Biên soạn: Lưu Vân
Vụ án trên đất Mũi

     ó là một buổi chiều tháng Tám, họ đã tới ngôi nhà nhỏ cho thuê trong làng Dennis ở mũi Cod. Bà Alvirah Meehan vui vẻ gật đầu chào người láng giềng, một phụ nữ vóc dáng mảnh mai, trông trẻ như cô gái ở độ tuổi hai mươi.
Bà Alvirah và ông Willy nhìn quanh ngôi nhà thuê, cảm thấy hài lòng cái giường trang trí bốn hoa văn dây leo và tấm thảm trải sàn có hoa văn móc câu, phòng bếp sáng sủa với cái tủ lạnh còn mùi hải sản tươi, trước khi mở những chiếc va-li hiệu Vuitton đắt tiền như những quần áo chất trong đó. Willy đi rót hai ly bia lạnh cho mình và vợ rồi cùng ngồi trong phòng nhìn ra Vịnh.
Willy nghe con người mập mạp của mình rất là dễ chịu trên chiếc trường kỷ bằng mây đan, và thấy đất trời lúc hoàng hôn ở đây thật thú vị. Ông thầm cảm ơn Thượng đế đã tạo nên một cảnh bình yên như vậy. Cách đây hai năm, họ may mắn trúng 40 triệu đô-la trong một cuộc xổ số ở New York. Và từ đó, Willy và Alvirah như đi trong một vùng hào quang sáng sủa. Chuyến đi nghỉ đầu tiên của họ là đến suối nước nóng Cypress Point ở California và bà Alvirah suýt bị ám sát. Sau đó, họ lại lên một chuyến tầu biển và ngoài bà Alvirah ra thì chẳng ai biết về người đàn ông đang ngồi bên cạnh họ chỗ chiếc bàn ăn lớn trên tầu, là một con cá thu đang mắc lưới.
Với sự tích lũy mọi khôn ngoan ở cái tuổi 59, ông Willy tin rằng nếu đến mũi Cod, họ có thể tìm được những giờ phút tĩnh lặng hơn cả. Còn nếu để viết bài cho tờ New York Globe về một chuyến đi, có lẽ ông sẽ viết được về thời tiết và câu cá.
Trong khi ông nói, bà Alvirah chỉ yên lặng bên cái bàn xếp, cách người bạn đời của bà chừng mấy bước chân. Bà đang tiếc vì đã quên mua mũ. Một người ở mỹ viện Sassoon’s đã dặn bà đừng để mái tóc bị nắng.
Hồi có ý định đến nghỉ ở Suối nước nóng, Alvirah đã tốn ba nghìn đô-la để làm sụt cân đi, và bà mới có thể mặc các váy áo cỡ số 14 và 16. Còn ông Willy mỗi khi vòng tay ôm bà, ông sung sướng biết đây là người đàn bà của đời ông, không giống những người gầy nhom trong các tạp chí thời trang mà bà Alvirah thường nghiên cứu.
Sau bốn mươi năm lắng nghe những nhận xét chân tình của Willy, nay bà Alvirah chỉ còn nghe ông có một tai, có khi không nghe ông bằng tai nào nữa.
Bà ngước mắt, chăm chú nhìn vẻ yên tĩnh của ngôi nhà nhỏ, nổi lên trên những bãi cỏ và bờ cát chạy dài tạo thành một bức tường ngăn làn nước biển xanh rì với những tảng đá lô nhô đôi chỗ. Vẻ đẹp thiên nhiên sẵn có của mũi Cod vậy mà cũng không giúp bà viết nổi một bài để gửi cho Charles Evans, chủ bút tờ Globe.
Hai năm trước, Charley đã cử phóng viên đến phỏng vấn vợ chồng bà, rằng họ cảm thấy thế nào khi trúng số 40 triệu đô-la, rằng họ sẽ làm gì với số tiền này. Alvirah lúc đó làm nghề quét dọn, còn Willy là thợ sửa ống nước. Phóng viên hỏi rằng họ có tiếp tục làm những công việc này nữa không, thì bà đã trả lời một cách lửng lơ rằng bà không thể nói được. Và sau đó, bà vẫn còn cầm cây chổi và ăn mặc như các bà phù thủy trong nhóm “Những Hiệp sĩ của Columbus”. Nhưng rồi, bà lập bảng kê tất cả những thứ bà cần làm, đầu tiên là đến Suối nước nóng Cypress Point - nơi bà có ý định làm quen với những người nổi tiếng, mà bà đã từng nghe nói tới trong đời.
Điều đó khiến cho ông Charles Evans đề nghị bà viết một bài báo khi bà đến đấy. Ông ta đưa cho bà một món trang sức bằng bạc hình tia nắng mặt trời mọc, phía trong có giấu một cái máy ghi âm nhỏ xíu, để bà có thể thu băng tất cả những cuộc tiếp xúc của bà với mọi người, rồi theo đó mà viết thành bài báo. Cứ nghĩ đến cái máy ghi âm lần nào bà cũng tức cười, vì ông Willy thì cứ nói là bà đem tắm cái máy đó trong suối nước nóng.
Bà cố nhặt nhạnh từ cái máy những diễn tiến, những rắc rối bà đã gặp, và điều đó đem lại cho bà nhiều hứng thú. Và bây giờ bà là người bạn thân thiết của những người ở Cypress Point, và bà đến đó hàng năm như là một vị khách quý. Cũng như để cám ơn sự tiếp tay của bà trong việc phát hiện ra một kẻ giết người trên một chuyến tầu hồi năm rồi, họ được mời xuống tàu đến Alaska miễn phí, bất cứ khi nào họ muốn.
Mũi Cod rất đẹp nhưng bà Alvirah vẫn thầm nghi ngờ rằng đây chỉ là kỳ nghỉ thông thường, nên sẽ không giúp bà viết được một bài báo hay cho tờ Globe.
Trong lúc nhìn lên những que rào xộc xệch bên phải tầm mắt, bà thấy người phụ nữ trẻ hàng xóm đang đứng bên rào trước cửa nhà, ngóng mắt nhìn ra Vịnh với vẻ buồn bã lạ lùng. Bà nghĩ vậy vì thấy bàn tay cô ta nắm chặt cái hàng rào, biểu lộ điều gì đó thật căng thẳng. Hết sức căng thẳng. Cô ta quay lại, bắt gặp đôi mắt Alvirah đang nhìn mình thì vội quay đi ngay. “Cô ta làm như chẳng thấy mình gì cả”. Cái khoảng cách chưa đến 20 mét giữa họ không ngăn bà cảm giác rằng có những đợt sóng đau buồn và thất vọng ào ạt bổ xô tới trong lòng người phụ nữ trẻ này.
Tự dưng bà nghĩ đây có phải là dịp để bà tò mò coi có cái gì để bà quan tâm không. “Tôi nghĩ là tôi phải tự giới thiệu mình với người hàng xóm kia”. - Bà nói với chồng - “Cô ta đang bị rối vì điều gì đó”. Và bà bước xuống bậc cấp đi vòng đến chỗ hàng rào.
“Chào cô” - Bà nói giọng thân mật - “Tôi thấy cô vừa lái xe về. Chúng tôi mới đến đây chừng hai giờ, nên tôi muốn sang làm quen với cô. Tôi là Alvirah Meehan”.
