Chương 2

Năm năm sau...
Sơn Tùng lịch lãm và sang trọng trong bộ veston, anh đứng ngay cửa ra vào và cười với mọi người.
Hôm nay anh khai trương công ty của chính mình. Những người đến dự đều là những khách hàng thân thiết mà anh đã mất mấy năm trời để gầy dựng nên.
Sơn Tùng hân hoan đón nhận những lời chúc tụng của quan khách, và những cái bắt tay thật chặt chẽ và thân mật.
Khách đến đã khá đông, cô nhân viên từ bên trong bước ra, lại bên cạnh Sơn Tùng, lễ phép:
– Thưa giám đốc, sắp đến giờ khai mạc, mời giám đốc vào ạ!
Mắt vẫn dõi ra đường, Sơn Tùng ôn tồn:
– Cô vào trong, bảo anh em phục vụ cho chu đáo. Tôi vào ngay.
Rồi mắt anh như sáng lên, reo lên mừng rỡ khi thấy Nam Thành và Hoài Lưu đi lại phía mình:
– Sao đến trễ vậy? Tao tưởng tụi bây không đến. - Sơn Tùng trách móc.
Trao gói quà cho bạn, NamThành điềm đạm:
– Không đến thế nào được. Chẳng qua có chút chuyện đột xuất thôi.
Hoài Lưu nhìn quanh, trầm trồ:
– Lớn ra phết! Mày thật giỏi đó!
– Mọi chuyện để lát nữa nói. Tối nay, ba đứa thức trắng đêm mà hàn huyên.
Còn giờ, tao phải vào trong đó, không mọi người chờ.
Nam Thành gật đầu:
– Mày vào đi, tao và thằng Lưu muốn tham quan công ty mày một chút.
Sơn Tùng vỗ vai hai bạn, thân mật.
– Tự nhiên nha!
Sơn Tùng bỏ đi, Nam Thành và Hoài Lưu lững thững dạo quanh như quan sát.
Hoài Lưu thấy nét mặt bạn đăm chiêu nên ngạc nhiên:
– Mày đang nghĩ gì mà suy tư vậy?
– Tao đang thắc mắc thằng Tùng lấy đâu ra số tiền lớn như vậy để lập công ty.
Vốn vô tâm, nên Hoài Lưu cười khì:
– Nghĩ làm gi cho mệt óc, chút nữa hỏi nó là biết ngay.
– Mày tin là nó chịu nói cho mày nghe à?
– Ờ nhỉ! - Hoài Lưu chắt lưỡi - Mà kệ nó, miễn nó làm ăn đàng hoàng là tốt rồi.
Sơn Tùng lại gần tươi cười:
– Vào đây cụng ly chúc mừng tao chứ!
Nâng ly rượu trên tay, cả ba chạm ly vào nhau thật kêu.
Nam Thành từ tốn:
– Tao chúc mày mã đáo thành công.
– Còn tao thì chúc mày và công ty của mày, ngày càng phát triển.
Sơn Tùng rạng rỡ:
– Tụi bây đúng là bạn tốt của tao.
Vừa cạn ly, Sơn Tùng vội nói:
– Tao lu bu quá, mong tụi bây thông cảm nha.
– Mày cứ lo làm chuyện của mày đi, không phải lo đến hai đứa tao nữa.
– Vậy tao đi nha!
Sơn Tùng bưng ly rượu đến chỗ khác. Đây chính là lúc anh củng cố lại mối quan hệ với các khách hàng.
– Xin chúc mừng cậu!
Sơn Tùng vội quay lại, anh kêu lên vẻ hân hoan:
– Ông Phú! Thật hân hạnh cho tôi quá!
Nói xong, anh nhìn vào cô gái đứng bên ông Phú và nhẹ nhàng:
– Cô gái này là ai vậy ông?
Ông Phú tươi cười:
– Con gái tôi, đang học đại học.
Sơn Tùng lịch sự:
– Chào cô! Tôi là Sơn Tùng. Hân hạnh được biết cô.
– Chào anh! Em là Hà My, anh cứ gọi bằng My được rồi. - Hà My bẽn lẽn đáp nhẹ.
– Nếu My cho phép thì tốt quá. - Sơn Tùng chìa tay ra trước.
Hà My có vẻ e lệ, cô nhìn sang ba mình rồi nhẹ nhàng bắt tay Sơn Tùng.
Anh cảm nhận bàn tay Hà My rất mềm và mát rượi.
– My dùng với anh một ly rượu chứ? – Sơn Tùng đề nghị.
Hà My cũng xao xuyến trước nét mặt điển trai và phong độ của anh. Cô khẽ chớp mắt:
– Để chúc mừng anh Tùng, My chỉ uống một ly thôi đấy.
Men rượu làm cho hai má Hà My ửng hồng, càng làm cô thêm xinh đẹp. Nét bẽn lẽn và thẹn thùng của cô khiến cho Sơn Tùng ngây ngất. Anh nhìn cô không chớp mắt, không che giấu sự ngưỡng mộ và si mê.
Hà My cũng bối rối, cô cúi đầu chớp mắt như để tránh né ánh mắt nồng nàn và cháy bỏng của anh.
Vẻ lịch lãm, phong độ, thái độ khoan thai, đĩnh đạc và ngoại hình của Sơn Tùng dường như đã khiến cho trái tim của cô bỗng rộn lên một tình cảm là lạ.
Ông Phú vô tình không để ý đến thái độ của con gái, ông hỏi thăm Sơn Tùng vài câu xã giao rồi từ biệt.
