ầu tháng 2 năm 1997, tôi mua nhà mới và để bảng bán ngôi nhà đang ở. Mặc dù ngôi nhà đó là một thiên đàng đối với tôi, sân trước, sân sau đều rất rộng rãi, ngôi nhà lại mới tinh, tôi được chứng kiến từ ngày người ta đặt sườn nhà cho đến lúc hoàn thành, kiểu kiến trúc rất lạ, khác thường, nhưng nó quá lớn, mà tôi thì quá bận rộn, không còn thì giờ để chăm sóc nữa. Hơn nữa, tôi có quá nhiều vấn đề cần phải giải quyết hồi bấy giờ mà tôi không thể giữ ngôi nhà này được nữa. Tôi trang hoàng ngôi nhà này rất đẹp, vì đã tốn suốt hai năm trời để làm đẹp nó. Tôi đọc rất nhiều các loại sách về trang trí nhà cửa trong đó, cuốn Architectural Digest được tôi sưu tầm trên 15 năm. Tôi đã đi cùng hết các nơi để mua hay đặt làm các vật liệu để trang hoàng. Ðối với tôi việc ăn uống thì rất dễ, rất đạm bạc, đơn sơ, nhưng nói đến trang trí nhà cửa thì tôi rất khó khăn là vì tôi có tiêu chuẩn rất cao. Tất cả mọi đồ đạc, bàn ghế, đồ dùng, tranh ảnh và luôn cả cây cối trong nhà đều phải được chọn lọc rất kỹ trước khi mua. Màu sắc phải thật hài hòa với nhau và tất cả mọi thứ trong nhà phải đi chung với nhau. Không cần thiết là đồ đạc trong nhà phải là loại đắt tiền, nhưng kiểu cách phải lịch sự, trang nhã, không hào nhoáng. Cách trang hoàng của tôi rất độc đáo. Vì lối kiến trúc có 2 vòng cung cao chót vót trong nhà, tôi bèn biến cái phòng khách rộng thênh thang của tôi thành một nơi chốn mà khi bước vào phòng khách, người ta có cảm tưởng như đang đứng trên một sân khấu rất đẹp hay, người ta có cảm tưởng như đang đứng bên trong một lan can của một ngôi biệt thự cổ nhìn ra một vườn hoa, rất trữ tình, rất lãng mạn.Tôi rất tiếc mà phải bán nó đi.Khi báo tin cho anh biết tôi sẽ bán nhà cũ và mua nhà mới nhỏ hơn, anh hoàn toàn không có ý kiến gì. Anh là một người rất tự trọng và rất có ý tứ. Những gì tôi làm cho chính riêng tôi, anh luôn luôn đứng qua một bên, chỉ khi nào tôi nhờ anh giúp ý, hay kêu gọi sự giúp đỡ của anh, thì lúc ấy anh mới bước vào. Nếu anh cần phải hay bất đắc dĩ phải bước vào công việc riêng của tôi, anh rất cẩn thận, cùng nhau phân tích sự việc, rồi để tôi quyết định, anh không bao giờ nói những lời gì để làm lệch lạc sự quyết đoán của tôi. Nhưng những gì mà chúng tôi làm chung với nhau, thì anh rất tích cực, anh giúp tôi rất nhiều ý kiến. Trong thời gian này, tôi học hỏi rất nhiều ở anh. Anh là một người đa tài, tháo vát, anh biết rất nhiều và thực hành những điều anh biết một cách khôn khéo và hợp lý. Anh rất ít nói hay là khoe khoang những gì mình biết, anh chỉ lẳng lặng làm việc. Ðối với anh, cái thành quả mới là quan trọng, chứ không phải lời nói suông.Khi tôi nói:- Khi nào em mua nhà mới nhỏ hơn, gọn hơn, anh về ở với em, anh nhé!Anh trả lời trước sau như một:- Anh sẽ đến thăm em, nhưng anh không dám hứa với em là anh sẽ về ở đó.