- 3 -

Lần gặp sau, Phong nói chử “Trắng” cô thốt ra đã khiến anh ray rứt mất mấy đêm, “như Bá Nha nghe Tử Kỳ bình phẩm khúc nhạc mình vừa dạo vậy!. Hồi đó, khi chung mở quán này với..một người, tôi nhận phần trang trí. Trong đầu tôi luôn ám ảnh một màu trắng tinh khôi. Tất nhiên không phải mọi thứ đều màu trắng, như vậy còn gì là nghệ thuật. Màu sắc hợp lý nhưng nhìn chung phải bật ra cái trắng tinh mà tôi gửi gắm. Tôi tính đặt tên quán là Trắng đó chứ. Nhưng người chung vốn với tôi chê tên không “ ăn”, tôi đành chìu”.
nên nó mới mang cái tên thấy ghét như bây giờ. Data, chẳng có nghĩa gì cả”, “ông đó đâu?”, “ ông nào?”, “đồng chủ nhân quán này”, “không phải ông mà là bà, bà chủ!”. Bình Minh bất ngờ. Phong nói luôn “vợ tôi đó”.
Sau này khi đã thân nhau hơn, Phong kể về cuộc hôn nhân của mình “ Tụi tôi quen nhau khi còn đi học. Tôi sắp tốt nghiệp, cô ấy đang học Marketting. Cha mẹ hai bên bảo chờ ra trường công ăn việc làm ổn định, nhất là có thêm thời gian để tìm hiểu về nhau, rồi cưới cũng chưa muộn. Tuổi trẻ hăng máu mà tụi tôi lại say nhau như say.. ma tuý. Chúng tôi lấy nhau vượt quyền cha mẹ. Chừng về ở chung mới vỡ mộng. Chỉ năm tháng quen biết không đủ để hiểu rõ về nhau. Chúng tôi khác nhau nhiều quá. Chưa hết tuần trăng mật đã gây lộn, rồi tiếp tục gây nhau tới tới.. Cha mẹ tôi lúc đó còn ở đây chưa đi Mỹ chịu hết nổi, cho tụi tôi ra riêng. Cuộc sống chung lay lắt tới ngày tôi ra trường đi làm mới đỡ một chút. Không phải vì hai người đã biết tính ý mà chìu nhau đâu. Tôi đi làm từ sáng tới chiều. Cô ấy bỏ học từ khi lấy chồng, ở nhà một mình còn biết gây với ai nữa. Tôi chỉ ăn cơm tối ở nhà. Sau khi xem báo, tivi gì đó rồi đi ngủ. Vợ chồng..xin lỗi Bình Minh..chỉ có trên giường. Chúng tôi lâm vào cảnh bỏ thì thương vương thì tội, hệt như miếng gân gà của Tào Tháo mà hồi nào tôi ví với ly cà phê của Bình Minh vậy. Tụi tôi.. nhai gân gà năm năm thì cô ấy bảo có người khác rồi. Chúng tôi chia tay nhẹ nhàng. Quán này mở hồi tụi tôi chưa ly dị. Sau này tôi hoàn cho cô ấy một số tiền, nó thành của tôi”. Bình Minh nhìn Phong “ sao anh không đổi tên Trắng như anh muốn cho nó?”. Phong đăm chiêu “ biết nói thế nào nhỉ? Cảm nhận của mình ảnh hưởng nhiều bởi tâm trạng. Sau ly hôn, tôi bỏ việc, sống bê tha buông thả. Không phải vì tiếc nuối chi cuộc hôn nhân cũ, nhưng nó đánh dấu một thất bại lớn trong đời. Tôi trở nên ù lì, để đời mình trôi đi trong khói thuốc. “Trắng” như một hoài niệm, nó chỉ sống trong tôi và nó sẽ chết cùng với tôi nếu Bình Minh không nhắc tới.”. Phong cười “tôi rút ra một kinh nghiệm là trong hôn nhân phải nghe lời cha mẹ, Bình Minh nhớ để sau này đừng ân hận như tôi”. Bình Minh nghiêm trang nhìn Phong “một lúc nào đó, tôi sẽ chứng minh kinh nghiệm của anh là sai!”.
