Dịch Giả NGUƠN HAR CAO THỊ LAN
- 3 -
SỰ LẬP HẠNH (trau dồi đức hạnh)

Không cần phải nói dài về cái khía cạnh lập hạnh của sự tham thiền vì phần này đã được bao gồm trong những điều đã nói trên. Cái kết quả của sự tham thiền về một tính tốt là sẽ khiến cho con người lần lần có được tính tốt ấy, khiến cho những thể xác, vía, trí của y có thể rung động để đáp ứng với tánh tốt đó và để khiến cho thể ấy có được cái thói quen đáp ứng như thế, vì khi một tư tưởng được nhắc đi nhắc lại hoài thì lần sau nó sẽ được hiện ra một cách dễ dàng hơn.
Một pho Thánh Kinh Ấn Ðộ đã nói rất đúng rằng: “ Con người nghĩ đến cái gì thì y sẽ trở nên cái đó. Vì vậy, nhà ngươi hãy nghĩ đến Thượng Ðế Trường Tồn Vĩnh Cửu”. Muốn được như vậy phải đặc biệt sử dụng cái khả năng của khối óc để tạo ra những hình ảnh; thêm vào đó cần phải kiên nhẫn và thành thực cố gắng thực hành cái đức tính đã được lựa chọn. Nếu học viên thiếu can đảm, y phải tự tưởng tượng đặt mình vào một trường hợp cần phải can đảm và kết thúc câu chuyện tưởng tượng làm sao cho thật hùng dũng. Rồi khi nào đời sống hằng ngày đưa những cơ hội cần phải can đảm thì cái tư tưởng về sự can đảm liền hiện ra ngay trong trí y một cách tự nhiên; y chỉ cần hơi cố gắng can đảm, như thế cũng đủ bù đắp sự khiếm khuyết thuở ban đầu.
Ta nên lần lượt lấy hết đức tính này đến đức tính khác để làm đề tài tham thiền và tự rèn luyện bằng cách tập rèn luyện lý trí cùng cái quyền năng của trí tưởng tượng để có thể tùy ý mình mà cảm nhận được những đức tính đó. Có một lời chỉ dẫn hữu ích đối với người học viên muốn trừ bỏ các tính xấu của mình. Cái thói quen muốn nghĩ hoài về những tật xấu của mình thì không khiến cho tinh thần lành mạnh chút nào cả; trái lại thói quen này thường làm ta thối chí, tạo nên một trạng thái u uất giống như một bức tường giam hãm và ngăn cấm những ảnh hưởng thiêng liêng.
Trong phương pháp thực hành, ta càng quên phứt những tật xấu đi thì càng hay và hãy tập trung lòng ước nguyện và sự cố gắng của mình trọn vẹn vào công việc lập hạnh để có những tính tốt đối lập với các tật xấu đó. Có một vị vừa viết văn vừa đi giảng đạo nổi tiếng, đã mạnh bạo nói lên sự thực này: Quý bạn hãy nhớ rằng người ta không thể nào cùng một lúc mà nhìn thấy cả hai mặt của một đồng tiền. Khi nào quý bạn cảm thấy thối chí vì phải chiến đấu với Phàm ngã thấp hèn và hoàn toàn nhàm chán chính bản thân mình, tự mình lại ghét mình như một  con người đáng trách, thì quý bạn hãy nên tự bắt buộc mình nhìn cái khía cạnh bên kia tức là khía cạnh tốt đẹp của mình và suy nghĩ nhiệt liệt theo cái đường lối đẹp đó; ấy là một đường lối luyện tập cao quý nhất cho trí bạn. Bạn hãy nói: “ Ta thuộc về Thượng Ðế. Chơn Ngã thiệt thọ của ta là cái Tinh thần Thiêng Liêng của Ngài”... tác phẩm “Ánh Sáng trên những vấn đề khó giải quyết của đời sống” tác giả là Ðức Phó Giáo Chủ  “Wilberforce”.
