Bản Việt ngữ của Người Sông Kiên và Lê Thị Duyên
- 5 -
VẤN ĐỀ ĐIỀU BINH KHIỂN TƯỚNG VÀ LỰC LƯỢNG ĐỨC TẠI MẶT TRẬN MIỀN TÂY

HUẤN LỆNH CỦA HITLER
HUẤN LỆNH CỦA HITLER ĐỐI VỚI MẶT TRẬN Miền Tây gồm những điều như sau:
Một trận đánh quyết định tại vùng Tường thành Đại tây dương, nghĩa là trận đánh có tính cách phòng ngự dọc theo bờ biển, nơi được hình dung như một chiến tuyến chính và phải cố thủ với bất cứ giá nào. Mưu toan đánh chiếm của địch phải được bẻ gẫy trước và trong khi cuộc đổ bộ diễn ra; những lực lượng đã đổ bộ được sẽ bị tiêu diệt tại chỗ bằng một cuộc phản công thích ứng.
Tự do chiến lược bị ngăn cấm tại mặt trận Miền Tây. Huấn lệnh buộc phải giữ từng tấc đất. Cấm không được bàn tới những chiến lược trong đó phỏng đoán về những mưu toan mà địch có thể sẽ áp dụng sau cuộc đổ bộ thành công tại vùng nội địa Pháp.
Hitler gạt bỏ mọi sáng kiến của trí óc. Những kinh nghiệm tại các chiến trường khác đã chứng tỏ rằng người ta chỉ chối bỏ sự tự do chiến lược vì ở trong thế bại.
Tổng tư lệnh lực lượng Anh, sau cuộc thất bại trên lục địa Âu Châu, và sau vụ tháo chạy khỏi Dunkerque tháng 6 năm 1940, cũng đã tự mình nghiên cứu những kế hoạch rộng lớn nhằm đẩy lui những cuộc đổ bộ của Đức lên đất Anh. Những kế hoạch nầy phát sinh từ những huấn lệnh chiến lược của Winston Churchill.
SỰ PHỐI HỢP CHỈ HUY
Sự phối hợp chỉ huy tại mặt trận miền Tây không đáp ứng đúng những định luật về chiến lược mà cũng chẳng thỏa mãn những đòi hỏi của hoàn cảnh và của lý trí. Hitler tưởng có thể áp dụng đối với chiến tranh cái nguyên tắc cách mạng mà ông vẫn thường áp dụng đối với vấn đề phân cách quyền hành. Ông tự cho rằng đã vận dụng được sự tranh chấp giữa các lực lượng khác biệt để phục vụ cho quyền lợi của mình. Điều này không những chỉ kéo theo một tình trạng rối ren trong vấn đề chỉ huy mà nó còn đưa dẫn tới sự hỗn độn. Dưới quyền của Tư lệnh mặt trận Miền Tây (Thống chế Von Runstedt) có Binh đoàn B (Thống chế Rommel) trách nhiệm vùng Pays-Bas - cửa sông Loire, và binh đoàn G (Đại tướng Blaskowitz)  trách nhiệm vùng cửa sông Loire – biên thùy Tây Ban Nha – Địa Trung Hải – dãy núi Alpes.
Tư lệnh Hải đoàn mặt trận Miền Tây (đô đốc Krancke) nhận lệnh trực tiếp của Tư lệnh Hải quân. Đệ tam không đoàn (Thống chế Sperrle) nhận lệnh của Thống chế Goering, tư lệnh Không quân. Những cuộc hành quân trên biển và trên không vì vậy không thể được điều khiển hoặc ra lệnh bởi Tư lệnh Binh đoàn B. Những vị tư lệnh nầy chỉ được thông báo hạn chế về các hoạt động của hai binh chủng kia và thường là rất trễ. Họ có thể đưa ra đề nghị mà không biết chắc chắn có được chấp thuận hay không,
Ngoài ra, Thống chế Rommel đã nhận huấn lệnh riêng của Fuhrer săn sóc việc tổ chức phòng thủ chiến tuyến Miền Tây, từ Đan Mạch tới vịnh Gascogne, đến dãy núi Pyrenees, qua vùng Địa Trung Hải tới chân dãy núi Alpes; thêm vào đó ông phải lo thống nhất tất cả những biện pháp phòng thủ. Nhưng ông lại không có quyền tư lệnh. Người ta chỉ cho phép ông báo cáo trực tiếp với Hitler hay với Bộ tư lệnh tối cao của Quân lực. Ông vẫn phải thi hành lệnh của Tư lệnh mặt trận Miền Tây.
Những vị chỉ huy quân sự tại Pháp (tướng bộ binh Karl Heinrich von Stulpnagel), tại Bỉ và miền Bắc nước Pháp (tướng bộ binh Alexander von Falkenhausen) tại vùng Pays-Bas (tướng không quân Christiansen), về phương diện quân sự, được đặt dưới quyền của Tư lệnh mặt trận Miền Tây, nhưng về phương diện quản trị và áp dụng chiến lược trong vùng, họ trực thuộc Tổng tư lệnh Quân Lực. Quyền cai trị trong vùng chiếm đóng, kể từ mùa Xuân 1942, được hành sự bởi những sĩ quan mật vụ cao cấp (S.S), những sĩ quan cảnh sát và an ninh: họ nhận lệnh từ Himmler những mệnh lệnh mà các cấp chỉ huy quân sự không hề hay biết. Bởi vậy, Tư lệnh mặt trận Miền Tây luôn luôn bị đặt trước những sự việc đã rồi, trong tất cả những vấn đề lưu đày và bắn giết - ấy là chỉ kể tới lãnh vực quan trọng này.
Ngoài ra, tư lệnh tối cao của SS và cảnh sát còn kiểm soát quân đội bằng những nhân viên an ninh.
Tình hình chính trị tại Pháp không được tốt đẹp lắm sau những chuyện bất hòa xảy ra giữa các giới chức của Đảng và những cấp chỉ huy của SS. Tòa đại sứ Đức tại Pháp do Abetz điều khiển, do đó đã thành nơi chống chọi nhau vì tình trạng hòa bình chưa có giữa Pháp và Đức. Tình trạng luật lệ của chế độ chiếm đóng được duy trì, bất chấp những vi phạm đầy dẫy. Abetz nhận chỉ thị của Tổng trưởng Ngoại Giao Ribbentrop và hợp tác với chính phủ Vichy. Nhưng ông ta khước từ mỗi khi Hitler và Himmler nhận xét ông là người đắc lực. Thống chế Pétain già nua cảm thấy bị lừa gạt bởi những giới chức chính trị và đã nhiều lần nói rõ điều này với bọn lính Đức.
Tổ chức Todt cũng vậy, cũng làm việc tùy theo cái mà người ta gọi là “những mệnh lệnh của Fuhrer”, theo chỉ thị của Tổng trưởng Quân trang và Quân giới, và còn theo những chỉ thị khác của Tư lệnh lục quân Đức. Cũng ở điểm nầy, Tư lệnh mặt trận miền Tây chỉ có thể góp ý kiến chứ không có quyền ra lệnh. Một bằng chứng hiển nhiên của sự hỗn tạp này xuất hiện trong sự khác biệt về cách trang bị các đồn lũy ở miền duyên hải và những hòn đảo trong biển Manche.
Chính Binh đoàn B với vùng trách nhiệm phòng thủ khoảng chừng 2.00 cây số cũng không được quyết định gì trong việc xây đắp các công sự phòng thủ. Binh đoàn cũng vẫn phải đắm mình vào mê lộ bất tận của các cơ quan Hành chánh. Tất cả những sự trình bày của Binh đoàn này vẫn ở trong tình trạng không có kết quả. Tổ chức Todt thuộc loại siêu tổ chức và siêu trang bị. Họ xây đắp đồn lũy thường là tùy hứng, không chú trọng tới những đòi hỏi khẩn thiết về quân sự. Tổng trưởng trang bị Speer đã cố gắng, nhưng quá trễ, kiểu chính tất cả các điều ấy.
Trong cuộc tháo lui từ đất Pháp, thường xảy ra tình trạng những cấp chỉ huy cao cấp SS và những bộ chỉ huy không quân không đếm xỉa gì đến hoàn cảnh quân sự, bỏ giáo cuốn cờ, rút vội đơn vị của mình đi, lấy cớ là cần thiết lập vị trí trong khu vực chống đỡ tiếp giáp nước Đức. Bấy giờ, người ta chứng kiến thấy một cuộc trốn chạy thực sự mà Bộ tư lệnh Binh đoàn đã tìm cách tránh không cho xảy ra trong khu vực trách nhiệm của mình với tất cả mọi sự hy sinh. Sự vô trật tự thảm hại này thường hay làm cản trở việc thi hành những huấn lệnh giờ chót của Bộ tư lệnh tối cao mặt trận miền Tây.
Thống chế Rommel, bằng vào các kinh nghiệm mà ông đã thu thập được trong vùng Địa Trung Hải, qua những thí dụ do Đồng minh cung cấp trong thời đệ I và đệ II thế chiến: Vị Tổng tư lệnh Hoa Kỳ, tướng Eisenhower, để tổ chức cuộc đổ bộ, đã nhận được quyền chỉ huy thật sự tất cả các lực lượng hải lục, không quân Anh – Mỹ. Bằng văn thư và bằng lời nói, Rommel yêu cầu được đặt dưới quyền ông, trong khu vực do ông chỉ huy, ba binh chủng Hải lục Không quân và tổ chức Todt, nhằm thực hiện sứ mạng một cuộc tử thủ.
Đề nghị nầy, dù được nhắc đi nhắc lại đôi ba lần, vẫn bị từ chối phũ phàng. Hitler chủ trương lối chỉ huy bập bềnh ấy: ông ta không muốn để cho quyền hành rộng lớn rơi vào tay một người, nhất là rơi vào tay của Rommel. Quyền lợi quốc gia đã bị hy sinh cho sự ngờ vực của Bộ tư lệnh tối cao.
Đúng là vì cái duyên cớ chia để trị ấy mà mặt trận Miền Tây mất tính chất thuần nhất của nó và bị rơi vào tình trạng hỗn loạn vô chính phủ.