Người phụ nữ quay lại và bà cảm thấy xúc động. Cô ta như một người bệnh nặng. Cái dáng vóc ẻo lả, mềm ra như tấm vải phủ quan tài, tay chân mảnh khảnh và yếu ớt. “Tôi đến đây một mình, không đám làm bạn với ai” - Cô ta khẽ nói tiếp: “Xin bà tha lỗi cho”.
Đúng là mọi việc coi như đã chấm dứt ngay lúc ấy - như bà Alvirah nhận định, sau đó - nhưng khi bà định quay gót lúc người phụ nữ trẻ vội vàng bước đi loạng choạng, nặng nề vào nhà, bà đã vội xông tới dìu cô ta, vì bà thấy cô ta bước đi thật khó khăn. Vào nhà, Alvirah phát hiện là cô ta bị một tai nạn gì đó, bà vội làm một bọc nước đá chườm cổ tay sung vù của cô ta. Tin rằng cổ tay của cô ta chỉ bị bong gân, bà giúp pha một tách cà phê mang đến. Người phụ nữ cho bà biết tên mình là Cynthia Rogers, dạy Tiểu học ở Illinos. Một chút chi tiết nhỏ đó giống như một quả bóng đang xì hơi trong tai bà - như bà kể lại với Willy khi trở về nhà một giờ sau - bởi vì trong vòng mười phút, bà đã biết người phụ nữ trẻ hàng xóm đó là ai - “Cô ta xưng là Cynthia Rogers, nhưng tên thật là Cynthia Lathern. Bị kết tội trong vụ án giết chết người bố dượng mười hai năm trước. Ông ta là một con ngựa đực. Tôi nhớ vụ án này như nó vừa xảy ra hôm qua”.
“Mình thì lúc nào cũng nhớ hết mọi chuyện như vừa mới hôm qua”, - Willy nhận xét.
“Thực mà. Mình quên là tôi luôn đọc những bài báo viết về các vụ án mạng sao? Nhưng vụ án này thì xảy ra ở đây, ở Mũi Cod. Cynthia đã thề rằng cô ta vô tội, cô ta vẫn nói có một nhân chứng có thể xác nhận rằng cô ta không ở nhà vào lúc xảy ra án mạng. Nhưng tòa án thì không tin lời khai cô ta. Tôi đang thắc mắc vì sao cô ta lại trở về đây. Tôi phải gọi cho tờ Globe và ông Charly sẽ gửi cho tôi tài liệu về vụ án này. Có lẽ cô ta vừa được trả tự do. Nước da cô ta xám xịt”. - Rồi đôi mắt Alvirah chợt sáng lên - “Có thể cô ta đến đây để tìm kiếm người làm chứng mất tích đó để minh oan cho mình. Tôi đang có một ý định tốt. Willy ơi, dù tôi cũng biết những ngày này là để dành cho chúng ta được nghỉ ngơi mà!”.
Trước sự ngạc nhiên của ông Willy, bà mở ngăn trên của tủ áo, lấy vật trang sức hình mặt trời mọc bằng bạc có giấu cái máy ghi âm ra, rồi quay số điện thoại nói chuyện với người chủ bút ở New York.
Hôm đầu tiên đó, ông Willy và bà Alvirah đi ăn tối ở nhà hàng Red Pheasant Inn. Alvirah mặc chiếc áo hoa màu xanh và vàng chanh rất sáng mà bà đã mua ở hiệu Bergdorf Goodman, và trong bộ áo này, bà muốn ông Willy không nhìn những gì khác trên người bà như hồi ông nhìn chiếc áo màu hoa bà đã mua ở hiệu Alexandre trước khi họ trúng số. “Đó là màu sở thích của mình mà” - Bà có vẻ mơ màng lúc trét bơ lên cái bánh nướng nhân mút quả. “Với tôi, thứ bánh nướng này ngon tuyệt. Còn mình, tôi rất thích khi thấy mình mua chiếc áo jacket bằng vải lanh vàng đó. Nó làm nổi bật đôi mắt xanh của mình, nhưng mình còn phải đi chọn một kiểu tóc nữa đấy”.
“Tôi chỉ thấy nó là con chim hoàng yến nặng hai trăm cân thôi” - Willy nhận xét - “Nhưng mình thì vẫn cứ thích nó hoàn toàn”.
Sau bữa ăn, họ đến nhà hát xem vở kịch vui của Debbie Reynolds mới dàn dựng do ban kịch Broadway diễn. Lúc vở diễn tạm nghỉ, họ ngồi ngoài bãi cỏ trước nhà hát uống nước giải khát có gaz thơm mùi củ gừng. Bà nói với ông Willy là bà rất hâm mộ Debbie Reynolds từ hồi Debbie còn rất trẻ, lúc viết nhạc với Meckey Rooney, để rồi sau đó gây ra điều khốn khổ cho Eddie Fisher khi làm cho cô ấy ôm nuôi hai đứa con. Nhưng điều gì là tốt cho ông ta? Alvirah nói một cách triết lý và nhắc chồng trở vào nhà hát để xem tiếp phần sau. “Ông ta đã không có gì may mắn sau đó. Con người không làm việc phải thì thường không gặt được điều gì thành công ở đoạn kết cả”. Nói chuyện ấy thì bà lại tự hỏi, không biết ông chủ bút có gửi tài liệu về người phụ nữ hàng xóm cho bà bằng cách nào nhanh nhất không, hay bà phải sốt ruột đợi đọc nó, nếu tòa soạn chỉ gửi nó cho bà theo cách thông thường.
Trong lúc họ đang say sưa xem kịch thì Cynthia Lathem cũng nhận thức rằng cô giờ đây đã được hoàn toàn tự do và mười hai năm ngồi tù đã lùi lại sau lưng cô. Mười hai năm... lúc tuổi trẻ của cô đang nhiều hứa hẹn từ trường Tạo mẫu Thiết kế ở Rhodt Island và ông bố dượng Stuart Richards thì bị bắn chết trong phòng làm việc tại ngôi nhà lớn của ông, ngôi nhà được phỏng đoán là của một thuyền trưởng có từ hồi thế kỷ thứ 18 tại Dennis.
Hồi trưa, trên đường đến đây, Cynthia có dịp nhìn lại ngôi nhà ấy. Bây giờ ai ở đó nhỉ? Cô băn khoăn. Bà chị Lillian, con riêng của người bố dượng đã bán nó đi hay vẫn còn giữ lại? Dòng họ Richards đã ở đó suốt ba đời, nhưng Lillian thì đâu có gì để quyến luyến nó. Khi Cynthia nhấn ga vọt đi, cô run rẩy với những hoài niệm miên man về cái đêm đen tối ấy và những chuỗi ngày tiếp theo... Khởi tố. Bắt giữ. Buộc tội. Và kết án. Lời khai đầu tiên của cô là: “Tôi có thể chứng minh một cách tuyệt đối rằng tôi đã ra khỏi nhà lúc tám giờ và đến nửa đêm tôi mới trở về đó. Vì tôi được mời đi chơi”.
