà ai như thế không. Tôi, tôi không cần đến thứ ấy giúp đỡ tôi, nhưng anh nghĩ xem, ngày giỗ, ngày tết mà nó là con dâu trưởng, nó bỏ đi không có nói với tôi lấy nửa lời.
Thân nhìn vào trong buồng gọi Loan:
- Mợ.
Loan quay ra thưa:
- Dạ.
- Mợ muốn yên lành thì ra ngay đây.
Rồi chàng hầm hầm bước vào buồng. Loan lạnh lùng nói với Thân:
- Tôi van cậu, cậu để tôi yên.
Nhớ đến lời hứa với mẹ ban sáng, nàng vội bước ra, đến gần bà phán Lợi nói:
- Thưa me, me đã cho con về làm con làm dâu, thì xin me coi con như là một người trong nhà, hay thì me khen, có lỗi thì me mắng. Con xin nhận lỗi và nhận những lời me mắng con, dạy con. Bởi vì con biết đó không phải là những lời day dứt, làm con đau khổ vô ích, mà là những lời của một người mẹ vì yêu mà mắng.
Bà Phán chỉ nhận thấy con dâu lý sự, chứ không hiểu rõ ý nàng định nói gì. Loan thì cho rằng những lời mắng không làm nàng khó chịu: khó chịu cho nàng nhất là những lời nói mát của bà Phán. Những lời nói đó bấy lâu đã làm cho nàng đau khổ và đã làm tuyệt hẳn con đường tình nghĩa của nàng với mẹ chồng.
Vì bà Phán chưa hiểu, nên bà vẫn mai mỉa mắng bảo Loan:
- Tôi thì tôi đâu dám mắng cô, mà ai mắng nổi cô ở nhà này, cô cứ dạy quá lời. Giỗ tết nhà tôi cô không thèm biết đến thì thôi, ai bắt. Tôi chỉ nói để cô biết từ rày, cô có đi đâu thì cô cho tôi hay, kẻo ở nhà này có kẻ ra, người vào, lỡ mất cái gì thì một mất mười ngờ, người ta nói ra, nói vào thêm khó khăn.
Bà Phán ngẫm nghĩ một lát rồi tiếp:
- Chốc nữa mợ soát lại hòm xiểng, vòng hột xem có thiếu thốn cái gì không, kẻo mợ đi vắng, nhỡ mất mát lại thêm phiền cho người nhà.
Loan biết là bà Phán nghi cho mình khuân của về nhà bố mẹ đẻ, nhưng vờ như không biết:
- Thưa me, con đã biên mấy chữ để lại cho nhà con.
Bích đứng xếp khay chén gần đấy, đỡ lời bà Phán nói:
- Biên chữ thì ai xem được, nhà tôi có ai đỗ bằng nọ bằng kia như chị đâu mà bảo xem nổi.
Rồi quay mặt đi, nói một mình, nhưng có ý để Loan nghe rõ:
- Hơi một tí là đem chữ ra khoe!
Loan cau mày nhìn Bích rồi cười nhạt. Nàng biết rằng ngoài sự khinh bỉ yên lặng ra, không có thể lấy gì đối lại với thái độ của Bích.
Bích vừa đi vừa nói:
- Cũng tại anh Cả nhu nhược nên người ta mới xỏ chân lỗ mũi, khinh mẹ mình được.
Loan cúi đầu, nắm chặt hai tay như để giữ những nỗi tức bực. Lúc đó nàng cảm thấy hết cả những cái đê tiện của xã hội đàn bà vụn vặt, nhỏ nhen, nhiễu sự, tìm hết cách làm khổ người khác, rồi lấy cái khổ của người khác làm sự sung sướng của mình. Loan thương cho Loan lạc loài vào đây, chưa biết ngày nào ra được để sống một cuộc đời rộng rãi, thảnh thơi.
Bích vừa ra khỏi thì đến bà huyện Tịch, một người cô của Thân bước vào. Loan xưa nay vốn ghét bà này nhất, nên thoạt trông thấy, nàng đã vội lẩn vào buồng, rồi đi xuống nhà dưới. Bà Tịch cười hỏi bà Phán:
- Thế nào cô trắng răng đã về rồi đấy ư?
Bà Phán than thở:
- Nhà tôi vô phúc nên mới vớ phải một nàng dâu như thế.
Bà Tịch lấy tay quệt vết nước trầu rây hai bên mép, rồi nói:
- Đấy, tôi đã can chị, chị không nghe, cứ đi rước những thứ ấy về. Rước những hạng tân thời ấy về để nó làm bại hoại gia phong nhà mình. Nó học giỏi mặc nó chứ, nhà mình là nhà có phép tắc, nề nếp.
Rồi quay lại nói với Thân:
- Thế nào là dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về. Cũng tại anh Cả quen chiều vợ, để mặc nó muốn làm gì thì làm, bây giờ thì nó đã quen thân, mất nết, chậm quá rồi... Hỏng.