Tản Đà

    
à một thi nhân khét tiếng về ngông ở giữa giữa buổi giao thời Pháp – Nam, Ông Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu sinh năm 1888, tại làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây, nơi gần núi Tản sông Đà ; và mất ngày 17 tháng 6 năm 1939, tại nhà số 71 ngã tư Sở Hà - Nội
 

 
Thân phụ ông là cụ cử nhân Nguyễn Danh Kế, làm quan đến án – sát. Thân mẫu là một người cũng có Nho học và cũng từng họa thơ với bà Nhan Khanh con gái quan phó - bảng Vân Đình.
Xuất thân trong một gia đình khoa bảng, thuở nhỏ, ông Tản Đà cũng theo cử -nghiệp. Nhưng thi mấy lần đều không đổ. Rồi sau khoa Nhâm Tí (1912) ông theo học chữ Quốc - ngữ và bắt đầu viết Giấc Mộng Con.
 Sau đó, Tản Đà được cụ Trịnh Xuân Nhan giáo thụ trường Hậu - bổ giới thiệu với ông Nguyễn văn Vinh, Thi văn của Tản Đà được đăng lên Đông Dương tạp chí, và được nhiều người chú ý.
Khi phong trào cải lương ở Bắc nhóm lên, ông được ông Nguyễn đìng Cao mời về cộng tác. Ông soạn các vở tuồng Tây – Thi, Lưu Nguyễn nhập Thiên Thai  v…v… Dần dà, ông cho xuất bản những tác phẩm : Khối tình con, Khối tình, Lên Sáu, Lên Tám, Đài gương và Đàn bà Tàu.
Kế đó, Tản Đà được các ông Nguyễn huy Hội, Nguyễn mạnh Bảo mời làm chủ bút báo Hữu Thanh. Được ít lâu, ông từ chức và xuống làng Văn – quán cùng với hai ông Nghiêm thượng Văn, Đặng đức Tô lập Tản Đà thư cực ở hàng Gai

 
 
Trong thời gian này, Tản Đà cho xuất bản các tác phẩm : Thiên Quốc Phong, Đại học và Quốc sử huấn mông. Rồi ra tờ An Nam tạp chí. Tờ này ra được ít lâu phải tự đình bản vì tài chánh ngặt nghèo, ông Tản Đà phải quay về dịch Đường – thi cho báo Ngày Nay, chú thích truyện Kiều và dịch Liêu Trai Chí dị cho nhà xuất bản Tân Dân, cùng giữ mục thi đàn cho Tiểu thuyết tuần san.
Ngoài sự nghiệp thi văn trên này, ông Tản Đà còn thuyết minh cả triết học Phật giáo và giúp cho tờ « Tiếng Chuông Sớm » cơ quan của hội Phật giáo so sư cụ tổ Đinh xuân Lạc chủ trương

 
THI TUYỂN
TỰ TRÀO
(Sau khi hỏng thi ở trường Nam Định)
Vùng đất Tây Sơn nẩy một ông,
Tuổi chửa bao nhiêu, văn rất hùng.
Sông Đà núi Tản ai hun đúc ?
Bút Thánh, câu Thần sớm vãi vung.
Chữ chữ nôm nôm nào kém cạnh ;
Khuyên khuyên, điểm điểm có hay không ?
Bởi ông hay quá, ông không đỗ,
Không đỗ ông càng tốt bộ ngông.
 

 
BỨC DƯ ĐỒ RÁCH
Nọ bức dư đồ thử đứng coi,
Sông sông núi núi khéo bia cười.
Biết bao lúc mới công vờn vẽ ,
Sao đến bây giờ rách tả tơi ?
Ấy trước ông cha mua để lại,
 Mà sao con cháu lấy làm chơi !
Thôi thôi có trách chi đàn trẻ ?
Thôi để rồi ta sẽ liệu bồi.

 
MẮNG CON QUỐC TIẾC XUÂN
(Gởi cho các chiến sĩ tại Đông Kinh Nghĩa Thục )

Ai khuyên con quốc nó đừng kêu,

Xuân đã qua rồi cứ gọi theo…

Sao cứ lo co trong bụi rậm,

Lại còn eo óc với trời cao !

Cỏ non nước lục chờ mi mãi,

 Liễu yếu đào tơ chán kẻ yêu.

Đen đủi chẳng nên năn nỉ phận,

Mặc cơn mưa sớm, hạt mưa chiều.

CHIẾC TÀU AN – NAM

Bốn bể năm châu náo cuộc đời,

Con tầu bản quốc chị em ơi !

Tấm thân dầm nước đà nên sắt,

Tiếng hiệu non sông mới hét còi .

