Dưới bóng cổ thụ

     hưa thầy,
Bây giờ có lẽ đã bốn giờ chiều, ngày thứ bẩy trong tuần lễ thứ bẩy kể từ ngày Thầy mất. Giờ giấc này cũng giống hàng ngày, khi chị Bẩy nâng quyển kinh Địa Tạng từ trên bàn thờ Phật xuống. Hôm nay con không đi làm, và con ngồi viết những giòng này trong tiếng tụng niệm đều đều của chị Bẩy trước bàn thờ Phật, dưới chân di ảnh Thầy. Những dòng chữ con đang viết bỗng dưng nguệch ngoạc ngả nghiêng vì xúc động nặng trĩu hồn con. Con thấy cay cay ở mắt, muốn khóc. Con nhớ Thầy – con thương Thầy. Con đau khổ vì sự ra đi của Thầy, vì sự đau khổ của các anh các chị trước sự vĩnh viễn xa cách người cha yêu kính mà con chứng kiến. Ai ngờ, những người con của Thầy, lớn thì đã hơn năm mươi tuổi, nhỏ nhất cũng ngót ba mươi, lại vẫn còn tình cảm nồng nàn đến thế. Hẳn người chung quanh phải ngạc nhiên khi thấy chị Tư, chị Bẩy khóc Thầy đến sưng cả mắt, và thấy con, đứa con trai út của Thầy viết những giòng này.
Thưa Thầy, Thầy kính yêu của con ơi. Con muốn gào lên, muốn khóc ngất mỗi khi hồi tưởng lại hình hài Thầy, dáng dấp Thầy lúc sinh thời. Mới bốn mươi chín ngày qua mà con tưởng chừng đã lâu hàng bao ngày, tháng. Thầy bỏ chúng con thật rồi sao? Thầy chẳng bao giờ còn tiếng nói, hình ảnh, những thói quen…và tất cả, ở cạnh chúng con hàng ngày như trước nữa…Bấy nhiêu đó đủ làm những người con mất cha, mất mẹ, hoặc ít ra là những người thân mất người thân buồn nẫu ruột, khổ sở đến lịm người. Thật sự, Thầy đã ra đi. Vậy mà không ai trong chúng con muốn tin rằng Thầy đã mất.
Thầy ơi, cha kính yêu của con ơi! Hôm qua là ngày tứ cửu, lễ cúng bốn mươi chín ngày Thầy thất lộc. Buổi sáng chúng con vẫn cúng bữa điểm tâm như mọi ngày. Chị Bẩy hối hả giục mọi người lên chùa lo lễ cúng trưa. Con khoác chiếc áo dài trắng, đội chiếc khăn tang mà thấy lòng buồn bã. Vợ con, cô con dâu út mà Thầy nhìn thấy mặt chưa đầy một tháng, giúp con cài lại mép khăn tang. Căn nhà lặng lẽ vô cùng. Lặng lẽ kể từ ngày Thầy nằm xuống. Ôi Thầy yêu kính của chúng con, Thầy có còn biết để nhìn được cảnh côi cút của lũ con không?
Từ ngoài cửa ùa vào một lũ trẻ con lóc nhóc: những đứa con của anh chị Cả. Rồi chị Ba (người con dâu thứ Ba) của Thầy cũng dắt con nhỏ đến. Con cháu ông qui tụ về nhà ông để lo lễ cúng Thất Thất Lai Tuần của Bố, của Ông đấy. Chúng con hối hả, hình như sự chậm chạp nào nhỏ nhặt đến mấy cũng có thể cho mọi người tưởng rằng mình có tội với người đã khuất. Chỉ có lũ trẻ con, những đứa lớn lớn một chút nhìn ảnh Ông có lẽ chúng nó cũng biết buồn, còn những đứa nhỏ tí, hẳn chúng nó mừng vui và không hiểu tại sao lại có dịp khoác lên mình, lên đầu bộ đồ tang lạ mắt?
