HAI

Thanh tra Minh tới ngay chiều hôm ấy trong sự tiếp đón nồng nhiệt và lòng hy vọng của mọi người.  Ông Minh khoảng gần năm mươi tuổi, người trầm lặng ít nói, cặp mắt sáng, hơi dữ biểu lộ một nghị lực mạnh mẽ.  Bàn tay trái cụt mấy ngón út, dấu tích của những lần chạm trán gay go với bọn bất lương.  Trước hết ông nhờ Nguyễn Phương thuật lại mọi việc kỳ dị xảy ra trong mấy ngày qua rồi dạo quanh biệt thự nhiều lần để quan sát địa thế.  Biệt thự Hồng Hoa khá rộng, cây cối um tùm, lại ở chỗ vắng vẻ nhưng nhờ có đàn chó nên kẻ gian cũng khó đột nhập.  Tuy thế ông Minh vẫn có vẻ lo ngại về điểm trong nhà có nội ứng.
- Lê Mai, nếu anh thật tình là nạn nhân của một âm mưu mờ ám thì anh hãy cho tôi biết những bí mật của vụ án 02-10...
Ông Lê Mai lắc đầu:
- Tôi xác nhận chắc chắn với anh rằng không hề có một uẩn khúc nào trong vụ án đó.  Tôi nhờ anh đến đây với tư cách một người bạn để tạm thời ngăn chặn bọn gian trong khoảng một tùan lễ thôi.  Sau đó, tôi sẽ thu xếp mọi việc êm đẹp.
- Thôi được.  Tôi sẽ nhúng tay vào vụ này vì tình bạn, dù là mới quen biết và vì vụ này có rất nhiều tình tiết ly kỳ, hấp dẫn.
- Cám ơn anh.  Anh còn cần gì nữa không?
- À, Lê Mai, anh có nghi ngờ người nào trong nhà là người của bọn bí mật không?
- Không, tất cả đều đáng tin cậy.
Mọi người đều im lặng một chút, Nguyễn Phương chợt lên tiếng:
- Thưa ông thanh tra, chừng nào ông mới có thế chặn đứng những vở kịch kinh dị trong nhà này?
Ông Minh nở nụ cười bí mật:
- Rồi cậu xem, trong vòng năm ngày nữa tôi sẽ còng tay bọn chúng.  Chắc chắn là như vậy.
Nguyễn Phương toan hỏi tiếp nhưng câu chuyện bị cắt ngang lúc đó bởi bữa ăn chiều.  Sau đấy, ông Minh lên phòng đọc sách, xem xét cái bàn có để hai bức thư đầu tiên do bàn tay vô hình đem lại rồi ra tựa cửa sổ nhìn ra ngoài.  Bây giờ là lúc hoàng hôn, bầu trời thật sự rực rỡ với những đám mây nhiều màu sắc và mặt trời đỏ ối ở phương xa rọi những tia nắng nhạt báo hiệu màn đêm sắp buông xuống.  Đây đó, những cánh chim đang bay về tổ tạo cho bức tranh thiên nhiên một vẻ sống động tuyệt vời.  Ông Minh lên tiếng:
- Trời hôm nay đẹp quá!  Nhất là những cánh chim bay lượn tượng trưng cho sự tự do.
Nguyễn Phương hơi ngạc nhiên.  Ông Minh mà cũng để ý tới cảnh vật ngoài trời và còn định làm văn vĩ tả cảnh nữa.
Chàng họa sĩ định trả lời thì ông Minh đã hỏi:
- Với mắt một nhà họa sĩ, cậu thấy những con chim bồ câu ra sao?
- Thưa ông thanh tra, ông định bàn đến vấn đề mỹ thuật hay sao?  Chim bồ câu có thể là tượng trưng cho hoà bình và là một... món ăn ngon.
Ông Minh phá lên cười đáp:
- Nhưng dưới mắt một người trong nhề nghiệp như tôi thì chim bồ câu là giống vật được dùng để đưa thư lúc ngành bưu điện chưa phát triển.
- Thưa ông thanh tra, ông ngụ ý gì khi bàn tới chim bồ câu?
