- 11 -
ĐƯỜNG VỀ BĂNG GIÁ

Ông Kim Young Ho là một người đàn ông có vóc dáng tầm thước, đôi mắt một mí, ánh mắt trông có vẻ đờ đẫn, mái tóc còn đen nhưng đã có loe hoe vài sợi nhuốm bạc, da dẻ hồng hào, trông ông vẫn còn hừng hực sức sống của một thời trai trẻ, mặc dù ông đang ở độ tuổi ngoài sáu mươi.
Không biết ông Kim đang làm nghề gì. Ông nói đã có một thời tham dự cuộc chiến tại miền Nam – Việt Nam, trong một bộ phận y tế thuộc Lữ đoàn Bồ Câu. Ông sang Việt Nam lần này là lần thứ hai, với ý định đi du lịch và tìm hiểu về một đất nước mà trước đó ông chưa biết rõ lắm.
Qua người giới thiệu, ông hẹn gặp tôi tại khách sạn Hoa Hồng, một khách sạn được những du khách Hàn Quốc thường đến ở khi lưu lại Việt Nam, vì giá cả phải chăng và tiếp đãi chu đáo.
Buổi tối, đúng giờ hẹn, tôi đến bằng chiếc xe gắn máy cà khổ. Đường phố tràn ngập ánh đèn màu và đông nghịt xe cộ tôi phải luồn lách khá mệt. Gửi xe ở trước khách sạn Hoa Hồng, tôi hỏi thăm người lễ tân rồi đi thang máy lên lầu 2, tìm đúng số phòng ông Kim đang ở.
Ông Kim mở cửa phòng tiếp tôi với phong cách của một người đàn ông lịch lãm. Chúng tôi bắt tay niềm nở, nói chuyện bằng tiếng Hàn khi đã ngồi yên vị ở bộ sa - lông trong phòng.
Sau những lời thăm hỏi xã giao về sức khoẻ, gia đình…, ông Kim cho biết:
- Tôi sang Việt Nam lần này, ngoài việc du lịch, tìm hiểu thị trường, còn có một việc riêng mà bạn tôi nhờ giúp. Tôi nghĩ, việc này chỉ có anh mới có thể giúp tôi được, vì qua những người giới thiệu, tôi biết anh đang quan tâm đến vấn đề đó.
- Ông có thể cho biết việc gì không?
Ông Kim im lặng giây lâu rồi trả lời với thái độ của một người từng trải:
- Đây là một vấn đề tế nhị. Nguyên bạn tôi, sau khi tham dự chiến tranh Việt Nam trở về, ông ấy đã có quan hệ với một cô gái và để lại một đứa con rơi. Hình như ở vùng Bình Định – Phú Yên, ông ấy cũng không nhớ rõ lắm, vì sau này ông ấy bị suy sụp thần kinh do hội chứng “ Chiến tranh Việt Nam” gì đó. Lúc trước, ông ấy ở trong Sư đoàn Mãnh Hổ Đại Hàn. Ông ấy nhờ tôi khi qua Việt Nam, tìm dùm tung tích của họ. Không phải để bảo lãnh họ về Hàn Quốc, vì ông ấy đã có gia đình, nhưng để có thể giúp đỡ họ phần nào, cứu chuộc lỗi lầm trong quá khứ …
- Bạn của ông còn lưu giữ  hình ảnh, tên tuổi của người đàn bà đó không?
- Tên tuổi, địa chỉ thì ông ấy đã quên nhưng vẫn còn giữ  được một tấm ảnh đen trắng.
- Ông có mang theo tấm ảnh?
Có. Để tôi đưa anh xem. Rồi sau đó chúng ta đi ăn tối. Tôi đói bụng rồi!
Ông Kim đi lại phía tủ để đồ đạc, lục trong va-li lấy ra một bức ảnh đen trắng khổ 6 x 9, nước thuốc đã vàng úa.
Trong ảnh không còn nhìn rõ mặt người, mờ mờ hình bóng một người lính Nam Triều Tiên thời Park Chung Hee đứng bên cạnh một người phụ nữ mặc đồ đen đang ơm đứa con nhỏ. Tất cả đang bị lớp bụi thời gian làm cho hoen ố.