Đi theo sau ba, Hà My khẽ quay lại, cô liếc nhìn Sơn Tùng và nở một nụ cười khi thấy anh đang nhìn theo cô. Sơn Tùng gật đầu đáp lại bằng một nụ cười thật quyến rũ và một ánh mắt thật đa tình.
Tiệc vui mấy rồi cũng tàn. Quan khách lục tục ra về. Sơn Tùng ra tận cửa, anh bắt tay tiễn từng người khách với một nụ cười rạng rỡ trên môi.
Nam Thành đến bên bạn:
– Tụi tao cũng về đây.
– Không được! - Sơn Tùng giữ lại - Nhất định tụi bây phải say với tao đêm nay.
Hoài Lưu lắc đầu:
– Mày cần phải tỉnh táo để ngày mai làm việc. Đừng quên mày đã làm một giám đốc.
Sơn Tùng bỗng nhăn mặt:
– Ngày mai để mai tính! Đã lâu không gặp lại, tao có nhiều chuyện muốn nói với bây lắm.
Hoài Lưu nhìn sang Nam Thành. Bao giờ cũng thế, anh luôn nhường quyết định cho bạn.
Nam Thành gật đầu sau một lúc suy nghĩ:
– Mày đã nói vậy thì tụi tao ở lại.
– Vậy mới là bạn bè tốt chứ. Chờ tao một chút!
Sơn Tùng quay vào định bước đi thì Hoài Lưu đã hỏi ngay:
– Mày đmh đi đâu nữa?
– Tao vào dặn dò nhân viên vài điều rồi ra ngay.
Ngoài cửa có một người đi vào, nét mặt Sơn Tùng bỗng tối sầm lại, vẻ khó chịu và bực dọc khi nhận ra đó là ông Thường.
Thấy bạn đổi thái độ, Nam Thành và Hoài Lưu cùng thắc mắc. Họ như chăm chú người khách mới vào. Ông ta khoảng ngoài năm mươi, ăn mặc thật chải chuốt. Bộ quần áo chim cò trên người thật tương phản với tuổi tác của ông.
Mái tóc được chăm sóc bóng mượt, mùi nước hoa nồng nặc, và những thứ trang sức trên người ông ta như để nói lên là ông ta rất giàu.
– Anh đến đây làm gì? - Sơn Tùng lạnh nhạt.
Ông Thường như không quan tâm thái độ đó, ông cười thật tươi, nhưng lời nói thì đầy ý trách móc.
– Chú em tệ thật, khai trương công ty sao không cho ahn hay, để anh đến dự và có quà cho chú em.
– Thì anh cũng đã đến rồi đó.
Ông Thường đưa mắt nhìn chung quanh khắp một lượt, gật gù:
– Khang trang, bề thế lắm. Hèn gì mà chú em không muốn cho anh hay.
– Có gì thì anh nói đi, tôi rất bận.
– Anh có chút chuyện muốn trao đổi với chú em. Không từ chối chứ?
– Thôi được, anh vào đây.
Sơn Tùng cau mày, anh lui ra sau tránh cái quàng vai thân mật của ông Thường.
Nhìn hai bạn, Sơn Tùng ần cần:
– Tao có chút việc, sẽ ra ngay, tụi bây chờ tao một chút.
Nam Thành từ tốn:
– Nếu mày bận thì thôi. Khi khác gặp nhau cũng được mà.
Sơn Tùng vội lắc đầu, khẩn khoản:
– Đừng! Coi như tụi bây nể tao một chút, được không?
– Mày vào đi, tao chờ.
– Tụi bây hứa đấy nhá.
Nam Thành gật đầu.
Sơn Tùng quay sang ông Thường, lạnh lùng:
– Mời anh!
Sơn Tùng đưa khách vào phòng làm việc, anh nói nhanh:
– Tôi không có thời giàn. Ông muốn gì, nói đi.
– Chú em gấp gáp đến thế sao?
– Tôi có hẹn, ông cũng nghe rồi đó.
Ông Thưừng cười cười:
– Nếu vậy tôi không làm phiền chú em nữa. Nhưng ngày mai, anh cần gặp chú em. Ý chú em thế nào.
– Ở đâu?
– Chú em biết rồi, đừng hỏi kiểu này với anh.
– Được. Sau giờ làm việc, tôi sẽ đến.
– Vậy có phải dễ thương không. Anh rất thích tính tình của chú em.
Ông Thường cười cợt nhả và đưa tay lên tính vuốt má Sơn Tùng, nhưng anh đã lùi lại, mắt quắc lên:
– Đây là công ty của tôi, không phải nhà của ông.
Bị bắt bẻ, ông Thường có vẻ ngạc nhiên, ông chưng hửng một lúc rồi gằn giọng:
– Khá lắm!
Mở rộng cửa, Sơn Tùng điềm đạm:
– Chào anh!
– Đừng quên ngày mai anh chờ đó.
Ôn Thường lịch sự chào Nam Thanh và Hoài Lưu, rồi đĩnh đạc bước lên chiếc Mercedes bóng lộn.
– Tụi mình đi thôi. - Sơn Tùng vỗ vai các bạn.
– Ông ta là ai vậy mày?
– À... à... một người quen, cũng như khách hàng vậy mà.
Hoài Lưu chợt nhận xét:
– Mày có vẻ không thích ông ta.
Sơn Tùng gật đầu.
– Nhưng ông ta có vẻ thích mày lắm. - Nam Thành dò hỏi.
Sơn Tùng thản nhiên:
– Đó là quyền của ổng. Trong xã giao, mình đâu có quyền cấm cản.
