Giải phẫu tâm thần

     on phố ngắn này đã được trải đá, nhưng chưa kịp phủ nhựa. Mình đi trên đó lần đầu và nghe một cảm giác kỳ kỳ.
Mới hôm tháng trước đây, chỗ này còn là rún của một xóm nghèo đông đúc. Ở đó người ta sống, vui, buồn, hạnh phúc hoặc khổ đau. Nay cũng chính chỗ này, mà nơi chốn này lại chứng kiến những thứ khác vui nhộn hơn, nhưng lại không có sự sống như cuộc sống âm thầm hôm nọ.
Thật là lạc hướng. Nhà của người bà con, trước kia mình quẹo ba lần để vào ba hẻm, giờ hẻm bị chặt đứt khúc còn biết đâu mà tìm.
À, nó kìa.
Căn nhà này chỉ rộng có hai thước, thế mà trên đó chồng lên tới hai từng gác.
Ngày thường nhà này dựa vào nhà kia nên không thấy nó cheo leo, nhưng khi mà chung quanh bị dở đi hết, nhà này như thình lình mới mọc lên, ốm nhom ốm nhách tưởng chừng như cỡ gió thổi mạnh là nó sẽ ngã ngay.
Con phố nào mới xẻ xuyên xóm lao động cũng thế cả, nghĩa là rọi đèn vào các xó hiểm hóc để làm lộ ra bao nhiêu cái bẩn thỉu, xấu xí và vô trật tự ẩn dật từ bao lâu nay trong một xóm.
Khu phố mới, giống như một anh chàng “hình dung chải chuốt áo quần bảnh bao” mà mắc tâm bịnh, nhờ y sĩ chuyên môn giải phẫu tâm thần cho. Bao nhiêu ý nghĩ bỉ ổi bị dồn ép trong tiềm thức của chàng ta, được va khai tuốt ra hết trong giấc ngủ thôi miên mà y sĩ gây ra.
Lắm khi, chính vị y sĩ vốn đã biết rất nhiều về uẩn khúc của lòng người, mà còn phải kinh ngạc tự hỏi sao cái bề ngoài của anh chàng đẹp thế mà lòng anh ta lại u uẩn thế kia.
Dãy nhà nằm tại mặt tiền con phố, rất là dị kỳ, có nếp nhà đưa mặt nhìn ra đường một cách tình cờ may mắn, có nếp nhà như giận ai ngoài ấy, xây mặt vào trong, đưa mông ra ngoài. Nhà cửa cất bừa bãi không xin phép thì cái trông mặt ra hướng Đông, cái nhìn hướng Nam, hễ xẻ đường ngang xóm thì những nhà thoát nạn lộ ra, ngồi đứng hỗn loạn như bọn say rượu.
Nhưng trình diện với khách qua đường mặt tiền hay mặt hậu gì cũng còn dễ coi hơn những nếp nhà nằm xéo, nó giống như những kẽ vô kỷ luật bất lịch sự, không chịu đứng yên theo người ta cho rộng chỗ mà cứ thúc bên này một vố, xô bên kia một cái.
Có những nếp nhà nhiều từng, nhưng vách ngoài, từ dưới lên trên làm toàn bằng gỗ thông và thiếc của những thùng rượu, thùng bánh ngoại quốc, thùng sữa bò, có in nhãn hiệu màu lên đó và những lời dặn dò các hãng vận tải, đọc lên nghe rất buồn cười: Sợ ẩm ướt; Sợ nóng dòn: Dễ bể; Hầm rượu Sahel; Bánh mì nướng của hãng Société diététique de Paris.
Thế mà những nếp nhà ấy lại phải triển lãm những chiếc áo vá quàng ấy ngoài đại lộ thì chúng bị mặc cảm và nhột nhạt, mắc cỡ vì cái rách, cái bẩn của chúng biết bao nhiêu!
Chính mình cũng khó chịu, y như là đang ngồi tửu lâu ăn uống ngon lành, chợt một hành khất bước vào, chìa nón lật ngửa ra, khiến mình mất hứng tức khắc. Cũng may là mình đang sung sướng đấy nhé mà còn khó chịu như thế. Mình sung sướng nghĩ rằng mở đường xuyên các xóm lớn, tức là mở cửa sổ để cho người giữa xóm được hưởng ánh sáng và không khí. Mình tưởng tượng nắng và gió đang tàn sát bao nhiêu vi trùng núp dưới những mái nhà ẩm thấp tối thui và kín như buồng gói ấy. Những con vi trùng ấy hiện đang hấp hối trên các nền nhà giải tỏa, nằm ngổn ngang trên vỉa hè chưa được sửa sang cho bằng phẳng.
Tuy nhiên, khó chịu của đôi bên, của nhà xấn và của khách qua đường, tháng tới tự nhiên sẽ tiêu mất mà không đợi chính quyền can thiệp đến.
Này nhé, bạn đang sống yên lành bên mái nhà lụm thụm của bạn, đô thành rất bực mình nhưng không đuổi bạn được, ấy thế mà bỗng dưng tự nhiên bạn lại tình nguyện dở nhà đi một cách vui lòng.
Một hôm, có một ông ngừng xe hơi lại ngoài phố rồi xâm xâm đi vào và đề nghị xẵng lè:
- Ê! Cái nhà lá nát của anh đây, bảy chục ngàn bán không?
Chẳng những bạn bán ngay, mà lại còn xá ông ấy một cái nữa là khác. Thật là ngon lành, còn ngon hơn phụ cấp giải tỏa nhiều, nếu bạn bị giải tỏa.
Tháng tới đây, con phố này sẽ đẹp, nhà lầu sẽ mọc lên ngay hàng thẳng lối, và ai cũng hài lòng cả, người bà con mình sẽ được non một trăm ngàn, đô thành khỏi mang tiếng nếu ra tay giải tỏa, và khách qua đường sẽ thầm reo: “Có thế chớ, nếu không người ngoại quốc viếng Sàigòn, họ về nước họ tả lại cái rách của ta thì xấu hổ lắm”.
(Bài này được dùng làm vật liệu để viết hai truyện “Có những xác diều” và “Hoa phong lan triển lãm”)
1959