Dịch giả: Tuấn Đô
Tiểu dẫn
Nguyên tác Tiếng Pháp: L' Avare ( 1668)

Lão hà tiện diễn lần đầu ngày 9 tháng chín năm 1668 trên sân khấu của Hoàng cung (Palais - Royan). 
Molie sắm vai Arpagông. Lúc đầu, công chúng có vẻ không hoan nghênh lắm. Khán giả đã quen với cái ước lệ là vở kịch, dù bi kịch (tragédic) hay hỷ kịch (comédie), đều phải viết bằng văn vần, còn văn xuôi chỉ dành cho loại hài kịch (farce) và những trò hề bouffonnerie. Chính Môlie trước đó cũng vẫn tôn trọng ước lệ này và hầu hết những vở hỷ kịch dài của ông dài đều viết bằng văn vần (như Gã Tactuyf, Kẻ ghét đời, Trường học làm vợ, v.v...). Bỗng nhiên thấy một vở hỷ kịch năm hồi viết bằng văn xuôi, khán giả có phần nào bị ngỡ ngàng, nên tỏ thái độ e dè lạnh nhạt. Vở hỷ kịch năm hồi đầu tiên mà Molie viết bằng văn xuôi, là Đông Juăng (1665), cũng đã bị thất bại, và theo nhà văn hào Voute (thế kỷ XVIII) thì chính là vì vở ấy đã viết bằng văn xuôi.Bây giờ đến vở Lão hà tiệntẻ đó.
Một lý do nữa khiến cho công chúng của khu Hoàng - cung không được thỏa mãn, là nội dung buồn thảm của vở kịch, vốn là hỷ kịch, đáng lẽ phải làm vui cho người xem như những vở kịch trước của Môlie, mặc dầu tác giả cho ta thoáng thấy những cái xấu xa của con người, nhưng bao giờ ông cũng vẫn đem cái tài hoạt bát của người viết kịch vui để che giấu cái vẻ đáng buồn của cuộc đời. Nhưng vở này lại khiến cho người ta não lòng trông thấy cảnh gia đình Arpagông, bố thì ham mê tiền bạc một cách cực kỳ ích kỷ tàn nhẫn, con cái thì do tính xấu của bố xui nên hoang phí, hỗn hào đối với người bố không còn là bố nữa; ngoài ra không có một nhân vật nào đáng gọi là chính diện, làm cho người ta vui lòng được thấy con người tốt đẹp, để quên cái ấn tượng não nùng kia. Công chúng đến với Môlie chờ đợi được cười no nê thỏa thích như mọi khi, thì lần này không được mãn ý, nên tỏ vẻ lạnh nhạt. Từ ngày 9 tháng chín đến ngày 9 tháng mười, vở kịch chỉ được diễn có chín buổi.
Nhưng dần dần về sau nội dung sâu sắc và giá trị nghệ thuật chân chính của vở kịch đã khắc phục được sự lãnh đạm của công chúng, và từ buổi tái diễn ngày 14 tháng mười hai năm 1668 đến ngày Môlie mất (17-2-1673), vở kịch đã được diễn đến bốn chục lần. Cho đến ngày nay, Lão hà tiện là một trong những vở kịch của Môlie được công diễn nhiều nhất, và được các nhà phê bình văn học trên toàn thế giới coi là một trong những tác phẩm lớn nhất của Môlie ( Molière )
Người ta thường nói đến nguồn gốc của vở kịch này và xác định rằng Môlie đã vay mượn đề tài của nhiều tác giả khác, đặc biệt là hỷ kịch Cái niêu (1) của Plôt (Plaute), nhà viết kịch lớn của La - mã cổ đại (250 - 184 tr. J.C). Cần phải nói ngay rằng vay mượn cốt chuyện hoặc một vài tình tiết của cổ nhân, hay cả của người đương thời đi nữa, hồi đó là một việc bình thường, không gây thành chuyện xôn xao gì lắm miễn là tác giả có đem lại được phần sáng tạo độc đáo của mình, mà về điểm này thì rõ ràng là Môlie đã đem vào tác phẩm Lão hà tiện phần sáng tạo độc đáo sâu sắc.
