Tiểu thuyết lịch sử
Chương 8

 
 Khoảng tháng bảy năm Đinh Mùi°, ở Đại Việt bỗng nổ ra một cái tin động trời: Chiêm vương Chế Mân qua đời. Nguồn tin không rõ căn cứ nhưng lan truyền rất nhanh. Thiên hạ rất xúc động, ở đâu cũng nghe bàn tán xôn xao. Xúc động không phải vì cảm tình thương ghét đối với Chiêm vương, mà chính vì số phận của Huyền Trân công chúa!
 Công chúa đã bị lên giàn hỏa? Công chúa sẽ bị lên giàn hỏa? Người ta cãi nhau về hai nguồn tin đó nhưng chưa có gì để xác nhận được bên nào đúng! Người ta nói theo tục lệ của Chiêm Thành, cứ vua mất là những hậu, phi của vua đều phải lên giàn hỏa thiêu sống để linh hồn họ được đi theo vua. Thiêu sống con người là một cảnh tượng dã man, ghê rợn quá! Cái tin đó đã làm vô số dân chúng rơi nước mắt. Không phải họ chỉ thương xót cho một bậc nữ lưu tài hoa bạc mệnh mà còn đau đớn với nỗi đau của những người con hiếu khi mất đấng mẹ hiền.
 Trần Khắc Chung nghe dân chúng đồn đại như vậy cũng hết sức nóng lòng. Ông bèn mời Trà Hoa đến nhà uống rượu để hỏi thăm. Nhằm lúc ấy Đỗ Thiên Hư cũng có mặt tại nhà Khắc Chung. Khắc Chung hỏi Trà Hoa:
 -Thầy Trà Hoa này! Tôi nghe nói phong tục Chiêm Thành, khi vua băng, các hậu, phi đều phải lên giàn hỏa để chết theo chồng có đúng không?
 Trà Hoa lắc đầu đáp:
 -Thưa, điều đại nhân nghe được chỉ đúng một phần. Theo truyền thống Chiêm quốc, khi vua từ trần, hoàng hậu xin lên giàn hỏa để chết theo chồng thì có. Nhưng tình nguyện chứ không phải bị bắt buộc đâu. Lên giàn hỏa là một vinh dự lớn lao chỉ dành cho hoàng hậu nhằm bày tỏ lòng trung thành của mình đối với chồng. Cũng không phải hễ cứ tình nguyện là được lên giàn hỏa mà phải trải qua sự bầu chọn của hội đồng hoàng tộc xem vị hoàng hậu ấy có xứng đáng được hưởng cái vinh dự ấy không. Vị hoàng hậu được bầu chọn sẽ được lên giàn hỏa một lần với nhục thân của vua khoảng từ bảy ngày tới một tháng sau khi vua qua đời.
 Khắc Chung lại hỏi:
 -Thời gian gần đây nghe dân chúng đồn đại vua Chế Mân đã qua đời và công chúa Huyền Trân đã bị lên giàn hỏa, theo thầy cái tin ấy thế nào?
 Trà Hoa lại lắc đầu khẳng định:
 -Việc ấy chắc chắn không thể xảy ra được. Điều kiện tiên quyết để một vị hoàng hậu được hỏa thiêu theo vua Chiêm là vị hoàng hậu ấy phải có công lớn với nước Chiêm. Nhưng ở đây nước Chiêm đã thiệt mất một vùng đất vì công chúa, công chúa lại chưa lập được thành tích gì cho nước Chiêm cả! Tôi nghĩ dù công chúa có tình nguyện lên giàn hỏa cũng không thể nào được hội đồng hoàng tộc Chiêm Thành chấp thuận.
 Khắc Chung nghe Trà Hoa nói suy nghĩ một lát rồi hạ giọng ngùi ngùi:
 -Hóa ra dân chúng đã đồn đại không đúng. Nhưng nếu chuyện xảy ra thật, công chúa được lên giàn hỏa vẫn hơn. Theo ta biết, người Chiêm hầu hết rất hận công chúa. Họ nghĩ chính vì công chúa mà vua Chế Mân của họ đã dâng cho Đại Việt hai châu Ô và Rí. Khỏi lên giàn hỏa mà phải sống cảnh cô độc, góa bụa suốt đời trong cung phỏng còn sinh thú gì? Người Chiêm thì không ưa, người thân cũng không có, trơ trọi một mình giữa đám người khác giống, khi vui khi buồn đâu biết bày tỏ với ai? Sống như thế chắc còn khổ hơn cả lên giàn hỏa!
 Đỗ Thiên Hư hỏi đùa:
 -Nếu chuyện xảy ra như thế, huynh trưởng có dám ra tay nghĩa hiệp, sang Chiêm Thành cứu công chúa về không? Huynh trưởng có thể được phong thêm chức Đô úy° không chừng!
 Khắc Chung cũng nói đùa:
 -Một ý nghĩ khá ngộ nghĩnh đấy! Nếu việc xảy ra như thế ta cũng muốn làm hiệp sĩ lắm chứ!
