Dịch giả: Đài Lan
Kẻ tự giết chính mình
James Francis Dwyer

     nh trăng chiếu vào cái đầu trọc của Schreiber đúng lúc ông giật một cú thật mạnh để lôi cái thân ra khỏi cái ghế dài chế tạo sơ sài. Ánh nhìn ông quay về hướng khối xanh đen của khu rừng, nhưng tai ông vẫn ghi nhận được những tiếng động nhỏ thốt ra từ bên trong nhà chòi. Lối đi, y như một dải được quét vôi, kéo dài đến khối đen kỳ lạ của cây cối; suốt dọc theo lối đi, những cành cây rirro dựng thẳng và cao như để chống lại sự khô cằn do con người tạo ra. Rừng rậm không chấp nhận những khoảng khai hoang để lộ sự hiện diện của con người.
- Có chuyện gì vậy? - Tôi hỏi.
- Không có gì, nhà tự nhiên học nói khẽ nhưng vẫn bấu chặt tay vào khung ghế làm bằng gỗ thông thô.
Trông ông như đang vận dụng toàn thân thể để sàng lọc những tiếng động đêm khuya.
Đột nhiên cái đầu ông rơi mạnh xuống ngực, rồi ông nhảy phắt ra khỏi ghế. Một đường đen hình thành trên lối đi trắng sáng nhờ ánh trăng, rồi ông người Đức phóng lên đó, mềm mại khéo léo như con mèo, mặc dù ông có thân hình đồ sộ.
- Con rắn đỏ quỷ quyệt - Ông càu nhàu trong khi lê chân về hướng cửa, tay cầm đuôi con rắn ngo nguậy. Đây là lần thứ nhì nó xổng chuồng.
Khi cái ghế dài đón ông trở về với tiếng kêu rắc kéo dài vang to, tôi đặt một câu hỏi với ông.
- Anh đã thấy nó trước khi nó bò qua đường hả? - Tôi hỏi.
- Không - Schreiber xẵng giọng nói - Tôi nghĩ có “một cái gì đó bất bình thường”. Đơn giản thôi. Khi nó xổng chuồng, tất cả những con vật đang rên rỉ bỗng đổi giọng. Bây giờ anh nghe đi.
Từ bên trong nhà chòi tối tăm, vang lên tiếng ù ừ rất đặc biệt, như tiếng ong kêu, nghe liên tục trong màn đêm huyền bí. Cả khu rừng như lắng nghe âm thanh này. Thoạt đầu, tiếng động này đánh bại những nỗ lực của lỗ tai muốn phân tích nó, nhưng rồi dần dần ta xác định ra từng âm thanh một. Đó là tiếng các tù nhân của ông người Đức kêu lên không thành lời. Có tiếng rên khẽ của con vượn luôn thức tỉnh, tiếng pat-pat của con cầy, tiếng khóc than của con khỉ cái đen, tiếng khịt khịt của những con thú nhỏ bị nhốt trong lồng, tiếng sột soạt của rắn bò mệt mỏi trong chuồng. Dường như những tiếng động này tạo quanh nhà chòi một bầu không khí đặc biệt, cách ly nhà khỏi khu rừng rậm bao quanh tứ phía.
- Bây giờ mọi thứ đã đâu vào đấy rồi - Ông người Đức hài lòng nói khẽ - Chúng nó nằm yên rồi.
- Nhưng làm sao bọn chúng biết con rắn đỏ đã xổng chuồng? - Tôi hỏi - Bọn chúng ở trong bóng tối, và con rắn đâu có gây ra tiếng động.
Nhà tự nhiên học phá lên cười, tiếng cười mãn nguyện của một người thích nghe một câu hỏi như câu hỏi của tôi.
