MỘT

Lễ sinh nhật thứ 52 của ông Lê Mai, một vị chánh án hồi hưu được tiếng là thanh liêm trong ngành tư pháp, được tổ chức thật long trọng tại biệt thự Hồng Hoa, tư thất của ông Lê Mai.  Buổi dạ hội hóa trang tối hôm đó được sự tham dự của rất nhiều bạn bè, mỗi người hóa trang một cách, và khéo léo đến nỗi không còn nhận ra nhau nữa.  Không khí ồn ào, vui vẻ lan tràn trong bữa tiệc và nổi bật nhất là tiếng đàn dương cầm của chủ nhân, tiếng đàn vui tươi, dồn dập trước sự tán thưởng của mọi người.  Nhưng riêng Nguyễn Phương, chàng hoạ sĩ trẻ tuổi lại có một cảm tưởng khác biệt hơn.  Tiếng đàn vui tươi, rộn rã thật nhưng sao Nguyễn Phương lại thấy một vẻ réo rắt, u uẩn như chứa chất một tâm sự buồn bã.  Bất giác, chàng ngửng lên nhìn ông Lê Mai.  Với mái tóc bạc trắng do tuổi đời chồng chất, ông Lê Mai đang thả hồn theo tiếng nhạc, ánh mắt tựa hồ đang theo dõi một thế giới xa xăm nào khác.  Thái độ có vẻ  quá cách biệt với những cung đàn rộn rịp cho phép Nguyễn Phương tin tưởng vào sự nhận xét vừa rồi.  Nhưng chàng hoạ sĩ cũng không có thời giờ suy nghĩ thêm vì tiếng đàn đã chậm dần và chấm dứt.  Tiếng vỗ tay vang lên dồn dập và chủ nhân nói lớn:
- Bây giờ xin mời các bạn qua phòng triển lãm hoạ phẩm, tôi sẽ dành cho các bạn một sự ngạc nhiên.
Nguyễn Phương nốt gót theo đám đông sang phòng bên.  Có khoảng gần 100 bức tranh được sắp xếp thứ tự và đúng như lời ông Lê Mai, tất cả mọi người đều sửng sốt.  Những hoạ phẩm đều trái với mọi sức ức đoán vì phần lớn mang một màu sắc tối, xám đen và nhất là nét vẽ hay đứt đoạn, gẫy khúc.  Đề tài lại thuộc loại siêu thực, vẽ những cảnh như ám ảnh, hối hận hoặc các giấc mơ hãi hùng ghê gớm.  Tuy vậy, Nguyễn Phương phải nhận rằng các họa phẩm của ông Lê Mai có một nét đặc biệt và nghệ thuật đả khá cao.  Sau một lát yên lặng, một người khách chợt lên tiếng hỏi chủ nhân:
- Tôi không hiểu tại sao anh lại chuyển hướng lạ lùng như vậy.  Cách đây vài năm, anh thường vẻ cảnh vui tươi với màu sắc lộng lẫy chói mắt mà bây giờ anh lại vẻ những gì có thể gọi là huyền hoặc tối tăm nhất.
Ông Lê Mai gật đầu, đáp lớn:
- Tôi cũng biết trước các bạn sẽ ngạc nhiên.  Phải, cách đây vài nă, tôi là một hoạ sĩ theo phái cổ điển "Ghi lại tạo vật", nghĩa là tìm cách vẽ sao cho thật giống phong cảnh bên ngoài.  Tuy nhiên gần đây, tôi lại quan niệm khác đi và cho rằng hội họa cũng gần giống như văn chương vậy.  Nếu văn chương phản ánh con người của tác giả "Văn là người" thì các hoạ phẩm cũng biểu lộ tâm hồn họa sĩ.  Và như vậy, nếu cứ vẽ theo lối cũ thì phải chịu một sự gò bó, một cái khuôn sẵn có nên không thể ghi lại một cách đầy đủ những rung cảm của người vẽ.  Vì thế, tôi chuyển hướng, vẽ theo phái siêu thực, thiên vẽ lối trình bày những tâm trạng u uẩn của vũ trụ hay tâm hồn.
- Nhưng tại sao anh lại hay chọn những đề tài ghê rợn như Hồn Ma, cảnh Ám Ảnh hoặc sự Phán Xét của lương tâm?  Tôi nghĩ rằng những đề tài đó đâu có thể phản ảnh một người như anh?
Ông Lê Mai cúi đầu suy nghĩ một chút rồi đáp:
- Phải, anh nói đúng.  Nhưng thú thật chính tôi bây giờ cũng không biết chắc lý do tại sao mình lại chọn những đề tài như vậy.  Có thể thời gian làm chánh án ngày xưa đã ảnh hưởng và làm tôi luôn luôn suy nghĩ về vấn đề "Tội ác" nên mới chọn những đề tài có vẻ tối tăm quá.
Lời giải thích của ông Lê Mai đã tạm đủ và sự ngạc nhiên cũng trôi qua, mọi người quay lại thưởng thức các họa phẩm.  Riêng Nguyễn Phương, chàng vẫn có một cảm tưởng về ông Lê Mai.  "Các họa phẩm cũng biểu lộ tâm hồn người họa sĩ".  Câu nói đó làm Nguyễn Phương thắc mắc không ít.  Lúc nãy trong tiếng dương cầm đã như chất chứa một tâm sự u uẩn, bây giờ nếu quả thực các bức tranh siêu thực ẩn tàng tâm hồn người hoạ sĩ thì phải chăng ông Lê Mai đang bị ám ảnh bởi một điều bí mật?  Sự suy đoán ấy càng được Nguyễn Phương tin tưởng thêm khi chàng để ý tới bức "Hồn Ma".  Bức tranh không lớn lắm nhưng nổi bật với nền đen sậm, nhoè nhoẹt.  Góc phải là hình một xác chết với tà áo trắng toát và phía trên đó, bộ xương người lơ lửng, chập chờn để tiêu biểu cho Hồn Ma.  Bức tranh đem lại một cảm giác ghê rợn làm Nguyễn Phương thấy như mình đang bước vào thế giới vô hình trong hoạ phẩm.  Nhưng không phải chỉ một mình chàng họa sĩ có cảm giác đó mà tất cả số người có mặt hôm nay đều thấy hơi sợ.  Căn phòng thật yên lặng, thỉnh thoảng mới nghe tiếng chủ nhân vang lên, giải thích các họa phẩm.
Thời gian trôi qua khoảng mười lăm phút sau, giữa lúc mọi người đang say mê ngắm tranh thì một việc bất ngờ xảy đến.  Đó là cánh cửa ra vào bỗng nhiên bị một bàn tay vô hình đóng sầm lại, vang thành một tiếng khá lớn!  Ai nấy đều giật mình, ngơ ngác quay ra.  Một người khách đứng gần cửa với tay định mở nhưng cửa đã bị khóa chặt.  Bấy giờ gần 100 người khách bắt đầu nhốn nháo.  Cảnh lộn xộn diễn ra khi nhiều người hợp sức nhau để phá cánh cửa.  Một người khách chợt hỏi lớn:
- Ông bạn Lê Mai của chúng ta đâu rồi?