 Đỗ Thiên Hư lại nói:
 -Muốn cứu công chúa về, chớ tiết lộ việc công chúa không thể lên giàn hỏa được như thầy Trà Hoa cho biết. Cứu một người khi tánh mạng họ bị đe dọa công trạng giá trị gấp trăm lần cứu một người chỉ bị nỗi đau khổ đe dọa! Được phong thêm chức Đô úy hay không là do sự khéo léo của huynh trưởng đó!
 Khắc Chung gật gật đầu:
 -Nói có lý lắm! Cứ coi như mình không hề biết sự thật về phong tục nước Chiêm như thầy Trà Hoa nói là xong! Có phải thế không thầy Trà Hoa?
 Khắc Chung nháy mắt làm hiệu. Trà Hoa hiểu ý cũng gật đầu mỉm cười.
 °
 Khi vua Anh Tôn nghe các báo cáo về những lời đồn đại trong dân chúng cũng đâm lo. Ngài đem việc này bàn với triều đình:
 -Thời gian gần đây không biết do đâu trong dân chúng đồn đại cái tin không lành về vua Chiêm. Nếu tin đó có thật thì nguy cho em ta quá! Ai có thể vì ta sang Chiêm một chuyên để dò xem hư thực chăng?
 Nghe vua nói, Khắc Chung giật mình. Vua định cử một người sang Chiêm để dò xem chuyện dân chúng đồn đại về Huyền Trân công chúa hư thực ra thế nào ư? Thế thì lộ chuyện hết còn gì? Nghĩ thế nên Khắc Chung bàn:
 -Tâu bệ hạ, chuyện đồn đại chưa chắc đã có. Theo thần biết thì quan dân Chiêm Thành nhiều người rất bất mãn về việc vua Chiêm Thành dâng đất cho Đại Việt. Có thể tin này do những người giận ghét vua Chiêm mà phao nhảm chăng? Còn nếu Chế Mân mất thật, thế nào triều đình Chiêm Thành cũng phải cử sứ giả sang ta báo tang chứ! Cần gì phải cho người sang thăm dò? Vua Anh Tôn nghe Khắc Chung nói có lý bèn thôi.
 Quả thật, tới tháng chín, vua mới của Chiêm Thành là Chế Chí sai sứ thần Bảo Lộc Kê sang Đại Việt dâng voi trắng và báo tang. Đọc văn thư mới biết vua Chê Mân đã từ trần hồi tháng năm, tức đã qua bốn tháng. Vua Anh Tôn nôn nóng muốn biết tin công chúa Huyền Trân bèn hỏi sứ giả:
 -Tình trạng hoàng hậu Paramecvari hiện giờ ra sao?
 Bảo Lộc Kê đáp:
 -Tâu thánh thượng, hoàng hậu Paramecvari vẫn bình an.
 Vua Anh Tôn lại hỏi:
 -Trước khi ra đi, ngươi có gặp hoàng hậu Paramecvari không?
 -Bẩm, không.
 Sứ Chiêm sang mà không có thư của Huyền Trân làm vua Anh Tôn càng lo ngại. Khi sứ giả lui xong, ngài nói với quần thần:
 -Vừa rồi tuy sứ Chiêm nói công chúa vẫn bình an nhưng ta vẫn chưa yên lòng. Tại sao công chúa chẳng có một lá thư? Biết đâu sứ Chiêm lại chẳng vì sợ mà giấu giếm điều gì? Ta sẽ cử một sứ đoàn sang Chiêm viếng tang và xem hư thực thế nào? Trẫm biết em trẫm hiện giờ nếu còn sống cũng đang hết sức đau khổ. Huyền Trân còn trẻ quá mà phải sống cảnh góa bụa lâu dài trong tương lai, còn gì đau khổ hơn nữa! Phải làm thế nào để giúp Huyền Trân?
 Triều đình bàn luận một hồi vẫn chưa ai đưa ra được một biện pháp nào khả thi. Cuối cùng, Huệ Vũ vương Quốc Chẩn hỏi Khắc Chung:
 -Trước kia quan Nhập nội hành khiển có hứa chắc nếu sau này Huyền Trân gặp khó khăn ông sẽ có cách giải quyết, giờ liệu ông kham nổi công việc như đã hứa không?
 Khắc Chung nói:
 -Nếu giao trọn quyền quyết định cho tôi, tôi nhất định sẽ  làm được!
 Hưng Nhượng vương Quốc Tảng nói:
 -Việc này quan trọng lắm. Không thể nói chơi đâu!
 Vua Anh Tôn nói với Khắc Chung:
 -Được, trẫm sẵn sàng giao trọn quyền hành động cho ông. Cốt nhất đừng để công chúa phải lên giàn hỏa! Nếu đưa được công chúa về Đại Việt càng tốt. Ông cố gắng đừng phụ ý trẫm nhé!
 Khắc Chung hăng hái nói:
 -Bệ hạ đã tin tưởng mà giao phó trọng trách đó, thần xin nhận lãnh. Thần hứa, nếu công chúa chưa bị hỏa thiêu, thần phải rước kỳ được công chúa trả về cho bệ hạ!