Chùa Long Vĩnh hôm qua thật nhộn nhịp. Hơn một trăm tấm thiệp gửi đi, khách của gia đình lần lượt tới dâng hương lễ Phật và nghiêng mình hay quì lạy trước di ảnh Thầy. Trong ấy có các cụ bạn thâm giao của Thầy, bạn bè thân thích, các bạn quen biết gia đình anh Cả, anh Ba, chị Tư, chị Bẩy và con. Con đã nghĩ nếu có cả chị Hai anh Năm và anh Sáu trong Nam nữa hẳn con cháu, bạn bè khách khứa đến dự lễ này còn đông hơn nhiều. Đứng nhìn mọi người khấn vái trước ảnh Thầy lòng con trĩu nặng những buồn phiền, khổ sở. Tuổi tác của các Bác, các Cô, của các cụ bạn Thầy như hiện rõ lên từng cử chỉ mọi người khi thắp nén hương, khi vòng tay cung kính vái, khi lâm râm khấn nguyện. Thầy ơi, họ như những người sẵn sàng bỏ cuộc, sắp sửa buông tay chịu theo số mệnh. Như Thầy. Để không còn bao giờ bâng khuâng nghĩ ngợi về cái chết của mình sẽ ra sao và chua xót nghĩ rằng mình chẳng còn cơ hội trở về miền Bắc, nhìn lại quê cũ làng xưa, và chết, và được chôn bên cạnh phần mộ ông cha.
Đứng nhìn những vị ấy con thấy nao nao lòng dạ. Run rẩy vụn về. Sự hao mòn theo năm tháng của họ làm con sợ. Rồi, theo Thiên Mệnh, mọi người sẽ nối tiếp nhau đi. Sự ấy càng làm con nhớ đến Thầy, Thầy đã bỏ cuộc, Thầy đã vội vã ra đi tuy rằng mọi người đã nói với con:
- Thôi, bớt buồn đi. Cụ cũng đã thọ lắm chứ, bẩy mươi bẩy còn gì.
Nhưng tại sao không thể là tám mươi bẩy, chín mươi bẩy mà phải là bẩy mươi bẩy? Để cho con phải vội buồn, vội hối rằng cho đến nửa đời con, con vẫn chưa có dịp nào làm Thầy hài lòng mãn nguyện, làm Thầy được vui, được sung sướng, để con đủ cơ hội phụng dưỡng đấng sinh thành? Khách đến mỗi lúc một đông. Hai bác Phán cũng đã tới, bác gái ngồi tụng kinh với thím Giáo, các anh, các chị, các cháu. Con đứng tiếp khách ở gần ngoài điện thờ, các cụ ngồi rì rào chào hỏi nhau và nhắc nhở lại vài hình ảnh cũ. Thầy ơi, nếu quả là Thầy còn biết…
Nếu quả là Thầy còn biết. Còn biết để nhìn thấy vì Thầy mà có quang cảnh đó. Tiếng đọc kinh đều đều như tiếng mưa buồn một buổi sáng nhiều sương mù, một buổi trưa nắng chang chang, một buổi chiều quạnh vắng hay một buổi tối cô đơn mà con đã bao lần nhìn thấy trong đời sống, mà thầy cũng đã cả một đời được nhìn như thế. Mọi người quì trên chiếu, hai tay chắp lại. Khói hương nghi ngút, và phía trên cao, Phật Tổ ngồi nhắm mắt tham thiền. Đức Phật đầy uy nghi, đại độ. Đức Phật đầy từ bi bác ái có nhìn thấy được lòng con không? để mà thương cho con, xúc dộng trong lòng hé mắt cho con một lời răn dạy? để bảo cho con biết Thầy đã đi đâu, đã làm gì trong cõi hư vô?
