LỜI TỰA

MỤC LỤC
NĂM 2007
LỜI TỰA
Truyện ngắn Trần Đại Nhật là sự khai phá mảng đề tài con lai Hàn Quốc ở Việt Nam sau chiến tranh. Mảng đề tài này từ trước đến nay hình như chưa có một ai đụng đến, vì nó thuộc vần đề nhạy cảm của xã hội: Những hậu quả của chiến tranh.
Sau chiến tranh Việt Nam, những hậu quả của nó để lại vô cùng đau thương và tàn khốc. Những mất mát, đổ vỡ, chia ly… còn ghi đậm dấu ấn trong tâm khảm của nhiều thân phận con người, của những bên đã từng tham dự cuộc chiến, nhưng đặc biệt là của những bà mẹ, những người còn lai Hàn Quốc, mà cho đến nay số phận của họ không được ai ngó ngàng đến. Họ gần như bị cả hai bên tham chiến bỏ rơi trong xã hội.
Trong hầu hết các truyện ngắn của mình, Trần Đại Nhật đã đi sâu vào đời sống khốn khổ của những bà mẹ đã từng là nạn nhân của những vụ hiếp dâm do lính Nam Triều tiên đi hành quân gây ra; những người con lai và con cháu của họ tiếp tục là nạn nhân của những kẻ có tiền núp bóng dưới nhiều danh nghĩa khác nhau để lường gạt tình cảm và thân xác họ.
Cuộc sống của những người con lai Hàn Quốc và gia đình họ đã được Trần Đại Nhật thâm nhập, hoá thân và thể hiện dưới nhiều góc độ, khía cạnh khác nhau, nhưng hầu như trong mỗi truyện đều toát ra cái nhìn nhân bản của tác giả. Trần Đại Nhật có khi thương yêu, có khi cực đoan phê phán những tiêu cực trong xã hội mà anh đang sống, nhưng bao giờ, tác giả cũng đứng về phía những người nghèo khổ để nói lên thân phận bần cùng, bị chà đạp, nói lên tiếng lòng và những mơ ước của những người con lai Hàn Quốc là được bảo lãnh về cố hương để xây dựng lại Quê hương với đúng nghĩa con người.
Nhà văn, như Albert Camus nói, là “kẻ đứng về phía những con người bị trị chứ không phải những kẻ thống trị”, tôi nghĩ, Trần Đại Nhật, một ngòi bút dám đấu tranh, bênh vực cho thân phận của những người con lai Hàn Quốc bị bỏ rơi sau chiến tranh Việt Nam, đang sống tận đáy xã hội, là một tác giả đã thể hiện đúng chức năng của một nhà văn trong bối cảnh xã hội đang đổi mới hiện nay.
Đây là một thái độ can đảm, tuy sẽ đương đầu với nhiều thử thách.
HỒ NGẠC NGỮ
01.07.2007
Đọc NHỮNG MẢNH ĐỜI LUÂN LẠC
Ai luân-lạc? Trần Đại Nhật luân lạc. Anh đã luân lạc trong truyện ngắn của Anh. Không những Anh luân lạc mà hiện nay xã hội cũng luân lạc, mọi từng lớp đều luân lạc.
Những mảnh đời luân lạc không riêng ai. Trần Đại Nhật đã cho ta thấy một hiện trạng rõ rệt, một tác phẩm từ phần đầu đến phần cuối là một bức tranh đủ màu sắc bi thương từng chi tiết một-người mất cảm thị cũng nghe được tiếng lòng của mình.
Trần Đại Nhật khá thành công trong thể loại truyện ngắn, văn anh mang phong cách riêng dùng biểu cảm mà nhận xét diễn đạt để người xem phải ray rứt trầm ngâm về thân phận “Những mảnh đời luân lạc”- thật khó nói, khi tôi cầm bút viết cho tác phẩm “Những mảnh đời luân lạc” của Trần Đại nhật thì té ra tôi đã luân lạc từ lâu rồi. Điều ấy nói lên sự tinh tế của Trần Đại Nhật.
Tôi chưa hề chán luân lạc, bởi có luân lạc mới hiểu luân lạc xã hội thương đau, luân lạc hiện hình tất yếu.
Trần Đại Nhật cho chúng ta nhìn những luân lạc hiện đại của thế kỷ không ởm ờ-súc nghiệt-dã man bày ra nhan nhản giữa một thời đại văn minh ruồi bu. Một giai đoạn thời đại văn minh bằng khẩu hiệu đầy ngõ, đầy đường, từ ngóc ngách hẻm sâu kéo dài ra từng khoảng trống mênh mông.
Nói sao cho hết, chỉ phải đọc và đọc ‘Những mảnh đời luân lạc” để hiểu thêm luân lạc – “có luân lạc mới biết đời luân lạc”.
Cảm ơn nhà văn Trần Đại Nhật đã dày công ghi lại những gì mà thời thế tạo nên luân lạc.
Phạm Cung