THỐNG CHẾ ROMMEL VÀ BỘ THAM MƯU BINH ĐOÀN B
Bộ tư lệnh của Binh đoàn B đóng sát chiến tuyến trong lâu đài La Roche-Guyon, ở mé tây Ile-de-France, trên khúc lượn rộng lớn của sông Seine, vòng lên mạn Bắc, giữa Mantes và Vernon, cách Ba Lê 60 cây số về phía hạ lưu. Lâu đài của dòng quận công La Rochefoucauld là một dinh thự vương giả ở vùng Normandie, đã có từ năm 1.000 ; hậu diện quay ra phía những mỏm núi đá. Những di tích của lầu thành ngày xưa, với tòa vọng lâu đứng xa nhìn rõ, vây quanh ngọn đồi một cách hùng vĩ. Chỉ riêng có bộ tham mưu hành quân gọn nhẹ là đóng trong lâu đài, vì Thống chế vẫn để cho gia đình quận công ở lại, không bắt di cư. Trong gian phòng “Salle des Gardes” người ta có thể nhìn thấy chân dung vị quận công danh tiếng La Rochefoucauld, vị thống chế và là tác giả tập Cách Ngôn, một tác phẩm mà ảnh hưởng chẳng có liên quan gì tới chỗ này. Quận công La Rochefoucauld-Liancourt, một nhà từ thiện và lỗi lạc về chính trị, cũng đã ra đời trong lâu đài này.
Thống chế ở một căn nhà nhỏ vuông vức có sân thượng trồng đầy hoa hồng. Phòng làm việc của ông trang hoàng công phu theo một kiểu cách rất đẹp, với những đồ thủ công hoa mỹ thuộc loại Gobelins, và một chiếc bàn viết thời trung cổ, khảm xà cừ - chiếc bàn mà hồi năm 1685, Tể tướng Louvois đã ký chỉ dụ bãi bỏ sắc luật Edit-de-Nantes liên quan tới những hoạt động của Cơ đốc giáo: gian phòng làm cho người ta cảm thấy rõ nền văn hóa cổ thời của nước Pháp. Khi cuộc đổ bộ của phe Đồng Minh đã mở màn, và khi những cuộc oanh tạc của đối phương ngày một gia tăng, Rommel đồng ý cho Quận công được mang đi chôn giấu những đồ cổ, dưới những tảng đá trong ngôi nhà thờ. Những đồ cổ này về sau còn nguyên vẹn và vẫn còn y nguyên chỗ đó.
Bộ tham mưu của Binh đoàn chỉ vỏn vẹn là một ban tham mưu gọn nhẹ đảm trách công việc. Nó gồm có Trung tướng tham mưu trưởng Hans Speidel, Đại tá von Tempelhoff, phòng hành quân “IA”, đại tá Staubwasser, phòng tình báo “IC”, Đại tá Freyberg, phòng đầu vụ và tư lệnh các binh chủng: Đại tá Lattmann (pháo binh), Trung tướng Meise (công binh), Trung tướng Gehrke (truyền tin), Phó đề đốc Friedriech Ruge, sĩ quan Hải quân biệt phái. Ngoài ra, ban tham mưu  này còn có một sĩ quan của Bộ tham mưu Không quân, một vài sĩ quan tùy viên và một phóng viên chiến trường. Bộ phận Tổng hành Dinh – một bộ phận không có quyền hành gì – đã bị giải tán trước khi cuộc đổ bộ mở màn. Họ được giao cho tham mưu trưởng đặc trách về nước Pháp để nơi đây sử dụng tùy nghi. Riêng về sĩ quan giám sát của Đảng Quốc Xã, binh đoàn đã sái lệnh, không cho họ ở trong bộ tham mưu. Sự kiện này, về sau, tham mưu trưởng Binh đoàn bị khiển trách trong các cuộc điều tra của Gestapo. Tháng 8 năm 1944, khi nắm quyền chỉ huy, Thống chế Model liền thiết lập ngay trong  bộ tham mưu cơ quan giám sát chính trị này, một cơ quan có quyền báo cáo trực tiếp về cho Himmler và Bormann.
Trong nội tình Bộ tham mưu, công việc tỏ rõ dấu hiệu của một sự ăn ý hoàn toàn và sự tế nhị của từng cá nhân; nơi đây có được cái cảnh “trong ấm ngoài êm”  và trạng thái thăng bằng hoàn hảo về tinh thần. Những cộng sự viên tận dụng được mọi khả năng sáng kiến. Trong những tuần lễ “bình yên” trước khi có cuộc đánh chiếm của quân Đồng Minh, Thống chế làm việc thật hăng say, vất vả. Gần như ngày nào ông cũng đi tới các đơn vị, không cần có đoàn hộ tống hùng hậu mà thường thường chỉ đi với viên sĩ quan tùy viên duy nhất là đại úy Laing, hoặc với phó đề đốc Ruge; ông phó đề đốc nầy là con người hào hiệp, trí thức nên được Thống chế tín nhiệm đặc biệt. Buổi sáng, Thống chế ra đi từ lúc 5,6 giờ, sau khi ăn sáng với viên tham mưu trưởng và hỏi han ông này những điều quan trọng nhất. Nghỉ ngơi một lúc buổi trưa tại một tiền đồn, rồi ông đi cho tới chiều. Khi ông về thì những cuộc thảo luận lại bắt đầu cho tới bữa ăn tối, bữa ăn đơn giản như của một nhân viên thứ cấp. Thống chế ngồi ăn chung với những cộng sự viên thân tín của ông, thường thường khoảng chừng mươi người, và thêm vào đó có một số khách được mời dự. Ông rất điều độ, uống rượu ít và không bao giờ hút thuốc. Ngồi vào bàn ăn, ông nói đủ thứ chuyện. Sau bữa ăn, ông cùng với viên tham mưu trưởng và Phó đề đốc đi dạo trong khu vườn xinh đẹp và gợi cảm của tòa lâu đài. Ông thích đứng dưới hai cây bách hương ngắm cảnh yên tĩnh của vùng thung lũng sông Seine và khung trời phía tây. Sau những cuộc thảo luận tiếp nữa, ông đi ngủ rất sớm.
Trong khi đi thăm tiền đồn, ông giải thích tình hình và dự án hoạt động cho sĩ quan và binh lính nghe. Ông khéo léo giữ một thái độ vừa phải, không khen nhiều, không chê quá… Ông nhấn mạnh tới sự quan trọng đặc biệt về tác phong của quân lính đối với dân chúng. Ông nhắc đi nhắc lại nhiều lần những điều luật về nhân đạo phải được áp dụng trong thời chiến cũng như thời bình. Ông chú ý tới sự tôn trọng đúng mức quyền sống của con người; ông gây một tinh thần hào hiệp, một tinh thần đang bị thiếu sót trong thời đại của chúng ta và đã bị coi như yếu đuối theo tâm lý của Hitler[1].
SỰ PHÂN PHỐI CÁC LỰC LƯỢNG CỦA ĐỨC TRONG MÙA XUÂN 1944
Lục quân
Tháng 4 năm 1944, dưới quyền của Thống chế Rommel, Tư lệnh Binh đoàn B có hai lộ quân với tám Bộ tổng chỉ huy, 24 sư đoàn bộ binh, 5 sư đoàn không quân. Những lực lượng này được phân phối như sau:
Tư lệnh vùng Pays-Bas với một bộ tổng chỉ huy (bí số: EXXXVIII), hai sư đoàn bộ binh (347, 709) và một sư đoàn không quân (sư đoàn 16).
Tư lệnh vùng nầy là tướng không quân Christiansen; quân sĩ gọi ông là “ Krischan”. Trong Đệ I thế chiến, ông là người được chú ý trong bộ chỉ huy của một hộ tống hạm và đã được khen thưởng; sau ông chuyển sang ngành không lực Hải quân. Từ năm 1933, ông được thăng chức Đại tướng hiện dịch và được bổ nhiệm nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong binh chủng Không quân. Ông là một nhà hàng hải đầy chân tình, một mẫu người tốt, nhưng kinh nghiệm, học vấn và kiến thức chưa đạt tới tầm vóc của cấp tư lệnh lộ quân; riêng về chiến lược bộ chiến ông không lý hội được gì cả. Sự thăng bổ ông lên hàng tư lệnh lại càng dị thường; không cần quan tâm tới những nhu cầu tối yếu về quân sự, Thống chế Goering chỉ muốn đặt một người phụ tá đầy đủ tín nhiệm vào một chức vụ trọng yếu. Tham mưu trưởng của Christiansen xuất thân từ ngành kỵ binh và từ bộ tổng tham mưu; đó là Trung tướng von Wuhlisch, ông cố gắng bù đắp những nhược điểm của Christiansen. Ông nầy đã để cho ông phát huy rộng rãi mọi sáng kiến của mình.
Lộ quân thứ XV có bốn bộ tổng chỉ huy (LXXXIX, LXXXII, LXVII, LXXXI) sáu sư đoàn bộ binh (sư đoàn 70 gồm những binh lính đau bao tử, nhưng điều đó không cản trở họ chiến đấu dũng mãnh, sư đoàn 47, 49, 344, 348 và 711) hai sư đoàn không quân (sư đoàn 17 và 18) dàn ở tuyến đầu. Tám sư đoàn bộ binh (sư đoàn 64, 712, 182 –trừ bị, 326, 331, 83, 89, 346) và một sư đoàn không quân (sư đoàn 19) dàn ở hậu tuyến
Tư lệnh Lộ quân thứ XV đại tướng Von Salmuth, là một người giàu kinh nghiệm về chiến thuật, chiến lược trong thời bình cũng như trong thời chiến. Ông từng là Tham mưu trưởng của Thống chế Von Bock tại chiến trường miền Tây năm 1940 và năm 1941, tại chiến trường Miền Đông, ông đã điều động quân đoàn thứ XXX đến tận vùng bán đảo Crimee; trong mùa đông sôi động năm 1942 -1943, ông chỉ huy Lộ quân thứ II gần Kursk. Chính ở đấy ông đã bị cắt chức tư lệnh vì tinh thần ‘đoàn thể’ của ông bị ngờ vực, điều gia dĩ rất là bất công. Là một kẻ chống đối chế độ Quốc xã, ông cảm thấy trước được ngày thảm bại của chế độ.