 Vua Anh Tôn nói:
 -Vậy, trẫm cử Nhập nội hành khiển Khắc Chung làm chánh sứ, An phủ Đặng Vân làm phó sứ, nữ quan Chưởng nghi Hồng Nhung làm bồi sứ để sang Chiêm điếu tang và đón công chúa về Đại Việt. Chưởng nghi Hồng Nhung được phép đem theo một số thị nữ theo để sai khiến. Các khanh phải chuẩn bị gấp. Sứ đoàn sẽ chính thức lên đường trong tháng chín!
 °
 Tháng mười một năm ấy sứ đoàn Đại Việt đến Đồ Bàn. Chánh sứ Trần Khắc Chung, phó sứ Đặng Vân cùng vào yết kiến tân vương Chiêm là Chế Chí. Khắc Chung thưa:
 -Chúng tôi vâng lệnh hoàng đế Đại Việt, sang quí quốc lần này trước là viếng tang, chia buồn với quí quốc, sau là để thắt chặt tình hữu hảo giữa hai nước láng giềng. Kẻ thù chung của hai nước là Mông Cổ vẫn đang rấp rem kéo sang đánh trả thù những lần thất bại trước, hai nước Việt Chiêm không thể không đoàn kết được! Rất mong quốc vương thấu rõ thánh ý, giúp đỡ sứ đoàn chúng tôi được sớm hoàn thành nhiệm vụ.
 Tân vương Chế Chí nói:
 -Nước tôi vô cùng cảm kích trước hảo ý của thượng quốc. Chiêm Thành lúc nào cũng sẵn sàng sát cánh với Đại Việt để chiến đấu chống lại kẻ thù chung. Quả nhân rất mong tình hữu hảo giữa hai nước sẽ được giữ vững bền chặt mãi mãi.
 Khắc Chung lại thưa:
 -Bẩm quốc vương, còn một việc nữa. Từ khi công chúa Đại Việt về làm vợ tiên vương, đức kim thượng lúc nào cũng thương nhớ khôn nguôi. Hoàng hậu Paramecvari là em gái duy nhất của ngài. Ngài đang muốn biết tình trạng sức khỏe của hoàng hậu. Xin quốc vương cho phép chúng tôi được yết kiến vấn an hoàng hậu để dễ tâu trình lại!
 Chiêm vương Chế Chí nói:
 -Hoàng hậu Paramecvari vẫn mạnh khỏe. Nhưng hoàng hậu mới sinh còn non tháng, chưa tiện gặp sứ giả đâu! Hãy đợi một thời gian nữa!
 °
 Những ngày rảnh việc, Khắc Chung lại xin phép vua Chiêm đi viếng các nơi danh lam thắng cảnh quanh kinh đô Đồ Bàn. Vua Chiêm cũng cho một người Chiêm đi theo vừa hướng dẫn vừa giúp việc thông ngôn. Đi đâu Khắc Chung cũng chỉ dắt theo vài người hầu. Cũng như lần trước, lần này việc viếng thăm phong cảnh của Khắc Chung vẫn chỉ là thứ yếu. Khắc Chung đi đây đi đó nhằm mục đích tìm hiểu tình hình qua dân chúng hơn.
 Một lần ông đến viếng một ngôi tháp mới được trùng tu, gặp lúc ấy dân Chiêm cũng đến thăm viếng rất đông. Trong lúc Khắc Chung đang xem những tượng các giống thú vật, ông bỗng nghe tiêng xầm xì:
 -Ông quan lớn Đại Việt đó.
 -Ông ta sang Chiêm Thành làm gì vậy?
 -Có lẽ vua mình mới mất nên ông ta sang viếng tang chứ gì!
 -Người Chiêm cùng đi với ông ta chắc là người thông ngôn?
 Khăc Chung không bao giờ để lộ cho người Chiêm biết ông thông hiểu tiếng Chiêm. Dân bản xứ vô tư vẫn nói tiếng của họ rất tự nhiên. Họ nói gì mặc họ, Khắc Chung cứ phớt tỉnh. Viên thông ngôn nói như khoe:
 -Ngài là quan lớn Chánh sứ giả của Đại Việt đó. Còn tôi là thông ngôn vua sai đi theo để hướng dẫn và thông ngôn cho ngài.
 Một người khác hỏi:
 -Ngài Chánh sứ giả không biết tiếng Chiêm Thành?
 Viên thông ngôn hãnh diện đáp:
 -Ngài làm gì biết tiếng Chiêm? Nếu biết, ngài đâu cần đến tôi!
 Lát sau lại một người khác nữa lên tiếng:
 -Ngài Chánh sứ giả không biết tiếng Chiêm Thành cũng là điều hay. Chuyến này ngài sang Chiêm có việc gì vậy ông thông ngôn?
 -Ngài sang đây với mục đích vun đắp tình hữu hảo giữa hai dân tộc Đại Việt - Chiêm Thành, để dân chúng hai nước được sống hòa bình bên nhau đấy!