Con đón nhận lễ phẩm trong tay những người khách đến, đặt lên bàn thờ mà lòng xót xa. Ở nhà, trên bàn thờ Thầy, cứ đôi ba ngày con cũng một lần làm như thế. Những quả cam, quả quít. Những trái dưa hấu, dưa vàng. Những nải chuối, những đĩa kẹo, bánh rượu, trà… Những thứ lúc sinh thời Thầy hằng ưa thích. Con buồn vì nếu lúc Thầy còn sống mà dâng Thầy được như vậy, thì bây giờ đâu có khổ sở với ý nghĩ: Thầy đã mất rồi, ăn đuợc nữa đâu? Cúng đấy, nhưng rồi người sống được thừa hưởng tất cả. Điều ấy lại càng làm con khổ sở, cho rằng việc cúng bái Bố mình là dịp để mình được thừa hưởng những thứ ngon, thức quí. Tại sao lúc Thầy còn ở trên đời, con và mọi người không thể mua kính biếu Thầy được nhiều thế?
Buổi lễ kéo dài từ mười giờ đến mười một giờ trưa. Vì nhầm ngày thứ sáu – ngày đi làm – nên khách khứa đã ra về gần một nửa. Tuy thế số còn lại vẫn còn đủ đông chật gian phòng. Mọi người dọn cơm chay ra mời khách thụ trai. Con bận rộn với công việc ấy và tạm quên đi nỗi nhớ thương Thầy, tạm bớt bực dọc vì những đứa cháu nhỏ nghịch mgợm nô đùa. Con thấy con giống Thầy vào những ngày giỗ, cúng thường hay cáu kỉnh. Và con cũng chợt buồn vì kỳ giỗ bà Nội lần tới Thầy chẳng còn sống để mà buồn, mà khổ, mà khóc nhớ Mẹ và cáu kỉnh với con cháu như vô tình trước nỗi buồn thảm của Thầy với Mẹ kính yêu, mỗi năm ít nhất một lần.
Lần giỗ Bà sau cùng của Thầy trước ngày con lấy vợ hai ngày. Con nhớ hôm ấy Thầy đã xúc động nhiều, có lẽ hơn mọi năm nhiều lắm. Nhiều nguyên do đã làm Thầy như thế, nào Thầy đã già lại ốm, nào Thầy vui mừng vì chị Bẩy thi đậu ra trường và nhất là lo nghĩ cho đám cưới của con mà Thầy không tự mình lo được. Rồi các con cái khác cũng đem đến cho Thầy những xúc cảm mạnh. Phải chăng Thầy đã yếu thực sự vào ngày giỗ Bà Nội ngày hôm ấy, để rồi ốm luôn nên không dự được lễ cưới của con? Lúc đưa vợ con vào lạy Thầy con nghĩ rằng Thầy đã vui mừng vì con út Thầy thế là đã yên bề yên phận, nhưng có đúng thế không? hay Thầy đang buồn vì nếu như “ngày xưa”, đám cưới ấy phải do Thầy lo từng chi tiết nhỏ?
Thầy ơi! Thầy ơi! Thầy yêu kính của con ơi!
Bữa cơm chay đã xong, khách khứa ra về. Con ngồi vào cùng gia đình ăn vài miếng cho bớt đói. Ngồi đấy, nhìn lên bàn thờ Phật con vẫn chỉ thấy hai hình ảnh: Đức Phật quá từ bi và Thầy lặng lẽ nhìn xuống. Và khói hương nghi ngút bốc lên, quyện lấy, tỏa ra bao bọc hai hình ảnh yêu kính này.
Không khí chợt đi vào vắng lặng. Mọi người sửa soạn đi Nghĩa Trang Phước Hòa thăm mộ phần Thầy. Nghĩ tới Thầy lúc còn tại thế, với sự linh động của sự sống, với dáng dấp già yếu, gầy còm đến tội nghiệp nhưng vẫn là thật gần gũi mà bây giờ…bây giờ Thầy đã ra sao? Con không dám tưởng tượng, không dám nghĩ ngợi xa xôi gì khác…con đau đớn quá. Mãi mãi con vẫn là đứa trẻ con, dù đã ngót ba mươi mùa xuân trên mái tóc. Con vẫn còn muốn khóc trong lòng Thầy, còn muốn nằm ngửa trên đùi Thầy sờ tay lên làn da cổ nhăn nheo của Thầy chuyển động mỗi lần Thầy ngồi nhai trầu mỗi buổi hoàng hôn. Con còn thèm khát được nằm ườn ra ngủ để được Thầy gọi thôi thúc từng hồi dậy đi học, đi làm. Và xa hơn nữa, con còn ước ao được như ngày xưa, mỗi lần Thầy đánh thức con không dậy, Thầy cù tay vào hông con cho con bật cười và Thầy bảo:
- Dậy đi, dậy đi chú Tám Lọ. Bẩy giờ rưỡi rồi đấy.