Cynthia chợt rùng mình trong bộ áo váy bằng len màu xanh nhạt mặc bó sát thân hình mảnh khảnh. Cô đã nặng gần 52 kí-lô khi vào tù. Còn bây giờ: 50 kí-lô - không cân xúng với chiều cao 1 mét 70 của cô. Tóc cô ngày xưa vàng tươi óng ả, giờ chỉ là một màu nâu. Cô thấy buồn khi đưa tay lên vuốt mái tóc mình. Đôi mắt cô lờ đờ, vô hồn khi nhớ lại bữa ăn trưa hôm ấy và ông Stuart Richards đã nói: “Lúc nào trông cô cũng rất giống mẹ cô. Cô có nghĩ nhớ tới bà ấy không?”.
Mẹ cô đã về làm vợ ông Stuart ngày cô vừa lên tám, cho đến khi cô 12 tuổi, thời gian dài nhất so với những bà vợ khác của Stuart. Lillian, đứa con gái riêng của ông ta lớn hơn Cynthia 10 tuổi, sống theo cha, nhưng ít khi đến Mũi Cod.
Cynthia phải sạch cái tủ treo áo. “Có gì để thôi thúc mình đến đây không?”. Ra khỏi nhà giam mới hai tuần, tiền bạc chỉ đủ sống trong sáu tháng, cô chưa biết phải làm cái gì có thể làm hoặc làm gì cho cuộc đời mình. “Có phải mình đã chi tiêu quá lãng phí khi đến thuê ngôi nhà này, lại còn thuê một chiếc xe nữa? Mục đích nhằm vào cái gì? Mình có đủ hy vọng thành công không?”.
“Một cái kim trong vựa cỏ” - cô nghĩ. Đi vào phòng khách, cô tự nhiên so sánh nó với ngôi nhà của ông Stuart, thấy rằng ngôi nhà này quá nhỏ, nhưng sau nhiều năm trong chốn lao tù, cô cũng tưởng nó rộng như một cung điện.
Bên ngoài, từng con gió thổi nhẹ trong vịnh làm mặt biển xôn xao những ngọn sóng, như khi ta đánh sữa ở trong thùng. Cynthia đi ra cổng, một tay ôm chặt cánh tay bị bong gân cho đỡ lạnh. Cô ta ơn Chúa đã cho cô được thở lại bầu không khí trong lành và biết mình có thể thức dậy lúc bình minh, được đi dọc theo bãi biển như những ngày còn là một cô bé. Giờ đây, không có bức tường nào ngăn bước chân cô nữa. Mặt trăng hạ tuần gọn như chiếc thuyền. Ánh sáng lấp lánh trên mặt nước từng mảng bạc giữa đêm xanh. Ở phía của chỏm sóng nơi không có ánh trăng, làn nước tối thẫm.
Cynthia nhìn mặt biển mà nghĩ tới đêm ông Stuart bị bắn chết. Trong dịp hè, cô đã ở lại trường để học thêm, muốn việc học làm cô quên đi cái chết bất ngờ của mẹ cô trước đó ba tháng. Ông Stuart gọi điện mời cô về nhà một ngày cuối tuần. “Tôi đã đi châu Âu” - ông ta nói trong điện thoại - “Tôi mới hay tin thôi. Tôi buồn lắm, Cyndy ạ”.
Cô đồng ý đến nhà ông vì thâm tâm nhắc bảo cô như vậy, cũng như cô cũng biết có rất nhiều trắc trở trong tình yêu của ông ta và mẹ cô, và cô còn muốn chia xẻ với ai đó nỗi buồn đau vì mất mẹ của mình.
Lúc ấy, ông Stuart đã ở tuổi 60, nhưng còn có nét lắm. Tóc trắng, mắt xanh, dáng người chắc khỏe, tác phong như quân đội. Là một doanh nhân thành đạt, ông ta làm chủ một tài sản hai mươi triệu đô-la, là một con người khôn khéo, thủ đoạn nên không bao giờ có chuyện các bà vợ, các bạn bè hay những kẻ giúp việc tỏ ý dám buồn giận ông ta.
Kỳ nghỉ của cô nhằm lúc tiết trời nhiều mây, u ám. Còn ông Stuart thì ủ ê, lặng lẽ. Ông nói với cô rằng mẹ cô rất mẫu mực và ông đã có một người đàn bà chỉ cần dăm phút trong buổi sáng cũng đủ làm đâu đó sạch sẽ, gọn gàng.
Cynthia và ông Stuart dùng cơm tối ở Câu lạc bộ Wilianno Country đêm thứ Sáu. Ông ta để ý những lần cô có cử chỉ giống như mẹ cô nên nói: “Tôi vẫn luôn luôn nhớ tới bà ấy”, ông ta còn tỏ vẻ thân mật hỏi cô về người yêu của cô sẽ như thế nào. “Mẹ cô là một người thích tiêu tiền. Tôi vẫn để bà ấy không phải nghĩ gì về việc đó”.
Nhưng, mọi sự xếp đặt của ông ta thì không có chút gì hào phóng. Cynthia bỗng nhớ lại và chợt tức giận, cô nghe máu nóng dâng lên mặt mình: “Ông nói rằng ông rất đau buồn, nhưng ông đâu có tôn trọng mẹ tôi. Được, có thể là ông nói đúng. Nếu ông không lo nghĩ về từng mười xu tiêu pha của mẹ tôi. Vậy mà, mẹ tôi vẫn còn yêu ông tới lúc bà chết”.
Mặt ông Stuart tím lại như mọi lần khi không vừa lòng: “Tôi mời cô về đây vì tôi cảm thấy có chút nào đó gọi là trách nhiệm đối với cô, với tương lai của cô, cô gái trẻ. Cô đừng nên xỏ xiên tôi”.
Và Cynthia cũng kể lại việc đó cho vài người nghe khi cô trở về cái góc của cô ở nhà sau, phía cổng ra vườn.
Giữa trưa ngày thứ Bảy, tai họa bắt đầu. Ông Stuart đã nồng nhiệt chào đón người khách vừa tới và giới thiệu với mọi người: “Anh Ned Creighton. Tôi biết anh Ned này từ khi còn trẻ” - Ông nói - “Bao lâu rồi, Ned nhỉ?”.
“Gần ba mươi năm” - Ông Ned mỉm cười với Cynthia: “Chúng ta có gặp nhau trong một dịp hè, cô Cynthia còn nhớ không? Lúc đó cô chùng mười tuổi và cô đã làm ra vẻ như người lớn vậy”. Nụ cười của ông ta rất đáng chú ý.
Cô không nhớ rõ lắm, nhưng cô cũng lập tức xác định rằng ông ta có tới đây và một trong những lần đó lại có Lillian ở nhà. Từ khi Lillian tỏ vẻ ghét cô, thì không thấy cô ta tham dự vào bất cứ việc gì, nên cô ta rất ngạc nhiên khi gặp ông Ned.
Ông Ned mời cô dùng bữa tối và đi chơi thuyền. Ông Stuart nhất định khuyên cô nên đi. “Tôi đã xong mấy việc giấy tờ. Có vài việc tôi muốn cô cùng đi với tôi, ngày mai. Chuyện tiền bạc đó mà. Việc tờ di chúc của tôi, đại khái là như vậy”. Điều nhấn mạnh của ông ta làm cô thấy khó hiểu.