Thời gian qua mau, có vẻ như mọi việc đã an bài. Hoài Ân đã ra trường và đi làm. Anh viết cho mẹ là muốn ở lại đó làm việc chừng hai năm, lương cao, thu thập kinh nghiệm, tranh thủ kiếm thêm cái bằng MBA rất có lợi cho sự nghiệp sau này. Mẹ buồn thầm, nó quên là mẹ nó ngày càng già yếu sao? mẹ cần nó chứ đâu cần sự nghiệp của nó. Hai năm nữa, nó hai tám rồi. Bình Minh giờ đã học năm thứ hai Kinh tế. Cô chính chắn nhiều so với tuổi hai mươi của mình. Cô đỡ đần công việc quản lý cửa hàng vải sợi to lớn của mẹ, Bà Thông đã mệt mỏi vì tuổi tác, không còn quán xuyến nổi. Còn.. người đó vẫn vô tình bạc bẽo như xưa. Anh biết tỏng mẹ không thể mail cho anh, phải có người khác, người đó có quan hệ với anh, quan hệ thiết yếu nữa, vậy mà anh làm thinh như không có cô trên đời vậy. Thì thôi. Ngày xưa cô đã từng thuộc về một người. Quảng đời đó khép lại rồi.
Tối nay cơm xong Bình Minh vào phòng mẹ. Bà đang vui lắm. Hoài Ân gửi một thư dài báo công ty cử anh về nước làm việc, tháng sau về, và về với người yêu, một cô gái Việt Nam đúng ý mẹ, xin ở nhà ra đón. “ Mẹ và con sẽ ra đón nó, chuẩn bị một tiệc mừng nó về, dù sao Hoài Ân cũng vắng nhà sáu năm rồi, lát nữa con vào phòng mẹ bàn kỹ một chút”.. Giờ bà đang vui vẻ cùng ông bà Tư coi tấu hài. Bình Minh rót cho mẹ tách trà, chăm chú nghe bà dặn dò. Lát sau cô ngập ngừng “ con muốn thưa một việc nhưng sợ mẹ buồn, con.. con không đi đón anh hai được” “ sao vậy?” “ lúc đó con đã vào chiến dịch mùa hè xanh rồi, kỳ này về đúng quê con, cho nên..” Bà nhìn cô “ con muốn tránh Hoài Ân phải không?” Bình Minh lúng túng “ dạ không, trước sau cũng gặp anh hai mà, chẳng qua con không muốn lỡ dịp đóng góp chút gì đó cho quê mình. Không làm gì nặng nhọc đâu mẹ đừng lo, lại dạy học như năm ngoái thôi.” bà đành đồng ý.
Cả nhà nhộn nhịp chuẩn bị đón Hoài Ân. Bà Thông gọi một toán thợ tới sơn sửa lại căn phòng phía sau. Vậy là giã từ mảnh sân vuông mà Bình Minh từng gắn bó.Thật ra có một lối ra bọc theo hành lang. Nhưng Bình Minh không muốn dùng. Sân và căn phòng gắn liền nhau. Gian phòng không là của cô thì lưu luyến mảnh sân làm gì. Bình Minh được mẹ cho quyền chọn cách trang trí, quyết định xem cần mua thêm đồ đạc gì “con biết nhu cầu, sở thích của tuổi trẻ, con cứ chọn lựa thoải mái đừng ngại tốn kém”. Cô dốc toàn tâm toàn trí bày biện sắm sửa cho căn phòng của người đó thật chu đáo, lòng vừa xót xa buồn tủi vừa hờn giận âm thầm. Rồi người đó sẽ sống hạnh phúc với cô gái khác ở đây, trong căn phòng được chính người vợ trước sửa soạn! Thật đau cho cô. Rộn rịp nửa tháng, căn phòng trơ trọi trước đây biến thành một cung điện hiện đại, mỹ thuật. Bình Minh cứ theo tấm hình trong một tạp chí về nhà mà chọn màu tường, màu trần, màu thảm, bàn, ghế, giường tủ theo đúng mẫu, cái phòng tắm hình hộp tuyệt mỹ. Khi Bình Minh treo bức tranh và bày lọ hoa khô mà cô chọn suốt buổi chiều, bà Thông kỹ tính như vậy cũng hài lòng ra mặt. Mọi người xuống rồi. Bình Minh nhìn thật lâu lần nữa căn phòng mà cô sẽ chẳng bao giờ cùng người đó bước vào. Hoài Ân ơi Hoài Ân. Cô nuốt tiếng gọi vào tim.