- Anh có thương em không? Mà lúc nào cũng luôn trả lời không?- Anh rất thương em, không thương em thì thương ai bây giờ. Tuy nhiên anh chưa thể về với em được, vả lại, anh không có nhu cầu gì cả, anh ở đâu cũng được. Anh sống đơn sơ quen rồi.- Thì em sẽ xây một tổ ấm rất đơn sơ cho anh.- Cảm ơn em, nhưng anh không muốn em bị mang tiếng. Anh muốn giữ tiếng cho em. Và anh cũng không muốn người đời bảo rằng anh lợi dụng em.- Em không cần, ai nói gì thì nói, em không để ý đến dư luận nữa, người ta đâu có hiểu mình bằng mình đâu anh. Mình không có làm gì xấu xa để mà phải sợ. Mà tại sao anh lại sợ?- Vì anh sống với dư luận, dù sao đi nữa, anh cũng là người của công chúng. Anh muốn sống trong sạch cho chính anh và cho binh chủng Không Quân. Anh không muốn binh chủng của anh bị tai tiếng.- Nhưng mà sống chung với em đâu có gì là xấu đâu?- Em nói đúng, trong hoàn cảnh này, không có gì là xấu. Nhưng anh chưa có thể làm được gì ngay bây giờ. Khi nào được là anh làm ngay vì anh rất mong muốn được kết hợp với em. Xin em hiểu cho anh.Tôi rất tôn trọng anh nên chấp nhận những gì anh nói.Mỗi lần anh xuống thăm tôi, hai chúng tôi đều đi đến thăm ngôi nhà tương lai còn đang xây cất dở dang. Ngôi nhà này tọa lạc trên một sân golf. Mở cửa phòng ngủ chính ra ngoài là một cái bao lơn nhìn ra ngoài sân golf, bên tay trái có một cái hồ khá lớn. Bên kia sân golf là một vườn cam. Lúc bấy giờ là mùa mưa, quang cảnh phía sau ngôi nhà tương lai của tôi như một bức tranh tuyệt đẹp vì cây cỏ xanh mượt mà, nước mưa từ trên vườn cam chảy ào xuống tràn vào sân golf, nước lênh láng trong sân như một con suối nhỏ, rồi cuồn cuộn chảy ra hồ. Các thú vật trong rừng cam chạy ra nhảy tung tăng trong sân cỏ. Tôi và anh đứng ngây người ra nhìn bức tranh tuyệt vời ấy.Tôi ôm anh và hỏi:- Anh có thấy đẹp không? Anh có thích ngôi nhà này không?- Anh thấy đẹp lắm, thích thì anh cũng thích, nhưng với anh, vấn đề nhà cửa thì anh không còn tha thiết gì nữa.Tôi biết sự buồn thảm, thất vọng trong anh đã làm cho anh không còn biết ham thích bất cứ gì nữa trong cuộc đời. Anh không màng nhà cao cửa đẹp, anh không màng danh vọng bạc tiền, anh chỉ mong một điều duy nhất trong đời: xin cho được một mái ấm đơn sơ với người mình yêu và xin được âm thầm sống một cuộc đời thật đạm bạc, thật bình yên để có được một sự thanh thản trong tâm hồn.Dạo đó, tôi biết lắm, anh rất mong muốn được sống gần tôi để cùng nhau đi hết đoạn đường còn lại của cuộc đời, nhưng những bứt rứt, hối hận, dầy vò trong lòng anh đã ngăn cản anh lại. Ước mong được kết hợp với tôi mỗi lúc một xa vời. Mỗi lần tôi năn nỉ anh đi thu âm cho CD May Mà Có Em, anh cứ lần lựa khất từ, anh nói với tôi rằng anh không còn thích ca hát gì nữa vì lòng anh lúc bấy giờ quá sầu thảm và tiêu điều