Cô và ông Ned dùng cơm tối ở nhà hàng “Chiếc bàn của thuyền trưởng”. Ông ta vui vẻ nói đùa: “Tôi nghĩ cô rất xứng đáng để có được nhiều hơn một kỳ nghỉ cuối tuần với ông Stuart, để không có gì gọi là mất mát. Chúa ơi, ông ta có làm gì khiến cô lo lăng không? Hay bắt chước tôi như hồi tôi còn nhỏ, là cứ làm thinh”. Đôi mắt ông ta nhíu lại, mái tóc cháy nắng tương phản với đôi mắt xanh, thân hình cường tráng đầy nam tính, nổi bật với chiếc áo thể thao và chiếc jacket bằng vải lanh xanh, giày ống trắng. Tự nó thể hiện một điều là ông ta khá hấp dẫn. Ông ta nói với Cynthia rằng đang tìm mấy nhà đầu tư, kiếm mua một ngôi nhà lớn ở Barnstable để mở nhà hàng. “Tầm cỡ cao cấp. Có thể là không tưởng mà cũng có thể vào thời điểm này năm tới, tôi sẽ mời cô đến dùng bữa tại nhà hàng của tôi ở Mũi Cod này”. Rồi ông ta hỏi cô về những dự tính tương lai.
“Tôi muốn học hết Trung học. Ông Stuart thanh toán các chi phí. Đúng ra thì ông ấy không có bổn phận đó. Tôi nghĩ rằng ông ấy quan tâm nhiều đến tôi vì muốn lôi kéo mẹ tôi trở lại, nhưng giờ thì chuyện đó không xảy ra được nữa rồi. Ông Stuart không phải là người bỏ ra cái gì mà không tìm cách thu lại một thứ khác. Ông có nhận xét gì về tiền bạc và thiện chí của ông ấy không?”.
“Có. Một con người may mắn”. Ông Ned gật đầu trả lời cô vậy thôi.
Cynthia nhớ rằng cô đã cười lớn vì những điều mà không biết rồi đây Mũi Cod có còn cái xó xỉnh nào để dành cho cô không. Từ nhà hàng “Chiếc bàn của thuyền trưởng”, họ lái xe tới chỗ đậu thuyền ở Cotuit, phía sau một ngôi nhà hoang vắng. Chiếc thuyền Christ Craft của ông ta chỉ dài có bảy mét.
“Để rồi sau này, cứ hai năm một, tôi sẽ mời cô đi chơi bằng thuyền buồm”. Ông ta lái thuyền ra xa trong vịnh đến nỗi đường bờ biển trông không còn rõ mấy. Màn đêm trùm xuống. Gió thổi nhẹ, mang nhiều hơi lạnh và mùi vị riêng của biển. Chung quanh họ, không có chiếc thuyền nào. Ông Ned bỏ neo: “Tôi nghĩ giờ mình nên uống chút gì trước khi về ngủ”.
Và trong những ngày dài đằng đẵng lúc ngồi tù, Cynthia vẫn nhớ mãi cái đêm hôm ấy, ông Ned mở một chai Champagne. Ngồi trước mặt cô, ông ta mỉm cười, châm thêm vào cốc của cô, đồng ý như cô rằng Mũi Cod là vùng đất đã ăn sâu vào máu thịt. “Tôi nhớ nơi đây nhiều lắm”, Cynthia cũng thú nhận như vậy.
Đó là lần đầu tiên từ sau khi mẹ mất, cô có được chút niềm vui. Cô cũng nói cho ông ta nghe dự định của cô muốn trở thành một chuyên viên tạo mẫu. Ông ta hỏi cụ thể là cô đã nhắm nơi nào để làm được công việc của mình. Cô trả lời có lẽ là New York, vì cô không còn mối bận tâm nào về gia đình để lôi cô trở lại Boston.
Ned lại hỏi cô về mối quan hệ giữa cô và ông Stuart. Cô cho biết trong thời gian mẹ cô và ông ấy ly dị nhau, cô rất ghét ông ấy: “Lúc đó, tôi mười hai tuổi. Tôi nhận thấy mẹ tôi yêu ông ấy biết bao nhiêu nhưng vẫn không muốn sống với ông ấy. Nếu ông biết nhiều về ông ấy, ông sẽ thấy bộ cánh chuồn chuồn của ông ấy. Ông ấy có thể để vài thứ sai chỗ rồi chỉ mặt mẹ tôi mà nói rằng bà không biết thu dọn, sắp xếp gì cả. Mẹ tôi thì đẹp thật, nhưng để đi dự một bữa ăn tối được mời, ông ấy bảo không thể mê nổi cái áo bà mặc, bà lại thay nó ra với thái độ vui vẻ. Một người đàn bà rất tự tin, không như người khác thì hoảng sợ khi cánh cửa bị đóng lại. Nhưng với tôi thì ông ấy luôn gật đầu, tỏ vẻ hài lòng mọi chuyện một cách chừng mực. Thực ra, ông ấy muốn có trách nhiệm với tôi, còn mẹ tôi thì không mong đợi điều ấy”.
“Cô có nhận ra được gì ở ông ta trong bảy năm qua không?” - Ông Ned hỏi.
“Không nhiều. Ông ấy đến sống ở New York cả mùa đông, lại còn đi đây đi đó. Nhưng ông ấy cũng gọi điện mời tôi đi ăn, hai hoặc ba lần trong một năm. Ông ấy luôn nói rằng: ‘Nếu mẹ cô vẫn thích đến đây, cô hãy nói với bà ấy rằng tôi rất vui mừng’. Bà thì không bao giờ thích, còn tôi có nhiều lúc lo ngại rằng không biết ông ấy muốn gặp tôi hay muốn biết tin tức về mẹ tôi. Nhưng tôi chỉ coi ông ấy là một người cũng như cha tôi thôi, vì thế tôi vui vẻ đến gặp, nhưng trong một ý nghĩ điên khùng nào đó tôi vẫn không hài lòng về ông ấy” - và cô tiếp - “Muộn rồi, có lẽ ta nên trở về”.
Nhưng ông Ned mở máy, thì nó không nổ. “Còn cái bộ đàm chết tiệt này cũng chẳng nối mạch được” - Ông ta cầu nhầu. “Nhưng thôi, nghe này. Cứ thong thả đã. Đêm nay trời đẹp. Rồi tôi sẽ chữa nó được ngay”.
Chiếc thuyền nổ máy được thì đã gần mười một giờ đêm. Cynthia thấy lạnh và đói vì trong bữa tối cô chỉ ăn có mỗi món rau. Khi họ về đến chỗ đậu thuyền cô nói họ nên ghé lại mua bánh mì kẹp thịt băm viên.
“Sao không về kiếm thứ gì đó ở nhà?” Ông Ned nói, với vẻ không bằng lòng.
“Ông có đi một vòng qua bếp nhà ông Stuart lần nào đâu?” Cô trả lời và cười lớn. Thế nên ông Ned phải lái xe ghé lại cửa hiệu bán bánh. Nhạc Rock vang lên ầm ĩ mà ngồi trong xe, cô vẫn nghe rõ. Ned bảo: “Ngồi đây chờ tôi” và cô ngoan ngoan nghe lời. Cô quay kính xe xuống. Một người đàn bà béo lùn, ngồi trong chiếc xe bên cạnh, và cô nghe tiếng bà ta nói rất lớn: “Mẹ cha mấy thằng lỏi con. Mẹ cha ba cái thứ điếc tai đó. Bốn chục năm sống ở Mũi đất này, càng ngày càng bị tra tấn vì đủ mọi tiếng ồn”.