Và Sơn Tùng khéo léo lái câu chuyện sang hướng khác:
– Giờ đi đâu? Ra nhà hàng hay lên phòng tao?
– Sao cũng được.
– Vậy lên phòng tao nha. Sẵn còn vài bàn, tao bảo nhân viên mang lên.
Phòng Sơn Tùng ở lầu ba của công ty, rộng rãi và được bài trí rất đẹp, toàn những vật dụng sang trọng và đắt tiền.
Cầm chai rượu trên tay, Sơn Tùng hất hàm:
– Dùng thứ này được không?
– Sao cũng được... - Hoài Lưu dễ dãi.
Cả ba người bạn ngồi quây quần bên nhau. Nam Thanh sau khi cạn ly, anh trầm tư rồi hỏi khẽ:
– Mấy năm qua, mày sống thế nào hả Tùng.
– Tao vẫn sống khỏe và như tụi bây đã thấy.
Nam Thành khẽ nhăn mặt, trán cau lại:
– Tụi tao muốn biết rõ hơn, mày không ngại chứ?
– Chuyện này hãy thông cảm cho tao, tao chưa thể nói ra được.
– Vậy mày không còn coi tụi tao là bạn nữa sao?
Sơn Tùng trầm giọng:
– Trong suy nghĩ của tao, lúc nào tao cũng nhớ đến hai thằng mày. Tụi mày là những người bạn tốt nhất của tao.
Đã nói ra được như vậy, tại sao mày còn muốn giấu tụi tao?
Sơn Tùng nhăn nhó, anh định nói điều gì nhưng Nam Thành đã tay ra dấu cản lại và tiếp tục:
– Là bạn thân, tụi tao mới quan tâm như vậy.
Sơn Tùng gật đầu:
– Tao biết tụi bây chỉ vì lo cho tao. Nhưng yên trí đi, thằng Tùng này không làm gì dại dột và bậy bạ đâu.
Hoài Lưu khẽ lên tiếng hỏi Nam Thành:
– Nếu nó cảm thấy không nói ra được thì mày đừng khó khăn nữa. Mỗi người đều đã lớn, ai cũng có suy nghĩ và ý thức về việc làm của chính mình.
Nam Thành thoáng ngạc nhiên khi nghe Hoài Lưu nói vậy. Và anh chợt hiểu.
Thời gian trôi nhanh quá, bọn họ cũng đã xấp xỉ ba mươi, không còn là những thanh niên hiếu thắng và bồng bột nữa.
Nghĩ vậy, nên anh gật đầu:
– Mày đã nói vậy thì thôi. Tao không hỏi nữa.
Sơn Tùng dè dặt:
– Mày giận tao đấy à?
– Sao phải giận? - Nam Thành cười nhẹ - Thằng Lưu nói đúng! Tụi mình đều lớn cả rồi.
Hoài Lưu nâng ly:
– Cạn ly! Rồi nói chuyện khác đi.
Sơn Tùng là người cạn ly đầu tiên, anh đặt ly xuống bàn, ân cần gắp thức ăn cho các bạn và hỏi thăm:
– Cuộc sống tụi bây thế nào, có khá hơn không?
Bỏ miếng thịt gà vào miệng, Hoài Lưu ngồm ngoàm đáp:
– Tao thì vẫn giậm chân tại chỗ, chỉ có thằng Thành được lên làm tổ trưởng thay cho cha Hạnh.
– Vậy là tụi bây vẫn làm chỗ cũ à?
Nam Thành gật đầu không đáp.
– Thế còn lương bổng ra sao? Đã tăng chưa hay vẫn ''vũ như cẩn''?
Hoài Lưu nhanh nhảu:
– Có chứ. Nói chung là cũng dễ thở hơn.
Sơn Tùng chợt trầm giọng:
– Tao có một đề nghị này, tụi bây nghe thử có được không?
Hoài Lưu nhăn mặt, làu bàu:
– Nói gì thì nói đi, mày bày đặt khách sáo làm gì.
Sơn Tùng chưa kịp nói thì Nam Thành đã chậm rãi:
– Mày định kêu tụi tao về làm với mày?
Sơn Tùng gật đầu:
– Phải. Ý tụi bây thế nào?
– Nhưng tụi tao sẽ làm gì?
Vỗ vai bạn, Sơn Tùng thân mật:
– Tất nhiên tao phải sắp xếp cho tụi bây, một một chỗ ngon lành rồi.
Hoài Lưu có vẻ háo hức lắm nên hỏi ngay:
– Cụ thể là gì?
– Tao cần một trưởng phòng kinh doanh và một về kỹ thuật.
– Thằng Thành đã tốt nghiệp như vậy thì làm được, còn tao, mày biết rồi đó.
– Hoài Lưu thở dài – Chỉ hết lớp mười hai, biết gì mà làm.
– Sao lại không? Mày cũng đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lãnh vực máy vi tính rồi, lo gì?
– Kinh nghiệm thì tao có thừa, nhưng tao sợ....
– Không có gì phải sợ. Công ty này của tao, mọi quyết định là do tao.
Thấy Nam Thành vẫn lặng yên, Sơn Tùng quay sang hỏi nhỏ:
– Mày không có hứng thú sao?
– Tao cũng nghĩ như thằng Lưu, sợ không đủ khả năng để đảm đương công việc.
– Nói vậy là mày từ chối?
Nam Thành nhẹ nhàng:
– Mày phải cho tao thời gian đã chứ, đột xuất thế này sao tao kịp tính toán.
Mặt Sơn Tùng thoáng buồn, anh gật đầu, giọng chùng xuống:
– Tùy tụi mày, tao không ép buộc.