Câu nói đó làm mọi người sực nhớ.  Ai nấy đều ngừng tay, quay tìm ông Lê Mai nhưng chủ nhân đã biến mất tự lúc nào.  Phát giác ra điều đó, số khách càng xôn xao, sợ hãi.  Họ không ngờ đi dự tiệc sinh nhật mà lại bị lâm vào hoàn cảnh kỳ lạ như thế này.  Hay ông Lê Mai cố tình đùa giỡn cho vui?  Câu hỏi đso vừa thoáng qua óc Nguyễn Phương thì một việc khác xảy đến, trả lời câu hỏi của chàng hoạ sĩ.  Đó là những tiếng "xẹt" chợt vang lên và mùi dây điện cháy bốc ra khét lẹt.  Đèn trong phòng vụt tắt tối om.  Nguyễn Phương nhảy lại chỗ cửa sổ, nhìn ra ngoài mới hay toàn thể hệ thống điện đã hư và ngôi biệt thự hoàn toàn chìm trong bóng tối.  Mọi người trong phòng lúc này đã sợ hãi thật sự.  Đây không còn là một trò chơi mà là một âm mưu gì bí mật.  Họ chạy tán loạn ra cửa nhưng cánh cửa vẫn chưa mở ra được.  Những tiếng kêu sợ hãi làm cho tình hình càng thêm rối loạn, không còn ai có thể bình thản trước hoàn cảnh lạ lùng này nữa.
Nhưng giữa lúc đó, một ánh lửa chợt loé lên.  Ánh lửa yếu ớt, chập chờn của chiếc quẹt máy gaz do Nguyễn Phương bật lên không đủ sức soi sáng khắp phòng nhưng giúp cho mọi người bình tĩnh trở lại.  Trật tự trong phfong dần dần được vãn hồi.  Nhân cơ hội đó, chàng hoạ sĩ nói lớn:
- Xin mọi người hãy yên tâm.  Chúng ta gần 100 người ở đây thì sớm muộn gì cũng phá được cửa để ra.  Nhưng muốn thoát ra sớm, chúng ta cần có trật tự, đừng chen lấn vô ích.
Câu nói của Nguyễn Phương được nhiều người đồng ý nhưng họ chưa kịp làm gì thì... cánh cửa đã mở ra.  Ông Lê Mai từ ngoài bước vào, tay cầm một cái đèn bão.  Dưới ánh đèn mù mờ, mọi người đều thấy sắc mặt chủ nhân tái đi, lộ vẻ kinh hoàng, sợ hãi.  Sau cùng ông Lê Mai cố lên tiếng, giọng vẫn còn run:
- Xin các bạn thứ lỗi cho.  Việc vừa rồi là có kẻ muốn phá bữa tiệc sinh nhật của tôi.  Hiện giờ hệ thống điện đã hỏng hết nhưng may chưa cho chuyện gì đáng tiếc xảy ra.
Ông Lê Mai chưa dứt lời, mọi người đã thở phào nhẹ nhõm.  Cơn sợ hãi đã qua và bây giờ ai cũng thông cảm với chủ nhân.  Họ giữa yên lặng trong khi ông Lê Mai nói tiếp:
- Thưa các bạn...
Nhưng chủ nhân chỉ nói được tới đó thì câu nói đã bị cắt ngang bởi... mấy phát súng nổ chát chúa từ ngoài vườn vọng vào.  Mọi người lại một lần nữa nhốn nháo sợ hãi.  Ông Lê Mai cũng giật mình, đánh rơi cái đèn bão vỡ tan tành làm mọi vật lại tối đen.  Việc phá hỏng hệ thống điện trong nhà là để sửa soạn cho cuộc thanh toán bằng súng ở ngoài vườn hay nhằm một mục đích nào khác?  Mấy biến cố dồn dập tối nay là do sự tình cờ hay đã được sắp đặt từ trước?  Việc ông Lê Mai vắng mặt trong phòng lúc cửa bị khóa và điện tắt là sự vô tình hay cố ý?  Bao nhiêu nghi vân được nêu ra giữa lúc mọi người hoang mang nhất.  Nhưng sau đó, ông Lê Mai lấy lại được bình tĩnh và nhớ đến tư cách chủ nhân của mình, ông nói lớn:
- Xin các bạn ở đây một chút, tôi sẽ kiếm cái đèn khác rồi ra vườn xem chuyện gì xảy ra.
Nói xong, ông Lê Mai định bỏ đi nhưng một cánh tay giữ ông lại.  Đó chính là Nguyễn Phương, chàng họa sĩ lên tiếng:
- Cháu nghĩ là bác không nên ra vườn giờ này vì có thể bị kẻ gian ám hại dễ dàng, bác hãy để cháu lên phòng lấy cây đèn pin để rồi tất cả mọi người ở đây sẽ cùng ra vườn.  Có đông người thì bọn phá hoại khó lòng thực hiện âm mưu mờ ám của chúng.
Nói xong, chàng họa sĩ chạy biến đi và trở lại sau đó với bác quản gia, mang theo một cái đèn măng xông.  Mọi người bắt đầu ra vườn theo sự chỉ dẫn của ông Lê Mai.  Vừa tới thềm nhà, một vũng máu tươi lớn loang lỗ trên nền gạch được bác quản gia tìm thấy.  Chắc vừa rồi đã có án mạng xảy ra.  Ai cũng nghĩ thầm như thế và họ cảm thấy rợn tóc gáy mặc dầu vũng máu kia không phải là điều bất ngờ lắm.  Riêng ông Lê Mai, lúc này bỗng bình tĩnh hơn bao giờ hết, hướng dẫn mọi người ra vườn.  Những giọt máu nhỏ trên mặt đất dẫn ra tới góc vườn phía trái và nơi đó, một xác chết nằm sóng sượt.  Xác chết là một thiếu phụ với mái tóc đen, khá dài, mặc một chiếc áo choàng ngoài trắng toát.  Đặc biệt hơn nữa, ở trên cành cây gần đó, một bộ xương người được bàn tay bí mật treo lên, đu đưa theo cơn gió thổi tạo thành những âm thanh quái đản và kinh dị.  Những tiếng la thất thanh của đám khách không làm Nguyễn Phương quên được hình ảnh ghê sợ và... quen thuộc trước mắt.  Quen thuộc vì Nguyễn Phương ngờ ngợ cảnh này chàng đã gặp một lần.  Ở phim xi nê trinh thám chăng?  À, không, Nguyễn Phương đã được thấy ở bức tranh Hồn Ma của ông Lê Mai lúc nãy.  Đây lại là một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay cố ý?  Câu hỏi của chàng hoạ sĩ chưa được giải đáp thì một người khách, vốn là bác sĩ y khoa đã cúi xuống nghe tim nạn nhân.  Lúc ngẩng lên, giọng ông ta lạc hẳn đi:
- Đó chỉ là hình nhân chứ không phải là người thật!
Câu nói làm ông Lê Mai xanh mặt vì tức giận.  Bữa tiệc sinh nhật đang tưng bừng vui vẻ bỗng nhiên bị phá đám một cách quái lạ, không hiểu mục đích ra sao nữa.  Như thế này, ông quyết sẽ tìm ra sự thật.  Nhưng bây giờ, việc trước nhất là phải tiễn khách ra về, nghĩ thế ông Lê Mai lên tiếng:
- Thưa các bạn, xin các bạn thứ lỗi cho những việc đáng tiếc xảy ra ngoài ý muốn của tôi.  Cuộc vui hôm nay chắc phải bỏ dở vì điện bị cắt, kẻ gian lẩn quẩn ở quanh đây.  Tôi xin cảm ơn tất cả các bạn đã có lòng bớt chút ít thì giờ tới dự bữa tiệc này.