Lộ quân thứ VII, với ba bộ tổng chỉ huy (LXXXIV, LXXIV, XXL) về sau nầy có đệ nhị Lữ đoàn dù, 7 sư đoàn bộ binh (sư đoàn 716, 352, 243 – không được đầy đủ, sư đoàn 319- trên những hòn đảo ngoài biển Manche, sư đoàn 266, 343, 265) dàn trên tuyến đầu, và hai sư đoàn bộ binh (84 và 353) một sư đoàn không vận (sư đoàn 91) và sau đó có hai sư đoàn dù dàn ở hậu tuyến
Tư lệnh lộ quân là Đại tướng Dollmann, xuất thân từ ngành pháo binh. Ông am hiểu tường tận về tham mưu và chỉ huy; nhưng về chiến trường, ông chỉ mới có kinh nghiệm trong trận vượt sông Rhine thượng, một trận đánh kể ra không phải là trận sinh tử trên chiến trường Miền Tây, năm 1940. Sức khoẻ của ông khá yếu kém.
Những phương thức của Hitler đã làm đau đớn sâu xa lương tri của một con người và lương tri một người quân nhân nơi ông. Ông chết ngày 29 tháng 6 năm 1944 tại Bộ chỉ huy vì chứng bệnh tắc mạch máu. Trước đó ít ngày, Hitler đã quyết định thay thế tướng Dollmann nhưng Rommel không đồng ý.
Về phần lực lượng thiết giáp, tại vùng trách nhiệm của Binh đoàn, có ‘tướng thiết giáp mặt trận Miền Tây’, với một bộ tổng chỉ huy (lữ đoàn 1 thiết giáp SS) và 5 sư đoàn xe bọc sắt (sư đoàn 1 SS, 12 SS, 2, 21, 116)
Ở Pháp, về phía nam sông Loire, có lữ đoàn thiết giáp hạm LXIII với sư đoàn 9 và 11, cùng sư đoàn 2 và 17 thiết giáp hạm SS, những đơn vị nầy đang nằm dưỡng quân hoặc đang trong tình trạng tổ chức lại.
Tướng ‘thiết giáp mặt trận Miền Tây’, đại tướng bá tước Geyr von Schweppenburg, đóng ở Ba Lê; ông có một bộ tham mưu điều nghiên mà theo sự dự liệu sẽ trở thành bộ tham mưu hành quân. Đối với tất cả những vấn đề huấn luyện và tổ chức, ông tùy thuộc Đại tướng Guderian, tổng thanh tra lực lượng thiết giáp; về hành quân, trước hết, ông lệ thuộc vào Tổng tư lệnh mặt trận Miền Tây.
Đại tướng bá tước Geyr von Schweppenburg là một người vượt trên khỏi mức bình thưòng; ông xuất sắc trong lãnh vực quân sự cũng như chính trị, và theo tư cách lý thuyết gia ông có nhiều kinh nghiệm về chiến tranh cơ giới. Hồi trước đây, với tư cách là tùy viên quân sự tại Luân Đôn, ông đã không ngần ngại và kiêng nể gì khi báo động sự tách riêng ngày càng gia tăng của nước Đức. Cũng bởi những lời khuyến cáo ấy mà ông đã bị triệu hồi.
Chiều dài của phòng tuyến Đại tây dương ước độ 4000 cây số, chứa đựng 60 sư đoàn bộ binh trấn nhậm. Những sư đoàn này gồm nhiều thành phần già cỗi; những bộ tham mưu từng trải chiến trận rất yếu. Sự huấn luyện thường được giao cho các cấp chỉ huy đủ mọi cấp bậc, phần đông là lớn tuổi, nên không thích hợp với sứ mạng của họ. Về phương diện vật chất, những sư đoàn này trang bị rất yếu kém không khác gì thời Đệ I Thế chiến. Được phú dữ (trang bị?) một kỵ binh chẳng lấy gì làm đông đảo, họ hầu như nằm im bất động; chính họ đã phải cố gắng để có thể tự mình lo việc tiếp liệu. Những đơn vị này không thể nào có được tầm vóc ngang với kẻ địch của họ, một kẻ địch xuất hiện bất thần, cơ giới hóa, lẹ làng trong giả thuyết khi những cuộc đụng độ diễn ra dưới hình thức chiến tranh di động. Rommel đã nhiều lần lưu ý Bộ Tổng Tư lệnh Lục quân về các sự thiếu sót này; ngay cả khi trước mặt Hitler, ông cũng không ngần ngại biểu lộ rằng những sư đoàn ấy là những sư đoàn vô dụng trong một cuộc chiến tranh tân kỳ. Tất cả những lời trình bày của ông đều bị gạt ra một bên. Hitler cổ võ một chiến thuật đưa đến cho người lính sự tự sát sau những công sự phòng thủ của họ; họ không cần phải di động.
Những đơn vị thiết giáp chưa được tổ chức lại hoàn bị và sự huấn luyện vẫn còn dở dang. Thiếu cấp chỉ huy và thiếu khí cụ. Dầu vậy khả năng chiến đấu của các sư đoàn thiết giáp cũng vượt trên khả năng chiến đấu của các sư đoàn bộ binh đóng trong vùng. Tuy nhiên, nó chỉ tiến bộ được chừng 30 phần trăm so với khả năng chiến đấu của những đơn vị thiết giáp hồi năm 1940 - 1941. Trước hết sự huấn luyện của nó thiếu sót ở vấn đề thích ứng với loại vũ khí của không quân, một sự thiếu sót đã nhiều lần kêu ca. Trái lại, ở về phía địch quân, loại vũ khí của không quân lại rất được phát triển.
Bộ tư lệnh không quân cũng tỏ ra không am tường gì mấy những đòi hỏi này. Vốn dĩ đã thiếu sự thống nhất chỉ huy nên người ta không thể tổ chức những sự diễn tập phối hợp giữa cấp chỉ huy và binh sĩ, giữa bộ binh và không quân, đặc biệt là trong lãnh vực truyền tin.
Hải quân
Hải quân đã phải chịu đựng trong suốt cuộc chiến một tình trạng bi đát, lúng túng: tình trạng muốn thực hiện ý định mà không thể thực hiện được. Do nơi sức mạnh và vị trí chiến lược, Hải quân chỉ có thể là một lực lượng phụ thuộc. Chiến trường càng mở rộng, nó càng phải làm tròn những sứ mạng mới, những sứ mạng vượt khỏi huấn thị lúc đầu của Hitler, hạn định trong vùng lục địa.  
  Khi Đô đốc Reader bị cất chức, mặc dù ông đã cố ý không dính dáng gì đến chính trị, thì bên cạnh Hitler thiếu hẳn sự thăng bằng về quyền năng. Thực vậy, Hải quân chiến đấu là một binh chủng đã từ chối không theo những nhận thức về chính trị của Bộ tư lệnh tối cao một cách mạnh mẽ hơn cả Lục quân nữa. Tình trạng này xuất hiện cùng với sự bổ nhiệm Thủy sư Đô đốc Doenitz kế vị Đô đốc Reader; vả chăng nó trái ngược với ý muốn và lời khuyên của Đô đốc Reader. Nếu ở vào một vài khía cạnh nào đó, ngành Hải quân đã bị đánh giá quá cao thì cái lý do sâu sắc là, từ sau khi Blomberg ra đi, không còn có sự phối hợp thực sự trong vấn đề chỉ huy của quân lực, và không một giới chức thẩm quyền nào có thể định nghĩa rõ ràng được sứ mạng của ba binh chủng. Sự thiếu thống nhất trong cách điều nghiên những vấn đề chiến lược tổng quát cũng đã cho thấy nó khá nguy hiểm. Cũng như binh chủng Không quân, Hải quân an phận thủ thường và không mấy khi tỏ lộ sự hiểu biết cần thiết của họ đối với những đòi hỏi về một chiến lược thống nhất. Sau này dù họ tiến gần tới Đảng Quốc xã thì cũng chỉ để giữ gìn các đặc quyền của họ, mặc dù một số đông sĩ quan Hải quân đã tỏ ra thật sự là những người bạn tốt trong những sự giao thiệp trực tiếp với Quân đội. 
  Tư lệnh Hải đoàn mặt trận Miền Tây, Đề đốc Krancke (có phó Đề đốc Hoffmann làm tham mưu trưởng) tỏ ra bảo thủ tính chất độc lập của mình, sau những huấn lệnh của Đô đốc Doenitz, ông không có thể tự giải quyết được một cuộc tiếp viện rộng lớn khi biến cố xảy đến. Trong khi những đơn vị hải quân đóng tại Ba Lê - ước độ 5000 người – đáng lẽ ra phải được đưa đến tiền tuyến đang bị nguy, thì Hải đoàn lại đề nghị, vào buổi chiều ngày 20 tháng bảy 1944[2], dùng họ vào công cuộc giải thoát sở an ninh (S.D) đã bị vị tư lệnh quân sự ở Pháp bắt giữ: thực tế đó là đưa họ chống lại Quân đội. 
Hải đoàn mặt trận Miền Tây gồm vài chiếc diệt lôi hạm, khoảng từ 10 tới 15 ngư lôi đỉnh, vài tiểu đỉnh tuần thám có tốc độ nhanh, một số tàu vét mìn, tuần dương hạm, tàu chở dầu và tàu Hải quân công xưởng. Trong trường hợp xảy ra cuộc đánh chiếm Âu châu, 40 tiềm thủy đỉnh đang túc trực tại bờ biển Đại tây dương phải tham dự ngay vào cuộc chiến. Nhưng chỉ có 6 đơn vị đã rời bến, và trước ưu thế quá lớn lao của Hải quân và không quân địch nên những đơn vị này không thu đạt được kết quả nào.
Hiệu suất của tàu ngầm không đủ bù đắp cho sự thiệt hại mà loại «vũ khí» này đã phải gánh chịu.
Đã từ lâu, không có màng lưới trinh sát nào của Hải quân và Không quân ngoài biển khơi.
