- 2 -
DỊCH MỘT TÁC PHẨM NHƯ DIỄN MỘT BẢN NHẠC

Đã hơn 15 năm rồi, một buổi tối mùa xuân tôi được nghe một dàn nhạc từ Mỹ qua hoà tấu ở Sở Thú cho giới trí thức, văn nhân, học giả Sài Gòn thưởng thức. Họ bắt đầu bằng bản Quốc thiều Việt Nam[1]. Tôi thấy rất du dương, từ bỗng xuống trầm rất dịu dàng; như có tiếng gió thổi nhẹ trong cành lá trên đầu chúng tôi vậy (thính giả ngồi giữa trời). Dĩ nhiên họ tấu rất đúng nhưng nó không làm cho máu tôi sôi lên như biết bao nhiêu lần trước tôi đã nghe các nhạc công của mình tấu.
 
Tôi có băng cổ nhạc Nam Bình, lâu lâu tôi cho chạy để nghe bài Vọng cố hương và bài Lan và Điệp. Cũng là bản vọng cổ, cũng do ba nhạc công: Bảy Bá, Năm Cơ, Văn Vĩ hoà, chỉ khác bài Vọng cố hương là dùng đàn tranh, đàn guitare, đàn kìm, bài Lan và Điệp dùng đàn tranh, đàn guitare và đàn sến (có lẽ còn khác cách lên dây nữa), mà bài Lan và Điệp ai oán hơn bài Vọng cố hương nhiều. 
 
Tôi lại nhớ năm 1935, khi đi đo mực nước miền Tây, có một người giúp việc cho tôi tên Tám quê ở làng Tân Thạnh, làng bác tôi, chơi đàn kìm rất hay, đặc biệt nhất là bản Vọng cổ, anh có một lối nhấn không giống ai, khiến bản Vọng cổ dưới ngón tay anh có giọng lâm ly mà vẫn hùng, tôi nghe thích như bản Văn Thiên Tường.
 
Vậy nhạc trưởng và cả nhạc công nữa, nếu có tài thì đều có công sáng tác khi trình diễn một bản nhạc. Cũng là bản nhạc đó, những nốt nhạc đó, mà không một nghệ sĩ nào trình diễn giống nghệ sĩ nào, tài đã khác nhau mà cảm xúc và lối diễn cũng khác nhau, vẫn có cái gì riêng của mỗi người, dễ nhận ra được.
 
Tôi không biết gì về nhạc, hiểu như vậy không biết có đúng không, và tôi nghĩ rằng văn thơ cũng như nhạc, dịch một bài văn một bài thơ cũng như diễn một bản nhạc, cũng là làm công việc sáng tạo, mặc dù dịch rất sát không thêm bớt. Dịch giả nếu có tài, cũng là một nghệ sĩ mà mỗi bản dịch cũng là một nghệ phẩm. Không một bản dịch nào đúng hẳn với nguyên tác; bản dịch nào cũng mang ít nhiều cá tính, tài năng của người dịch, tinh thần của ngôn ngữ người dịch; cũng để lộ tâm tư của người dịch, cái không khí thời đại của người dịch.
 
Muốn thấy rõ điều đó, chúng ta chỉ cần so sánh nguyên văn bài Tì Bà Hành của Bạch Cư Dị với bản dịch Phan Huy Vịnh[2] (nhà xuất bản Nam Việt – 1952) hoặc bản Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn với bản dịch của Đoàn Thị Điểm (có người bảo là của Phan Huy Ích). Dưới đây tôi lựa bài Tỳ bà hành vì tác giả và dịch giả không phải là người cùng một nước, cũng không sống cùng một thời.
 
Mới câu đầu chúng ta đã thấy hai bản có cái gì khác nhau rồi, mặc dù cũng bảy chữ và bản dịch rất sát nguyên bản:
 
Tầm dương giang đầu dạ tống khách
 
Không buồn, không vắng vẻ, du dương, mông lung bằng:
 
Bến tầm dương canh khuya đưa khách.
 
Như vậy có lẽ do nhạc của câu tiếng Việt, và do hai chữ canh khuya. Dạ (đêm) không gợi ý bằng canh khuya. Tài năng của họ Phan, tinh thần của tiếng Việt là ở chỗ đó.
 
Bốn năm trước, một bạn văn ở Trung Việt cho tôi hay rằng một độc giả của tôi nói với ông: “Đọc bản dịch Guerre et Paix của Pháp tôi thấy hùng, mà đọc bản dịch của ông Lê[3] tôi thấy buồn và đẹp”.
 
