Đũa cả mông mang

Vào ngày phò mã Thạch Sanh vừa thắng trận, quân 18 nước chư hầu bắt đầu nhổ trại, rút khỏi nước ta, chàng nhận được tin cấp báo. Quân thất trận đã cạn đồ ăn, thất tha thất thểu, không biết có về được với mẹ với cha, hay lại chết đường chết chợ, thành một lũ ma đói.
Thạch Sanh động lòng thương muốn cứu giúp. Hiềm nỗi, trận chiến vừa qua, lúa gạo chẳng còn bao nhiên, chỉ đủ dùng cho nhà vua, ông già bà cả và lũ con nít. Ngay đến như phò mã Thạch Sanh cũng ngô khoai qua bữa, nhường lưng cơm cho công chúa, người vợ yêu của chàng.
Không muốn kẻ thua trận phải chết đói, Thạch Sanh ra lệnh cấp đỡ ngô khoai cho đám bại binh ăn lót lòng. Lại hứa sẽ đãi một bữa cơm no. Hứa mà chưa nghĩ ra cách thực hiện, lòng như lửa đốt, Thạch Sanh nóng ruột lấy đàn thần ra gảy:
Đàn kêu tích tịch tình tang
Tìm người đũa cả mông mang rước về
Đũa cả mông mang là gì? Thanh Sanh triệu các quan văn lại hỏi. Một vị râu dài kể:
Ngày xửa ngày xưa trên bếp nhà trời có người đầu bếp giỏi, chót ăn vụng miếng cơm cháy Ngọc Hoàng mà đắc tội, bị đày xuống trần gian. Khi chia tay với mẹ già, người đầu bếp vái dài rồi nằm úp mặt trên giường mây, vừa khóc vừa nói:
Mẹ ơi! Con thật đáng tội, không ở lại chăm sóc mẹ lúc tuổi già. Xin mẹ ra roi nặng tay dạy dỗ, để mỗi khi nhìn vết roi, con như được thấy mẹ mình còn khỏe. Để mỗi khi tính làm việc xấu con lại sợ mẹ buồn, quyết không làm.
Bà mẹ thương con đét thiệt nhẹ, nhưng tình mẹ lại in đậm cái dấu đũa cả vào mông đứa con. Cho đến khi vị đầu bếp đã đầu thai xuống trần gian làm trẻ chăn trâu, trên mông bên phải vẫn còn cái bớt son hình đũa cả. Chuyện cổ tích Đũa cả mông mang có ghi trong sách xưa.
Thạch Sanh nghe xong liền phái ngay những người lính thiện chiến nhất theo mình đi thám sát, tìm cho ra người đũa cả mông mang kia. Họ thám sát ba ngày thì thấy một đám trẻ chăn trâu đang tắm sông.
Người chăn trâu chuyên nghiệp bao giờ cũng tắm buồng. Những câu bé tắm truồng lọt vào vòng vây của đám thám binh lúc nào không hay. Toán lính bò thật êm theo đội hình cánh cung hướng về bến sông. Vào đúng lúc cậu bé đũa cả mông mang đưa cái bớt son lên bờ, bật cả dậy, trong tư thế nghiêm, đồng thanh hô lớn:
Đầu bếp tướng quân! Đầu bếp tướng quân!
Không để tướng quân kịp mặc quần, họ choàng ngay vào người ông tướng trẻ bộ binh phục cấp dưỡng và đặt vào tay chàng cây đũa cả. Kì lạ thay đũa đến tay, trẻ chăn trâu hóa thành thần bếp, cất giọng hào sảng như đũa tre gõ vào nồi đồng:
Hãy nắn một cái niêu đất. Thứ đất Phương Nam nuôi giống lúa trời. Gạo lúa trời vo nước Hồng Hà, đãi nước Cửu Long cho vào niêu ấy rồi hứng chín mươi chín nghìn giọt nước mưa từ chính mươi chín nghìn mái tranh nghèo xa đường cái quan, chưa nhuốm bụi đời. Niêu ấy, gạo ấy, nước ấy bắc lên ba ông đầu rau đá núi Ba Vì, nhúm lửa Thiên Trù chùa Hương nấu thành cơm. Cơm ăn không bao giờ hết!
Thần bếp nói mấy lời sấm truyền rồi tung người nhảy xuống sông. Nước sông hất ông lên trời, về với mẹ. Nước ấy, trời làm thành cơn mưa lành dội xuống chín mươi chín nghìn mái tranh xa đường cái quan.
Thạch Sanh theo lời sấm truyền, điều quân khiển tướng, nấu niêu cơm thần đã khách như đã hứa.
Niêu cơm nhỏ xíu như đồ chơi nhà chòi mà quân chư hầu 18 nước ăn hoài không hết. Có người chưa tin đó là niêu thứ thiệt, đưa ngón tay quệt quệt đít niêu, ngón tay có lọ nghẹ hẳn hoi. Vẫn chưaa tin, đưa ngón tay lọ vẽ râu lên má một anh lính trẻ đứng bên, anh lính trẻ có râu liền. Lại có anh lính khôn lỏi, quệt tay xin tí lọ nghẹ tính mang về nước làm bài học lóm nghề nấu bếp. Trên đường đi, ngón tay bốc thơm mùi cơm mới, thèm quá đưa vô miệng mút, như người thời nay mút rà rem. Mút riết rồi ngón tay sạch bách, thành thử cho đến hôm nay, cách nấu cơm Thạch Sanh, vẫn còn bí mật quân sự của riêng nước mình.