- Cậu khá thông minh đó.  Tôi trở lại vấn đề ngôi biệt thự Hồng Hoa này một chút.  Căn cứ vào những lời tường thuật lại, tôi kết luận rằng có lẽ bọn gian đã dùng chim bồ câu, theo lối cửa sổ này để mang tới hai bức thư có giọt máu đỏ và hình con quạ đen chứ không có người nào có thể thực hiện việc đó.
- A!
Nguyễn Phương reo lên thích thú.  Giải thích như vậy thật giản dị và hợp lý.  Tiếng ông Minh lại nổi lên:
- Nếu cậu để ý thêm một chút nữa thì sẽ tấy trên mặt bàn gỗ bóng loáng có vài vết sước nhỏ và hơi mờ, có lẽ do móng chân chim tạo nên khi đậu xuống để bức thư.
- Nhưng thưa ông thanh tra, thường thường thư được buộc vào chân chim bồ câu và phải có người tháo ra mới được chứ?
- Đó cũng là một vấn đề nhưng không phải là khó khăn.  Ở đây có thể là một loài chim khác không phải chim bồ câu và nó ngậm thư ở mỏ được nếu quãng đường bay không dài lắm.
Ngừng một chút ông Minh tiếp:
- Còn bức thư thứ ba có dằn con dao thì chắc chắn phải do người mang lại chứ không loài chim nào đủ sức mang con dao quá nặng.  Tôi cũng nghĩ rằng trong nhà này có nội ứng nhưng chưa biết kẻ ấy là ai.
Nguyễn Phương nghe nói, thầm phục ông Minh.  Nhận xét của một ông thanh tra có khác, ông Lê Mai từ nãy ngồi ủ rũ ở góc phòng cũng lên tinh thần một chút, cất tiếng khen;
- Anh nhận xét tài lắm.  Có lẽ bọn gian không ghê gớm như chúng ta tưởng.  Chúng chỉ có  những tiểu xảo nho nhỏ mà trong lúc bối rối ta không khám phá được mà thôi.
- Rồi anh xem tôi sẽ lôi tất cả bí mật ra ánh sáng.
Ông Minh đáp với vẻ tự tin.
Không khí trong phòng nhờ thành công của ông Minh tươi sáng lên được một chút và uy tín ông Minh cũng tăng lên gấp bội.  Nguyễn Phương huýt sáo một điệu nhạc vui trong khi ông Lê Mai thấy tương lai sáng sủa hẳn lên.  Lúc ấy chợt bác quản gia chạy vào báo:
- Thưa ông chủ, có một người khách muốn gặp ông chủ.
- Khách?  Ông ta xưng tên gì?  Già hay trẻ?
- Thưa, ông ta không nói tên, nhưng mặc một bộ đồ đen, kể cả cái áo choàng nữa và đặc biệt có một con quạ đen đậu trên vai.
Nghe đến con quạ, ông Lê Mai biến sắc mặt thấy như khó thở và hơi mệt. Ông Minh bình tĩnh hơn nói:
- Bác cứ mời người khách ấy vào, tôi sẽ lo liệu mọi chuyện.
Nhưng khi bác quản gia ra ngoài thì người khách không còn ở đó nữa.  Ông ta đã bỏ đi một cách khó hiểu và kỳ cục.  Ông quản gia đang ngơ ngác thì một giọng nói cất lên:
- Thế nào?  Ông chủ anh trả lời ra sao?
Ông Hai hơi giật mình. À, thì ra người khách đứng nép sau tàng cây lớn trước cổng chứ chưa đi mất.  Mặt ông ta lúc này trông lạnh như tiền, phảng phất có một mùi gì độc ác và tàn nhẫn...
- Thưa, mời ông vào.  Xin ông thứ lỗi cho vì phải đợi hơi lâu nhưng mấy ngày nay ở đây gặp chuyện rắc rối nên rất cẩn thận đối với khách đến thăm.
Ông khách gật đầu, thả con quạ đậu lên một nhánh cây rồi vào nhàn.  Vừa lúc đó ông Lê Mai cũng vừa trên lầu đi xuống phòng khách.  Ông chợt ngạc nhiên sững sờ, nhìn người khách với vẻ mừng rỡ rồi buột miệng:
- Lâm đó phải không?
