Dịch giả: Ðặng Lương Mô
Chương 1
Thái tử Shotoku
Người khởi xướng tư tưởng gộp đạo Thần-Phật-Nho

    
hủy tổ của khái niệm tôn giáo của người Nhật
Thái tử Shotoku là một trong những “nhân vật” quen biết nhất trong lịch sử Nhật Bản.
Sau khi qua đời ông được đặt tên thụy là Shotoku Taishi, tức là Thái tử Shotoku, chứ sinh thời ông tên là Umayado no Miko hoặc Kamitsu Umayado no Toyotomimi no Oji.
Những ai sinh trước thập niên 1960, thì hẳn còn nhớ hình bán thân Thái tử Shotoku in trên tờ giấy bạc 5 ngàn Yen hay tờ 10 ngàn Yen cũ. Ðây chỉ là một phần của hình vẽ thái tử đứng chung với hai người con. Hơn nữa, hình vẽ này có miêu tả đúng thái tử hay không, là vấn đề còn cần phải bàn luận thêm. Nhưng dù sao, hình vẽ này cũng đã trở thành quen thuộc như là “bộ mặt Thái tử Shotoku” vậy.
Truyền thuyết về Thái tử Shotoku trên phương diện tôn giáo và văn hóa có rất nhiều. Ðến nỗi ở hậu bán thập niên 1980, người ta đã thấy xuất hiện một tập sách hoạt họa vẽ Thái tử Shotoku, bán rất chạy trong giới trẻ. Một nhân vật lịch sử hoạt động về tôn giáo và ngoại giao, thường ra khó trở thành đề tài kể chuyện Kodan [1] hay đề tài truyện cổ, thế mà đã thành kịch hí họa bán chạy, thì cũng lạ.
Thái tử Shotoku được chọn làm người thứ nhất trong “Mười hai người dựng nên nước Nhật”, chính vì ông là người khởi xướng đồng thời là người thực hành “tư tưởng gộp đạo Thần-Phật-Nho”, tư tưởng đã được cụ thể hóa thành quan niệm tôn giáo chi phối tâm thức người Nhật trong suốt một nghìn bốn trăm năm qua.
Ðây là tư tưởng tôn sùng cùng một lúc ba giáo lý: đó là Thần đạo hay tôn giáo dân gian của Nhật Bản, Phật giáo hay tôn giáo phát sinh ra ở Ấn Ðộ rồi truyền qua Trung Hoa và bán đảo Triều Tiên vào Nhật Bản, và Nho giáo phát sinh ra ở Trung Hoa, tức là những quy phạm đạo đức làm khuôn mẫu cho cách xử thế.
Từ đó tới nay, cái tư tưởng này không những đã quyết định hẳn quan niệm tôn giáo và quan niệm văn hóa của người Nhật, mà còn có ảnh hưởng lớn tới cung cách đối xử khi Nhật Bản tiếp thu văn hóa hay kỹ thuật từ nước ngoài vào. Ðồng thời, từ sau khi tư tưởng gộp đạo đã bén rễ rồi, thì tôn giáo không còn là một trục đối lập đáng kể ở Nhật Bản nữa. Thậm chí nếu một tôn giáo mới (ví dụ đạo Cơ Ðốc) du nhập vào, thì đó chẳng qua là lại có thêm một đối tượng nữa để tôn sùng. Sự khác biệt tôn giáo chỉ là ở chỗ đặt trọng điểm tín ngưỡng vào đâu mà thôi.
Ðối với người Nhật, thì chiến tranh tôn giáo là cái gì thật sự không hiểu nổi. Khi xét vấn đề Trung Ðông hay cuộc phân tranh Bosnia Helzegovina [2], người Nhật hoàn toàn thấy mù tịt khi đi vào vấn đề tôn giáo! Chỉ vì khác tôn giáo mà đánh nhau đến bỏ mạng, là chuyện chưa bao giờ thấy có ở Nhật Bản, kể từ trận phân tranh giữa hai họ Soga và Mononobe thời Thái tử Shotoku cho tới ngày nay. Người dân nước này đã thành như vậy là do Thái tử Shotoku, hay ít nhất cũng là do cái tinh thần thời đại tượng trưng bởi thái tử.
Chương này sẽ kể lại “nhân vật” Thái tử Shotoku từ quan điểm nói trên. Song, trước hết, chúng ta thử nhìn lại xem thái tử đã sống trong thời đại như thế nào.
Thời chuyển tiếp từ “thời sơ cổ” sang “thời cổ”
Thời kỳ đáng coi là văn hóa đã thực sự bén rễ ở đảo quốc Nhật Bản này, là từ bao giờ? Thật ra, những nghiên cứu khảo cổ học càng đi sâu hơn thì thời kỳ như vậy càng thấy trở lui thêm về quá khứ. Song tựu trung, nhận thức chung là coi thời kỳ này ở vào khoảng thế kỷ thứ II.
Thời đó có nữ chúa Himiko, làm chúa một số thôn ấp và quy phục được một số thôn ấp xung quanh nữa. Người ta mặc loại y phục chỉ gồm có một mảnh vải đay đục lỗ ở giữa rồi chui cổ qua đó. Ðây là lời tường thuật trong sách “Ngụy chí Oải nhân truyện” [3]. Ngụy nói ở đây là nước Ngụy trong ba nước Ngụy, Ngô, Thục của truyện Tam Quốc Chí, nước đã được con của Tào Tháo [4] dựng nên. Khi Trung Hoa đã ở thời kỳ Tam Quốc, thì Nhật Bản hãy còn ở tình trạng như kể trên vậy.
Tuy nhiên, có một sự thật được biết rất rõ là, trước thời đại Himiko cả hơn 150 năm, nghĩa là vào khoảng năm 57 sau công nguyên, đã có sứ giả của vua nước Nu người Oải tới kinh đô Lạc Dương của nhà Hậu Hán, Trung Hoa, trình cống vật và nhận “ấn vàng” (con dấu bằng vàng) của Hán Vũ đế. Truyện này chép trong sách Hậu Hán Thư. Vật được coi là “ấn vàng” đó, người ta đã đào thấy ở tỉnh Fukuoka vào thời chúa Tokugawa, nay vẫn có thể tới xem ở Viện bảo tàng Fukuoka.
Lại nữa, qua những điều tra gần đây, người ta đã lần lượt phát hiện ra nhiều ngôi mộ cổ xưa chứng tỏ rằng ngay thời Himiko, đã có ở vùng Kinki, tức là vùng quanh kinh đô Kyoto ngày nay, một triều vua với thế lực đáng kể. Xét những sự thật như vậy, không chừng ta có thể coi nền văn minh Nhật Bản đã có từ lâu trước thời đại Himiko.
Cũng có thể là một thời gian trước hoặc sau đầu công nguyên, nền canh nông đã phát triển và do đó đã có một triều vua. Tuy nhiên, dù cho thời đó đã có một triều vua đi chăng nữa, thì tôi cũng chỉ định nghĩa đó là một quốc gia “thời sơ cổ”, chứ chưa phải là “thời cổ” tức là thời kỳ người ta đã biết coi trọng sự gia tăng số lượng vật chất.