Ông Lê Mai vừa dứt lời, mọi người hiểu ý lần lượt ra về mà trong thâm tâm, phải nói ai cũng muốn rời khỏi biệt thự Hồng Hoa cho nhanh. Một người bạn, ông Minh vốn là thanh tra nán ở lại hỏi:
- Anh có cần tôi giúp điều gì không?
Ông Lê Mai lắc đầu, đáp:
- Thôi, cám ơn anh.  Tôi đã có cháu Phương ở đây.  Nếu có cần chuyện gì, tôi sẽ gọi điện thoại đến cho anh sau.
Và khi tất cả khách đã ra về, ông Lê Mai nói giọng đầy vẻ chán nản:
- Phương à, theo bác lên phòng khách đi cháu.
Chàng họa sĩ "dạ" nhỏ cho có lệ vì đang mải suy nghĩ.  Nguyễn Phương nhớ tới vẻ bí mật của ông Lê Mai biểu lộ qua tiếng đàn dương cầm, rồi dưới các họa phẩm.  Bây giờ kẻ gian lại dàn cảnh cái chết giả giống hệt như bức vẽ Hồn Ma, không biết có dụng ý gì?  Đợi cho ông Lê Mai bình tĩnh lại, Nguyễn Phương ướm thử:
- Thưa bác, có cần trình vụ này cho cảnh sát biết không?
- Thôi, mọi việc dầu sao cũng đã êm đẹp.  Ngày mai bác cho sửa hệ thống điện lại và đời sống sẽ bình thường như trước.
Vẻ thụ động của chủ nhân làm Nguyễn Phương hơi ngạc nhiên, chàng hoạ sĩ tấn công tiếp:
- Thưa bác, theo cháu nghĩ thì còn nhiều việc nữa sẽ xảy ra trong những ngày sắp tới vì không có ai mất công dàn cảnh với mục đích duy nhất là phá bữa tiệc sinh nhật của bác.  Họ còn trở lại đây để thực hiện một âm mưu mờ ám mà những việc xảy ra tối nay chỉ là bước đầu tiên.
Thấy ông Lê Mai đã có vẻ xiêu lòng, Nguyễn Phương cố thuyết phục:
- Hơn nữa, bác đang ở ngoài sáng trong khi kẻ bí mật ở trong bóng tối.  Đó là một điểm bất lợi và không chừng kẻ đó còn ở ngay trong nhà này nữa.
- Ở ngay trong nhà này?
- Thưa bác, vâng.  Cháu nhận thấy cuộc phá hoại tối nay được sửa soạn quá kỹ lưỡng mà nếu không có nội ứng thì chưa chắc gì thực hiện được.
Lần đầu tiên, ông Lê Mai đưa ra một ý kiến:
- Bác nghĩ rằng nếu có nội ứng thì bọn gian đã trà trộn vào đám khách.  Tối nay bác mời gần một trăm người khách, lại là buổi dạ hội hóa trang thì không còn ai có thể phân biệt đâu là khách thật, đâu là khách giả.
Lời của chủ nhân rất có lý nhưng Nguyễn Phương đã nói tiếp:
- Còn một điểm lạ sau cùng nữa.  Đó là cháu đã ngắm kỹ tất cả các hoạ phẩm của bác và nhận thấy cảnh hình nhân và bộ xương giả ở ngoài vườn lúc nãy giống hệt bức tranh Hồn Ma.
Nghe tới bức tranh Hồn Ma, ông Lê Mai giật mình đứng dậy, nói nhanh:
- Cháu ngồi đây, bác phải vào phòng trưng bày họa phẩm gấp.
Và ông Lê Mai đi hơi lâu, khoảng hơn mười phút sau mới trở lại, mang theo một tin ghê gớm:
- Bức Hồn Ma đã biến mất.
Lần này Nguyễn Phương thấy choáng váng cả mặt mày.  Chàng họa sĩ đứng bật dậy, ngơ ngác như người từ trên cung trăng rớt xuống.  Tiếng ông Lê Mai vang lên, giọng hơn run:
- Có lẽ bọn gian dàn cảnh súng nổ là muốn dụ mọi người ra vườn để thừa cơ hội ăn cắp bức Hồn Ma.  Mọi việc tối nay đáng buồn thật nhưng chưa đến nỗi nào.  Thôi, bây giờ bác về phòng ngủ dưỡng sức chứ không muốn suy nghĩ gì nữa.
Ông Lê Mai đi rồi, Nguyễn Phương đứng ở cửa sổ nhìn ra ngoài với hàng trăm thắc mắc quay cuồng trong óc.  Bầu trời đen như mực, lác đác vài hạt mưa rơi, thỉnh thoảng vài cơn gió lạnh tạt ngang.  Bất giác, chàng họa sĩ tự hỏi một câu thật vô nghĩa: "Ngày mai sẽ ra sao?"
Sáng hôm sau, một buổi sáng đẹp trời với những đám mây trắng nhẹ lững lờ trên bầu trời xanh thẳm nhưng biến cố đêm qua chưa thể phai nhạt trong trí nhớ của mọi người ở trong biệt thự.  Ông Lê Mai đã mất hết vẻ thụ động, sợ hãi của tối qua mà rất bình tĩnh, đi xem xét khắp nơi.  Tuy nhiên, không một dấu tích nào được tìm thấy.  Tất cả đã được trận mưa lớn đêm qua xóa nhòa.  Ngay trong phòng trưng bày các hoạ phẩm, khi kiểm soát kỹ lại, cũng chỉ có một bức Hồn Ma bị đánh cắp, còn những vật quí giá khác hay các bức tranh đắt giá của những họa sĩ nổi tiếng vẫn còn nguyên vẹn.  Điều này chứng tỏ bọn gian tối qua không phải muốn ăn cắp tiền bạc mà bức Hồn Ma chắc phải chứa một điều gì bí mật khác thường.  Nhưng hỏi đến thì ông Lê Mai chỉ lắc đầu, đáp:
- Chính bác cũng không hiểu tại sao nữa nhưng bác nói chắc với cháu rằng chính tay bác đã vẽ bức Hồn Ma và không có bất cứ một xảo thuật nào để cất dấu điều gì trong hoạ phẩm.
Nghe nói thế, Nguyễn Phương đành chịu thua vô điều kiện.  Chàng họa sĩ từ Sài Gòn lên đây, ở nhờ là để đổi gió nhân dịp nghỉ hè và cũng để tìm đề tài hội hoạ chứ đâu phải thám tử mà mong điều tra mọi việc?  Vả chăng, dường như ông Lê Mai cũng không muốn chàng nhúng tay vào vụ này.  Dù vậy, Nguyễn Phương cũng quyết không để yên cho bọn bí mật thao túng và chàng hoạ sĩ linh cảm sẽ còn nhiều chuyện quái đản xảy ra dầu ông Lê Mai đã nói:
- Bác tin rằng mọi việc sẽ chấm dứt ở đây.