Vừa rót rượu vào ly, Sơn Tùng vừa nói:
– Khi tao có ý định mở công ty, tao đã nghĩ đến chuyện kéo hai thằng bây về làm với tao, anh em sướng khổ có nhau.
Giọng Sơn Tùng rất chân thật, anh nói bằng cả tấm lòng của mình, làm cho Nam Thành và Hoài Lưu cảm động nhìn bạn.
Sơn Tùng vẫn đều đều như kể lể:
– Bao năm vừa qua, tao làm gì, cũng chỉ một mục đích là thoát khỏi cảnh làm thuê. Phải giàu thì mới được nể trọng.
– Và mày đã toại nguyện.
– Phải. Tao đã được như ngày nay, tao cũng muốn tụi bây như tao. Ba thằng mình, có phúc cùng hưởng, có họa cùng chia. Vậy mà tụi bây từ chối, tao buồn lắm.
Hoài Lưu nhìn bạn có vẻ áy náy lắm.
Nam Thành đặt tay lên vai Sơn Tùng, giọng cảm động:
– Lòng tốt của mày, tao và thằng Lưu đã biết. Tụi tao...
Sơn Tùng nhẹ nhàng gỡ taybạn ra, anh trầm giọng:
– Mày không cần nói nữa. Tao hiểu rồi. Mày vẫn chưa tin tao phải không?
Bị Sơn Tùng nói rõ ý nghĩ của mình, Nam Thành hơi ngập ngừng có vẻ bối rối. Hoài Lưu khéo léo chen vào:
– Chuyện này để bàn sau, lâu ngày gặp lại, cứ vui vẻ đi!
Không khí như lắng xuống, sự ngượng ngùng xuất hiện ở Nam Thành và Sơn Tùng.
Hoài Lưu lại lên tiếng:
– Vậy mày có gặp lại Quỳnh Chi không?
Sơn Tùng trầm giọng:
– Không. Giữa tao và Chi đã chấm dứt. Chi đã lấy chồng, tao không muốn gặp lại làm gì cho vướng bận.
– Mày không còn yêu Chi?
– Phải. Khi không đến được với nhau, cách hay nhất là cắt đứt để khỏi khổ cho nhau. Giọng Sơn Tùng bỗng lạnh đanh và khô khốc.
Nam Thành ngạc nhiên nhìn Sơn Tùng, anh biết bạn mình nói thật. Nhìn vẻ mặt lạnh lùng của Sơn Tùng, anh chợt thấy sợ và cảm nhận ra một điều. Đó là Sơn Tùng đã thay đổi rất nhiều. Bạn anh không còn là thằng Tùng của năm năm về trước nữa.
Hoài Lưu vẫn vô tư, gật đầu đồng ý:
– Mày dứt khoát thế là hay lắm.
Nam Thành nhìn bạn khẽ khàng:
– Mày đã về quê chưa?
– Rồi. Tháng trước tao có về thăm nhà, thấy mẹ tao vẫn khỏe, tao mừng lắm.
Rồi cả ba bỗng quay về với kỷ niệm, về những tháng ngày họ còn thơ ấu và hồn nhiên nơi quê nhà.
Chai rượu đã cạn, đồng hồ cũng chỉ vào con số hai.
Hoài Lưu đã lăn ra mà ngủ từ bao giờ, Nam Thành cũng kêu mệt và đòi đi ngủ.
Sơn Tùng gật đầu, anh lẳng lặng dọn dẹp, lúc quay vào thì cả hai đã ngủ say.
Trở ra phòng khách, Sơn Tùng châm điếu thuốc và rót cho mình một ly rượu.
Sơn Tùng đang nghĩ về ngày mai. Anh biết cuộc sống mới của anh sẽ không phẳng lặng nữa.
''Thương trường là chiến trường", Sơn Tùng vẫn biết vậy và anh sẵn sàng đương đầu cùng với những thử thách.
Điều mà Sơn Tùng buồn nhất chính là sự từ chối của hai người bạn mà anh luôn coi như anh em.
Sự từ chối của Nam Thanh đã làm cho Sơn Tùng hụt hẫng, và chưa bao giờ anh cảm thấy cô đơn như lúc này.
Sơn Tùng ngừng xe trước ngôi biệt thự sang trọng của ông Thường. Anh đẩy cửa bước vào. Những người làm cho ông Thường gặp anh đều cúi chào rất lễ phép.
Họ đâu còn xa lạ gì anh, vì Sơn Tùng đã ở đây suốt năm năm. Có thể nói sau ông Thường thì đến anh.
Vừa bước vào nhà, Sơn Tùng đã thấy chị bếp tươi cười:
– Cậu Tùng mới về à?
– Ông Thường đâu chị Son?
– Dạ, ông chủ đang chờ cậu trên phòng.
– Chị lên báo với ông, có tôi đến.
Chị Son thoáng ngạc nhiên và thắc mắc:
– Sao cậu không lên đó luôn?
– Thôi được, để tôi lên.
Sơn Tùng đi được vài bước anh chợt nhớ ra và quay lại:
– Chị Son! Tôi dặn điều này!
– Dạ, có gì không cậu?
– Tôi không còn ở đây nữa. Lần sau, chị đừng nói là tôi về, mà phải nói là tôi mới đến. Chị nhớ chưa?
Không chờ cho chị Son trả lời, Sơn Tùng bước nhanh lên lầu một và thẳng lên lầu hai, vì anh thừa biết ông Thường đang đợi anh ở đâu.