Căn cứ vào những biến cố, chúng ta có thể hiểu ngay rằng tại sao buổi chiều ngày 14 tháng 6 năm 1944, 38 tàu trên mặt biển – trong số đó có 4 ngư lôi đỉnh – đã bị đánh chìm tại bến đậu và trong vùng trú ẩn của tàu ngầm tại hải cảng Le Havre trong trận không tập của địch. Hầu hết những ngư lôi đỉnh và tuần dương hạm đã bị loại ra ngoài vòng chiến. Cuộc tấn công của các phi đội địch đã được thực hiện ở một cao độ rất thấp và không có gì chống lại được công tác phá hoại của họ.
Ngày 29 tháng 6, nếu căn cứ vào những tài liệu của Đô đốc Doenitz tại Obersalzberg, người ta thấy Hải đoàn của Đức tại mặt trận Miền Tây còn được một ngư lôi đỉnh, 12 tuần dương hạm, 8 tiềm thủy đỉnh trong đó có chiếc Schnorchel, một chiếc tàu mới mẻ làm nhiệm vụ an ninh, lo phá những luồng radar dò xét của địch. Mặt khác, một số đông ban chỉ huy Hải quân, không còn tương xứng với quân số cũng như với những sứ mạng thật sự của các lực lượng hải chiến đã chỉ có thể, trước sự bị phá hủy gần như toàn bộ của hệ thống truyền tin, làm tăng thêm sự hỗn loạn. Thí dụ của tình trạng là vấn đề đặt hướng bắn cho pháo đội phòng duyên. Hải quân đã đòi hỏi nắm quyền điều hướng trận chiến bằng đại pháo bao lâu kẻ địch còn ở trên mặt nước. Đến lúc cuộc đổ bộ xảy ra thì chính Lục quân lại phải đảm đương tất cả công việc điều hướng pháo binh. Ngay từ trong giai đoạn chuẩn bị, những cách bố trí này cũng đã đưa tới sự bất đồng ý kiến về nguyên tắc kỹ thuật giữa pháo binh của Hải quân và đại pháo của Lục quân (sự chọn lựa vị trí gióng súng, các đài quan sát, tiếp tế đạn dược).
Binh đoàn B đã nhiều lần muốn thay đổi những cách bố trí này, nhưng ý kiến của Thống chế Rommel luôn luôn bị Hitler gạt bỏ. Còn đối với tầm tác xạ hữu hiệu của pháo đội trên chiến hạm của địch nhắm vào nội địa thì bộ chỉ huy Hải đoàn mặt trận Miền Tây đã trích toán theo tưởng tượng. Họ đã tưởng rằng tầm tác xạ ấy chỉ có thể vào sâu chừng 15 cây số ở những nơi bờ biển bằng phẳng ; thực ra nó đã đạt tới mức từ 35 đến 40 cây số. Những ai đã từng chiến đấu ở vùng bờ biển Caen chắc hẳn am tường chuyện đó.
Không quân
Vấn đề tham chiến và khả năng hoạt động của Không quân tại mặt trận Miền Tây cũng như trên không phận của chính nước Đức đã thực sự trở nên nóng bỏng. Nhưng không làm sao nhận được của Bộ Tư lệnh tối cao Không quân những chỉ dẫn cụ thể về sứ mạng, về quân số và khả năng của họ, Thống chế Hermann Goering tránh mọi sự tuyên bố và chỉ đưa ra những câu trả lời mơ hồ. Trong những tháng dầu sôi lửa bỏng, ông không lúc nào dám đưa ra cảm tưởng của cá nhân ông và ông chỉ cố gắng hành sử quyền tư lệnh từ lâu đài Karinhall của ông hoặc từ Đông Phổ. Người ta không làm sao có được những lời giải thích khách quan, vả lại dường như chính Goering cũng không nắm vững được tình trạng thật sự của binh chủng Không quân của ông.
  Phi đội thứ III – tư lệnh: thống chế Sperrle (với tham mưu trưởng là trung tướng Koller và kế đó là tướng Plocher) - nằm dưới quyền điều khiển trực tiếp của Thống chế Goering. Tổng tư lệnh Lục quân Đức chỉ có quyền nhưng rất hạn chế trong phạm vi đường hướng. Thống chế Sperrle, tư lệnh phi đội thứ III, là một con người tràn đầy sinh lực nhưng khi ông hiểu rõ được sự tổ chức không tốt đẹp ấy, thì sự hiếu động nơi ông lại biến thành cáu giận và mỉa mai. Ông luôn luôn cố gắng hợp tác trong tinh thần thân thiện với mọi cơ cấu bạn cũng như ông đã đồng ý kiến với các quan niệm chính trị của Rommel. Ông bị Hitler cất chức ngày 18 tháng 8 và đã đóng vai trò «con vật hy sinh» thế cho Goering.
Nếu theo những tài liệu thu lượm được của Phi đội thứ III trong phạm vi trách nhiệm thì từ hồi đầu tháng 6, trên toàn khắp trận tuyến Miền Tây, không lực Đức chỉ còn có 90 oanh tạc cơ và 70 khu trục cơ sẵn sàng ứng chiến trong số khoảng chừng 500 máy bay. Vì không lực địch quá trội nên những oanh tạc cơ và khu trục cơ này không làm nên trò trống gì. Ngày 1 tháng 4 năm 1944, Hitler đã hứa chắc với Tham mưu trưởng Binh đoàn B là sẽ cấp cho ngay trong đợt đầu, 1000 khu trục cơ phản lực: người ta chẳng bao giờ được nhìn thấy những khu trực cơ ấy.
Về phía địch, ngày 6 tháng 6, họ tung ra 25.000 phi vụ để yểm trợ cho cuộc đổ bộ.
Không lực của Anh và của Mỹ, kể từ mùa Xuân 1944, đã làm bá chủ vòm trời và làm tê liệt tất cả mọi hoạt động của không quân Đức. Những máy bay của chúng tôi không thể đảm trách được công cuộc dò thám đầy đủ tin tức, cung cấp những không ảnh về lãnh thổ Anh, và trước hết là những tin tức về các lực lượng trú đóng tại các hải cảng địch, hoặc đang di chuyển trên Đại tây dương – tuy rất gần phòng tuyến. Chúng tôi không bố trí nổi những lực lượng không quân khả dĩ đẩy lui được những cuộc tấn công liên tiếp của máy bay địch, hoặc thực hiện một hệ thống ánh sáng phòng không, dù là tạm thời, bằng phương thức tập trung ánh sáng của căn cứ. Những oanh tạc chiến đấu cơ địch kiểu tối tân nhất với đoàn phi công tài ba, đã lần lần ngăn cấm mọi sự vận chuyển ban ngày của chúng tôi và gây ra cho chúng tôi những sự thiệt hại nặng nề. Những đoàn máy bay oanh tạc phá hủy những yếu điểm của hệ thống thiết lộ và đường bộ, những công trình mỹ (kỹ?) thuật thuộc đủ mọi loại, đến mức đã làm cho vấn đề tiếp tế trở nên thực sự tuyệt vọng trong trường hợp xảy ra cuộc đánh chiếm. Những vụ phá hoại đường xe lửa phía Tây phòng tuyến Bruxelles – Paris – Orléans đã làm cho việc tiếp tế thường xuyên bằng xe lửa không thể thực hiện được nữa kể từ trung tuần tháng 5. Việc xử dụng xa lộ trong vấn đề tiếp tế cũng bị bế tắc vì thiếu xe vận tải và nhiên liệu. Sự thiếu tiếp viện đã là nguyên nhân chính cho sự thất bại xảy ra từ mặt trận Phi châu năm 1912, trong cuộc hành quân ở Miền Đông cùng năm ấy và sau đó là trong cuộc chiến tranh di động tại Miền Tây. Tất cả những cây cầu trên sông Seine ở về phía dưới thành phố Ba Lê và những cây cầu bắc qua sông Loire ở về phía dưới thành phố Orléans đều bị những cuộc không tập phá hủy trước ngày 6 tháng 5 năm 1944. Cầu nổi không được thiết lập, bất chấp những ý kiến nhắc đi nhắc lại về chuyện đó; vật liệu để dựng những cây cầu tạm thời không có đủ số lượng cần thiết.
Không quân chiến lược địch liên tiếp thực hiện những cuộc tấn công trên lãnh thổ Đức và trên những vùng đất do Đức chiếm đóng.
Tuy nhiên, cũng phải ghi nhận rằng một số phi công Đức vẫn hoạt động trên không, bất chấp ưu thế khủng khiếp của địch và thường là không còn hy vọng đáp xuống khi sân bay bị bom của Đồng Minh triệt hạ.
Thống chế Rommel không ngừng báo cáo bằng lời và bằng văn thư về Hitler ngay cả trước khi xảy ra cuộc đánh chiếm, để nhấn mạnh tới tư cách quan trọng của cuộc chiến đấu phối hợp ba binh chủng, và để làm nổi bật lên, như một yếu tố căn bản, sự yếu kém của không quân Đức. Ông dựa trên sự so sánh rút ra từ những kinh nghiệm của những cuộc hành quân và tiếp tế tại Phi Châu. Ông diễn đạt ý kiến với Hitler như sau : «Tới năm thứ năm của cuộc chiến. Bộ tư lệnh tối cao dĩ nhiên phải hiểu được rằng không quân phối hợp với lục quân sẽ tạo được một ảnh hưởng có tính cách quyết định, không chỉ ở trong những trận đánh mà trong cuộc chiến toàn diện.» Tất cả những lời thỉnh cầu, những lời báo động của ông không tạo nổi một tiếng vang nào. Hitler đã đưa ra những lời hứa hẹn về các loại vũ khí mới và về sự tham chiến của hàng ngàn khu trục cơ phản lực, để Rommel khỏi phải đề nghị hoặc trình bày gì nữa.
  Thống chế Rommel không yên tâm về viễn tượng dựa vào loại “vũ khí thần sầu quỹ khốc.”[3]. Đã nhiều lần ông yêu cầu Tổng trưởng Speer cho biết về tình trạng của những phát minh ấy và sự tiến bộ của chúng cũng như về cái lúc nó bắt đầu hoạt động được.