Đến trưa hôm đó, Nguyễn Phương theo ông Lê Mai lên phòng đọc sách trong biệt thự tìm cuốn sách nghiên cứu về Picasso của tác giả Maurice Raynal.  Phòng đọc sách ở trên lầu, có cửa sổ trông ra phía sau và chỉ ông Lê Mai mới có chìa khóa cửa, vậy mà khi mở cửa bước vào thì một bức thơ đã được để sẵn trên bàn.  Cả hai đều ngạc nhiên hết sức, ông Lê Mai bước lại, lấy lá thơ ra đọc nhưng ông bỗng xám mặt, tức giận đến nỗi đánh rơi bức thơ lúc nào không biết.  Nguyễn Phương chạy lại nhặt lên và chàng họa sĩ cũng sửng sốt không kém.  Trên mặt gấy trắng xóa, không có một chữ mà chỉ có một giọng máu!  Giọt máu đã khô, đổi màu đỏ xậm nổi bật trên giấy như chứa đựng thật nhiều ý nghĩa.  Ông Lê Mai đứng lặng người một lát rồi lên tiếng, giọng đầy vẻ hoảng hốt lẫn giận dữ:
- Ai đã để bức thơ này ở đây? Chỉ bác mới có chìa khóa phòng thì ma mới vào đây được.  Chẳng lẽ "hắn" hiện hồn về trả thù?
Nguyễn Phương chụp ngay cơ hội hỏi:
- Hắn nào vậy bác?
Ông Lê Mai giật mình, định nói khỏa lấp nhưng có lẽ biết là vô ích nên đành đáp cho có lệ:
- Trong cuộc đời làm chánh án, bác có xử một tên tù khổ sai đày đi xa.  Hắn thề sẽ trả thù nhưng cách đây hai năm, bác được tin hắn chết ngoài đảo.  Bây giờ gặp nhiều chuyện kinh dị quá, bác nghĩ ngay tới hắn.
- Nhưng hắn là ai vậy, bác?
- Cháu cũng không nên biết làm gì.  Bây giờ điều quan trọng là tìm cho ra ai đã bỏ bức thơ trên bàn, và giọt máu trên tờ giấy mang ý nghĩa gì, hăm họa chăng?
- Hôm qua cháu có nghi là trong nhà có nội ứng, việc này đã chứng minh rõ ràng rồi.  Có kẻ làm chìa khóa giả, mở cửa vào để bức thơ rồi lại khóa cửa như cũ.
Ông Lê Mai không đáp, cầm bức thơ xem kỹ lại.  Ông có cảm tưởng mình đang bị kẻ bí mật bao vây chung quanh, muốn làm gì giờ nào cũng được.  Bất giác, việc của những năm về trước hiện ra như một cuốn phim quay chậm: Thuở ấy, ông Lê Mai còn là một vị chánh án nghèo, sống một cuộc đời phẳng lặng như mặt nước hồ thu.  Thế rồi sóng gió bắt đầu nổi lên với số tiền hai triệu đồng.  Một người bạn của ông Lê Mai là luật sư Kiệt...
Tiếng của Nguyễn Phương nổi lên, cắt đứt luồng tư tưởng của ông Lê Mai:
- Cháu nghĩ là bác nên báo cảnh sát vì chắc chắn sẽ còn nhiều chuyện khác xảy ra.
- Thôi được.  Bác nghe lời cháu.
Nói xong, ông Lê Mai xuống lầu, ra phòng khách định nhấc điện thoại.  Lúc ấy, chuông điện thoại chợt reo dồn dập.  Ông Lê Mai nhấc lên nghe và không hiểu câu chuyện được trao đổi ra sao mà Nguyễn Phương thấy sắc mặt ông tái xanh, tay hơi run và đứng vững như một pho tượng.  Không nén nổi tính hiếu kỳ, chàng họa sĩ lên tiếng:
- Việc gì vậy bác?
Ông Lê Mai lắc đầu nhè nhẹ, đáp giọng thiểu nảo:
- Không có gì quan trọng đâu cháu.
Qua thái độ của ông Lê Mai, Nguyễn Phương biết câu nói vừa rồi là nói dối nhưng vì nể mà không dám hỏi nữa.  Ông Lê Mai lại nói:
- Bây giờ bác thấy không cần báo cảnh sát nữa.  Việc gì tới sẽ phải tới và chúng ta nên nhận chịu trách nhiệm của mình.  Thôi cháu theo bác lên phòng đọc sách lấy cuốn Picasso của Maurice Raynal đi.  Hãy coi như không có chuyện gì xảy ra.
Ở phần đầu câu nói, Nguyễn Phương ngơ ngác không hiểu gì cả và ở phần sau, ông Lê Mai nói có vẻ rất bình tĩnh nhưng trong sự bình tĩnh ấy, chàng họa sĩ tìm thấy một nét gì ngượng ngạo và giả tạo.  Tuy nhiên, biết có hỏi thêm cũng vô ích nên chàng hoạ sĩ im lặng theo ông Lê Mai mặc dầu lúc này chàng không còn tâm trí đâu để đọc sách.
Nhưng khi lên đến nơi thì bức thư máu đã biến mất!  Biến mất một cách thật lạ lùng và êm ái như cơn gió thoảng ở cuối chân trời.  Thay vào đó là một bức thư khác, ghi đậm ngày tháng 02-10... với hình vẽ một con quạ đen ở cuối tờ giấy.  Nguyễn Phương lần này thấy ngạc nhiên nhưng cũng bực tức.  Tác giả bức thư này đâu phải là ma mà muốn đi đâu cũng được.  Hai người mới xuống nghe điện thoại khoảng năm phút mà từ bàn điện thoại có thể thấy chỗ cầu thang lên lầu.  Thế mà lúc lên đây bức thư đã bị thay mất.  Phải chăng kẻ bí mật cố ý bày ra ra nhiều trò quái dị để khủng hoảng, đe doạ ông Lê Mai?  Trong khi đó, chủ nhân cũng đang đeo đuổi những ý nghĩ riêng tư.  02-10... hình con quạ đen, bấy nhiêu đã quá đủ bằng chứng tỏ rằng "người chết đã trở về".  Bỗng chốc, ông Lê Mai thấy mất hết ý chí phấn đấu mà muốn buông tay cho dòng đời đưa đẩy...
- Thôi, bác đang cần sự yên tĩnh một mình cháu à.
Nguyễn Phương hiểu ý, bước ra ngoài khép cửa lại.  Chàng họa sĩ lắc đầu mấy cái như để xua đuổi những ý nghĩ nhức đầu chứ cứ tình trạng này dám điên luôn lắm.  Có ai ngờ trong một ngôi biệt thự lộng lẫy, cao sang như biệt thự Hồng Hoa lại xảy ra lắm chuyện ghê gớm như vậy.  Ngay cả ông Lê Mai nữa, Nguyễn Phương cũng mang một mối nghi ngờ không tốt về những phản ứng quá thụ động bất nhất và những nét giả tạo bên ngoài "Hay hơn hết là tìm một người đáng tin cậy để dò hỏi mới mong tìm ra manh mối".  Nguyễn Phương nhủ thầm như thế và xuống nhà sau tìm bác quản gia.
- Bác Hai, bác nghĩ sao về bữa tiệc sinh nhật tối qua?
Bác Hai cười cười, đáp:
- Toi là kẻ dốt nát mà biết gì cậu.  Chắc có kẻ nào muốn phá chớ gì.
- Bác có nghĩ là bọn bí mật đêm qua sở dĩ thành công là nhờ có nội ứng không?
Bác Hai hơi giật mình:
- Nội ứng?  À... chắc không.  Tôi thấy ở nhà này toàn là những người... đáng tin cậy cả.