Một mình ông Tư lái chiếc Zace đón Hoài Ân về. Bà Thông chờ con trước thềm, dù giận hết sức nhưng khi thấy Hoài Ân bước xuống xe, bà oà khóc. Hoài Ân ôm mẹ, mắt đỏ lên, mẹ già đi nhiều, tóc đã nhuốm bạc, anh đã làm mẹ buồn phiền lắm. Nhưng bây giờ anh sẽ săn sóc yêu thương mẹ bù lại. Tiệc mừng đoàn tụ vui vẻ. Xa nhà lâu, Hoài Ân cảm động sống lại cuộc sống gia đình. Tới chín giờ, mọi người mới ai về phòng nấy. Hoài Ân lên cầu thang, ông Tư phụ anh xách một chiếc vali. Vào phòng rồi, Hoài Ân chỉ căn phòng bên kia giếng trời có giàn hoa trắng trắng vàng vàng phía trước, bên trái có một cây lựu nhỏ đang trổ hoa, màu hoa đỏ như những đốm lửa trong đêm đẹp làm sao, giọng hơi hồi hộp “ hoa đẹp quá, ai.. ở đó vậy?”. Ông làm thinh. Hoài Ân hỏi lại “ phòng ai vậy, ông Tư?” “ phòng cô ba”. Hoài Ân nhíu mày “ cô ba nào?” Giọng ông Tư đều đều, lạnh tanh “ cô ba là mợ hai, là người mà cậu cưới hồi xưa đó..” Hoài Ân nhìn ông, nhận ra ngay sự bất mãn của ông. Hồi nảy ngoài phi trường, ông cố tình làm lơ không chào Thủy Tiên, anh cho qua vì anh rất quí ông, hơn nữa, anh biết, cũng như mẹ, ông khó tiêu hoá nổi chuyện anh bỏ vợ. Hoài Ân dịu giọng “ cô ấy đâu rồi?” “ đi rồi!” “ đi đâu?” “ đi chiến dịch!” “ chiến dịch gì?” Hoài Ân sửng sốt. “ Tôi không biết, cậu hỏi bà..” ông lui. Hoài Ân biết ông biết, nhưng ông giận không nói đó thôi. Anh chắt lưỡi “ làm sao cho vừa lòng mọi người, cứ thử ở vào hoàn cảnh tôi đi..”
Tiếng chim hót ríu rít chỉ làm tăng sự yên tĩnh trong ngôi nhà. Hoài Ân thích không gian bình yên này. Xa rồi sự vội vã, ồn ào của buổi sáng bên xứ người. Anh ngắm căn phòng mình. Rất ấn tượng, hôm qua vừa mở cửa vào, anh mê ngay. Hai chiếc va li to kềnh chưa sắp ra hết. Xem nào, không có gì phải vội. Chắc phải nhờ ông Tư phụ. Mùi thức ăn xộc vào mũi. Hoài Ân hít một hơi dài, thấy mình yêu đời lắm.
