Dịch giả: Vũ Đình Phòng
Khai Từ

    
ôm đó là ngày 9 tháng Chín, một buổi trưa giống như mọi buổi trưa khác. Không một người nào liên quan đến những sự kiện trong ngày hôm đó lại dám khoe rằng họ đã linh cảm thấy một điều gì đó. (Họa chăng chỉ có bà Parker, vốn rất say mê nghiên cứu về thuật đoán hậu vận, luôn tuyên bố rằng bà ta đã biết từ trước, tất nhiên là bà tuyên bố như vậy sau khi sự việc đã xảy ra, nhưng bà lại ở số nhà 47 phố Wibraham Crescent, cách rất xa ngôi nhà số 19 này, cho nên bà có nói bà đã biết trước cũng bằng thừa.)
Trong phòng làm việc của Trung tâm Cavendish, vào buổi trưa ngày 9 tháng Chín đó, không khí ảm đạm một cách đặc biệt. Đây là một doanh nghiệp nhỏ, chuyên làm dịch vụ thư ký và đánh máy, do bà Martindale làm Giám đốc. vẫn tiếng chuông điện thoại reo, tiếng lách tách của các máy chữ. Hoạt động tại đây diễn ra đúng như thường lệ, tẻ nhạt và đơn điệu vô cùng.
Vào 2h35 chiều, đèn đỏ trên máy truyền tin trong phòng nhấp nháy, ngọn đèn nối với phòng giấy của Giám đốc, bà Martindale. Cô thư ký Edna lấy lưỡi đẩy vội chiếc kẹo caramen ngậm trong miệng vào mặt trong chiếc răng nanh, hỏi bằng cái giọng quen thuộc của cô: hơi hổn hển và như tiếng mũi:
- Có tôi đây, thưa bà Martindale?
- Tôi đã nhắc cô bao nhiêu lần rồi, đừng nói vào máy bằng cái giọng ấy. Sao hễ nói là cứ phải vừa nói vừa thở phì phù vào máy như vậy?
- Bà tha lỗi, thưa bà Giám đốc.
- Đấy, nói thế có phải dễ nghe không. Cô chỉ cần chú ý một chút là được thôi mà. Bảo cô Sheila vào gặp tôi ngay.
- Thưa bà Martindale, Sheila đi ăn trưa chưa về ạ.
- Vậy sao? - bà liếc mắt nhìn đồng hồ treo tường. Muộn mất đúng sáu phút. Gần đây, con Sheila này thoải mái quá đấy. - Vậy khi nào Sheila về, cô bảo sang gặp tôi nhé.
- Vâng, thưa bà Giám đốc.
Sau khi lấy lưỡi đẩy chiếc kẹo caramen trở lại như bình thường, Edna vừa nhấm nháp chất ngọt của chiếc kẹo đang tan dần trong miệng, vừa tiếp tục đánh máy cuốn tiểu thuyết Ái tình Trần Trụi của tác giả Arnold Levin. Những đoạn tả cảnh làm tình sống sượng của nhà văn rẻ tiền này không làm cô xúc động chút nào, cũng như những độc giả khác của ông ta, mặc dù ông ta cố chọn những câu chữ sống sượng nhất. Edna vừa đánh máy vừa thầm nghĩ, không có gì tồi tệ bằng một cuốn truyện khiêu dâm tồi! Bất chấp hình vẽ trên bìa hấp dẫn, bất chấp tên truyện nghe đầy hứa hẹn, sách của ông Levin này mỗi ngày một bán ế. Và đây lại là một bản thảo mới của ông ta, không có gì có thể tồi tệ hơn.
Cửa phòng nhè nhẹ mở, cô thư ký Sheila cố nín hơi thở hổn hển, rón rén bước vào.
- Hùm cái vừa gọi mày đấy, - Edna nói.
Sheila nhăn mặt.
- Khỉ gió! Đúng vào hôm mình về muộn.
Vuốt cho gọn mái tóc, Sheila vớ cuốn sổ và chiếc bút chì chạy vào gõ cửa phòng Giám đốc. Phòng này bố trí nằm bên trong, thật ra chỉ là một phần của gian phòng lớn, được ngăn riêng ra bằng gỗ lồng kính mờ.
