Bếp lửa

Bà đã hát “Tiếng hát làm dâu” bên bếp lửa.
Ánh lửa bập bùng hằn in bóng bà lên vách. Những đêm dài thăm thẳm, gió thổi mịt mùng, lời bà hát ngân dài trong đêm, tiếng than khóc nức nở của nàng dâu, nước mắt chảy đến đâu lời đau dài đến đó. Tôi ngồi nghe, tuổi còn nhỏ, mà không biết từ lúc nào nước mắt cũng trào ra. Chỉ vì nghèo, tại cái nghèo, con người chưa nhìn xa hơn cái bóng của mình. Lời hát, lời cô gái, lời thở than, lời nức nở trong tiếng nấc, tiếng chia ly khi buộc phải tiễn biệt người yêu, tiễn biệt với mối tình thiết thân từ những ngày còn ấu thơ để đi lấy chồng.
Bởi cha mẹ em tham con trâu mộng đuôi trắng
Bỏ em đi không nhìn lấy một lúc
Bởi cha mẹ em tham con trâu mộng đuôi đen
Bỏ em đi không ngắm lại một lần
Từ đây, cô gái đưa chân vào con đường đau khổ.
Tám chín cái thụp bụng  không thôi
Mười hai cái thụp ngực không hả
Kiếp làm dâu, cái kiếp:
Gái lớn lấy chồng bé
Chồng bé phụ lòng em tước lanh xe sợi
Và:
Phận làm dâu như con ngựa trong tàu
Hí vang, dậm móng nhìn vào cọc
Và:
Nước mắt em chảy tràn, ướt hết thành giường
Nghĩ không nổi, suy không tới,
trời vẫn chưa sáng
Đời con người, ta không được mảnh đất này, được mảnh đất kia, ta xấu số ở cõi trần này, tốt số trên trời kia,... Lúc đó:
Em yêu chết rồi
Em bước lên rừng đào tiên trên “dụ xí nhung”
Khạc nhổ xuống trần, con đường nước mắt
Em yêu chết rồi
ở trên “dụ xí nhung”,
bước trên con đường đất đen
Khạc nhổ xuống trần, con đường nóng bỏng
Nhưng không thể, em không thể chết, bởi:
Anh đi buôn nhiều chỗ bạc đầy túi
Anh mới về lấy em làm vợ
Những hy vọng đã cho em con đường sống,
cho em nghị lực để mơ ước,
để tin tưởng vào ngày mai tốt đẹp hơn.
Mẹ nói với cha trả tiền người ta,
chữa lại nhà cho người ta
Cho con trở về làm cô gái út mẹ yêu
Trả bạc người ta đủ cân,
cho con bỏ con đường lo
Trả vật người ta đầy chuồng,
cho con được rời sang đường khác
Hy vọng của cô gái vừa mới nhen lên đã tắt lịm.
Trời, con của mẹ
Xin con quay đi
nuôi súc vật cho người đầy chuồng
Mẹ mới có đường đến thăm
Con của mẹ
Gắng nuôi súc vật cho người đầy nhà
Mẹ mới có đường đến hỏi
Cô gái dẫu cố gắng vẫn không thoát được cái kiếp trong quyển sổ bạc đã đặt. Vẫn phải sống trong niềm cay đắng, mười lá gan đã nát, mười khúc ruột đã tan.
Bà hát mười lần thì có đến chín lần tôi khóc, lời bà không chỉ là lời hát, mà là lời kể, như kể về chính cuộc đời của bà. Có lần mẹ nói, cuộc đời bà không khác mấy cuộc đời cô gái trong “Tiếng hát làm dâu”. Mẹ chỉ nói có vậy, tôi cố nài thì mẹ bỏ đi lấy cỏ cho bò ăn.
Mùa đông giá rét, sương gió đầy trời, ngồi xung quanh bếp sưởi, khề khà chén rượu kể cho nhau nghe chuyện mùa màng, chuyện làng bản, chuyện học hành của con trẻ, chuyện ngày mai, chuyện tương lai,... Thỉnh thoảng tôi lại thả một cái lõi ngô vào bếp, ánh lửa bùng lên, làn khói toả ra thơm thơm mùi ngô nướng. Hớp một ngụm rượu ngô mà thấy lòng thổn thức. Anh bạn ngồi bên là nhà văn, hai tay bó gối, nhẩn nha đọc:
“Những đêm mùa đông trên núi cao dài và buồn, nếu không có bếp lửa sưởi kia thì Mị cũng đến chết héo. Mỗi đêm, Mị đã dậy ra thổi lửa hơ tay, hơ lửa không biết bao nhiêu lần...”
Anh ta không đọc nữa, mắt chăm chăm nhìn ngọn lửa. Cuộc đời nhân vật Mị trong “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài cũng là một kiếp làm dâu.
Ngoài trời, đêm đã mịt mùng, bên bếp lửa bập bùng, ở một xóm nhỏ lọt thỏm giữa bốn bề là núi lòng thấy buồn đến lạ. Bỗng nhiên thèm trở lại ngày xưa, thèm được nghe “Tiếng hát làm dâu” bà vẫn hát đến thế!
Chị chủ nhà tiếp đầy chai rượu đặt xuống cạnh chồng rồi bế đứa trẻ đi ngủ. Chị ta cũng là một kiếp làm dâu, nhưng làm dâu bây giờ đã khác, trên nền tảng của hôn nhân tự nguyện tiến bộ, những giọt nước mắt rơi cho cái kiếp đoạ đầy đã không còn.