xơ xác, tim anh tả tơi như những mảnh vụn. Anh không còn có một sự rung động nào trong con tim để mà ca hát nữa.Anh ăn uống rất bất thường, có khi anh nhịn ăn suốt ngày, rồi làm việc hay đọc sách suốt đêm và ngủ rất ít. Anh gầy còm và cao lêu khêu như một cây sậy. Cứ mỗi lần anh xuống thăm tôi, tôi muốn làm một cái gì đó để mong anh vui và yêu đời mà ham sống, tôi rủ anh đi mua sắm, đi xi nê và luôn cả đi chơi xa với tôi, anh cũng từ chối. Tuy nhiên khi tôi rủ anh cùng đi chọn thảm, chọn gạch để lót trong nhà bếp và các phòng tắm của ngôi nhà mới, thì anh rất sốt sắng đi với tôi. Cả hai chúng tôi đều có một gu giống nhau về màu sắc. Chúng tôi chọn thảm gần như màu trắng cho ngôi nhà mới này vì gần hai mươi năm nay, đó chỉ là màu thảm duy nhất tôi dùng cho nhà cửa mà thôi. Anh chọn gạch hơi phơn phớt màu hồng rất nhạt nhưng không phải là hồng, gần như trắng và nhất định, chúng tôi không chọn loại gạch men bóng loáng mà chọn loại mờ, trông có vẻ như một loại đá, rất tự nhiên vì tôi muốn đem thiên nhiên vào ngôi nhà này.Một trục trặc bất ngờ đến với tôi khi sắp sửa đến giai đoạn cuối cùng của giấy tờ mua nhà. Vì nhà cũ của tôi lúc ấy chưa bán được, mà cho ngôi nhà mới, tôi lại sửa phòng ngủ chính cho rộng ra để có một chỗ làm việc và đọc sách, nhà bếp nâng cấp lên thành màu trắng kiểu Âu Châu, và đóng một cái lan can để nhìn ra sân golf và hồ nước nên giá nhà bị tăng lên, nhà băng lấy lý do nào là tôi là đàn bà độc thân, nào là nhà cũ tôi chưa bán được, tiền nhà mỗi tháng tôi phải trả rất cao, nào là chi phí nhà mới cao hơn lúc đầu vân vân.. nên họ bắt tôi phải trả 25 phần trăm, thay vì 20 phần trăm như tất cả các trường hợp thông thường khác. Khi tôi than thở với anh về trục trặc này, anh mau mắn ngỏ ý giúp trả 5 phần trăm còn lại cho tôi. Cảm động vì lòng tốt của anh, tôi đâm ra lo ngại, tôi nói:- Em sợ sau khi dọn vào nhà mới, em còn rất nhiều việc phải chi tiêu, em sợ sẽ không trả lại cho anh liền được. Nếu anh cần tiền gấp, em sẽ không có liền.Anh nói:- Em lo xa lắm, nhưng em đừng ngại gì hết, cứ lo chuyện trước mắt trước đi. Còn anh thì sao cũng được.Tôi đề nghị để tên anh vào giấy tờ chung với tôi, nhưng anh nhất định từ chối.Sau cùng thì ngôi nhà cũng hoàn thành. Nhờ sự giúp đỡ của anh tôi mua được ngôi nhà mới này. Ngày dọn nhà, anh từ San Jose xuống và cùng Hoàng Trọng Thụy, người bạn thân của chúng tôi lúc đó, dọn nhà phụ tôi.Trong lúc lu bu dọn dẹp, tôi có điện thoại. Ðầu dây bên kia là Minh Phượng, người bạn tôi xem như em gái của tôi, Phượng là một xướng ngôn viên nổi tiếng của một đài phát thanh ở quận Cam, khi tôi nói với Phượng là anh Sĩ Phú có mặt ở nhà tôi, Phượng ngỏ ý muốn nói chuyện với anh, tôi đưa ống nói cho anh:- Anh say hello với Phượng đi anh!