Chương 4

Thịnh giở tờ lịch cho rơi xuống đất! Hai tháng nay Thịnh tránh mặt Nghiêm. Trong nhà hầu như đã coi Nghiêm là bạn của chị Thanh mà quên đi Nghiêm đầu tiên là bạn Thịnh… Lần nào Nghiêm đến cũng chị Thanh tiếp chuyện. Mãi rồi ở nhà quen, Nghiêm đến là gọi chị Thanh… Kể cũng lạ, chị Thanh có nhiều bạn trai, thế mà không hiểu sao chị lại thích nói chuyện với Nghiêm! Thịnh không hiểu tương giao giữa hai người đã đi đến đâu… Thịnh chưa thấy Nghiêm mời chị Thanh đi chơi một lần nào… chỉ là những lần Nghiêm đến nhà thăm, thế thôi. Riêng chị Thanh, Thịnh thấy chị hơi thay đổi. Chị ít đi chơi, chị sợ… Nghiêm đến nhà mà không gặp chị.
Một lần, chị Thanh nói với Thịnh:
- Anh Nghiêm lạ ghê. Quen nhau lâu rồi mà tao thấy không thấy ảnh mời tao đi chơi lần nào.
Rồi chị cười khanh khách nhưng Thịnh nghe trong âm thanh tiếng cười có cả nỗi buồn… Có lẽ tự ái chị cũng bị tổn thương nặng nề! Tự ái của một người con gái đẹp bao giờ cũng mãnh liệt…
Vậy mà, riêng Thịnh, thỉnh thoảng Thịnh vẫn bắt gặp mình mơ mộng về Nghiêm, dù Thịnh đã gò mình vào một khuôn khổ khác… phải quên Nghiêm với bất cứ giá nào. Nhiều lúc Nghiêm đến, Thịnh nằm trên phòng, Thịnh muốn xuống nhà, nhìn Nghiêm một lần, Nghiêm với nụ cười trìu mến, đôi mắt sáng… Nghiêm và Thịnh đã quen buổi sáng tình cờ… nhưng Thịnh không dám xuống. Thịnh sợ…
Thịnh vẫn ước mong mình được đi xa một chuyến, đi xa để quên! Nếu hè này được ba má cho phép, Thịnh sẽ xin về cô Hồng ở Cần Thơ chơi…
Chị Thanh thỉnh thoảng nói với Thịnh, anh chàng Nghiêm có vẻ vô gia cư nghề nghiệp, nghèo nàn quá. Thịnh biết, tính chị Thanh ưa xa hoa dù gia đình dư dật cho chị ăn tiêu. Chị Thanh chọn người yêu trên ba tiêu chuẩn. Con nhà giàu, học giỏi, đẹp trai. Nghiêm hội đủ hai điều kiện sau nhưng thiếu điều kiện đầu thì cũng… hơi lo. Thịnh cũng nghĩ vậy rồi cười thầm. Mình khéo vẩn vơ dùm người…
Chị Thanh vừa đi phố với hai ba người bạn trở về. Chị hỏi Thịnh:
- Ở nhà anh Nghiêm có đến không?
Thịnh lắc đầu:
- Hình như không.
Chị Thanh cau có:
- Sao lại hình như? Có hay không mày ở nhà mày phải biết chứ.
- Em ở trên lầu không biết.
Chị Thanh làu bàu:
- Hồi nãy tao đi phố với hai đứa bạn, gặp ai giống anh Nghiêm… tao tính kêu ảnh mà rồi đi luôn, sợ ảnh gặp.
Thịnh nhỏm dậy:
- Sao chị lại sợ anh Nghiêm gặp?
Chị Thanh không trả lời, mặt hơi buồn. Thịnh buông mình xuống lại. Hai chị em lặng thinh!

