NHỮNG NGÀY GIÓ CÁT

     ù đã được biết trước có người tìm gặp qua máy phóng thanh của ban tiếp tân, tôi vẫn hơi sững sờ khi Dung hiện ra trước mắt tôi. Đẹp và hiền như buổi sáng nắng non đang trỉa khắp quân trường lúc ấy. Một thoáng bỡ ngỡ hiện ra trên mắt Dung rồi tan biến nhanh, nhường chỗ cho sự tươi vui, ánh mắt âu yếm và nụ cười hóm hỉnh dễ thương. Lần đầu tiên từ ngày tôi nhập trại Dung đến thăm tôi. Tôi bước vội vàng đến cạnh nảng, gọi khẽ: Em, rồi nắm lấy hai cánh tay Dung. Dung đứng yên lúng túng với gói quà trên tay. Người nào đến đây cũng mang theo cùng với lòng thành thực muốn gặp người than một túi quá đầy ấp. Dung cũng không làm khác thông lệ ấy. Tôi dắt Dung bước về khu cuối nhà tiếp tân. Tìm một chỗ ngồi vắng vắng một chút thật khó, chung quanh chúng tôi tiếng cười nói ồn ào. Tôi kéo Dung lại mảnh đất nhỏ dưới bóng mát, của một cặp vừa đứng lên từ giã. Tôi đỡ Dung ngồi xuống đám cỏ úa khô và nhìn nàng đăm đăm, mấy tuần lễ xa nhau tôi tưởng như Dung khác đi nhiều lắm. Tại Dung thay đổi thật, Dung có vẻ người lớn, có vẻ như một người vợ đến thăm chồng như tôi nghĩ. Hay tại tôi giầu tưởng tượng vì hay nhìn ngắm những cặp vợ chồng đến thăm nhau mỗi sáng chủ nhật hàng tuần?
Dung cười thành tiếng: Trông anh đến hay. Tôi hỏi: Sao? Dung khúc khích: Trông tếu quá. Anh đen và lếch thếch như…gà mái chăm con. Nhưng cái đầu mới thật là đúng với câu “ tiền văn minh hậu sư cụ”. Tôi bật cười chọc nhẹ ngón tay vào người Dung. Nàng co người lại, uốn éo né tránh ngón tay tôi. Dung lúc nào cũng dễ thương, cũng “tuyệt” như con mèo ngái ngủ trên tay. Nắng mai hồng làm hồng hai má Dung, tôi nghĩ đến một chiếc bánh mật ngon lành tôi hay ăn ngày nhỏ. Bỗng dưng tôi cảm thấy một nỗi cảm xúc nhè nhẹ đang dâng lên trong lồng ngực. Dung vừa hỏi chuyện vừa bóc cam. Những móng tay dài nhọn và sơn mầu hồng nhạt thoăn thoắt ngập vào ngày nào giờ đã biết vụng về chau chuốt, điểm tô. Với tôi, Dung lúc này vừa gần gũi vừa xa cách lạ lùng.
Dung ép tôi ăn hết miếng này đến miếng khác nàng chỉ nhấm nháp cho có lệ. Nước cam làm ướt đôi môi Dung như một lớp son tăng thắm vẻ tươi hồng. Tôi nhìn chăm chú miệng Dung, hàm răng trắng ẩn hiện như khiêu khích. Tôi nhủ thầm giá mình có cơ hội đặt lên đôi môi ấy một nụ hôn. Dung hỏi: anh nhìn gì ghê thế? Tôi thành thật đến sỗ sàng: lâu quá anh chưa được hôn Dung. Dung lườm tôi má au hồng e thẹn, giá như ở nhà Dung đã kêu lên phản đối hay cào cấu thẳng tay.
Tôi ngả người vào gốc cây và tựa nhẹ đầu vào vai Dung. Hai đứa cùng nhìn ra phía xa, ngoài nắng. Và cát mịn mơ hồ luồn trong gió len lỏi trong cổ áo, tóc tai tôi. Gió cát quân trường. Tôi chép miệng. Những ràng buộc tình cảm vừa là động cơ ngăn cản bước tiến của mỗi người nhưng cũn lại rất cần cho cuộc đời của cá nhân trong tập thể. Những thăm viếng, những chăm sóc. Những niềm vui nhỏ bé do đàn bà đem lại, như Dung đem đến cho tôi trong lúc này. Dung hỏi:
- Anh nghĩ gì thế?
Tôi giả vờ ngáp và ôm lấy một cánh tay Dung:
- Anh buồn ngủ. Anh muốn ngồi ngủ như thế này.
Tiếng Dung cười nhẹ. Anh không sợ cán bộ trông thấy lát nữa vào phải phạt hít đất sao, phải giữ…quân phong quân kỷ chứ.
Tôi kêu lên nho nhỏ:
- Dung nói toàn giọng nhà binh. Ai chỉ cho Dung đó?
- Chả ai chỉ cũng biết. Khi cần…cái gì cũng biết hết. Dung hóm hỉnh trả lời.