Tám Lọ. Cái tên Nhớ Đời mà Thầy gọi đứa con thứ Tám, con út, đen đúa vì rong chơi suốt ngày ngoài nắng gió. Ôi! Con muốn khóc òa lên khi hồi tưởng lại Ngày Xưa.
Ngày Xưa!
Tiếng để gọi một thủa xa xưa nào đó. Này xưa ở đây là thời thơ ấu của con. Con nhớ lại. Từ những lần Thầy cầm tay con tập viết, dạy con ê a tập đánh vần. Cho đến những ngày tháng long đong chạy loạn và đến khi xuống tầu di cư vào Nam. Con lớn dần lên. Thầy nhìn con và nói:
- Nó cao như cái sào!
Mỗi lần thấy con ở trần, mặc quần ngắn và đứng trước mặt Thầy, trông chướng mắt. Con đã từng bao lần khóc vì bị Thầy đánh đòn, nhiều hơn những cái bánh Thầy cho. Nhưng Thầy biết rõ con không oán giậnThầy mà chỉ hờn, chỉ dỗi. Và thương Thầy hơn: Thầy dạy con nên người!
Con nhớ tới bài học Pháp văn Thầy dạy, trong cuốn Le Francais au cours Moyen. Bài Un mauvais écolier. Bài ấy chép một lần gần hết một trang giấy học trò, và con đã bị phạt chép hàng ngàn lần như thế, hàng năm qua hàng năm. Lối giáo dục cổ xưa làm con cái sợ Thầy, nhưng lại giúp tất cả những người đã học Thầy (Học trò Thầy từ mấy chục năm nay và con cái Thầy) trở thành người, sốn tương đối trong sạch giữa thế giới hỗn tạp này. Hình ảnh kỷ niệm của con đối với Thầy kể làm sao xiết. Nhưng tất cả đáng giá nhất ở công ơn Thầy dành cho con cái, và cho cậu Út của Thầy. Nên con chỉ còn biết cung kính đọc lại bài học “Khuyến hiếu đễ” Thầy dạy con lúc xa xưa:
Cha sinh Mẹ dưỡng
Đức cù lao
Lấy lượng nào đong
Thờ Cha Mẹ phải hết lòng
Ấy là chữ Hiếu ở trong luân thường
Chữ Đễ nghĩa là nhường
Nhường anh, nhường chị, lại nhường người trên
Ghi lòng tạc dạ chớ quên
Con em phải giữ lấy nền con em.
Để Thầy dưới suối vàng yên tâm là con cái Thầy vẫn một lòng giữ nguyên nề nếp.
…Nghĩa trang buổi chiều thật vắng. Ba giờ rưỡi nắng còn gay gắt. Sau cuộc lễ trước mộ phần, mọi người ngồi dưới bóng mát nói chuyện, chuyện về Thầy và gia đình, như tấ cả mọi lần tụ họp. Ngôi mộ Thầy sáng rực với bia trắng chũ vàng, đá hồng vân nâu đậm. Con cảm thấy thật thân thiết, thật gần gũi với ngôi mộ xây ấy. Như một xác thân, một linh hồn thật sự. Giá có một cái lều cạnh đó, để ngủ, con sẽ nằm ôm ngôi mộ Thầy mà ngủ hằng đêm. Thầy ơi, Thầy ơi, con thương nhớ Thầy quá độ, quá chừng.