- Làm thế nào hả? - Ông hỏi lại - Anh bạn vượn của tôi trong kia, đã cảm nhận ra trong lòng nó. Nó rên khẽ, ôi, thật khẽ, rồi tin này lan truyền khắp các chuồng. Bóng đêm không hề làm cho các sinh vật hoang dã khác đi. Từng bộ phận nhỏ nhất trong cơ thể chúng đều là một con mắt. Từng sợi lông nhỏ lắng nghe rồi mách bảo cho chúng một điều gì đó. Phải như thế. Tôi đã nhận thấy sự thay đổi trong tiếng kêu của bọn chúng. Tôi đang mơ về sở thú Jan Wick ở Amsterdam, và đúng lúc đó tôi tỉnh dậy nhanh. Con khỉ cái đen rất khôn ngoan, nhưng những con khác đã hạ giọng nhanh, rất nhanh. Rắn là một con vật có thể lẻn đi khắp nơi. Bây giờ anh hãy nghe bọn chúng. Tôi đâu có nói với bọn chúng rằng rắn đã về, nhưng bọn chúng biết.
Tôi cảm thấy buồn nôn khi tay người Đức nói chuyện ngập ngừng, tìm từ. Đối với tôi, nhà chòi hiện ra như vết nhơ trong khu rừng cây đàn hương dại, cây dứa dại đu đưa được nối với nhau bằng dây leo. Tiếng kêu rên, tiếng khịt khịt, tiếng sột soạt phản đối làm tôi rùng mình, và tôi bất ngờ nói thành tiếng những suy nghĩ của mình.
- Thật là độc ác quỷ quyệt - Tôi ấp úng nói - Nếu xem...
Nhà tự nhiên học ngắt lời tôi bằng tiếng cười bình thản, và tôi im lặng. Ông hút những ngụm thuốc mạnh từ ống điếu.
- Không có gì độc ác cả - Ông nói chậm chạp - Trong kia - Ông vẫy tay về hướng cái vệt xanh đen của khu rừng rậm, như làm nền cho bầu trời sáng - bọn chúng ăn thịt nhau để mà sống. Đám tù của tôi được ở nơi an toàn, không thiếu thốn gì. Lúc nãy anh có nghe bọn chúng lo lắng như thế nào khi con rắn đỏ xổng chuồng không? Đúng! Con khỉ cái đen có con nhỏ và nó sợ. Cuộc sống ở rừng không thọ đối với kẻ yếu. Cách đây năm năm, tôi ở Amsterdam. Tưởng như cách đây năm chục năm rồi, và ở chỗ Hagenbeck, tôi thấy một con khỉ chỉ còn có một tai. Tôi đã bẫy được nó vài năm về trước. Nó vẫn khỏe. Nhưng liệu ở nơi này, nó còn sống nổi không? Không biết.
Nhà chòi vẫn phát ra cái tiếng ù ù khó chịu. Âm thanh bay bổng, tràn khắp màn đêm, và bóng đêm như lắng tai ghi nhận tiếng này.
- Không, bị nhốt trong chuồng không tệ đâu, nếu thú được chăm sóc tốt. Mà anh có nói được cho tôi nghe ở đâu thú không được đối xử tốt không?
Tôi không trả lời. Tôi không biết nói gì, không cần đưa ra lý lẽ cho lời phản đối mà tôi đã ấp úng nói ra. Những con thú bị nhốt của Schreiber được nuôi tốt. Chú khỉ con được bảo vệ khỏi con rắn.
Ông người Đức mập im lặng hút thuốc suốt vài phút, mắt dán vào khu rừng trước mặt.
- Các nhà sinh vật học đối xử với thú vật tốt hơn là xã hội đối xử với con người - Ông nói khẽ - Còn các nhà tự nhiên học thì sao? Thì đối xử rất tốt. Tôi chưa hề thấy ai làm khác.
Ông dừng một hồi; rồi kêu khẽ. Trí nhớ đã gợi dậy một chuyện gì đó mà ông không thích.