Ông khách bình tĩnh:
- Phải.  Đoàn Văn Lâm đây.
Lúc này ông Lê Mai không còn nén được cảm xúc nữa.  Ông chạy lại ôm chầm lấy khách và nói như trong một giấc mơ.
- Lâm, anh về đây mà tôi ngỡ là mộng ảo chứ không phải sự thực.  Tôi tưởng anh đã chết ngoài đó chứ đâu còn về đây được.
- Phải, tôi đã nhiều phen suýt chết nhưng bây giờ thì cuộc thử thách đã chấm dứt trong dĩ vãng.
Ông Lê Mai buông bạn ra, nhìn đăm đăm, rồi vụt hỏi:
- Sao anh lại ăn mặc thế này?  Đem thêm con quạ nữa làm tôi hết hồn.
- Lê Mai, anh hiểu cho rằng tôi phải cải trang như vậy thì khi tới đây mới khỏi lộ tông tích.
- Anh nói vậy nghĩa là sao?
Ông Lâm ngồi xuống ghế, nhìn quanh quất rồi hỏi bạn:
- Liệu chỗ này có kín đáo không?  Câu chuyện này không thể lọt vào tai người thứ hai được.
- Vậy chúng ta lên phòng riêng của tôi, ở đó chắc chắn không có ai rình rập.
Và lúc hai người lên phòng của ông Lê Mai rồi, ông Lâm bắt đầu câu chuyện:
- Anh còn nhớ Phạm Ngọc Cảnh và vụ án 02-10... không?
Ông Lê Mai hoảng hốt:
- Trời ơi, cũng vụ đó nữa sao?  Tôi đang điên đầu và lo sợ mấy hôm nay vì việc đó.
Ông Lâm yên lặng một chút rồi đáp:
- Lê Mai à, thú thật với anh là thời gian gàn đây, tôi bị khủng hoảng tinh thần không ít.  Tên Phạm Ngọc Cảnh đã trở về và quyết tâm trả thù kẻ hại hắn ngày xưa, trong đó tôi là nạn nhân đầu tiên.  Tôi tìm đến anh hôm nay cũng vì việc ấy.
- Nhưng hắn định làm gì anh chứ?
- Có ba bốn bức thư hăm dọa và những việc kinh dị liên tiếp xảy ra ở nhà tôi và mới hai ngày trước, tôi bị ám sát bằng súng nhưng may mắn là không việc gì.
Ông Lê Mai lặng người, cất giọng hơi run:
- Nếu vậy thì hắn đã quyết giết chúng ta.  Tôi cũng không hơn gì anh và cũng sắp mất trí luôn.  Nhưng lỗi đó không phải của tôi tất cả.
- Sao lại không phải ở anh tất cả?  Tôi chỉ là đồng lõa thôi mà bây giờ cũng muốn chết đi sống lại với lối trả thù quá rùng rợn ấy.
- Lúc này anh khôn cần biết rõ làm chi mà chỉ nên hiểu rằng trong vụ án 02-10... còn rất nhiều uẩn khúc.  Việc cần thiết trước mắt là đối phó với tên Phạm Ngọc Cảnh.  Tôi không muốn chết lần mòn trong tình trạng khủng hoảng này.
- Anh cứ nói những uẩn khúc đó đi.
- Không được.  Nhưng một ngày nào đó anh cũng sẽ biết.
Tới đây, ông Lê Mai đổi đề tài:
- Trước khi anh tới đây, tôi đã có ý định trốn sang Thái Lan nhưng chưa có cơ hội ra khỏi biệt thự Hồng Hoa để thu xếp công việc.  Bây giờ, anh có thể thay tôi làm công việc đó và cả hai chúng ta sẽ cùng trốn một lượt.  Gia tài của tôi đủ đảm bảo một đời sống vương giả.
- Nhưng liệu chúng ta trốn đi có kịp hay không?
- Thật ra cũng khó kịp lắm nhưng còn nước thì còn tát.  Chúng ta phải phấn đấu đến giây phút cuối cùng.
- Cũng được.
- Vậy thì bây giờ tôi ký cho anh một chi phiếu năm triệu.  Anh ra ngân hàng lĩnh rồi dùng tiền đó thu xếp cuộc trốn tránh.  Nhớ là đi được càng sớm càng tốt.