Muốn thành công trong đời sống tinh thần thì chẳng nên chiến đấu quyết liệt với Phàm ngã thấp hèn, mà chỉ nên tiến nhiều trong sự hiểu biết và sự thưởng thức những điều cao cả. Vì một khi người ta đã biết khá đủ về niềm hạnh phúc và nỗi vui mừng của đời sống cao cả thì những dục vọng thấp hèn liền phai mờ đi và không còn quyến rủ được ta nữa. Một vị Ðại Giáo Chủ đã nói rằng: sau khi phạm lỗi, cái phương pháp hối hận tốt lành nhất là can đảm nhìn thẳng vào tương lai, không hề bị tuyệt vọng, nhưng quả quyết không bao giờ tái phạm vào lỗi đó nữa.
III
NHỮNG PHƯƠNG PHÁP VẬT CHẤT
ÐỂ LÀM CHO SỰ THAM THIỀN ÐƯỢC DỄ DÀNG 
Tuy rằng phần quan trọng nhất của sự tham thiền là hướng dẫn ý chí, tư tưởng và tình cảm, nhưng dĩ nhiên người ta không thể bỏ qua xác thân được, vì thế nên những lời chỉ dẫn liên quan đến cõi hồng trần thì không phải là thừa. Quả thực đó là một việc mà người học viên phải nghĩ đến, sau khi học xong phần lý thuyết và bắt đầu học thực hành tham thiền.
CÁCH NGỒI
Vì một vài tư tưởng và một vài mối xúc động thường tự  diễn tả bằng những cử động và điệu bộ đặc biệt của xác thân, nên do một phương pháp trái ngược lại, một vài cách ngồi của xác thân cũng có thể nảy sinh những trạng thái tâm lý thuộc về lý trí hay cảm tình và có thể giúp cho học viên ở mãi trong trạng thái đó.  Trong trường hợp này, cần phải làm cho xác thân rung động cùng một nhịp điệu với các thể cao (vía, trí...), phải điều hòa xác thân với các thể đó và với những ảnh hưởng của những sức mạnh thiên nhiên tự bên ngoài vào.
Khi bắt đầu tham thiền học viên có thể lựa chọn một trong hai cách ngồi mà những người thành thạo về tham thiền thường cho là tốt lành: có thể ngồi trong một chiếc ghế bành (fauteuil) thong thả, thân mình giữ cho thật thẳng; chỗ để dựa lưng không nên quá nghiêng về phía sau; hai bàn tay nắm lấy nhau và đặt trên đầu gối; hoặc những bàn tay rời nhau ra và mỗi bàn tay đặt nhẹ lên đầu gối: hai bàn chân để duỗi ra song song, hay là bàn chân phải vắt chéo lên bàn chân trái.
Cách ngồi phải cho thong thả, dễ dàng, đầu phải thật thẳng nhưng đừng cứng ngắc mà cũng đừng cúi xuống ngực, nhắm mắt và ngậm miệng lại, và theo như lời khuyên của một văn sĩ Ấn Ðộ nổi tiếng về những tác phẩm viết về pháp môn Du Già, nên giữ cho xương sống thật thẳng vì rất nhiều thần lực chảy xuyên qua xương sống.
Hoặc có thể ngồi trên bộ ván, trên đi văng (divan) hay ngồi dưới đất chân xếp bằng theo lối phương Ðông. Những người thành thạo trong việc tham thiền khuyên nên giữ cho chân tay dính với nhau (nghĩa là bàn tay phải nắm lấy bàn chân trái, còn bàn tay trái nắm lấy bàn chân phải) để tránh sự hao hụt về thần lực nó thường theo lẽ tự nhiên mà tuôn ra ở các đầu ngón chân, ngón tay vân vân. Cách ngồi theo lối phương Ðông, chân vắt chéo (ngồi kiết già) còn điều lợi này nữa: theo lời người ta nói thì thần lực được tuôn ra sẽ tỏa xung quanh xác thân như một cái bao, bọc ngoài và che chở. Nhưng cái kiểu ngồi này thực là bất tiện đối với phần đông người Tây phương tuy rằng ở Ðông phương đó là cách ngồi tự nhiên, Ðông phương là nguồn cội của mọi giáo lý Du Già thời nay, nữ văn sĩ Alice C. AMES trong cuốn sách  “Tham thiền” (Méditation) của bà đã nói một cách duyên dáng rằng: “ Những nỗi khó khăn buổi đầu tiên thì rất nhiều, nhưng chúng còn tăng thêm gấp bội vì người ta cứ tưởng là cần phải ngồi theo lối Ðông phương đủ các kiểu kỳ quái để làm khổ xác thân; nhưng thực ra xác thân phải được ở trong một tình trạng nghỉ ngơi hoàn toàn để ta có thể quên được nó đi”.