Vừa nói, người đàn bà vừa mở cửa xe ra, bên phía chiếc Buick của ông Ned. Bà thò đầu vào cửa xe nói với Cynthia: “Cô coi có phải vậy không? Tôi nhức hết cả đầu vì nó... Cái điệu nhạc Rock and Roll làm tôi nghe mà cứ muốn giết người... Nói vậy chứ tôi không hề đem cái ý nghĩ bạo động của mình để xâm phạm tự do và sự riêng tư của người khác đâu”. Bà ta rút đầu ra khỏi xe của ông Ned rồi tiếp: “Không có đạo đức. Tôi thề là như vậy!”.
“Tôi cũng nghĩ thế là tốt hơn” - Cynthia đáp lại. Bà ta hướng mắt nhìn về phía cửa hiệu bánh. Bà chừng bốn mươi tuổi hay hơn một ít, khá mập và lùn, tóc ngắn nhuộm màu cam, bộ áo đang mặc hơi lôi thôi, nhưng bước đi khỏe khoắn, không có vẻ gì là người không bình thường.
Ông Ned tỏ ra rất khó chịu khi trở lại với hộp bánh cầm trên tay: “Cái bọn thổ tả kia đúng là chẳng đứa nào biết mình còn có cái đầu. Ai nói gì chúng cũng như đui, như điếc”. Thấy ông ta như vậy, Cynthia cũng không nói cho ông ta biết người đàn bà kia vừa phát biểu những gì. Thái độ vui vẻ từ chiều của ông ta đã biến mất. Đưa bánh cho cô, ông ta nói mình không đói. Ông ta cũng không mua thứ gì cho bản thân mình.
Lái xe trở về Dennis trên quãng đường không quen cũng mất bốn mươi lăm phút. Đến trước ngôi nhà của ông Stuart, ông Nel mở cửa xe cho Cynthia xuống và nói nhanh: “Mọi việc rồi sẽ tốt đẹp thôi, Cynthia”. Giọng ông ta nghe có vẻ rất bục bội và cộc cằn. Ông cũng không bước xuống để tiễn cô đến cửa.
Cynthia bước vào bên trong ngôi nhà đã hoàn toàn im lặng. Thấy ánh đèn trong phòng làm việc của ông Stuart còn sáng, cô gỗ cửa rồi nhìn vào trong. Ông Stuart nằm sóng soài trên tấm thảm trải sàn gần cái bàn viết, máu đẫm trên trán, trên mắt và vương vãi quanh chỗ nằm. Cô bước tới, nghĩ rằng có lẽ ông Stuart bị choáng nên ngã. Khi đặt tay hất tóc ông ta lên, cô nhận ra dấu đạn ở trên trán, rồi thấy khẩu súng ngắn bên cạnh bàn tay ông ta.
Trong tâm trạng sửng sốt, cô nhặt khẩu súng và đặt nó lên bàn viết, rồi gọi điện cho cảnh sát: “Tôi nghĩ là bố dượng tôi, ông Stuart Richards, đã tự tử”. Và cô ngồi bên cạnh cái xác, thẫn thờ khi cảnh sát đến.
Khi điều tra xác minh những gì cô kể, thì ông Ned nói rằng ông ta không ở cùng cô sau tám giờ tối. “Tôi đã đưa cô ấy về nhà ngay, sau bữa ăn ở nhà hàng ‘Chiếc bàn của thuyền trưởng’. Bố dượng của cô gái muốn nói với cô ấy một chuyện riêng của gia đình”...
Cynthia lắc đầu. Đêm nay, có nhớ lại gì thì cũng không ngoài cái đêm đó. Cô nghĩ, lúc này nên để cho sự bình yên nơi đây làm nhẹ lòng cô, cô lên giường cố dỗ giấc ngủ. Cô không đóng các cửa sổ nên nửa đêm gió mạnh lùa vào căn phòng thổi tốc tới gối cô nằm làm khuấy động giấc ngủ của cô, dù cô đã đắp chăn qua người. Cô dậy thật sớm và đi bộ ra bãi biển, cảm thấy cát ướt dưới chân, mắt cô tìm kiếm những vỏ sò giống như ngày cô còn bé. Ngày mai. Cô sẽ phải sắp xếp cho mình một ngày mai nhiều tính toán. Bổ sung từng chút một, làm đầy đủ những sự kiện mà cô còn nhớ như in, và cô sẽ truy tìm cái mà có thể coi là một điều vô vọng. Đó là tìm cho ra người đàn bà biết rõ rằng cô đã khai báo thành thật.
Sáng hôm sau, lúc bà Alvirah chuẩn bị bữa điểm tâm ông Willy lái xe đi mua mấy tờ báo. Ông trở về còn mang thêm một túi bánh nướng xốp nóng hổi. “Tôi đã hỏi khắp nơi” - Ông khoan khoái khoe với vợ - “Người ta bảo cứ đi tới Just Desserts, kế bên Bưu điện là có bánh nướng xốp ngon nhất ở Mũi Cod này”.
Hai người dùng bữa sáng trên cái bàn xếp và bà đã ăn đến cái bánh nướng thứ hai. Vừa ăn, bà vừa để ý đến những người tập thể dục hay đi bộ buổi sáng trên bãi biển: “Nhìn kìa, cô ta đó!”.
“Đó là ai?”.
“Cynthia Lathern. Cô ta đã đi như vậy chừng một giờ rưỡi rồi. Tôi chắc rằng cô ta đã đói”.
Khi Cynthia rảo bước trở về, cô gặp nụ cười rạng rỡ của bà Alvirah người đang thân mật nắm cánh tay cô: “Tôi mới pha cà phê ngon lắm, và có cả nước cam tươi. Mời cô sang nếm thử chút bánh nướng với chúng tôi”.
“Thục tình tôi không muốn ăn”. Cynthia từ chối nhưng chân cô đã bước qua bãi cỏ. Ông Willy đứng lên lấy chiếc ghế đệm dài để cô ngồi:
“Cổ tay cô đỡ chưa?” - Ông hỏi - “Ba Alvirah nhà tôi từ lúc qua chơi bên cô về, cứ lo cho cái cổ tay bị bong gân ấy”.
Cynthia thấy nỗi phiền muộn của cô đang lắng dịu vì sự chân tình ấm áp của hai gương mặt này. Ông Willy có đôi má tròn trịa, vẻ mặt an phận và tóc trắng dày gợi cô nhớ tới Tip O’Neill. Cô nói ra điều đó làm ông Willy cười rất tươi: “Cô bạn đã nhận ra tôi trong cửa hiệu bánh rồi. Điều khác duy nhất đó là ông Tip là Chủ tịch Hạ viện ở trong nhà, còn tôi thì chỗ nhà vệ sinh ở ngoài nhà. Tôi là thợ sửa ống nước về hưu mà”.