- Vậy tôi đi ngay bây giờ anh nhé.
- Khoan đã, để tôi giới thiệu anh với mọi người trong biệt thự Hồng Hoa để từ rày về sau, anh lui tới được dễ dàng.  À, anh đang ở đâu nhỉ?
- Khách sạn Mai Lan, phòng số 13.
Sau khi giới thiệu ông Lâm, ông Lê Mai tiễn khách ra tận cửa, không quên chúc bạn:
- Chúc anh thành công mỹ mãn, cuộc đời mới đang chờ đón chúng ta.
Và ông Lê Mai quay vào nhà với sự vui vẻ và hy vọng.  Một tia sáng đã loé lên mang lại niềm tin tưởng cho kẻ sắp tuyệt vọng.  Phòng khách lúc ấy có đủ mặt mọi người, ông Minh, bác quản gia và cả Nguyễn Phương nữa.  Ông Lê Mai lên tiếng:
- Ông Lâm vừa rồi là một người bạn tốt.
Nguyễn Phương không để ý đến câu nói mà chú ý đến một vấn đề khác:
- Thưa bác, ông Lâm có mang một con quạ đen, vậy có dính líu gì đến bọn bí mật phá khuấy nhà này không?
- À, không đâu cháu.  Đó chỉ là một sự tình cờ thôi.
Ông Minh cắt ngang câu chuyện:
- Thôi, bây giờ cũng tối rồi, mà ở đây lại không có điện thì tất nhiên sẽ là môi trường tốt cho bọn bí mật giở trò ma quỷ.  Tôi muốn rằng suốt đêm nay phải có người ở biệt thự luân phiên canh chừng để phản ứng kịp thời đối với những chuyện lạ xảy ra.
- Thưa ông thanh tra, nhà này rộng quá làm sao một vài người canh gác hết được?
- Không cần để mắt khắp nơi làm gì, các bạn cứ...
Giữa lúc ấy một giọng nói rất lớn, lạnh như băng ngắt ngang lời ông Minh:
- LÊ MAI!
Mọi người giật mình quay ra nhưng trong phòng không có ai lạ cả.  Vậy tiếng nói đó phát ra từ đâu?  Chẳng lẽ có ma quỷ hiện ra thật sao?  Ông Minh do dự rồi nói nhanh:
- Tiếng nói đó từ phòng bên cạnh phát ra.
Mọi người chạy ùa sang phòng bên.  Phòng ấy cũng vắng lặng không có một bóng người.  Nhưng ở trên bàn, Nguyễn Phương thấy chiếc máy hát được ai cho chạy và có lẽ phát ra tiếng vừa rồi.  Ông thanh tra Minh lại gần xem xét thì giọngnois lúc nãy lại cất lên, tiếp tục lời nói vừa rồi:
Tôi nhắc lại một lần nữa cho anh nhớ rằng quyền lực của tôi là quyền lực tối thượng mà tất cả các kẻ kháng cự lại đều phải chết một cách thê thảm.  Tiện đây, tôi nhắn luôn với ông thanh tra Minh, hãy liệu hồn mà cút đi chứ ở lại mà làm tôi nổi giận thì cũng phải chịu hình phạt tương xứng.  Chào anh."
Đĩa hát chỉ quay đến đó là hết nhưng gây ra những phản ứng mãnh liệt và khác nhau.  Bác quản gia và Nguyễn Phương thì đứng chết trân một chỗ, miệng há hốc không nói được lời nào.  Ông Lê Mai thì tái xanh mặt vì giận, quát lớn: "Láo, toàn một lũ láo khoét.  Ta không bao giờ giết người!"  Trong khi ông Minh là người nóng nảy hơn cả, không nói gì nhưng trong lúc quá giận, nắm tay đấm mạnh làm chiếc đĩa hát vỡ tan tành.
Sau hơn một phút yên lặng, mọi người bắt đầu lấy lại bình tĩnh, Nguyễn Phương lên tiếng:
- Đáng lẽ ông không nên đập chiếc đĩa hát như vậy.  Biết đâu nhờ nó chúng ta chẳng phăng lần ra thủ phạm?