Môlie mượn đề tài của Plôt. Nhưng nhà văn La - tinh chỉ kể câu chuyện một người nghèo bỗng bắt được một cái niêu đầy vàng, không dám tiêu pha, chỉ nghĩ chuyện đem chôn giấu và luôn luôn lo lắng nghi ngờ, chỉ sợ có người lấy trộm, vì bao lâu nay nghèo khổ, có bao giờ có nhiều vàng trong tay như vậy. Đến
khi hắn đứt lòng cho con gái cái niêu vàng đó làm của hồi môn, thì hắn khỏi được bệnh lo ngại băn khoăn. Câu chuyện gần giống như ngụ ngôn Anh thợ đóng giày và nhà tài phú (Le Savetier et le Financier) của La Fôngten, và Plôt không hề nghĩ đến sự mô tả sâu sắc thói hà tiện keo bẩn, không tả lòng ham mê tiền bạc của người tích luỹ làm giàu, mà chỉ tả nỗi khắc khoải lo âu của kẻ bỗng nhiên vớ được món tiền to bất ngờ. Trái lại, tác phẩm Môlie đã hướng sang một trọng tâm khác: vẽ nên điển hình của người hà tiện, mô tả tính hà tiện trong tất cả cái vẻ lố bịch chê cười, cái mặt xấu xa khả ố nhất và ghê gớm nhất của nó. Arpagông không phải chỉ là con người hà tiện trong văn học cổ, chỉ biết khư khư ôm ấp đống vàng, hắn là một tay tư sản giàu sụ của thời đại, đương tích cực tìm mọi phương kế kiếm cho thật nhiều tiền để tích luỹ, một tên cho vay nặng lãi của thời đại mới, đem đồng tiền sinh lợi, và ham lợi đến quên cả bổn phận làm cha, mất cả tình máu mủ và mất cả tính người, trở nên điên rồ và lố bịch. Hắn sống một cách trưởng giả, như những anh tư sản của thời đại, có xe, có ngựa, có kẻ hầu người hạ, có gia nhân mặc chế phục như ở những nhà đại gia, nào mụ hầu phòng, nào anh đánh xe, nào đầu bếp, nào quản gia, rồi cũng "túng tắng yêu đương", cũng tiệc tùng khách khứa, cho có thể diện, song tất cả những cái đó chỉ có mẽ ngoài, nhìn vào bên trong thì thấy tất cả tính chất đê tiện xấu xa của con người hà tiện, keo bẩn. Nhân vật Arpagông, với tính cách phức tạp của nó, đã trở thành nhân vật điển hình của người hà tiện, tiêu biểu cho lòng ham vàng của người tư sản tích lỹ đương hình thành ở thời đại đó. Qua nhân vật ấy, Môlie đã mô tả được những nét điển hình của con người tư sản của thời đại, bằng một ngòi bút châm biếm sâu sắc, đả kích cay độc, và một thái độ khinh ghét vô cùng quyết liệt, khiến cho vở kịch của ông có một ý nghĩa xã hội rất lớn và một giá trị đạo đức rất cao.
Bên cạnh nhân vật chính ấy, còn có những nhân vật phụ, trong số đó có hai nhân vật mà Môlie đã mô tả với một nét bút khá đậm đà, để hoàn thành bức tranh gia đình Arpagông, với tất cả ý nghĩa chua chát của nó: đó là Clêan và Êly, hai người con của Arpagông. Hai người đều có một mối tình yêu thắm thiết: Clêan thì yêu cô Marian, mà bố định lấy, đến nỗi thủ tiêu cả tình nghĩa cha con của cả đôi bên; Ely thì yêu Vale, nhưng bị bố ép gả cho một ông già (vì ông này có của và không đòi hồi môn), và đã đương đầu với bố già mồm miếng một miếng hai, chẳng ra thể thống gì cả. Chính sự mô tả hiện thực tính cách những người con của Arpagông, đã tập trung hoàn thành bức tranh gia đình tên hà tiện, đã là lời tố cáo danh thép, đầy đủ và trung thực, vạch tội lòng ham vàng của giai cấp tư sản, nó đã thủ tiêu cả mối quan hệ thiêng liêng nhất của con người, và làm cho gia đình tư sản trở nên một gia đình mà đồng tiền đã phá hoại cả đến tình nghĩa cha con, một sự thực mà sau này xã hội tư sản không ngừng xác minh. Do đó vở kịch có một ý vị triết lý thâm trầm và thấm thía.
Mặc dầu tính chất hơi giả tạo của tình tiết và nhất là của đoạn kết, Lão hà tiện là một trong những kịch kiệt tác của Môlie, có một địa vị ưu việt trên văn đàn thế giới, do bức tranh sắc nét và đậm đà của tác giả vẽ nên điển hình của tên hà tiện và gia đình của hắn.

TUẤN ĐÔ