Trong lịch sử Tây Âu, thì từ thời Kim tự tháp tới thời đế quốc La Mã tan rã, và trong lịch sử Trung Hoa, thì thời thái cổ kể từ nhà Ân, tức triều đại Hạ, cho tới đời Ðường, nghĩa là suốt khoảng thời gian trước thời “trung cổ” đều gọi là “thời cổ”. Nhưng ngay trong khoảng thời gian dài này thì nửa trước và nửa sau đã có sự khác nhau lớn lao. Nên gọi thời đại mà con người chỉ biết gieo hạt rồi chờ thu hoạch trên những thửa đất có điều kiện thiên nhiên tốt, nghĩa là thời đại coi sự cầu đảo thần linh làm trọng hơn là trông cậy vào tri thức và sự cần cù, là “thời sơ cổ”. Còn thời đại sau cách mạng nông nghiệp, tức là biết dùng thủy lợi và thâm canh để cải thiện đất đai, rồi do đó coi trọng kỹ thuật và sự cần mẫn, là “thời cổ”. Theo tôi, thì chia ra như vậy mới đúng.
Thời Himiko rõ ràng chỉ là “thời sơ cổ”, vì chưa thấy có kỹ thuật dẫn thủy nhập điền hay kỹ thuật đê điều. Nói khác đi, diện tích có thể canh tác được ở mỗi nơi đều nhỏ hẹp, và như thế, ở mỗi địa vực đều không thể sinh ra một quyền lực quốc gia mạnh lớn được.
Nhưng dần dần kỹ thuật cải thiện đất trồng trọt ngày một tiến bộ, kỹ thuật dẫn thủy nhập điền được phổ cập, thì diện tích canh tác rộng lớn ra. Kết quả là sự hình thành của quốc gia địa vực bao gồm cả vùng xung quanh mà đất đai không canh tác được nếu để nguyên trạng như thiên nhiên. Tiến bộ kỹ thuật đã làm cho luân lý thay đổi, hình thái quốc gia cũng từ dạng quốc gia đô thị biến thành quốc gia địa vực. Ðây chính là thời chuyển tiếp từ “thời sơ cổ” sang “thời cổ” vậy.
Không những diện tích canh tác đã được mở rộng sang vùng phụ cận, mà sức sản xuất cũng tăng lên. Vì thế, dân số gia tăng và sinh ra sản phẩm thặng dư. Do đó mới phát sinh ra quyền lực bắt người khác làm việc để mình thu lợi. Rồi, tổ chức và chế độ mới thành hình.
Những ngọn kim tự tháp hùng vĩ đã được dựng lên ở quốc gia đô thị thời thái cổ Ai Cập. Việc nặng nhọc khuân vác những tảng đá xây kim tự tháp đó, hẳn đã phải do bọn người nô lệ bị đánh đập, thôi thúc bằng roi vọt, khuân vác. Như vậy, có nhiều người tưởng rằng thời Kim tự tháp đó hẳn đã phải có nhiều nô lệ lắm. Nhưng thật ra, người ta đã biết rằng ở thời thái cổ Ai Cập, tức là lúc những kim tự tháp đó đã được xây dựng, thì hầu như không có người nô lệ. Ðây là vì, bắt một người khác làm việc cho mình, mà sức sản xuất của người đó không nuôi được hơn một miệng người, thì đó là việc làm vô nghĩa. Chế độ nô lệ chỉ trở thành đại quy mô kể từ “thời cổ” khi đã phát sinh ra hiện tượng sản phẩm thặng dư mà thôi.
Kỹ thuật cải thiện đất trồng trọt đã từ bình nguyên Kawachi lan sang thung lũng Yamato. Do đó, người ta cho rằng một vương quyền kiểu “thời cổ” đã phát sinh ra ở vùng Kinki vào thời bách niên kỷ 500 sau công nguyên (tức là thế kỷ thứ VI). Thế lực này sau đó đã lớn mạnh thành triều vua Yamato vậy.
Thái tử Shotoku đã sinh ra vào thời kỳ mà quốc gia “thời cổ” này đã đứng vững, tức là hậu bán của thế kỷ thứ VI.
Sự đối lập xung quanh vấn đề công nhận Phật giáo
Sức sản xuất đã cao vọt lên từ thời sơ cổ sang thời cổ, là nhờ kỹ thuật du nhập từ đại lục sang. Ðương nhiên, cùng với kỹ thuật đó, cả tư tưởng mới lẫn tôn giáo mới cũng lan vào.
Sự việc trên, không những đã nhờ tiến bộ về thuật hàng hải khiến cho sự đi lại giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản trở nên dễ dàng hơn, mà cũng nhờ có những diễn biến quân sự, chính trị ở bán đảo Triều Tiên nữa. Thời đó, Triều Tiên đang có loạn “tam quốc” [5]. Những người có kỹ thuật và văn hóa ưu tú đã vượt biển sang Nhật Bản. Trong những người gọi là “dân vào làng (dân nhập tịch)” như vậy, có nhiều người đã kéo tất cả bà con thân thích vượt sang Nhật Bản. Những người này đã mang vào Nhật Bản văn hóa và kỹ thuật phát đạt ở Trung Hoa, trong đó có cả Ðạo Phật.
Sử chép năm 538 lần đầu tiên Phật giáo đã được “công truyền” vào Nhật Bản. Ðây là nói sự “công nhận của triều đình”, chứ thật ra, Ðạo Phật hẳn đã được truyền bá trong dân gian từ trước đó. Phật giáo đã lưu hành rộng rãi trong dân gian, đến nỗi triều đình không thể làm ngơ được, đã truyền cho họ Soga “phải thờ Phật đi”. Nói theo ngôn ngữ ngày nay, thì đó chính là sự công nhận tự do tín ngưỡng đối với Ðạo Phật vậy.
Là một tôn giáo đã hoàn chỉnh, Phật giáo vào Nhật Bản mang theo không những chỉ có yếu tố tôn giáo và triết học, mà còn cả một nền “văn hóa” có hệ thống nữa. Từ kỹ thuật kiến trúc và các công nghệ, kỹ thuật cải thiện đất trồng trọt, nghề thuốc và dinh dưỡng học, v.v., đã cùng với Ðạo Phật được mang vào Nhật Bản.
Vốn thèm khát “văn hóa”, số người Nhật quy y theo Phật giáo đã tăng vọt lên. Một hiện tượng tương tự song với quy mô và sự ưu đãi gấp nhiều lần của hiện tượng lúc ban đầu thời Meiji [6] (Minh Trị), tức là khi nền văn minh Tây Âu hiện đại cùng với đạo Cơ Ðốc truyền vào Nhật Bản, đã thực sự diễn ra. Vì thế, hơn cả chính Ðạo Phật, số người mộ cái lợi ích đời nay, như sự học tập kỹ thuật, cái vẻ bảnh bao, v.v., hẳn đã quy y vô cùng đông đảo. Tôn giáo hoặc tư tưởng từ những nước tiên tiến lan truyền tới thì bao giờ cũng như vậy.
