Phần Kết

Cuối tháng 6 năm 1976, tôi về nước sau khi miền Nam được giải phóng hơn một năm. Được gặp lại người mẹ, người chị gái thương yêu, gặp lại Nam của tôi và bạn bè, họ hàng.
Khi bé Ngọc lên lớp hai, nhờ dành dụm được ít tiền, đồng thời sau khi có giấy tờ tạm ổn định, chúng tôi được phép vay một khoản tiền trả lãi của ngân hàng. Mặc dù phải trả dần từng tháng, chúng tôi đã mua được một căn hộ khoảng 40 mét vuông ở khu ngoại ô Paris và thuê được một cửa hàng ăn nho nhỏ để tự mình quản lý. Cuộc sống dẫu còn nhiều khó khăn nhưng cũng tạm ổn.
Nghĩ lại thời gian trước đây, biết bao năm trời vất vả về việc lo giấy tờ, tôi thấy hoảng. Mất nhiều thời gian và nhiều lúc cảm thấy bực mình, nhục nhã. Vốn tính không bao giờ muốn xin xỏ hạ mình, muốn tỏ ra đàng hoàng trong mọi tình huống nên quả là vất vả. Mà mỗi lần phải lo giấy tờ, viết đơn, gặp gỡ, trình bày, v.v… tôi đều là người phải đứng ra chịu trách nhiệm hết thảy. Mỗi lần mệt mỏi chán chường, tôi nhờ Khánh thay tôi làm những việc đó, anh chỉ buông một câu gọn lỏn: "Tiếng Pháp đầy mồm, cứ thế mà làm". Tôi có bực, có cáu, có kêu ca thì cũng đến vậy.
Khánh đâu có nghe, có để ý. Khánh cứ thản nhiên như những việc đó là của tôi, không liên quan gì đến anh ấy. Nói tóm lại, tất tần tật các loại hóa đơn, giấy tờ, các loại đơn từ, việc dạy con học, kể chuyện cho con, họp phụ huynh, các cuộc tiếp xúc khác nhau về việc học của con, về nhà cửa, cửa hàng ăn… đừng bao giờ hỏi Khánh bởi anh ấy sẽ nói rằng: "Tôi không biết".
Khánh chỉ biết công việc của mình là lái xe đi chợ, mua thực phẩm, lương thực, rượu, nước uống… cho cửa hàng ăn và phụ trách nấu bếp. Vì cửa hàng mặt bằng nhỏ, số bàn ăn không nhiều nên chỉ có hai vợ chồng làm việc mà thôi. Tôi vừa tiếp khách, vừa chạy bàn, vừa thanh toán. Khánh chịu khó nấu nướng và nấu khá ngon nên cũng thu hút được khá đông khách.
Cũng vì công việc của Khánh như vậy nên anh chẳng để tâm đến việc hoàn thiện tiếng Pháp. Khánh tiếp xúc được, nhưng khi phải trình bày một vấn đề gì đó, cũng không phải là dễ. Càng lớn tuổi Khánh càng ngại. Lúc có thời gian rỗi, Khánh chỉ thích chơi bóng đá cùng hội sinh viên Việt Nam sang học ở Pháp hoặc nếu có bạn thì chơi cờ, chơi tú lơ khơ hay chơi bài tá lả… Khánh không thích đọc sách, không thích nghe nhạc hay đi dạo chơi trong vườn. Nếu có thời gian ngồi trước tivi, Khánh chỉ mê những trận bóng đá, đấm bốc, te nít hay những màn trượt băng nghệ thuật. Còn tôi, tôi thèm đọc sách đến khủng khiếp. Từ ngày sang Pháp, không có nhiều thời gian, tôi thấy mình như bị hụt hẫng, thiếu một cái gì đó. Những ngày nghỉ, khi thời tiết đẹp, tôi thích tha thẩn dạo chơi trong những công viên tĩnh lặng. Đêm về, trước khi đi ngủ, tôi mê nghe một bản nhạc nhẹ. Tôi thích dạy con, kể chuyện cho con nghe và muốn nghe con nói chuyện, tha thiết được trao đổi, tâm tình cùng chồng.
Càng sống với Khánh tôi mới càng thấm thía một điều: Hai người tốt sống với nhau chưa chắc đã hợp. Quả đúng vậy! Khánh thật tốt bụng, chăm chỉ, thương vợ con, nhưng hai chúng tôi là hai thế giới trái ngược nhau, kể cả vừa làm tình với nhau xong, nhìn thấy Khánh ngủ ngon lành, tôi đã lại thấy mình cô đơn. Một nỗi cô đơn như vậy thật khó tả cứ gặm nhấm, gặm nhấm tâm hồn tôi. Tôi muốn được Khánh âu yếm lâu, thật lâu trước khi bước vào giai đoạn cao trào của quan hệ tình dục. Tôi khao khát được kể cho Khánh nghe những gì mình đã được đọc, được nhìn thấy, được cảm xúc để rồi được nghe Khánh nói những gì Khánh nghĩ trước lúc làm tình… Nhưng không, mỗi lần gần gũi xác thịt, sau khi chờ tôi thể hiện tình cảm, Khánh rực người lên cảm xúc cháy nồng, đam mê trong phút chốc, rồi lăn ra ngủ, bỏ mặc tôi bên cạnh. Nằm mãi không ngủ được, tôi lay anh, anh chỉ nói: "Ngủ đi!".
Tôi cũng hiểu rằng không phải như vậy là Khánh không yêu tôi. Thực ra, Khánh không có nhu cầu nói chuyện, trao đổi như tôi mong muốn. Thế rồi, đang đêm, tỉnh giấc, Khánh lại đòi hỏi làm tình thì tôi chẳng còn cảm hứng gì nữa.