Chúng tôi vào một quán ăn lộ thiên nằm bên cạnh một bờ sông. Từng dãy bàn ghế màu trắng sắp rải rác dưới những bụi trúc vàng. Thực khách đến từng nhóm nhỏ, hình như họ mới đi du lịch ở đâu đó về. Cô tiếp viên tóc ngắn, mặc áo sơ – mi trắng váy đen mang thực đơn đến cười chào. Ông Kim nhường cho tôi gọi thức ăn. Tôi gọi canh chua lá lóc, mực xào, cá kho tộ và bảo cô tiếp viên cho thêm đĩa ớt tươi. Ông Kim gọi mấy lon bia như thói quen thường ngày của ông.
Trong khi chờ thức ăn mang ra, ông Kim lơ đãng nhìn những thực khách trong quán. Ông có vẻ trầm tư như đang suy nghĩ điều gì. Cuối cùng, ông Kim hỏi tôi:
- Con lai Hàn Quốc còn ở lại Việt Nam nhiều không?
- Nhiều. Sau chiến tranh, đa số con lai Hàn Quốc không được bảo lãnh nên vẫn còn ở lại. Đâu chừng hơn ngàn người.
- Họ làm gì để sống?
- Đủ thứ nghề lao động tay chân. Họ sống rất khốn khổ
- Họ có làm gái điếm không?
- Một số ít thôi…
Bia và thức ăn được mang ra. Tôi không uống bia nên gọi một chai nước ngọt. Chúng tôi ăn uống nhanh vì đang đói. Đa số người Hàn Quốc đều ăn uống nhanh. Có lẽ đời sống công nghiệp dạy cho họ phải tiết kiệm thời giờ.
Tính tiền xong, ra khỏi quán, tôi nói với ông Kim:
Tôi muốn đưa ông đến thăm một gia đình con lai, gồm có người mẹ và hai cô con gái. Tôi đã quen gia đình này khi đi sưu tầm danh sách những đứa con lai Hàn. Biết đâu sẽ có ích cho việc tìm kiếm của ông. Nếu ông đồng ý, tôi sẽ dẫn ông đi.
Ông Kim nhìn tôi cười:
- Ok! Tôi rất mong được gặp họ.
Chúng tôi gọi một chiếc taxi. Người tài xế hỏi:
Về đâu, quí khách?
- Đến quận Tân Bình. Đường X
Khu chợ ban đêm vắng người, nhưng bên đường vẫn con bày bán những sạp hàng trái cây đủ loại. Chúng tôi xuống xe, đến một sạp hàng mua ít trái cây để biếu cho người đàn bà quét chợ ban đêm mà chúng tôi sắp đến thăm.
Tôi bảo ông Kim đứng chờ ngoài đường, xách bọc trái cây đi sâu vào lòng chợ tìm người đàn bà. Thường thì bà ta quét dọn từ 8 giờ tối đến 10 giờ đêm.
Ban đêm, trong ánh điện vàng nhờ nhờ, đủ loại mùi chợ bốc lên nồng nặc. Nghe tiếng quét sàn sạt trong một góc xa, tôi tìm đến đó.
Khuôn mặt người đàn bà quét chợ được quấn trong những lớp vải, tóc cột khăn, miệng và mũi bịt khẩu trang, chỉ còn đôi mắt mờ mờ trong ánh sáng. Tôi hỏi:
- Chị Hai phải không? Tôi là Y đến thăm chị.
Người đàn bà nhìn tôi một lúc mới nhận ra:
- Trời! Y hả? Sao lâu nay cậu đi đâu, không đến chơi. Cả nhà đều mong cậu.
Tôi nói rõ mục đích là có một vị khách Hàn Quốc muốn đến thăm để tìm hiểu đời sống gia đình chị. Chúng tôi sẽ chờ chị làm xong việc để cùng về thăm nhà. Tôi trao bọc quà cho chị. Chị nói:
- Cậu ra đường chờ tôi một chút nghe! Tôi sẽ ra liền.