Tuy nhiên, mười mấy năm sau khi Phật giáo được “công nhận”, nghĩa là khoảng từ năm 552 trở đi, phe “sùng Phật” tức là dòng họ Soga đã gặp phải lúc vận xui. Hễ cứ xây chùa thì bệnh dịch lại lưu hành, khiến đã nẩy ra cuộc tranh luận về vấn đề công nhận Phật giáo. Ðại biểu của phái “bài Phật” là dòng họ Mononobe.
Mononobe là một dòng họ được nâng đỡ bởi chế độ thị tộc của triều đình Yamato, và cùng với họ Otomo, đời đời được giữ quyền lực tối cao với chức Omuraji [7]. Nói cách khác, với địa vị quan chức thống lãnh ba quân của triều đình Yamato, với thói quen thờ “thần bảo hộ” của những nhà quân sự thời đó, dòng họ này đã cố chấp sự duy trì tôn giáo cổ truyền của Nhật Bản.
Một mặt thì phái sùng Phật, với dòng họ Soga làm trung tâm, đã không chịu mãn nguyện với nền tự do tín ngưỡng cho dân gian, mà lại muốn cả bậc nguyên thủ, tức là “thiên hoàng” (vua Nhật Bản), cũng phải sùng bái Ðạo Phật nữa.
Từ đời vua Bidatsu, rồi đến vua Yomei lên ngôi, cuộc tranh luận vẫn còn sôi nổi. Vị này là em trai vua Bidatsu và là cha Thái tử Shotoku.
Theo sử chép, vua Yomei là ông vua đầu tiên ở Nhật Bản đã lễ Phật (năm 585). Tuy nhiên, hình như đó chỉ là một lễ không chính thức của cá nhân nhà vua mà thôi. Ở thời đó, đây là giới hạn tối đa mà nhà vua có thể làm được [8].
Vua Yomei ở ngôi được một năm tám tháng, thì băng hà. Thế là cuộc tranh chấp liên quan đến việc chọn vị vua kế, đã bùng nổ ra giữa đại nguyên soái Mononobe Moriya và thượng thư Soga no Umako. Nghĩa là đã có một cuộc nội loạn giữa một bên gồm có họ Mononobe và họ Nakatomi, tức là phe tôn thờ thần thánh cổ truyền của Nhật Bản, và một bên muốn nâng Ðạo Phật lên thành quốc giáo, tức là phe gồm có dòng họ Soga làm nòng cốt, xung quanh có nhóm người mới “vào làng” cùng với đám hào trưởng muốn học hỏi văn hóa, kỹ thuật của nhóm người mới “vào làng” này.
Thời ấy, đại đa số các hào trưởng đã ủng hộ phe sùng Phật của họ Soga là vì người Nhật lúc đó, với tinh thần “thời cổ”, đã mong có một chế độ xã hội mới với tiến bộ văn minh có thể tạo ra nhiều của cải, hơn là cái nền chính trị Thần quyền. Nói cách khác, Nhật Bản rõ ràng đã bước từ “thời sơ cổ” sang “thời cổ” vậy.
Trong cuộc nội loạn này, Thái tử Shotoku đã đứng về phe họ Soga và đã đích thân ra chiến trường. Thái tử cho tạc tượng tứ thiên vương để cầu thắng và đã phát thệ rằng nếu thắng trận sẽ dựng chùa thờ phụng tứ thiên vương. Kết quả là thái tử thắng trận và đây là cơ hội cho chùa Tứ Thiên Vương được dựng lên thành quốc tự ở Naniwa.
“Chính quyền liên hiệp” giữa hoàng gia và họ Soga
Thắng trận, diệt xong họ Mononobe thì họ Soga đã tôn Thái tử Hatsusebe lên ngôi, tức là vua Sushun.
Thế nhưng khi lên trị vì, nhà vua gặp phải một mâu thuẫn chính trị sâu sắc. Số là vua Nhật, hay “thiên hoàng”, vốn được kể là dòng dõi Amaterasu Omikami [9], hậu duệ vua Jinmu, theo một truyền thuyết Thần đạo. Nay đã phủ nhận Thần đạo rồi, nên cái tính tất yếu của việc phải để cho con cháu dòng họ “thiên hoàng” lên làm vua, cũng đã mất đi rồi.
Thời đó, văn hóa Trung Hoa lan vào Nhật Bản không phải chỉ có Ðạo Phật mà cả Nho giáo và Ðạo giáo cũng truyền vào. Phép tu luyện thần tiên, đại diện bởi pháp sư Enno Gyoja, cũng truyền bá vào. Ðương nhiên, cái tư tưởng “cách mạng đổi họ [10]”, một tư tưởng chính trị quan trọng của Trung Hoa, cũng du nhập vào.
“Dịch tính cách mạng (cách mạng đổi họ)” là nói trời chọn người có đức cho làm thiên tử. Do đó gọi là thiên mệnh. Con cháu nhờ đức của tổ tiên mà trị thiên hạ. Nhưng sau nhiều đời, đức ấy hết đi, trong hàng con cháu có kẻ thất đức xuất hiện, thì kể như thiên mệnh hết. Lúc đó, trời chọn người họ khác có đức, trao cho thiên mệnh và khiến lập ra triều đại mới. Chẳng qua, “đổi họ để thay mệnh” chính là “mệnh lệnh” của “trời” vậy. Tư tưởng này đã được Mạnh Tử lý thuyết hóa, cũng đã được nói đến trong sách Sử Ký Tư Mã Thiên, là tư tưởng khẳng định cách mạng quá khích độc đáo của Trung Hoa.
Thời Thái tử Shotoku thì ở Trung Hoa nhà Tùy mới thành lập chưa được bao lâu. Ðó là thời đại toàn quốc mới thống nhất sau một thời tao loạn gọi là “thời đại lục triều” hay thời “nam bắc triều”, thì đương nhiên phải có sự thay đời đổi vua. Vì vậy, cái tư tưởng “cách mạng đổi họ, đổi đời” hẳn phải được cổ súy hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh như vậy, Ðạo Phật đã phát đạt và được truyền bá vào Nhật Bản.
Như vậy, tư tưởng “cách mạng đổi họ, đổi đời” không thể không du nhập vào Nhật Bản được. Nói cách khác, cái quan niệm lúc đó coi ai có đức thì đáng làm vua, chứ không câu nệ truyền thống “vạn thế nhất hệ (một họ vạn đời)”, quả là cái nguy cơ chồng trứng đối với dòng họ “thiên hoàng”.
Hơn thế nữa, lại có cả dòng họ Soga có thế lực đáng đứng ra thay thế nữa. Thế mà, cái tiền đề cho dòng họ “thiên hoàng” được làm “thiên hoàng”, tức là Thần đạo, đã bị phủ nhận mất rồi, thì cái nguy cơ quả là “nước đã đến chân”. Vua Sushun đã nhận thức được cái nguy cơ này. Vì thế, mặc dầu được dòng họ Soga, tức là phe “sùng Phật” tôn lên làm vua, song nhà vua đã ngả sang phe “bài Phật” vậy.