Đứng trước căn phòng đóng cửa, Sơn Tùng đưa tay gõ vào như báo hiệu:
– Ai đó? - Tiếng ông Thường vọng ra.
Sơn Tùng trầm giọng:
– Là tôi đây.
– Tùng hả? Vào đi cưng!
Tiếng ông Thường nghe thật nhão làm Sơn Tùng cau mặt.
Đẩy cửa phòng, anh không bước vào mà đứng ngoài nói vọng vào:
– Tôi chờ ngoài này, ông muốn nói gì thì ra đây.
Nói xong, anh quay lưng ra ngoài phòng khách ngồi chờ.
Vài phút sau, ông Thường ra đến. Nhìn ông ta, Sơn Tùng cau mày:
– Tôi không có thời gian, ông nói mau lên đi!
Ngồi vào ghế, ông Thường cười nhẹ, giọng như bỡn cợt pha chút châm biếm:
– Anh quên lúc này cưng là giám đốc rồi, đâu còn rảnh như trước.
Sơn Tùng lạnh lùng:
– Có gì ông nói ngay đi!
– Cưng định bỏ anh thật sao?
– Tôi đã nói với ông rất rõ ràng, giữa chúng ta không còn gì liên hệ cả. Từ nay, đường ai nấy đi.
Ông Thường nhìn Sơn Tùng, cái nhìn thật lạ bằng ánh mắt chỉ để cho hai người yêu nhau, nhẹ nhàng và sâu lắng.
– Cưng đã suy nghĩ chưa?
– Ông đừng hỏi tôi câu này, được không? Tôi không muốn nói lại nhiều lần.
– Cưng tự cho mình đã đủ lông đủ cánh để bay nhảy mà không cần anh sao?
Sơn Tùng gật đầu, bình thản:
– Tôi không làmviệc gì mà không nắm chắc phần thắng.
– Kể cả với anh sao cưng?
– Chuyện này tùy ông.
Ông Thường cười mơn trớn:
– Cưng gọi anh bằng ông, nghe xa lạ vậy. Chẳng lẽ cưng đã quên...
Sơn Tùng quắc mắt, cắt ngang:
– Tôi đến đây không phải để nghe những chuyện này.
Thái độ của Sơn Tùng làm ông Thường im bặt. Ông ta có vẻ quê và sượng.
Rồi ông bỗng giận dữ, gằn giọng:
– Hay lắm! Cưng dám la cả với anh à?
Không thèm để ý, Sơn Tùng đứng dậy, anh bình thản:
– Nếu không có gì thì tôi về đây.
– Khoan đã! Cưng không thể ra về dễ dàng vậy đâu!
– Ông định làm gì tôi?
– Bao lâu nay, cưng lừa gạt anh, để ngày hôm nay cưng trở mặt với anh à.
Ngồi xuống ghế, Sơn Tùng khoanh tay, cao giọng:
– Tôi lừa gì ở ông?
– Khi cưng đến với anh, cưng có những gì? Còn bây giờ, những thứ mà cưng đang có, nó ở đâu ra?
Sơn Tùng nhếch mép, cay đắng:
– Ông định kể với tôi đấy à?
– Anh không kể mà chỉ nhắc cho cưng nhớ, tất cả những thứ đó là ở anh, của anh mà ra.
– Vậy là ông đã quên những gì ta thỏa thuận ban đầu sao? Thuận mua vừa bán. Ông nói vậy là lật lọng rồi.
Rút một điếu thuốc ngậm lên môi, Sơn Tùng không thấy ông ta nói năng gì, nên anh lại chậm rãi và chua chát:
– Khi tôi ra khỏi đây, nhưng gì ông mua cho tôi tôi đều để lại, từ chiếc xe đến cái điện thoại. Tôi chỉ ra đi với con người của tôi khi tôi đến đây.
– Còn những thứ tôi đang có là một sự đổi chác. Tôi phải đánh đổi cả năm năm bên ông, không dám tiêu xài một đồng bạc nào mà ông trả cho tôi hàng tháng. Tất cả là của tôi chứ không phải của ông, ông hiểu chưa?
Ông Thường nhẹ giọng:
– Mọi chuyện vẫn tốt đẹp, tại sao cưng lại bỏ đi?
Sơn Tùng nhếch mép giọng khinh bạc:
– Tôi không thể tiếp tục nữa. Nguyện vọng và mục đích của tôi đã thành công. Tôi không thể bán mình mãi được.
– Nếu cưng đồng ý chúng ta vẫn vui vẻ bên nhau, anh sẽ giúp đỡ cưng. Còn đây là món quà anh tặng cho cưng.
Ông Thường đặt lên bàn một chiếc chìa khóa xe và cao giọng:
– Chiếc Toyota ngoài sân sẽ là của cưng nếu cưng đồng ý.
Sơn Tùng lắc đầu:
– Cám ơn ông. Tôi không cần đâu. Sau này, ông đừng tìm tôi nữa.
Dụi điếu thuốc vào gạt tàn, Sơn Tùng hạ giọng:
– Tôi cũng đã gần ba mươi, không còn trẻ trung gì nữa.
– Nhưng cưng vẫn rất hấp dẫn với anh.
Sơn Tùng thấy gai cả người anh nói rất thật:
– Tôi đang ghê sợ chính mình. Ông hãy quên tôi đi, tôi không thể sống thế này mãi được. Chào ông!
Mặt ông Thường sầm lại, giọng hầm hừ:
– Rượu mời cưng không uống, lại muốn uống rượu phạt. Cưng đừng trách anh vô tình.
Sơn Tùng cũng không vừa, anh long mắt:
– Ông định giở trò gì với tôi?