Ông Minh thở dài đáp:
- Cậu nói có lý lắm.  Tại lúc nãy tôi giận quá.  Hơn hai mươi năm trong nghề, chưa có kẻ nào dám nói như vậy.
Ông Lê Mai lên tiếng giọng thiểu nảo:
- Xin các bạn đừng tin lời trong đĩa hát.  Tôi bị vu oan một cách trắng trợn.
Bác quản gia quay sang hỏi ông Minh:
- Tôi không hiểu tại sao đĩa hát có thể bật một cách tự nhiên như vậy được.  Không lẽ có ma thật hay sao?
- Thời đại nguyên tử này thì làm gì có ma quỷ.  Tôi đã biết kẻ bí mật dùng cách nào để thực hiện trò quỉ thuật lúc nãy.   Hắn đã làm thế nào vậy cháu?
Nguyễn Phương nói một cách hãnh diện:
- Thưa bác, không có gì lạ cả.  Cháu nghĩ đĩa hát chỉ có tiếng nói ở đoạn giữa, còn khúc đầu thì không có.  Vậy kẻ ấy chỉ cần vào phòng cho máy chạy, nhưng vì đoạn đầu không có tiếng nên không có ai nghe thấy.  Đợi khoảng vài phút sau, tới đoạn có tiếng nói thì hắn đã đủ thì giờ cao chạy xa bay.
Ông Lê Mai buột miệng khen:
- Cháu khá lắm đó.
Nguyễn Phương thêm một câu lửng lơ:
- Cháu còn biết kẻ nào là tác giả vụ đĩa hát lúc nãy nhưn còn phải kiểm chứng lại cho chắc chắn.
Sáng hôm sau, Nguyễn Phương thức dậy một cách thoải mái nhờ đêm qua rất yên tĩnh, không có chuyện gì xảy ra nữa.  Chàng họa sĩ thấy yêu đời như vừa hoàn thành một họa phẩm đắc ý.  A!  Trời hôm nay cũng đẹp mặc dầu hơi buồn, một cái buồn thi sĩ với những ánh mây xám nhạt, những tia nắng dịu và những cơn gió nhẹ thoảng khắp nơi.  Lúc ấy, Nguyễn Phương chợt nghe thấy tiếng đàn dương cầm từ phòng bác Lê Mai vọng qua.  Tiếng đàn hôm nay sao nghe buồn bã, ray rứt và thảm não quá.  Chàng họa sĩ thở dài khi nhớ đến thực tại và bỗng có ý nghĩ sẽ hết sức giúp ông Lê Mai thoát khỏi cảnh ám ảnh này.
Nhưng có lẽ con người khó mà ngờ được tương lai...
Và trong bữa điểm tâm sáng hôm đó, mọi người đều có một vẻ im lặng, tư lự.  Món bánh bì với cà ri gà cũng không ngon miệng như mọi ngày.  Ông Lê Mai dợm đứng lên thì chuông điện thoại reo vang và bác Hai chạy vào báo:
- Thưa ông thanh tra, có người gọi điện thoại cho ông!
Ông Minh đứng lên, xuống phòng khách và một lát sau trở vào với một vẻ mặt hơi tái:
- Người lạ gọi dây nói bảo tôi rằng hãy ra ngoài biệt thự, theo con đường vắng vẻ Trương Lân sẽ nhận được một món quà.
- Thế anh có định đi không?
Tôi cũng đang phân vân vì biết đâu nơi đó chẳng là một cạm bẫy nguy hiểm.  Hai nữa là bọn bí mật có thể dùng kế điệu hổ ly sơn dụ tôi ra đó để thực hiện một mưu toan gì mờ ám tại biệt thư Hồng Hoa.
Nguyễn Phương lắng nghe, thầm phục lý luận chặt chẽ của ông Minh.  Chàng họa sĩ đề nghị:
- Hay cả ba người cùng đi. Như vậy an toàn mà cũng là một cơ hội đổi gió.  Mấy ngày nay sống trong nhà này tựa như địa ngục trần gian vậy.
Ông Lê Mai gật đầu, bằng lòng.  Thế là ông Minh, ông Lê Mai và Nguyễn Phương ra đi, chàng họa sĩ cũng không quên dắt hai con chó berger theo để phòng bất trắc.