Kết quả là năm năm sau, vua Sushun đã bị Soga no Umako ám sát. Trong lịch sử Nhật Bản, chỉ có hai vị vua được sử chép là “bị giết”, đó là vua Anko ở thế kỷ thứ V và vua Sushun này. Nói cách khác, họ Soga đã có đủ uy thế đến nỗi có thể ám sát được cả vua.
Sau đó, dòng họ vua đã khổ tâm không biết nên tôn ai lên làm vua. Kết cục, bà cô của Thái tử Shotoku đã lên ngôi năm 592, tức là nữ hoàng Suiko. Ðây là vị nữ đế vương đầu tiên ở Ðông Á.
Vị nữ đế vương đầu tiên và duy nhất trong lịch sử Trung Hoa, tức là bà Tắc Thiên Võ Hậu (Võ Tắc Thiên) đã xuất hiện vào nửa trước của đời nhà Ðường (bà lên ngôi năm 690), nghĩa là sau bà nữ đế vương Nhật Bản khoảng 100 năm. Ở bán đảo Triều Tiên thì cũng khoảng 40 năm sau Nhật Bản mới có nữ vương, tức nữ vương Thiện Ðức của nước Tân La lên ngôi năm 632.
Lúc đó không phải là dòng họ vua không có người đàn ông nào xứng đáng. Chính Thái tử Shotoku lúc đó đã được 19 tuổi, và ở thời đại đó thì như vậy là trưởng thành rồi, vì so với ngày nay thì tuổi đó tương đương với tuổi trên 30. Ấy thế mà người ta đã để cho một người đàn bà thuộc ba thế hệ trước lên làm vua!
Việc tôn lên ngôi vị nữ hoàng đầu tiên này ở Ðông Á đã để lại dấu tích của cái khổ tâm trong vấn đề nhân sự này. Lợi dụng sự sùng bái phụ nữ từ Amaterasu Omikami để chọn nữ hoàng Suiko, đã cho thấy sự thỏa hiệp phức tạp giữa dòng họ Soga và dòng họ thiên hoàng. Với dòng họ Soga thì việc chọn nữ hoàng tức là làm cho nhà vua khó cựa quậy, mặt khác việc lựa chọn nữ hoàng tỏ rõ cái ý của dòng họ thiên hoàng, hay đúng ra là của Thái tử Shotoku, không muốn đối lập ra mặt với dòng họ Soga.
Với việc đưa thiên hoàng Suiko lên ngôi, vấn đề nhân sự như thế là xong. Nhưng “chính quyền liên hiệp” này giữa dòng họ thiên hoàng và dòng họ Soga liệu có tốt hay không. Trước hết là vấn đề tôn giáo, vấn đề trọng đại nhất, thì chưa giải quyết được. Giữa lúc đó, thì từ dòng họ thiên hoàng đã thấy xuất hiện một thiên tài. Ðó là Thái tử Shotoku, người đã nắm quyền nhiếp chính năm sau đó, tức là năm 593.
Khởi xướng “tư tưởng gộp đạo” duy nhất trên thế giới
Thái tử là một Phật tử rất ngoan đạo. Như đã nói ở trên, thái tử mộ đạo đến nỗi trong cuộc phân tranh Soga - Mononobe, ông đã cho tạc tượng tứ thiên vương để cầu thắng, và sau khi thắng trận, ông đã dựng chùa Tứ Thiên Vương làm quốc tự. Thêm nữa, thái tử đã theo một cao tăng tên là HuệTừ từ Cao Ly trên bán đảo Triều Tiên qua, học Phật giáo và viết chú giải kinh Pháp Hoa cùng nhiều kinh điển khác. Hơn thế nữa, thái tử còn tạc tượng và hiểu biết tinh tường về kiến trúc Phật giáo. Có thể coi thái tử là nhân vật uyên bác nhất về Ðạo Phật thời đó.
Trên thực tế, thái tử cũng đã đích thân truyền bá Ðạo Phật, đã cho xây chùa Horyuji làm ngôi chùa của chính mình. Mặt khác, năm 15 đời nữ hoàng Suiko, chính thái tử đã viết “Kính Thần Chiếu”, hay là tờ chiếu tôn kính Thần đạo.
Sự nghiệp của thái tử đáng được ghi vào sử sách gồm có, thứ nhất, nghiên cứu và phổ cập Ðạo Phật. Sự nghiệp này gồm có việc dựng chùa, tạc tượng Phật, chế tạo Phật cụ và phát triển biết bao nhiêu kỹ thuật liên quan.
Sự nghiệp thứ hai là chế định những chế độ quốc gia như “Hiến pháp 17 điều”, “quan chế 12 bậc”, v.v., làm nền tảng biến Nhật Bản từ một nước cai trị bởi hào trưởng, thành nước có chế độ quan lại, có tổ chức hành chính hẳn hoi. Ðiều thứ nhất của “Hiến pháp 17 điều” có câu nổi tiếng là “lấy hòa làm quý, không đối nghịch nhau làm gốc. Người ta ai nấy hãy nên có bè phái”.
Nước Nhật ngày nay là nước do quan lại cầm quyền. Thời Thái tử Shotoku chính là lúc chế độ quan lại bắt đầu. Cho đến bấy giờ, chế độ quan lại cũng như chế độ quốc gia đều không có gì rõ rệt cả. Vì thế, việc chế định “quan chế 12 bậc” là biểu hiện của nỗ lực xếp đặt chế độ quan lại vậy.
Vì thế, một mặt thì nói “lấy hòa làm quý”, song ngay sau đó lại dạy người ta rằng “ai nấy nên có bè phái!” tức là từng nhóm hãy lập ra tổ chức của mình đi, rồi cùng nhau làm việc trong sự hòa hợp.
Sự nghiệp hiển hách thứ ba của Thái tử Shotoku là vấn đề ngoại giao mà tiêu biểu là việc gửi sứ sang nhà Tùy, Trung Hoa. Sứ giả đầu tiên được Nhật Bản chính thức phái tới Trung Hoa, đã mang quốc thư với câu mở đầu nổi tiếng là “thiên tử nước mặt trời mọc gửi thư này tới thiên tử nước mặt trời lặn”. Thật là minh bạch, để tỏ rõ lập trường coi Nhật Bản cũng như Trung Hoa hay bán đảo Triều Tiên, đều là một nước riêng biệt, độc lập.
Ngoài ra, hình như thái tử còn toan gửi quân sang chinh thảo nước Tân La (ở bán đảo Triều Tiên). Kế hoạch này bái hoàng tử Kume no Miko, bào đệ thái tử, làm đại tướng tổng tư lệnh, nói là sang yểm hộ nước Bách Tề (cũng ở bán đảo Triều Tiên). Trên thực tế, hoàng tử đã mắc bệnh, mất đi, nên kế hoạch có lẽ đã chỉ mới là “câu chuyện đầu lưỡi”. Dù sao, dù chỉ là “câu chuyện đầu lưỡi”, nó cũng đã chứng tỏ cái ý nghĩ cơ bản về một quốc gia Nhật Bản thực tại.