Mới qua mấy lời trao đổi mà Nguyễn Phương đã có một cảm tưởng không tốt về bác quản gia.  Bác Hai cũng có một nét gì giả tạo và như muốn đứng ngoài việc rắc rối tối qua nhưng Nguyễn Phương đâu thể chịu thua dễ dàng như vậy.  Chàng họa sĩ cố giăng ra một vài bẫy để dò phản ứng của bác Hai:
- Bác Mai thật là người sáng suốt.  Bác ấy đã quyết định gọi cảnh sát và nói rằng sẽ bắt được thủ phạm trong vòng một tuần lễ.
- Sao?  Ông chủ nhờ cảnh sát can thiệp ư?
- Phải.  Không những thế, bác Mai còn bảo đã biết ai là thủ phạm, chỉ cần thử lại một lần cuối mà thôi.
Bác Hai ngập ngừng:
- Theo tôi nghĩ thì không nên báo cảnh sát chính thức vì nội vụ sẽ bị làm ầm lên một cách vô ích.  Tốt hơn là nhờ tới ông Minh, thanh tra cũng có dự bữa tiệc tối qua.
Nguyễn Phương cúi đầu suy nghĩ.  Bác Hai cũng có lý nhưng không hiểu ông thanh tra Minh có tin tưởng được không?  Lúc này, chàng họa sĩ đâm ra đa nghi có lẽ vì kẻ bí mật xuất quỷ nhập thần quá.  Hắn như một bóng ma có thể xuất hiện bất cứ lúc nào và rồi cũng biến mất một cách tài tình như lúc tới, làm cho người trong cuộc cảm thấy lo lắng, hồi hộp và không còn tin ai được nữa.  Tiếng của bác Hai chợt vang lên:
- Trong vụ tối qua, mới đầu tôi cũng sợ nhưng sau thì bớt đi và hình như chính ông chủ đã biết trước việc đó.
Nguyễn Phương giật mình:
- Chính bác Mai đã biết trước?
- Phải.  Lúc tôi mới vào làm trong nhà này cách đây năm năm, ông chủ có  nói một câu đại khái như thế này: "Rồi có một ngày ma quỉ sẽ xuất hiện trong ngôi biệt thự Hồng Hoa nhưng tôi chấp nhận việc đó và tin rằng việc gì rồi cũng theo thời gian chìm vào dĩ vãng."
- Rồi có lần nào bác Mai nhắc lại chuyện đó không?
- Không... Nhưng cách đây một tuần, khi cậu chưa lên đây chơi, ông chủ có nói: "Ngày tận thế sắp tới."
Nguyễn Phương lạnh xương sống.  Càng ngày, nhiều chuyện quái đản càng được tiết lộ và chứng tỏ rằng ông Lê Mai có liên quan chặt chẽ đến kẻ bí mật.  Hình ảnh con quạ đen ở cuối bức thư gợi ý cho chàng họa sĩ:
- Bác Hai, có bao giờ bác thấy hình con quạ đen đang xoè cánh trong nhà này chưa?
- Con quạ đen... À, hình chụp thì tôi chưa thấy nhưng tôi nhớ ông chủ có vẽ một bức tranh "Quạ Đen".  Còn bức tranh Hồn Ma đã bị mất đã tìm thấy chưa cậu?  Tôi không hiểu tại sao kẻ cắp có thể mang bức tranh ra khỏi nhà này được.
- Chưa tìm thấy... nhưng chúng ta phải vào phòng triển lãm hoạ phẩm ngay mới được.
Nói xong, Nguyễn Phương chạy thật nhanh vào nhà trong lúc bác quản gia theo sát gót.  Nhưng đến nơi thì quá trễ!  Cửa phòng bị mở toang và năm bức họa khác đã không cánh mà bay, trong đó có cả bức Quạ Đen.  Nguyễn Phương dậm chân tức tối.  Chỉ chậm vài phút mà hỏng hết mọi việc.  Kẻ bí mật đã thành công một lần thứ hai.  Chàng họa sĩ nói nhanh:
- Bác Hai, bác bấm chuông báo động ngay đi.  Tất cả các cửa ra vào phải đóng lại ngay, mang ra còn kịp.
- Nhưng hệ thống điện đã hư thì chuông làm sao kêu được?
- Vậy bác cứ chạy báo động đi cũng được, tôi sẽ thả mấy con chó berger giữ lối ra vào.
Nhưng sao hai giờ tìm kiếm mà vẫn không có hiệu quả.  Tất cả mọi ngõ ngách đều được lục soát kỹ lưỡng nhưng một dấu vết nhỏ nhoi cũng không có.  Nguyễn Phương chán nản, thả người xuống cái ghế bành ở phòng khách một cách mệt nhọc.  Bức Quạ Đen là bức thứ nhì có hình ảnh giống như biểu hiệu của kẻ bí mật nhưng cũg bị đánh cắp như bức Hồn Ma vậy.  Từ nay không còn hy vọng gì tìm hiểu tâm trạng ông Lê Mai qua các họa phẩm được nữa.  Chàng hoạ sĩ thấy mình bị lâm vào hoàn cảnh thụ động, chỉ còn biết khoanh tay chờ xem mọi việc diễn tiến ra sao.
Tối hôm đó, một buổi tối đầy vẻ yên lặng và đe dọa.  Ánh nến leo lét, chập chờn trong biệt thự tạo nên một bầu không khí ghê rợn.  Ngoài vườn, thỉnh thoảng một vài cơn gió cuốn theo những chiếc lá rơi tạo thành một âm thanh xào xạc.  Mặc dầu đã có tới năm con chó berger canh gác quanh nhà nhưng mọi người trong biệt thự Hồng Hoa đều thấy hồi hộp, lo lắng.  Họ có ấn tượng rằng trong lúc này, bất cứ việc gì cũng có thể xảy ra như một vụ án mạng hoặc phá hoại chẳng hạn.  Riêng chỉ có ông Lê Mai là ở lì trong phòng cả ngày hôm nay, không ăn một miếng nào và người ta có thể ngửi thấy mùi rượu nồng nặc bốc ra.
Đến gần mười một giờ đêm ấy, trong phòng ông Lê Mai chợt vọng ra tiếng đàn dương cầm.  Tiếng đàn thật day dứt đứt đoạn và mang vẻ tuyệt vọng như người sắp chết đuối giữa đại dương bao la.  Những âm thanh ấy chứng tỏ chủ nhân đang ở trong cơn khủng hoảng tinh thần làm Nguyễn Phương rối trí không ít.  Buổi sáng nay, mặc dầu sợ hãi, ông Lê Mai còn cố tạo ra một vẻ bình tĩnh giả tạo nhưng từ khi nhận được hai bức thư do bàn tay vô hình mang lại, ông có vẻ bất cần mọi việc.  Không chừng ngày xưa, ông Lê Mai cũng có nhúng tay làm điều gì phi pháp và phải chăng kẻ bí mật chỉ là người tới đòi món nợ hận thù?  Giữa bầu không khí khó thở ấy, mọi người chợt nghe tiếng gọi cửa gấp rút và tiếng chó sủa dữ dội.  Nguyễn Phương đưa mắt nhìn bác quản gia như để hỏi ý kiến về việc người khách đến vào giờ quá khuya và có ý ngần ngại, nhưng sau vì tiếng gọi cửa dồn dập quá nên chàng họa sĩ đành miễn cưỡng ra mở cổng.  Dưới ánh lửa yếu ớt, Nguyễn Phương thấy khách trạc độ gần bốn mươi, để râu tóc hơi dài, khoác một cái áo par - dessus và có vẻ từ phương xa mới tới.  Ông ta cất tiếng, giọng nghe chát chúa và chói tai:
- Xin lỗi, tôi đến giờ này quá trễ nhưng ông Lê Mai có nhà không nhỉ?