Nắng và nóng, mà sao con thấy lạnh? Ý nghĩ đột nhiên dẫn dắt con trở về với hôm Thầy mất. Thứ bẩy 20 tháng 11 năm 1971. Một buổi chiều kinh hoàng nhất đời con, con quả quyết thế. Ôm Thầy trong lòng trên chiếc Taxi đến Bệnh Viện Grall con cảm thấy rã rời thể xác. Sự cách chia đã hiện rõ trên gương mặt, trên thân thể Thầy. Con biết mình đã tuyệt vô hy vọng, nhưng sao vẫn níu kéo những mong ước mong manh. Mong manh hơn cả sợi tơ trời. Thầy bằn bặt thiêm thiếp trong giấc hôn mê!
Nhìn Thầy nằm trên chiếc giường trắng toát trong phòng lạnh hồi sinh, tất cả chúng con như chôn chân xuống đất. Ông bác sĩ người Pháp bước ra nói với anh Cả:
- Không cách nào cứu chữa nữa rồi.
Chị Tư, chị Bẩy òa lên khóc. Thầy ơi, làm sao Thầy nhìn thấy chúng con lúc đó.
Đứng thật đông mà bơ vơ lạc lõng như chỉ có một mình. Ngơ ngác, bàng hoàng. Vậy mà nhìn Thầy nằm lặng lẽ trong đó con lại thấy Thầy bơ vơ hơn, cô đơn hơn nhiều. Với con, Thầy đã ra đi từ lúc nằm trên cánh tay con trên chiếc Taxi đến Bệnh Viện.
Buổi tối đưa Thầy về nhà. Lúc thường ngày Thầy vẫn thường nói muốn chết ở nhà, giữa các con các cháu. Không ai muốn trái ý Thầy. Ngôi nhà đó đã bao năm chứa đựng bóng dáng Thầy. Đồ đạc in hằn dấu vết xử dụng của Thầy. Ngó vào đâu đụng tới đâu cũng thấy Thầy đã từng làm như vậy. Lần cuối cùng Thầy về nằm giữa những đồ đạc, vật dụng thân yêu đó, giữa những người đã hãnh diện mang dòng máu của Thầy. Và, Thầy chết trong cảm giác buông lung, vào đêm tối trời mù mịt. Cũng trời đất đó, mà sao con thấy trời thật tối đất thật chênh vênh, thời gian dài dặt và khí hậu lạnh lẽo ghê người. Mười giờ ba mươi lăm phút, tiếng nói của ai bật lên lúc Thầy trút hơi thở cuối cùng. Tiếng khóc òa vỡ, dâng tràn. Ngôi nhà nới rộng mênh mang. Con ôm lấy đầu Thầy, sướt mướt. Con vẫn mãi mãi là bé bỏng bên Thầy, Thầy ơi.
Mọi người lo tắm rửa, thay quần áo cho Thầy. Ít phút sau, Thầy đã gọn gàng trong bộ quốc phục: khăn đống áo dài. Hai tay đặt lên bụng, Thầy như đang nằm ngủ bình yên, trên giường mới, đệm mới, màn mới. Con đã làm đẹp, chăm chút từng thứ của Thầy để Thầy vui lòng khi sống với con, vây mà Thầy đã ra đi không chịu hưởng. Con cứ nghĩ như vậy trọn đêm đó cho đến sáng hôm sau. Cả nhà hết sức bận rộn vì biết bao nhiêu việc phải làm. Con không nhớ con đã đi đâu, lo được việc gì, nhưng con biết rằng con đã sợ phải nhìn thấy con và Thấy cách nhau quá xa, dù thật gần kề trong gang tấc. Con đi rồi lại trở về nhìn thấy Thầy như vậy. Buổi sáng, chiếc dù trắng được căng lên che nắng trước sân cho bàn tiếp khách ở dưới. Dấu hiệu đầu tiên của ngôi nhà mang tang chế. Bà con họ hàng lục tục đến. Nhìn Thầy nằm trong màn ai cũng nói Cụ sướng quá, qua đời dễ dàng, nhanh chóng. Ai cũng nghĩ đến điều đó và cho là một sự may mắn, phúc đức, mà không nghĩ đến sự đau buồn của người sống. Con không nghĩ như họ được.
Hai cánh cửa ra vào và bốn cánh cửa sổ được tháo ra cho nhà thoáng và khỏi vướng víu. Buổi chiều năm giờ, nhà sư chùa Long Vĩnh tới làm lễ nhập quan.