 Người kia cười mỉa mai:
 -Hữu hảo! Nghe hay lắm! Vì tình hữu hảo mà Chiêm Thành mất hai châu ở biên giới rồi đó! Không biết ông ta có định đem công chúa nào gả cho tân vương của chúng ta nữa không? Dân Chiêm sợ hãi tiếng hữu hảo và cũng sợ mấy bà công chúa của Đại Việt lắm!
 Khắc Chung vẫn giả vờ mải miết xem các tượng thú vật. Mấy người dân Chiêm được thể tiếp tục bày tỏ nỗi bất mãn của mình:
 -Tôi trông cho ông Chánh sứ giả ấy rước quách bà hoàng hậu của nợ về Đại Việt cho rồi! Cứ mỗi lần nghe tên bà ấy trong tôi lại sôi lên cơn phẫn nộ!
 -Đâu dễ rước về vậy? Để họ rước bà hoàng hậu ấy về họ có chịu trả hai châu ở biên giới lại cho nước ta không?
 -Thì để bà ấy ở lại đây phỏng được lợi ích gì cho nước Chiêm?
 -Đành rằng bà ấy ở lại vẫn chẳng lợi ích gì cho nước Chiêm, nhưng bà ấy phải sống ở đất Chiêm để chứng kiến thái độ phẫn hận của dân Chiêm ta, để trả cái nợ do bà ấy gây nên!
 Viên thông ngôn khó chịu trước sự bày tỏ thái độ quá đà của mấy người kia, bèn lớn tiếng:
 -Các người đừng tranh cãi nữa! Ăn nói bừa bãi như vậy lỡ quan Chánh sứ hiểu được có phải sinh chuyện phiền phức không?
 Lúc ấy mấy người dân kia mới chịu nói sang chuyện khác.
 °
 Hôm đó, Khắc Chung đã kể lại cuộc đấu khẩu của mấy người dân Chiêm ở ngôi đền kia cho An phủ Đặng Vân nghe. Đặng Vân thở dài:
 -Không ngờ dân Chiêm bất mãn vì vụ mất hai châu Ô và Rí dữ dằn đến thế!
 -Đó là thái độ yêu nước mãnh liệt của dân Chiêm, một thái độ thật đáng kính phục. Khổ nỗi bao nhiêu bất mãn đó lại dồn hết cho Huyền Trân công chúa mới khổ chứ!
 -Công chúa năm nay chưa tới hai mươi, cuộc đời còn dài quá. Sống trong chốn cung vàng điện ngọc mà thiếu tình yêu thương, thiếu tất cả mọi sự thông cảm của những người chung quanh, có khác gì sống đơn độc trong cái nhà mồ?
 -Ông nghĩ hợp với ý ta lắm. Ta không thể để công chúa phải sống trong cảnh đau khổ ấy! Ta nhất định phải tìm đủ mọi cách để đưa công chúa về nước! Ông có đồng ý giúp ta thực hiện việc đó không?
 -Đại nhân định làm điều nghĩa như vậy lẽ nào tôi không góp sức? Nhưng tôi nghĩ nên đợi gặp công chúa để xem tình hình ra sao đã. Công chúa có đồng ý mình mới thực hiện được. Công chúa không chịu mà mình tự ý làm, việc vỡ lở ra lại mắc tội đó!
 -Mắc tội thì ta không sợ vì chính hoàng thượng có dặn ta gắng làm việc đó. Ta chỉ ngại nếu công chúa không hợp tác thì công việc sẽ gặp khó khăn hơn nhiều.
 -Nếu công chúa cũng muốn xin trở về Đại Việt, liệu người Chiêm có chịu không? Đại nhân có thể tiên liệu những tình huống nào sẽ xảy ra và đại nhân sẽ ứng phó như thế nào chưa?
 Khắc Chung cười với vẻ khôi hài:
 -Ta nghĩ, nếu công chúa muốn trở vế Đại Việt, chắc hẳn hầu hết người Chiêm đều muốn tống tiễn công chúa ngay để họ đỡ bận trí. Nhưng đó chỉ là ý nghĩ thầm kín, trên thực tế họ không thể xử sự như vậy được, nhất là đứng trên phương diện nhà nước. Khi vua Chiêm cưới công chúa, ngoài những lễ vật bình thường, họ còn tốn thêm cả một vùng đất cát rộng lớn. Bây giờ đòi lại đất ư? Việc này họ không bao giờ thực hiện được! Nhượng bộ cho chúng ta muốn làm gì thì làm ư? Còn gì là thể diện của vua Chiêm? Họ phải giữ thể diện đối với cả quốc dân Chiêm lẫn phía Đại Việt và các nước láng giềng! Việc này có thể tạo một tiền lệ không mấy tốt đẹp cho nước Chiêm về những cuộc hôn nhân với người nước ngoài trong tương lai! Còn phía ta thì muốn rước công chúa về mà không muốn gây ra sự bất hòa giữa hai nước, không muốn làm vua Chiêm hổ thẹn với thần dân của ông ta. Đó là những khó khăn mà chúng ta sẽ phải vượt qua!