Ông được trả lời là còn có một khoảng cách rộng giữa sự sưu tầm của khoa học và kỹ thuật, chế tạo loại bom nguyên tử. Thực ra, giáo sư tiến sĩ Otto Hahn đã sáng tạo ra được những phương pháp khoa học, nhưng về phần thực hiện người ta còn thiếu tiềm lực mạnh mẽ mà Hoa Kỳ sẵn có. Trong khi Đức đang thực hiện những cuộc thí nghiệm đầu tiên vào mùa Xuân năm 1943, thì cơ sở chế tạo và tồn trữ “nước nặng” (eaulourde: một loại nước kỹ nghệ) ở Thụy Điển lại bị các toán biệt kích cảm tử Anh và Thụy Điển phá huỷ; khi cơ sở này hoạt động trở lại được, vào tháng mười 1943 thì nó lại bị một cuộc dội bom san bằng. Giáo sư tiến sĩ Werner de Heisenber Goellilngen tuyên bố: “Người ta luôn luôn hỏi chúng ta, ngay cả ở bên Anh và bên Mỹ, là tại sao trong lúc ấy, Đức không toan tính chế tạo bom nguyên tử. Câu trả lời giản dị nhất đối với vấn đề đó là: Vì công việc ấy không còn có thể thành công được nữa trong khi chiến tranh đang diễn ra.”
Qua lời tuyên bố này, chúng ta cũng có thể chú ý đến sự thiếu ưu thế về không quân. Cứ suy xét theo kinh nghiệm của cuộc ném quả bom nguyên tử đầu tiên vào tháng 8 năm 1945 do không quân Hoa Kỳ thực hiện thì thấy rằng cần phải có lực lượng thật hùng hậu trên không trung mới có thể đưa được quả bom đến đúng mục tiêu của nó.
Nhiều lần Rommel cũng đã phê bình bằng lời và bằng văn thư tổ chức nhân sự của không quân Đức. Thí dụ như ở mặt trận Miền Tây không quân đã duy trì một hệ thống tình báo và điều nghiên quá lớn, đòi hỏi tới 50.000 nhân viên. Các cơ quan yểm trợ của không quân ở Miền Tây đã sử dụng một quân số hơn 300.000 người. Thông thường trong binh chủng không quân, quân số yểm trợ đông gấp 10 lần quân số phi hành, nhưng ở đây nó lại đông gấp trăm lần. Những con số này chỉ có thể cắt nghĩa được bởi nhu cầu muốn tạo một nhóm tay chân bộ hạ đông đảo của Goering, cũng như của Himmler: đó là một sự suy đồi đặc thù của tất cả các đại lãnh tụ cách mạng!
Không quân còn đặt dưới quyền sử dụng của mình Lữ đoàn III phòng không - một điều trái ngược với mọi lý lẽ và với những sự yêu cầu của Binh đoàn; Lữ đoàn III phòng không này nhận lệnh trực tiếp từ Ba Lê (Phi đội III) hoặc từ Đông Phổ (Goering). Khi cuộc đánh chiếm của quân Đồng minh khởi diễn, Lữ đoàn phòng không này không thể di chuyển lẹ làng vì nó bị phân phối rất luộn thuộm. Sự sử dụng hoả lực tập trung đáng kể của nó lẽ ra đã có thể có được một tầm quan trọng chủ yếu trong những ngày đầu của cuộc đổ bộ; nhưng vũ khí đặc sắc này chẳng bao giờ thực hiện được sự thống nhất mục tiêu hỏa lực và phòng không nhằm vào những điểm sinh tử của chiến trường. Tướng Tư lệnh Lữ đoàn III cao xạ phòng không đã bị Goering triệu về Đông phổ trong khi trận đánh Normandie đang tiếp diễn và đã vắng mặt trong suốt nhiều ngày mà Binh đoàn không được thông báo gì cả.
Ngưòi ta thấy diễn ra trên không trung cảnh tượng giống đã xảy ra như ở Phi Châu và ở Ý nhưng còn trầm trọng hơn. Đối phương làm bá chủ bầu trời bên trên phòng tuyến của những vùng Đức chiếm đóng và lãnh thổ Đức; các phi công đã biến dạng trên nền trời.
Những lỗi lầm phạm phải trong việc thiết kế, tổ chức và chỉ huy hầu như đã làm mục rữa không quân trước khi có trận đánh quyết định. Tất cả những sáng kiến dự liệu cho một cuộc chiến tranh trên không với tính chất chiến lược đã bị thất bại. Trận không chiến trên không phận Anh sau cuộc di tản lớn lao khối Dunkerque của đoàn quân viễn chinh năm 1940, sự hủy bỏ Đại Hạm đội chống Anh quốc, trận đánh trên Đại Tây dương, việc phòng thủ lãnh thổ Đức chống những cuộc không tập của Anh, Mỹ, sự thất bại trong vấn đề tiếp tế cho Stalingrad, Tscherkassy, Crimée và Phi châu bằng đường hàng không đã cấu thành những chương buồn thảm cho câu chuyện lịch sử nầy. Những phi công dũng cảm của chúng tôi là những nạn nhân của bộ chỉ huy của họ.
Trái lại, không quân Anh- Mỹ ở mặt trận miền Tây và trên đất Đức đã sớm hoàn thành mục tiêu chỉ định.
BỨC TRƯỜNG THÀNH ĐẠI TÂY DƯƠNG
Bức trường thành Đại tây dương là một đồn lũy chạy dài theo bờ biển mà sức mạnh của nó hay biến đổi. Ở những vị trí mà bộ Tư lệnh tối cao Lục quân Đức ước đoán có cuộc đổ bộ, và trên những cứ điểm sinh tử dọc theo bờ biển Manche, trước hết là mũi Gris-nez ở cửa sông Seine, chỗ pháo đài phía Bắc mỏm Cotentin, trên những hòn đảo “anglo - normandes”, ở quân cảng Brest và Lorient, đồn lũy kiên cố hơn. Trái lại, lúc Thống chế Rommel nắm quyền tổng chỉ huy thì người ta hầu như bỏ ngỏ bờ biển Calvados nhất là chỗ bãi phẳng phía trước thị trấn Bayeux.
Năm 1941, Hitler đã hạ lệnh đặt tuyến phòng thủ chính dọc theo bở biển. Vì bờ biển quá dài, người ta khó thể dự trù việc thiết lập một hệ thống của những vị trí tăng cường. Bờ biển Manche, và nhóm đảo "anglo - normandes”, phía trước Saint-Malo, những đảo Jersey, Guernesey và Sercq nằm trong một kế hoạch thực hiện trong 8 năm thành những đồn lũy “vô cùng kiên cố”. Đó là ý định của Hitler. Vì vậy mới phát sinh ra những đội “trọng pháo tấn công” đặt tại mũi Gris-nez với những đội như Lindemann (3 giàn đại pháo 406 ly), đội Grand Electeur (4 giàn đại pháo 280 ly), đội Todt (4 giàn đại pháo 380 ly) và đội Friedrich- August (3 giàn đại pháo 303 ly). Tất cả những đội trọng pháo này phải được sử dụng để yểm trợ cho việc tổ chức chiến tuyến Manche.
Mùa xuân năm 1914, trên nhóm đảo nhỏ “anglo – normandes”, người ta đã đặt 8 giàn trọng pháo với những khẩu đại pháo 3 ly, trong khi đó thì suốt một phòng tuyến đài trên 1.000 cây số từ Dieppe đến Saint- Nazaire cũng chỉ có một số lượng tương đương với 37 khẩu đại pháo. Một sư đoàn bộ binh có thêm một trung đoàn thiết giáp và một trung đoàn cao xạ tăng cường được chỉ định võ trang cho những giàn trọng pháo ấy. Người ta không hề xây dựng phi trường, dù rằng những hòn đảo “anglo – normandes” đáng lẽ ra chỉ có thể có một tầm mức quan trọng nếu nó là những phi trường quân sự. Rommel là một người phản đối kịch liệt việc dùng những hòn đảo làm thành lũy và ông ta yêu cầu rút bỏ những đồn quân vô ích ấy.
Toàn diện hệ thống thành lũy thiếu hẳn một ý thức điều khiển và thiếu vật liệu. Nó cũng chịu chung số phận về những khó khăn hành chánh - kết quả tất nhiên của sự lộn xộn về chỉ huy.
  Vào năm 1944 các bờ biển chỉ có những đồn lũy dựng lên như những điểm tựa với những đài radar, những căn cứ chỉ huy, những giàn trọng pháo. Nhưng những công sự bảo vệ lại cũng chỉ là công sự thuộc loại chiến dịch, rất ít chỗ được xây bê tông vì thiếu vật liệu. Những điểm tựa lẻ loi đôi khi cách nhau bằng nhiều cây số. Hải quân đã quyết định rằng khoảng bờ biển giữa hai cửa sông Orne và Vire không cần đề phòng một cuộc đổ bộ vì nhờ địa hình địa vật của nó (có nhiều đá ngầm). Hơn một sư đoàn đã “bao sân” khu vực rộng chừng 50 cây số.
Sau cuộc thị sát khắp phòng tuyến lần đầu tiên vào mùa đông năm 1943 – 1944, Thống chế Rommel tỏ vẻ thất vọng về sức mạnh của “Bức trường thành Đại tây dương”, ông tìm cách tranh thủ thời gian nhờ vào sự làm việc của chính các đơn vị trú phòng, nhất là dọc theo bờ biển Normandie. Ông nghiên cứu lại những phương thức khả dĩ làm cho cuộc đổ bộ của địch gặp khó khăn thêm.
Tất cả những biện pháp liên quan tới việc phòng thủ bờ biển nghĩa là những sơ đồ và việc xây đắp đồn lũy, là do tay một kỹ sư, mà viên kỹ sư này lại không hiểu gì về chiến thuật chiến lược, không có được cái nhìn bao quát về tình hình chung của cuộc chiến cũng như chưa có một chút kinh nghiệm nào khả dĩ cho phép ông cộng tác với quân đội.