Thế là hình ảnh thực thể của Thầy đã biến mất trước mắt mọi người. Chiếc giường được dẹp đi dành chỗ đặt quan tài và bắt đầu nến cháy đỏ, khói hương nghi ngút. Tiếng kinh tụng niệm bắt đầu râm ran và khách càng lúc càng đông, dưới bếp, trên nhà, ngoài sân, trước ngõ chật đầy khách phúng. Thầy ơi! Lúc Thầy còn sống có bao giờ Thầy nghĩ một ngày nào ngôi nhà này lại có hình ảnh ấy không?
Đêm đã sâu, cơn mệt mỏi đã làm mọi người rủ liệt. Giờ giới nghiêm dục khách ra về, ngôi nhà trở về vắng lặng. Mỗi người tìm một góc, dưới chân cổ áo quan có Thầy trong đó, nằm la liệt. Con chập chờn trong giấc ngủ mê, rồi lại thức, lồm cồm đứng dậy thắp tiếp mấy thẻ hương để Thầy bớt lạnh. Rồi con ra sân, kéo lại vạt áo dài tang chế che cho bớt phong phanh dưới sương khuya. Gió ở đâu về nhiều đến thế, đùa lá hàng cây trên cao nghe xào xạc. Cành cây cổ thụ trước sân nhà hàng xóm, cành to nhất đã bị hị chặt đi. Đằng sau cành cây nhìn thấy hàng ngày – nay đã mất – cả một khung trời trống vắng, rộng mênh mông với những mái nhà chơ vơ trong đó. Không còn gì che đậy cho những mái ngói, mái tôn ở đó khiến chúng trơ trọi, vô duyên. Trước kia núp dưới bóng cổ thụ, những mái nhà ấy như ấp ủ một không khí ấm cúng, không chút ưu phiền. Bây giờ dưới bóng cổ thụ, tràn đầy phiền muộn vì cổ thụ đã không còn nữa, như Thầy đã chẳng còn từ ngày hôm qua.
Con lại trở vào nằm dưới chân Thầy, khoanh tròn như con chó con. Con muốn ôm Thầy như trong giấc ngủ mơ, mười năm trước, Thầy có biết không Thầy? Con nằm đó nghe lá xào xạc rợn hồn, gió lạnh ùa vào dằn vặt linh hồn, thể xác con.
Buổi sáng, ngày thứ ba. Khách đưa tiễn Thầy đến thật đông. Lễ di quan bắt đầu lúc tám giờ ba mươi sáng. Người đi bộ, xe cộ nối đuôi nhau sau xe tang dài thật dài. Hẳn người qua đường sẽ nói: đám tang ông cụ lớn quá.
Nhưng con thiết gì chuyện ấy. Họ có biết ông cụ mất đi, con ông cụ đang khóc thầm tiếc nhớ hay không? Họ có biết con đang ao ước Thầy sống lại đến mức nào không? Họ có nghĩ rằng con sẵn sàng hy sinh đánh đổi một nửa cuộc đời con chưa sống để Thầy sống thêm năm mười năm nữa với con, với cháu Thầy không?
Khu đất an táng Thầy nằm gần dưới chân Bồ Tát Đại Tạng. Người ta bảo ở gần chân Bồ Tát được ấm cúng, không bị quỷ ma quấy nhiễu. Tự dưng, từ lúc đó tâm hồn con thay đổi hoàn toàn. Thưong Thầy bao nhiêu, con lại càng nghĩ lại những điều Thầy vui buồn trong quá khứ. Về con, Thầy ít được vui. Và đó là niềm ân hận to tát nhất của con, khi từ giã mộ Thầy ra về. Và đó là lý do con nẩy ra nhiều ý định. Bạn bè dù thân cách mấy, cùng lứa tuổi con, nghe con nói đều mỉm cười hoài nghi hay chế diễu. Nhưng con có niềm tin và con sẽ làm được. Từ ngày Thầy mất, trong dịp cúng Thất Thất Lai Tuần con đã ngồi chân thành tụng kinh sám hối, Thủy Sám, Địa Tạng một cách nghiêm trang, kính cẩn. Con đã biết kính Phật, trọng Tăng. Đó là điều lúc còn sống, Thầy cứ tin là chẳng bao giờ con làm thế, giống Thầy.