*

Vừa dắt xe ra cửa, Thịnh gặp Nghiêm. Hai bàn tay của Thịnh run lên, cô bé giữ chắc xe không muốn vững. Thịnh nhỏ giọng:
- Anh ạ!
Nghiêm nhìn Thịnh:
- Thịnh sắp đi đâu?
Thịnh lí nhí:
- Thịnh lại nhà bạn. Mời anh vào nhà chơi, có chị Thanh ở nhà đó.
Nghiêm trầm hẳn nét mặt:
- Tôi vẫn đến mà không gặp Thịnh. Sao lại nói với tôi rằng có chị Thanh ở nhà?
- Vì… Thịnh nghĩ… anh muốn nói chuyện với chị.
Nghiêm chùng giọng:
- Thôi, tôi về!
Thịnh hơi hốt hoảng dường như mình đánh mất một cái gì.
- Anh về sao?
- Thịnh đi, anh về đây.
Lần đầu tiên Nghiêm xưng anh với Thịnh, thật tự nhiên. Thịnh đỏ bừng má. Cô bé bỗng nhiên thấy bầu trời xanh quá vá đẹp quá. Thịnh nhìn Nghiêm rồi cúi nhanh mặt. Nghiêm bỗng nói:
- Để anh đưa Thịnh đi đến nhà cô bạn…
Nghiêm hơi ngập ngừng rồi tiếp:
- Như buổi đầu tiên tình cờ quen Thịnh, anh đưa Thịnh về nhà vậy.

*

Bữa cơm tối dọn ra đã lâu, ông Diệp vẫn chưa về. Anh Thái lên tiếng:
- Chắc hôm nay ba bận việc gì đó, má.
Anh nói để trấn an bà mẹ, không hiểu sao lần này ông Diệp về trể mà bà nóng ruột lạ lùng. Chuông điện thoại bỗng reo vang. Anh Thái nhấc máy. Khuôn mặt anh biến đổi dần theo cuộc điện đàm. Anh Thái buông máy, quay lại nhìn tất cả mọi người. Giọng anh rõ từng tiếng một:
- Ba bị tai nạn rồi!
Không khí lặng lẽ đến nỗi một con ruồi bay qua cũng rõ. Rồi tiếng khóc bà Diệp đột ngột cất lên. Thịnh lặng người bên bàn ăn. Những khuôn mặt bất động tưởng chừng không có hồn sống. Anh Thái:
- Má cứ bình tĩnh. Bây giờ đến bệnh viện. Nghe họ báo tin bệnh tình ba không đến nỗi trầm trọng đâu má.
Nhìn nét mặt anh Thái, Thịnh biết anh đang trấn an má… thật ra, có lẽ ba đã gặp phải một chuyện gì…
Anh Thái quay nhìn cả bọn:
- Anh đưa má lại đằng bệnh viện đây. Mấy đứa ở nhà cứ an tâm, không sao đâu. Nhớ canh điện thoại anh gọi về ngay.
Anh Thái và má đi rồi, năm chị em không ai nói với ai một tiếng nào. Nỗi lo sợ quá lớn chận đứng mọi ý nghĩ. Ba, cột trụ gia đình, ba là tất cả, bữa cơm, manh áo, nhà ở, xe đi. Nếu ba có mệnh hệ nào đồng thời với tất cả những thứ đó ra đi…
Thịnh không nghĩ gì cả. Đầu óc cô bé lùng bùng. Thịnh thương ba nhất, dù trong nhà, ba đã quý chị Thanh hơn Thịnh, Thịnh là đứa con gái không được ai thương nhưng lại thương tất cả mọi người.
Mười một giờ đêm, anh Thái điện thoại về cho hay ba vừa qua cuộc giải phẫu, nhưng thường thường sau những tai nạn, hậu quả, mình không lường được. Thiện thấy lo lắng.
Chị Thanh trừng thằng bé:
- Mày câm đi. Người ta đang lo chết người đây, ở đó mà nói vô nói ra…
Thiện bỗng nhìn thẳng chị Thanh:
- Tại sao chị lo?
Trong nhà, Thiện vẫn là đứa chống chị Thanh nhất, nó cho rằng chị Thanh không có tinh thần trách nhiệm, chỉ biết a dua theo bạn bè, ham trình diễn. Chị Thanh thản nhiên:
- Tao lo vì tao thương ba.
- Vậy mà em nghĩ chị lo vì sợ ba mà có mệnh hề nào chị mất đi những tiện nghi đang có.
- Bốp!
Thiện chưa dứt câu, chị Thanh chồm tới tát vào mặt thằng bé. Thiện không phản ứng. Nó đừa tay xoa nhè nhẹ gò má rồi bỏ lên lầu.