Khánh thua tôi khá nhiều tuổi mà mãi sau này tôi mới biết. Vì lúc mới quen rồi yêu nhau, có lẽ sợ tôi khước từ nên Khánh đã nói Khánh bằng tuổi tôi, và khi Khánh vượt biên ra đi không phải là khi Khánh 20 tuổi như Khánh đã kể. Cũng chính vì tuổi tác khá chênh lệch và không cùng trình độ văn hóa nên giữa tôi và Khánh khập khễng trong mọi nhận thức cuộc sống. Mọi quyết định trong việc nuôi dạy con và trong công việc làm ăn đều dựa vào suy nghĩ của tôi.
Giờ đây, khi tôi đã ổn định về mặt pháp lý để có thể sinh sống lâu dài tại Pháp, thì bão lòng lại trỗi dậy…
Đã ba tháng nay, Khánh lặng lẽ hẳn đi. Vốn đã ăn nói ngắn gọn, anh như ngày càng "kiệm lời" hơn.
Khánh cứ tự cho phép mình vắng nhà mà không một lời giải thích. Còn tôi, không phải tôi muốn gây sự với anh khi tỏ ra lạnh nhạt. Đã trải qua trăm đắng nghìn cay, tôi hiểu nên xử sự như thế nào để cuộc sống vợ chồng không quá căng thẳng. Tuy nhiên, có một điều tôi không thể nào thay đổi được, đó là sự thể hiện tình cảm. Đúng là Khánh và tôi đang sống trong thời kỳ bằng mặt không bằng lòng. Khi đã không bằng lòng, tôi không thể nào hào hứng đáp lại hành động ân ái của Khánh. Tôi không thể ôm ấp Khánh, khi cảm thấy lòng mình không thanh thản. Khi có điều gì cấn cái không nói được, tôi thấy lòng bực bội, không yên. Hằng đêm, tôi đã không thể trao cho Khánh những nụ hôn thắm nồng như trước, không thể nói với Khánh những lời yêu thương, không thể trao thân tự nguyện, thoải mái cho Khánh. Tôi là vậy! Lắm lúc, tôi nguyền rủa cho cái tính quá khẳng khái, thẳng thắn đến bướng bỉnh của mình. Nhưng tôi không thể khác được. Còn Khánh, anh cũng cảm thấy tình cảm đối với anh phần nào phai nhạt trong tôi. Tôi biết, Khánh hoàn toàn cảm nhận được điều đó nhưng làm như không hề biết, để rồi chỉ đòi hỏi quan hệ tình dục với tôi khi anh thấy cần mà thôi. Khi thấy tôi cự lại, Khánh không tâm tình, bày tỏ để vợ chồng hiểu nhau, Khánh cho rằng tôi không còn yêu anh nữa, không nhiệt tình với anh nữa. Và Khánh cũng tỏ ra bất cần rồi lại tiếp tục đi…
Tôi thì cho rằng, đến giờ Khánh vẫn còn trẻ và khỏe, e rằng đến một lúc nào đó, Khánh sẽ phải có một người phụ nữ khác. Tôi đã nghĩ rất nhiều, số phận của tôi như vậy, nhưng còn các con tôi? Bản thân tôi cũng đắm đuối vì con lắm. Khi đã phần nào ổn định cuộc sống, tôi tìm cách liên lạc với các cháu Hương Ly và Hùng.
Cháu Hương Ly đã học xong đại học, đi làm ổn định và đã xây dựng gia đình. Hương Ly được bố chăm sóc chu đáo và giáo dục tốt nên phát triển tương đối trọn vẹn. Hiện tại, tôi và Hương Ly vẫn liên lạc thường xuyên với nhau. Tuy nhiên, tôi có cảm tưởng rằng Hương Ly không hiểu tôi, cho rằng tôi đã bỏ mặc cháu lúc cháu còn thơ dại. Tình cảm của cháu đối với mẹ chứa đầy trách móc, giận hờn. Tôi chẳng bao giờ trách con tôi mà chỉ trách bản thân tôi thôi. Tuy nhiên trong mọi hoàn cảnh, tôi luôn nghĩ về con, muốn làm gì đó cho con để bù đắp những thiếu hụt trong cuộc đời con do mình gây ra nhưng vì xa cách, và vì Nam không còn muốn liên lạc với tôi nên tôi đành chịu. Bao nhiêu năm, dẫu nhớ thương con, cũng đành ngậm đắng nuốt cay. Giờ đây, có điều kiện liên lạc, thì con đã trưởng thành. Những mặc cảm về tội lỗi của mẹ đã hằn sâu trong suy nghĩ của Hương Ly. Nhưng nếu con tôi nghĩ thế thì cũng hoàn toàn không đúng, vì lúc đầu, tôi đâu có muốn như vậy, tôi đâu muốn sống xa con. Tôi đã đứt ruột khi phải chia lìa con trong cảnh cực chẳng đã. Tôi đã sợ con tôi sớm phải tiêm nhiễm những lời nói độc địa của Lâm về mẹ nó.
Tôi đã sợ con tôi phải chứng kiến cuộc sống bất hạnh của mẹ và phải sống một cuộc đời thơ trả đầy bất ổn. Con tôi đâu có biết rằng, sau khi phải xa nó, mặc dù có thằng cu Hùng, đêm đêm tôi phải gạt thầm nước mắt khi nghĩ đến nó, đứa con gái bé bỏng, hồn nhiên, đáng yêu, đứa con gái có cặp mắt buồn. Có người mẹ nào không xót xa khi phải chia lìa đứa con đứt ruột của mình khi con còn quá thơ dại? Cho đến k hi quyết định xa thằng cu Hùng, tôi cũng đã trở lại tâm trạng đó. Một nỗi xót xa ân hận luôn dày xé tâm can tôi.
Vì thế, dù không nuôi dạy được các con, không chăm sóc được chúng hằng ngày nhưng lòng tôi lúc nào cũng nghĩ đến chúng. Giờ đây, tôi chỉ ước mong các con hiểu được phần nào lòng mẹ. Nhưng qua cách nói chuyện của Hương Ly, qua cách xử sự của nó với gia đình bên ngoại, tôi thấy hẫng và rất buồn.
