Bản Việt ngữ của Người Sông Kiên và Lê Thị Duyên
- 1 -
MÙA XUÂN NĂM 1944
TÌNH HÌNH CHÍNH TRỊ

VỚI KHOẢNG THỜI GIAN CỦA NĂM 1943, ĐỨC Quốc Xã đi tới cao điểm tột cùng của chiến tranh. Leo thang đến mức đó, họ gặp phải tình trạng hỗn độn ngày càng trầm trọng trong vấn đề chỉ huy chính trị và quân sự. Trái lại, Đồng minh đang lớn mạnh vì đã giải quyết xong vấn đề tập trung và thống nhất lực lượng để điều khiển cuộc chiến tranh và quy định mục tiêu chính trị.
Chính trong cuộc hội nghị tại Casablanca ngày 23 tháng giêng năm 1943, hai ông Roosevelt và Churchill đã đồng ý với nhau buộc nước Đức phải đầu hàng vô điều kiện. Sự thất bại liên tiếp của Đức về chính trị cũng như quân sự tạo cho phe Đồng Minh đà phấn khởi và niềm tin chiến thắng; tháng hai, Đức thua trận ở Stalingrad; tháng năm, liên quân Đức-Ý đầu hàng; mùa hè, mất đảo Sicile, Mussolini bị hạ bệ, quân Đồng minh đổ bộ lên Ý, tháng chín, quân Ý đầu hàng, tiềm lực chiến tranh dưới đáy biển và trên không bị phá vỡ. Tất cả những sự kiện này giúp cho cái thế liên kết giữa lực lượng Anh và Nga thêm chặt chẽ. Trong cuộc họp ở Le Caire ngày 1 tháng 11 năm 1943, nghe đâu các ông Roosevelt, Churchill và Tưởng giới Thạch đã đồng ý với nhau mở cuộc hành quân vào khu vực Balkans nhằm mục đích tiêu diệt quân Đức, đồng thời ngăn chặn không cho Hồng quân Nga chiếm Trung Âu; chẳng hiểu chuyện đó có thực không, chứ cứ như hội nghị Têhéran ngày 1 tháng 12 năm 1943[1] thì người ta thấy hai ông Roosevelt và Churchill đã ký tên thừa nhận những ước muốn của ông Joseph Staline. Mấy ông thỏa thuận trên nguyên tắc mở mặt trận thứ hai “không phải trong vùng Balkans”; mà là một cuộc tấn công quyết định đánh thẳng vào lãnh thổ Đức, nhờ điều kiện thuận lợi của “cuộc chiếm đóng nước Pháp”. Thời gian nầy, chính phủ Hoa kỳ liệu có hiểu được tầm mức chính trị quan trọng của cuộc hành quân vào vùng Balkans không? Hoặc giả, họ coi thường Nga sô, trong khi họ còn đang mải đối phó với những toan tính của Anh quốc? Lúc này ta chưa có thể khẳng định rõ ràng. Dẫu thế nào đi chăng nữa, thì sự từ chối của Đồng minh đối với cuộc hành quân trong vùng Balkans đã gây ảnh hưởng quan trọng sau khi chiến tranh kết liễu: chính sự từ chối ấy đã quyết định cán cân lực lượng chính trị thời hậu chiến. Nhờ sự giúp đỡ của quân Anh, Staline trở thành “kẻ kế thừa dòng họ Habsbourg”.
Một sự thỏa thuận khác không kém phần quan trọng xảy ra vào ngày 24 tháng 12 năm 1913, tôn phong tướng Eisenhower vào chức vụ Tổng tư lệnh lực lượng Đồng minh, nhằm mục tiêu đổ bộ tràn vào nước Pháp.