*

Căn nhà đã được bán, gia đình Thịnh dọn về một căn nhà khác trong một ngõ lao động. Sau tai nạn, mắt ba không còn nhìn được như xưa nữa. Vấn đề được đặt ra bây giờ là làm sao kiếm tiền sống! Lâu nay, cả nhà chỉ trông cậy vào đồng lương của ba. Bất ngờ ba quỵ xuống, mọi người chới với. Trước tiên, bà Diệp tìm một căn nhà nhỏ hợp với túi tiền, còn một ít làm vốn, bà ra chợ sang lại một sạp bán những thứ đồ lặt vặt. Bà Diệp lâu nay chưa biết đến buôn gánh bán bưng, bây giờ làm quen với công việc, bà khổ sở thấy rõ. Thịnh hiểu mẹ nên chính cô bé là người phụ giúp bà Diệp đắc lực nhất trong việc buôn bán. Anh Thái kiếm thêm chỗ dạy kèm để vừa đi làm vừa đi học. Riêng Thịnh, Thịnh bắt đầu nghĩ đến việc làm một cái gì để kiếm tiền phụ giúp thêm cho mẹ. Một buổi tối, khi hai chị em vào giường nằm, Thịnh đã bàn với chị Thanh:
- Chị Thanh, em thấy má buôn bán túng hụt quá, em nghĩ mình có thể kiếm việc làm.
Chị Thanh chán nản:
- Làm! Mày nghĩ mình làm cái bây giờ bây giờ? Bằng cấp chưa có, khả năng chuyên môn cũng không. Ai mà mướn.
Thịnh rụt rè:
- Mình có thể bán hàng.
Chị Thanh quay nhìn Thịnh như nhìn một quái vật:
- Cái gì? Như tao mà đi bán hàng? Xin lỗi à! Năm nay là năm thi của tao, tao phải lo học.
Thịnh im lặng không bàn tiếp nhưng những ngày sau đó, Thịnh âm thầm tìm được một nơi có thể kiếm tiền. Chị Thanh viện cớ năm nay chị thi, còn Thịnh, Thịnh mới học lớp mười một, chưa phải năm thi, Thịnh còn dư thời giờ.
Một lần, đọc thấy một mẫu bảng quảng cáo cần người, Thịnh tìm đến nhưng cô bé thất vọng khi biết tiêu chuẩn thu nhận nhân viên ở đó phải duyên dáng để đi giao dịch. Cuối cùng, Thịnh cũng xin được việc làm. Công việc của Thịnh mỗi chiều là kết toán một lô những sổ sách các chi nhánh gởi về… Cuộc đời tạm yên bên những chật vật do đời sống mang lại…
Mọi người trong nhà bỗng thay đổi hẳn tính tình. Những tiện nghi vật chất không có, ai cũng phải tự lo lấy công việc của mình. Anh Thái trầm lặng, mấy đứa nhỏ hết nhí nhố. Chị Thanh thu mình lại vào những mộng mơ của chị… chỉ có ông Diệp, như một chiếc bóng. Bóng tối trên đôi mắt, bóng tối trong đời sống hầu như đã giết chết ngôn ngữ của ông. Suốt ngày, ông ngồi một nơi,im lặng và mọi người cũng tránh không dám đụng chạm đến ông. Căn nhà nhỏ với những người đang bước vào cuộc sống mới lặng lẽ quá… chỉ có những tờ lịch rơi mỗi ngày lá đánh dấu thời gian trôi…