Ngoại trừ trong những trường hợp hết sức hiếm hoi, ta chẳng nên nằm mà tham thiền vì như vậy, ta thường hay ngủ. Hơn nữa, nằm như thế thì óc không có thể đáp ứng một cách điều hòa với những làn sóng rung động cao cả của những thể vô hình (vía, trí v.v...) nếu máu chảy chậm lại; vì thế người ta thường khuyên rằng trước khi tham thiền buổi sáng, ta nên tắm nước lạnh hay đi chơi bách bộ bước mau.
SỰ THỞ VÀ NHỮNG CHI TIẾT KHÁC
Những cách ngồi mà người ta vừa khuyên ở trên, không những khiến ta thở được bằng bụng một cách sâu xa, mà còn khêu động cho lối thở này được phát sinh, giống như lối thở của những ca sĩ biết luyện tập đúng phép. Ông George FOX, một tín đồ Thiên Chúa Tân Giáo  (Quaker)  cùng với một số người  theo Vô vi chủ nghĩa (Quiétistes)  nói họ đã biết cách “thở ở bên trong”. Chính cái lối tham thiền thực hành của ông FOX đã chứng minh rằng khi xác thân nhờ sự tham thiền mà điều hòa được thì ta sẽ thở một cách sâu xa hơn, đều đặn hơn, nhịp nhàng hơn cho đến khi hơi thở lần lần trở nên thong thả và yên ổn để rồi không còn được chú ý đến nữa. Một khi ta đã ghi chú được cái hậu quả này rồi, thì ở trong phương pháp Du Già Luyện xác (Hatha Yoga) sự việc lại diễn ra một cách trái ngược lại và người ta tìm cách điều hòa những sự hoạt động của cái trí, bằng cách thở theo một phương pháp đã được ấn định sẵn. Nhưng học viên cần phải biết rằng có sự nguy hiểm nếu tập thở một cách mù quáng theo những đường lối quá độ được dạy trong những sách Huê Kỳ “Tư Tưởng Mới” và ở trong những sách báo Tây Phương viết về Pháp Môn Du Già.
Trước hết, trong sự phát triển tâm linh, luyện tập ngược chiều “từ dưới lên trên” thì thực là nguy hiểm, khi ta mang xác thân mình ra mà thí nghiệm, thay vì chú ý đến giáo lý thâm sâu này trong cuốn Tiếng nói Vô thinh : “ Cái trí là kẻ phá hoại sự thực. Người đệ tử phải giết kẻ Phá Hoại ấy đi”. Người học viên nên học cách làm chủ tư tưởng của mình theo giáo lý của Pháp Môn Ðại Du Già (Raja Yoga) thì hơn, và hãy phó thác sự phát triển của xác thân mình và sự xây dựng các thể tâm linh của mình cho những buổi tập tham thiền, chúng sẽ mang lại những kết quả tự nhiên. Hơn thế nữa, có những điều một xác thân phương Ðông có thể luyện tập được, nhưng một xác thân phương Tây không thể luyện tập được. Vài ba cách tập thở thì rất nguy hiểm và có những hậu quả hết sức tai hại. Người ta có thể nói qua rằng không có gì là nguy hiểm nếu chỉ thở giản dị và sâu xa, nếu không có sự  cố gắng quá sức, không có sự căng thẳng quá đổi nơi trái tim và phổi, và nếu không cố gắng để tập trung tư tưởng vào những luân xa [7] trong thân thể. Người học viên có thể đốt chút nhang thơm và nhờ đó bầu không khí được trở nên thanh khiết hơn; theo quan điểm Huyền bí học, y cũng có thể trang trí nơi tham thiền bằng những màu sắc tươi sáng, những bức tranh đẹp, bông hoa hay những thứ khác với mục đích nâng cao tinh thần và tình cảm.