Còn cháu Hùng thì tôi không thể có cách gì để tiếp cận được cả. Hùng đã tốt nghiệp phổ thông trung học nhưng không thi đỗ đại học. Thực lòng, tôi rất muốn Lâm đồng ý để cho tôi được phép đón cháu Hùng sang Pháp, lo cho tương lai của cháu. Nhưng Lâm là một người đàn ông quá cứng. Lâm đã không chấp nhận bất kỳ sự giúp đỡ nào của tôi. Mấy năm gần đây, tôi suy nghĩ rất nhiều. Thương con, tôi đã nhờ người giúp đỡ nhưng không được. Lâm từ chối mọi cuộc tiếp xúc. Cháu Hùng lại xa tôi từ bé nên đâu có hiểu được lòng mẹ. Nhiều lúc tôi cảm thấy thật đau xót khi nghĩ đến con nhưng đành bất lực.
Tôi từng sống nhiều năm ở Pháp, tôi thấy ở Pháp có những điểm cho tôi đáng suy nghĩ. Khi hai vợ chồng cảm thấy không thể sống với nhau được nữa, họ chia tay nhau nhưng cả hai đều giữ tình cảm với con cái và có trách nhiệm với chúng. Nếu một hoặc nhiều đứa con sống với mẹ thì những kỳ nghỉ ngắn hoặc dài ngày, bố chúng lại đón chúng về bên nhà bố chúng chơi, cho đi nghỉ hè, và ngược lại. Khi không may, con cái ốm đau hay có việc gì gay cấn về học hành, hai vợ chồng lại gặp nhau và cùng trao đổi những thứ cần thiết phải làm đối với con cái. Dù không còn sống với nhau, họ vẫn cùng đến dự buổi họp phụ huynh học sinh do trường hay lớp con học tổ chức. Tất nhiên, cũng có những cặp vợ chồng ly dị trở nên ghét nhau, nhưng số đó thật ít ỏi. Có phải, cái cơ bản là vì con, vì cuộc sống và tương lai hạnh phúc của con mà họ đã sẵn sàng bỏ qua những chuyện giữa hai vợ chồng để làm cho cái hố ngăn cách giữa họ không sâu thêm, không rộng thêm?
Ở Việt Nam ta, khi vợ chồng đã bỏ nhau, không hiếm đôi không còn muốn nhìn thấy mặt nhau. Cũng có khi lại là do người vợ hay người chồng mới không muốn cho chồng hay vợ mình gặp lại "người cũ". Có lẽ trong họ, cái sự cho rằng "tình cũ không rủ cũng đến" vẫn luôn ngự trị chăng?
Tôi cũng không nằm ngoài cái điều không đáng có ấy. Không làm được gì hơn, tôi đành cho đó là số phận. Và đã là số phận thì phải đành chấp nhận thôi nhưng đôi khi tôi vẫn tự hỏi liệu ta có thể thay đổi được số phận?
Khánh vẫn tiếp tục bỏ nhà ra đi vào ngày nghỉ hằng tuần. Những ngày làm việc thì tỏ ra mệt mỏi và chán chường. Anh là người chăm chỉ và ham làm việc, bỗng chốc như vậy, chắc hẳn phải có lý do?
Kể từ khi ở Việt Nam có dịch SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng), làm một số người chết, các nhà hàng ăn uống Việt Nam ở Pháp nói chung và ở Paris nói riêng trở nên ế ẩm hơn. Đặc biệt từ một năm trở lại đây, khi dịch cúm gia cầm trở thành nạn dịch không chỉ ở các nước Châu Á mà còn lan sang các nước châu Mỹ, châu Âu, châu Phi, khách hàng cảnh giác với các nhà hàng châu Á, đặc biệt là các nhà hàng Việt Nam. Vì thế thu nhập của các nhà hàng ăn uống Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc làm ăn thất bát đã đến hồi báo động.
Tuy nhiên tôi nghĩ, chúng tôi cũng nằm trong hoàn cảnh chung. Nếu biết dàn xếp "thuận vợ thuận chồng" thì mọi việc cũng sẽ trôi chảy. Như người đời thường vẫn nói, sông có khúc, người có lúc, rằng hết mưa thì nắng hửng lên thôi. Tôi trải qua nhiều bất trắc trong cuộc đời nên đã hiểu thế nào là hạnh phúc. Nhưng khổ cho cái thân tôi, lúc mình ý thức được điều đó thì lại cảm thấy hạnh phúc thật mong manh, có muốn giữ cũng thấy thật là khó. Một người bạn thân của tôi đã có lần rỉ tai tôi nói: "Người chồng bao giờ cũng sợ người vợ thứ nhất, còn người vợ lại sợ người chồng thứ hai". Tôi lại không cho là thế. Tôi bảo thủ chăng? Không! Tôi không cho là sợ mà nể thì đúng hơn. Mà đã là vợ chồng sống với nhau, nếu một trong hai người thấy sợ người kia thì cuộc sống đâu còn hạnh phúc.
Tôi vẫn yêu, mến và nể Khánh mặc dầu về sau biết Khánh ít tuổi hơn tôi nhiều. Tôi hiểu những phẩm chất mà Khánh có. Tôi vẫn thừa nhận rằng những người ít học không hẳn là những người kém cỏi, bởi vì ở họ còn có vốn sống và sự hiểu xã hội. Tuy nhiên là hai vợ chồng, sự chênh lệch nhiều về tuổi tác cộng với khoản cách quá lớn về trình độ, nhất là vợ "hơn" chồng, cũng làm cho cuộc sống gia đình khó có hạnh phúc trọn vẹn. Người chồng sẽ sống trong mặc cảm, mặc dầu người vợ cố tránh nói đến những điều ấy. Hiểu Khánh và tôi cũng hiểu mình hơn. Con người không thể cưỡng lại được thời gian. Người phụ nữ dù đẹp đến mấy cũng sẽ đến lúc "tàn" như bông hoa, có thông minh đến mấy cũng có lúc nhầm lẫn.
