Giới Thiệu

Hải Thượng Lãn Ông là tên hiệu của Lê Hữu Trác, một nho gia và danh y Việt Nam vào cuối đời Hậu Lê. Ông sinh năm 1721, người xã Liêu xá, huyện Đường Hào, trấn Hải Dương (nay thuộc phủ Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Ông thuộc dòng dõi một gia đình có nhiều đời đại đăng khoa. Cha và chú đều đỗ tiến sĩ và làm quan đến đại thần. Lúc còn trẻ, ông đã nổi tiếng hay chữ. Đến năm 20 tuổi, gặp buổi nhiễu nhương, chúa Trịnh Giang độc đoán, giặc giã nổi lên khắp nơi, ông quyết định xếp bút nghiên theo việc đao cung. Đang ở trong quân ngũ, ông phải về quê ngoại là huyện Hương Sơn (thuộc tỉnh Hà Tĩnh bây giờ) để thay người anh thứ năm phụng dưỡng mẹ già. Tại Hương Sơn, ông mắc phải một chứng bệnh dai dẳng, may nhờ một y sĩ họ Trần cứu chữa. Từ đó, ông quyết định rời bỏ quan lộ, dốc lòng nghiên cứu y học, trở thành một y sĩ có tiếng. Ông mở trường dạy y học và ra công trước tác một bộ sách y khoa đồ sộ: Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh. Năm 1782, ông được quan Chính Đường (Huy Quận Công Hoàng Đình Bảo) tiến cử lên kinh đô chữa bệnh cho Thế Tử Trịnh Cán (con chúa Trịnh Sâm và Tuyên Phi Đặng Thị Huệ). Tuy việc chữa bệnh không thành, ông đã phải ở kinh đô trong khoảng một năm. Cũng may là ông về nhà kịp trước khi xảy ra loạn Kiêu Binh, mở đầu một thời kỳ đại loạn trong lịch sử Việt Nam, kéo dài đến năm 1802 mới chấm dứt. Sau khi về, ông ghi lại những điều mắt thấy tai nghe tại kinh đô trong cuốn tùy bút “Thượng Kinh Ký Sự”. Sách này thường được in trong phần phụ lục của Y Tông Tâm Lĩnh. Ông mất năm 1791.
Trong văn học lịch triều, đây là một thiên tùy bút hiếm có. Các nhà nho xưa ít khi nói về mình. Nhưng trong cuốn này, tác giả đã không ngại để cái “Tôi” đóng một vai trò quan trọng. Ngoài ra, ông còn ghi lại những bài ngâm vịnh cùng nhiều danh sĩ tại kinh đô. Vào năm 1924, bản dịch của Nguyễn Trọng Thuật đã được đăng trong Nam Phong Tạp Chí. Chúng tôi xin trích nhiều đoạn trong bản dịch của Ứng Nhạc Vũ Văn Đình (Nhà Xuất Bản Văn Học, Hà Nội, 1993). Cuốn sách được viết theo thể nhật ký, không chia chương mục. Chúng tôi xin lược bỏ nhiều bài ngâm vịnh và chia cuốn Thượng Kinh Ký Sự thành những chương sau đây:
Lên Đường
Đến Kinh Thành
Chẩn Bịnh Thế Tử
Dọn Nhà
Họa Thơ
Nhớ Nhà
Gặp Bạn Cũ
Tiễn Bạn
Chữa Bịnh tại Kinh Thành
Viếng Chùa Trấn Quốc
Tái Ngộ Cố Nhân
Thăm Làng Cũ
Thăm Bịnh Chúa Trịnh Sâm
Chữa Bịnh Không Thành
Về Nhà