Vậy mà con đang và sẽ còn giống Thầy nhiều hơn nữa. Con đã may hai chiếc áo dài, một vải trắng, một the đen. Con sẽ mắc giống Thầy trong những ngày giỗ Tổ, giỗ Thầy và có lẽ cả vào dịp Tết. Con sẽ mua một chiếc khăn đống để đội giống Thầy. Con sẽ sinh hoạt giống Thầy. Tất cả vì Thầy, tất cả. Và mười rằm tháng Chạp này là mùa Phật Đắc Đạo, con sẽ lên Chùa quy Phật. Con sẽ thay đổi nếp sống cho được thanh cao, trong sạch hơn nữa. Vì con đã bắt đầu tin ở Trời, ở Phật, ở kinh điển và ở nền nếp nho phong mà Thầy truyền lại cho con theo huyết thống.
Con làm tất cả, là vì sự ra đi của Thầy đã thay đổi đời con.
Bốn mươi chín ngày qua, ngày Tứ Cửu hôm qua cũng đã làm xong. Từ nghĩa trang trở về, vợ chồng con và chị Bẩy lại tiếp tục làm cơm cúng Thầy cho đủ một trăm ngày. Lại tiếp tục khung cảnh quen thuộc không sai lệch mảy may.
Bây giờ, chị Bẩy đã tụng xong bài kinh để cầu cho Thầy sớm siêu thoát. Nhìn chị run run kính cẩn để cuốn kinh lên bàn thờ, con rùng mình liên tưởng đến tất cả những buổi trưa bi ai, tiếng khóc thê thảm của chị nhớ Thầy, những buổi chiều chị Tư ngồi xếp bằng trên ghế, vạt áo ướt đầm nước mắt thương cha.
Tất cả trở về với con như sấm chớp, làm con rung động. Cầu Trời Phật cho con đủ niềm tin để con thực hiện được những gì con đã tự nguyện với lòng. Để Thầy có thể hài lòng vì con.
Chị Bẩy lại lúi húi trong góc bếp, lo bữa cơm chiều cúng Thầy. Con đem cuốn kinh Địa Tạng xuống, lật ra đọc vài trang. Và con hiểu tại sao chị Bẩy lại ra công, bền chí tụng niệm hàng ngày. Con đọc thấy một đoạn in lời Phật dạy:
“Các thiện nam tử, thiện nữ nhân, muốn đền đáp công đức cù lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ dù bằng bốn sự cúng dàng như: áo mặc, cơm ăn, giường nệm, thuốc thang cho đến suốt đời kiệu võng cha mẹ ở trên vai, như thế cũng chưa đủ.
Không gì hơn là hằng nhất tâm chính niệm đọc tụng kinh này, hồi hướng công đức cho cha mẹ. Không những cha me, anh em đời hiện tại được hưởng phúc lợi, mọi sự an lành như: đi, đứng, nằm, ngồi ở bất cứ nơi nào đều có thiên thần ủng hộ và muốn cầu gì đều được như ý nguyện, mà cả đến cha mẹ, anh em trong nhiều đời, nhiều kiếp cũng nhờ công đức đọc tụng kinh Địa Tạng này mà được hưởng phúc lợi vô lượng, vô biên không thể kể xiết”
Lòng thương cha, tình ruột thịt, phải chăng cũng là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy con người tiến đến giai đoạn phát bồ đề tâm?
Con bâng khuâng với những giòng chữ trong cuốn kinh trước mắt. Nhìn lên, qua cửa sổ, con bắt gặp khung trời cô quạnh sau khoảng cành cây cổ thụ bị đốn đi. Khung trời đầy những sầu muộn. Con tự hỏi những Trời Phật, những kinh và niềm tin có thể trở thành cổ thụ để rợp bóng nương nhờ cho con trong suốt quãng đời này không?