Chỉ có mẹ chờ anh bên bàn ăn. Bà Tư quen tính cậu hai dọn một dĩa ốp la thêm hai lát phô mai, kèm rất nhiều rau, ly cà phê nhiều sữa ít cà phê nóng hổi. Hoài Ân ôm vai mẹ, ngồi xuống kế bên. Bà chỉ dùng trà rồi vào phòng trước. Một lát Hoài Ân cầm ly cà phê vào sau. “ Con vừa ý căn phòng đó không?” “đẹp lắm..”, “ Bình Minh trang trí đó”, “cô ấy học kiến trúc à”, “ không, kinh tế, em con..”. Hoài Ân nhăn nhó “cô ấy đâu phải em con”, “vậy là gì?”, “..”. Bà nghiêm khắc nhìn con hồi lâu “ Hoài Ân, mẹ không muốn làm con buồn vì con mới về nhà hôm qua. Nhưng mẹ muốn con biết để quan hệ sau này khỏi lấn cấn. Bác Kha mất sau khi con đi hai tuần. Bình Minh trơ trọi trên đời, chẳng có người thân, nó chỉ còn mẹ. Trên danh nghĩa là mẹ chồng con dâu mà thật ra con đâu có ở nhà, đi xa mà không nhắc gì tới nó dù chỉ một chữ trong thư. Mẹ thương nó, bù đắp cho nó tình cảm mà nó thiếu. Bình Minh đẹp đẽ, giỏi giang. Điều đó không quan trọng bằng tính tình nó rất hợp với mẹ. Nó là đứa nghiêm túc và kín đáo, ý thức rõ hoàn cảnh mình. Một cô gái có chồng rồi. Nó sống an phận bên mẹ, không vui chơi hò hẹn với ai. Nhưng không thiếu người ngấp nghé đâu. Mẹ từ chối hai đám rồi đó. Vậy mà chỉ bằng vài chữ báo tin sẽ lấy vợ khác, con đẩy nó ra khỏi đời con. Ơn phước cho mẹ là nó không đau khổ quá”. Hoài Ân cầm tay mẹ “ con xin lỗi vì làm mẹ buồn”, “mẹ không buồn, mẹ chỉ tiếc cho con”. Bà mở tủ lấy ra một hộp nữ trang “chiếc nhẫn cưới của con đâu?, đưa đây cho mẹ cất luôn”. Hoài Ân lúng túng “ cần vậy không?, con cất trên kia”. Bà mở hộp “con xem này, các thứ này do mẹ đeo cho Bình Minh hôm cưới. Sau khi trả tự do cho con, nó trả lại cho mẹ. Nhìn nó tháo chiếc nhẫn ra khỏi tay, mẹ rớt nước mắt. Chiếc nhẫn đó, con đeo cho nó, mẹ biết đã hơi chật nhưng nó không thay chiếc khác. Hoài Ân ơi, con có lỗi với nó lắm”. Bà nghẹn ngào. Hoài Ân thở hắt ra, mẹ làm anh thấy mình có tội “ mẹ đừng khóc, con xin mẹ” “ con bỏ nó để chọn một cô mà ông Tư nói thua xa..”. Anh đứng dậy, qua lại trong phòng. Một lúc lâu mới nói “ Mẹ à, tụi con cưới nhau do ý cha mẹ hồi còn quá trẻ. Xa nhau sáu năm rồi. Mỗi người lớn lên trong hoàn cảnh khác, môi trường khác, có những quan hệ giao tiếp với người khác. Sao mẹ không tính tới tình cảm riêng của cô ấy, cô ấy có thể đã yêu người khác chứ. Giả dụ, trong thời gian qua, Bình Minh yêu ai đó, thì việc con trả tự do cho cô ấy, chẳng phải là quá tốt hay sao?. Như bây giờ lại hoá hay. Chúng con thoát khỏi ràng buộc xưa êm thắm. Chúng con đều đã trưởng thành, tự mình quyết định cuộc đời mình. Nếu mẹ nhận cô ấy làm con, con sẽ chăm sóc cho cô ấy như em gái. Thủy Tiên..thì.. mẹ nghe lời ông Tư làm gì. Ổng không ưa người ta nên.. nhưng mẹ yên tâm, mẹ bằng lòng con mới..”. Bà nghiêm nghị “ vậy sao người mẹ đã bằng lòng con lại chê” “ mẹ!” “ thôi tuỳ con, làm sao trước khi chết mẹ có cháu thì làm” “ kìa mẹ!”.