Túp lều của gia đình chị Hai ở là một túp lều tồi tàn, được che tạm trong một khu nghĩa địa mọc đầy cỏ dại, bằng những miếng bìa các - tông và những mảnh tôn thiếc vá víu. Chúng tôi phải cúi đầu thật thấp khi bước vào túp lều. Ông Kim lắc đầu, thở dài. Tôi tìm hai chiếc ghế nhựa gãy chân chồng lại cho ông Kim ngồi. Còn tôi ngồi cạnh mép ván được kê tạm trên mấy hòn gạch làm chỗ ngủ cho gia đình chị Hai. Ngọn đèn chữ U đã sống gần hết tuổi thọ, nhấp nháy, khi mờ khi tỏ, toả ra thứ ánh sáng mù đục không soi rõ mặt người. Chị Hai kể:
- Tôi là con lai của một người lính Đại Hàn, chỉ hơn cậu Y đây vài tuổi. Mẹ tôi chết cách đây mười năm, trong đói khổ và tuyệt vọng. Tôi có hai đứa con gái, một đứa năm nay mười sáu tuổi, đang đi phụ bán cho một quán ăn ở đường x, ban đêm, có khi về, có khi không. Một đứa mười hai tuổi, đang đi bán vé số, lát nữa mới về. Cha của chúng đã bỏ mẹ con tôi vì nuôi không nổi. Ở quê làm nông vất vả quá mà không đủ ăn nên tôi đành dẫn hai đứa nhỏ vào Sài Gòn kiếm sống cách đây năm năm. Nhưng có lẻ như ca dao nói “Cây khô tưới nước cũng khô! Vận nghèo dẫu tới xứ mô cũng nghèo!” nên vào đây, có cố gắng lắm cũng chỉ là đủ ăn. Cũng may là tôi xin đươc một chân quét chợ ban đêm và một chỗ để che tạm túp lều này sống qua ngày.
Ông Kim hỏi, qua lời phiên dịch của tôi:
- Khi mẹ cô mất, bà có để lại gì cho cô không?
Chị Hai nói:
- Có. Bà có để lại một cuộn giấy bằng tiếng Đại Hàn. Nói là sau này có người nào biết chữ mới đưa cho họ đọc để nhờ tìm dùm cha tôi. Lúc trước, cậu Y đến mà tôi quên.
Chị hai dỡ chiếc thùng gỗ moi ra một cuộn bọc nhựa quấn nhiều lớp đưa cho ông Kim.
Người đàn ông Hàn Quốc mở cẩn thận từng lớp bọc nhựa lấy ra một mảnh giấy đã vàng úa, nhưng ánh điện tối quá nên ông ta không đọc được gì, suy nghĩ một lúc, ông Kim bảo tôi:
- Lát nữa nói cô ấy đi photo cho tôi một bản. Khi về lại Hàn Quốc tôi sẽ cố gắng tìm giúp cho.
° Tôi phiên dịch lại lời ông Kim nói. Chi Hai mừng rỡ cảm ơn ông Kim rối rít. Ông Kim cho chị Hai một ít tiền, hứa sẽ cố gắng hết sức để giúp đỡ gia đình chị.
° Chúng tôi tính rời túp lều tồi tàn thì nghe có tiếng bước chân lạo xạo ở phía trước. Hai đứa con gái của chị Hai định vào lều, thấy có khách thì dừng lại phía trước cửa. Đứa con gái lớn nói vọng vào:
- Má tính coi! Nó bán vé số mà khờ quá! Có mấy tấm mà để mấy thằng say lợi dụng, bắt ngồi vào lòng kêu bố bố!
Đứa nhỏ cãi lại lời chị:
- Bán vé số đông qúa! Mình không làm theo lời nẫu thì nẫu đâu có mua! Cứ như chị thì húp cháo!
Người mẹ nói vọng ra:
- Thôi! Nhà có khách, hai đứa đừng cãi nhau nữa! Vào tắm rửa đi con
Hai đứa con gái bước vào lều, lí nhí chào khách. Đứa chị đã lớn, thân hình nẩy nở; đứa em đứng ngang vai đứa chị. Chị Hai nói với đứa con gái lớn:
- Mày kiếm bộ đồ nào đẹp đẹp, ra phía sau thay rồi đi theo anh Y và ông này, photo cuộn giấy này một bản. Ông này hứa sẽ giúp gia đình mình tìm ông ngoại.
° Ra đến dãy phố có tiệm photo, tôi nói với ông Kim.
- Tôi có việc, phải đi lấy xe rồi về trước. Nếu thích, ông nên dẫn con bé đi sắm cho nó ít đồ rồi về sau.
Ông Kim cười cười nhìn tôi, gật đầu. Tia nhìn của ông trông có vẻ đờ đần. Tôi quay sang nói cho đứa con gái lớn của chị Hai hiểu. Nó đang ở độ tuổi thích chưng diện và mua sắm nhiều thứ nên đồng ý đi chơi với ông Kim đêm nay. Nó đã ở thành phố năm năm nên hiểu nhiều thứ, so với tuổi 16.
Tôi đón một chiếc xe ôm, quay về khách sạn Hoa Hồng để lấy lại chiếc xe gắn máy cà khổ của tôi.