Thường ngày, tôi và Khánh phải làm việc từ sáng cho đến tối ở nhà hàng, chẳng mấy khi có mặt ở nhà. Trong điều kiện đó, cháu Ngọc phải tự giác học hành, cũng may cháu có tính tự lập từ khi còn nhỏ. Ngọc chín chắn so với tuổi đồng thời lại ngoan và học giỏi. Điều đó cũng an ủi tôi nhiều. Giờ đây, tôi chỉ biết dồn hết tâm sức cho Ngọc mà thôi.
Mỗi tuần chỉ có ngày chủ nhật là gia đình sum họp. Trước đây tôi chỉ mong chóng đến ngày đó vì sau một tuần làm việc mệt nhọc, tôi được cùng chồng con ngủ dậy muộn, buổi chiều đi dạo chơi vườn hoa. Tôi thèm những buổi chiều chủ nhật, thời tiết đẹp, đi tha thẩn trên những lối nhỏ công viên, nhìn những chú chim trên cao sà xuống lòng bàn tay khi ta để mồi vào đó. Tôi khao khát, khi trời ấm áp, được ngã lưng trên chiếc ghế cạnh bờ hồ trong công viên, lim dim mắt mơ màng nghĩ về một điều gì đó hay đọc một cuốn sách hay. Khánh không thích như vậy, nhưng chìu tôi và con nên anh ấy đi cùng. Khi tôi kể cho Khánh và con nghe về một câu chuyện gì đó, hay về một loài hoa, một loài chim…, dù chẳng quan tâm lắm, Khánh cũng đã từng chăm chú lắng nghe.
Nhưng giờ đây, cảnh đó còn đâu nữa. Cứ mỗi sáng chủ nhật, sau khi ngủ dậy là Khánh đi. Dường như không dằn long được nữa, tôi bổng hỏi anh, và anh dấm dẳng đáp:
- Anh lại đi nữa à?
- Ừ!
- Anh có thể ở nhà được không? Hôm nay có việc rất cần đến anh.
- Không!
- Anh đi đâu mà chủ nhật nào cũng vắng nhà?
- Đi có việc.
- Anh có hẹn à?
- Ừ!
- Anh có thể cho tôi biết anh đi đâu được không?
- Không cần biết!
Nghe đến đó tôi không còn bình tĩnh được nữa, tôi nói to lên:
- Anh có còn coi tôi là vợ anh nữa không mà đối xử với tôi như vậy? Hàng mấy tháng nay rồi, anh cứ ra đi mà chẳng một lời giải thích. Khi hỏi anh lại trả lời dấm dẳng. Tôi không chịu được nữa. Lành làm gáo, vỡ làm môi! Anh cứ tiếp tục như vậy, quan hệ giữa chúng ta sẽ ảnh hưởng đến việc giáo dục con.
- Vậy cô tưỡng cô tốt đẹp lắm sao?
- Chẳng gì thì từ ngày lấy anh, tôi cũng chỉ biết chăm lo cho gia đình và con cái, không còn nghĩ gì đến mình nữa. Còn anh, anh đã làm được gì nào?
- Thế còn cái quá khứ tốt đẹp của cô? Nó sẽ ảnh hưỡng tốt đến con chắc?
Đến nước này tôi không thể chịu nỗi nữa. Tôi cảm thấy bị xúc phạm. Từ trước đến nay, Khánh có bao giờ đụng chạm đến quá khứ của tôi đâu. Điều gì bí ẩn trong Khánh đã dẫn anh tới những lời nói như vậy. Tôi hoài nghi… Và tôi đã gào lên, giữ lấy cửa, không để cho Khánh ra đi như mọi lần:
- Anh mà cũng nói vậy sao? Tôi đã làm gì ảnh hưởng đến anh, đến con? Đã làm gì? Anh nói ngay đi!
Và thế là Khánh tuôn ra câu nói đó, câu nói đã dày vò lòng tôi suốt cả tuần nay. "Đồ đĩ!" Bên tai tôi luôn văng vẳng hai tiếng đó. Giá như người khác nói thì tôi đã chẳng quan tâm. Nhưng hai tiếng khốn nạn đó lại phát ra từ miệng Khánh, người tôi đã yêu thương hết lòng và nguyện chung sống cho đến hết đời mình.
Nếu như trước đây, với Nam hay với Lâm, thường có chuyện gì xảy ra giữa hai vợ chồng, tôi đều muốn được giải quyết ngay. Nhưng nay, tôi linh cảm thấy mọi nỗ lực của tôi đều vô nghĩa. Khánh dường như không chịu nghe tôi giải bày hay ca thán. Mỗi lần có gì không bằng lòng, tôi có lỡ to tiếng là anh bỏ đi. Nhưng lần này, anh đã bỏ đi sau khi sỉ nhục tôi, là điều tôi không thể chấp nhận được.
Từ một tuần nay, tôi chẳng nói nỗi lời nào cùng Khánh. Và Khánh cũng tỏ ra bất cần rồi lại tiếp tục vắng nhà ngày càng nhiều hơn. Tôi đau khổ đến tột cùng
Đã có lúc, tôi nghĩ đến cái chết. Chết cho xong đi một đời người nhưng tôi đã không thể. Người níu giữ tôi lúc này lại là bé Ngọc. Con tôi đã có tội tình gì mà phải sống tiếp cuộc đời mồ côi mẹ? Đã bao lần cầm nắm thuốc ngủ ở tay rồi tôi lại vứt đi. Nỗi yêu thương con dằn vặt lòng tôi. Con còn bé dại. Mới chưa đầy mười hai tuổi, Ngọc đã đủ khôn lớn đâu. Tôi tự nhủ mình, thôi cố gắng chịu đựng. Tôi không còn mẹ nên tôi hiểu lắm nỗi đau mất mẹ. Tôi không còn mẹ khi tóc tôi đã phần nào điểm bạc mà vẫn thấy khát thèm tình mẫu tử, huống gì con tôi mới ở tuổi niên thiếu!