Nguyễn Phương đang bực mình nhưng giữ ôn hòa:
- Bác Mai có nhà, nhưng không được khoẻ lắm.  Mời ông vào trong, cháu sẽ nói bác Hai lên báo cho bác Mai biết.
- À, cứ nói có luật sư Kiệt tới.  Ông Lê Mai chắc chắn sẽ biết ngay.
Nguyễn Phương yên lặng dẫn khách vào nhà.  Luật sư Kiệt lên tiếng:
- Nhà sao lại phải đốt nến vậy nhỉ?
- Thưa ông, hôm qua hệ thống điện mới bị hư chưa sửa chữa kịp nên phải đốt nến.
Lúc đó, bác ai cũng từ trên lầu xuống, nói lễ phép:
- Nghe tới tên ông, chủ tôi mừng lắm.  Xin mời ông lên phòng riêng của chủ tôi ngay bây giờ.
Khách lên rồi, Nguyễn Phương nhìn theo với vẻ ngờ vực và thiếu thiện cảm.  Xem chừng ông khách này cũng có vẻ gì bí mật và đáng ngờ.
Trong khi ấy, lúc nghe thấy tên luật sư Kiệt, quả thật ông Lê Mai mừng lắm.  Luật sư Kiệt tới đây rất đúng lúc và ông Lê Mai tin rằng mọi việc rắc rối từ tối qua sẽ được luật sư Kiệt giải quyết dễ dàng.  Nhưng khi khách bước vào thì từ chỗ vui vẻ ông Lê Mai biến thành tức giận, quát lớn:
- Ông là ai?  Tại sao lại mạo nhận là luật sư Kiệt chứ?
Người khách lạ thản nhiên:
- Ông hãy bình tĩnh, tôi chưa bao giờ nói dối ông cả.  Chỉ có điều tôi là Nguyễn Trọng Kiệt chứ không phải Lê Tuấn Kiệt.
Nghe tới đó ông Lê Mai biến sắc mặt:
- Ông cũng biết Lê Tuấn Kiệt?  Hiện giờ ông ta ở đâu?
- Xin báo cho ông một tin buồn: ông ta đã chết cách đây sáu tháng!
"Chết rồi".  Hai tiếng đó thật bất ngờ và ghê gớm.  Người chết là hết nhưng cái chết của luật sư Kiệt là bản án tử hình cho ông Lê Mai vì sẽ không còn ai là chứng cớ cho vụ án năm xưa.  Những hy vọng cuối cùng đã tắt và ông Lê Mai thấy mình như người sắp chết đuối, cố vùng vẫy nhưng không có nơi nào để bám víu trong khi thần chết với lưỡi hái sáng quắc cứ tiến lại thật từ từ, chậm chạp.  Cảm giác ấy kéo dài cho đến mấy phút sau, ông Lê Mai mới cất tiếng, giọng đứt đoạn và yếu ớt:
- Hôm nay ông tới đây làm gì?
- Tôi tìm đến đây do sự ủy thác của ông Tuấn Kiệt trước khi chết.
- Sự ủy thác?
- Phải.  Cách đây khoảng tám tháng, ông Tuấn Kiệt có vận động để đem vụ án ngày xưa ra tòa xử lại nhưng công việc chưa xúc tiến thì ông ta mất, giao lại cho tôi việc đó.
- Nhưng đó là vụ án nào?
- Vụ án 02-10.... ông nhớ chứ?
- Không... không.  Tôi không nhớ gì cả, nhất là những việc xa xưa từ về trước.
- Vậy để tôi nhắc cho ông nhớ.  Vụ án đó là ông Phạm Ngọc Cảnh bị tố cáo giết vợ là bà Nguyễn Thị Ngọc Lệ, bà ấy cũng là chị vợ của ông Tuấn Kiệt.
Ông Lê Mai quát lên:
- Ông nói láo.  Tuấn Kiệt không bao giờ muốn đem vụ án đó ra xử lại vì...
Nói đến đây, ông Lê Mai chợt ngừng lại trong khi khách gằn giọng:
- Vậy là ông đã bắt đầu nhớ lại một phần nào.  Tôi nói để ông biết, bằng mọi giá vụ án cũng phải được đem ra xử lại một ngày gần đây.
- Đó là việc của riêng ông.  Tôi không cần biết.
Người khách đột nhiên dịu giọng:
- Xin lỗi ông, tôi nóng nảy quá.  Việc tôi lặn lội từ Sài Gòn lên đây hôm nay là để xin ông cho biết một vài chi tiết của vụ án năm xưa.
- Tôi không nhớ gì cả.  Muốn gì ông cứ lục hồ sơ lưu trữ chứ sao lại hỏi tôi.
- Vì tôi tin rằng ông biết nhiều điều bí mật trong vụ án.
Ông Lê Mai đứng bật dậy, thái độ có vẻ hoảng hốt, nhưng trấn tĩnh ngay được.
- Nếu ông đến đây với mục đích đó thì ông đi không sẽ lại về không.  Tôi không có gì để nói cả.
- Thế ông không sợ một vài tháng nữa sẽ phải ra tòa với tư cách bị cáo hay sao?
- Ông nói thế là nghĩa lý gì?
Người khách đổi giọng nghiêm trang nói:
- Thôi, từ nãy tôi đùa giỡn với ông như vậy là quá đủ rồi, bây giờ tôi xin đi thẳng vào vấn đề.  Trước hết, ông phải hiểu rằng tôi đã nắm được 7/10 sự thật trong vụ án.  Vì vậy ông có thể vào tù bất cứ lúc nào và tôi là kẻ đang nắm giữ chìa khóa mọi việc.
- Ông muốn gì?
- Tôi cần một số tiền khoảng mười triêu.
Ông Lê Mai giật mình:
- Mười triệu?
- Phải, tưởng ông cũng không nên tiếc, vì số tiền đó đâu có thấm gì đối với một nhà tỷ phú như ông.
Ông Lê Mai chợt bình tĩnh hẳn lại:
- Vậy ra ông muốn tống tiền tôi.
- Đừng dùng chữ tống tiền nghe có vẻ ghê gớm quá.  Đây chỉ là một sự trao đổi công bằng và hợp lý.
- Công bằng và hợp lý?  Nói nghe thật mỉa mai nhưng thôi, ông hãy về đi và đừng bao giờ trở lại đây nữa.  Tôi là kẻ vô tội và không sợ bất cứ điều gì.
- Được rồi.  Nếu vậy, tôi sẽ làm theo ý nguyện của người chết là đem vụ án đó ra ánh sáng.
- Ý nguyện của người chết cái gì?  Hắn chỉ là một tên khốn nạn cũng như ông là một tên lưu manh.
Khách đứng dậy, bình tĩnh:
- Dầu sao ông cũng không nên nặng lời với người đã chết.  Tôi sẽ cho ông biết hậu quả của việc mình làm.
- Ông đừng hăm dọa vô ích.
- Chờ xem.
Nói xong, khách bước nhanh ra cửa, không thèm chào một tiếng.  Ông Lê Mai suy nghĩ rồi gọi lại:
- Khoan đã, mời ông vào đây uống ly rượu để tôi suy nghĩ lại.
