Lời Dẫn

C
hủ đích của cuốn sách này là để dẫn chứng những điều đức phật và chư vị Bồ Tát đã nói cách đây trên 25 thế kỷ mà bây giờ khoa học mới dần dần khám phá ra.
Thứ hai, trình bày những khám phá mới của hoa hoc về lãnh vực Khoa học, Thiên văn, Vật lý, Y học, Nhân chủng học v…v...
Thứ ba, thắp sáng đuốc tuệ của Phật để duy trì ngôi Tam Bảo vĩnh cữu ở thế gian.
Tu hành là phá Ngã chấp cũng như Jean Paul Sartre đã nói, "Le moi est haïssable" (Cái tôi thật đáng ghét!). Vì vậy, những điều tôi nói về "cái tôi đáng ghét" này không phải để "đánh bóng" nó mà chỉ có ý trình bày với quý vị rằng Phật pháp thật nhiệm mầu đối với những ai có thành tâm, thiện chí hồi đầu theo Phật.
Hồi còn nhỏ đi học, tôi rất dốt về Toán, Lý Hóa. Dốt đến nỗi giải phương trình không được, lấy bút sắt đâm vào tay đến chảy máu. Khi thành niên, cũng vì "kỵ" Toán, Lý, Hóa nên phải học Văn Khoa.
Về tu đạo tôi tự ví mình như một Phật tử "mất gốc" vì mãi đến năm 63 tuổi mới tìm về đạo Phật. Ðọc kinh sách trong hai năm cùng những sách báo Mỹ nói về Thiên văn Vật lý, tôi ngạc nhiên thấy những điều chư Phật và chư Bồ Tát đã dạy cách đây trên 25 thế kỷ bây giờ thấy đúng sự thật.
Ðó là lý do thứ nhất tôi mạnh dạn viết cuốn sách này.
Lý do thứ hai là để nhắc lại lời Phật dạy rằng chúng ta không bao giờ tìm được thực tại cuối cùng của sự vật.
Ít nhất có hai vị khoa bảng đã ái ngại cho tôi dám làm công việc này bởi vì:
"Tri giả bất ngôn, ngôn giả bất tri", nghĩa là, "Người biết không nói, người nói không biết".
Tôi thuộc loại thứ hai vì không biết mà dám nói.
Cũng vì lẽ đó, có một lần tôi hỏi pháp một bậc tri thức, Ngài nói có hai tiếng rồi ngồi im.
Rồi:
"Bốn mắt nhìn nhau
Chẳng nói một câu!"
Thế mới biết lời nói của quý Ngài là vàng ngọc!
Ðã là Phật tử, ai cũng có ước vọng hoằng dương Phật pháp. Người có hằng sản thì lo việc tô tượng, đúc chuông, xây chùa, bố thí, cúng dàng v.v... Kẻ có hằng tâm thì lo làm pháp thí. Ðó là bổn phận tối thượng của người Phật tử đối với Tam Bảo.
Trên một năm qua, mặc dầu với cái tuổi 73 bệnh họan và lãng trí; nhưng khi viết sách, tôi thấy trí tuệ thông suốt lạ thường. Tôi nghĩ rằng chư Phật và chư vị Bồ Tát đã ban cho tôi trí huệ để làm công việc pháp thí này.
Hồi mới khởi tu, đọc kinh Lăng Nghiêm cùng những kinh Ðại thừa khác, tôi có hiểu Giáp Ất gì đâu? Nhưng nhờ các băng giảng của các vị tu sĩ và cư sĩ - nhất là cụ Nghiêm Xuân Hồng - tôi dần dần liễu tri những cái ách yếu của đạo Phật. Cụ Hồng dạy mỗi khi không hiểu kinh, nên khấn nguyện như sau:
"Xin Ðức Thế tôn, Tôn giả A Nan, Bồ Tát Long Thọ và Văn thù Sư lợi ban cho con trí huệ để hiểu kinh đặng nói Pháp cho người khác nghe."
Tôi đã làm và thấy có ứng nghiệm. Vậy quý vị hãy làm thử xem sao? Kinh dạy:

"Năng lễ Sở lễ tánh không tịch

Cảm ứng đạo giao nan tư nghì."

Người lạy Phật và Phật đều cùng một bản thể nên không có Năng (Người lạy) và Sở (Phật). Nói một cách khác, chủ thể và đối tượng là một nên không có đối đãi. Vì đạo là Tâm nên sự cảm ứng không thể diễn tả bằng ngôn từ được.
Ðức Ðại Thế Chí Bồ Tát nói rằng chư Phật và chư vị Bồ Tát thương chúng sinh như các con, nhưng vì các con cứ ngoảnh mặt đi thì mẹ biết làm sao được? Cũng như hai người đi ngược chiều thì bao giờ mới gặp được nhau? Chúng sinh không đoái hoài đến chư Phật thì làm sao có "Cảm ứng đạo giao nan tư nghì" được?
Trong cuốn Ðạo Ðức Kinh, Lão Tử đã viết:

"Ðạo khả đạo phi thường đạo

Danh khả danh phi thường danh"

Nếu là cái Ðạo đích thật phải là cái Ðạo tuyệt vời và thường hằng, không thể dùng ý niệm hay ngôn từ để diễn tả hết được mà chỉ được nhận thức qua cảm ứng.
Cũng nằm trong ý nghĩa này có câu:

"Ngôn ngữ đạo đoạn, Tâm hành, xứ diệt".

Khi đã hướng Tâm chiêu cảm, ý cũng hết và lời cũng cạn, ý và lời cũng cạn, ý và lời không thể diễn tả hết cái Tâm thành ấy được.
Kinh Lăng Nghiêm dạy, "Phàm hữu ngôn thuyết giai phi thực nghĩa", nghĩa là lời nói không có nghĩa thật.
Cũng vì vậy mà Ðức Phật đã dạy rằng, "Trong 49 năm thuyết pháp, ta không hề nói một lời nào."
Cũng có câu, "Ðức tin là mẹ thành công". Ðọc thiên kinh vạn quyển mà "bán tín bán nghi" thì dẫu có tu đến vô lượng vô kiếp sẽ không đắc quả cũng như muốn "nấu sạn thành cơm" vậy.
Ðể chấm dứt Lời Dẫn này, theo chiêm nghiệm của ông già 72 tuổi, Phật pháp thật mầu nhiệm vì nhờ đó mà tôi đã dám viết về những lãnh vực chưa biết đến hoặc chỉ có đôi chút kiến thức. Nhưng vì hết lòng tin tưởng ở Phật pháp và có thiện ý muốn làm Pháp thí nên chư Phật và chư vị Bồ Tát đã ban cho tôi trí huệ để viết nên cuốn sách này.