Cưng lập được công ty, nhưng liệu cưng có đủ sức giữ nó không?
– Tôi cảnh cáo ông, nếu ông làm bất cứ điều gì với tôi, tôi sẽ không tha thứ cho ông đâu.
Ông Thường cười lên sằng sặc và ngửa mặt:
– Chưa có ai dám hù dọa anh, chỉ có cưng là người đầu tiên.
Sơn Tùng cười nhạt:
– Ông đánh giá tôi thấp quá đấy. "Chơi dao cũng có ngày đứt tay", nên tôi đã chuẩn bị sẵn rồi.
Vứt xuống bàn một phong bì, Sơn Tùng gằn giọng:
– Ông coi đi!
Ông Thường đưa tay nhặt lên và mở ra. Vừa nhìn thấy bên trong, ông tái mặt ngước nhìn Sơn Tùng.
Sơn Tùng chậm rãi và ôn tồn:
– Với những tấm hình này, tôi có thể tống tiền ông vài trăm triệu dễ như bỡn.
Nhưng tôi thông cảm cho ông và nghĩ tình ông đã tốt với tôi, nên tôi chỉ giữ lại để phòng thân.
– Cưng... dám làm vậy à?
– Sao lại không? Tôi đã biết trước sẽ có ngày này mà.
– Khốn nạn...
– Đây chỉ là dạo đầu. Tôi còn nhiều cảnh khác hấp dẫn hơn, có cả phim nữa.
Tất cả đều nhờ vào cái điện thoại mà ông cho tôi đấy.
Ông Thường như chết lặng trên ghế, mồ hôi ướt đầy trên trán, gương mặt tái nhợt vì giận dữ và lo lắng.
Sơn Tùng vẫn điềm nhiên:
– Nếu tôi tung tất cả những thứ đó lên mạng, ông nghĩ sao? Tôi e là cái danh tiếng Lý Khắc Thường của ông sẽ tan theo mây khói.
Ông Thường nhìn trừng trừng vào Sơn Tùng, một lúc lâu sau ông mới lắp bắp:
– Cậu muốn gì?
Khẽ nhún vai, Sơn Tùng lắc đầu:
– Rất đơn giản. Giữa tôi và ông không còn gì ràng buộc. Tôi sẽ giữ kín danh dự và uy tín cho ông. Ngược lại, ông cũng biết mình phải làm gì rồi chứ.
Nhìn gương mặt thảm hại của ông Thường, Sơn Tùng đến bên ông, vỗ nhẹ vào vai:
– Tạm biệt ông! Tôi về đây.
Sơn Tùng bỏ đi, sau lưng anh vang lên những âm thanh loảng xoảng. Biết ông ta đang đập phá đồ đạc để xả cơn giận, Sơn Tùng chỉ mỉm cười một mình rồi thản nhiên xuống lầu.
Chị Son chờ Sơn Tùng ngay cầu thang, nét mặt lo lắng:
– Có chuyện gì vậy cậu Tùng?
– Kệ ổng! Chút nữa chị lên dọn dẹp là xong. Tôi về đây.
Rời ngôi biệt thự, Sơn Tùng ghé vào một quán nước, kêu một ly cà phê đá, Sơn Tùng châm thuốc, nét mặt sảng khoái và tự tin. Đã gạt được ông Thường ra khỏi cuộc sống của mình, Sơn Tùng cảm thấy thoải mái lắm. Anh sẽ bắt đầu từ đây. Anh sẽ sống bằng chính mình.
Sơn Tùng nghĩ đến một cuộc sống sau này, anh sẽ lập gia đình và sống theo bản năng của một thằng đàn ông đúng nghĩa.
Nhớ lại năm năm đã qua, Sơn Tùng không ân hận hay nuối tiếc. Chuyện anh làm, không một ai hay biết, tất cả đều là bí mật. Nở một nụ cười trên môi, nụ cười đó mang một sự thỏa mãn nhưng vẫn có chút gì cay đắng.
Sơn Tùng ghé vào một siêu thị, anh muốn mua những thứ mà mẹ anh ưa thích để mang về quê.
Đang loay hoay chọn lựa, Sơn Tùng chợt nhìn thấy Hà My đang đứng gần đó. Cô không thấy anh Sơn Tùng bỏ tất cả lại đó, anh đến bên cô và tươi cười:
– Chào My! Đang kiếm gì vậy?
Hà My nhìn lên, giọng cô như reo lên:
– Anh Tùng! Anh đi đâu mà vào đây?
Không hiểu sao, Sơn Tùng lại nói dối cô một cách tự nhiên như thật.
– Anh chỉ đi dạo thôi, không có ý định mua gì cả. Còn My?
– Em mua mấy thứ lặt vặt của con gái đó mà.
– Thế My đã tìm được chưa, để anh tìm phụ cho mau.
Hà My tươi cười:
– Đủ rồi anh ạ.
Sơn Tùng theo cô ra quầy thu ngân, anh nhanh nhẹn móc tiền ra thanh toán cho cô rồi nhẹ giọng:
– My có rảnh không?
– Có gì không anh?
– Anh muốn mời My đi uống nước. My nhận lời chứ?
Hà My ngước lên, Sơn Tùng đang nhìn cô, ánh mắt của anh làm cô không nỡ từ chối:
– Dạ được, nhưng đừng lâu quá.
– Được My nhận lời, anh rất vui. Mình đi nha em.
Hà My bỗng ngần ngại:
– Nhưng em đi bằng xe máy.
Sơn Tùng cười thật tươi:
– Có sao đâu... à, anh hiểu rồi, anh cũng đi xe máy.