Sự nghiệp thứ tư là kế hoạch phát triển khu vực Ikaruga để xây dựng kinh đô văn hóa thay cho kinh đô Asuka. Việc thiên đô tới Ikaruga là muốn tránh sự chi phối của bọn hào trưởng ở vùng Asuka, nhất là của dòng họ Soga. Từ vùng này, thái tử đã cho mở con đường qua bến Naniwa tới Ozaka [11] để trực tiếp thông thương với nhà Tùy, chứ không qua con đường xuyên bán đảo Triều Tiên mà dòng họ Soga có quan hệ mật thiết.
Sự nghiệp này đã không nhất thiết thành công về mặt chính trị và kinh tế, vì nó đã làm cho dòng họ Soga phẫn nộ. Song ngược lại, chính vì vậy, nó càng làm cho thái tử thêm miệt mài vào sự nghiệp văn hóa học thuật, khiến đã để lại những di sản văn hóa tuyệt diệu.
Xem như trên thì thấy Thái tử Shotoku đã để lại sự nghiệp hiển hách trên nhiều lãnh vực. Song, cái ảnh hưởng của thái tử đối với nước Nhật ngày nay đáng nhấn mạnh nhất là sự nghiệp truyền bá Ðạo Phật, bởi chính thái tử cũng vừa là một tín đồ vừa là một nhà nghiên cứu nhiệt tâm, đồng thời, đã thảo ra bài “chiếu kính Thần”. Sự thật này đã được ghi chép trong sách Kojiki (Cổ Sự Ký) và sách Nihon Shoki (Nhật Bản Thư Kỷ). Nhưng, sự xuất hiện trong những sách này xem có vẻ đường đột. Có người nghi rằng sự việc này đã được lồng vào đó một cách vội vã khi người đời sau biên soạn sách đó. Sở dĩ nghi ngờ như vậy là vì nếu xét sự kiện thái tử là một Phật tử nhiệt thành, thì sự việc đó đáng lấy làm kỳ lạ.
Nhưng thật ra, chính đây mới là chỗ bao gồm một quan điểm vô cùng trọng yếu. Ðó là, một mặt thì truyền bá và nghiên cứu Ðạo Phật, mặt khác lại không phủ nhận đạo thờ thần cổ lai của Nhật Bản. Chẳng những thái tử đã soạn ra bài “chiếu kính Thần”, ông cũng không đón bà chị làm Itsuki no Miya tức là “bà từ”, ở đền Ise về. Tập tục từ đời vua Suinin, theo đó mỗi đời vua đều để một công chúa còn trinh lên làm “bà từ” tối cao ở đền Ise, đã được kế tục cho tới đời vua Daigo. Từ vua Minh Trị trở về sau thì chức “chủ tế” đền Ise đều là người hoàng tộc cả.
Nói cách khác, Thái tử Shotoku một mặt nhiệt tâm thờ phụng và phổ cập Ðạo Phật, mặt khác đã không hề có cử chỉ nào đàn áp Thần đạo cả. Trái lại, ông tỏ ra thông cảm Thần đạo, thậm chí lại giúp đỡ nữa. Ðiểm này là yếu tố quyết định quan niệm tôn giáo của người Nhật vậy.
Về mặt cá nhân, Thái tử Shotoku là một Phật tử, song đứng ở địa vị một chính trị gia, và vốn là một người trong hoàng tộc, ông không thể không bênh vực truyền thuyết Thần đạo được. Ðể giải quyết mâu thuẫn này bằng lý luận và luân lý, ông đã nghĩ ra sự kết hợp ba giáo lý Thần, Phật và Nho vậy.
Thái tử Shotoku cũng là một “đứa con của thời đại”. Như đã nói, ông sinh vào thời đại mà Phật giáo du nhập vào, rồi đám “người vào làng” đã cùng với Ðạo Phật đem một nền văn hóa cao độ vào. Làm thế nào hòa hợp những yếu tố mới này với đạo thờ Thần cổ truyền của Nhật Bản? Ðây là vấn đề trọng đại mỗi người Nhật phải đối phó. Thái tử Shotoku đã đối xử và vượt qua được bằng cách khẳng định Thần đạo trong khi vẫn cư xử như một Phật tử trong cương vị cá nhân.
Ðiều này không phải là dễ. Khi một tôn giáo mới, cùng với một nền văn minh tiên tiến, du nhập vào, thì vấn đề làm sao dung hòa được với tôn giáo cổ truyền và với chế độ xã hội sẵn có, là chuyện có thể xảy ra ở bất cứ nước nào. Chẳng hạn, Hy Lạp thời cổ cũng đã có một kinh nghiệm tương tự khi đạo Thiên chúa du nhập vào. Họ đã phải đương đầu với vấn đề đối xử thế nào với các thánh của đền Olympos, hoặc tín ngưỡng tôn thờ thần Jupiter. Hay là dân German ở địa phương nay là nước Ðức, cũng đã phải giải quyết vấn đề tôn giáo cổ truyền như thế nào khi đạo Cơ đốc đã từ vùng Ðịa Trung Hải truyền bá tới. Ấn Ðộ cũng gặp phải vấn đề tương tự khi đạo Islam loan truyền tới.
Tuy nhiên, ở những nước này, tư tưởng gộp đạo đã không xuất hiện. Do đó mà chiến tranh tôn giáo đã diễn ra không dứt, nhằm giải quyết vấn đề chọn một giữa hai. Nói cách khác, chính vì họ cố tình đi tìm cái thuần túy trong tôn giáo, nên mới phát sinh ra chiến tranh tôn giáo và sự thù ghét lẫn nhau.
Ngoại lệ duy nhất trên thế giới là Nhật Bản. Ở đây cũng đã có cuộc chiến tranh tôn giáo giữa hai dòng họ Soga và Mononobe. Song, sau đó thì sự đối lập tôn giáo hết hẳn.
Sứ quân Oda Nobunaga đã đốt chùa Hieizan, rồi dẹp loạn Ikko (cũng gọi là Jodo Shinshu). Song đây chỉ là một cuộc tranh chấp nhằm hủy duyệt cái võ lực và sự chiếm đoạt đất đai của nhà chùa, tức là những biểu hiệu của quyền lực trần tục mà môn phái này có trong tay. Không hề thấy dấu vết nào tỏ ra Nobunaga đã đàn áp môn phái Ikko bởi đó là một tôn giáo.
Xung quanh Nobunaga, người ta thấy có nhiều tín đồ môn phái Tendai cũng như môn phái Ikko. Là quân nhân hay là quan lại trần tục, hoặc là tăng lữ mà tỏ ra trung thành với Nobunaga, thì ông không đòi họ phải từ bỏ tín ngưỡng hay đổi đạo bao giờ cả.
Chúa Toyotomi Hideyoshi và dòng chúa Tokugawa sở dĩ cấm đạo thiên chúa là bởi vì họ sợ tôn giáo này thông đồng với nước ngoài làm nguy hại tới chính quyền Nhật Bản.
Ở Nhật, chiến tranh tôn giáo đã mất hẳn, chính là nhờ có bậc thiên tài Shotoku xuất hiện, truyền bá tư tưởng gộp đạo bằng lý luận và tài thuyết phục khéo léo vậy.