Y cũng nên tuân theo một vài qui luật về cách ăn uống, phải triệt để kiêng rượu và thịt, nếu sức khỏe của y không vì thế mà bị giảm sút. Ngưòi ta không thể vừa uống rượu, vừa tham thiền một cách nhiệt liệt mà không làm cho đầu óc sưng lên; vả lại vấn đề này đã được nói một cách chi tiết trong sách báo Thông Thiên Học: xin đọc cuốn  “Con người và những thể xác, vía, trí v.v” của y - (L’homme et ses corps) do bà Annie Besant viết.
NHỮNG GIỜ THAM THIỀN
Một điểm khác không nên coi thường là phải tham thiền vào những lúc nào trong một ngày. Tuy không phải là nhất định bắt buộc nhưng ta nên tham thiền cho thật đúng giờ, phần lớn của nỗi khó khăn đầu tiên khi ta tham thiền là các thể (xác, vía, trí v. v) của ta đã quen phản ứng một cách máy móc khi ta cố gắng làm cho chúng có những thói quen mới mẻ; các thể còn có khi được gọi các con tinh chất (élémentals) và sự phản ứng của chúng tuy mù quáng, vâng theo linh tính, nhưng cũng rất mạnh mẽ.
Theo người ta nói thì trong một ngày có ba lúc liên quan mật thiết với khoa biểu tượng học của Hội Tam điểm (Franc Maconnerie) và rất thuận lợi thu nhận thần lực: đó là lúc mặt trời mọc, lúc mặt trời đúng ngọ và lúc mặt trời lặn. Các nhà thần bí thời xưa thường lựa chọn những lúc đó; nhưng dĩ nhiên, ta có thể thay đổi  chút đỉnh cho thích hợp với lối sống  “văn minh”  bây giờ. Ngoài ba lúc đó ra nếu có thể thì ta cũng nên định trí mỗi giờ, khi thức chớ không ngủ, định trí mà cố gắng cảm nhận thấy rằng ta đang sống đây với tư cách một Con Người Thiêng Liêng. Cách luyện tập như thế sẽ dẫn ta đến một trạng thái mà khoa học thần bí Thiên Chúa Giáo gọi là “ sự tĩnh tâm bên trong” và mục tiêu của học viên là tập luyện cho trí mình có thói quen tự nhiên xoay về phía những tư tưởng thiêng liêng.
Không nên tham thiền sau khi ăn xong hay tham thiền về khuya: trong trường hợp thứ nhất, tư tưởng vận động và thu hút máu không thể làm việc để giúp sự tiêu hóa được nữa; ở trường hợp thứ hai, lúc đó các thể (xác, vía, trí v.v) đã mệt mỏi và cái phách dễ rớt ra ngoài; hơn nữa ảnh hưởng của mặt trăng rất mạnh lúc khuya, nên người ta thường hay gặp những điều không tốt lành.
SỰ CẦN THIẾT PHẢI CÓ MỘT THÁI ÐỘ TÍCH CỰC.
Hệ thống tham thiền được trình bày nơi đây với học viên nhằm phát triển con người về tinh thần, lý trí, hạnh kiểm cùng sự kiểm soát trí khôn và tình cảm. Nó không nhắm phát triển phép thần thông  “từ dưới đi lên”. Nhưng nó có thể tự nhiên khêu gợi được một trực giác về tâm linh ở nơi những người nào khá nhạy cảm. Sự phát triển  tâm linh này làm cho con người càng ngày càng nhạy cảm đối với hoàn cảnh xung quanh: đối với những người và những nơi chốn; con người nhớ được phần nào những kinh nghiệm của mình ở cõi Trung giới khi ngủ; Chơn nhơn trực tiếp điều khiển Phàm nhơn một cách dễ dàng hơn; con người có thể nhìn nhận được ảnh hưởng của các Chơn Sư  cùng những người đã tiến hóa về tinh thần v.v.. 