Trương Lân là tên một con đường nhỏ chạy ngang hông biệt thự Hồng Hoa vắng vẻ, khá nhiều cây cối và cỏ dại mọc lan tràn hai bên đường.  Ba người di chuyển thật cẩn thận.  Ông Minh đi trước, dẫn một con berger dò đường, Nguyễn Phương đi sau cùng canh chừng cho cả toán.  Thời gian trôi qua thật chậm với sự hồi hộp của mọi người.  Ông Lê Mai luôn lấy khăn tay lau mồ hôi dù thời tiết đang êm mát trong khi ông Minh cũng sờ tay vào bá súng dắt ở ngang hông.  Tình thế có vẻ căng thẳng và nặng nề.  Sau cùng, con chó Tô Tô trong tay ông Minh sủa dữ dội và lồng về phía trước.  Ông Minh ghìm dây xích lại, đưa mắt nhìn ông Lê Minh và Nguyễn Phương.  Lúc đó, một cơn gió mạnh ngược chiều thổi tới mang theo một mùi tanh.  Chàng hoạ sĩ kêu lên:
- Mùi máu!
Và cả ba người rảo bước về phía trước.  Cách đấy vài thước là một xác chết nằm xấp, và máu khô đọng thành từng vũng bên xác nạn nhân. Ông Minh bình tĩnh hơn cả, giao dây xích con Tô Tô cho Nguyễn Phương:
- Cậu giữ con chó để tôi lại gần xem người thật hay hình nhân như lần trước?
Và khi ông Minh lật ngửa xác chết, khuôn mặt nạn nhân hơi tái và quen thuộc.  Ông Lê Mai hét lên:
- Trời ơi, Lâm!
Và sau đó, vì xúc động quá mức ông Lê Mai ngã quị xuống ngất đi.  Nguyễn Phương thì mặt mày cũng tái xanh, quên cả đỡ ông Lê Mai dậy.  Mãi tới khi hai con chó thấy chủ ngã, lồng lên thì chàng hoạ sĩ mới sực tỉnh và cúi xuống.  Tim ông Lê Mai vẫn còn đập đều nhưng hơi yếu.  Nguyễn Phương quay sang ông Minh giải thích:
- Bác Mai bị bệnh đau tim từ lâu rồi.  Có lẽ mấy hôm nay lại tái phát. 
- Tôi biết điều đó.
Câu nói của ông Minh làm Nguyễn Phương hơi ngạc nhiên nhưng chàng họa sĩ không còn đủ giờ suy nghĩ nữa.  Còn nhiều việc cấp bách trước phải làm.
- Cậu hãy lo thoa bóp cho anh Mai tỉnh dậy rồi vực về nhà.  Tôi sẽ ở đây để gọi cảnh sát tới lo liệu thủ tục về vụ án này.  À, cậu cũng nên biết luôn chi tiết này: trên xác nạn nhân có ghim một mảnh giấy như sau: Đây là hình phạt nhẹ nhất cho những kẻ độc ác ngày xưa.
Nguyễn Phương tuân lời ông Minh như một cái máy.  Vài phút sau ông Lê Minh tỉnh dậy nhưng mất hết thần sắc, người rủ xuống như cây cổ thụ gãy ngang sau một cơn mưa bão, bước đi cũng không nổi.  Chàng họa sĩ nhìn ông với vẻ ái ngại:
- Bác để cháu gọi bác sĩ tới săn sóc cho bác nhé.
- Thôi, không cần đâu Phương.  Cứ mỗi lần gặp cơn xúc động, bệnh tim tái phát thì bác hơi mệt vậy thôi.  Chỉ cần nằm nghỉ chừng nửa tiếng là hết.
Ông Lê Mai dừng lại để thở rồi nói tiếp:
- Bác biết cháu đang lo lắng cho bác.  Nhưng thôi, chúng ta về nhà.
Nguyễn Phương không làm sao hơn được, đành dìu ông về.  Con đường Trương Lân lúc này sao dài đằng dặc và đầy vẻ tăm tối mặc dầu trên cây, chim chóc hót vang lừng những điệu nhạc vui tươi của buổi sáng.
Nhưng cũng may là không có chuyện gì xảy ra ở dọc đường.