Cô nhắp tùng ngụm nước cam tươi, uống chút cà phê và ăn một cái bánh nướng, lắng nghe mà không tin lắm, cũng như rất ngạc nhiên khi bà Alvirah kể chuyện bà trúng số, chuyện đến Suối nước nóng Cypress Point, giúp tìm ra dấu vết kẻ giết người, rồi đi trên chuyến tàu biển của người Alaska, xác định kẻ sát nhân là người ngồi bên cạnh họ chỗ cái bàn ăn lớn trên tàu.
Chiều lòng bà, Cynthia uống thêm một tách cà phê nữa. “Bà nói với tôi những chuyện ấy là có dụng ý phải không?” - Cô hỏi - “Hôm qua bà cũng nhận ra tôi là ai rồi, đúng không?”.
Alvirah hơi bối rối: “Đúng vậy”.
Cynthia đẩy chiếc ghế cô ngồi ra phía sau: “Bà hết sức tử tế và tôi nghĩ rằng bà muốn giúp đỡ tôi, nhưng cách tốt nhất bà có thể làm, là bà cứ để tôi tự lo liệu một mình”.
Bà Alvirah ngồi đó, nhìn cô gái thong thả bước đi giữa hai ngôi nhà nhỏ: “Cô ta đã tiếp nhận được một chút nắng sáng nay”. - Bà nói - “Từ từ rồi sẽ ổn. Cứ từng chút một, dần dần rồi cô ta sẽ là một cô gái đẹp”.
“Mình cũng có đủ dịp tốt để phơi nắng sáng ở đây vậy” - Willy cắt lời - “Mình đã nghe cô ta bảo sao rồi mà”.
“Ôi, mình quên chuyện đó đi. Chừng nào ông Charley gửi tài liệu về vụ án của cô ta tới đây, tôi sẽ có cách giúp đỡ cô ta”.
“Ôi, Chúa ơi” - Willy kêu lên - “Tôi biết trước, rồi đây chúng ta sẽ trở lại nơi này lần nữa”.
“Chẳng biết cái ông Charley làm ăn ra sao rồi?” - Bà thở dài vì mong đợi.
Và xấp tài liệu đã đến với bà khi hai người ăn sáng xong. “Ông ấy gửi cả tập tới đây, vậy mà vẫn còn thiếu bản sao phiên tòa. Ông ấy lại phải lục tìm cho ra, một hai ngày nữa đây”. Alvirah cắn môi suy nghĩ.
Ông Willy ngả người trên trường kỷ mà ông rất thích, đọc gần hết phần tin thể thao trên bốn tờ báo ông hay đọc thường xuyên: “Rồi mình phải gắn cho đội Mets một cái cờ đuôi nheo thôi” - Ông buồn bực bình luận một mình.
Alvirah thì không nghe ông nói gì: “Ông bạn đời Willy” - Bà gọi ông bằng giọng mỗi lần bà có điều gì quan trọng cần trao đổi - “Mình có nghĩ cô gái đó bị điên không?”.
Willy cũng biết là bà đang muốn nói tới ai: “Tôi cho rằng cô ta là một người tốt. Tôi cảm thấy tội nghiệp cho cô ta”.
“Tôi cũng nghĩ như mình. Vậy mình có nghĩ rằng cô ta thông minh không?”.
“Sáng dạ cũng là cái nút mở. Mình sẽ nói như thế thôi”.
“Mình nói đúng. Này nhé, tôi đã đọc lại tất cả các bài báo viết về vụ án đó. Bây giờ, tại sao cần phải đòi hỏi ở cô ta một sự thông minh, sắc bén dù cô ta chỉ mười-chín-tuổi. Câu chuyện đã không làm ai tin vì ngớ ngẩn, không xác định được chỗ nào cô gái đó đã có mặt, trong lúc người bố dượng bị giết ở nhà. Và cô ta đâu phải là đần độn hay điên rồ mà đi cầu xin một kẻ xa lạ, vô can làm chứng cho mình” - Bà lắc lắc đầu - “Vậy là đã có lời khai không đúng sự thật của người làm chứng. Tôi dám cá cược bằng tất cả số đô-la của mình rằng kẻ giết người không phải là Cynthia. Nhưng còn tại sao cô ta lại đến đây?” - Lời nói của Alvirah thêm sôi nổi và cao giọng hơn - “Tôi sẽ nói cho mình biết tại sao, ông bạn đời của tôi ơi. Đó là cô ta còn muốn tìm cho ra kẻ đã giết ông Stuart Richards đêm ấy, và rửa sạch cái tên mình”. Bà có vẻ vui thích: “Có phải là may mắn lắm không, khi tôi có ở đây để giúp cô ta một tay”.
Willy nằm xuống tràng kỷ, trở về với những trang tin thể thao: “Chúa ơi” - Ông lần nữa kêu lên.
Ngủ được từng giấc dài trong những đêm bình yên với những giờ đi bộ buổi sáng sớm có tác dụng xua bớt thứ cảm giác tê liệt từ lúc Cynthia nghe Tòa tuyên án mình mười hai năm tù trước đây. Tuy vậy, mọi biểu hiện từ cách ăn mặc của cô vẫn còn vết tích của những năm vừa qua vì một cơn ác mộng, trong đó cô phải cố mà tồn tại, nhưng tồn tại bằng sự giá băng mọi cảm xúc. Cô là một phạm nhân gương mẫu. Cô sống lặng lẽ, từ chối mọi thứ tình bạn. Cô học tất cả những gì mà bài học của nhà tù đã dạy cô. Cô đã tốt nghiệp bằng lao động trong việc giặt giũ và bếp núc, đến công việc giấy tờ trong thư viện và phụ giúp giảng bài trong lớp mỹ thuật. Và sau một thời gian làm quen dần với thứ thực tế đáng buồn có từ một điều oan khiên áp đặt cho cô, cô bình tĩnh hồi tưởng lại và cô vẽ theo trí nhớ của mình. Gương mặt của người đàn bà béo lùn ở chỗ đậu xe. Điểm bán bánh mì kẹp thịt. Chiếc thuyền của ông Ned. Từng chi tiết, cô có thể làm cho nó rõ nét hơn so với trí nhớ. Khi hoàn tất, cô đã có bức tranh của cửa hiệu bán bánh, nhưng cũng rất dễ tìm thấy cửa hiệu đó bất cứ nơi nào trên nước Mỹ. Một chiếc thuyền cũng giống như bất cứ chiếc Chris Craft nào trong năm đó. Chỉ có bức tranh vẽ người đàn bà thì tuy ít rõ nét nhưng cô biết rằng không khác lắm. Lúc đó trời quá tối. Cuộc đối thoại diễn ra rất ngắn, chỉ có mấy câu. Vậy mà người đàn bà đó lại là nguồn hy vọng duy nhất của cô. Vì cô không thể nào quên phần tóm tắt tại cuối phiên tòa, là lời luận tội của công tố viên.
“Thưa quý tòa, Cynthia Lathern đã trở về nhà của ông Stuart Richards trong khoảng thời gian từ tám giờ đến tám giờ ba mươi phút đêm mồng hai tháng Tám năm 1976. Cô ta đi vào phòng làm việc của người bố dượng. Vì quá trưa hôm đó, ông Stuart Richards đã nói với Cynthia rằng ông ta định sửa lại di chúc. Nhân chứng Ned Creighton có nghe cuộc đối thoại này giữa Cynthia và ông Stuart. Vera Smith, nữ tiếp viên ở nhà hàng ‘Chiếc bàn của thuyền trưởng’ có nghe Cynthia nói với ông Ned rằng cô ta phải bỏ trường nếu người bố dượng không muốn đóng tiền học cho cô nữa.