*

Thịnh dắt xe đạp vào nhà. Chiều nay sổ sách nhiều quá, Thịnh phải làm thêm cả tiếng đồng hồ mới xong. Ngày hôm qua đi về lại mắc mưa. Hôm nay Thịnh uểu oải trong người lạ lùng. Vừa dựng xe đạp xong định vào trong buồng thay áo, Thịnh thấy Thuận bước vào, giọng thằng bé đầy sôi nổi:
- Chị Thịnh, em mới găp một người quen của nhà mình. Đố chị đoán là ai.
Thịnh lắc đầu:
- Thuận gặp thì làm sao chị đoán được.
- Anh Nghiêm đó, chị Thịnh.
Thịnh tưởng mình nghe lầm, nhưng chị Thanh đã hỏi ngay:
- Anh Nghiêm hả? Rồi… mày có chỉ nhà không? Anh có hỏi thăm tao không?
Thuận lườm chị:
- Chị hỏi như vậy ai mà nói cho kịp. Có, em có chỉ nhà, ảnh nói sẽ tới chơi… ảnh chở em bao bò viên nè.
Chị Thanh nạt em:
- Mày làm như chết đói trăm năm mới được cho ăn… mà ảnh có hỏi thăm tao không?
Thuận lắc đầu:
- Không. Ảnh hỏi thăm chị Thịnh.
Chị Thanh cười khanh khách:
- Thằng này giễu hay quá ta. Mà… mày chỉ nhà, lỡ anh lại, ảnh thấy nhà mình bây giờ nghèo quá, ảnh khinh tao sao.
- Bộ ai nghèo cũng đáng khinh sao?
Tiếng nói sắc sảo và cao của ba đột ngột cất lên làm ba chị em cùng giật mình quay phắt lại. Ông Diệp đã lần mò ra tự lúc nào, đứng sau lưng các con. Chị Thanh bối rối thấy rõ. Ông Diệp gằn từng tiếng:
- Con học đâu cái thứ ngôn ngữ kỳ cục đó. Người nghèo, có phải là cái tội của họ không? Gia đình mình bây giờ tuy nghèo, đó là tại ba bất lực không còn làm ra nhiều tiền để nuôi các con cho đầy đủ, nhưng má các con vẫn tảo tần buôn bán nuôi các con ăn học, các con chưa phải làm điều gì bất lương, chưa đi ăn cắp, ăn trộm để kiếm sống, đời sống trong sạch và lương thiện như thế, các con không tự hào được hay sao mà lại sợ khinh! Ba không ngờ bao nhiêu học hành của Thanh thu trong mớ kiến thức hẹp hòi như vậy.
Thịnh đứng nhìn cha trân trân. Đau nhói vì câu giễu cợt của chị Thanh, Thịnh càng muốn khóc hơn khi nghe những lời ba nói…
Chị Thanh lặng lẽ rút lui, Thuận cũng thế, chỉ còn Thịnh, tiếng ông Diệp:
- Còn đứa nào đứng lại đó.
Thịnh đáp:
- Thưa ba, con.
- Thịnh phải không?
- Dạ.
Giọng ông Diệp hơi run. Dạo sau này, ông càng cảm thương đứa con bất hạnh của mình. Ông biết Thịnh đi làm thêm phụ giúp gia đình ngoài giờ học, ông biết Thịnh cáng đáng công việc trong nhà trong cửa cho bà Diệp đỡ gánh lo… đứa con mà trước kia ông ít lưu tâm tới, ngày nay là đứa con chí hiếu chí tình… Ông Diệp muốn nhìn thủng qua màn bóng tối che võng mô để thấy khuôn mặt con… nhưng ông bất lực. Giọng ông như nghẹn lại:
- Con muốn đau rồi đó. Ba nghe giọng con nghẹt.
Thịnh cắn môi dìu cha:
- Ba vào giường nghỉ đi ba. Con không đau, tại con khóc lúc nãy đó.
Ông Diệp đi theo con. Bước chân ông vấp. Thịnh muốn quỳ xuống, khóc bên cạnh nỗi bạc phước của ba.