Bác quản gia ra tận cổng đón, tiếp tay với Nguyễn Phương đỡ ông Lê Mai lên phòng.
- Chuyện gì xảy ra vậy cậu?
- Ông Đoàn Văn Lâm đã bị chết nhưng câu chuyện còn dài lắm, để lát nữa kể kỹ hơn.  Ở nhà có chuyện gì không bác?
- Không.  Tất cả đều yên tĩnh và tốt đẹp.
Nghe thế, Nguyễn Phương yên trí dìu ông Lê Mai lên phòng.  Chàng họa sĩ chợt có cảm giác hơi lạ tựa hồ như sắp có chuyện nguy hiểm xảy ra.  Lúc ấy, tiếng thở phì phì ở đầu giường làm Nguyễn Phương quay phắt lại.  Trên cái bàn nhỏ đặt ở đầu giường ông Lê Mai, chàng họa sĩ thấy pho tượng bán thân của một người đàn bà được đặt ở đấy từ lúc nào, nhưng ghê rợn hơn là có... con rắn lục đang cuộn chug quanh bức tượng, hả cái miệng to lớn và đỏ lòm một cách đe dọa.  Nhanh như cắt, chàng họa sĩ rút con dao găm đeo trong người nhưng con rắn cũng chẳng vừa gì, phóng người đến tấn công.  Một cuộc ác chiến dữ dội xảy ra, con rắn dường như đã được huấn luyện nên rất nhanh nhẹn tinh khôn làm Nguyễn Phương mấy lần suýt bị cắn trúng nhưng sau cùng với một lòng can đảm vô biên, một ý chí quyết đấu, chàng họa sĩ đã chém đứt đầu con rắn lục.  Thời gian trong phòng như ngưng lại và Nguyễn Phương ném con dao, thở dốc cho đỡ mệt.  Ông Lê Mai cất tiếng:
- Cháu can đảm lắm, đáng tiếc là bác đang mệt nên không giúp gì được cho cháu.
Nguyễn Phương ngửnng lên:
- Cháu không ngờ kẻ bí mật lại bỏ rắn vào phòng.  Nọc của rắn nguy hiểm đến chết nếu không được cứu chữa kịp thời.
Ông Lê Mai không đáp, bước lại đầu giường xem xét pho tượng.  Tượng người đàn bà khá đẹp với cặp mắt lớn, cái mũi thẳng và khuôn mặt trái xoan trông giống hệt như người thật vậy.  Nguyễn Phương thấy tay ông run run nên lên tiếng hỏi:
- Tượng của ai vậy bác?
- Bác cũng... không rõ và đang tự hỏi kẻ bí mật đặt pho tượng ở đây với mục đích gì?
Nguyễn Phương nghe nói có vẻ không tín lắm mà sự thực cũng là ông Lê Mai nói dối.  Ông đã nhận ra đó là tượng của bà Nguyễn thị Ngọc Lệ, nạn nhân bị giết chết trong vụ án 02-10... những năm về trước.  Đầu óc ông Lê Mai lúc này bối rối chưa từng có.  Kẻ bí mật vẫn lộng hành và sự can thiệp của ông thanh tra Minh không có hiệu quả  bao nhiêu.  Hơn nữa, cái chết của ông Lâm cũng kéo theo hy vọng cuối cùng xuống tuyền đài.  Từ nay, ông Lê Mai thực sự là kẻ cô đơn, mang mối hận mà không biết ngỏ cùng ai, tương lai có lẽ chỉ là cái chết mà thôi.
- Trong nhà này vừa xảy ra chuyện gì vậy?
Đó là tiếng của ông Minh.  Nguyễn Phương đáp:
- Có kẻ thả rắn lục vào phòng bác Mai nhưng đã giết được con rắn đó.  Còn cái chết của ông Lâm thì sao, thưa ông thanh tra?
- À, cảnh sát đã tới lập biên bản và đem xác ông Lâm về khám nghiệm.  Chắc vài ngày nữa sẽ có kết quả.
Nguyễn Phương lên tiếng:
- Nếu cảnh sát điều tra ra thủ phạm giết ông Lâm thì tốt lắm.  Họ sẽ tóm cổ bọn bí mật và như vậy thì mối đe dọa ở nhà này đương nhiên được trừ khử.