Giờ đây, mỗi khi nghĩ đến những phút giây cuối đời của mẹ, tôi đã không thể về được bên mẹ, lòng tôi rỉ máu. Ngày đó cách đây hơn mười hai năm rồi. Chị tôi báo cho tôi cái tin đau đớn là mẹ ốm nặng, rất muốn gặp tôi bởi tôi xa mẹ, xa quê hương, gia đình, bạn bè, đất nước cho đến lúc ấy đã bốn năm rồi ( hai năm ở Canada cộng với hai năm ở Pháp ). Ngày tôi quyết định ở lại xứ người và sống lang thang, mẹ tôi buồn lắm. Nỗi buồn vì tôi chia tay Nam chưa nguôi đã tiếp đến nỗi đau vì tôi ở lại xứ người bởi cuộc sống của tôi và Lâm không hạnh phúc. Mẹ tôi là người phụ nữ nhân hậu, sống có tâm nên rất đau khổ khi biết cả hai cháu Hương Ly và Hùng đều không được sống cùng mẹ mình. Có lẽ, mẹ tôi đã ước ao được nhìn thấy đứa con gái út bướng bỉnh, gàn dỡ và cạn nghĩ trước khi từ giả cõi đời.
Nhận được tin mẹ ốm nặng, mẹ rất muốn gặp tôi, tôi tức tốc bằng mọi cách làm giấy tờ để xin về nước, nhưng tôi đã không thể. Trong tay tôi lúc đó chưa có một giấy tờ gì hợp pháp cả. Nếu tôi về nước, tôi sẽ không sang trở lại Pháp được. Lúc đó tôi lại đang mang thai cháu Ngọc. Vậy là vì giấy tờ và vì cái thai trong bụng, tôi đã đành có lỗi với mẹ tôi, người mà tôi luôn thương yêu. Tôi biết lỗi đó chẳng bao giờ tha thứ được. Tôi khóc rất nhiều, mong rằng mẹ có thể thấu hiểu cho tôi phần nào. Tôi biết mình sống như vậy là ích kỷ, là tàn nhẫn nhưng tôi nghĩ rằng nếu tôi về nước và ở lại vào những năm đó, cuộc sống của tôi cũng chẳng có tiền đồ nào cả. Rồi Lâm sẽ đối xử với tôi ra sao, nhất là khi tôi lại có thai? Rồi tình yêu với Khánh sẽ như thế nào? Khánh thì nhất định không trở về Việt Nam để sinh sống nữa.
Tôi biết cách xử sự của tôi làm mẹ tôi giân và thất vọng lắm. Tôi cũng hiểu rằng nghĩa tử là nghĩa tận. Đối với một người không máu mủ, ruột rà, người ta còn nghĩ được như vậy, huống gì người sắp ra đi ấy là người mẹ từng mang nặng đẻ đau mình.
Đó có lẽ là điều dày vò vô tâm can tôi nhiều nhất. Giờ đây, tôi có làm gì đi chăng nữa cũng chẳng bao giờ chuộc lại được lỗi lầm đó. Tôi thấy thương mẹ tôi bao nhiêu lại càng buồn tủi phận mình bấy nhiêu. Sau này, đã mấy lần tôi về nước nhưng chỉ còn biết tạ lỗi với mẹ trước nấm mồ Người lặng lẽ:
Thắp nén nhang, cúi lạy Người,
Mẹ ơi, nơi ấy thấu lời của con.
Có người khóc mẹ nỉ non,
Con đây khóc Mẹ héo mòn trong tim.
Mẹ ơi, chốn ấy im lìm,
Cô đơn mình Mẹ muôn nghìn đêm thâu…
Lạy Mẹ tha thứ con yêu,
Nguyện hương linh Mẹ nhiễu điều giá gương.
Mẹ ơi thương hưởng tàn hương,
Tình con thương mẹ mười phương chưa tròn…
Càng tiếc thương người mẹ quá cố, tôi càng nghĩ mình phải sống. Sống không phải vì mình nữa mà vì con. Tôi vẫn còn chút hy vọng khi nghĩ rằng biết đâu, một lúc nào đó cháu Hùng sẽ nghĩ lại và tôi có cơ hội được gặp lại cháu, lo cho cháu. Làm sao có thể nhắm mắt yên lòng khi cháu Hùng vẫn chưa có nghề nghiệp, cháu Ngọc còn thơ dại?
Có lúc, tôi nghĩ, nếu Khánh muốn thay đổi cuộc đời, tôi sẽ không cố níu giữ. Tôi sẽ để anh ấy hoàn oàn tự do. Bởi vì, ở tuổi của mình, tôi đã hiểu, thật vô ích khi níu giữ một tình yêu đã chết. Còn tôi, tôi sẽ cố gắng sống thêm mấy năm nữa cho bé Ngọc cứng cáp lên. Sau đó tôi sẽ nhờ chị tôi mua một mảnh đất nhỏ gần bãi biển Đồ Sơn. Có lẽ tôi sẽ về dưỡng già tại đó mà thôi. Tôi yêu biển, hy vọng biển sẽ mang lại cho tôi niềm an ủi những năm cuối đời. Tôi chẳng còn mong muốn gì nữa, chỉ mong được nghĩ ngơi. Tôi vốn được sinh ra ở vùng biển, cố gắng học hành để rồi làm việc bằng chính trí tuệ của mình. Vậy mà cuối cùng gần mười lăm năm nay, tôi phải làm việc cật lực và công việc hầu như là lao động chân tay.