- Tôi sai lầm - Ông cục cằn nhận xét - Tôi từng biết một tay. Màn đêm mới xuống thôi; tôi sẽ kể cho anh. Chuyện xảy ra cách đây lâu lắm rồi, lúc ban đầu, khi tôi còn ở trên bờ Samarahan, Fogelberg và tôi đến đó cùng với nhau. Tay đó tên là Lesohn. Pierre Lesohn, một loại nhà tự nhiên học. Nghĩa là hắn không cho tấm lòng vào công việc. Không! Hắn luôn nghĩ đến những cách khác để kiếm tiền, mà một người tự cho là nhà tự nhiên học không thể làm như thế được. Việc làm của một nhà tự nhiên học chiếm toàn bộ con người anh: tâm, hồn, trí, tất cả. Chính vì vậy mà tôi nói rằng Lesohn không phải nhà tự nhiên học. Sự bất mãn gậm nhấm tâm hồn hắn, mà trong cái nghề này, thì không có chỗ cho sự bất mãn. Không có, anh bạn à.
Một hôm, tôi đi xuồng tới nhà Lesohn, và hắn chúi vào mặt tôi một tờ tạp chí từ Paris. Hắn cười, kích động. Hắn hầu như luôn luôn như thế, những kẻ bất mãn luôn như thế.
- Anh nghĩ sao về cái này? - Hắn hỏi.
Tôi đọc dòng chữ trên tạp chí, rồi nhìn hình đi kèm. Đó là hình một con đười ươi và phía dưới có tên con vật. Nó có họ và tên. Y như ta. Nó ngồi trước một bàn viết, hút xì gà và đang giả bộ viết thư. Tôi thấy gớm. Không tốt đối với tôi. Tôi trả báo lại cho Lesohn, và không nói gì.
- Sao - Hắn xẵng giọng nói - Tôi muốn biết anh nghĩ thế nào.
- Không nghĩ gì cả - Tôi nói - Tôi không quan tâm.
- Thật là ngốc nghếch! - Hắn la lên - Con khỉ này kiếm được hai trăm bảng một tuần ở Royal Music Hall tại Picadilly. Nó làm giàu cho kẻ đã huấn luyện nó.
- Tôi không cần biết. - Tôi nói.
- À! - Hắn cười khẩy - Anh muốn làm việc trong khu rừng mắc dịch này cho đến chết hả? Schreiber à, tôi có những kê hoạch khác trong đầu.
Tôi biết, nhưng tôi không nói gì.
- Đúng, - Hắn la lên - tôi không muốn bị chôn ở đây, để mấy con wawa đến thăm mộ tôi. Tôi muốn chết tại Paris, tôi muốn hưởng thụ cuộc sống trước khi chết, Schreiber à. Tôi có quen một cô gái, cha nàng là chủ quán cà phê Primeroses. Chúa ơi! Tại sao tôi lại đến cái xứ khỉ ho cò gáy này?
- Thế anh sẽ được lợi gì? - Tôi hỏi và chỉ hình con đười ươi trên báo.
- Lợi gì hả? - Hắn hét lên - Lợi gì hả? Đồ ngu, ta Pierre Lesohn đây cũng sẽ huân luyện một con đười ươi.
- Chuyển một con vật thành người là không tốt đâu - Tôi nói - Ở địa vị anh, tôi sẽ không làm thế.
Khi tôi nói thế, Lesohn cười dữ dội đến nỗi hắn bị run giật. Hắn cho rằng đó là một chuyện đùa hay. Hắn thả người xuống giường, ngồi cười thêm mười phút nữa. Tay Lesohn này rất khôn, quá khôn để rời bỏ Paris. Những người khôn nên ở lại thành phố. Rừng rậm không phải là một nơi dành cho họ. Nó chỉ dành cho những ai đã qua thử thách. Lesohn chưa hề có thời gian trải qua thử thách. Hắn quá bận lo lên kế hoạch này kế hoạch kia.
Schreiber ngưng nói và lại cúi ra phía trước. Có một âm chói tai trong tiếng ù ù phát ra từ nhà tù, và như một nhạc trưởng ông đang cố phân biệt ra nốt sai lệch đó. Ông thận trọng đứng dậy, rồi biến vào bóng tối bên trong.