Vồn vã gió mưa cơn giục khách,

Mông mênh trời bể bước ra khơi.

Hỏi thăm Âu Mỹ bờ đâu bến,

Mở máy quay guồng mấy độ chơi.

MUỐN LÀM THẰNG CUỘI

Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi !

Trần thế em nay chán nữa đời.

Cung quế đã ai ngồi đó chửa ?

Cành đa xin chị nhắc lên chơi.

Có bầu có bạn cant hi tủi,

Cùng gió cùng mây thế mới vui.

Rồi cứ mỗi đêm rằm tháng tám,

Tựa nhau trông xuống thế hian cười.

Trời sinh ra kiếp con quay,

Quay tít mù xanh nghĩ cũng hay.

Lì – mít giang sơn khi chóng mặt,

Đùng lăn thiên địa lúc rời tay.

Lăng băng thân thế đi đi đứng.

Nghiêng ngả quan hà, tỉnh tỉnh say.

Thân tớ ví to bằng quả đất,

Cũng cho thiên hạ có đêm ngày ?

THĂM BÙ NHÌN

Lơ láo kìa ai đứng cạnh bờ ;

Trần ai tri kỷ đã ai chưa ?

Ba thu mưa gió người trơ mộc ;

Bốn mặt giang sơn áo phất cờ.

Được việc thế thôi cày chẳng biết,

Khinh đời ra dáng gọi không thưa.

Lâu nay thiên hạ văn minh cả,

Bác mấy ngàn năm vẫn thế ư ?

THÚY KIỀU HẦU RƯỢU HỒ TÔN HIẾN

Tiếng sấm ân tình bốn mặt ran,

Tướng quân chi tiếc cánh hoa tàn.

Đôi hàng nước mắt đôi hàng sóng,

Nửa đám ma chồng nửa tiệc quan.

Tổng đốc ví thương ngừơi bạc mệnh ;

Tiền đường đâu đến mả hồng nhan,

Kìa kìa nắm đất bên sông nọ,

Hồn có nghe chăng mấy giọng đàn.

CÁI GIỐNG YÊU HOA

Cái giống yêu hoa lạ lạ đời,

Mắt xanh chưa lọt đã mê tơi.

Chim trời cá nước duyên ai đó !

Xa cách ngoại trăm nghìn dặm đất,

Ước ao trong sáu bảy năm trời.

Cái mê vô ích mà mê dại !

Mê dại mà mê mãi chẳng thôi.

NHỚ MỘNG

Giấc mộng mười năm đã tỉnh rồi,

Tỉnh rồi lại muốn mộng mà chơi.

Nghĩ đời lắm nỗi không bằng mộng ;

Tỉnh mộng bao nhiêu lại ngán đời.

Những lúc canh gà ba cốc rượu ;

Vài khi cánh điệp bốn phương trời.

Tìm đâu cho thấy người trong mộng ;

Mộng cũ mê đường biết hỏi ai ?

PHONG THI
Suối tuôn róc rách ngang đèo,

Gió thu bay lá, bóng chiều về tây.

Chung quanh những đá cùng cây ;

Biết người tri kỷ đâu đây mà tìm ?

Hỏi thăm những cá cùng chim,

Chim bay xa bóng, cá chìm bặt tăm.

Bây giờ vắng mặt tri âm,

Lấy ai là kẻ đồng tâm với mình ?

Nước non vắng khách hữu tình,

Non xanh nước biếc cho mình nhớ ai ?

Đêm thu gió đập cành cau,

Chồng ai xa vắng, ai sầu chăng ai ?

Đêm thu gió hút ngoài tai,

Gió ôi có biết chồng ai nơi nào ?

Đêm thu gió lọt song đào,

Chồng ai xa vắng, gió vào chi đây ?

Đêm khuya gió lọt đồi mây,

Gió ơi, có biết nỗi này cho chăng ?

Muốn ăn rau sắng chùa Hương,

Tiền đò ngại tốn, con đường ngại xa.

Người đi ta ở lại nhà,

Cái dưa thời khú, cái cà thì thâm.

Ai ơi đợi với tôi cùng,

Tôi đi kiếm rượu cho chồng tôi sơi

Chồng hư mang tiếng mang tai.

Tiếng tai thiếp chịu, hơn ai không chồng.

Con cò lặn lội bờ ao,

Phất phơ đôi giải yếm đào gió bay.

Em về dục mẹ cùng thày,

Cắm sào đợi nước biết ngày nào trong ?

Con cò lặn lội bờ sông,

Ngày xanh mòn mỏi, má hồng phôi pha.