Đôi khi có chút thời gian ngồi nghĩ lại, tôi thấy đời người trôi qua thật chóng vánh. Thời gian trôi đi cuốn lôi tất cả những gì có vẻ vững chắc nhất, không gì ngăn nỗi. Tuổi xuân chỉ như một đóa hoa, nỡ đấy rồi lại tàn. Tất cả những niềm vui, hân hoan, hạnh phúc rồi cũng sẽ tàn phai như giấc mộng đẹp. Đối với tôi giờ chỉ còn lại kỉ niệm buồn đau. Chán nản hiện tại, sợ hãi tương lai, chỉ còn thấy nỗi đau đớn mà thôi!
Nếu như nay tôi gặp bất kỳ người Việt Nam nào đó, không có bằng cấp chính thống của nước mình đang tạm trú, mà có ý định ở lại nước đó sinh sống và lập nghiệp, nếu được góp một lời khuyên, tôi sẽ khuyên họ là hãy trở về Việt Nam ngay. Chỉ có ở quê hương của mình ta mới được che chở, yêu thương thật sự, không bị lạc lõng, đơn côi…
Tôi còn nhớ khi chúng tôi học tiếng Pháp ở Liên Xô, cô giáo người Nga đã cho chúng tôi chép một vài đoạn văn nói về Tổ quốc. Nhà văn Pháp thế kỷ XIX Chateaubrillant viết về tình yêu quê hương:
"Tạo hóa như đã buộc chân mỗi người vào quê hương của họ bằng một hấp lực không ai cưỡng nỗi; miền băng giá xứ Ai-xlen cũng như miền cát nóng thiêu bên Phi châu vẫn không thiếu người ở. Lại còn điều đáng để ý là đất đai nước nào càng cằng cỗi, khí hậu càng khô kiệt, càng chịu nhiều cảnh bắt bớ trong nước đó, thì ta càng thấy thú vị hơn.
Một người hoang đã quyến luyến túp lều của mình hơn vị đế vương quý nơi cung điện, người miền núi triều mến ngọn núi cao hơn người đồng bằng yêu thích luống cây. Bạn hãy hỏi một người chăn cừu ở nước Ê-cốt (Ecosse) xem anh ta có thích đổi số phận của mình lấy phận ông vua quyền uy nhất đời không? Phải xa bộ lạc thân yêu, đến chổ nào anh cũng nhớ tới; đến đâu anh cũng đòi lại bầy xúc vật, đòi thác nước chảy, đòi đám mây bay. Anh chỉ ước được ăn bánh làm bằng lúa mạch, mong uống sữa dê anh nuôi, và mong được hát vang nơi thung lũng những bản dân ca mà xưa kia tổ tiên anh đã hát mà thôi."
Còn nhà văn Ý thế kỷ XIX Ét-môn-đô Đơ A-mi-xi viết:
"Tôi yêu quê tôi.
Tôi yêu quê tôi vì ở đó mẹ tôi sinh ra, vì những bậc quá cố khiến mẹ tôi khóc than và cha tôi tôn thờ đều được an táng trong lòng đất thiêng liêng này, thành phố tôi sinh ra, ngôn ngữ tôi nói, sách vở tôi học, những gì tôi thấy, những gì tôi yêu, những gì tôi ngưỡng mộ đều thuộc quê hương tôi.
Ôi, cái tình cảm ái quốc, con không hiểu được đâu. Sau này lớn lên, con sẽ hiểu, khi con viễn du trở về mà được thấy những ngọn núi quê hương ở tận chân trời xa xa, con sẽ hiểu khi phải nghe ngoại nhân lăng mạ quê hương khiến con đau đớn đỏ mặt tía tai. Rồi tới ngày quân thù đe dọa gây binh lửa cho tổ quốc, con sẽ hiểu lòng ái quốc mãnh liệt và kiêu hãnh hơn."
Và Voltaire, nhà văn, nhà triết học vĩ đại của nước Pháp, viết rằng:
"Tổ quốc! Ấy đúng là cái tên vừa nghe êm ái nhất, vừa vĩ đại nhất có thể làm vang dội tai chúng ta. Ở đó nó ca ngợi tình yêu, sự ồng nhiệt, sự hy sinh danh dự."
°
 
Vườn hoa Luxembourg về chiều tà đã có phần tĩnh lặng. Các thanh thiếu niên đi dạo bằng những con ngựa giống nhỏ hay giầy trượt…chuẩn bị ra về. Các ông bố, bà mẹ bắt đầu giục giã con cái mình đang chơi trong những hố cát. Trên các lối đi, những chiếc xe đẩy các trẻ nhỏ từ từ lăn bánh về phía cửa.
Tôi đưa mắt nhìn khắp lượt vườn. Cái duyên dáng của thiên nhiên, cảnh vật ở đây vẫn mãi mãi quyến rũ làm sao! Vào những ngày trời đẹp, đôi khi ta gặp những người có tâm hồn lãng mạn đi dạo, ẩn mình bên dưới đài nước Médicis, những sinh viên chăm chỉ ngồi đọc trên những chiếc ghế nhỏ bằng sắt được đặt hai bên những lối đi yên tĩnh, những gia đình hoặc những người mê nhạc đang đứng lại lắng nghe ai đó chơi một bản nhạc…
 
Vào vườn hoa, dạo chơi trong đó, ta có cảm giác như thời gian ngừng trôi. Ta sẽ bị lôi cuốn bởi ý thích đi lang thang bên những cây dẻ, cây tiêu huyền, được trồng hai bên lối đi, những loài cây ngoại lai như cây bồ hòn hay những cây bạch quả, trải dài trên con đường nhỏ. Vào đầu mùa xuân, những cây hoa păng xê (pensée), hoa quế trúc…nở rộ, báo hiệu mùa đông đã dần kết thúc. Cây cối không ngớt ra hoa, lẫn vào nhau theo các mùa hoa như hoa mũi giày, hoa thược dược, hoa cúc hay hoa xôn.
