Dịch giả: Văn Trọng
Chương 1
CUỘC NÓI CHUYỆN KHÓ CHỊU VỚI BÀ – MẸ LO LẮNG – DZHEK ĐI THEO SÁT GÓT – VẬT KỲ LẠ TÌM THẤY TRONG PHÓNG LÀM VIỆC CỦA GIÁO SƯ ENOTOV – SỰ BIẾN MẤT BÍ ẨN CỦA CỦA IVAN GORMOGENOVICH

Mẹ phủ lên bàn chiếc khăn trải bàn to và trắng. Bà đặt lên đó các đĩa ăn, dao, thìa nĩa.
Bà lầm bầm nói:
- Đến bữa ăn trưa rồi mà bọn trẻ chẳng thấy tăm hơi đâu cả. Chúng ở đâu – không làm sao hiểu nổi... Trước kia ấy à! Thời tôi còn nhỏ...
- Trời ơi! – Mẹ nói – Bọn chúng thậm chí còn chưa ăn sáng nữa.
Mẹ bước lại gần cửa sổ bỏ ngỏ, xoãi người trên bậu cửa và gọi to lên:
- Karik! Valia!
Bà lại bắt đầu lầm bầm:
- Thế đấy, cứ là vội vàng cuống quýt lên! Chạy thục mạng! Đứng đó mà la trong khi đó chắc chúng đang chơi trò nhảy dù. Ngồi đó mà đợi chúng về ăn trức trong khu biết đâu chúng đang cần gọi xe cấp cứu.
- Nhảy gì hà mẹ? Rồi cấp cứu nào nữa? – Mẹ sợ hãi hỏi.
- Cấp cứu nào ấy à! – Bà nói và lấy từ túi áo tạp dề ra cuộn len, kim đan và cái bít tất đang đan dở. Kim đan lấp lánh trên tay bà lôi sợi len trong cuộn ra. – Cái cấp cứu mà người ta gọi cho thằng Valarik hôm qua ấy. – Bà nói và thở dài.
- Còn thằng Valarik nào nữa hả mẹ?
- Còn thằng nào nữa, đó là một thằng nghịch ngợm trong sân nhà chúng ta. Con của ông quản trị! Nó nghĩ ra cái trò mới ghê chứ! Lấy được ở đâu cái dù cũ làm thành cái dù nhảy rồi nhảy từ ban công xuống theo kiểu nhảy dù.
- Thế rồi sao hả mẹ?
- Chả sao cả! Bị móc quần vào cái ống nước và treo lơ lửng đầu xuống dưới! Treo như vậy cho đến khi xe cấp cứu đến. Ông bác sĩ giận dữ bào đáng lẽ trường hợp này phải gọi xe cứu hỏa thay vì xe cấp cứu! Tuy vậy người ta cũng gỡ thằng Valarik ấy ra khỏi cái ống... Vậy mà con có tưởng tượng được không? Nó chỉ cười khì rồi còn bào là lập được kỷ lục về nhảy dù lâu nhất. Đấy, bọn trẻ bây giờ nghịch ngợm thế đấy!... Hồi tôi còn nhỏ...
- Trời ơi, - Mẹ nói – Nhưng thực ra bây giời chúng ở đâu cơ chứ?...
- Còn cái thằng Antia cũng ở trong sân nhà ta nữa! Lúc đầu xây đường xe điện ngầm với bọn trẻ, rồi lại chế tạo tàu ngầm. Thế là rõ rồi... Đường xe điện ngầm bị sụp, cả lũ bị lấp dưới đất. May mà bác quét sân kịp thời nhìn thấy, đào chúng lên không thì chết hết. Con tưởng là sau chuyện đó chúng chừa ư? Đời nào! Một chút xíu cũng không! Lấy những thùng phuy và hòm gỗ làm tàu ngầm. Cố nhiên là chúng đã chết đuối rồi nếu không có anh công an may mắn đi qua. Lạy Chúa, chật vật lắm rồi cũng với đước chúng. Chỉ có điều... Phù! – Bà giận dữ nhổ nước miếng – Con có tưởng tượng được cái lũ ấy nghịch ngợm đến thế nào không? Chưa kịp khô người đã nghĩ ra trò bay vào vũ trụ, uống con cây bạch dương xuống đất rồi hai đứa thì giữ, bọn còn lại...