Ngồi sau bàn giấy, bà Martindale ngước mắt lên. Ngoài bốn mươi tuổi, bà ta bộc lộ rõ là một phụ nữ
năng động. Mái tóc màu hung cắt ngắn khiến bà có biệt hiệu là “Hùm cái”.
- Cô về trễ đấy, Sheila, - bà ta nói.
- Bà tha lỗi, thưa bà Giám đổic. Xe buýt tôi đi bị tắc đường mất một lúc.
- Giờ này có phải giờ cao điểm đâu mà tắc đường được? Vả lại cô phải tính cách chứ, - bà ta xem lịch bàn. - Một khách hàng tên là bà Pebmarsh gọi điện thoại đến. Bà ta cần một thư ký đánh máy đến nhà bà ta vào 3 giờ chiều nay, và bà đề nghị đích danh cô. Cô quen bà ta à? Đã có lần đánh máy cho bà ta chăng?
- Tôi không nhớ, thưa bà Giám đốc. Nhưng nếu có thì chắc cũng phải lâu lắm rồi.
- Bà Pebmarsh này ở số nhà 19 phố Wilbraham Crescent - bà Giám đốc dừng lại, ngước nhìn cô thư ký đánh máy như dò hỏi.
Sheila lắc đầu:
- Vậy thì tôi hoàn toàn không nhớ.
Bà Martindale nhìn đồng hồ treo trên tường.
- Cô thừa sức đi đến đó trước ba giờ. Cô không có hẹn với khách hàng nào chiều nay chứ? - bà ta lại nhìn vào cuốn lịch sổ. - Mà có đấy, năm giờ chiều nay cô còn phải đến làm việc với Giáo sư Purdy ở Khách sạn Curlew. Chắc chắn cô sẽ xong việc ỏ nhà bà Pebmarsh và kịp đến khách sạn Curlewthôi, tôi tin là như thế. Trường hợp cô không về kịp, tôi sẽ cử cô Janet đến gặp ông Giáo sư thay cô.
Bà Giám đốc làm một cử chỉ, ý bảo thế là xong.
Sheila quay ra phòng nhân viên.
- Chuyện gì đấy, Sheila?
- Vẫn chuyện thông thường. Một mụ già chờ mình ở phố Wilbraham Crescent. Còn vị Giáo sư kia làm tình làm tội mình với đủ các thuật ngữ khảo cổ học của ông ta. Toàn những công việc ngán ngẩm. Mong sao có một công việc nào lý thú một chút.
Cửa phòng Giám đốc lại mở, bà Martindale bước ra.
- Sheila, tôi dặn thêm. Nếu chẳng may bà Pebmarsh đi vắng thì cô cứ vào. Bà cụ không khóa cửa đâu. Cô cứ tự vào, ngồi chờ bà cụ ở phòng bên phải, ngay sát cửa ra vào. Có phải ghi vào sổ không?
- Không cần, thưa bà Martindale. Tôi nhớ.
Bà Giám đốc vào khuất, Edna kín đáo lấy dưới gầm ghế ra chiếc giầy bị gẫy gót.
- Lạy Chúa, mình làm cách nào về nhà được đây?
Cô thư ký rên rỉ.
- Đừng lo, rồi sẽ có cách, - một cô nhân viên đi ngang qua, đứng lại nhìn, nói, rồi đi tiếp.
Edna thở dài, cho một tờ giấy mới vào máy, vừa gõ lên bàn phím vừa lẩm bẩm đọc: “Chàng bỗng thấy cháy lên một ngọn lửa thèm khát. Hai tay run rẩy, chàng giật ra tấm vải mỏng phủ lên cặp vú nàng rồi đè nàng nằm ngửa trên li văng...”
- Con khỉ! - Edna rủa một tiếng rồi vớ chiếc tẩy.
Sheila xách xắc tay, bước ra cửa.
°
° °
Xây từ đầu thế kỷ, phố Wilbraham Crescenttheo một kiểu kiến trúc vòng cung oái oăm, khiến người đi từ đầu phố vào không nhìn thấy được những biển số nhà ở đầu, nhưng khi vào đến bên trong thì lại rất khó thấy được những biển số nhà phía cuối. Nhà nào cũng xây theo kiểu biệt thự, xung quanh là vườn cây. Phía trước nhà nào cũng có bao lơn bằng sắt uốn hết sức cầu kỳ, thấy rõ chủ nhân là những người giầu có huênh hoang. Phía trước ngôi nhà nào cũng có hàng rào và cổng bằng sắt.