Tôi trêu:
- Phải rồi. Học đi là vừa kẻo chồng nói chuyện nhà binh vợ chả hiểu gì cả lại mất công …ghen.
Dung ngồi bật dạy phản đối:
- Ơ, ai thèm lấy chồng nào. Nghèo mà ham.
Rồi Dung ngúng nguẩy quay đi, làm bộ giận. Tôi mỉm cười thoải mái. Sự thoải mái dịu dàng như tối hôm nào tôi ngồi với Dung ở balcon nhà nàng, ngắm hỏa châu và bàn tính chuyện tương lai. Bây giờ tôi đã thực sự bước chân vào cuộc đời mới. Dù muốn, dù không cũng đã có sự thay đổi lớn lao trong cuộc đời có lẽ của cả hai đứa. Tôi đã chấp nhận lao mình vào nơi gió cát và những ngày gió cát mai kia hẳn là phải nhiều cam go, cực nhọc. Tôi không buồn, nhưng bỗng thấy thương Dung, bây giờ thì còn có dịp ngồi đây giận hờn, nhưng ít lâu nữa, khi tôi ra đơn vị…rời xa thành phố. Có còn cơ hội để làm bộ dỗi hờn nhau nữa hay không? Tôi quay nhìn Dung định nói, nhưng Dung đưa hai tay bịt tai ra vẻ không muốn nghe. Tôi thấy vui vui, hình ảnh giận hờn này nhắc tôi nhớ đến một lần giận hờn khác chưa xa lắm. Mùa Giáng Sinh năm ngoái, lần đó Dung giận tôi trước lễ hai tuần. Thế là chương trình dự tính đi chơi tối Giáng Sinh bị trở ngại. Buổi chiều hôm lễ, tôi mang quà đến làm lành, nhưng Dung đi vắng. Em nàng nói Dung đi từ hồi chiều, tôi buồn bã trở về nhà bà chị họ, định ở đó chơi đến khuya. Bất ngờ Dung đến đấy. Tôi ngẩn người mừng rỡ. Trước mặt mọi người, Dung không thể tỏ vẻ giận tôi và tôi cứ tỉnh bơ hỏi chuyện Dung. Vui vẻ như không có chuyện gì xẩy ra. Và khi bà chị tôi cho mỗi đứa một miếng bánh kem lớn thì giận hờn tan biến như bóng mây. Hai đứa vừa ăn vừa nhìn nhau cười.
Tôi gỡ nhẹ hai tay Dung xuống. Dung cưỡng lại nhẹ nhàng nhưng môi thoáng nụ cười. Tôi đưa tay vò vò mái tóc ngắn cũn cỡn, làm bộ nhăn nhó hối lỗi. Dung quên cả giận cười vui.
- Tếu quá. Trong anh tếu không chịu được.
Dung bắt chước lối nói chuyện khôi hài tôi thường có. Tôi thấy hay hay. Nắng đã lên cao, hơi gay gắt. Đằng xa những khóa sinh khóa trước loáng thoáng ẩn hiện bên các công sự chiến đấu. Ánh thép súng sáng ngời trong nắng. Dung chăm chú nhìn, mắt nàng chợt dăm chiêu. Nàng buột miệng: Tội nghiệp. Tôi biết Dung nghĩ gì. Đó là cuộc sống của tôi, và Dung lo lắng cho tôi. Tôi cảm động nhưng làm ra vẻ tự nhiên:
- Có gì đâu em. Quen rối. Lát về ăn khỏe hơn là khác. Bây giờ hay mai mốt lúc nào trong người cũng khỏe như máy chả ai đau ốm gì cả.
Dung không nói gì, ngồi theo dõi hoạt động của người ôm súng trên chòi cao. Tôi nhớ tới những lần đã xa, đi theo các chuyến hành quân. Tôi đã thu vào ống kính những cảnh thật phi thường. Ngững người lính lội bì bõm trong bùn lầy Cà Mau. Những chiếc áo rừng len lỏi giữa rừng cây trong vùng lửa đạn. Lúc đó, tôi chỉ thấy nét hào hùng của họ là một hứng thú cho tôi khi ghi lại những bài tường thuật trên mặt báo. Nhưng sau này nhất là bây giờ, tôi có quá nhiều thì giờ để nghĩ ngợi và nhận chân một giá trị. Giá trị của sự chiến đấu ấy là một hy sinh to lớn là một chịu đựng dẻo dai và là một chấp nhận không đòi hỏi. Như vậy, những mệt nhọc thao trường của chúng tôi chỉ là một phần quá nhỏ bé. Sáu ngày trôi qua, có ăn ngủ theo giờ giấc. Và ngày Chủ nhật, có viếng thăm, chuyện trò đầm ấm. Nào phải tháng này qua tháng nọ, năm này đến năm kia, lặn lội giữa rừng già., bùn đọng, không cơ hội nhìn thấy ánh đèn quang báo ở Sài gòn buổi tối. Tôi hãy còn nhiều dịp để tận hưởng giá trị những đặc ân dễ dãi trong thời gian chuyển tiếp này, tôi đã được hài lòng và tôi không có lý do đòi hỏi. Dung chả đang ở trong tầm tay tôi đó sao?