- Thôi, thôi mà...- Mẹ khoát tay – Mẹ đừng kể nữa! Con không muốn nghe chuyện đó đâu.
Mẹ lại bước đến bên bậu cửa sổ và kêu lên:
- Karik! Valia!
- Hồi tôi còn nhỏ... - Bà lại nói.
Mẹ khoát tay không nghe bà nói, nằm xoài ra bậu cửa:
- Ka-a-rik! Va-a-lia! Ăn–trưa!
Một con mèo kêu meo meo ngoài sân.
- Tôi biết mà! – Bà nói – Tôi biết mà!
- Karik! Valia! – Mẹ lại gọi nữa, rồi quay phía bà hỏi – Chúng không nói với mẹ là đi đâu ư?
Bà cắn môi giận dữ:
- Hồi tôi còn nhỏ... - Bà nói – Bao giờ tôi cũng nói cho biết là tôi đi đâu, còn bọn trẻ bây giờ ấy à, muốn gì là làm cái ấy. Muốn... là đi Bắc cực, có khi cả Nam cực nữa... Hoặc là như bữa trước rađiô nói...
- Rađiô nói gì hả mẹ? – Mẹ vội vã hỏi.
- Có gì đâu! Một thằng bé nào đó bị chết đuối! Phát thanh viên nói như vậy.
Mẹ rùng mình.
- Không!... – Mẹ nói – Cái đó... cái đó thì không có đâu! Karik và Valia không đi tắm đâu.
- Tôi chả biết! Tôi chả biết nữa! – Bà lắn đầu – Chúng nó có đi tắm hay không tôi không dám chắc... Chỉ có điều từ lâu đã đến lúc phải ăn trưa rồi mà chúng thì vẫn chưa thấy tăm hơi đâu cả. Biết chúng ở đâu? Từ sáng đã chạy đi rồi, không kịp cả ăn sáng nữa.
Mẹ đưa tay vuốt mặt, không nói một lời bước ra khỏi phòng ăn.
- Hồi tôi còn nhỏ... - Bà thở dài.
Nhưng hồi nhỏ bà làm gì thì mẹ vẫn chưa kịp biết: mẹ đứng giữa sân, nheo mắt vì chói mặt trời, ngó nhìn khắp nơi.
Giữa sân, trên đống cát vàng, cái xẻng con màu xanh của Valia đang nằm cạnh đó, lăn lóc cái mũ chỏm bạc màu của Karik. Ở ngay cạnh là con mèo mập ú màu hung Anjuta đang chổng bốn chân lên sưởi nắng. Nó lười nhác nheo mắt và đưa chân ra tựa như muốn tặng mẹ bốn cẳng của mình.
- Bọn trẻ ở đâu hả Anjuta?
Chú mèo khoan khoái ngáp, nhìn mẹ bằng một con mắt rồi lười nhác quay lưng lại.
- Nhưng chúng nó biến đi đâu cơ chứ? – Mẹ lẩm bẩm nói. Bà đi suốt dọc sân nhà, ngó vào tiệm giặt quần áo, và thậm chí nhìn vào cả các cửa sổ tối đen của nhà hầm trệt nơi người ta chứa củi.
Không ở đâu thấy bóng dáng bọn trẻ.
- Ka-a-rik! – Mẹ gọi to một lần nữa.
Không ai đáp lại cả.
- Va-a-lia! – Mẹ kêu lên.
“Ẳng, ẳng, gâu, gâu!” – tiếng sủa lên ở đâu đó rất gần.
