- 11 -
TRÁCH NHIỆM CỦA CON

Vua Gia Long có một người chị cùng cha khác mẹ là bà Ngọc Du. Năm 1788, bà Ngọc Du hạ giá cho Võ Tánh, ông này làm quan đến Hữu Quân. Năm Tánh tuẩn tiết ở Qui Nhơn (1801) đã có với bà một người con trai là Võ Khánh và hai người con gái. Sau ngày khắc phục được cựu kinh, Gia Long đã xây phủ đệ cho bà tại làng Xuân Hòa để bà an dưỡng tuổi già.
Bà Ngọc Du là thái trưởng công chúa, chồng là Võ Tánh có võ công oanh liệt, em là vua Thế Tổ đang trị vì, trong xã hội ít người có thể như bà. Bởi thế khi về già tính tình bà rất khó chịu, bà xem thường tính mạng, của cải của nhân dân. Người ở chung quanh phủ đệ của bà kêu trời không thấu. Tính tình của bà dần dần ảnh hưởng đến bọn giúp việc trong nhà. Bọn này lợi dụng thế lực của bà ra đường ức hiếp nhân dân. Nhiều người bị oan ức quá liều mình đến phủ kiện với bà, bà ngoảnh mặt làm thinh. Bọn giúp việc được bà che chở ngày càng làm già.
Đến thời vua Thánh Tổ trị vì (1820), chuyện người trong phủ đệ bà Ngọc Du hiếp đáp dân chúng đến tai vua. Vua Thánh Tổ nổi giận bèn gọi con trai của bà là Kinh Xa Đô úy Võ Khánh đến trách rằng:
Nước có điển hình (luật pháp), sao người không khuyên răn mẹ để cho mẹ làm những điều ác đức?
Võ Khánh sợ hãi thưa rằng:
Nhờ phép nước can ngăn, chứ con không thể khuyên can được mẹ?
Vua bảo rằng:
Mẹ ngươi tuy là Thái trưởng công chúa, nhưng sinh ra lớn lên trong thời chinh chiến không được học hành, khi giang sơn được khắc phục thì đã lớn tuổi, lại góa bụa làm sao học được nữa. Ngươi là người có ăn học, được dạy dỗ lại làm đến khinh xa đô úy, điển lễ nắm trong tay tại sao người không khuyên can mẹ để cho mẹ làm càn quấy phải chịu tiếng xấu với thần dân? Làm con thờ cha mẹ phải nên lấy lời nói dịu dàng can ngăn ở lúc việc chớm phát, để cho cha mẹ đừng mắc vào điều phi nghĩa, người không làm thế thì những sai lầm của mẹ nhà người phải chịu trách nhiệm!
Võ Khánh cúi đầu nhận lỗi.
Về nhà Khánh kể lại chuyện bị quở phạt với mẹ, thái trưởng công chúa Ngọc Du nghe chuyện rồi khóc. Từ đó bà thay đổi cách đối xử với dân. Nhân dân Xuân Hòa lấy làm mừng.
Thường tình chỉ nghe chuyện mẹ dạy con, còn chuyện con phải khuyên răn mẹ có lẽ xưa nay hiếm.
(theo ĐNLT, ĐNLT và sách Võ Tánh của Hồ Văn Trung)