Cynthia Lathern trở về nhà ông Richards giận dữ và lo lắng. Cô ta đi vào phòng làm việc, đến trước mặt ông Stuart Richards. Ông ta là một người vui tính và đã thu phục được những người ở quanh ông ta. Trước đây ông đã sửa lại di chúc. Ông đã có thể cứu được mình nếu ông nói rõ ràng với đứa con gái riêng của vợ, thay vì một vài ngàn đô-la thì ông lại cho cô ta đến phân nửa tài sản của mình. Ông chọc tức cô để đùa chơi. Đã sẵn có mối giận ông ta trong cách đối xử với mẹ cô, cô càng giận thêm khi nghĩ rằng rồi đây cô phải bỏ trường và trở về với cái thế giới không đồng xu dính túi, cô ta đi đến chỗ hộp đựng huy chương mà cô biết ông Stuart có giấu khẩu súng ngắn trong đó, cô ta lấy súng ra và bắn ba phát vào trán ông ta, người rất yêu quý cô ta đến độ di chúc cho cô ta được thành người thừa kế”.
“Thật là trớ trêu. Thật là bi thảm. Mà cũng thật là tàn bạo. Cynthia xin Ned Creghton khai rằng cô ta đã đi chơi thuyền với ông ta tối hôm đó. Không ai nhìn thấy họ lên thuyền cả. Cô ta cũng nói có dừng lại chỗ cửa hiệu bán bánh mì, nhưng cô ta không nhớ rõ nó ở chỗ nào. Cô ta miễn cuỡng thừa nhận rằng cô ta không có đi vào cửa hiệu bánh. Cô cho biết cô có nói chuyện với một người đàn bà tóc màu cam ở chỗ đậu xe. Với trình tự xét xử công khai vụ án này, tại sao không thấy người đàn bà xa lạ ấy ra làm chúng? Điểu đó ai cũng rõ lý do. Bởi vì người đàn bà ấy không có thực. Cũng giống như chỗ bán bánh mì và những giờ ngồi thuyền trên Vịnh Mũi Cod, bà ấy là một nhân vật được Cynthia Lathern bịa đặt ra, theo trí tưởng tượng của cô ta”.
Cynthia đã đọc bản sao phiên tòa rất nhiều lần nên lời tóm tắt đó ăn sâu trong trí nhớ của cô. “Nhưng bà ta có thật mà” - Cô buộc miệng nói lớn lên - “Bà ta là thật”. Trong sáu tháng tới đây, bằng số tiền bảo hiểm ít ỏi của mẹ cô để lại, cô phải tìm cho ra người đàn bà đó. Cô có thể chết ngay bây giờ hoặc cô sẽ đến California. Cynthia nghĩ vậy trong lúc cô chải lại mái tóc và buộc nó lên thành búi.
Phòng ngủ trong ngôi nhà này nhìn thẳng ra biển. Cô đi lại mở cửa sổ. Cô thấy trên bãi biển phía dưới đó, có những cặp vợ chồng đi cùng những đứa con của họ. Nếu cô muốn có một cuộc sống bình thường như mọi người, có một người chồng, có một đứa con, cô phải rửa sạch được cái tên của mình trước đã.
Cô nghĩ đến Jeff Knight. Cô biết anh năm rồi khi anh đến làm một loạt phóng sự về các nữ tù nhân, để phát sóng trên màn ảnh truyền hình. Anh mời cô tham dự, nhưng cô từ chối. Anh cương quyết mời cô cho bằng được. Gương mặt thông minh và mạnh mẽ của anh tỏ rõ một con người có ý chí không gì lay chuyển được. “Cô không biết sao, cô Cynthia, phóng sự này được thực cho cả triệu cặp vợ chồng ở New England này xem. Biết đâu, người đàn bà nói chuyện với cô đêm đó sẽ là một trong số những người theo dõi chương trình truyền hình này”.
Đó là lý do khiến cô đồng ý trả lời các câu hỏi, kể lại cái đêm ông Stuart Richards bị giết, mô tả vóc dáng người đàn bà nói chuyện với cô ở chỗ đậu xe trước cửa hiệu bán bánh mì. Nhưng rồi cũng chẳng có ai ra mặt tự nhận mình là người đàn bà đó.
Tại New York, Lillian phổ biến một bản tuyên bố, nói rằng sự thật đã được nói hết ở phiên tòa rồi và cô ta không muốn có một nhận định nào khác nữa. Ông Ned Creighton đang là chủ nhà hàng Mooncusser ở Barstable thì nhắc đi nhắc lại là ông ta lấy làm tiếc cho Cynthia.
Làm xong chương trình đó, Jeff vẫn đến gặp cô luôn, vào những ngày thăm nuôi. Những cuộc viếng thăm này của anh ta đã giúp cô phần nào bớt thất vọng, dù chương trình tuy được phát sóng rộng rãi cũng chưa đem lại cho cô cái điều cô mong đợi. Lần nào anh đến, cô cũng thấy quần áo anh nhăn nhíu, đôi vai thì rộng căng trong chiếc jacket, mái tóc đậm màu hung bồng bềnh, nhiều nhóm tóc rủ trên trán, đôi mắt màu nâu sáng và hiền lành. Cô nhận thấy không có ai trong phòng thăm nuôi có đôi chân dài như của anh. Anh nhắc mãi với cô điều anh mong muốn là hai người sẽ cưới nhau sau khi cô ra tù, nhưng cô lắc đầu, nhẹ nhàng bảo anh nên quên cô đi. Anh còn rất nhiều việc phải làm hơn ở Đài truyền hình, anh không nên để một người bị kết án sát nhân dính líu đến cuộc đời anh.
“Nhưng, mình bị kết án mà mình có phải là kẻ giết người đâu”. Cynthia nghĩ vậy khi đi từ cửa sổ trở vào. Cô đến cái tủ áo bằng gỗ cây thích, lấy cái ví rồi đi ra chỗ đậu xe.
Trước khi trời tối cô quay về Dennis. Không đạt được chút kết quả nào trong khi từng ngày, từng giờ đi qua thật lãng phí khiến nước mắt cô ứa ra. Cô cứ để cho nước mắt cứ lăn trên má và chảy dài xuống cổ mình. Cô đã lái xe đến Cotuit, đi bộ trên những đường phố chính, hỏi thăm một chủ hiệu sách - người có vẻ đã sống nhiều năm ở đây - về một cửa hiệu bánh mì chừng mười năm về trước. Cô muốn tìm ra một dấu vết gì đó, nhưng người chủ hiệu sách nhún vai: “Họ đến đây rồi họ lại đi. Cũng có thể nó đã được bán lại cho người khác để xây thành một Trung tâm thương mại, hoặc là chung cư. Những điểm bán bánh mì thế là biến mất”. Cô đến Tòa thị chính lục tìm trong những danh mục các cửa hàng bán thực phẩm được in và cập nhật năm 1979. Chỉ có hai cửa hiệu bánh mì nay còn hoạt động. Một cửa hiệu thứ ba đã thay đổi ngành nghề, hoặc đã đóng cửa, không bán buôn gì nữa. Và không có cái nào trong số ba cửa hiệu này có chút dấu vết gì theo trí nhớ của cô cả, cũng như có lẽ cô cũng không thể tin rằng mấy cửa hiệu này đã từng có mặt ở Cotuit. Đã như thế thì ông Ned lại càng có dịp để nói láo thêm dễ dàng. Và chắc không ai có thể đi hỏi hết mọi người xa lạ rằng họ có biết một người đàn bà ngoài bốn mươi tuổi, có mái tóc màu cam, vừa béo vừa lùn, đã sống hoặc đã đến nghỉ mát ở Mũi Cod cách đây hơn mười ba năm, một người rất thù ghét nhạc Rock-and-Roll, là người nào không?