Hà My có vẻ ngạc nhiên, nhưng cô không hỏi gì mà lẳng lặng sánh vai cùng Sơn Tùng ra cửa.
Sơn Tùng đưa cô tới một quán cà phê sang trọng. Sau khi đã ngồi vào ghế, Sơn Tùng nhẹ giọng:
– My dùng gì?
Giọng nói của anh thật ấm và truyền cảm khiến cho Hà My bồi hồi và xao xuyến.
Khẽ chớp mắt, Hà My đáp thật nhỏ:
– Anh cho em ly sữa chanh.
Sơn Tùng vẫy người phục vụ lại gần, dõng dạc:
– Một Whisky, một sữa chanh.
Sơn Tùng đỡ lấy ly sữa, anh ân cần vắt chanh rồi khuấy đều lên, sau đó mới trao cho Hà My.
– My dùng xem vừa chưa?
Những cử chỉ của anh làm cho một cô gái như Hà My không thể tránh khỏi những rung động trong lòng.
Do vậy, cô bối rối và e thẹn, hai má đỏ ửng và lí nhí:
– Cám ơn anh.
Tất cả đều không qua được mắt Sơn Tùng, anh tin chắc Hà My đang dành cho mình ít nhiều thiện cảm.
Nhấp một hớp rượu, Sơn Tùng ôn tồn:
– Bác trai có bảo My đang học đại học?
– Dạ, năm nay là năm cuối của My.
– My học ngành nào?
Hà My có vẻ bạo dạn hơn, cô nhìn anh và cười tươi:
– My học ngành Quản trị kinh doanh.
Nheo mắt, Sơn Tùng gật gù:
– My có ý định nối nghiệp ba mình sao?
– Dạ, kinh doanh là đam mê của My từ hồi bé đó, anh Tùng.
– Vậy à! Sơn Tùng tỏ ra thích thú.
Hà My gật đầu, hồn nhiên khoe:
– Từ hồi còn đi học cấp III, My đã biết kinh doanh rồi đấy.
Chống hai tay lên bàn, Sơn Tùng hơi chồm về phía trước, giọng háo hức:
– My đã làm gì, kể cho anh nghe được không?
Hà My lắc đầu:
– Chỉ là những chuyện trẻ con thơi mà, có gì đáng kể đâu anh.
– Nhưng anh rất thích nghe, My kể đi.
Sơn Tùng nằn nì.
Đôi mắt anh nhìn cô tha thiết quá, khiến Hà My xiêu lòng:
– Anh biết My làm gì không? Nhưng My kể xong, anh đừng cười nha.
– Sao anh lại cười chứ.
– Những ngày lễ tết, My mang nhưng mặt hàng thủ công, hoa tươi và thiệp chẳng hạn, vào lớp bán cho bạn bè. Vui lắm anh à!
– My tự làm lấy à?
– Không, My ra cửa hàng mua lại, chọn những mặt hàng độcđáo, ấn tượng rồi đem bán lấy lời. Giờ nghĩ lại, My thấy trẻ con quá.
Sơn Tùng nghiêm giọng:
– Sao lại gọi là trẻ con. Có thể coi đó là những bài học đầu đời của My chứ.
Phải có nhỏ, mới có những cái lớn hơn sau này được.
– Anh nói hệt như ba My vậy.
Sơn Tùng mỉm cười:
– Bác trai cũng bảo vậy à?
– Dạ. Ba My thì tán thành, thậm chí còn khuyến khích nữa, nhưng mẹ My thì ngược lại cứ cằn nhằn suốt.
– Tại sao vậy My?
Hà My mỉm cười:
– Mẹ My bảo học hành không chịu lo. Làm thế, thiên hạ tưởng đâu gia đình bỏ bê My, để My phải thiếu thốn hay sao?
– Thế còn My? My nghĩ gì?
– My không sợ vì đã có ba My đỡ sau lưng mà. Anh Tùng có biết cảm giác của My sau mỗi lần bán hàng thế nào không?
– Anh không biết, My nói anh nghe đi.
Hà My hồ hởi:
– Mỗi lần bán hết hàng, cầm số tiền lời nhỏ nhoi trong tay, My có một cảm giác lâng lâng lạ lắm.
– Và lúc đó My nghĩ gì?
– Không thể nói được, chỉ biết là rất thích thú.
– Thế có bao giờ My bị lỗ chưa?
– Có chứ anh.
– Những lúc đó, My thấy sao?
Hà My chớp mắt:
– Buồn không tả xiết. Nhưng cũng từ đó, My mới hiểu muốn làm ăn phải có những hiểu biết và nhạy bén với thị hiếu khách hàng.
Sơn Tùng thoáng sửng sốt, anh không ngờ một cô gái xinh đẹp và có vẻ yếu đuối như Hà My lại có những nhận xét và suy nghĩ xác đáng như vậy.
Hà My vẫn say sưa:
– Từ đó, My rất thích theo ba đến công ty. Lâu ngày, My thấy đam mê và quyết tâm theo đuổi nó.
Sơn Tùng lặng thinh nghe cô nói. Đúng ra là anh đang ngắm cô. Một gương mặt trái xoan thật đẹp chiếc mũi dọc dừa, mắt bồ cầu, môi trái tim, và nhất là nét hồn nhiên, thơ ngây nơi cô thật thu hút mọi người.
Hà My bỗng ngừng nói, cô thấy Sơn Tùng đang nhìn mình chăm chú. Cô ngạc nhiên lắm.
– Anh Tùng! Sao anh không nói mà nhìn My hoài vậy?