 -Điều đó quả thật thiên nan vạn nan! Đại nhân đã trù liệu làm sao chưa?
 Khắc Chung lại cười hóm hỉnh:
 -Ta đã nghĩ đi nghĩ lại, chỉ có một kế hoạch duy nhất: đánh cướp!
 Đặng Vân trợn mắt nhìn Khắc Chung:
 -Đại nhân nói sao tôi không hiểu được?
 Khắc Chung cười lớn tiếng:
 -Tôi nói đánh cướp công chúa, bộ ông nghĩ không được sao?
 -Trời đất ơi! Xin đại nhân chớ đùa như thế!
 Khắc Chung tiếp tục cười:
 -Tôi nghĩ nát óc mới ra kế hoạch đó, ông lại bảo tôi đùa ư? Ông nói tôi đùa ở chỗ nào?
 -Hành động đánh cướp thì ai có gan cũng làm được. Cướp vàng bạc, cướp con lợn con bò, thậm chí cướp một tù nhân thì không nói làm gì vì giấu vật cướp ở đâu cũng xong. Còn cướp công chúa thì không thể được! Cướp xong giấu công chúa ở đâu giữa lòng nước Chiêm? Đâu có thể một sớm một chiều có thể đưa về Đại Việt được? Việc ăn uống ngủ nghỉ ra sao? Bao nhiêu vấn đề rắc rối sẽ được đặt ra! Dù kế hoạch hành động có thành công chúng ta cũng có thể trở thành kẻ phạm tội lớn. Tôi xin can đại nhân! Nếu đại nhân không nghe, tôi xin được đứng ngoài, không dám hợp tác với đại nhân trong kế hoạch hành động này!
 Khắc Chung vẫn cười:
 -Ông nhát gan quá! Tôi không dại gì cướp xong lại trốn vào rừng đâu! Chúng ta không phải là những thợ săn, cũng không phải là những kẻ ngậm ngải tìm trầm, trốn vào rừng chỉ có nước chết đói, đem thịt nuôi thú dữ thôi. Tôi trù cướp xong dùng thuyền mà về Đại Việt đấy!
 Đặng Vân không chịu nổi nữa kêu lên:
 -Hôm nay không hiểu sao đại nhân đùa cợt quá thế? Đội thuyền của chúng ta chỉ có khả năng đi ven bờ biển. Đại nhân không biết thủy quân Chiêm Thành hiện nay mạnh gấp bội thủy quân của Đại Việt ta sao? Từ Thị Nại ra tới biên giới nước ta dọc bờ biển có biết bao nhiêu đồn thủy quân Chiêm Thành kiểm soát? Một sợi tóc trôi qua cũng không lọt huống hồ mấy chiếc thuyền của chúng ta? Đó là chưa nói đến vấn đề lương thực, nước uống không dễ dàng gì đối với một cuộc hành trình khá xa! Dọc đường liệu có dám ghé vào những khu vực có dân cư để xin tiếp tế hay không? Xin đại nhân xét kỹ lại vấn đề này!
 Tới lúc ấy Khắc Chung mới vỗ vai Đặng Vân mà nói:
 -Nãy giờ ta cố ý làm cho ông hồi hộp một chút cho vui thôi. Thật ra kế hoạch hành động của chúng ta cũng chỉ có vậy thôi, nhưng ta bảo đảm với ông chắc chắn thành công! Những điều ông nói đều đúng cả. Một cuộc đánh cướp công chúa nếu xảy ra thật, dù ta thoát thân bằng đường rừng hay đường biển cũng đều là một cuộc tự sát! Ta biết vậy lắm chứ! Vì thế, ta đã nghĩ ra cách đánh cướp nhưng có sự tiếp tay của chủ nhà, ông tin không?
 -Ta đánh cướp với sự tiếp tay của chủ nhà? Đại nhân làm cách nào mà hay vậy?
 -Được, ta nói cho ông nghe! Thời gian gần đây, mỗi lần gặp vua Chiêm ta đều cảnh giác với ông ta là quân Mông Cổ đang ngầm chuẩn bị đánh Đại Việt và Chiêm Thành để trả thù những lần thất bại trước. Ông ta có vẻ lo âu lắm. Cái tàn bạo của người Mông Cổ ông ta đã biết rồi! Tất nhiên giữa lúc này ông ta chẳng muốn làm mích lòng Đại Việt chút nào. Vả lại, việc ta cướp công chúa ông ta nào có thiệt gì trên thực tế? Ông ta còn mừng nữa là khác. Với lợi thế ấy, ta có thể dễ dàng thương lượng với vua Chiêm thôi. Vậy, kế hoạch của ta thi hành được hay không bây giờ chỉ còn do ý công chúa!
 Ánh mắt Đặng Vân sáng lên, ông vui vẻ nói:
 -Vậy là ta sẽ đánh cướp công chúa với sự tiếp tay của chính Chiêm vương! Mưu trí của đại nhân thật tuyệt vời, bây giờ tôi mới hiểu!