Trong chốn tiên cảnh này, hầu như mọi mong muốn đều có thể được thỏa mãn. Cho dù bạn là người ưa chơi cầu long, chơi bài hay chơi ném hòn, v.v…, bạn có thể sẽ được đáp ứng ở đây.
Còn đối với trẻ em, vườn hoa Luxembourg là một thiên đường thật sự. Trong vô số các trò chơi cho trẻ, bạn có thể để con chơi một mình với các bạn cùng trang lứa trong một công viên rộng có cửa, đã hoàn toàn được cải tạo từ năm 1992, mà không sợ điều gì xảy ra cả.
Nhìn dòng người lần lượt rời vườn hoa, tôi vẫn chưa muốn đứng dậy. Lưng tựa vào thành ghế, đầu ngửa ra hít thở khí trời, tôi lại rơi vào một trạng thái đê mê. Bổng tôi thấy nỗi nhớ thật da diết trỗi dậy trong lòng. Nhưng nhớ ai và nghĩ về cái gì, tôi hoàn toàn không định hướng được nữa. Tôi nhắm nghiền mắt lại. Tôi như chẳng còn muốn nghĩ gì nữa cả…
Nhưng than ôi, khuôn mặt Lâm đâu đó lại hiện về trong tôi thật rõ nét. Lần này lại không phải là khuôn mặt cau có, dữ dằn, dọa dẫm. Khuôn mặt chữ điền, da ngăm ngăm, đôi mắt đen, dài đang nhìn tôi đắm đuối. Con người Lâm trông mới đàn ông làm sao! Tôi đang ngồi chấm bài bên chiếc bàn, cạnh một khung cửa sổ nho nhỏ, nhìn ra vườn. Ôi, không phải là hoa đủ cả màu sắc như ở vườn hoa Luxembourg nhưng kia kìa, mảnh vườn nhỏ cũng có hoa, hoa mười giờ tím tươi trong nắng, hoa cúc vàng rộn rạo lòng ai… Những hàng hoa bao quanh luống rau cải, xen kẽ có mấy cây su hào, cà chua mà tôi vừa tưới hôm trước. Đã bao lần bé Hương Ly và tôi cùng ra đó bắt sâu, nhổ cỏ cho cây. Bé Hương Ly con tôi vẫn xinh xắn, dễ thương. Nhưng bé đi đâu rồi. À tôi nhớ ra rồi! Giờ này, con tôi đang còn ở lớp mẫu giáo, có lẽ đang hát: "Lúc ở nhà, mẹ cũng là cô giáo, khi đến trường cô giáo như mẹ hiền…" Bỗng tôi giật mình khi bàn tay ai đó, từ phía sau, bịt chặt cặp mắt tôi. Không quay lại, không giật bàn tay đó ra, tôi cũng đoán được đó là ai rồi. Không phải là Lâm thì còn ai nữa. Lâm luồng nhẹ bàn tay vào trước cổ tôi, từ từ đưa xuống ngực, dừng lại thật lâu trên đôi bầu vú vẫn còn căng đầy. Lâm nói rằng Lâm rất thích mơn man làn da của tôi, làn da mỏng, mịn, mát và trắng. Lâm khẽ cởi áo tôi ra, khẽ tuột váy tôi ra, rồi cứ thế, cứ thế, tay anh cứ trượct dần trên da thịt tôi, nhẹ nhàng, êm dịu. Lâm bế tôi lên giường. Tôi có cảm giác đôi mắt Lâm như dán chặt vào thân thể tôi nỏn nà. Tôi thấy mình lâng lâng một cảm giác thật khó tả. Rồi hai đôi môi của chúng tôi chạm vào nhau, hôn nhau không biết chán. Vừa vuốt ve nhẹ nhàng thân thể tôi, Lâm vừa nói những lời nghe thật dễ chịu. Tôi đã không cưỡng lại và thấy rằng mình yêu Lâm thật sự. Đôi môi Lâm lướt nhẹ khắp người tôi, vừa hôn, vừa như nuốt chửng lấy. Cơ thể tôi mềm nhũn ra. Còn Lâm như bốc lửa…Đó là lần đầu tiên chúng tôi làm tình với nhau…
Và những lần tiếp theo cho đến khi thành vợ thành chồng, mỗi lần ân ái, Lâm không ngần ngại đùa nghịch, mơn man, vuốt ve khắp người tôi, gợi thật nhiều cảm hứng trong tôi trước khi hai thân thể chúng tôi hòa làm một. Phải nói rằng, Lâm đã làm cho tôi thật sự thích thú. Người tôi cứ run lên vì khoái cảm tình dục. Với Lâm tôi cảm thấy thoải mái và cũng không bao giờ nhàm chán.
Sau này, khi tôi và Lâm đã xa nhau, đôi lúc tôi vẫn tự hỏi, sự hòa hợp về thể xác giữa tôi và Lâm có phải là lý do đã làm cho tôi không giữ được tình cảm với Nam? Tôi chẳng còn biết nữa! Tôi thấy giữa tôi và Nam có sự đồng cảm gần như tuyệt đối. Có lúc tôi đã nghĩ, không biết phải ông trời cho tôi và Nam phước lành được gặp nhau, yêu nhau và lấy nhau để rồi cũng sớm làm cho chúng tôi phải chia lìa nhau. Với Nam, cho đến giờ, tôi không có điều gì ân hận khi lấy anh làm chồng cả. Anh là con người gần như tuyệt vời đối với tôi. Nhưng nếu nói thật lòng, thì với Nam, tôi chưa bao giờ có được khoái cảm tình dục đến tột đỉnh như mỗi lần tôi có được cùng Lâm. Nam là con người mực thước, khuôn phép trong cuộc sống và kể cả trong những lúc vợ chồng gần gũi, ái ân. Những cuộc chung đụng đều đặn, chừng mực, từ tốn và tẻ nhạt. Với Lâm, một thế giới mới về cách thể hiện tình cảm, tình dục giữa hai người khác giới yêu nhau đã mở ra trước mắt tôi. Một thế giới đầy lãng mạn, đam mê và quyến rũ. Nếu như tình cảm, tình dục của Nam được thể hiện một cách mềm mỏng, chừng mực thì của Lâm lại thật mạnh mẻ, dữ dội và có phần hoang dã.