Nhưng ông Lê Mai hiểu rằng mọi chuyện không thể êm xuôi một cách dễ dàng như thế.  Kẻ bí mật dư sức giết ông trước khi bị cảnh sát còng tay.
- Phương, cháu xuống phòng để thuốc lấy cho bác chai thuốc tim Coramine lên đây.  Bác mệt quá rồi.
Nguyễn Phương vâng lời ông Lê Mai.  Lúc chàng họa sĩ trở lên thì thoáng nghe tiếng ông Minh:
- Anh Mai, tôi nghi rằng chính Nguyễn Phương là nội ứng cho bọn gian.  Chỉ có nó là người hoạt động dễ dàng và hữu hiệu nhất.
- Có lẽ anh nghi lầm rồi.  Nguyễn Phương là một người tốt và không bao giờ làm điều mờ ám ấy.
Nếu câu nói của ông minh làm chàng họa sĩ tức giận bao nhiêu thì câu trả lời của ông Lê Mai an ủi chàng bấy nhiêu.  Bỗng chốc, sự kính nể dành cho ông Minh từ trước đến nay tan biến hết để thế bằng sự căm giận.  Tiếng của ông Minh lại thoảng qua:
- Nhưng dù sao, tôi cũng khuyên anh nên coi chừng vì một bề ngoài lành đôi lúc là tấm bình phong hoa mỹ che đậy những tội ác tày trời.
Ông Lê Mai chưa trả lời thì Nguyễn Phương đã bước vào.  Chàng họa sĩ làm tỉnh như không hay biết gì:
- Hồi nãy, cháu tìm mãi mới được chai Coramine nên bác phải chờ hơi lâu.
Nói xong, Nguyễn Phương đặt chai thuốc ở bàn rồi tiếp:
- Cháu lên phòng một chút!
Rồi chàng họa sĩ bỏ về phòng.  Lúc này chàng đang cần một nơi yên tĩnh để suy nghĩ chứ nếu còn ở đây thì tính nóng nảy có thể làm hư hết mọi chuyện.  Việc này quá bất ngờ và làm đảo lộn cả kế hoạch đã dự liệu từ trước nhưng có lẽ cũng chưa đến nỗi nào.  Nguyễn Phương có một quan niệm rằng tình thương bao giờ cũng thắng bạo lực và tội ác, điều trái bao giờ cũng là kẻ chiến bại... Thời gian trôi qua, ánh nắng gay gắt chiếu qua khung cửa sổ như hâm nóng bầu không khí trong phòng làm Nguyễn Phương thấy nực nội.  Chàng hoạ sĩ mở vali định lấy áo thay thì phát giác ra một vụ lạ lùng.  Quần áo của Nguyễn Phương đã bị... lục tung và tuy có sắp xếp lại mà vẫn không đúng hẳn.  Chàng hoạ sĩ ngẩn người suy nghĩ.  Chàng đâu có dính líu gì đến vụ án 02-10... hoặc bất cứ điều gì mờ ám mà cũng bị kẻ bí mật lục lọi vali?  Hay lại sắp có một trò quái đản nào khác?  Nguyễn Phương nghĩ thế nên vội vàng kiểm soát lại và tìm được... ba con quạ, bằng sắt nằm dưới đáy vali.  Quạ đen là dấu hiệu của kẻ bí mật mà lại được bỏ thêm vào đây với mục đích gì?  Chàng họa sĩ thắc mắc mãi mà vẫn không tìm ra.  Lúc ấy tiếng của ông Minh chợt thoáng qua trí nhớ làm loé lên một tia sáng.  Đúng rồi, ba con quạ này có thể nhằm âm mưu vu oan cho Nguyễn Phương có liên lạc với kẻ bí mật và như vậy thì trùng hợp với lời tố cáo của ông Minh.  Đây là một sự ngẩu nhiên hay chính ông Minh cũng tham dự vào âm mưu ấy?  Ý nghi ngờ về ông thanh tra chợt nảy ra trong đầu óc Nguyễn Phương và chàng họa sĩ quyết định sẽ làm một cái gì để chứng minh mình vô tội.