Từ 1941 đến 1943, ngươờ ta chưa thể hoàn tất được một kế hoạch phối trí về việc xây dựng thành lũy, mang chất liệu của cuộc phòng thủ bờ biển và nhằm mục đích thiết lập những giàn trọng pháo nói riêng, vì có sự chống đối về nguyên tắc làm chia rẽ Lục quân, Hải quân và tổ chức Todt. Rommel đề ra một sự cải tổ sâu rộng trong việc nghiên cứu những vấn đề này. Không những ông chỉ mang vào đó một sự hăng say lớn lao của cá nhân ông, mà còn đưa ra được những kiến thức phi thường về kỹ thuật, làm hoảng hồn những tay chuyên nghiệp. Những chỉ thị của ông có kèm theo họa đồ do chính tay ông vẽ, những chỉ thị này chứa đựng những phát minh và những dẫn ý căn bản.
Muốn làm cho cuộc đổ bộ của địch thêm khó khăn, ông đã cho đặt những chướng ngại vật ở mé bờ biển xếp thành những lớp san hô nhân tạo. Những con đường đổ bộ chỗ nước quá sâu sẽ được gài thủy lôi. Người ta chuẩn bị vô hiệu hóa các hải cảng.
Lằn mức của thủy triều dâng lên bãi biển trở thành đường phòng thủ chính và suốt khoảng chiều dài của bờ biển được biến cải thành từng loạt điểm tựa có gài thủy lôi. Nhưng hỏa lực của pháo binh – cách 18 hay 20 cây số mới có một pháo đội – không thể được tăng cường đúng mức, trước hết, vì thiếu bộ phận máy ngắm.
Trong lãnh vực này, Thống chế tìm ra những cách thức thích nghi và chấp nhận đề nghị của sư đoàn 21 thiết giáp chủ trương chế ra những bộ phận phóng đạn hàng loạt, bắn ra khơi một cách chính xác (giống như kiểu súng nhiều nòng của Nga: “Orgues à la Staline”). Nhưng vấn đề này được giải quyết quá trễ.
Để ngăn ngừa nguy hiểm trên những cuộc ném bom tập trung, người ta phân tán những công sự trú ẩn của binh lính và làm cho những công sự này thêm vững chắc. Chống lại những cuộc đổ quân bằng máy bay, người ta tổ chức một phòng tuyến trên đất liền nhằm khóa chặt vòng đai chiến lũy ngoài bờ biển, sâu vào phía trong từ 3 tới 5 cây số tùy theo địa hình từng chỗ. Cách bố phòng này nhằm ngăn chận sự liên lạc của địch giữa hai cánh quân từ biển vào và từ máy bay đổ xuống.
Chống quân nhảy dù và các máy bay lượn (Planeurs). Thống chế cho dựng những chướng ngại vật bằng những thân cây đốn xuống, ràng buộc với nhau bằng những dây kẽm, và thường là có gài mìn. Nhưng vì những công việc này đòi hỏi quá nhiều thời giờ và vật liệu nên nó chỉ hạn chế trong những khu vực thường bị máy bay chú trọng tấn công. 
Rommel đã có ý tưởng rất rõ ràng về những cuộc hành quân không vận kể cả những khi thời tiết tỏ ra ít thích hợp với phi cơ; ông chỉ dẫn cho binh lính hiểu rõ như vậy. Ông đòi hỏi Hải quân phải đặt thủy lôi ngoài biển, nhưng thoạt đầu chỉ đặt được ở vùng biển Gironde thay vì ở vịnh sông Seine.
  Việc gài thủy lôi, nói đúng ra đã được thực hiện dưới hình thức “rào cản sấm chớp”; những rào cản này sẽ được giăng ra lập tức trước một cuộc tấn công. Khi cuộc đánh chiếm mở màn thì tại bờ biển Normandie chưa có hàng rào thủy lôi. Riêng việc dùng thủy lôi tấn công do phi cơ thả xuống thì đã bị bộ tư lệnh tối cao quân lực gạt ra ngoài kế hoạch phòng thủ.
  Những công việc thực hiện quan trọng đến nỗi phải nhờ vào sự hợp tác của dân chúng. Thống chế Rommel đề ra nguyên tắc là không một người dân Pháp nào tại địa phương bị cưỡng chế làm lao công, nhưng họ sẽ được trả tiền đàng hoàng khi họ tự nguyện làm việc. Những dân phu người Pháp phải được đối xử mọi mặt như người Đức. Riêng đối với việc bố trí những chướng ngại vật, phải nhận rằng dân chúng rất hăng hái tham gia vì ở những nơi nào có chướng ngại vật cuộc đổ bộ bằng máy bay sẽ khó xảy ra, kể cả những trận đánh trên bộ.
Có thể có ngập lụt tùy theo tính chất đất đai từng nơi. Người ta chỉ có thể chuẩn bị việc dự trữ nước ngọt trên phòng tuyến gần hải cảng le Havre, trong vùng lưu vực sông Dive và tại bờ biển phía đông của bán đảo Colentin, và việc chuẩn bị này đã được thực hiện. Trong mọi tình trạng về nguyên nhân, phải chú ý tới những thiệt hại gây ra bởi nước biển: vấn đề này theo kinh nghiệm của đệ nhất thế chiến, đòi hỏi trên mười năm làm việc.
Việc tuyên truyền quảng cáo cho Bức trường thành Đại tây dương bắt đầu từ năm 1942 khi cuộc tấn công thăm dò của quân Anh tại Dieppe bị đẩy lui và khi cuộc bài binh bố trận được coi như “một thắng lợi lớn về phòng thủ”. Những lực lượng Hải lục không quân địch đã thực hiện tại nhiều nơi trong thị trấn Dieppe một cuộc thí nghiệm về một lối đánh cảm tử rộng lớn, cuộc thí nghiệm này rõ ràng là để thăm dò lực lượng, định rõ vị trí quân Đức và thu thập những tin tức điều nghiên về một cuộc đổ bộ phối hợp. Những mệnh lệnh bắt được trong người những tù binh đã nêu rõ hạn định thời gian, không gian và quân số trong âm mưu của Anh. Khốn nỗi, những cấp chỉ huy tại mặt trận phía Tây đã để cho họ bị lôi cuốn bởi ấn tượng của một cuộc tuyên truyền rộng lớn đang tìm cách chuyển hướng sự chú ý của dư luận về mặt Tây để làm cho quên đi các cuộc hành quân ở miền Đông.
  Để che giấu sự thiếu sót của những đồn lũy và để đánh lừa địch quân, Goebbels, theo những kinh nghiệm thu lượm được ở Bức tường thành phía Tây trong thời gian cuối mùa hè, đã phát động một chiến dịch tuyên truyền về vấn đề này tại Đức và nhằm vào nước ngoài: đối với ông, tất cả mọi phương tiện đều tốt. Ông lấy đội trọng pháo tấn công đặt tại mũi Gris – nez làm một thí dụ và tạo cho nó có sức mạnh thực sự để làm cho dân chúng Đức tin tưởng rằng bức trường thành Đại tây dương có một sức mạnh phòng vệ như vậy ở khắp mọi chỗ.
  Trong cuộc chiến đấu dành để tranh thủ thời gian và đạt tới những mục tiêu chính trị - mà chúng ta sẽ phân tích say này - Thống chế Rommel đành làm lơ để cho người ta tuyên bố về những phương tiện phòng thủ mới, những chướng ngại vật trên bờ biển và chướng ngại vật chống cuộc đổ bộ bằng máy bay; ông để cho người ta phóng đại những chuyện đó trong quần chúng. Cũng chính vì những lý do ấy mà Rommel, bị thúc đẩy bởi sự cần thiết, đã đồng ý để cho cái quan niệm của mình về sự tuyên truyền phóng đại được trình bày trên phim ảnh và báo chí. Nhưng khi biết được rằng Tiến sĩ Goebbels đã quyết định ra lệnh cho các phóng viên báo chí không được ghi rõ ưu thế không quân của Đồng minh, ông liền phản đối sự coi thường ấy đối với địch quân, và trách cứ Goebbels về sự phổ biến sai lầm trong dư luận quần chúng, vì điều này chỉ có thể làm suy giảm tín nhiệm của dân chúng Đức trong vấn đề chỉ huy.
Những biện pháp dùng để đánh lừa kẻ địch đã được cấp chỉ huy và binh lính áp dụng. Thí dụ: Việc phổ biến những tin tức liên quan đến những toán quân “tưởng tượng” mới tới, đến sự bắt đầu hoạt động của những bộ tham mưu mới thành lập, đến cái mà người ta gọi là một “nhân tài sắp xuất hiện”, tài liệu nghiên cứu về kế hoạch vận chuyển bằng đường hỏa xa, nghiên cứu về sự tổ chức những đơn vị mới do tất cả các giới chức thẩm quyền đảm trách, kể cả sự nghiên cứu của Hỏa xa Pháp dưới hình thức một loại công tác thông dụng và cần thiết, sau cùng, những tin tức liên quan đến những hoạt động ngày đêm của từng đoàn xe vận tải và tin tức về việc thiết lập những cơ sở tưởng tượng.
Rommel không có ảo tưởng về sự hữu hiệu của những biện pháp ấy; tuy nhiên tất cả mọi phương tiện dùng để tranh thủ thời gian đều hợp với ý ông. Nhưng đối với những phương pháp phô trương được Tổng trưởng tuyên truyền Đức quốc xã sử dụng thả giàn thì thực khó mà biết được hậu quả “gậy ông đập lưng ông” về phương diện tuyên truyền.
Về sau, Rommel phải yêu cầu Hitler cho ngưng ngay lối tuyên truyền phản sự thực liên quan đến Bức trường thành Đại tây dương - một công trình mà chính ông đã tham gia bằng nhiều phương diện.

*

NHẬN XÉT CHIẾN LƯỢC TRƯỚC KHI CÓ CUỘC ĐÁNH CHIẾM CỦA ĐỒNG MINH.