Thái tử Shotoku, với việc tiếp nhận Ðạo Phật và nền văn minh tiên tiến do đạo này mang tới, đồng thời khởi xướng tư tưởng gộp đạo làm cho lập trường tôn trọng Thần đạo và truyền thuyết về hoàng gia Nhật cũng đứng vững, hẳn đã làm cho người Nhật thời đó thấy thoải mái.
Nhờ đó, tư tưởng này tức khắc được khẳng định và phổ cập, được gọt giũa thêm cả về mặt tôn giáo lẫn lý luận, để cho tới thời Nara, đã được xác lập thành một hệ tư tưởng hẳn hoi.
Phong cách “hay đâu âu đấy”
Thái tử Shotoku là nhà tư tưởng lớn duy nhất trên thế giới đã khởi xướng tư tưởng gộp đạo. Tư tưởng này đã ăn sâu vào xương tủy người Nhật cho tới ngày nay.
Người Nhật thời đó muốn tiếp nhận Phật giáo như là một nền văn hóa mới mang từ những nước tiên tiến tới. Họ muốn học hỏi kỹ thuật mới, thời trang mới. Song, phải chối bỏ cái tôn giáo của tổ tiên truyền lại thì họ cảm thấy khó chấp nhận được. Tình trạng này đã có trong lịch sử thế giới biết bao nhiêu lần rồi.
Chẳng hạn, trong lịch sử châu Âu, khi đạo Thiên chúa mới truyền tới, đã có mấy biến cố lớn xảy ra.
Một linh mục nói: “Nếu không tin chúa Giêxu thì sẽ phải xuống địa ngục!” Một bậc vương hầu German tin lời thuyết giáo này nên có ý định theo đạo thiên chúa. Trước khi quyết định, ông hỏi: “Cha ta không hề biết đạo thiên chúa thì nay ra sao?” Linh mục trả lời: “Hẳn là ở dưới địa ngục!” Nhà vua bèn nói: “Cho dù địa ngục của đạo thiên chúa có đáng sợ đến mấy đi chăng nữa, ta cũng muốn tới nơi cha ta ở!” và bắt đầu đàn áp đạo thiên chúa. Ðã có không thiếu gì những thí dụ tương tự.
Ðạo Phật tuy không nghiêm khắc đến như vậy, song người Nhật thời đó hẳn đã nghĩ tương tự. Do đó, thái tử mới nói rằng dẫu theo Phật giáo cũng không phải bỏ Thần đạo. Người Nhật thời đó một mặt thì thèm khát văn hóa mới, mặt khác lại không muốn phải chối bỏ tổ tiên ông bà, nên đã ồ ạt chấp nhận tư tưởng này. Thần đạo, tôn giáo cổ truyền của Nhật Bản, lại có thể đứng song lập với Phật giáo, một tôn giáo mới, mới từ nước ngoài truyền vào. Ðây là một ngụy biện ghê gớm. Ấy thế mà, Thái tử Shotoku đã cộng thêm cả Nho giáo, coi đây là quy phạm của phép xử thế, và bắt đầu triển khai lý luận giảng giải rằng cả ba đều có thể đứng song hàng với nhau được.
Ở Trung Hoa, tôn giáo bản xứ đúng nghĩa thì không có, mà chỉ có Nho giáo coi như quy phạm xử thế và tư tưởng Lão Trang đối nghịch lại. Sau đó, nghi lễ Phật giáo thêm vào, rồi cả ba hợp lại thành một “tổng thể tôn giáo kiểu Trung Hoa”.
Vì vậy, người Trung Hoa, tuy nói là vừa theo Ðạo Phật vừa theo đạo Nho lại vừa theo cả đạo Lão nữa, song không phải là họ tôn thờ một lúc ba tôn giáo. Ðúng ra, họ tôn thờ một “tổng thể tôn giáo kiểu Trung Hoa”, một hỗn hợp của ba yếu tố tôn giáo đó.
Thói thường khi tin một tôn giáo nào rồi, người ta hay bài xích tôn giáo khác. Nói cách khác, không có cái gì đọa lạc bằng tôn thờ một lúc nhiều tôn giáo. Sự khởi xướng và thực hành của Thái tử Shotoku đúng ra là hành vi sa đọa về mặt tôn giáo. Song ngược lại, đó là bước nhảy vọt về mặt chính trị. Nghĩ ra điều ấy thì dù trong cả thế giới rộng rãi này cũng chỉ thấy có một mình Thái tử Shotoku mà thôi. Không thể có một nhà tôn giáo nào lại dạy người ta tin một lúc nhiều tôn giáo cả.
Do đó, dù Ðạo Phật đã du nhập vào, mà đền Ise vẫn không bị mất tín đồ đi. Hơn thế nữa, nghi lễ “thiên cung” [12] vẫn diễn ra liên miên trong lịch sử, người đi lễ đền Ise vẫn không hề bớt đi.
Khi Ðạo Phật tới, thì chọn lấy chỗ nào hay, còn chỗ nào không thích thì cứ việc bỏ đi. Sau này, đạo Thiên chúa truyền vào, thì những chỗ “vui nhộn”, “bảnh bao” cũng đều được gạn lọc lấy. Chẳng hạn, chỉ có tiệc liên hoan Nôen, lễ cưới ở nhà thờ đã được chọn lấy. Chứ ma chay thì vẫn làm ở chùa, lễ Vu lan thì múa Bon Odori, [13] tết nhất thì đi lễ đền. Vừa ngồi “tham thiền nhập định” lại cũng đi “rước kiệu”. Tất cả những cái này người Nhật đều thực hành thoải mái không hề cảm thấy một mảy may mâu thuẫn nào hết.
Ðến tôn giáo mà còn “hay đâu âu đấy”, “chọn chỗ hay, chỗ tốt” thôi, thì bất cứ cái văn hóa nào khác cũng vậy, người Nhật cũng có thể chỉ gạn lấy chỗ hay, chỗ tốt mà tiếp nhận. Do đó, thời Minh Trị, khi nền văn minh Tây Âu lan truyền vào, thì tức khắc kỹ thuật cơ khí ưu tú đã được gạn lọc lấy, hệ thống đường sắt, mạng lưới truyền thông đã được thiết trí. Tổ chức nghị viện cũng được áp dụng và chế độ trưng binh cũng được lập ra. Từ kỹ thuật tới chế độ học đường đều theo kiểu Tây Âu.
Thế nhưng, cái tư tưởng tự do, cái chế độ gia đình của Tây Âu thì không được chấp nhận. Cái cách gạn lọc này gọi là “hồn Nhật Bản, tài Tây Âu” rất được ưa chuộng. Chính vì có cái truyền thống tư tưởng như thế, nên người Nhật đã không ngừng tiếp nhận được văn hóa, kỹ thuật mới mẻ của nước ngoài.
Văn minh Tây Âu đã lan tràn ra khắp thế giới từ thế kỷ thứ XVIII tới thế kỷ thứ XIX. Ấn Ðộ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Tư đều đã tiếp xúc với văn minh Tây Âu trước Nhật Bản từ lâu.