Buổi tối lo hết công việc xong, Thịnh vào giường nằm. Cơn mệt mỏi kéo đến thật nhanh. Thịnh nhắm mắt cố tìm giấc ngủ nhưng cô bé chợt thấy, trong mơ màng, hình ảnh Nghiêm hiện ra, nụ cười trìu mến, đôi mắt sáng, vóc dáng dễ thương.
Hiền ân cần hỏi bạn:
- Sao trông mày bơ phờ vậy?
Thịnh thở ra:
- Tối hôm qua tao làm việc nhiều. Thôi mày cho tao mượn tập về chép bài lại đi. Bây giờ tao chép không nổi đâu.
Hiền sốt sắng:
- Thôi, mày lên phòng y tế xin nằm đi. Để tập tao chép cho.
Thịnh lắc đầu:
- Khỏi cần. Tao ngồi im một tí cũng đỡ.
Hiền cắm cúi chép bài. Thịnh nhìn bạn. Hiền thương Thịnh nhất cho nên bất cứ điều gì Thịnh cũng tâm sự với Hiền, trừ tình cảm của Thịnh đối với Nghiêm. Việc gia đình Thịnh gặp biến, Thịnh đi làm thêm giúp gia đình, Hiền đều biết, và chính Hiền đã giúp cho Thịnh bằng cách xin với người bà con cho Thịnh vào làm. Vào lớp, Hiền luôn luôn săn sóc Thịnh, Hiền bắt Thịnh phải kiếm một khoảng thời gian ngơi nghỉ để không hại đến sức khỏe… Sự lo lắng của Hiền đôi khi cũng làm Thịnh áy náy. Thịnh không dám nghĩ xấu cho bạn nhưng Thịnh biết, bằng linh tính con gái, Hiền có nhiều tình cảm với anh Thái. Anh Thái thì lúc nào cũng lạnh lùng nghiêm nghiêm, mỗi lần Hiền đến nhà, anh chỉ kêu Thịnh rồi lảng đi. Có lẽ anh cho Hiền còn bé? Đâu có, Thịnh nghĩ Hiền đã lớn, đã có quyền mơ tưởng vì chính Thịnh cũng thế. Đôi lúc Thịnh nghĩ mình sẽ tìm cách giúp Hiền… dù có được hay không?
- Đưa tập mày tao chép cho, Thịnh.
Câu nói của Hiền lôi Thịnh về thực tại. Thịnh nói:
- Mày chép của mày cho xong đã.
- Xong rồi nè.
Thịnh đưa cuốn tập cho bạn, Hiền hý hoáy chép, Thịnh lơ đãng nhìn ra sân, hàng cây cao xanh bóng lá… trời xanh và đẹp lạ lùng!
Buổi trưa tan trường, vừa về đến nhà, Thịnh chợt giật mình sựng lại. Chiếc Honda dựng ngay trước cửa. Chiếc xe của Nghiêm mà. Hai chị em vào nhà, Nghiêm đang ngồi nói chuyện với anh Thái. Thấy anh, chị Thanh reo lên,
- Anh Nghiêm! Lâu quá không gặp anh.
Nghiêm cười nhẹ:
- Tại không biết gia đình dọn đi đâu.
Chị Thanh quay sang Thịnh:
- Mang cặp tao vào nhà dùm đi.
Chị ngồi cạnh anh Thái. Thịnh dợm bước nhưng Nghiêm lên tiếng:
- Thịnh dạo này trông ốm và xanh.
Thịnh gượng cười! Anh ngồi đó, Thịnh muốn nói một câu gì với anh mà không tìm ra ngôn ngữ. Cô bé lủi thủi ôm hai chiếc cặp vào nhà sau. Thiện đang nấu cơm, nó có vẻ vui, bảo Thịnh:
- Anh Nghiêm hứa tuần này dẫn bọn em đi chơi.
Thịnh không đáp, Thiện tiếp:
- Cả chị nữa, đi không?
Thịnh lắc đầu:
- Tụi bay đi chơi, tao đâu có rảnh.
Giọng cười nói trong trẻo của chị Thanh lại vang lên.
Anh Thái đi xuống:
- Thịnh, sao lại không lên nói chuyện với Nghiêm?
Thịnh cúi đầu:
- Em bận.
Anh Thái nhìn đứa em gái, anh thấy thương Thịnh. Anh hiểu Thịnh và anh bắt đầu cảm phục đứa em nhỏ bé của mình: Thịnh can đảm và có ý chí. Anh buông thõng:
- Tùy em. Nhưng anh thấy Nghiêm tốt.