Âm thanh bí mật

     úc đó tôi mới tập đi viết báo, tôi đã ngồi trong tòa soạn hằng giờ mà không đẻ ra được lấy một chữ. Máy in chạy rầm rầm, mấy bác thợ sắp chữ nói chuyện ỏm tỏi lên, mấy thằng bạn đồng nghề cãi nhau đến bể nhà, thì còn đầu óc nào để viết nữa.
Một anh típ-pô còn trẻ, đi ngang qua mấy lần, thấy vậy mỉm cười thương hại rồi nói:
- Ông nghe họ làm gì, bịt tai lại đi.
- Nhưng bịt tai lại thì còn tay đâu để viết?
- Nghĩa là bịt bằng tưởng tượng, tưởng như là không nghe gì cả.
Mặc dầu phương pháp của anh thợ nói ra nghe khó tin là có thể làm theo được, tôi cũng cứ theo, nếu không thì chỉ còn việc xách viết ra về.
Hai hôm sau là tôi viết báo được như nằm ở nhà quê. Từ đó tôi sung sướng quá, ai khổ vì tiếng của muôn ngàn động cơ, ai khổ vì đàn bà trẻ con trong xóm chửi lộn, mặc họ, riêng tôi, tôi điếc một cách nhơn tạo luôn luôn.
Nhưng con người sống với cơm nước mà cũng sống với hình ảnh, màu sắc, và âm thanh. Bịt tai lại bằng cách đó, con người sẽ đói tiếng động lắm. Ngặt hễ mở tai ra là chúng ùn ùn kéo vào.
Phải có một ban trật tự lừa lọc, soát vé cho đứa nào vào và ngăn đứa nào lại, ta mới khỏi ăn những âm thanh man rợ nó gặm mòn bộ thần kinh của ta.
Khó lắm, nhưng cố gắng mà tập thì sẽ thành công. Chừng ấy bạn sẽ ngạc nhiên mà thấy đô thành không phải chỉ ồn những tiếng động dơ dáy đâu.
Sáng sáng sau trận phát thanh xôi giò, bánh bèo, bắp nấu thì một giọng ngâm thơ trong trẻo nổi lên trong các xóm. Mới nghe người ta ngỡ ai mở ra-đô đâu đó vì giọng ngâm hay hơn giọng ngâm của các ngâm sĩ quen biết.
Ca sĩ vô hình ngâm lục bát như vầy:
Đậu này nó nóng như Trương Phi,
Dòn như pháo nổ, mua đi các bà!
Thì ra đó là chị mù bán đậu rang, còn quờ quạng ngoài đầu ngỏ. Trước kia chị này đi hành khất. Từ ngày có lời khuyên răn của cảnh sát, chị ta đổi nghề ngay. Cảm động thay!
Đó là một nghệ sĩ có tài mà không tự biết, người nghe cứ tiếc sao mình không có một cái máy ghi âm để thâu lấy giọng rao hàng ngâm thơ của chị.
Chiều lại, một số hành khất chưa chịu “hoàn lương” hiến cho ta những phút trở về quê cũ và thời xưa não nuột khiến cho ta rưng rưng nước mắt, nhớ lại thời thơ ấu nào.
Tiếng “kêu cơm” của họ, nhứt là vào những ngày sóc ngày vọng, đánh thức tỉnh trong lòng ta cả một dĩ vãng xa xôi: một con đường mòn uốn éo qua làng, một bà lão xách bị than van trong chiều tà:
Ớ... ơ bớ cơm, bớ gạo, làm doan, làm phước bố thí cho kẻ bần hàn...
Sàigòn bỗng chết mất đi và thôn dã hiện lên với tất cả thi vị và đói rét của nó.
Đèn đường đã bừng cháy. Trời nóng bức khiến ai cũng thèm cái gì ươn ướt mà ngòn ngọt. Vừa lúc ấy thì một thứ âm thanh huyền ảo khác nổi lên.
“Ai... bột khoai bún tàu...đậu xanh nước dừa đường cát hôn...”
Tiếng “cát” lên cao vút như đầu ngọn thông rồi hạ xuống tiếng “hôn” nó cứ mõn lần trong đêm tối như là giọng thỏ thẻ của một giai nhân.
Chị bột khoai nào cũng xấu xí cả. Nhưng đừng nhìn mặt họ, cứ lắng nghe họ rao thì bạn sẽ tương tư như nàng công chúa ngày xưa tương tư anh thổi sáo.