Khi trở ra, ông châm ống điếu từ từ - cuộc sống trong rừng rậm làm cho con người có động tác bình tĩnh và ung dung hơn - rồi ngả lưng xuống cái ghể do ông tự chế.
- Con khỉ con bị bệnh - Ông giải thích - Nếu sống trong rừng rậm, thì nó đã chết rồi. Ở đây, tôi nghĩ nó sẽ sống. Nhưng ta hãy nói tiếp về Lesohn, tay người Pháp ma-lanh, lẽ ra nên ở lại Paris. Hắn dán hình con khỉ - người lên đầu giường, và nhìn mỗi ngày. Hình ảnh ấy xen vào giữa giấc ngủ và hắn.
- Hai trăm bảng một tuần - Hắn la lên - Đồ người Đức cứng đầu, thử nghĩ xem! Gần năm ngàn franc rồi! Bốn ngàn mark! Sao ta không dạy được một con?
- Tôi thì không - Tôi nói - Tôi thích con đười ươi như cũ hơn. Nó phù hợp với tôi hơn. Nếu nó trở nên đủ khôn để hút xì gà của tôi và đọc thư tôi, thì tôi sẽ không còn thích nó nữa. Nó sẽ không còn ở vị trí mà Chúa đã xếp đặt cho nó trong thế giới động vật.
Tôi làm Lesohn phát chán khi nói thế. Rất chán. Ba ngày sau, một người bẫy được một con đười ươi vừa mới lớn, và tay người Pháp vội mua về.
- Đúng cái tuổi tôi cần - Hắn nói với Fogelberg và tôi - Tôi muốn dạy nó thật sớm. A ha! Hai bạn ngố ơi, hãy đợi đấy. Cả cô bé có cha là chủ quán cà phê; hãy đợi đấy, anh bạn Đức à. Giáo sư Pierre Lesohn và con đười ươi khôn! Năm ngàn franc một tuần! Có hay không?
Nhưng Fogelberg và tôi không nói gì. Chúng tôi biết địa vị của con đười ươi trong thế giới động vật, và chúng tôi chỉ muốn để nó ở đúng vị trí của nó. Mẹ tạo hóa đã sắp đặt cấp bậc, và tạo hóa biết rằng đười ươi không phải là loại sinh thể sinh ra để viết thư cho bạn gái, hay để ngồi đó phì phèo xì gà, đeo ủng quá chật kẹp chặt ngón chân, những ngón chân này được tạo ra để nó đu trên cây mà di chuyển. Từ con tê tê ăn kiến, có áo giáp bằng sừng, cho đến chính Pierre Lesohn, tạo hóa đã xếp đặt mọi thứ rất đúng đắn và phù hợp.
Lesohn không thích hợp với cuộc sống trong rừng. Không anh bạn à. Hắn luôn sôi nổi, và mười lần trong một ngày, cần phải có một cái gì đó để nuôi dưỡng sự kích động quá mức này. Ở đây không có gì đặc biệt cả. Hoàn toàn không có gì cả. Dân thành thị cứ tưởng chỗ chúng tôi có nhiều chuyện xảy ra. Họ lầm. Đây là một cái nôi nơi anh có thể nghỉ ngơi nếu anh thích. Anh hiểu không? Tay người Pháp không thể ngồi yên nổi. Hắn mới sở hữu được con đười ươi có hai ngày, mà đã tưởng tượng mình là triệu phú. Đúng, đúng. Hắn mơ sẽ mua nhà ở Paris, mua xe, mua nụ cười của các cô vũ nữ ở Grand Casino. Có những người như thế. Ảo tưởng chính là những cỗ xe dẫn họ đi thẳng xuống địa ngục. Dưới giường hắn có cái chai vuông, và thỉnh thoảng hắn cứ uống mừng con khỉ và mừng cuộc sống mới mà hắn sẽ có ở Paris. Theo tôi, thì hắn uống mừng quá nhiều.