Trrước khi lên đường tới mặt trận miền Tây ngày 1 tháng 4 năm 1944, tân Tham mưu trưởng của Rommel hỏi hành dinh ở Obersalzberg để xin chỉ thị về vấn đề chỉ huy chiến lược. Nhưng Hitler và bộ Tư lệnh tối cao quân lực từ chối, lấy cớ rằng những chỉ thị như vậy là “thừa”. Tư lệnh mặt trận Miền Tây và Binh đoàn B, theo cương vị của nó, đã nhận được mệnh lệnh về một cuộc phòng thủ cứng rắn trên các bờ biển, không có thể đưa ra sáng kiến chiến lược bằng cách nào khác. Trong trường hợp xảy ra một cuộc đổ bộ ở một nơi nào đó, thì chỉ còn có liệng kẻ thù trở ra biển bằng "một cuộc giao tranh trên bờ biển". Những kinh nghiệm ở Salerne và Nettuno không hề được ghi nhận: trên hai địa điểm của bờ biển phía Tây nước Ý ấy, những lực lượng Anh với quân số trội hơn đã đổ bộ lên được dưới sự bảo vệ của Không quân và Hải quân của họ. Những đội thiết giáp trừ bị của Đức không thể ngăn cản kịp thời vì ở xa quá và vì ưu thế của không lực địch.
Trong trường hợp bị đe dọa đánh chiếm, phải chăng người ta đã có ý dự trù gửi đến đúng lúc nhiều đơn vị thiết giáp hung mạnh khác (từ 8 đến 10 sư đoàn), những động cơ phản lực đẩy và tàu chiến, đặc biệt là tàu ngầm, chưa kể đến sự tham dự có tính cách quyết định của loại vũ khí mới là hỏa tiễn V[4].
Cái quan niệm về sự phòng thủ bờ biển bằng mọi giá chịu ảnh hường, trong quyết định của Hitler, các lý do uy tín: cùng giống như ở Stalingrad, ở mặt trận sông Don, ở bán đảo Crimée, đảo Sicile và ở Ý. Nhưng “kẻ muốn phòng thủ tất cả không phòng thủ được gì cả”, vì “tuyến phòng thủ rộng lớn quá người ta không đủ quân… Những kẻ có trí óc kém cỏi mới muốn phòng thủ tất cả, những người hiểu biết chỉ nhắm vào mục tiêu chính” (Frédéric le Grand). Người ta hy sinh một sức mạnh mà sự tự do điều quân chắc chắn sẽ mang lại cho một cuộc phòng thủ thẳng đường và cứng nhắc vùng bờ biển. Điều này đã giúp cho Đồng minh giảm bớt được nguy hiểm trong cuộc đổ bộ lớn lao; thêm vào đó, quân Anh và quân Mỹ đang chế ngự mặt biển trong khi hạm đội Đức vắng bóng. Không quân Đức đã bị loại ra khỏi vòng chiến; điều này đã loại bỏ hẳn yếu tố căn bản về sự nguy hiểm đối với những cánh quân đánh chiếm. Bức tường thành Đại tây dương, về phương diện quân số và đồn lũy, chỉ là một đường đóng quân không có chiều sâu và lực lượng dự trữ quan trọng; những cánh quân đổ bộ của Đồng minh hơn hẳn lực lượng phòng thủ về số lượng, vũ khí và nhất là tính cách di động.
Các bài học rút tỉa được từ các cuộc đổ bộ vĩ đại trong lịch sử không cho thấy một sự so sánh trùng hợp bao giờ. Trên chiến trường Ai cập, năm 1798, Napoléon đã phải đụng độ với một hạm đội địch hùng mạnh hơn làm cho hạm đội của ông bị tiêu diệt ở Aboukir. Năm 1851, hạm đội Nga rất hùng hậu, nhưng chuyện rất lạ, nó đã không tham dự chiến trận khi quân Đồng minh đến nơi ở Crimée. Cũng như vậy, năm 1904, Nga cũng có một hạm đội hùng hậu; nhưng quân Nhật đã đánh cho tan tành trước khi họ đổ bộ lên vịnh Cao ly và – cũng như sau này ở Trân châu cảng – họ đột kích Port Arthur. Chỉ có tình trạng Hải quân các tiểu bang miền Nam nước Mỹ trong cuộc Nam Bắc phân tranh ở Mỹ là giống tình trạng quân Đức năm 1944: những tiểu bang Bắc Mỹ có một hạm đội trội hơn làm cho hạm đội miền Nam không sao chống cự được.
Trước những kinh nghiệm còn nóng bỏng tại Ý, Thống chế Rommel biết rằng, trong một cuộc hành quân đổ bộ địch sẽ thắng nhanh chóng và chắc chắn, chỉ trong vòng ba ngày đầu gay cấn, nếu sự tương quan về lực lượng, nhất là trên không và trên biển, không thay đổi sâu rộng. Trong khi suy nghĩ, ông tự hỏi, sau khi quân Đồng minh đã đổ bộ được rồi, làm thế nào để phá vỡ những toan tính chiến lược của họ mà trước hết không phải gạt bỏ mệnh lệnh của Hitler liên quan đến việc cố thủ bờ biển. Căn cứ theo những lời xác nhận của Hitler, ông tin là ở khu vực Ba lê đã có một lực lượng thiết giáp khá sung mãn sẵn sàng mở những cuộc hành quân.
Ông trù liệu những gì có thể xảy đến: - địch đổ bộ ở khoảng giữa sông Seine và sông Loire; phản công; tạm rút về phòng tuyến sông Seine, nơi có thể giữ vững được, rồi tấn công ở phía nam sông Seine, tung ra những trận đánh từ phía đông và phía nam nhằm tiêu diệt lực lượng đổ bộ của địch;
- địch đổ bộ giữa sông Somme và sông Seine; phản công; vị trí cố thủ sẽ là phòng tuyến Amiens – Vernon và trên sông Oise; phản công ở khu vực giữa những con sông, điều tất nhiên sẽ đưa đến một cuộc tấn công trực diện;
- địch đổ bộ lên phía bắc sông Somme (điều này không chắc chắn lắm vì những lý do chiến lược chiến thuật và cũng vì địa thế nữa); phản công; đánh từ mạn nam sang mạn bắc.
Trong trường hợp địch đổ bộ ở phía nam sông Loire và vùng bờ biển Địa trung hải, người ta phải rút về vùng Midi của Pháp và giữ vững phòng tuyến sông Loire. Tập trung một lực lượng từ hai tới ba lộ quân với một số lượng dồi dào về thiết giáp, ở giữa khúc ngoặt của sông Loire và sông Jara, nhằm mở những cuộc hành quân chiến lược.
Nếu địch quân đồng loạt đổ bộ lên được phía nam sông Seine và dọc theo bờ biển Địa trung hải, người ta sẽ phải rút bỏ vùng Midi; như vậy sẽ phải giữ lấy phòng tuyến sông Seine – Yonne – Kinh Bourgogne và tập trung một loạt những cuộc hành quân quan trọng khu vực Troyes – Djon – Langres – Srint – Dizier.
Những trường hợp khác biệt này đã được nghiên cứu với tính cách riêng rẽ, linh động; mỗi lần nghiên cứu là một lần những lực lượng thiết giáp được đặt trong giả thuyết phối hợp với những lực lượng không quân sung mãn. Ngoài ra người ta dự trù tất cả những gì xảy đến bất thần, và nói chung, người ta lo liệu khi sẽ phải thực hiện một cuộc triệt thoái khỏi đất Pháp, Bỉ, Hòa lan, cùng với cuộc di tản chiến thuật phía sau sông Meuse, rồi phía sau bức tường thành miền Tây, hoặc vừa đánh vừa lùi, hoặc sau một cuộc đình chiến. (Những đột biến chiến lược, những cần thiết về chuyên môn, thời hạn và nhu cầu về quân số.)
Nếu, sau khi cuộc đánh chiếm của Đồng minh đã đạt thắng lợi, Hitler đã đưa ra được những quyết định chiến lược, nghĩa là quyết định bất thần di tản kịp thời khỏi vùng Midi, giữ phòng tuyến sông Seine, tổ chức một lực lượng trừ bị có tính cách chiến lược nhằm vào một cuộc phản công, có lẽ những biến cố thảm khốc của mùa hè năm 1044 đã không xảy đến quá nhanh chóng như vậy: Chính Rommel đã trình bày ý kiến của ông vào những ngày 17 và 29 tháng sáu 1914. Nhưng kết quả duy nhất về những cuộc đàm luận của ông chỉ là mệnh lệnh chính thức của Fuhrer ngày 2 tháng bảy 1944, làm nhớ lại mệnh lệnh tại Stalingrad mùa đông 1943: “Mọi mưu toan của địch toan chọc thủng phòng tuyến phải được ngăn chặn bằng một cuộc kháng cự kiên trì tại chỗ, mọi chủ trương rút ngắn phòng tuyến đều bị cấm chỉ, không có vấn đề tự do hành quân.”
Ngay trong khi chiến trận đang gay cấn, thống chế muốn áp dụng sự giải quyết của ông về sự linh động trong chiến lược, ngược lại với ý muốn của Hitler. Sự quyết định này tất nhiên là đã trễ, nhưng dầu sao nó cũng không quá muộn nếu nó còn được thực hiện trước khi quân Đồng minh chọc thủng phòng tuyến Avranches. Một cấp có quyền hành cao hơn đã không cho phép Rommel thực hiện cái quyết định cứu vãn tình thế ấy.
VẤN ĐỀ NHỮNG LỰC LƯỢNG TRỪ BỊ CHIẾN LƯỢC
Chiến lược tại mặt trận Miền Tây là đã dựa trên mệnh lệnh rõ ràng phải phòng thủ bờ biển bằng mọi giá. Về vấn đề những lực lượng trừ bị di động thì trước hết chỉ có một bộ chỉ huy tổng quát về thiết giáp và sáu sư đoàn thiết giáp là sẵn sàng sử dụng được.