Bình Minh đón xe ôm về thành phố sớm. Hôm nay là sinh nhật mẹ, cô sẽ cắm một lẵng hoa đúng ý thích của bà rồi nhờ Thơm đem tới tặng. Mọi năm ngày này nhà vui lắm. Năm nay có Hoài Ân chắc càng vui. Và chắc chắn có mặt cô dâu tương lai nữa. Thôi, tránh đi cho người ta đỡ khó xử. Hàng hoa của Thơm đông khách, cô chưa lựa hoa ngay, phụ Thơm một hồi.. “ Cô cho tôi hoa này”. Bình Minh ngó lên, tim đập phắp một cái, nhói buốt trong lòng. Hoài Ân!. Anh nhìn cô, lặp lại “ cho tôi lan này”. Ôi, giọng nói nửa nam nửa trung của người con trai đó.. Đã sáu năm rồi mà tưởng mới tối qua.. Cổ họng khô khốc, cô hỏi “ anh lấy mấy cành”. Hoài Ân cười “ đủ cắm một bình”. Bình Minh ngẩn người. Anh cười. Sáu năm rồi, từ lúc cô làm vợ anh tới giờ, mới thấy anh cười, khóe bên trái có một cái răng khểnh thật duyên! Cô nói nhỏ “ vậy anh chọn một hay nhiều loại ”. Hoài Ân hơi lắc đầu “ thật tình tôi không biết mẹ tôi ưa hoa gì, cô cứ chọn dùm đi, đẹp là được” “ anh mua hoa tặng mẹ à!”. Hoài Ân gật đầu, hơi chú ý. Cô gái đẹp quá! Gương mặt sáng sủa thật hợp với mái tóc tém trẻ trung. Cô thoăn thoắt rút những cành lan Hoàng Thảo tươi mạnh, chọn một lẵng mây, cắm một lẵng lan thật đẹp. Hoài Ân không dứt mắt khỏi cô.
 Cô hơi e thẹn khi chạm ánh mắt đó, đỏ mặt thật duyên dáng “ nếu tôi tặng mẹ anh thì anh có nhận không? ”. Hoài Ân vừa ngạc nhiên vừa thích thú, buộc miệng khen “ cô thật dễ thương! Không phải vì cô tặng tôi lẵng hoa đâu, mà cô dễ thương thật đó”. Bình Minh buồn trong lòng. Tính anh vui vẻ chứ đâu có khó ưa mà sao đối xử với cô bạc bẽo vậy không biết. Ờ, chắc ở bên Tây lâu rồi nên quen tính nịnh đầm. Cô thắt thêm cái nơ nhỏ, lẵng hoa càng duyên dáng rồi đưa Hoài Ân “ xin biếu mẹ anh”. Hoài Ân hơi bất ngờ “ biếu thiệt hả? nhưng..” Bình Minh cười “ không nhận sao?” Hoài Ân lúng túng “ ờ, không nhận thì ngại phụ lòng cô, lại.. hơi uổng vì lẵng hoa đẹp quá, nhưng tôi không nỡ lấy!” “ sao vậy?” Hoài Ân nhìn cô hơi lâu “ xin lỗi, nhưng tôi nghĩ.. lẵng hoa đắt tiền.” “ nếu chỉ nghĩ vậy thì anh nhận đi cho tôi vui và chúc.. mẹ anh cũng vui”. Cô đưa anh lẵng hoa. Hoài Ân cầm lấy, hỏi nhỏ “ cô.. là chủ hàng hoa này hả? Tôi có thể gặp lại cô không?” Bình Minh cười “ tôi chỉ là khách như anh thôi, chào anh”. Cô đi ngay.