Người khách quay lại, nở một nụ cười thỏa mãn:
- Ít ra cũng phải như vậy.
- Ông đừng đắc ý vội.  Tôi mời ông vào đây để cho ông biết rằng tôi đã thâu băng cuộc đối thoại vừa rồi.  Do đó, ông cũng có thể vào tù vì tội tống tiền.
Khách tái mặt, ông Lê Mai nói tiếp:
- Nhưng chuyện đó không có ích gì cho cả đôi bên.  Tôi muốn điều đình lại với ông.
Người khách im lặng chờ đợi trong khi ông Lê Mai đi lại trong phòng suy nghĩ.  Năm phút đồng hồ nặng nề trôi qua, người khách chợt thấy choáng váng cả mặt mày, đánh rơi ly rượu đã vơi một nửa xuống sàn gạch.  Ông ta cất giọng hoảng hốt:
- Ông bỏ thuốc mê vào rượu!
Ông Lê Mai không đáp, theo dõi phản ứng cho đến khi người khách đã quị xuống, ông mới nói cho chính mình nghe:
- Những người nói quá nhiều thì chỉ có vào chứ không có ra.  Ông sẽ phải ở đây chừng vài tuần lễ nữa cho đến khi ta lê phi cơ sang Thái Lan sống nốt cuộc đời yên ổn, chắc chắn.
Và đến ba giờ sáng hôm sau, lúc mọi người trong biệt thự Hồng Hoa đã yên giấc, ông Lê Mai mới vác người khách trên lưng, mang xuống căn phòng bỏ trống trong biệt thự đã lâu.  Ông kéo mạnh cánh tay bức tượng hoen rỉ đặt ở gần cửa mấy cái thì một nắp hầm lộ ra, dưới có cái cầu thang bằng đá gập ghềnh.  Ông Lê Mai mang người khách xuống hầm, vào một căn phòng khá rộng.  Sau đó ông trói người khách vào cái ghế bành rồi mỉm cười, lẩm bẩm:
- Ta sẽ chẳng giết người làm gì nhưng ta phải tự bảo vệ quyền lợi và không muốn mình đang từ trên lầu cao phải ngã xuống vũng bùn đen.  Ngày mai, một vụ trộm giả tạo cũng đủ giải thích sự vắng mặt của người khách lạ đêm khuya.
Nhưng ông Lê Mai còn quên một điểm là chính trong biệt thự Hồng Hoa cũng có đồng bọn của người  khách lạ!
Cũng trong đêm đó, lúc ông Lê Mai đã lên phòng an giấc được khoảng hơn nửa tiếng đồng hồ thì có một bóng đen lẻn vào phòng khách biệt thự rồi lên lầu, tới phòng làm việc của ông Lê Mai.  Hắn rút ra một chiếc chìa khóa giả, mở cửa và lẻn vào dễ dàng.  Có lẽ đã thông thuộc đường lối trong phòng, bóng người tới thẳng bàn viết định tìm quyển nhật ký của ông Lê Mai.  Nhưng tìm mãi không thấy đâu mà trên mặt đất chỉ còn sót lại những mẩu tro tàn.  Có lẽ ông Lê Mai đã đốt quyển nhật ký để tiêu hủy các bằng chứng.  Thất vọng, bóng người quay ra nhưng chân hắn bỗng đá phải cái ly rượu bể dưới đất.  Ly rượu nhắc cho hắn nhớ tới người khách lạ tự xưng là luật sư Kiệt lúc nãy.  "Ông là đâu rồi nhỉ?"  Bóng đen tự hỏi như thế nhưng chỉ một thoáng do dự, hắn bỏ ra không quên dằn lại trên bàn một bức thư và con dao.
Nhưng bóng người ấy không ngờ mọi hành động của mình đã bị một đôi mắt nhân chứng nhìn thấy tất cả.  Đó là Nguyễn Phương!  Chàng họa sĩ sau một cơn ác mộng, bừng tỉnh dậy thì nghe tiếng chân người nên lẻ ra và bắt gặp từ đầu tới cuối.  Đáng lẽ Nguyễn Phương đã la lên và bắt quả tang nhưng chàng họa sĩ không làm thế vì đã biết được hắn là ai.  Đó là một người quen thuộc trong biệt thự Hồng Hoa và Nguyễn Phương định sẽ dùng hắn làm một quân cờ, một đầu mối để phăng lần ra chính phạm.
Và sáng hôm sau, Nguyễn Phương thức dậy hơi trễ vì đêm qua thiếu ngủ nhưng lại thấy rất sảng khoái và vui vẻ.  Màn bí mật đã hé mở phần nào và chẳng bao lâu nữa sẽ được đem ra ánh sáng...
- Sáng nay cậu đọc báo chưa nhỉ?
Đó là câu hỏi của chú Tư tài xế.  Chàng họa sĩ ngửng lên đáp nhỏ;
- Chưa chú à.
Nghe nói thế, chú Tư bèn đưa cho Nguyễn Phương tờ báo, rồi chỉ vào trang hai, góc bên phải:
- Cậu đọc đi, ở báo có nói về vụ rắc rối đêm sinh nhật của ông chủ đó.
Nguyễn Phương gật đầu rồi chăm chú đọc.  Bài báo viết khá tỉ mỉ và xác thực nhưng ở cuối lại thêm một câu hỏi: "Phải chăng vụ phá hoại ngày sinh nhật của ông Lê Mai có liên quan đến vụ án 02-10...?  Chúng tôi sẽ có một bài phóng sự khác về đề tài đó.  Mời quí khán giả nhớ đón coi.", dưới ký tên ký giả Quốc Nam.  Chàng họa sĩ ngạc nhiên hết sức 02-10... là ngày ghi trên bức thư thứ hai để trong phòng đọc sách, chỉ có ông Lê Mai và chàng được thấy mà sao anh ký giả này có thể biết được?  Anh ta thu lượm tin tức ở đâu mà mau chóng thế hay nghi vấn đó chỉ là trái ba lông do bọn bí mật tung ra để dò phản ứng của ông Lê Mai?  Nguyễn Phương cau mày nghĩ ngợi rồi lên tiếng:
- Chú Tư à, ký giả Quốc Nam này có mặt trong bữa tiệc sinh nhật của bác Mai không?
- Không.  Ông chủ cũng không quen với ai làm ký giả hết.
Chàng họa sĩ hơi ngạc nhiên:
- Sao chú biết.
- Có gì đâu, tôi là tài xế lá xe ở đây hơn ba năm trời mà có bao giờ ông chủ sai lại nhà ông ký giả nào đâu.
Nguyễn Phương im lặng suy nghĩ và quyết định lại gặp ký giả Quốc Nam xem đầu đuôi ra sao.  Muốn thế chỉ cần lại tòa soạn tờ báo là mọi việc sẽ xong xuôi.  Vừa khi chàng hoạ sĩ ra tới cổng thì gặp một người đàn ông, độ hơn ba mươi, ăn mặc chải chuốt và trông có vẻ trí thức qua cặp kiếng cận.  Ông ta cất tiếng:
- Cậu khỏi phải đi tìm tôi cho mất công.
- Nhưng ông là ai?
- Ký giả Quốc Nam.
Nguyễn Phương nghe thế, kín đáo quan sát người đối diện.  Trông ông ta có vẻ hoạt bát, trí thức và không có vẻ gì bí mật như người khách đêm qua.  Chàng họa sĩ hỏi:
- Sao ông lại biết tôi muốn tìm ông?