Năm xưa một nhãc sĩ Pháp tò mò ghi tất cả âm thanh của những lời rao của những lời rao quà ở Sàigòn.
Chỉ xong xuôi, xem lại thì câu rao quà bột khoai rõ là một bản nhạc đáng chú ý.
Trong đêm lặng, ở đầu một phố vắng, tiếng rao dài thậm thượt ấy bỗng ngân nga lên, uốn éo, khác xa biết bao nhiêu với giọng rao cộc cằn của chú chệt già: “Tàu phụng dang hột dưa!”.
Một bạn văn gốc Hà Nội, anh Nguyễn Đức Quỳnh nói: “Người Sàigòn quả thật lười, ăn gì cũng muốn làm sẵn tất cả, chỉ còn mỗi việc nhỏ là bỏ món ấy vào miệng thôi; đu đủ thì gọt sẵn xắt ra từng miếng, mía thì ép xác lấy nước”.
Ông bạn ấy quên rằng người Sàigòn chúng tôi lại lười nghĩ nữa. Rao món quà, họ bắt phải rao lên tất cả thành phần của món ấy, quà nấu bằng mấy mươi thứ phải kể ra hết cho họ nghe.
Nhờ cái lười ấy mà ta có một điệu nhạc bột khoai kỳ lạ kia.
Nhưng bạn ơi, Sàigòn là một cô tình nhân đáng lắng nghe tiếng thủ thỉ vào buổi trưa.
Cô tình nhân ấy đã bị lai căng rồi. Trưa trưa cô vẫn hát ru em:
Cây đa trốc gốc trôi rồi,
Đò đưa bến khác bậu ngồi trông ai...
Nhưng cô lại pha vọng cổ trong lối hát và thỉnh thoảng cao hứng cô pha giọng tân nhạc vào đó.
Lắm khi cô còn táo bạo sửa đổi câu hát cổ truyền khiến nghe qua, không nín cười được. Thay vì ru:
Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc,
Dốc nào trượng bằng dốc Nam Vang.
Một tiếng anh than hai hàng lệ nhỏ,
Ngặt còn chút mẹ già biết bỏ cho ai.
Cô lại hát:
Đèn nào cao...
....
Một tiếng em than, ba bốn đôi vàng anh không tiếc,
Lấy được vòng vàng em chẳng thèm biết tới anh.
Trưa Sàigòn! Buổi trưa Sàigòn nào ký giả cũng ngược dòng năm tháng trở lộn về thời thơ ấu ở nhà quê.
Cây ở đâu không thấy nhưng rõ ràng nghe tiếng chim hít-cô kêu, cao tít mù, buồn thấm thía.
Buồn ơi, xa vắng mênh mông là buồn.
Dân tộc đã nghĩ ra một chuyện cổ tích nên thơ mới cắt nghĩa được giọng kêu rất thảm thiết và rất nhớ nhung của loài chim này.
H...ít... cô... cô!
Xa hơn nữa, nghe như ai gõ mủng vùa bằng cái dùi gỗ cứng:
Cốc... cốc... cốc... cốc... cốc...
Tiếng chim kêu giống hệt thầy chùa gõ mõ nên thuở bé tôi đã tạm gọi chim đó là chim thầy chùa mặc dầu không hỏi ai để biết đích xác được cả. Nhưng luôn luôn sau đó mười phút thì tiếng chim biến ra thế này:
Cốc cô, cốc cô, cốc cố, cốc cô...
Đó là hai con chim, một con trống và một con mái chăng?
Nhưng bâng khuâng nhứt là tiếng chim vịt kêu thương:
Chíp... chíp... chíp... chíp... chíp... chíp... chíp... chíp... chip...
Luôn đủ chín tiếng chip như vậy, nên người ta mới:
Vẳng nghe chim vịt kêu chiều,
Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau.
Chim ơi con người đa cảm mà tạm trú nơi đây cũng đã thấy mình lạc lõng bơ vơ rồi, chim còn tới chốn này làm chi? Nhạc chim không ai thèm nghe cả, y hệt như trong những hộp đêm kia, nhạc rền tai mà không ma nào thèm chú ý, họ thích nghe tiếng cười dòn và trong của người bạn gái cùng bàn rượu hơn.
1957