 °
 Mấy hôm sau một phái đoàn đại diện hoàng hậu Paramecvari, do một nữ quan Chiêm Thành cầm đầu, chính thức đến thăm sứ đoàn Đại Việt. Trong phái đoàn có cả vú Diệu Hoa và mấy cung nữ người Việt đã theo công chúa về Chiêm năm ngoái. Vị nữ quan Chiêm Thành cho Khắc Chung biết, vì hoàng hậu mới sinh dậy người chưa được khỏe nên chưa thể tiếp kiến sứ đoàn. Bà cũng cho biết hoàng hậu đã sinh được một hoàng tử. Theo di chúc của vua Chế Mân, hoàng tử được đặt tên là Chế Đa Da. Sau cùng vị nữ quan Chiêm Thành đã thay mặt hoàng hậu Paramecvari trao cho sứ đoàn một số tặng vật lưu niệm.
 Trong lúc Khắc Chung tiếp vị nữ quan Chiêm Thành thì nữ quan bồi sứ Hồng Nhung lại gặp riêng vú Diệu Hoa trò chuyện. Khi phái đoàn đại diện của hoàng hậu Paramecvari đã ra về, Khắc Chung hỏi nữ quan bồi sứ Hồng Nhung:
 -Vú Diệu Hoa có cho nữ quan bồi sứ biết thêm tin tức gì về công chúa không?
 -Thưa đại nhân, hiện nay công chúa vẫn chưa được khỏe. Bình thường công chúa vẫn không được vui vẻ mấy vì công chúa đã biết được rất nhiều người Chiêm không thích công chúa…
 Vị nữ quan dẫn ra vài ví dụ mà vú Diệu Hoa đã kể với bà. Khắc Chung nghe xong quay sang nói với phó sứ Đặng Vân:
 -Như vậy là chúng ta có thể thực hiện kế hoạch đã định!
 Từ cuộc thăm viếng đó, sứ đoàn Đại Việt đã mở một đường dây liên lạc riêng với hoàng hậu Paramecvari qua bà vú Diệu Hoa.
 °
 Thấm thoát đã đến tết Mậu Thân°. Sứ đoàn Đại Việt đã phải sống qua một cái tết tha hương. Khắc Chung vẫn cố sức trổ tài ngoại giao, vận động ráo riết để thực hiện cho được kế hoạch ông đã định. Mặt khác ông còn phải động viên, an ủỉ những người trong sứ đoàn để họ khỏi chán nản vì ở trên đất khách quá lâu, nhớ gia đình.
 Đầu tháng ba, một hôm sau khi vào triều về, Khắc Chung hớn hở nói với Đặng Vân:
 -Báo tin cho ông mừng, cuộc vận động của tôi đã có kế quả. Tiếc rằng chưa gặp dịp thuận lợi để thực hiện kế hoạch. Phải ráng đợi đến ngày giỗ đầu của vua Chế Mân!
 Đặng Vân cũng hớn hở không kém:
 -Xin chúc mừng đại nhân! Đại nhân quả là bậc tài trí phi thường! Nhờ đại nhân, chúng tôi cũng được vinh dự lây! Công chúa sẽ về Đại Việt một mình hay đem cả hoàng tử theo?
 Khắc Chung nói:
 -Cốt sao rước được công chúa thôi. Còn Chế Đa Da còn bé quá không thể đem đi được. Hơn nữa, chúng ta không nên làm người Chiêm phẫn nộ thêm.
 °
 Tới tháng năm, nhân dịp giỗ đầu của vua Chế Mân, vua Chế Chí nghe theo lời Khắc Chung khuyên, cho tổ chức một cuộc lễ chiêu hồn tiên vương ở bờ biển Thị Nại cho thỏa lòng hoàng hậu Paramecvari. Chính hoàng hậu đứng làm chủ lễ. Khắc Chung bảo đây là tục chiêu hồn riêng của Đại Việt nên hoàng tộc Chiêm không có ai đến dự. Ngược lại, sứ đoàn của Đại Việt đến dự không thiếu một ai.. 
 Lúc cuộc tế đã hoàn mãn thì mặt trời cũng sắp lặn. Thình lình một số thuyền nhẹ của Đại Việt đột ngột xuất hiện cập bờ. Quân lính trên thuyền nhanh chóng đổ bộ lên bờ biển, bắt ép tất cả những người đang tham dự cuộc tế lên thuyền rồi chèo ra biển chạy trốn.
 Rời khỏi cửa biển Thị Nại, đoàn thuyền Đại Việt cải trang thành những chiếc thuyền buôn của nhiều nước. Họ đi một cách tự nhiên, vượt qua một quãng bờ biển khá dài của nước Chiêm với nhiều căn cứ, đồn bót canh phòng. Gặp chỗ nào có thể trở ngại họ lại tạm ngưng nghỉ. Đợi lúc thuận tiện họ lại khởi hành. Họ cũng thay nhau ghé nhiều nơi ven biển, đi sâu vào vùng dân cư để mua lương thực và nước uống. Đoàn thuyền Đại Việt đã không hề gặp một cuộc soát xét, ngăn đón hay truy đuổi nào của thủy quân Chiêm Thành. Đến tháng tám thì Huyền Trân công chúa cùng toàn bộ sứ đoàn của Trần Khắc Chung đã về tới Thăng Long.