Dung quay lại nhìn tôi. Nàng hỏi tôi về đời sống quân trường, những hình phạt và ân thưởng. Những thiếu thốn cần bù đắp. Tôi biết Dung đang lo lắng cho tôi và mong muốn tôi được dịp về phép. Người con gái nào chả thế. Chấp nhận lý lẽ nhưng chấp nhận theo tình cảm riêng tư…Tôi an ủi Dung. Có gì đâu em. Dung vẫn tỏ ý không yên tâm. Làm như người vợ hiền lo lắng cho chồng lúc xa nhà. Tôi nhìn Dung nao nao. Chưa có gì cả, chưa thấm gì cả. Tôi muốn nói với Dung như thế. Nhưng tôi lặng yên để mặc Dung săn sóc. Để cả hai cùng thoải mái, một người được lo và một người tự nghĩ có bổn phận phải lo.
Tôi gọi đứa bé bán nước ngọt, mua hai chai nước. Dung vừa uống từng chút, vừa nói:
- Ở đây buồn nhỉ anh? Chỉ có cát, cỏ khô và nắng cháy. Nhất là khi mọi người ra về thì lại càng buồn hơn.
Tôi định giải thích. Thì cũng quen đi. Còn đồng đội và công việc. Nhưng phụ nữ vốn hay nhìn sự việc bằng con mắt tình cảm, thì cũng hay bênh vực lý lẽ của mình bằng con mắt ấy. Tôi gật gù:
- Kể cũng có buồn. Nhưng lâu rồi quen đi.
Dung nhìn tôi tủm tỉm. Ánh mắt nàng như ngầm bảo: anh có vẻ nhà binh lắm rồi đó. Tôi mỉm cười hãnh diện mơ hồ. Nắng đã lên cao, trải chan hòa trên bãi đất trống bên cạnh lối đi vào Quân Trường. Nền trời mây xanh thật xanh chỉ gợn vào cụm mây trắng nhỏ. Tôi nghĩ mình đã đầy đủ lắm bây giờ có bổn phận săn sóc tới người yêu. Mọi người ra về đã khá đông, nhưng quanh tôi vẫn còn rất nhiều người. Tôi không thể nhẫn nại được nữa. tôi choàng tay ôm ngang lưng Dung và nồng nàn hôn lên má Dung. Vội vàng. Tôi cảm nghe làn da mịn màng của người con gái đã bắt đầu hơi se lại vì gió cát nóng khô. Dung bạo dạn hơn lúc đầu, dụi đầu vào ngực tôi và hai tay níu chặt lấy một bên vai tôi. Tôi thì thầm:
- Yêu em quá di!
Dung chẳng nói gì. Hẳn nàng biết tôi rất thành thực khi thốt ra lời nói đó. Thời gian qua đi quá nhanh và chả còn bao lâu nữa chúng tôi phải chia tay nhau. Dung bảo tuần tới em lại sẽ đến thăm anh. Tôi cản ngăn một cách yếu ớt: đừng em, lâu lâu đi một lần. Đi luôn đường xa cực lắm. Dung cười thật tươi. Đứa nọ biết đứa kia thương mình vô kể, và chả thèm cãi nhau như lúc trước rằng mình yêu nhiều hơn.
Tôi bảo:
- Thôi về đi em. Gần mười hai giờ rồi đó.
Dung ngoan ngoãn nghe lời. Sửa lại mái tóc rối. Gói lại gói quà bỏ vào túi xách và trao cho tôi. Một săn sóc tầm thường mà sao kẻ nhận nao nao muốn khóc. Hạnh phúc đời người là những phút giây đó. Chỉ được hưởng một vài phút giây ngắn ngủi ấy rồi sau có gian khổ bao nhiêu cũng cam lòng gánh chịu.
Tôi đưa Dung ra lối cổng. Cát mịn chạy loăng quăng dưới chân hai đứa. Chúng tôi dừng lại ở ranh giới chia tay. Tôi xiết chặt tay Dung, nhưng không bịn rịn. Nắng đổ trên người Dung. Tà áo xanh chói nắng bay lồng lộng trong gió. Những bước đi gọn gàng đưa Dung xa dần tôi về cuối đường. Tôi đứng lặng nhìn theo hình ảnh hiền ngoan ấy. Một thân bạn cũng vừa tiễn thân nhân, vỗ vai hỏi:
- Vợ về rồi hả?
Tôi gật đầu nhận đại, một niềm thú vị len lén dâng lên.
- Đẹp ghê. Mày có phúc lắm đấy nhé!
Tôi không đáp. Đúng, tôi có phúc thật. Nhưng không chỉ có phúc vì người yêu tôi đẹp, mà vì những súc tích của tình cảm mà chúng tôi tìm thấy ở nhau, vì những yêu thương dành cho nhau và vì Dung đã vui vẻ chấp nhận sự xông pha của tôi vào nơi gió cát này.