Con khỉ này học được nhiều trò rất nhanh. Nó bắt chước tài lắm. Mỗi khi Fogelberg và tôi chèo xuồng đến nhà Lesohn, hắn cứ lôi con vật lông lá kia ra làm trò cho chúng tôi xem. Cả Fogelberg lẫn tôi đều không thích như thế. Chúng tôi nói thẳng cho Lesohn biết, hắn cười và trêu chọc chúng tôi.
- Ôi! Hai lão ngốc! - Hắn thốt lên - Hãy đợi đấy! Xem giáo sư và con đười ươi năm ngàn franc một tuần! Năm ngàn franc! Thử nghĩ xem! Ở quán cà phê Primeroses, tôi sẽ nhớ đến hai bạn già ngốc nghếch của tôi đây, còn ở lại trên bờ sông Samarahan hôi hám.
Hắn như điên lên do nghĩ về cuộc sống ăn chơi mà hắn sẽ được hưởng. Hắn uống rượu! Chúa ơi, hắn uống! Hắn tưởng tượng mình đi khắp châu Âu, với con khỉ đẻ ra tiền. Hắn thật sự điên mất. Và tôi nghĩ con đười ươi bắt đầu nghĩ hắn bị điên. Nó cứ ngồi bên cạnh Lesohn, nghĩ nát óc xem tại sao tay người Pháp kích động lên như thế. Con vật không hề biết gì về những giấc mơ của ngài Pierre Lesohn. Không, anh bạn à. Nó không hề biết rằng tay người Pháp định biến trí khôn của nó thành một cái bục, từ đó hắn leo lên thiên đường. Ồ không, nó chỉ là đười ươi mà! Làm sao nó hiểu được lý do khiến người ta có thể trả bốn ngàn mark một tuần để xem nó chúi mũi vào cái ly và hút thuốc. Ồ! Nghĩ đến đó tôi phát bệnh luôn.
Nhưng đến một hôm, con khỉ giở chứng và không chịu làm gì nữa. Dường như hôm đó Lesohn say rượu. Có lẽ hắn say rượu. Con vật thì giận hờn, còn tay người Pháp thì say. Về sau Pierre kể lại cho tôi nghe. Con đười ươi phá đổ hết mấy hộp chứa mẫu vật và giở đủ trò nhõng nhẽo; Lesohn cũng làm y như vậy. Hắn thấy nhà, xe, vũ nữ và quán cà phê Primeroses tan tành, do con đười ươi giở chứng, và hắn lăn ra bệnh rất nặng. Hắn uống rất nhiều, đến nỗi gần điên luôn, rồi hắn đã làm một chuyện.
Khu rừng rậm như run lên từ độ sâu xanh thẳm, khi Schreiber ngưng nói để một lần nữa lắng nghe tiếng động từ bên trong. Trong màn đêm ấm áp, có một thứ ma thuật quỷ quái, như chạm nhẹ vào ta bằng những ngón tay vô hình, và đang rình rập bên ngoài cái nhà chòi đơn độc.
- Có lẽ hắn bị điên, - Ông người Đức nói tiếp - điên hoặc say. Sông Samarahan chảy ngay bên cạnh nhà Lesohn, và dòng Samarahan chỗ đó đầy sự sống. Cá sấu, phủ đầy bùn, xấu xí, cứ nằm ngủ trong bùn suốt cả ngày. Gớm! Tôi ghét cá sấu lắm. Chúng làm tôi buồn nôn. Còn tay người Pháp, thì bị khùng, vì rượu và vì hắn tưởng con đười ươi trở nên ngu ngốc.
- Rồi sao? - Tôi hỏi - Chuyện gì xảy ra?
Màn đêm cũng lắng nghe câu chuyện này. Tiếng ù ù của những con bị nhốt trong nhà cũng giảm xuống đến chỉ còn là tiếng rì rầm.
- Rồi Pierre Lesohn dạy cho con đười ươi một bài học vâng lời - Schreiber kể tiếp - Hắn trói con vật vào gốc cây gần bờ sông đầy phù sa, hôi hám, ướt nhẹp, trong khi chính hắn, Lesohn, thì nằm dưới mái hiên nhà, khẩu Winchester trên chân.