Tuy nhiên, những nước này vốn sẵn có những nền văn minh nguyên bản của họ. Do đó, họ không nghĩ tới “chọn lấy chỗ tốt, chỗ hay” mà lại nhìn vào văn minh Tây Âu bằng con mắt hệ thống hóa. Vì vậy, khi kỹ thuật Tây Âu lan truyền tới, họ đã bắt đầu thảo luận xem nếu tiếp nhận chế độ và kỹ thuật của Tây Âu, thì có làm thay đổi chế độ xã hội, chế độ gia đình, nền chính trị quốc gia của chính họ, hay không. Họ nghĩ rằng “khi chấp nhận đạo Thiên chúa thì phải phủ nhận thần Jupiter”, thành ra họ cho rằng từ vẻ mặt của thành phố tới dạng thức sinh hoạt đều phải đổi hết.
Ðiển hình là Trung Hoa. Trước cuộc Duy tân Minh Trị của Nhật Bản, Trung Hoa đã nếm mùi sức mạnh quân sự hiện đại ghê gớm của đế quốc Anh qua trận chiến tranh nha phiến. Ðương nhiên, nếu muốn trở thành một nước hùng cường thì phải tiếp nhận chế độ quân đội, kỹ thuật quân đội của Tây Âu. Ðã có phái tiến bộ chủ trương phải học hỏi kỹ thuật mới, và phổ cập chế độ mới của Tây Âu. Thế nhưng, lập tức một cuộc tranh luận nóng bỏng bùng lên. Họ đặt câu hỏi “nếu tiếp nhận những kỹ thuật mới đó, thì thôn xóm ta, gia đình ta, nền giáo dục của ta sẽ ra sao?” Kết quả là Trung Hoa đã không dễ dàng tiếp nhận kỹ thuật, chế độ hiện đại của Tây Âu vậy.
Ngược lại, Nhật Bản thì coi việc tiếp nhận văn hóa mới không nhất thiết có nghĩa là phải vứt bỏ nền văn hóa cũ đi. Người Nhật không hề nghĩ rằng, bởi vì đã theo Ðạo Phật nên không được đi lễ đền Thần đạo. Ðó chẳng qua là tiếp nhận thêm một cái hay, thế thôi.
Vi vậy, họ coi “cái đó lý thú”, “cái kia cũng hay” và tiếp tục tiếp nhận thoải mái. Trong tất cả các nước châu Á và châu Phi, Nhật Bản trở thành nước duy nhất đã mau mắn tiếp nhận kỹ thuật hiện đại, chế độ hiện đại, chính là nhờ ở đặc tính này.
Nhìn qua lịch sử Nhật Bản, người ta thấy rằng, nói chung, tuy Nhật Bản học nước ngoài, nhưng chỉ 40 năm sau thôi, người Nhật thường đã làm tốt hơn rồi. Bởi vì người Nhật có lối học rất có hiệu quả. Họ bắt đầu bằng cách mô phỏng nguyên xi, “thầy làm sao, trò làm y hệt như vậy”. Thời Minh Trị, người Nhật học Tây Âu kỹ thuật quân sự, kỹ thuật công nghiệp, rồi trải đường sắt, mắc hệ thống điện tín, nhưng tuyệt nhiên không có ai bàn tán dông dài về vấn đề xã hội, gia đình Nhật Bản sẽ biến đổi ra làm sao. Chẳng có ai coi điều này là nghiêm trọng cả.
Cội nguồn của “xã hội chức lộc”
Cái sáng kiến “chọn lấy chỗ tốt” như vậy, đã có cội nguồn từ tư tưởng gộp đạo của Thái tử Shotoku. Thật ra, thời kỳ cải cách sau cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai cũng giống như vậy. Tư tưởng gốc của xã hội Nhật Bản thì không đổi đi, song việc dân chủ hóa cái bề ngoài thì xúc tiến, kỹ thuật và mánh lới kinh doanh của Mỹ thì thâu nhận. Do đó, mặc dầu có kỹ thuật, có phương pháp quảng cáo tiên tiến kiểu Mỹ hơn ai hết, song ở Nhật Bản đã sinh ra mộ t “xã hội chức lộc (chức tước và bổng lộc)” độc đáo theo chủ nghĩa tập thể do “quan liêu” (công chức) chỉ đạo.
Ngày nay, xã hội Nhật Bản đã thành một “xã hội chức lộc” trong đó “sở” (nơi làm việc) làm thành một “kết hợp thể”, tức là một vật kết tinh chắc nịch. Có nhiều lý do cho sự việc này. Thứ nhất, Nhật Bản hầu như không có những đoàn thể tôn giáo đóng vai “kết hợp thể” thay cho “sở” được. Với tư tưởng gộp đạo do Thái tử Shotoku khởi xướng, người ta có thể dễ dàng tránh được những luật lệ, nghi lễ tôn giáo phiền toái có phương hại cho hoạt động của “sở”. Cũng chính cái sáng kiến “chọn lấy chỗ tốt” này đã đẻ ra cái bản năng “súc vật kinh tế [14]”.
Trong thế giới của những tôn giáo độc thần như Ðạo Do Thái, Ðạo Thiên Chúa, Ðạo Islam, thì mỗi cá nhân trực tiếp đối đầu với vị thần đó. Quan hệ với cá nhân khác, phải là qua trung gian của vị thần đó. Ðiều này thật là khó hiểu đối với người Nhật.
Chẳng hạn, trong hôn lễ, khi linh mục hỏi “Ngươi có nhận người này làm vợ hay không? Ngươi có nhận người này làm chồng hay không? Có chịu thề sẽ vĩnh viễn yêu nhau cho tới chết, hay không?” và khi người bị hỏi trả lời “Xin thề!” thì nhiều người Nhật vẫn hiểu lầm rằng đây là thề giữa hai người trai gái với nhau. Thật ra, đây là thề với Chúa, chứ không phải là thề lấy Chúa làm nhân chứng. Ngược lại, đạo Thiên Chúa có lời răn “ngươi chớ thề thốt” tức là cấm không cho thề thốt lấy Chúa làm chứng cho mình.
Bởi vậy, Công giáo mới không nhìn nhận ly hôn mặc dầu hai đương sự đã thỏa thuận ly dị với nhau rồi. Ðó là vì sự thỏa thuận của hai cá nhân thì không thể xóa bỏ được lời giao ước với Chúa. Ðây chính là cái suy nghĩ cơ bản của đạo Thiên Chúa vậy.
Trong các tôn giáo độc thần thì mọi việc đều là do sự đối đầu giữa Chúa và người. Khi chết, thì chẳng có cha mẹ, vợ con bạn bè nào, cũng chẳng có “công ty”, “cấp trên” nào cả, mà chỉ có một mình duy nhất đứng ra chịu sự phán xét của Chúa. Chính vì vậy mới sinh ra cái suy nghĩ rằng nếu mình không thấy hổ thẹn trước Chúa, thì cho dù có bị bạn bè ghét bỏ cũng chẳng sao. Hơn nữa, dù bạn bè có khuyên nên làm đến mấy đi nữa, song nếu là việc đáng sợ trước Chúa, thì cũng không làm. Bởi vậy mà cái quan hệ người với người bị nhạt nhẽo đi, và thay vào đó, cá tính cùng tính sáng tạo đơn độc mới nảy nở ra.