Ở cầu thang bên, cánh cửa sập vào rất mạnh. Một con chó bécgiê rất to mõm nhọn nhảy ra sân, lôi theo sau cái xích kêu loảng xoảng.
Chú mèo mập Anjuta nhảy vọt một cái lên đống củi xếp cao.
“Suỵt!” – nó giơ chân rít lên – “Xin... đừng có làm ồn!”
Con chó giận dữ sủa chú mèo Anjuta. Đang đà chạy nó lao lên mô đất, lăn trên cát, bốc đám bụi dày đặt, rồi nhỏm dậy, rũ lông, sủa ầm ĩ lao vào mẹ.
Mẹ nhảy tránh sang một bên.
- Lui ra! Không được thế! Cút đi chỗ khác! - Mẹ hoa tay lên.
- Dzhek! Tubo! Lại đây! – Tiếng ai vang lên từ phía cầu thang.
Một người đàn ông mập mạp bước ra sân, chân đi xăng đan, tay cầm điếu thuốc đang cháy dở. Đó là bác thợ chụp ảnh Smit sống ở tầng bốn.
- Mày làm sao thế, Dzhek? Hả? – Bác mập giơ ngón tay mủm mĩm dọa nạt, nghiêm khắc hỏi. Dzhek lại gần chủ, ngồi xuống làm cái xích kêu loảng xoảng, chăm chỉ dùng chân sau gãi cổ.
Bác mập mỉm cười niềm nở với mẹ.
- Hôm nay đẹp trời quá. Bà có định đi nhà nghỉ mát ngoại ô không? Bây giờ đúng lúc đi hái nấm và câu cá đây.
Mẹ ngước nhìn bác mập, con chó rồi bực bội nói:
- Đồng chí Smit ạ, đồng chí lại thả chó ra không có rọ mõm. Thế mà chó của đồng chí cứ như một con lang. Nhìn người ta cứ như muốn cắn.
Bác mập ngạc nhiên:
- Bà nói về con Dzhek đấy ư? Sao bà lại nghĩ thế? Chú Dzhek của tôi không dám đụng tới cả trẻ nít. Nó hiền như một chú bồ câu! Bà có muốn vuốt ve nó không?
Mẹ khoát tay:
- Tôi đâu có rảnh mà vuốt ve chó! Ở nhà bữa ăn thì nguội, trong phòng chưa quét dọn, lại thêm không sao gọi được bọn trẻ... Chúng biến đi đâu tôi không hiểu. Ka-a-rik! Va-a-lia – Bà lại cất tiếng gọi.
- Bà cứ vuốt ve Dzhek đi, rồi đề nghị nó tha thiết. Bà cứ bảo: “Nào Dzhek! Mau tìm Karik và Valia cho bác đi”. Nó sẽ tìm thấy ngay đó.
Bác Smit cúi xuống con chó và vỗ vào cổ nó:
- Dzhek? Sẽ tìm thấy chứ?
Dzhek khẽ rên ư ử rồi đột nhiên nhảy lên liếm vào môi bác chụp ảnh. Bác mập nhảy lùi trở lại ghê tởm nhổ nước miếng, rồi lau môi bằng cùi tay.
Mẹ phì cười.
- Bà đừng vội chế nhạo. – Bác Smit nghiêm trang nói – Đây chính là loài chó trinh sát. Nó đánh hơi đi theo dấu vết người ta như đầu tàu hỏa đi trên đường sắt. Bà có muốn tôi chứng minh không?
- Tôi tin bác! – Mẹ nói – Tin bác mà không cần phải chứng minh gì hết.
Bác mập xúc động nói:
- Không, không! Xin bà cho phép. Tôi đã nói thế nào thì sự thật thế ấy. Nào, bà cứ đưa cho tôi vật gì đó của Karik và Valia đi... đồ chơi... áo sơ mi... cái mũ chỏm... Cái gì cũng được.
