Chương 8

    
rường Việt Mỹ dẹp tiệm. Lại thất nghiệp.
Một buổi chiều Hữu lần mò tới nhà người đồng hương kiếm một bữa cơm thì được biết anh ta bị bắt lính trong khi đang đi bán báo. Người vợ tỏ ý nhờ Hữu thay anh ta làm công việc ấy để cứu vãn tình thế.
Đồng nghiệp của Hữu bây giờ không phải là những nhà giáo đạo mạo mà là những anh thương phế binh, những chị sồn sồn có chồng đi lính hay chết trận, những cô gái choai choai luôn miệng chưởi thề… Bạn bè của anh còn là những đứa con nít lì lợm, rắn mắt, ăn bận lôi thôi… là những đứa bé gái lúc nào cũng chen lấn, xô đẩy, giành giựt mỗi lần người ta chở báo ở Hai Chí về. Hữu cũng như mọi người, cũng chen lấn, cười cợt, la lối.
Hữu dựng xe ở vỉa hè. Bạn bè của anh đã có mặt đông đủ cả. Bọn nhỏ và các cô gái thường tới sớm, có lẽ vì thích ăn vặt. Thấy Hữu đến, người đàn bà bán đu đủ ướp nước đá hỏi ngay:
-Ăn một dĩa chơi, nghe em?
Hữu giơ một ngón tay, xong ôm chồng báo cũ đi lại phía người đàn bà đang cắm cúi ghi ghi chép chép giữa bốn năm người khác đang đợi chung quanh.
Hữu đưa cái bông báo và chồng báo cũ cho chị ta.
Người đàn bà ngẩng lên, nói:
-Đổi gì nhiều quá vậy. Không được đâu.
Hữu lấy mấy tờ báo cũ đem bỏ vào túi vải rồi lại ngồi nơi vỉa hè tiếp tục ăn phần đu đủ còn lại.
Thình lình có tiếng Honda rú lên. Mọi người đều nhìn ra đường. Hữu ném trả chiếc đĩa nhựa cho bà hàng rong rồi chạy lại phía người đàn bà chia báo.
-Báo về! Báo về!
Tiếng tụi nhỏ thét lên lanh lảnh. Bọn người chầu chực ở vỉa hè đều lăng xăng sửa soạn, cười nói, la ó. Hữu đã quen với một lô những mẩu đối thoại hỗn độn, ồn ào, tục tĩu cùng dấy lên một lúc xen lẫn những tiếng cười.
-Chị Nghĩa! Chị Nghĩa! Cho tôi hăm lăm đôi.
-Tui bốn chục tờ Điện Tín.
-Báo về! Báo về!
-Giang ra coi! Cái lũ quỷ này.
Người đàn bà trở cán chổi đập lên tay lũ nhỏ. Mấy chục bàn tay chìa ra trước mặt chị.
-Em! Em! Em! Chị Nghĩa ơi! Em đây! Gạch đi! Gạch đi!
Những cái bông báo chồng lên nhau rồi bị hất xuống, bàn tay nào cũng cố đặt cái bông của mình lên trên. Chị đàn bà xòe bàn tay ra một cái như chiếc nan quạt đều riếng rồi tay kia chị đếm lia lịa:
-Năm, mười, mười lăm…
Bàn tay đếm nhanh như cái máy. Bảy chục tờ là bảy chục tờ. Không sai một ly, không lộn một mảy.
Báo về càng lúc càng dồn dập. Hữu xếp lia lịa. Cô Dư đi lãnh về, ném đó cho anh rồi lại xông vô đám đông.
-Năm, mười, mười lăm, hai mươi…
Cọc báo lại bị ném một cái bịch ra phía trước, lập tức có bàn tay lấy đi. Nơi vỉa hè, tiếng xếp báo soàn soạt không dứt.
Trời bỗng tối sầm lại và có tiếng kêu của nhiều người:
-Lẹ lên! Lẹ lên! Mưa tới nơi rồi kìa!
Cô Dư hấp tấp chạy lại lấy cái tấm bạt ra khỏi túi vải. Hữu ngồi lên chồng báo để chặn cho khỏi bay và hai tay vẫn đếm báo xoèn xoẹt.
Mưa đã rơi lộp độp. Hữu bỏ thí xấp báo chưa xếp lên chồng báo đã xếp xong rồi cúi khom xuống, ôm luôn cả chồng báo của cô Dư chạy tìm một chỗ núp. Đó là mái hiên của một gian hàng sơn vẽ bảng số xe hơi và xe gắn máy, mùi sơn hăng hắc, khó chịu. Bọn Hữu chen chúc trong cái hiên chật hẹp đó và tuy nước mưa tạt vào theo từng cơn gió nhưng công việc vẫn không thể ngừng. Hữu vẫn xếp báo lia lịa để tranh thủ với mọi người.
Mấy người thợ vẽ bảng số ở trong nhà ngó ra la lối:
-Tránh đường cho người ta đi chớ, mấy cha.
Hữu co lại. Ép sát vô tường một chút nữa, tránh sang một bên chừa lối ra vào.
Lúc ấy ngoài đường có một chiếc Mazda đỏ tía vừa đậu lại. Một cô gái trạc hai mươi tuổi, khoác một chiếc áo mưa trắng, đi giày da cao cổ cũng màu trắng, tay cầm chiếc dù màu xanh da trời và đôi kính trắng thanh nhã càng làm cho khuôn mặt xinh đẹp ấy thêm phần trí thức.
Người con gái bước thẳng vào gian hàng vẽ bảng số xe, dường như để lấy hàng thì phải. Cô gái do dự khi thấy cửa hàng có quá nhiều người đứng chen chúc phía trước. Tuy nhiên cô ta cũng thận trọng bước vào cái lối đi hẹp mà Hữu vừa chừa ra. Hữu không hay có người bước vào, anh đặt chồng báo vừa xếp xong ra trước mặt vừa lúc một chiếc giày da trắng tinh, xinh xắn đặt lên đó.
-A!
Hữu kêu lên và cô gái cúi xuống:
-Xin lỗi chú. Tôi có thể mua tờ báo ấy không?
Hữu vội quay mặt đi. Thôi, khỏi xin lỗi Diệp ơi, chiều nay có hai giờ Quốc Tế Công Pháp của giáo sư Hòa sao Diệp không đi học?
Hữu chẳng nói chẳng rằng, cúi xuống ôm chồng báo bỏ đi nơi khác.