- Hello Phượng, anh Sĩ Phú đây em!Tôi lu bu đi tiếp tục dọn dẹp và cho đồ vào thùng. Một hồi lâu, anh đưa lại điện thoại cho tôi, rồi tiếp tục làm việc. Không biết anh và Phượng đã nói những gì, mà xem Phượng có vẻ quý anh lắm và hết lòng khen ngợi anh Sĩ Phú có giọng nói rất truyền cảm, rất tốt và ấm trong điện thoại. Phượng khen giọng anh không thua một xướng ngôn viên nào trong các đài phát thanh thời bấy giờ.Tôi nói với Phượng:- Chị đã nói với Phượng rồi mà, bây giờ thì Phượng mới chịu tin chị, là anh Sĩ Phú có giọng nói rất ngọt ngào đầm ấm và thật trữ tình.Khi tôi nói với anh về những lời khen này, anh vừa làm việc, vừa nheo mắt nhìn tôi:- Anh có cái gì đâu mà các cô cứ khen mãi! Theo lẽ anh phải khen Phượng mới đúng chứ vì quả thật Phượng có một giọng nói rất rõ và trong sáng mà xướng ngôn viên nào cũng cần phải có.Phượng thấy chúng tôi dọn nhà mệt mà chưa có ăn uống gì nên cô có nhã ý đi mua thức ăn và đem lên cho chúng tôi, nhưng vì nhà tôi quá xa cho Phượng nên chúng tôi xin được từ chối và cảm ơn Phượng.Ðến khuya hôm ấy, chúng tôi dọn gần hết đồ đạc về nhà mới, hai chúng tôi đều bị mệt nhoài vì dọn nhà suốt ngày. Mãi làm việc mà quên ăn uống, tôi và anh đói meo. Trời đã khuya, chúng tôi chỉ còn biết chở nhau đi Denny's ăn tối. Lần đầu tiên, từ ngày chúng tôi quen nhau, anh và tôi mới có dịp gần gũi và thương yêu nhau hơn. Ðêm ấy, chúng tôi là hai người bạn hạnh phúc nhất trên đời vì đó là lần đầu tiên, chúng tôi thực sự mới có được một tổ ấm riêng cho chúng tôi. Mặc dù mệt lả vì dọn nhà suốt ngày, nhưng anh và tôi cứ mãi quấn quít bên nhau, hàn huyên, tâm sự cho đến gần sáng. Anh và tôi cùng chung một ý nghĩ, mặc dù chỉ quen nhau hơn một năm, nhưng hình như sợi dây vô hình nào đó đã thắt chặt chúng tôi lại dường như hơn một trăm năm rồi. Càng biết nhiều về anh, tôi càng ngưỡng mộ anh và yêu quý anh hơn ở cái tư cách có một không hai của anh. Anh là một người đàn ông ngoại hạng.Anh ở lại một tuần lễ sau đó để phụ tôi cất bỏ đồ đạc vào nơi chốn đàng hoàng, anh dọn dẹp rất kỹ lưỡng từ trong ra ngoài. Anh làm với tất cả sức lực và sự nhiệt thành. Anh rất điềm tĩnh trong lúc gặp trở ngại khó khăn và anh luôn luôn có câu giải đáp cho mọi vấn đề.Tôi phải buột miệng khen anh:- Nhà binh có khác, cái gì anh cũng biết, cái gì anh cũng làm được, anh ơi, nói cho em nghe đi, cái gì mà anh không biết và không làm được?Anh vẫn lẳng lặng làm việc, không trả lời câu hỏi nửa đùa nửa thật của tôi.Ban ngày lúc tôi đi làm việc, anh ở nhà giúp tôi làm hết những gì tôi cần, công việc rất nhiều, làm hoài không hết. Càng làm càng nhiều việc.Chúng tôi đưa nhau đi ăn nhà hàng mỗi buổi tối vì tôi chưa nấu nướng được trong lúc này. Tìm kiếm mãi, sau cùng, thì chúng tôi tìm được hai nhà hàng, một nhà hàng thì chuyên bán Bò Bảy Món rất ngon ở góc Harbor và freeway 