Con đười ươi khóc rên, còn Lesohn thì cười. Về sau, hắn kể cho tôi nghe. Con khỉ cứ rên rỉ. Rồi nó hét lên khiếp sợ. Một mảnh bùn động đậy, và con khỉ sợ, rất sợ. Anh đã biết ánh mắt lạnh như đá của con cá sấu. Y như mắt con cá mập ăn thịt người. Không có con vật nào có ánh mắt lạnh như thế. Cá mập hả? Không! Cá mập có ánh mắt chiến đấu. Cá sấu không chiến đấu. Nó chờ đến khi mọi lợi thế đã thuộc về nó. Nó là một con quỷ. Con khỉ bị Lesohn trói đang thu hút con cá sấu chui ra khỏi đống bùn nhơ nhớp, và con đười ươi đã dại dột để lộ cho cá sấu biết nó đã nằm trong tay cá sấu khi khóc rên lên như thế. Anh hiểu không?
Cá sấu rình nó suốt một tiếng, hai tiếng, ba tiếng. Cá sấu nghĩ đó là cái bẫy. Lesohn cũng rình. Hắn dạy cho con đười ươi biết dân từ Paris đến khôn như thế nào.
Con cá sấu vẫy bùn trên lưng xuống để nhìn cho rõ hơn. Con đười ươi hét lên để van xin Lesohn đến cứu nó. Nó hét lên hết sức lực. Nó cà lăm để nói nó sẽ chịu học bao nhiêu trò nếu Lesohn đến cứu nó, nhưng Lesohn chỉ mỉm cười và không nhúc nhích.
Con cá sấu chui ra khỏi đống bùn và nhìn con đười ươi. Con đười ươi run toàn thân. Sau này, Lesohn kể cho tôi nghe rằng con đười ươi chửi bới hắn khi con cá sấu giật một cái để vẫy nước ra khỏi con mắt và tiến lên bờ một chút. Ánh mắt lạnh lùng đó làm mê hoặc con đười ươi. Rồi nó lấy lại bình tĩnh. Nó la lên và cầu nguyện bằng tiếng khỉ, và nhờ đó con cá sấu mạnh dạn hơn. Ồ, đúng! Cá sấu nghĩ nó cầm được bốn con ách trong ván bài với con đười ươi và nó nghĩ nên thử vận may. Nó phóng về hướng cây. Nhưng Lesohn đang chờ giây phút đó. Hắn tỳ súng vào vai, thật nhanh. Viên đạn trúng ngay mắt con cá sấu làm nó rơi trở xuống bùn.
Anh thấy Lesohn là loại người như thế nào chưa? Hắn là một thằng khùng.
Ngày hôm sau, khi Fogelberg và tôi đến nhà hắn, hắn kể hết cho chúng tôi nghe và hắn cười. Con đười ươi quá sợ Lesohn lặp lại cái trò đó đến nỗi nó lăng xăng quanh chúng tôi, cố làm tất cả những gì làm được. Mỗi khi Lesohn nhìn nó, nó run lên như sắp lên cơn, rồi rên khóc như trẻ con. Cá sấu rình nó suốt ba tiếng mà. Anh hiểu không?
- Nhìn nó kia - Tay người Pháp gào lên - Nó không giở chứng nữa! Tôi đã trị được nó rồi! Lại đây - Hắn hét con đười ươi - Đem chai rượu đến cho ta!
Con đười ươi hấp tấp chạy đi lấy chai rượu! Nó chạy như thể đó là vấn đề sống còn đối với nó, và có lẽ đúng như thế trong đầu nó. Còn Lesohn thì bò lăn ra ôm bụng cười, cười to đến nỗi ở tận Brunei cũng nghe thấy. Hắn cứ thề rằng ánh nhìn lạnh đá của cá sấu là thứ tốt nhất để dạy đười ươi.