Tôi chưa hề nhận thấy vậy mà tôi cũng không có cơ hội xin độc giả chỉ cho tôi một vài đoạn trong bản của tôi và bản tiếng Pháp ông ấy đã đọc để tôi so sánh. Nếu lời ông ấy đúng thì thật là ngoài ý muốn của tôi, vì khi dịch không bao giờ tôi mong rằng dịch đẹp hơn, buồn hơn bản tiếng Pháp mà tôi dùng. Nhưng điều đó có thể hiểu được: tiếng Việt có thể không hùng bằng tiếng Pháp, mà du dương hơn tiếng Pháp nhờ những âm bằng trắc, bổng trầm.
 
Một độc giả khác cũng ở Trung bảo đọc bản tiếng Pháp cuốn Il est un pont sur la Drina của nhà Plon, chỉ được vài chục trang chán quá phải bỏ; mà đọc bản dịch Chiếc cầu trên sông Drina (Trí Đăng – 1972) thì say mê từ đầu tới cuối. Điều này rất dễ hiểu: người Việt dù thông thạo tiếng Pháp, đọc tiếng Việt vẫn thích hơn đọc tiếng Pháp nếu hai bản có giá trị ngang nhau vì chúng ta dễ cảm được những tế nhị, những âm hưởng, tiết điệu trong tiếng Việt hơn của tiếng Pháp.
 
Mà đọc sách Trung Hoa thì cũng vậy, mặc dù ngôn ngữ, văn thơ Hoa, Việt có nhiều điểm giống nhau. Vì thế mà các nhà Nho của ta thích bản Tì Bà Hành của Phan Huy Vịnh hơn, thuộc nó hơn nguyên bản của Bạch Cư Dị.
 
Đọc câu thứ hai của bài đó:
 
Phong diệp địch hoa, thu sắt sắt
 
và câu dịch:
 
Quạnh hơi thu, lau lách dìu hiu
 
thì câu của họ Phan làm tôi rung động hơn nhiều, nhờ những chữ: lau lách dìu hiu, cả chữ quạnh, chữ hơi nữa vì ta thấy lau lách buồn hơn địch hoa; hơi thu, đìu hiu gợi cảm hơn thu sắt sắt.
 
Nhưng một người Trung Hoa đọc câu của Bạch chắc cũng thích hơn câu của Phan vì phong diệp (cây phong cứ mùa thu thì trút lá vàng), sắt sắt (tiếng gió vi vút) gợi cho họ một cảnh thu thê thảm hơn. Mà cảnh thu ở Trung Hoa thê thảm hơn ở Việt Nam thật.
 
Mỗi tác phẩm bất hủ của một dân tộc nào nếu khéo dịch cũng thành một tác phẩm bất hủ của một dân tộc khác, thành một bảo vật trong kho tàng chung của nhân loại. Bản Tì Bà Hành của Bạch Cư Dị và bản dịch của Phan Huy Vịnh thật là hai kiệt tác diễn được cả tâm sự của Bạch lẫn của Phan làm rung động tâm hồn hai dân tộc Hoa và Việt. Tôi ao ước có một đào nương cũng mang tâm sự của hai nhà đó ca lên để thu băng lưu lại cho hậu thế.
 
Chúng ta phải khuyến khích việc dịch, luyện văn dịch, và ráng dịch nhiều văn thơ của ngoại quốc để làm giàu văn hóa của mình. Người Pháp khen Baudelaire dịch Histoires extraordinaires (Truyện Quái đản) của Edgar Poe là rất sát và rất hay, quí nó không kém những tập truyện ngắn nổi tiếng nhất của họ.
 
Trong một số tác phẩm, tôi đã bàn về nhiều vấn đề trong chương nầy:
 
- Vấn đề nguyên tác – (Nghề viết văn - Phần II, ch. III).
 
- Bút pháp và cá tính – (Vài vấn đề xây dựng văn hóa – tr.8).
 
- Văn chương và dân tộc tính – (nt – tr.16).
 
- Viết – (Nghề viết văn – Phần II, chương V).
 
- Bí quyết luyện văn – (Luyện văn III, tr.148).
 
- Dịch là một cách luyện văn – (Luyện văn III, tr.149).
 
- Dịch văn ngoại quốc (Bách Khoa số 281 - năm 1968).
Chú thích:
[1] Tức bài Tiếng gọi thanh niên, còn có tên là Thanh niên hành khúc của Lưu Hữu Phước sáng tác từ hồi còn là sinh viên Y Khoa với tên ban đầu là La Marche des Étudiants (Sinh viên hành khúc). (Goldfish)
[2] Trong bài Lại thêm một tư liệu về người dịch “Tỳ bà hành” của Bạch Cư Dị đăng trên báo Văn nghệ Trẻ số ra ngày 18.3.2007, tác giả Thế Anh chỉ ra rằng người dịch là Phan Huy Thực chứ không phải là Phan Huy Vịnh. (Goldfish).
[3] Tức bộ Chiến tranh và Hoà bình. (Goldfish).