Mẹ nhún vai, nhưng cũng cúi xuống nhặt cái mũ chỏm và đưa cho bác Smit.
- Tốt lắm! Tuyệt diệu! Rất tốt! - Bác mập nói và đút cái mũ chỏm cả Karik dưới mũi con chó.
- Nào, Dzhek! - Ông ta cao giọng nói – Hãy trổ tài đi! Hãy đi tìm, đi tìm chú chó ạ.
Dzhek rên ư ử, cúi sát đầu xuống đất rồi duỗi đuôi ra và bắt đầu chạy theo những vòng lớn quanh sân.
Bác thợ hào hứng lao theo nó.
Chạy đến đống củi xếp, Dzhek thình lình dừng lại, nhảy lên đứng bằng hai chân sau, còn chân trước tì lên đống củi xếp. Mũi của Dzhek đặt ngay trước mõm chú mèo Anjuta.
“Tao xé mày ra!” – Dzhek hét lên.
Chú mèo nhảy lên theo vòng cung, quắc cặp mắt xanh lè, rít lên như con rắn: “Tao ấy à? Không ăn thua đâu!”
Dzhek định tóm lấy đuôi mèo. Nhưng chú mèo nhe răng ra, giáng cho nó một cú tát mạnh đến nỗi con chó tội nghiệp thét lên vì đâu và tức giận. Nhưng lập tức nó định thần lại được, sủa to và lại lao vào con Anjuta. Chú mèo rít lên lớn hơn, giơ chân và quát lên bằng tiếng mèo: “Cút ngay không tao đánh dập mật bây giờ!”
- Thôi, thôi, đủ rồi, Dzhek! – Bác thợ ảnh bực bội nói – Đừng có đi lạc đề! - Bác kéo mạnh cái dây đến nỗi con chó phải ngồi phệt xuống hai chân sau.
- Bây giờ thì tìm đi!
Sau khi giận dữ sủa theo con mèo, Dzhek chạy tiếp. Nó chạy hết sân, đứng lại gần ống máng, đánh hơi không khí ầm ĩ rồi nhìn chủ.
- Hiểu rồi! Hiểu cả rồi! – Bác thợ ảnh gật đầu – Mày muốn nói là bọn trẻ đã ngồi ở đây và có lẽ đã chơi với chú mèo Anjuta phải không? Tốt lắm! Nhưng sau đó chúng đi đâu? Phải tìm đi, Dzhek! Nào, tìm đi, tìm đi chó ơi!
Dzhek nhảy vọt quay tròn như một con quay, cào chân vào đất dưới ống máng, rồi sủa to lao về phía cầu thang chính.
- Đúng rồi, bà thấy chưa? – Bác Smit kêu lên – Nó đã lần ra dấu vết rồi.
Lệt xệt đôi xăng đan, bác thợ ảnh nhảy từng bước chạy theo con chó.
- Nếu bác tìm thấy bọn trẻ, bác bắt chúng về nhà ngay hộ tôi nhé! – Mẹ gọi với theo rồi đi ra sân tới cổng khu nhà.
“Chắc là chúng chơi ở sân nhà bên” – mẹ nghĩ thế và không để ý đến Dzhek cùng chủ của nó nữa, bước ra khỏi cổng khu nhà.
°
Kéo căng cái xích, Dzhek lôi bác mập lên cầu thang.
- Từ từ chứ! – Bác mập thở phì phò, cố cho kịp theo con chó.
Lên đến tầng năm Dzhek dừng lại giây lát, ngước nhìn chủ nó rồi sủa lên từng hồi, lao vào cái cửa bọc vải sơn. Trên cửa có treo tấm biển trắng tráng men với hàng chữ:
Giáo sư
IVAN GERMOGENOVICH ENOTOV
Phía dưới có gắn một mẩu giấy ghi:
“Chuông không kêu. Xin cứ gõ cửa!”