 Lúc sứ đoàn về tới kinh sư thì trời đã xế chiều. Khắc Chung liền cùng An phủ Đặng Vân, Chưởng nghi Hồng Nhung phò công chúa Huyền Trân vào yết kiến vua Anh Tôn. Vua vui mừng cho dọn ngay một bữa tiệc nhẹ để ủy lạo Khắc Chung và những người cộng sự. Khắc Chung đã thay mặt cho sứ đoàn, tâu trình công việc và kết quả mà sứ đoàn đã thực hiện ngay tại tiệc. Nghe xong, vua Anh Tôn khen:
 -Tất cả các khanh đều xứng đáng được khen thưởng. Mỗi người sẽ được thăng một tư°. Riêng Khắc Chung sẽ được thăng ba tư. Nếu không nhờ mưu trí của khanh, chắc quãng đời sau của em ta sẽ gặp bao nỗi cay đắng không biết đâu mà lường!
 Cả bọn đều cúi lạy tạ ơn. Khắc Chung nói:
 -Đa tạ bệ hạ ban ơn! Việc giải cứu công chúa thành công được thật ra cũng nhờ hồng phúc của bệ hạ cả, bọn thần đâu dám kể công!
 Vua Anh Tôn nói:
 -Các khanh chớ khiêm nhường. Nhờ sức các khanh trẫm mới thấy được mặt em trẫm thế này!
 Thế rồi vua quay sang hỏi chuyện công chúa Huyền Trân. Kể lại mọi chuyện xong, công chúa sụt sùi khóc:
 -Em rất ân hận là không mang được con em là Chế Đa Da cùng về.
 Vua Anh Tôn an ủi:
 -Em về đây được là quí rồi. Chế Đa Da là máu huyết của em mà cũng là máu huyết của vua Chiêm. Nếu mất Chế Đa Da nữa họ sẽ càng thêm hận. Mình nên nhường họ một tí.
 Huyền Trân cũng nói cho vua Anh Tôn biết hầu hết người Chiêm đều rất hờ hững đối với bà. Vua Anh Tôn chỉ biết lắc đầu.
 Khi tiệc gần mãn, vua Anh Tôn nói:
 -Dùng mưu kế đánh cướp công chúa là việc bất đắc dĩ! Ta khó mà khỏi bị quốc dân chê cười về sự thất tín, đã gả em gái cho người ta rồi cướp lại!
 Khắc Chung ngẫm nghĩ một lát rồi nói:
 -Xin bệ hạ chớ lo. Bệ hạ cứ nêu rõ lý do nếu ta không đánh cướp công chúa về, công chúa sẽ bị lên giàn hỏa cho thiên hạ biết, thử hỏi còn ai nỡ trách hành động đánh cướp ấy chứ?
 Vua Anh Tôn khen:
 -Hay lắm! Nói như vậy cũng hợp lý! Các khanh đi đường xa về chắc ai nấy đều mệt mỏi, cần phải nghỉ ngơi. Cho phép các khanh miễn chầu phiên chầu tới và sẽ vào chầu phiên chầu kế tiếp. Trong phiên chầu đó các khanh sẽ trình bày rõ chuyến đi công cán ở Chiêm Thành trước bá quan và trẫm sẽ chính thức ban thưởng. Bây giờ các khanh có thể ra về nghỉ ngơi.
 Sau đó vua hạ lệnh đối xử tử tế với những người Chiêm bị quân Đại Việt bắt trong vụ đánh cướp công chúa Huyền Trân tại đàn chiêu hồn. Chừng một tháng sau vua hạ lệnh cho chủ trại Hóa Châu cung cấp thuyền bè và lương thực để cho họ trở về nước.
 °
 Qua mấy ngày được nghỉ ngơi thoải mái, Khắc Chung khỏe hẳn người. Dư âm sự thành công rực rỡ trong chuyến đi Chiêm làm ông luôn có một nụ cười trên môi. Hôm ấy ông vào chầu vua với bao nỗi rộn rã trong lòng. Niềm vui chính của ông không phải ở chỗ được thăng ba tư lương bổng mà ở chỗ ông đã dùng mưu để rước được công chúa Huyền Trân về. Đó là một kỳ công khó ai làm được! Nhà vua sẽ tuyên dương công trạng của ông. Bá quan sẽ phải nể phục ông… Khắc Chung đang miên man với những ý nghĩ đó bỗng một giọng nói giận dữ nổi lên làm ông giật mình:
 -Khắc Chung! Con người mày thật chẳng khác gì giống chó lợn! Mày đã lợi dụng lòng tin tưởng của Thánh thượng để làm điều ô nhục vậy mà còn dám vác mặt về đây ư?