Song, người Nhật thì “hay đâu, lấy đó” cho nên hôm nay thề với Phật, mai thề với Chúa, mốt thề với Thần, mà không hề thấy hổ thẹn gì cả. Ngược lại, cái quan trọng là mối quan hệ người với người đang có lúc này. Ðây chính là cái cơ sở tinh thần mà từ đó hình thành cái gọi là “cộng đồng sở”, nghĩa là cái tập thể vĩ đại gồm những “con người xí nghiệp”.
“Con người xí nghiệp” đã hoàn thành trong thời kỳ hậu chiến, nhất là trong khoảng năm 1955 (năm thứ 30 niên hiệu Chiêu Hòa). Trước đó, Nhật Bản là “xã hội máu mủ ruột thịt, dây mơ rễ má”. Thời đó hãy còn có đại gia đình, đại gia tộc. Người ta coi trọng cộng đồng hương thôn, bà con lối xóm. Nếu có kẻ gây tội lỗi thì trước nhất người ta bảo đó là “làm bêu rếu họ hàng”, “làm xấu mặt lối xóm”. Không ai nghĩ rằng kẻ đó đã vi phạm giao ước với Chúa cả.
Nhưng trong thời kỳ phục hưng và tăng trưởng cao độ hậu chiến, thì dân địa phương ồ ạt kéo nhau ra các đô thị lớn. Kết quả là cha mẹ và con cái ở xa nhau ra, người ra ở các đô thị lớn sống rải rác lẻ loi không còn “máu mủ ruột thịt, dây mơ rễ má” nữa. Cái xã hội “bà con họ hàng” của đại gia đình, đại gia tộc bị tan rã. Cái “xã hội địa phương, bà con lối xóm” cũng bị tiêu diệt. Kết quả là người Nhật chỉ còn một nơi duy nhất để có ý thức quy thuộc: Ðó là “sở”, đó là “công ty”.
Ý thức quy thuộc vào tập thể của người Nhật, đã có từ trước thời Thái tử Shotoku. Ðó chính là truyền thống đã làm phát sinh ra Thần đạo từ “xã hội thị tộc” (“xã hội họ hàng”) nguyên thủy. Thái tử Shotoku đã không hủy diệt cái xã hội đó mà lại duy trì nó, bảo tồn nó trong quá trình truyền bá Ðạo Phật. Do đó, người Nhật đã trở nên trung thành với tập thể, đã tạo ra cái gọi là cấu tạo “xã hội bề dọc”.
Ý thức quy thuộc hướng tới đại gia đình, đại gia tộc, cộng đồng thôn xóm trong thời tiền chiến, thì tới thời hậu chiến đã biến thành ý thức quy thuộc đối với cộng đồng “sở”. Ðối tượng có thể đã khác đi hoàn toàn, nhưng tựu trung cái căn bản của sự suy nghĩ vẫn là “coi trọng con người ở ngay tại đó”.
Cái cộng đồng “xóm làng, dây mơ rễ má” của Nhật Bản thời cổ, là tập thể có tính cách sản xuất kinh tế. Cộng đồng xóm làng của Nhật Bản là một xã hội địa vực cùng nhau sản xuất thóc lúa. Ở những nước mà sự phân tranh giữa các sắc dân khác nhau đã xảy ra kịch liệt, thì xã hội địa vực của họ mang tính cách cộng đồng phòng vệ hơn là cộng đồng “sở”. Xã hội địa vực của Nhật Bản, cơ bản là tập thể của những người cùng cày cấy, cùng sản xuất thóc lúa dọc theo cùng một dòng nước với nhau. Ngày nay, cái xã hội đó trở thành tập thể ở một “xí nghiệp”, một “doanh nghiệp”, một “công sở”. Thế thôi.
Xét như trên, ta thấy trong suy nghĩ của người Nhật ngày nay, trong cấu tạo của xã hội Nhật ngày nay, cũng có mối quan hệ sâu sắc của phong cách “chọn lấy chỗ hay” vốn phát xuất từ “tư tưởng gộp đạo” của Thái tử Shotoku vậy.
Thái tử Shotoku còn là một đối tượng thờ cúng của người Nhật đã từ lâu rồi. Sự thờ cúng thái tử chiếm một vị trí thoải mái trong tư tưởng gộp đạo mà chính thái tử đã sáng tạo ra. Thái tử một mặt cống hiến tố đa cho việc phổ cập Ðạo Phật từ ngoài truyền vào, mặt khác đã có sự nghiệp to lớn là tạo ra cội nguồn của nền văn hóa Nhật Bản. Ngày nay, cái phong cách “gạn lọc lấy chỗ hay”, tức là phương pháp áp dụng văn hóa một cách chọn lọc, chính là ảnh hưởng lớn nhất mà người Nhật tiếp nhận được từ thái tử vậy.
Chú thích:
[1] Kodan là một nghệ thuật kể truyện truyền thống của Nhật Bản.
[2] Một nước trong Liên bang Nam Tư.
[3] Gishi Wajinden. Chí là sách chép lịch sử, Ngụy là nước Ngụy, Oải nhân là người Nhật. Vậy Ngụy Chí Oải Nhân Truyện là Truyện Người Nhật trong sách Ngụy Chí.
[4] Tức Tào Phi.
[5] Không liên can gì tới thời Tam quốc bên Trung Hoa.
[6] Thời Meiji, tức là thời Duy tân Minh Trị, hay thời Canh tân Minh Trị, là nói từ khi Nhật hoàng đổi niên hiệu từ Khánh Ứng (Keio) thành Minh Trị (Meiji, từ 8/9/1968 tới 30/7/1912), sau khi được chúa Tokugawa trả lại quyền chính trị năm 1967, bắt đầu cho thời kỳ canh tân biến nước Nhật thành một quốc gia công nghiệp hiện đại.
[7] Omuraji, tương đương với hàng đại nguyên soái.
[8] Vua Nhật, tức Thiên Hoàng, vốn được coi là con cháu Thái Dương Thần Nữ (xem lời chú tiếp), không những chỉ là vị nguyên thủ của Nhật Bản về mặt chính trị, mà đồng thời còn là Giáo chủ của Thần đạo Nhật Bản nữa. Giáo chủ Thần đạo mà tới chùa làm lễ Phật giáo là chuyện khó vậy.
[9] Amaterasu Omikami, quen gọi ở Việt Nam là Thái Dương Thần Nữ.
[10] Dịch tính cách mạng (cách mạng đổi họ) hay Dịch thế cách mạng (cách mạng đổi đời).
[11] Ozaka, nay là thành phố Osaka.
[12] Ðền Ise là đền chính của Thần đạo, mỗi 21 năm lại đổi đền một lần gọi là “thiên cung”, bằng cách khi đền mới xây xong thì các thần tượng, thánh thể được di sang đền mới này, và đền cũ bị phá đi để xây lại trong 20 năm rồi năm thứ 21 lại thành đền mới.
[13] Bon Odori, đây là hình thức múa dân gian vào dịp lễ Vu Lan, rằm tháng bảy.
[14] “Economic animal”, do một cố tổng thống Philippines gọi Nhật Bản, có ý chê người Nhật chỉ miệt mài làm kinh tế để làm giàu.