Dzhek vừa rít vừa nhảy lên cào móng vào lớp vải sơn bọc cửa.
- Tubo! Dzhek! – Bác mập gọi! - Ở đây người ta đề nghị gõ cửa chứ không rít lên như vậy.
Bác thợ chụp ảnh lấy tay vuốt tóc, lau kỹ bằng khăn tay khuôn mặt đẫm mồ hôi, rồi cong ngón tay thận trọng gõ vào cửa.
Phía sau cửa có tiếng chân lệt xệt.
Tiếng mở khóa của lách cách.
Cánh cửa mở ra. Bên khe hở cửa xuất hiện khuôn mặt với cặp lông mày rậm rạp bạc trắng và chòm râu vàng – trắng.
- Ông muốn gặp tôi ư?
- Xin lỗi! Thưa ông giáo sư!... – Bác thợ chụp ảnh lúng túng nói – Tôi chỉ muốn hỏi ông...
Nhưng bác mập chưa kịp nói hết câu thì Dzhek đã giựt sợi dây xích ra khỏi tay bác, lao vào trong nhà suýt làm té giáo sư.
- Lại đây, Dzhek! Tubo! – Bác Smit kêu lên.
Nhưng Dzhek đã khua ầm ĩ dây xích ở đâu tận cuối hành lang.
- Xin lỗi! Thưa giáo sư, Dzhek còn quá trẻ... Xin cho phép tôi vào. Tôi sẽ dẫn nó ra ngay ạ.
- Vâng, được... Cố nhiên rồi... - Giáo sư lơ đãng đáp và nhường lối cho bác Smit vào nhà – Xin mời vào! Tôi hy vọng là chó của bác không cắn chứ?
- Rất ít khi! – Bác Smit trấn an giáo sư.
Bác thợ chụp ảnh bước qua ngưỡng cửa. Sau khi đóng cửa lại, bác khẽ nói:
- Ngàn lần xin lỗi giáo sư! Tôi chỉ xin một phút thôi... Thưa đồng chí giáo sư, ở chỗ ông hẳn phải có bọn trẻ... Karik và Valia. Ở tầng hai...
- Xem nào, xem nào... Karik và Valia ư? Phải rồi! Cố nhiên! Tôi biết chúng rất rõ. Các cháu rất dễ thương... lễ phép và ham hiểu biết...
- Chúng đang ở chỗ ông phải không?
- Không, hôm nay chúng không đến tôi!
- Thế thì lạ thật! – Bác mập lẩm bẩm – Dzhek đánh hơi theo dấu vết rất chính xác.
- Có thể là dấu vết ngày hôm qua chăng? – Giáo sư lịch sự hỏi.
Nhưng Smit chưa kịp đáp lại. Ở trong phòng phía xa, Dzhek sủa vang rồi lập tức có tiếng đổ vỡ loảng xoảng tựa như cái tủ hay cái bàn có chén bát đổ xuống sàn.
Giáo sư rùng mình:
- Trời ơi, nó đập vỡ ở trong ấy hết mất! – Ông kêu lên giọng như muốn khóc, nắm tay bác Smit lôi theo vào hành lang tối đen.
- Lại đây! Lại đây! – Ông nói lúng búng và đẩy cửa vào. Giáo sư và bác chụp ảnh vừa mới bước vào phòng thì Dzhek nhảy ngay lên ngực chủ, sủa rít lên rồi lại quay bước lao ngược lại.
Nó chạy khắp phòng, lôi theo sau cái xích, đánh hơi tủ sách, nhảy lên cái ghế da, loay hoay dưới gầm bàn, lại đi lung tung hết phía này qua phía khác.
Những bình, nồi cổ cong trên bàn nẩy lên kêu lanh canh. Những ly cao cổ trong suốt nghiêng ngả, các ống thủy tinh mỏng manh rung lên.