Từ năm 1942, những kế hoạch của một cuộc đổ bộ đã được một bộ tham mưu chiến lược Anh-Mỹ nghiên cứu trên đất Anh. Tin tức hội nghị Téhéran được kịp thời thông báo về Văn phòng Chính trị Đức nhưng Hitler không liệu định đúng tầm quan trọng của vấn đề. Tình hình cuộc chiến mùa xuân năm 1944 đã diễn ra như sau:
Ý rút khỏi vòng chiến. Dù vậy, ngày mùng 1 tháng 4 năm 1944, Hitler vẫn còn cho rằng sự “ra đi” ấy của Ý là để “tập trung lực lượng Đức, làm tăng uy thế Đức”.
Sự cam kết giữ vững nền trung lập mà Tây ban Nha ký ngày 10 tháng 2 năm 1943 vẫn chưa có gì quan trọng trên thực tế.
Hung gia Lợi do Đô đốc Horthy lãnh đạo, đã liên lạc với phe Đồng minh qua sự điều đình của viên đại sứ Hung gia Lợi tại Lisbonne về vấn đề một cuộc đình chiến vì Hung muốn có hòa bình xé lẻ. Khi Hitler hay tin, ông ta buộc Đô đốc Horthy phải thành lập một chính phủ khác, giao cho ông Stojay, cựu đại sứ Hung tại Bá Linh, điều khiển. Nhận thấy chính phủ nầy khó sai khiến, tháng 10 năm 1944, Hitler lật đổ luôn, cho ông Salassy thay thế và ra lệnh bắt giữ Đô đốc Horthy.
Trong vùng Balkans, Bảo gia Lợi đang là một nước không có chính phủ vì vua Boris đã bị truất phế.
Phần đất phía Đông của Lỗ ma ni trở thành vùng chiến địa khi hai Binh đoàn Đức ở mặt trận phía Nam, đụng lực lượng hùng hậu của Nga, phải tiến sâu vào lãnh thổ Lỗ, rút về ngã Bessarabie[2].
Thổ nhĩ Kỳ ngã dần về phe Đồng minh trong khoảng thời gian mùa Xuân năm 1944 nầy, dù rằng trước đó, hồi tháng 6 năm 1943, Thổ cân nhắc hoàn cảnh quân sự và chính trị, đã gửi một phái đoàn quân sự cao cấp tới Đại bản doanh của Fuhrer và tới thăm vùng mặt trận Miền Đông. Như vậy, phía hông của quân Đức tại vùng Cận Đông đã tỏ ra không có gì bảo đảm.
Đối với Nhật bản, Hitler chỉ trông đợi được một sự giúp đỡ gián tiếp, nhưng ông ta hy vọng một cuộc tấn công mãnh liệt của Nhật vào Mãn Châu.
Hitler không thể bám víu vào sự can dự của quân đội Nhật để chống kẻ thù Nga sô trên chiến trường Âu châu.
Nhưng niềm hy vọng chính yếu nhất của Hitler là sẽ thấy được sự liên kết của các lực lượng tây phương bị tan vỡ cùng với lực lượng Sô viết, thấy được Anh quốc sụp đổ vì “tinh thần đã bị kiệt quệ”.
Hitler tưởng rằng, nhờ sự sử dụng loại “vũ khí thần sầu quỷ khốc”[3] có thể kết liễu sự đề kháng  của Anh một cách mau chóng và dứt khoát.
Trong những điều kiện ấy, tình hình chung về chính trị không cho phép người ta nhìn thấy một kết cuộc chiến thắng về phía Đức. Đồng thời, cũng không thể nào có được một kết thúc dằng co dưới sự điều khiển của Hitler.
Chú thích:
[1] Đọc: “Hitler, cuộc mưu sát các lãnh tụ Đồng minh”, Sông Kiên xuất bản.
[2] Đọc: “Độc hành” của C. V. Gheorghiu. Người Sông Kiên và Lê thị Duyên dịch. Sông kiên xuất bản.
[3] Đọc: “Cuộc săn tìm vũ khí bí mật của Hitler”. Sông Kiên xuất bản.