Người học viên đang tìm cách phát triển theo một phương pháp tích cực thì phải thận trọng xa lánh điều này: sự phát triển tính đồng bóng thụ động và tuân theo sự chỉ dẫn của một hồn ma dẫn dắt ta, đó là kết quả của lối tham thiền tiêu cực. Vì mặc dầu khoa Chiêu hồn học (spritisme) [8] có giá trị như thế nào, hai hệ thống này hoàn toàn khác biệt không đi đôi với nhau được. Thí dụ như  trong một số sách nói về pháp môn Du Già được sửa đổi để làm vừa lòng những người Tây phương, người học viên khi bắt đầu tham thiền nên ngước mắt lên càng cao càng hay và cứ giữ mắt ngước cao như thế mãi. Hậu quả của sự luyện tập này là bắt buộc con mắt phải cố gắng mệt mỏi và làm cho khối óc phải mệt đừ; điều này gây ra một trạng thái thụ động tự mình lại thôi miên mình (tự kỷ ám thị), kế tiếp ta có thể xuất thần phần nào và vài ba phép lạ hiện ra khi dùng một khối pha lê (cristal) thì ta cũng đạt được kết quả giống thế.
Học viên cảm thấy khá bối rối khi y biết trong một cuốn sách người ta khuyên nên mở tâm trí để đón nhận những ảnh hưởng thiêng liêng mà vẫn giữ được thái độ tích cực. Có sự khó khăn là vì người ta lầm lẫn hai giai đoạn khác biệt với nhau. Mới thoạt đầu thì cần phải có một sự cố gắng tích cực, rồi kế tiếp về sau mới là trạng thái thụ động. Sự cố gắng tích cực nhiệt liệt nâng cao lương tri lên cho nó hoạt động ở những mức độ cao của những thể vía, trí v. v... nói một cách khác và khi xem xét sự việc theo một quan điểm khác thì sự cố gắng nhiệt liệt này làm cho các thể vía, trí v. v... được điều hòa, chúng tiếp xúc với nhau cùng một nhịp điệu khiến cho ảnh hưởng cao siêu có thể tuôn chảy xuống được. Chỉ lúc đó người ta mới có thể ngừng không cố gắng vươn lên nữa và nghỉ ngơi trong niềm an lạc đã đạt được. Có thể nói rằng câu:“ mở tâm trí ra để đón nhận ảnh hưởng cao cả”  chỉ có nghĩa là giữ làm sao cho tâm trí cứ ở mãi trong trạng thái an lạc tích cực và nhiệt liệt ở một mức độ cao siêu và thiêng liêng. Một hôm tác giả cuốn này được nghe thấy Ðức Giám Mục Robert Hugh Benson dùng một hình ảnh rõ rệt để làm nổi bật lên một sự việc như thế: đó là hình ảnh một con chim hải âu đang thẳng cánh lượn trên trời cao cho thật thăng bằng trước cơn giông tố. Ai nhìn chim thì tưởng chim đang thụ động, không làm gì cả và đứng im; tuy nhiên người ta biết rằng chim phải cố gắng không ngừng rất nhiều mới dang cánh ra như vậy được.
Dĩ nhiên sự yên tịnh nhiệt liệt đó là một trạng thái đạt được sau nhiều năm bền chí cố gắng, khác hẳn cái thái độ của nhiều người cứ tưởng rằng họ có thể tiến lên đến những mức độ vô cùng cao siêu thiêng liêng bằng cách nằm dài trong một cái giường êm ấm hay trong bồn tắm đầy nước nóng. Những người đó coi sự tham thiền như là sự mệt mỏi của xác thân, tư tưởng hay lười biếng vẩn vơ xung quanh một đề tài dễ chịu và yên tĩnh. Ta không thể nào chiếm đoạt nước Thiên Ðàng theo lối ấy đâu.
Muốn tham thiền thực sự, thì phải cố gắng nhiệt liệt chớ không phải là chỉ nhận thấy một sự dễ chịu nửa thức nửa ngủ với xác thân được an nghỉ; vì thế nên những ai hài lòng khi đọc qua loa những giáo lý trong các sách  “tư tưởng mới” thì có thể cứ yên ổn tiếp tục lâu dài những lối luyện tập của họ như họ hằng ưa thích; nhưng ai là người muốn tập định trí một cách đứng đắn, thực sự, thì lúc mới bắt đầu không nên tham thiền lâu quá 5 hay 10 phút liên tiếp nếu không thì khối óc bị mỏi mệt. Rồi rất từ từ ta có thể nối dài sự tham thiền lên tới 15, 20 và 30 phút.