Bị va mạnh, kính hiển vi đổ nghiêng lấp lánh dưới ánh sáng mặt trời. Giáo sư suýt nữa không đỡ kịp. Nhưng trong lúc cứu cái kính hiển, ống tay áo của ông lại vướng vào cái đĩa mạ kền sáng loáng của cái cân gì đó rất phức tạp. Cái đĩa rơi xuống, nẩy lên, kêu vang và lăn trên sàn ván ghép màu vàng.
- Cái gì thế Dzhek? – Bác thợ chụp ảnh cau có nói – Làm chuyện bậy bạ hử? Sủa ầm lên mà chẳng được gì. Nào, thế bọn trẻ đâu?
Dzhek nghiêng đầu, vểnh tai lắng nghe. Nó chăm chú nhìn chủ cố hiểu xem vì sao nó lại bị mắng.
- Thật xấu hổ, Dzhek ạ! - Bác thợ chụp ảnh lắc đầu tỏ ý không bằng lòng – Thế mà cũng gọi là chó trinh sát!? Lại có bằng hẳn hoi nữa chứ! Mày chỉ đáng cho đuổi mèo thôi chứ không thể tìm dấu vết được! Thôi, đi về nhà đi! Thưa đồng chí giáo sư, xin ông rộng lòng thứ lỗi cho tôi đã quấy rầy.
Bác thợ chụp ảnh ngượng ngùng cúi chào và định bước đi về phía cửa. Nhưng đến đây Dzhek tựa như phát khùng lên. Nó dùng răng cắn vào quần của chủ nó rồi tỳ chân vào sàn ván ghép trơn bóng, lôi lại cái bàn.
Bác mập kinh ngạc:
- Mày làm sao thế này!
Dzhek sủa rít lên rồi lại bắt đầu chạy quanh bàn, sau đó nhảy lên cái đi văng đặt trước cửa sổ bỏ ngỏ. Đặt chân trước lên bậu cửa, nó sủa lên từng hồi ngắn.
Bác Smit nổi nóng:
- Tubo! Lại đây! – Bác quát lên, nắm lấy dây buộc chó. Nhưng Dzhek bướng bỉnh lắc đầu và lại lao đến cái đi văng.
- Tôi chẳng hiểu gì cả! - Bác thợ chụp ảnh giang tay ra nói.
- Có thể có chuột dưới đi văng chăng? – Giáo sư cố thử đoán – Hay có mẩu bánh mì hoặc cục xương? Tôi cũng hay ăn trưa ở đây lắm!
Ông bước lại đi văng và đẩy nó ra khỏi tường. Sau lưng đi văng có cái gì đó sột soạt rồi rơi “bộp” xuống sàn.
- Mẩu bánh mì! – Giáo sư nói.
Dzhek lao về phía trước. Nó chui vào giữa bức tường và cái đi văng đã được kéo dịch ra, ngoe nguẩy đuôi dường như đã ngoạm được cái gì đó vào mõm.
- Nào, nhặt được cái gì thế? Cho xem nào! – Bác thợ chụp ảnh kêu lên.
Dzhek bước lùi lại, lúc lắc đầu, quay ngoắt lại phía chủ đặt vào chân ông chiếc xăng đan trẻ con đã mòn vẹt gót.
Bác thợ ảnh bối rối xoay xoay vật tìm được trong tay.
- Hình như là chiếc giày trẻ con...
- Hừ... lạ thật! – Giáo sư nói, ngắm nghía chiếc dép.
- Lạ quá chừng!
Trong khi họ loay hoay với chiếc dép trong tay, Dzhek lôi ở phía đi văng ra thêm ba chiếc dép nữa: một chiếc cũng như vậy và hai chiếc nhỏ hơn.
Không hiểu sao cả, giáo sư và bác mập hết nhìn nhau lại ngó những chiếc xăng đan. Bác Smit gõ tay vào đế dép cứng của một chiếc dép, không hiểu sao lại nói:
- Chắc thật! Dép tốt quá!