Ký giả Quốc Nam mỉm cười:
- Dễ lắm.  Cứ xem bộ điệu vội vã và tờ báo trên tay cậu thì biết.  Tờ báo đang lật ở trang trong, đúng vào bài phóng sự về đêm sinh nhật của ông Lê Mai.  Lúc nãy, khi vừa tới đây, tôi còn thấy cậu đang tìm địa chỉ của tòa soạn nên đoán rằng cậu thắc mắc về câu hỏi đặt ra ở cuối bài phóng sự.
Nguyễn Phương gật đầu:
- Ông đoán đúng lắm.  Tôi đang muốn biết vụ án 02-10... có liên quan gì tới vụ "ma quỉ" tối hôm đó.
- Cậu quên rằng chính tôi cũng đang đi tìm câu giải đáp để viết thành phóng sự đăng trên báo sao?
- Thếo tại sao lại là vụ án 02-10... chứ không phải là một vụ nào khác?
- Xin lỗi cậu, đó là bí mật nghề nghiệp không thể tiết lộ được.  À, ông Lê Mai có nhà không cậu?
- Có, mời ông vào nhà đợi chút xíu.
Và vài phút sau, ký giả Quốc Nam cũng được chủ nhân mời lên phòng riêng như người khách đêm qua.  Ông Lê Mai quan sát thật kỹ người đối diện rồi lên tiếng:
- Ông muốn gì?
- Ồ tôi tới để xin phỏng vấn ông về biến cố bữa tiệc sinh nhật.
Ông Lê Mai lạnh lùng:
- Tôi tưởng bài báo của ông đã quá đầy đủ.  Hơn nữa, tôi không muốn chuyện riêng trong nhà tôi bị đưa lên mặt báo cho công chúng thưởng thức.
- Theo tôi biết trong đêm lộn xộn có hàng trăm người khách đã chứng kiến cơ mà.
- Đó là việc riêng của tôi.  Ông cũng nên biết rằng tôi sẽ không kể lại bất cứ điều gì về đêm đó và ngay cả người trong nhà cũng vậy.
Ký giả Quốc Nam kiên nhẫn, giữ vẻ nhã nhặn:
- Nếu vậy, xin phép ông cho tôi được phrong vấn về vụ án 02-10...
- Tôi không nhớ gì cả.  Cũng không có bất cứ vụ án nào dính líu đến việc rắc rối tối hôm đó.  Ký giả các ông tưởng tượng và đoán mò nhiều quá.
- Thưa ông, tôi không tưởng tượng và những bí mật của vụ án 02-10... sẽ được đem lên báo chí một ngày gần đây.
- Vậy ra ông muốn hăm dọa tôi?
- Không hẳn như vậy vì còn nhiều việc quan trọng giữa chúng ta.
Ông Lê Mai im lặng một chút rồi lớn tiếng:
- Ông Quốc Nam, trước ông đã có một người tới đây hăm dọa nhưng hắn thất bại và bị tống ra cửa khi vừa giở giọng lưu manh...
- Ông nói dối.  Lê Mai, nếu biết điều thì hãy thả ngay người đó ra.  Hắn là bạn tôi.
Ông Lê Mai bật cười, tiếng cười của kẻ thắng thế:
- Tôi không bắt giữ ai thì làm gì có chuyện trả tự do.  Nếu có thì cũng không ai dại gì làm công việc thả hổ về rừng.
- Ông sẽ phải chịu hậu quả về hành động của mình.  Nếu có chuyện gì nguy hiểm đến tính mạng của bạn tôi thì ông cũng bị giết ngay.
- Đừng hăm dọa vô ích, tôi là kẻ nắm chuôi dao trong khi ông cầm đằng lưỡi.
Ký giả Quốc Nam đứng lên, nói:
- Thôi được, tôi tạm chịu thua lần này, nhưng chúng ta sẽ còn nhiều dịp gặp lại.  Nhất là vụ án ngày 02-10... được đem ra ánh sáng.  Chào ông.
Ký giả Quốc Nam bước ra ngoài rồi, ông Lê Mai gieo mình xuống ghế một cách thẫn thờ.  Bao nhiêu việc quái đản dồn dập xảy ra đã làm ông bị khủng hoảng tinh thần rất nhiều và bệnh đau tim dường như đã tái phát.  Tình trạng của ông như vậy, mà kẻ thù lại như ở khắp nơi.  Con dao găm đẫm máu và bức thư đặt trên bàn đêm qua cũng gây nên không ít sự hoang mang.  Bất giác, ông Lê Mai giở bức thư ra đọc lại:
Lê Mai,
Chắc qua những bức thư trước, anh đã đón được tôi là ai.  Thật ra, tôi có thể giết anh bất cứ lúc nào cho khỏi uổng công tôi lặn lội từ âm phủ về đây nhưng tôi chưa làm như vậy là vì một lý do đặc biệt.  Tôi muốn rằng từ đây về sau, anh sẽ là một người máy, một tên nô lệ trung thành để làm bất cứ việc gì tôi sai bảo.  Anh sẽ phải biến thành một con quỉ dữ, một con người tiêu biểu cho tội ác, gieo rắc những điều bất hạnh cho nhân loại.  Anh phải tuân theo lời bức thư này vì quyền lực của tôi là quyền lực của một người đã chết, của một hồn ma còn vương vấn nơi cõi dương trần mà tất cả những kẻ nào kháng cự lại điều phải chết một cách thêm thảm.
Và cuối chư là hình một con quạ được tô bằng màu máu!
Bức thư với những lời lẽ quái đản, mơ hồ và lộn xộn nhưng không phải là hoàn toàn vu vơ làm ông Lê Mai xuống tinh thần rất nhiều.  Những ngày sắp tới sẽ là những ngày tăm tối nhất mà ông không biết mình có đủ sức vượt qua hay không.  Nhưng dầu sao sống vẫn là tranh đấu và con người muốn tồn tại thì phải biết bảo vệ chính mình.  Ông Lê Mai biết được điều ấy nên dù trong lúc lúng túng nhất, vẫn cố gắng tìm một kế hoặc trốn qua Thái lan, còn Nguyễn Phương có lẽ là người bảo vệ ông ta hữu hiệu nhất trong những ngày sắp tới vì dù sao, Nguyễn Phương cũng là một thanh niên trẻ tuổi, tháo vát và có thiện chí.  Đúng lúc đó, có tiếng của chàng họa sĩ:
- Thưa bác, ông ký giả Quốc Nam tới đây có chuyện gì mới không bác?
- À, ông ta là người cùng bọn với ông luật sư Kiệt đêm qua, tới đây để hăm dọa nhưng họ không phải tên chủ chốt.
Nguyễn Phương giật mình:
- Sao bác không báo cảnh sát, có thể phăng ra được tên chính phạm.
- Không cần thiết vì bọn chúng sẽ còn trở lại.  Lúc này bác rối trí quá, muốn nhờ cảnh sát nhưng lại hơi ngại.
Nguyễn Phương đã đoán chắc ông Lê Mai cũng có làm điều thì khuất tất nên mới sợ cảnh sát.  Chàng hoạ sĩ đề nghị:
- Hay bác nhờ tới ông thanh tra Minh với tư cách riêng thôi?
Ông Lê Mai vụt tươi hẳn nét mặt, gật đầu nói nhanh:
- Được, cháu đi mời ông ta ngay đi.  Có lẽ ông ấy cũng là một người... tốt.