Sơn Tùng mỉm cười, ấm áp:
– Vì My đẹp lắm. Anh thích nhìn My những lúc thế này. Hồn nhiên, ngây thơ.
Hà My đỏ mặt trước những lời của Sơn Tùng, cô đan các ngón tay vào nhau thẹn thùng:
– My mà đẹp gì hả anh?
– Anh nói thật đấy, My đẹp lắm!
Sơn Tùng đưa tay về trước, anh khẽ nắm tay cô.
Hà My vẫn yên lặng, cô khẽ cắn môi để che giấu sự thẹn thùng.
Một lúc sau, cô rút tay về, nhẹ nhàng:
– Đến giờ My phải về rồi.
– Anh đưa My về, My không ngại chứ?
– Có gì mà ngại, My chỉ sợ anh Tùng bận rộn với công việc thôi.
– Anh đang rảnh, mà có bận gì, anh cũng gác lại, để đưa My về.
Sơn Tùng đưa cô về đến nhà. Hà My nhìn anh:
– Anh Tùng vào nhà chơi.
– Không cần đâu, My vào đi, anh về đây.
– Dạ, cám ơn anh Tùng nhiều lắm.
– Đừng khách sáo, hẹn gặp lại My!
Tuy đã nói lời tạm biệt, nhưng Sơn Tùng vẫn chờ cho Hà My vào nhà, anh mới lái xe đi.
Về đến công ty, Sơn Tùng ngạc nhiên:
– Xe của ai vậy Tính?
Người bảo vệ vội vã trao cho anh chùm chìa khóa, đáp vội:
– Dạ, có một người đàn ông lái đến và nói là của anh ạ.
– Ông ta có nói tên gì không?
– Dạ không, nhưng có gởi cho anh một lá thư ạ.
Cầm lá thư, Sơn Tùng cau mày khi nhận ra nét chữ của ông Thường.
Không buồn mở ra xem, Sơn Tùng nhét lá thư vào túi áo, cầm chìa khóa và mở cửa xe ngồi vào.
Lái xe ra khỏi công ty, Sơn Tùng đến thẳng ngôi biệt thự của ông Thường.
Ngồi trongxe, Sơn Tùng nhấn kèn inh ỏi.
Người làm vườn nhận ra anh, vội vàng chạy ra mở cửa.
Dừng xe ngay giữa sân, Sơn Tùng bước xuống, anh đóng mạnh cửa xe một cái "rầm'', và xẵng giọng:
– Ông Thường đâu?
– Dạ, ông chủ trên lầu ạ.
Sơn Tùng bước thẳng lên lầu hai với dáng điệu bực dọc.
Ông Thường đang ngồi trên ghế. Vừa thấy ông, Sơn Tùng ném mạnh xâu chìa khóa xuống mặt bàn, gằn giọng:
– Tôi đã nói không nhận, ông còn mang đến làm gì?
– Kìa cưng! Chút quà của anh mừng cưng khai trương công ty, cưng nỡ từ chối sao?
– Thịnh tình của ông, tôi rất cám ơn. Nhưng tôi không thể nhận được.
– Tại sao vậy cưng?
Nhìn vào mặt ông Thường, Sơn Tùng trầm giọng:
– Ông Thường! Tôi đã nói rất rõ ràng, quan hệ giữa ông và tôi chỉ là một sự đổi chác, giờ thì chấm dứt, ông đừng làm phiền tôi nữa.
Ông Thường chồm lên, níu tay Sơn Tùng van nài:
– Anh xin cưng, đừng bỏ anh, cưng muốn gì, anh cũng sẵn sàng.
Hất mạnh tay ông ra, Sơn Tùng điềm đạm:
– Những gì tôi muốn đều có được rồi. Tôi không cần gì cả.
– Anh xin hứa sẽ giúp đỡ và đưa công ty cưng lên thành một công ty tầm cỡ.
Cưng thấy sao?
Sơn Tùng cười nhạt:
– Cám ơn ông. Nhưng tự tôi cũng có thể làm được, không cần đến ông.
– Vậy cưng muốn gì?
– Tôi không cần gì ở ông cả, cái tôi cần là ông hãy quên tôi đi, đừng tìm kiếm tôi nữa.
– Cưng có thấy tàn nhẫn với anh không?
– Không. Năm năm qua ở bên ông, tôi đã đánh mất chính mình. Bây giờ tôi phải sống cho mình.
– Tôi không thể sống như ông mãi được. Tôi còn phải lấy vợ, lập gia đình như bao thằng đàn ông khác. Ông hiểu chưa?
Ra đến cửa, Sơn Tùng quay lại, anh quắc mắt, chỉ tay vào mặt ông Thường, gằn giọng:
– Tôi nhắc ông một lần chót, đừng quấy rầy tôi nữa. Còn nếu ông thích tôi tung hê tất cả lên mạng thì cứ đến tìm tôi. Chào ông!
Sơn Tùng đi rồi, mà ông Thường vẫn còn gục đầu đau khổ. Ông đang trách mình hay trách tạo hóa trớ trêu và bất công với ông.
Ngước đầu lên, mắt ông nhìn vào tấm chân dung của Sơn Tùng đang treo trước mặt.
Gương mặt điển trai và nụ cười của anh thật đẹp, một nỗi đam mê rạo rực lại cuộn dâng trong ông.
Ông Thường nghiến răng. Không, ta không thể mất hắn được. Rồi đây hắn phải quỳ lụy van xin ta.
Ngửa mặt lên trần nhà, ông đã tìm được cách để khuất phục Sơn Tùng