Trong khi đó Dzhek lôi tiếp từ sau đi văng chiếc quần cụt xanh dương rồi lại thêm một chiếc quần cụt nữa. Lấy chân đè xuống sàn, nó khẽ sủa lên.
- Lại còn cái gì nữa thế này? – Giáo sư hoàn toàn bối rối.
Ông cúi xuống định thò tay với chiếc quần, nhưng Dzhek nhe răng gầm gừ làm cho giáo sư vội rụt tay lại.
- Sao nó khó tính thế! – Giáo sư ngượng ngùng nói.
- Vâng, con chó của tôi không được lịch sự lắm! – Bác thợ chụp ảnh đồng ý.
Bác cầm lấy những cái quần cụt, rủ chúng rồi gấp lại, cẩn thận trao cho giáo sư.
- Xin mời ông xem!
Giáo sư liếc nhìn Dzhek.
- Không, không cần! – Ông nói – Thế này tôi cũng thấy được rồi... Ơ phải rồi... Phải rồi... Có dấu đây!... “V” và “K”. Valia và Karik! – Ông lấy tay sờ những chữ màu trắng trên thắt lưng quần cụt.
Bác mập vuốt mồ hôi trên mặt.
- Trong nhà có phòng tắm không ạ? – Bác hỏi.
- Không, - Giáo sư nói – Không có phòng tắm! Nhưng nếu ông cần rửa tay thì...
- Không ạ! – Bác mập đỏ mặt – Rửa tay thì tôi về nhà rửa cũng được. Nhưng tôi nghĩ rằng các cháu cởi quần áo và đang tắm trong phòng tắm. Bác hiểu không ạ?
- Vâng, tôi hiểu ý bác rồi. – Giáo sư gật đầu.
- Nhưng chúng biến đi đâu được? Trần trụi... Không mặc cả quần cụt... Không đi cả xăng đan? Tôi chẳng hiểu gì cả! – Bác Smit giang tay ra nói.
Bác xoạc rộng hai chân, chắp tay sau lưng, cúi đầu xuống ngắm nghía thật lâu các ô vuông màu vàng của sàn gác gỗ, sau đó bác đứng thẳng dậy và nói đầy tự tin.
- Không sao, chúng ta sẽ tìm thấy chúng bây giờ. Chúng ở đây thôi giáo sư ạ. Dẫu cho chúng trốn, nấp ở đâu đó! Ông cứ tin chắc, chú Dzhek của tôi không bao giờ nhầm cả.
Giáo sư và bác thợ ảnh đi khắp các căn phòng, ngó vào bếp, thậm chí xem xét cả phòng xếp làm kho tối om. Dzhek uể oải đi theo họ.
Ở phòng ăn, bác mập mở tủ búp phê, chui đầu xuống cả gầm bàn, còn ở phòng ngủ bác quơ tay xuồng gầm giường. Nhưng bọn trẻ không thấy có trong nhà.
- Chúng trốn ở đâu được nhỉ? – Bác thợ ảnh làu bàu.
- Theo tôi, – Giáo sư nói – Hôm nay chúng chưa đến đây.
- Ông nghĩ vậy ư? – Bác Smit trầm ngâm hỏi lại – Ông nghĩ rằng chúng đã không có ở đây? Còn mày thì sao hả Dzhek? Chúng ở đây hay không?
Dzhek sủa lên.
- Ở đây ư?
Dzhek sủa lên lần nữa.
- Nào, thế thì tìm đi! Tìm đi chú chó ạ!
Dzhek lập tức trở nên vui vẻ. Nó lao trở lại và dẫn giáo sư và bác Smit vào phòng làm việc.Ở đây nó nhảy lên bậu cửa bắt đầu sủa ầm ĩ và rít lên tự như muốn làm chủ nó tin rằng bọn trẻ đã qua cửa sổ đi khỏi căn nhà.
Bác Smit bực mình.