22, còn nhà hàng kia thì có món cá nướng thật độc đáo ở đường First. Cả hai đều khá khang trang và sạch sẽ ở gần khu Little Saigon. Trong thời gian đó, chúng tôi thay phiên lui tới thường xuyên ở hai nhà hàng này để dùng cơm tối.Tôi trước đó không bao giờ thích Bò Bảy Món trừ ra món cháo sau cùng, nhưng từ lúc đi ăn thường xuyên với anh, tôi lần lần làm quen với các món khác và sau cùng thì rất thích món Bò Bảy Món này, vả lại, nhà hàng này nấu ăn cũng khá ngon hợp với khẩu vị của chúng tôi, vì thế cho nên, cứ mỗi buổi tối, chúng tôi đều đến dùng những bữa cơm rất thịnh soạn và qua những bữa cơm này,chúng tôi tìm được rất nhiều hạnh phúc bên nhau. Tình cảm của chúng tôi càng ngày càng khắng khít.Hai tháng sau khi dọn vào nhà mới, mọi việc tương đối tạm ổn định, chúng tôi bắt đầu lo việc vườn tược. Sân sau và sân trước của nhà tôi rất nhỏ so với nhà cũ, nhưng chúng tôi vẫn có chỗ để trồng thật nhiều hoa ở sân trước và cây ăn trái ở sân sau.Anh trồng cho tôi một cây hoa Ngọc Lan thật đẹp ngay trước nhà gần cửa ra vào, một cây hoa giấy, để leo tường và vô số những bông hoa khác. Anh đi Home Depot để mua những dụng cụ cần thiết mà một người đàn ông nào trong mọi gia đình cũng đều có như búa, kìm, đinh đóng đủ loại, bù lon, máy khoan điện vân vân...Anh bỏ suốt một ngày để đóng đinh lên những bức tường đá để giăng dây cho hoa leo sát tường, thay vì xài những loại hàng rào bằng gỗ người ta bán đầy ở các vườn cây. Tôi không muốn anh phải tốn quá nhiều thì giờ cho ngôi nhà này như vậy, nhưng anh rất nhiệt thành, anh bảo:- Nếu anh không làm thì thà anh trở về San Jose cho xong vì anh cũng rất bận rộn trên ấy. Nhưng anh muốn tất cả mọi việc ở dưới này xong xuôi đâu ra đó rồi thì anh mới yên lòng về lại. Em cứ để anh làm, chừng nào mệt thì anh nghỉ, anh lo cho anh được mà cưng!Anh đóng thêm kệ gỗ, và treo những bức tranh vào những chỗ nào tôi muốn. Anh đi đặt mua các tấm màn mini blind giùm tôi rồi gắn lên rất là kỹ lưỡng, anh lấy thước đo đàng hoàng trước khi đóng cây đinh vào tường, anh nâng niu những gì trong tay chứ không chỉ làm lấy lệ cho xong chuyện.Có một đêm, anh thức thật khuya ở ngoài garage để sửa chữa một tấm màn mini blind nhỏ xíu đang bị rối loạn vì anh lỡ đánh rơi nó. Tôi không hay biết gì hết, đến một lúc sau, tôi không thấy anh, đi tìm anh, thì mới nhận thấy sự mỏi mệt nơi anh. Tôi hối hận vô cùng, vội trách anh:- Anh bỏ nó đi, nó có tốn bao nhiêu tiền đâu mà anh phải bận tâm tốn thì giờ vô ích với nó.Anh điềm tĩnh trả lời:- Nhưng anh biết em không hoang phí, nên anh không muốn bỏ nó. Anh muốn giữ nó cho em.Tôi cảm động:- Anh à, cái gì cần phải bỏ thì bỏ, em không tiếc đâu. Thì giờ quý báu đó anh để nghỉ mệt, nghe nhạc, không thích hơn sao? Tội nghiệp vì anh quá hết lòng, nên không chịu cân nhắc gì hết!Tôi