Em về dục mẹ cùng cha,

Chợ trưa dưa héo, nghĩ mà buồn tênh.

THỀ NON NƯỚC

Nước non nặng một lời thề
Nước đi, đi mãi, không về cùng non
Nhớ lời “nguyện nước thề non”
Nước đi chưa lại, non còn đứng không
Non cao những ngóng cùng trông
Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày
Xương mai một nắm hao gầy
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương
Trời Tây ngả bóng tà dương
Càng phơi vẻ ngọc, nét vàng phôi pha
Non cao tuổi vẫn chưa già
Non thời nhớ nước, nước mà quên non
Dù cho sông cạn đá mòn
Còn non còn nước hãy còn thề xưa
Non cao đã biết hay chưa
Nước đi ra bể lại mưa về nguồn
Nước non hội ngộ còn luôn
Bảo cho non chớ có buồn làm chi
Nước kia dù hãy còn đi
Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui
Nghìn năm giao ước kết đôi
Non non nước nước chưa nguôi lời thề.

NÓI CHUYỆN VỚI ẢNH

Người đâu? Cũng giống đa tình,
Ngỡ là ai, lại là mình với ta.
Mình với ta dẫu hai như một,
Ta với mình tuy một mà hai?
Năm nay mình mới ra đời, mà ta ra trước đã ngoài đôi mươi.
Cuộc nhân thế câu cười tiếng khóc,
Nghề sinh nhai lối dọc đường ngang.
Đầu xanh ai điểm hơi sương,
Những e cùng thẹn, những thương cùng sầu.
Đôi ta vốn cùng nhau một tướng,
Lạ cho mình sung sướng như tiên,
Phong tư tài mạo thiên nhiên
Không thương không sợ, không phiền không lo.
Xuân bất tận trời cho có mãi,
Mảnh gương trong đứng lại với tình.
Trăm năm ta lánh cõi trần
Nghìn năm mình giữ tinh thần chớ phai.

CON CÁ VÀNG
Nước trong xanh, lơ lửng con cá vàng.
Sân ngô cành bích, con chim Phượng hoàng nó đậu cao.
Anh tiếc cho em phận gái má đào,
Tham đồng bạc trắng gán mình vào cái chú Tây đen.
Sợi tơ mành ai khéo xe duyên,
Để bức tranh Tố nữ đứng bên ông tượng đồng.
Chị em ơi, ba bảy đường chồng …

 
HỎI GIÓ
Cát đâu ai bốc tung trời ?
Sóng sông ai vỗ, cây đồi ai rung ?
Phải rằng : dì gió hay không ?
Phong tình đem thói lạ lùng trên ai ?
Khoái tai phong dã ?
Giống vô tình cây đá cũng lê tơi.
Gặp gió đây hỏi một đôi lời,
Ta hỏi gió quen ai mà phảng phất ?
Thử thị Đà giang phi Xích bích,
Dã vô Gia cát dữ Chu lang !
Ai cầu phong ? Mà gió tự đâu sang ?
Hay mải khách văn chương tìm kết bạn ?
Gió hỡi gió, phong trần ta đã chán :
Cánh chim bằng chín vạn những chờ mong.
Nên chăng gió cũng chiều lòng.

LẠI SAY

Say sưa nghĩ cũng hư đời,
Hư thời hư vậy, say thời cứ say.
Đất say đất cũng lăn quay,
Trời say mặt cũng đỏ gay, ai cười?
Say chẳng biết phen này là mấy!
Nhìn non xanh chẳng thấy, lại là say.
Quái! Say sao say mãi thế này?
Say suốt cả đêm ngày như bất tỉnh.
Thê ngôn tuý tửu chân vô ích
Ngã dục tiêu sầu thả tự do (*)
Việc trần ai, ai tỉnh ai lo
Say túy lúy nhỏ to đều bất kể.
Trời đất nhỉ! Cái say là sướng thế!
Vợ khuyên chồng, ai dễ đã chừa ngay?
Muốn say lại cứ mà say!
1921
(*) Vợ bảo: say rượu thật vô ích. Ta muốn giải sầu nên cứ mặc sức uống

TỐNG BIỆT

Lá đào rơi rắc lối thiên thai
Suối tiễn, oanh đưa những ngậm ngùi
Nửa năm tiên cảnh
Một bước trần ai
Ước cũ, duyên thừa có thế thôi!
Đá mòn, rêu nhạt.
Nước chảy, hoa trôi
Cái hạc bay lên vút tận trời
Trời đất từ nay xa cách mãi
Cửa động
Đầu non
Đường lối cũ
Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi....

THƠ TẢN ĐÀ