- Ôi chao đồ ngu, chó ơi là chó! Chẳng lẽ mày nghĩ rằng bọn trẻ nhảy xuống sân từ gác năm? Hay là chúng đã bay đi như ruồi hoặc chuồn chuồn?
- Cái gì? – Giáo sư bỗng run lên – Bay đi ư? Con chuồn chuồn nào cơ chứ?
Bác thợ ảnh mỉm cười.
- Đấy là chú Dzhek của tôi nghĩ vậy.
Giáo sư hai tay ôm lấy đầu.
- Kinh khủng quá! – Ông thì thầm.
Bác thợ ảnh kinh ngạc nhìn ông và hỏi:
- Ông làm sao thế? Ông hãy uống đi một ngụm nước! Trông ông tái xanh ra kìa.
Bác định bước lại bàn trên có bình nước. Nhưng giáo sư bỗng la lên như đi chân trần dẫm phải thanh sắt nung.
- Khoan đã, khoan đã!
Bác thợ ảnh hoảng sợ đứng chết lặng tại chỗ.
Giáo sư nhanh nhẹn với tay lên bàn chụp lấy cái ly có chất lỏng không màu, vội vàng giơ nó lên trước mắt soi lên ánh sáng. Sau đó ông nhanh nhẹn cho tay vào túi áo lấy ra một cái kính lúp có cán bằng xương và gọi bác Smit:
- Bác đừng có động đậy! Xin bác đừng động đậy! Và bác hãy giữ con chó cho chặt hơn nữa. Tốt nhất là ôm nó trên tay! Xin bác hãy nghe lời tôi.
Bác mập hoảng sợ ngơ ngác nhìn giáo sư, không hỏi thêm ông điều gì, bồng con chó lên áp mặt nó vào bụng.
“Có lẽ ông già phát điên rồi!” – bác nghĩ.
- Bác cứ như vậy nhé! - Giáo sư kêu lên.
Tay cầm kính lúp và bò sát mặt đất, ông bắt đầu chăm chú xem xét từng ô vuông trên sàn nhà.
- Thưa giáo sư! Tôi phải đứng như thế này trong bao lâu nữa? – Bác thợ ảnh rụt rè hỏi, lo lắng theo dõi những cử động khác thường của giáo sư.
- Bác hãy để chân lên đây! – Giáo sư kêu lên vừa chỉ tay vào những ô vuông gần nhất trên sàn gỗ.
Bác Smit vụng về đặt chân lên và giữ chặt con chó trong lòng đến nỗi nó nghẹt thở khẽ rít lên.
- Im đi! – Bác Smit thì thầm, sợ hãi theo dõi giáo sư
- Bây giờ thì đến chân kia! Bác hãy đặt lên đây!
Bác mập ngoan ngoãn tuân theo.
Cứ như vậy, từng bước một giáo sư dẫn bác thợ ảnh ngạc-nhiên-không-thốt-nên-lời ra tới cửa.
- Còn bây giờ, - Giáo sư nói, mở rộng cánh cửa ra – Còn bây giờ tôi xin bác hãy về đi.
Cánh cửa sập lại ngay trước mũi bác Smit.
Ổ khóa Pháp kêu lách cách. Bác mập thả chú Dzhek ra lao xuống cầu thang bỏ rơi cả dép, vừa thở hổn hển chốc chốc lại ngoái lại. Dzhek chạy theo sau và sủa vang.
Họ chạy như vậy tới đồn công an.
Buổi chiều, một chiếc xe ô tô có vạch đỏ ở bên sườn đi vào sân nhà. Vài chú công an nhảy ra khỏi xe, gọi người quét sân, rồi leo lên tầng năm nơi giáo sư Enotov sống.
Nhưng giáo sư không có nhà.
Trên cửa của ông có treo mẩu giấy gắn bằng đinh ghim sáng loáng.
“Đừng tìm kiếm tôi, vô ích! Giáo sư I.G. Enotov”