giành lấy tấm màn từ tay anh, anh dằng lại, tôi năn nỉ anh:- Mấy tấm màn mini blind này em chỉ xài tạm mà thôi, chừng nào có shutter để thay thế thì em sẽ bỏ nó hết. Em chỉ thích mini blind ở những nơi không quan trọng như cửa sổ phòng tắm mà thôi. Anh chớ nhọc công vì nó.Anh đành nghe lời tôi, vứt tấm màn vào sọt rác gần đó và đi dọn dẹp đồ nghề. Tôi phụ anh vứt hết đồ lỉnh kỉnh vào thùng rác. Vào nhà, anh đi tắm, tôi gọt trái cây cho anh ăn, tôi không muốn anh làm gì khác nữa, anh đã mệt đừ vì làm việc suốt ngày rồi.Tôi đem xoài ngọt cho anh ăn và cảm ơn anh rối rít về những gì anh đã giúp tôi. Anh vuốt tóc tôi bảo rằng:- Em đừng bận lòng, anh rất muốn làm thật nhiều cho em. Làm gì được thì anh sẽ làm. Em viết ra giấy đi những gì em muốn anh làm cho em ngày mai, anh sẽ lo liệu.Tôi nhìn lại ngôi nhà, từ ngày có bàn tay tháo vát của anh, nó đã trở nên xinh đẹp gọn gàng và trang nhã vô cùng. Tất cả những gì anh đã làm, mãi cho đến ngày giờ này tôi vẫn không thay đổi. Tôi yêu quý từ góc nhà, từ kẹt cửa, chỗ nào có bàn tay thân yêu của anh đã đi qua, tôi không chạm đến vì e ngại sẽ làm mất đi hình ảnh cao quý của anh.Một tháng sau, chúng tôi đi mua hai cây nhãn hột tiêu lấy giống từ Thái Lan, anh trồng một cây trước nhà. Còn sân sau anh trồng cho tôi một cây nhãn, một cây ổi xá lị, táo Tàu, hồng dòn, sa pô chê và khế ngọt. Tôi cũng không quên trồng một cây phong sau nhà để được nhìn lá trổ vàng khi mùa thu đến như ở ngôi nhà cũ của tôi dạo nào.Năm đầu, cây khế cho chúng tôi khoảng trên 50 trái khế ngọt thật lớn, nhưng từ đó đến nay, nó càng ngày càng cằn cỗi lần lần. Nhưng các cây khác thì cho rất nhiều trái ngọt, càng ngày trái càng lớn và nhiều. Cây nhãn ngọt Thái Lan không làm tôi thất vọng. Mặc dù mỗi năm tôi chỉ được khoảng 100 đến 150 trái, nhưng rất ngọt, thơm và hột thì rất nhỏ. Còn cây sa-pô-chê thì đến giờ này vẫn chưa có trái nào. Anh thất vọng về cây này nhất vì lúc đầu, anh đặt rất nhiều hy vọng vì cành lá của nó sum xuê đẹp đẽ lắm.Từ ngày tôi dọn về nhà mới, mỗi lần anh xuống thăm, anh ở lại nhà tôi chứ không về nhà của anh Phòng nữa. Thỉnh thoảng có đi đâu, anh ghé vào thăm anh chị Phòng chốc lát rồi đi.Cũng trong thời gian này, lần nào anh xuống thăm tôi là anh cũng luôn luôn về thăm viếng cô Kim Uyên và người con trai con riêng của cô khoảng nửa ngày.Ðôi khi anh cũng hay lười, nằm nhà đọc sách suốt ngày, không chịu đi đâu, tôi sợ anh bị buồn chán vì tôi phải đi làm suốt ngày. Tôi phải giục anh đi thăm cô Kim Uyên.- Sao anh không đi thăm cô ấy đi. Anh nằm nhà mãi sẽ đâm ra chán!- Cô ấy cũng đang làm việc, đâu có rảnh em. Chiều tối anh sẽ đi.Mỗi lần anh thăm viếng tôi như vậy, anh thường lưu lại hai ba tuần lễ, đôi khi đến cả tháng rồi mới trở về San Jose.Trong thời gian này, tôi vẫn đi làm việc bình thường, anh đem công việc theo với anh và làm việc tại nhà tôi, chừng nào xong thì anh gửi đi.