- Tuần sau, tôi sẽ mang nó đi Singapore, từ đó tôi sẽ lấy tàu biển đi Columbo, rồi chuyển tàu đi Paris bằng Messageries Maritimes. Năm ngàn franc một tuần! Các anh sẽ thấy hình tôi trên báo. Chúa ơi! Đúng! Các anh sẽ đọc bài báo kể về Pierre Lesohn, giáo sư Pierre Lesohn, và con đười ươi biết làm trò...
Schreiber dừng kể. Ngọn gió thổi đến từ biển Đông, đi thẳng vào rừng, làm rách tàu lá cây cọ, như một đoàn quân ào đến trong tiếng ồn ào. Gió đột ngột tắt, nhường chỗ cho một bầu không khí chờ đợi lạ lùng, căng thẳng. Màn đêm như lắng tai để nghe một cái gì đó mà nó biết là sẽ đến.
- Anh kể tiếp đi - Tôi hăng hái nói - Kể đi! Hãy kể chuyện gì đã xảy ra!
- Bốn ngày, sau buổi tối hôm đó, - Schreiber bình tĩnh nói - tôi đi xuồng xuống dòng sông Smarahan. Khi đến nhà Lesohn, tôi gọi hắn, nhưng không có trả lời. Hắn đi vào rừng rồi, tôi tự nhủ thế; tôi sẽ vào nhà hắn, tìm cái gì đó uống. Trời nóng dữ dội, và dòng sông Samarahan không phải là một nơi nghỉ mát. Không! Hoàn toàn không!
Anh có bao giờ cảm giác rằng một sự im lặng vượt quá mức không? Có lúc, trong rừng, tôi phát hiện một sự bình lặng khả nghi. Đó là điều tôi đã cảm giác, tối hôm nay, khi con rắn đỏ xổng chuồng. Thông thường, trong rừng, sự bình lặng này lấn át tiếng dế kêu, và dường như ngăn không cho những cọng cỏ con động đậy. Vâng! Lạ lắm. Mỗi khi tôi cảm nhận một sự im lặng như thế, là tôi cảnh giác ngay. Tôi không sợ, nhưng tôi biết rằng những sinh vật khác, những con vật cảm nhận những chuyện tôi không thể cảm nhận được, đều rất sợ. Tôi cảm nhận chính một bầu im lặng như thế khi bước trên lối đi dẫn lên nhà Lesohn. Sự im lặng sờ mó vào tôi y như hàng ngàn cái bàn tay lạnh. Tôi không có đầu óc tưởng tượng, nhưng trong rừng riết rồi làn da tôi mách bảo cho trí óc tôi một điều mà tôi không hiểu nổi.
Tôi rón rén đi đến khóm cây xoài ở cuối lối đi. Để làm gì? Tôi không biết, nhưng như thế đấy. Tôi sắp phát hiện ra một cái gì đó. Tôi biết như thế. Tôi đứng lại, liếc nhìn qua cành cây, và tôi thấy gì? Đúng, tôi thấy một cái gì đó toan cố làm cho trí óc tôi hiểu được cái tin mà làn da tôi đang cố truyền đạt cho tôi. Tôi biết, nhưng lại không biết. Anh có hiểu không? Tôi rượt đuổi theo điều đó khắp mọi ngõ ngách trong trí óc tôi, và cứ mỗi phút trôi qua là tôi tiến lại gần nó hơn. Những gì tôi nghĩ làm cho điều đó gần hơn, và môi tôi bị khô. Tôi nhớ đến chuyện mà Lesohn đã làm đối với con đười ươi, cột nó vào cây, làm cho nó điên lên vì khiếp sợ, vì cái nhìn lạnh đá của con cá sấu. Tôi vừa xoay tròn những suy nghĩ này trong đầu, vừa quan sát sân hiên nhà. Tôi tưởng như thấy con đười ươi bị cột vào cây, và con mắt lạnh đá nhìn nó từ đống bùn, rồi... tôi hiểu ra! Đột nhiên hiểu ra như tia chớp. Tưởng như tôi bị bịch cát rơi trúng đầu.