Thống chế Von Rundstedt, xuất thân từ trường phái xưa cũ không hề chú ý tới những kinh nghiệm nóng bỏng ở mặt trận Miền Đông và Địa trung hải và không nhận xét được những phương thức chiến đấu của quân Anh-Mỹ. Ông đề nghị tập họp những toán trừ bị nhỏ trong vùng Nam và Đông Ba-lê để có thể ứng phó sau một cuộc đổ bộ của địch Ông tưởng như vậy là bảo vệ được sự tự do hành động của ông và có thể làm cho cái ưu thế hồi trước của Bộ chỉ huy Đức và binh lính của ông tung hoành tùy ý. Cái kế hoạch này có thể đúng, nếu Hải quân và Không quân Đức ngang sức với Hải và Không quân địch, hoặc ít ra nó đủ khà năng đương đầu với họ. Nhưng sự so sánh lực lượng đôi bên, sự yếu kém và thiếu sót của các đồn lũy phòng thủ bờ biển đã làm cho sự sửa soạn và thực hiện một cuộc hành quân như vậy trở nên cấp bách. Cho nên, cuộc chiến đấu tranh thủ thời gian này không thể thực hiện được với sự chiếm giữ mỏng manh vùng bờ biển. Cái cột trụ chính của cuộc hành quân như vậy chắc sẽ bị sụp đổ sớm.
Căn cứ theo tình thế lúc đó và dựa trên những kinh nghiệm mới xảy ra tại Ý, Rommel muốn đưa ngay sáu sư đoàn thiết giáp tới những địa điểm được coi như sẽ bị đánh chiếm. Theo ý ông thì không thể nào đẩy lui được những mũi dùi của địch mở rộng sau ra sau cuộc đổ bộ nều không có những lực lượng thiết giáp trừ bị ấy. Một hay hai sư đòan thiết giáp không đủ để dập tắt đám cháy trong tình trạng Không quân như vậy và trong sự thiếu thốn đường dây tiếp tế. Rommel cho rằng sứ mạng chiến lược ấy cần tới ít nhất là năm sư đoàn thiết giáp. Những sư đoàn này phải được chuẩn bị cho tất cả mọi kế hoạch linh động như phản công, tiêu diệt những lực lượng quan trọng của địch từ máy bay đổ xuống, chuyển vận từ phòng tuyến này tới phòng tuyến khác (ra khỏi quân khu sông Seine) và chiến đấu để bảo vệ cuộc rút quân. Trong khu vực trấn động của nó, đoàn thiết giáp này sẽ hợp lực để mở rộng khu vực phòng thủ sâu vào phía trong và thiết lập những chướng ngại vật chống máy bay.
Tất cả những sứ mạng này chỉ có thể làm tròn với từ năm đến sáu sư đoàn đủ tầm vóc, khi cuộc chiến đấu phối hộp được thành một lực lượng phòng thủ mà phần lớn là di động, không có Không quân và Hải quân yểm trợ, chống một kẻ xâm lăng hoàn toàn cơ giới hoá, sẵn có ưu thế hùng mạnh về Hải và Không quân.
Trận tấn công của địch bằng máy bay mở màn, từ tháng 4 năm 1944 và những hậu quả của nó cho thấy trước một cách chắc chắn rằng nếu sự tập trung ở quá sâu trong vùng hậu tuyến – thì dụ khu “Đại Ba lê” - thì những lực lượng trừ bị sẽ tới chiến trường bao giờ cũng quá trễ. Trong một buổi hội nghị, Thống chế tuyên bố: “Nếu những lực lượng của ta, trong giai đoạn đầu của cuộc đổ bộ, không đón đánh được địch, nó sẽ chẳng bao giờ xoay trở được nữa, bởi không quân địch quá trội… Nếu chúng ta không đạt được sứ mạng ngăn ngừa quân Đồng minh tiến theo đường biển, hoặc không đẩy lui được họ xuống biển trong 48 giờ đầu thì cuộc đánh chiếm của họ sẽ thành công; vì vắng thiếu những lực lượng trừ bị có tính cách chiến lược và trước sự nghèo thiếu hoàn toàn của Hai quân và Không quân, chúng ta sẽ thất bại.”
Kết quả của những trận đánh ở Salerne và Neltuno thực đã quá rõ ràng. Hơn nữa, những kinh nghiệm của cuộc chiến này cho thấy rằng chỉ những sư đoàn đã được chỉ định trợ chiến và đã có mặt ngay trong vùng chiến trận mới có thể thực sự tham dự tức khắc. Riêng về lực lượng mà người ta gọi là tổng trừ bị O.K.W[5] sự quyết định cho tham chiến thường quá trễ; sự quyết định cũng có một hành trình kỳ khôi không khác gì những toán quân bị liệng vào trận một cách bất ngờ và trơ trọi, theo những mệnh lệnh bất thần và ngẫu hứng của vị Tư lệnh tối cao: những toán quân thực ra đã bị hy sinh. Sau những nhận xét về chính trị, Thống chế nhận thấy cần phải có dưới quyền mình nhiều đơn vị thiết giáp vững mạnh để ứng phó với mọi bất trắc.
Đối với cá nhân Rommel, quả thực là một sự hy sinh lớn lao khi ông nghiên cứu cuộc chiến dưới hình thức chiến lược của nó, mà rồi chỉ có thể chuẩn bị nó dọc theo bờ biển với tính cách chiến thuật. Ông há chẳng đã từng đưa ra được những bằng chứng đáng cảm kích về tài chỉ huy có tính cách chiến lược đối với những đơn vị thiết giáp tối tân tại mặt trận Phi châu sao? Nhưng ông cũng hiểu rằng nếu phía sườn của quân ông bị phá vỡ ở những cứ điểm sinh tử tại mạn Bắc hay mạn Nam sông Seine, thì một cuộc hành quân nghinh địch sẽ không thể thực hiện được nữa.
Đã nhiều lần ông để nghị phải chuẩn bị sẵn sàng một lực lượng trừ bị có khả năng chiến lược – khoảng từ 6 đến 8 sư đoàn thiết giáp và 5 đến 7 sư đoàn bộ binh cơ giới. Những đơn vị này đặt dưới quyền chỉ huy duy nhất của Binh đoàn thiết giáp mặt trận Miền Tây, đóng trong khu vực Ba lê và ở mặt Đông khu vực này. Đó chính là điều Hitler đã hứa với Tham mưu trưởng Binh đoàn B ngày 1 tháng tư năm 1944. Những lực lượng này hợp thành Binh đoàn và Binh đoàn này, sau mỗi cuộc đổ bộ thành công của địch, sẽ hoạt động đúng như những điều đã nghiên cứu, sẽ chống trả kẻ địch bằng những trận bôn tập: lối đánh này giữ vững được tính chất chủ động của đoàn quân.
Ngoài ra, Rommel cổ võ sự thăm dò, vả trước tiên là sự xây dựng tuyến phòng thủ trên nội địa Pháp. Trong những nhận xét chung về chiến lược, trước hết, trong đầu óc ông, ông chú trọng đến phòng tuyến sông Seine và sông Yonne.
Sau khi đã cẩn thận xác định quan điểm giữa ông và Rommel, Thống chế Von Rundstedt chấp nhận ý kiến và đề nghị của Rommel. Những đội thiết giáp sẵn sàng ứng chiến đáng lẽ đặt trong vùng kế cận phòng tuyến, nay được đưa tới phía sau khu vực bờ biển, nơi xem ra có thể bị nguy khốn hơn cả, ở khoảng Bắc và Nam sông Seine.
Đại tướng Guderian, Tổng thanh tra các đơn vị thiết giáp, cùng với tướng Geyr von Schweppenburg tán thành giải pháp của Von Rundstedt; ông tới thăm Bộ tư lệnh của Binh đoàn vào tháng 5 năm 1944. Sau khi nghe những lời giải thích của Rommel và được thông báo rõ về những huấn lệnh chiến lược tại mặt trận Miền Tây, ông không phát biểu một sự phản đối quyết liệt nào đối với việc điều động và sử dụng những sư đoàn thiết giáp ứng chiến tức thời như đã trù liệu. Chính ông cũng muốn yêu cầu Hitler về việc gửi ngay đến một đoàn thiết giáp sung mãn có khả năng chiến lược. Nhưng tất cả mọi lời hứa của Bộ tư lệnh Tối cao quân lực vẫn ở trong tình trạng không hiệu quả. Không một lực lượng trừ bị di động và thiết giáp nào được gửi tới mặt trận Miền Tây – dù là một lực lượng thuộc bất cứ loại nào.
Những lời hứa như vậy của Hitler, chứng tỏ đó là một sự khinh suất lớn lao, vì cứ xem xét vấn đề một cách thuần túy và giản dị thì thấy rằng khó có thể trích lẩy những lực lượng khác từ mặt trận Miền Động, khi mà Hitler không thể giải quyết sự thu ngắn căn bản của chiến tuyến này. Ở Tổng hành dinh của Futhrer, sự chỉ huy dựa trên những quan điểm không phải là chiến lược mà là chiến thuật.
Sự tiến triển của những biến cố đã cho thấy Rommel hữu lý. Do bởi ưu thế Không quân và sự điều động lẹ làng những sức mạnh của phi cơ địch, không thể nào đưa được những sư đoàn thiết giáp đóng ở trung tâm nước Pháp kịp thời ra vùng bờ biển để tham chiến. Chưa ra được tới phòng tuyến Normandie, những lực lượng này đã bị đánh khập khễnh rồi.
Nếu cứ như lời Rommel đề nghị, ông đã có được lợi thế là những lực lượng thiết giáp đặt dưới quyền sử dụng của ông ở ngay sát chiến tuyến, sự tham chiến của nó trong ba ngày đầu gay cấn của cuộc đổ bộ chắc có lẽ đã tạo được một tình hình khác hẳn.
Chú thích
[1] Đọc “Rommel, con cáo già của sa mạc”. Bản dịch Người Sông Kiên và Lê Thị Duyên, Sông Kiên xuất bản.
[2] Sau khi cuộc mưu sát Hitler đã xảy ra và bị thất bại - đọc "Những trận đánh lịch sử của Hitler" - Sông Kiên xuất bản.
[3] Đọc: "Cuộc săn tìm vũ khí bí mật của Hitler" - Bản dịch Người Sông Kiên và Lê thị Duyên – Sông Kiên xuất bản.
[4] Đọc: Cuộc săn tìm vũ khí bí mật của Hitler – Bản dịch Người Sông Kiên và Lê thị Duyên – Sông Kiên xuất bản.
[5] O.K.W: Oberkommando der Wehramacht: Bộ Tổng Tư Lệnh tối cao quân lực.