Ðôi khi anh có rảnh một chút thì anh nấu ăn giùm tôi. Buổi chiều đi làm về được ăn một buổi cơm rất thịnh soạn và ngon miệng do anh nấu thì còn gì bằng. Phải nói rằng tài nấu nướng của anh rất độc đáo, không ai bì. Anh nấu đủ món, món nào cũng ngon. Canh chua vừa đủ chua và hơi cay một chút, cá kho thì anh kho vàng óng mềm mại, không bao giờ bị bể khứa cá, tôm rang thì rất hồng và dòn thơm phức, món nào ra món đó, đối với anh, nấu ăn là một nghệ thuật. Những thức ăn anh nấu chẳng những vừa ngon mà vừa trông đẹp mắt nữa.Khi đi làm về nhà, anh không muốn tôi làm gì hết, anh bảo:- Em nên nghỉ ngơi một chút đi rồi hãy dùng cơm.Nếu tôi không nghe lời anh, tiếp tục vào bếp, thì anh kéo tôi ra.Anh dọn cơm ra bàn rất tươm tất, chén, muỗng, đũa và khăn ăn, lúc nào hoa Ngọc Lan nở, anh hái một đóa vào nhà, để lên bàn ăn cho tôi.Tôi vặn máy hát lên, để CD Tà Áo Xanh của Sĩ Phú vào, chưa kịp cho máy hát thì anh đã bảo:- Thôi em à, anh không muốn nghe!- Tại sao anh không muốn nghe? Em thích CD này lắm.- Anh không thích nghe anh hát trong lúc này.- Nếu anh nói như vậy thì thôi, em sẽ không để nhạc.Tôi tắt máy, trở về lại bàn ăn.Anh âu yếm nói với tôi:- Buổi chiều em đi làm về anh rất vui. Ði ăn tiệm hoài anh ngán quá, tốn kém mà lại không bằng ở nhà. Nếu anh mà có nhiều thì giờ thì anh sẽ nấu ăn thường cho em.Tôi cảm động nhìn anh:- Ăn uống như thế này thì quá thịnh soạn, đẹp và ngon quá anh à. Cả đời em, chưa bao giờ em ngờ được là, một ngày nào đó, em sẽ được anh Sĩ Phú nấu cho em ăn. Anh làm em cảm động lắm, không lẽ bây giờ em bảo anh đừng nấu nữa, nhưng anh có thì giờ đâu?- Em đừng lo, khi nào anh nấu được thì anh sẽ nấu. Còn nếu không có thì giờ nấu thì chúng ta đi ăn tiệm. Thôi, mời em cầm đũa.- Dạ mời anh!Chúng tôi vừa ăn vừa trò chuyện rất thân mật trong những buổi cơm tối như vậy. Tôi học rất nhiều tính tốt về anh, anh là một người vô cùng thuận thảo khi nói đến vấn đề ăn uống. Anh luôn luôn nhường những thức ăn ngon cho tôi và hết lòng săn sóc tôi trong bữa ăn. Hình như đó là một niềm vui cho anh.Chúng tôi thay phiên gắp thức ăn cho nhau. Anh nói:- Cho anh biết món ăn nào em thích, anh sẽ nấu cho em.- Em ăn dễ và đơn sơ lắm, món nào anh nấu thì em ăn. Nấu ăn ngon như thế này thì cái gì em cũng ăn được.Anh lườm tôi:- Nhưng em đâu có ăn được rau cải.Tôi bật cười với anh, rồi phân trần:- Em tệ thật. Không hiểu sao, em không ăn được rau cải. Nhưng rau tươi, cải xà lách ăn bún thì em ăn rất nhiều, còn ngoài ra những loại cải như bẹ xanh, bẹ trắng, cải ngọt, cải làn, rau dền, rau lang, rau muống, giá sống gì gì đó thì tới chết, không bao giờ em ăn được. Ăn vào là nhả ra hết. Thôi, anh cứ cho em ăn đậu hũ chiên với nước tương đi, suốt đời em ăn cũng được, không bao giờ chán.