Suốt ba phút, tôi không động đậy được. Cuối cùng tôi loạng choạng bước đến sân hiên. Anh biết ở đó có gì không? Con đười ươi ghê gớm và to tướng kia cầm cây súng của tay người Pháp và đang khóc như người.
- Lesohn đâu? - Tôi la lên - Hắn đâu rồi?
Rồi tôi cười như thằng điên vì câu hỏi của mình. Làn da, cũng là mắt và tai tôi, đã cho tôi biết Lesohn ở đâu. Vâng! Đúng như thế.
- Hắn đâu? - Tôi la lên lần nữa - Chỉ cho ta xem Lesohn ở đâu.
Con đười ươi lau nước mắt chảy trên cái mũi xanh gớm ghiếc của nó, dùng cái tay lông lá chạm vào tôi, rồi lê chân bước đi về hướng bờ sông đầy bùn, nơi tay người Pháp đã cột nó để dạy cho nó một bài học vâng lời.
Tôi thấy buồn nôn. Bầu không khí làm đảo lộn ruột gan tôi. Tôi biết chuyện gì đã xảy ra. Đúng, tôi biết. Đầu óc tôi đã ráp lại tất cả, như các mảnh trong trò chơi ghép hình. Tôi biết Lesohn đã làm gì con vật. Tôi biết cái tật hay bắt chước của con đười ươi, và tôi biết rằng Lesohn thường hay say xỉn, rất thường hay say rượu. Và có cả cái điều mà làn da tôi đã rút ra được từ bầu im lặng. Trong khi đi theo con đười ười, tôi ướt đẫm mồ hôi lạnh. Khi gần đến bờ sông, tôi ôm chặt cây súng, tìm kiếm xung quanh một cái gì đó xác nhận cho điều kinh khủng mà linh tính tôi đã cảm nhận. Và bằng chứng có đó. Một tay áo vét cột vào cái cây nơi tay người Pháp đã cột con đười ươi một tuần lễ trước đó, và tay áo không trống rỗng. Không! Dây đã được siết chặt quanh cổ tay Lesohn, và dây rất chặt. Dây, đã chống lại nổi sức kéo và còn đó, như một chứng cớ về chuyện đã xảy ra.
Tất cả quá rõ ràng đối với tôi. Có lẽ Lesohn say mềm, anh hiểu không? Và trong khi hắn say, ý nghĩ đã nảy ra trong đầu con đười ươi là phải bắt Lesohn cảm giác sự rùng rợn khi chịu cái nhìn lạnh đá của con quỷ nằm trong bùn. Con đười ươi đã cột Lesohn vào cây, rồi nó đã cầm cây súng và bắt chước tay người Pháp, ngồi trên sân hiên để chờ con cá sấu đầu tiên phát hiện ra rằng Lesohn không tự vệ được.
Rất rõ, ôi, quá rõ ràng! Nhưng, khi dạy con đười ươi, tay người Pháp đã quên dạy nó nạp đạn vào súng. Xui qua, đúng không? Cây súng không có đạn, và khi cá sấu chui ra khỏi bùn, thì con đười ươi không làm gì được. Không! Nó cứ cầm súng và khóc như người cho đến khi tôi đến, nhưng lúc đó đã quá trễ.
- Thế anh làm gì? - Tôi la lên trong khi giọng trầm của Schreiber như bị im lặng tấn công và dồn nén.
- Không làm gì cả - Schreiber bình tĩnh trả lời - Lesohn đã kể cho tôi nghe những gì hắn làm con đười ươi. Định mệnh có những hướng đi lạ lùng. Tôi nhìn con đười ươi, rồi nó vừa khóc vừa bước thụt lùi. Nó quay lại khoảng một chục lần, vẫn khóc lóc, cho đến khi rừng rậm nuốt mất nó. Ở một nơi nào đó trong kia (ông người Đức vẫy tay chỉ về hướng khu rừng tối thui đang rình rập và lắng nghe ông), có một con đười ươi bị ám ảnh bởi một tấn bi kịch.

HẾT


Xem Tiếp: ----