 Người mắng Khắc Chung chính là Hưng Nhượng vương Quốc Tảng, nhạc phụ của vua Anh Tôn. Khắc Chung nghe mà sững sờ. Ông uất nghẹn nói:
 -Tôi đã làm gì mà vương gia nặng lời đến thế?
 Hưng Nhượng vương hét:
 -Từ Đồ Bàn đến Thăng Long bao xa mà mày đi và về ngót một năm? Không phải là mày cố ý đi loanh quanh trên biển để làm trò ám muội sao? Quốc dân đồn đại như thế nào mày chưa nghe gì cả sao?
 Khắc Chung cãi:
 -Tôi làm việc như thế nào đã có An phủ Đặng Vân, Chưởng nghi Hồng Nhung biết. Sao vương gia không hỏi thử những người đó lại vội vã kết tội tôi như thế?
 Nhiều đại thần thấy vậy bèn xúm lại can gián. Hưng Nhượng vương nói:
 -Thằng này là điềm chẳng lành đối với nhà nước. Tên nó là Trần Khắc Chung, rồi đây nhà Trần sẽ mất vào tay nó chăng?
 Vua Anh Tôn nghe tiếng ồn ào bước ra can Hưng Nhượng vương:
 -Xin Quốc trượng bớt nóng giận. Trẫm sẽ xét kỹ việc này. Nếu Khắc Chung quả thật có tội trẫm sẽ trừng phạt xứng đáng!
 Nhưng sau đó vua lại dặn riêng Khắc Chung: “Hưng Nhượng vương tánh nóng và thẳng, khanh không nên chấp nhất. Từ nay gặp người khanh cứ tránh đi là xong!”.
 Từ đó Khắc Chung thấy mặt Hưng Nhượng vương ở đâu là lo tránh đó.
 °
 Chuyện Hưng Nhượng vương mắng rủa Khắc Chung rồi cũng tới tai công chúa Huyền Trân. Bà bèn dò hỏi những người chung quanh. Dần dần công chúa cũng được biết, trong thời gian Khắc Chung sang Chiêm, vì đi quá lâu chưa về nên trong dân gian đã phát sinh một tin đồn quái ác: Khắc Chung đưa công chúa đi du hí loanh quanh nhiều ngày trên biển... Công chúa nghe chuyện hết sức rầu rĩ. Khắc Chung trước là thầy học của bà, nay lại là ân nhân cứu bà thoát khỏi cảnh “sống mà như chết” trên đất Chiêm. Coi như Khắc Chung là người đã tái sinh cho bà. Thế mà bây giờ Khắc Chung lại vì bà mà mang tiếng không tốt nữa! Bà đâm ra buồn phiền, mất ăn mất ngủ, mỗi ngày một khô héo gầy mòn.
 Đầu tháng chín, vua Anh Tôn cho người đưa công chúa Huyền Trân lên am Ngọa Vân, núi Yên Tử để thăm Thượng hoàng. Gặp lại người con gái yêu độc nhất của mình Thượng hoàng rất mừng. Công chúa đã kể lại mọi chuyện từ khi lấy chồng cho Thượng hoàng nghe. Bà nói rõ việc người Chiêm rất phẫn hận về vụ mất hai châu Ô và Rí. Bà cũng cho Thượng hoàng biết bà rất đau khổ khi bị nhiều người nghi oan bà đã có tình ý với Khắc Chung…
 Thượng hoàng nghe xong ngậm ngùi nói:
 -Con cũng đừng nên buồn ai trách ai làm gì. Đó chỉ là do nghiệp chướng của con còn nặng thôi. Muốn giải trừ nghiệp chướng con nên xuất gia. Hãy nghe cha đi! Cha sẽ giới thiệu một nơi để con tu học…
 Cũng may là công chúa đã gặp lại người cha thân yêu lần cuối kịp thời. Hơn một tháng sau, đầu tháng mười một, Thượng hoàng băng tại am Ngọa Vân, núi Yên Tử.
 Đầu năm Kỷ Dậu° công chúa xuất gia đầu Phật ở núi Trâu Sơn. Bà thọ Bồ tát giới và được ban pháp danh là Hương Tràng. Về sau ni sư Hương Tràng về lập chùa Nộn Sơn (còn gọi là chùa Quảng Nghiêm) ở làng Hổ Sơn, huyện Thiên Bản (Nam Định) rồi tu tại đó. Đến năm Canh Thìn° thì sư bà Hương Tràng tịch. Dân chúng địa phương thương tiếc tôn bà là Thần Mẫu và lập đền thờ cạnh chùa Nộn Sơn.

Chú thích:
°Những năm trong chương 8: Đinh Mùi: 1307, Mậu Thân: 1308, Kỷ Dậu: 1309, Canh Thìn: 1340
°Đô úy: Một chức quan võ ngày xưa. Các vị vua vẫn hay phong chức quan này cho các phò mã.
°Tư: Đơn vị lương thực phát cho quan lại đời xưa (?).