- Anh và em rất hợp tánh tình, duy chỉ có cái chuyện ăn rau cải, anh lấy làm lạ là tại sao em ăn không được. Anh thì rất thích ăn rau cải. Thôi được, để từ từ, anh sẽ tập em ăn rau.- Chúc anh thành công, vì em đã tập cả đời rồi mà không ăn được!- Ngày mai anh sẽ làm bò bía cho em ăn. Anh làm bò bía ngon lắm!- Ô, em thích bò bía lắm! Nếu anh nói ngon thì nhất định phải ngon. Có bao giờ anh khen anh đâu?Hôm sau, đi làm về, vừa ló đầu vào nhà là ngửi mùi bò bía làm tôi đói run lên.Tôi đã từng ăn bò bía Viễn Ðông ở Sài Gòn ngày xưa rồi, thua xa bò bía của anh Sĩ Phú. Anh làm tương ăn rất ngon, anh quẹt tương vào bánh tráng và củ sắn trước khi anh cuốn. Khi ăn không cần phải chấm vào tương. Tôi nói với anh:- Ðúng là anh cuốn theo kiểu ở quê nhà ngày xưa. Cái mùi bò bía này giống như mùi bò bía em ăn ở nhà lúc còn bé. Rất đặc biệt em không làm sao diễn tả được, hai mươi năm nay bây giờ mới ngửi lại. Anh Phú ơi, có lẽ anh nên mở nhà hàng vì anh nấu ăn quá ngon, ngon tuyệt vời.- Anh đã từng có nhà hàng rồi, em nhớ không? Cực lắm em ạ, đừng có ham.Tôi tập ăn ít ban đêm vì sợ mập, vậy mà tối hôm ấy tôi ăn một lượt 7, 8 cuốn dài hơn bò bía ở mấy hàng food to go bán mà vẫn chưa thấy no. Nhưng tôi phải ngừng vì sợ bị anh cười là tham ăn.- Em sợ mập chứ không thì em sẽ ăn thêm nữa!- Em mập hay ốm thì có sao đâu, anh cũng vẫn thương em như thường. Em đừng quá lo lắng về bề ngoài. Em có mập thì anh vẫn không thay đổi ý. Giá trị của người đàn bà là ở trong tâm hồn của họ và những gì họ làm cho gia đình, chứ đâu phải ở một vài cân bên ngoài. Mập thì làm ốm lại rất dễ, chứ tâm hồn không đẹp thì làm cho tốt đẹp được mới là khó.- Em cảm ơn bài học của anh, vậy thì bây giờ em có thể ăn thêm một cuốn nữa không? Anh ơi, hình như bỏ tương ở trong cuốn bò bía ngon hơn là chấm tương đó anh. Em ăn thấy no chứ không thấy ngán!Quả thật trong thời gian anh thăm viếng thường trực, tôi bị lên cân vì ăn hơi nhiều. Nhưng anh thì vẫn gầy gầy, vì cứ mỗi lần anh trở về San Jose được một hai tuần, thì anh lại rơi vào trường hợp cô đơn, buồn khổ vì không ai chia sẻ đời sống, miếng cơm manh áo với anh?Nỗi buồn của anh vẫn triền miên, ray rứt.Ngày đó, anh buồn vời vợi vì anh muốn chia sẻ đời sống với tôi, anh rất muốn cùng tôi đi hết đoạn đời còn lại, nhưng cái gì đó, đã làm cho anh dừng lại, và nuối tiếc rồi khổ đau. Có nhiều lúc tôi và anh đã tính chuyện hôn nhân. Tôi nói với Phượng điều này, Phượng vui mừng bàn với tôi một hôn lễ:- Em và Việt Dzũng sẽ làm MC cho anh chị, và ban nhạc Chí Tài sẽ hát trong ngày cưới của anh chị...Tôi nói lại cho anh nghe những gì chúng tôi bàn về ngày hôn lễ, anh vô cùng xúc động, anh bảo tôi:- Ðây sẽ là đám cưới đầu tiên trong đời anh. Anh ước gì đó là sự thật.