Tôi còn nhớ, một lần khi tôi còn dạy ở trường đại học, sau buổi chấm thi vấn đáp, sinh viên đã về hết, trong phòng chỉ còn lại tôi và Loan. Thấy tôi chưa muốn về, Loan nán ngồi lại. Chúng tôi cùng tâm sự về chuyện người, chuyện đời...Đang nói chuyện cùng Loan mà tôi lại đăm đắm vào mông lung, tôi dường như không nghe Loan nói gì nữa. Bỗng Loan đập nhẹ vào vai tôi:
- Này! Lại mơ mộng gì nữa đấy? Hay là có chuyện gì không ổn?
- Loan ơi, mình nghiệm thấy trên đời này chẳng có gì là trọn vẹn cả. Trước đây, anh Nam rất yêu thương mình, nhường mình hết thảy thì mình thấy anh nhu nhược quá. Lúc gặp Lâm, thấy tính tình Lâm rất mạnh mẽ, đàn ông, mình cứ nghĩ rằng mình sẽ hạnh phúc hơn. Nào hay, Lâm lại là người đàn ông vũ phu và ghen tuông mù quán. Giá như mình gặp được người đàn ông đồng thời có tính cách bù trừ của hai ông chồng mình đã gặp. - Tôi nói với Loan, mắt ngấn lệ.
- Trên đời này làm gì có người đàn ông trọn vẹn như vậy. Có lẽ chúng mình phải tự điều chỉnh mình mà thôi bởi vì mình cũng đâu có hoàn hảo! - Loan trả lời tôi thế.
Từ khuôn mặt bừng bừng hưng phấn, đam mê của Lâm, tôi bổng thấy gân ở hai bên thái dương Lâm giật mạnh. Nét mặt Lâm bổng trở nên dữ dằn khi Lâm thấy tôi vừa đi dạy về đang đứng trước cửa nói chuyện với một người đồng nghiệp nam mà Lâm biết rằng người đó cũng đã từng rất yêu tôi. Lâm gọi tôi vào nhà ngay và rồi chẳng nói chẳng rằng, anh giơ bàn tay phải lên, và lần này, tôi đã tránh được và ngã xuống sàn nhà…
°
Tôi choàng tỉnh dậy. Ôi! Chẳng có ai bên tôi cả, tôi vẫn một mình trên chiếc ghế trong công viên. Tôi thấy xung quanh mình thật vắng lặng, bóng tối đã trùm xuống khu vườn xinh đẹp. Tôi vội vã choàng khăn lên mình và xách túi bước vội ra phía cổng. Giờ này, chắc bé Ngọc đi chơi nhà bạn đã về. Cháu đã biết tự giữ chìa khóa nhà nên tôi không còn phải bận tâm về việc đi, về của cháu. Còn Khánh, chắc anh lại đi và chẳng biết đến mấy giờ mới về. Tôi không còn muốn nghĩ tới điều đó nữa.
Tôi đang đi, bỗng từ đâu vọng lên bên tai tôi bài hát Quê hương - nhạc: Giáp Văn Thạch, lời thơ: Đỗ Trung Quân, Một giọng hát Tiếng Việt nghe mới tha thiết làm sao.
"Quê hương là chùm khế ngọt,
cho con trèo hái mỗi ngày,
quê hương là đường đi học,
con về rợp bướm vàng bay,
quê hương là con diều biếc,
tuổi thơ con thả trên đồng,
quê hương là con đò nhỏ,
êm đềm khua nước ven sông,
quê hương là cầu tre nhỏ,
mẹ về nón lá nghiêng che,
quê hương là đêm trăng tỏ,
hoa cau rụng trắng ngoài thềm.
Quê hương mỗi người chỉ một,
như là chỉ một mẹ thôi.
Quê hương nếu ai không nhớ,
sẽ không lớn nổi thành người…"
Tự nhiên, lòng tôi đau đáu nhớ Đồ Sơn, nhớ Hải Phòng. Quê hương tôi và những kỷ niệm vô cùng thân thương luôn hiện về trong tôi với những tình cảm ngày càng sau đậm. Những năm gần đây, cũng như những nơi khác, Đồ Sơn nói riêng và Hải Phòng nói chung đã và đang phát triển không ngừng. Mặc dầu là thành phố cảng, thành phố công nghiệp, Hải Phòng vẫn không mất đi vẻ duyên dáng vốn có của mình. Nằm ở vị trí đẹp, được thiên nhiên ưu đãi, Hải Phòng nổi tiếng với khu du lịch Đồ Sơn với những bãi biển, với những đồi thông, núi Voi, đảo Cát Bà với những bãi biển cát trắng, rừng quốc gia… Ai đã một lần đến Hải Phòng, đều không quên chùa Dư Hàng, đình Hàng Kênh, đền thờ nữ tướng Lê Chân, làng hoa Đằng Hải. Tôi làm sao quên được những đồi thông Đồ Sơn rì rào theo gió, trên các ngọn đồi là những biệt thự được xây theo kiến trúc của Pháp trước đây hay kiến trúc hiện nay.
Tôi làm sao quên những ngày cùng bạn chơi bóng chuyền, chơi ném dĩa, đuổi bắt nhau trên những bải cát mịn…
Vừa đi, tôi vừa đắm chìm trong bao nỗi nghĩ suy. Lòng lại nao nao thật khó tả! Đúng, hạnh phúc là điều gì đó thật khó tìm kiếm!
Paris, mùa xuân 2006

Xem Tiếp: ----