Ngôi nhà số 19 không có gì đặc biệt: cũng tấm ri-đô trắng tinh, cũng nắm đấm trên cánh cửa bằng đồng sáng loáng, cũng có một lối đi hai bên trồng những khóm hoa tường vi, chạy từ cổng sắt bên ngoài vào bậc thềm lên nhà.
Đẩy cánh cổng sắt, Sheila theo lối đi trồng tường vi, bước lên bậc thềm, đến cánh cửa gỗ, bấm chuông. Không thấy ai trả lòi. Đợi một lát, cô xoay quả đấm cửa. Đúng như bà Martindale dặn, cửa không khóa. Sheila bước vào bên trong. Vào đến nơi cô thấy cánh cửa bên phải hé mở. Cô gõ, chờ một lát không thấy gì, bèn bước vào phòng khách nhỏ ấm cúng, bầy quá nhiều các loại đồ mỹ nghệ, toàn những thứ cổ lỗ, không thích hợp với thời nay. Tuy nhiên phòng khách nhỏ này có một chi tiết lạ: rất nhiều đồng hồ, cả trên tường, cả trên mặt tủ. Một chiếc đồng hồ mẹ to tướng kêu tích-tắc treo ở góc tường. Một chiếc đồng hồ bằng sứ trên lò sưởi. Một chiếc nữa bên trên bàn giấy bằng bạc. Cạnh đấy lại một chiếc vỏ gỗ màu đỏ tươi. Gần cửa sổ một chiếc nhỏ nữa, bốn góc bịt da thuộc, có dòng chữ mạ vàng “Rosemary” hơi bị mờ do thời gian.
Sheila ngạc nhiên thấy chiếc đồng hồ trên bàn giấy chỉ bốn giờ kém mười. Cô liếc nhìn sang những đồng hồ khác: tất cả đều chỉ đúng như thế: bốn giờ kém mười. Sao lại thế được nhỉ?
Đột nhiên, một tiếng “cạch” làm Sheila giật bắn người. Cánh cửa nhỏ trên một chiếc đồng hồ treo tường mở ra, một con chim họa mi thò đầu, ngửa cổ trịnh trọng hót: “Cúc cu - cúc cu - cúc cu”, ba tiếng theo ba thanh âm cao thấp khác nhau. Liền sau đó, lại một tiếng “cách” và con chim thụt cổ vào, cánh cửa nhỏ khép lại như cũ.
Sheila bật cười, định di vòng ra ngồi xuống chiếc đi văng. Đột nhiên cô giật mình: một người đàn ông nằm thẳng đuỗn dưới sàn, hai mắt mở to nhưng trông đờ đẫn, giống như một người mù, rõ ràng không nhìn thấy gì. Trên bộ vét có một vết loang màu sẫm. Một cách vô ý thức, Sheila cúi xuống, sờ má và bàn tay ông ta thấy lạnh toát. Rồi cô chạm tay vào vết loang ẩm. Vừa đụng đến, Sheila vội rút bàn tay lại, hai mắt trợn tròn kinh hoàng.
Vừa lúc đó, có tiếng mở cánh cổng sắt bên ngoài làm Sheila quay đầu lại. Trên lối đi, một phụ nữ đang bước nhanh. Cô gái nuốt nước bọt, thấy cổ họng khô khốc. Cô đứng sững, toàn thân như cứng lại, không nhúc nhích mà cũng không kêu lên được... cặp mắt bất động.
Cửa mở, một bà có tuổi, vóc ngưòi to lớn, xách làn đi chợ, bước vào. Mái tóc hoa râm chải sơ sài túm lại sau gáy, trùm xuống hai thái dương. Bà già hướng cặp mắt xanh biếc nhìn thẳng vào Sheila, nhưng không có vẻ bà ta nhìn thấy cô.
Sheila thốt lên một tiếng kêu khẽ. Bà có cặp mắt xanh biếc kia tiến về phía cô.
- Ai đấy? - bà ta hỏi to.
- Tôi... Tôi là... Sheila ấp úng.
Bà ta vòng qua chiếc đi văng đi về phía Sheila. Thấy vậy, cô vội hét lên:
- Đừng... Bà đừng đi nữa! Bà giẫm lên ông ta mất... mà ông ấy chết rồi.