Lúc lái xe về tới Dennis, Cynthia cũng không chú ý để rẽ vào nhà mình, mà lại lái qua ngôi nhà của ông Richards. Và khi chạy xe ngang qua đó, cô thấy một người đàn bà tóc bạch kim đang bước xuống thềm nhà. Dù có một khoảng cách, cô cũng nhận ra đó là Lillian. Cynthia cho xe chạy thật chậm, nhưng khi Lillian nhìn về phía cô, cô vội nhấn ga phóng xe đi. Đang mở khóa cửa, cô nghe chuông điện thoại reo. Nó phải reo mười lần trước khi ngừng. Có thể là Jeff gọi, nhưng cô không muốn nói chuyện với anh. Mấy phút sau, nó lại reo lên lần nữa. Hiển nhiên là Jeff đã mò ra số điện thoại của cô và anh cố gọi cho bằng được.
Synthia nhấc máy lên: “Alô!”.
“Mấy ngón tay của anh đã mỏi nhừ vì bấm nút rồi đây” - Jeff nói - “Em lẩn tránh tài thế?”.
“Làm sao anh biết được em ở đây vậy?”
“Điều đó khó gì. Anh đã biết em sẽ quay lại Mũi Cod, như chim bồ câu cứ phải bay về nhà vậy. Và người sĩ quan phụ trách phóng thích em đã xác nhận điều đó”.
Cô có thể nghe tiếng anh ngả người trên ghế, chắc anh đang xoay xoay cái bút chì, còn đôi mắt thì nghiêm trang nhìn lên.
“Jeff, hãy quên em đi. Để cả hai đều được thanh thản”.
Giọng nói của Jeff rất nhẹ: “Đừng nói thế Cindy. Anh hiểu mà. Nhưng chỉ trừ khi nào em tìm thấy người đàn bà đó, chứ không thì thật khó để chứng minh rằng em vô tội. Em hãy tin ở anh. Anh cũng cố tìm người đàn bà đã nói chuyện với em đêm đó. Lúc làm chương trình năm rồi, anh đã giấu em gửi nó cho các điều tra viên. Nếu họ không tìm được bà ta, thì em cũng vậy. Cindy, anh yêu em. Anh biết em vô tội. Anh biết sự ngoại phạm của em. Ned Creighton đã khai láo, nhưng ta chưa chứng minh được điều đó”.
Cynthia nhắm mắt lại, cô biết Jeff nói với cô bằng cả sự chân tình.
“Cindy, xếp lại mọi chuyện đi. Sắp đồ vào va-li rồi lái xe về đây. Anh sẽ đón em lúc tám giờ tối nay, ở chỗ của em”.
Chỗ của em? Một căn phòng có trang bị đủ đồ dùng mà người sĩ quan phụ trách phóng thích đã giúp cô lựa chọn: “Cứ đến gặp bạn gái của tôi. Cô ấy cũng vừa ra tù. Cái gì mẹ cô đã phải làm trước khi lấy chồng? Chỗ bà ấy lúc đó đâu phải là đang ở trong tù?”.
“Tạm biệt, Jeff”. Cynthia nói, cúp máy và quay lưng lại.
Bà Alvirah thấy Cynthia đã trở về nhưng bà chưa có ý định gặp cô. Buổi trưa, ông Willy đã đi ra biển bằng chiếc thuyền thuê trong nửa ngày và trở về đắc thắng với hai con cá bluefish. Trong lúc ông vắng mặt bà đã nghiên cứu những mẩu báo được cắt ra, viết về vụ Stuart Richards bị ám sát. Hồi đến nghỉ ở Suối nước Cypress Point, bà cũng có nghe người ta nhắc lại và bàn tán về vụ án đó, bà đã thu vào máy ghi âm nhận xét của mình. Cả buổi chiều, cái máy của bà làm việc không nghỉ.
“Mấu chốt của vụ án này là tại sao Ned Creighton không khai rõ sự thật? Ông ta biết Cynthia đang ở trong tình cảnh khó khăn. Tại sao ông ta còn gài cô ấy vào chỗ bị kết tội về cái chết của Stuart Richards? Ông Richards có một số kẻ ganh ghét. Ông bố của Ned cũng từng có quan hệ buôn bán với Stuart, lúc ấy Ned chỉ là một đứa trẻ. Ned là bạn của Lillian Richards. Lillian thề là cô không biết gì về việc cha cô sửa lại di chúc, nhưng cô luôn luôn biết rằng cô sẽ nhận được một nửa gia tài của cha mình, còn một nửa kia thuộc về Trường Trung học Darmouth. Cô nói cha cô khó chịu khi trường Darmouth quyết định tiếp tục nhận nữ sinh, nhưng cô không biết cha cô có gặp rắc rối gì trong việc sửa lại bản di chúc để chuyển quyền thừa kế từ trường Darmouth sang cho Cynthia không”.
Alvirah tắt máy ghi âm. Điều này chắc chắn đã khiến cho một người nào đó bày ra một biến cố làm sao để Cynthia bị coi là tội phạm giết chết người bố dượng, thì cô sẽ bị mất hết phần thừa kế của người chết để lại. Khi đó, Lillian thì thừa hướng tất cả. Lillian đã kết hôn với người đàn ông nào đó ở New York một thời gian không lâu sau khi vụ án được xét xử. Từ đó đến nay, cô ta đã ba lần ly dị. Như vậy, cũng không có nghĩa là vì Ned Creighton mà cô từng có quan hệ tình cảm. Điều đó có lẽ cũng chỉ là một chỗ để ghé lại bên đường mà thôi. Vậy thì ai đứng đàng sau lưng Ned?
Willy bước vào phòng, tay cầm mấy miếng cá ông đã làm sạch sẽ: “Mình vẫn còn ngồi đó sao?” - Ông hỏi.
“Ứ, ừ.” - Bà cầm lên một mẩu báo: “Tóc màu cam, vừa béo vừa lùn, quá bốn mươi tuổi... Mình có thể tả được tôi một cách chính xác vào thời gian cách đây mười hay năm không?”.
“Mình biết quá rồi mà. Tôi có bao giờ gọi mình là vừa béo vừa lùn đâu?” - Ông thoái thác.
“Tôi không nói rằng mình đã gọi. Mà tôi muốn mình tả hình dạng tôi lúc đó như thế nào kìa... Tôi cần nói chuyện với Cynthia. Tôi thấy cô ta đã vào nhà mấy phút rồi”.