Dịch giả : Lê Kim
Chương 1
Luỹ tre làng cản ngang tầm mắt
Nguyễn Phương Thảo rời Bắc vô Nam

 
Trời mưa rả rích lê thê, gió thổi từng cơn hắt những giọt mưa rơi từ mái tranh vô nhà, mang theo khí lạnh ẩm ướt. Thảo ngồi co ro nơi trường kỷ: lắng nghe tiếng mưa rơi cùng tiếng ếch nhái ngoài đồng.
Trong nhà im lặng như tờ. Cha anh đi vắng, mẹ anh ngủ vùi sau một ngày lao động vất vả. Chỉ có một mình anh ngồi đối diện với ngọn đèn dầu. Cha mẹ anh có năm người con bốn trai, một gái, anh cả làm thông phán Bưu điện ở Hải Phòng. chị thứ hai lấy chồng ra riêng, anh thứ ba cưới vợ cũng ra riêng.
Thảo thủ tư và người em út kém anh vài tuổi. Thảo sinh năm 1908, nhằm năm Mậu Thân, năm nay mười bẩy, đang học năm thứ hai trường học ở Hải Phòng.
Giữa niên học, Thảo bỗng đổi ý. Thay vì cố học để sau này làm công chức như anh Cả, Thảo lại thích dấn bước giang hổ. Tuổi trẻ thích bay nhảy. Những chân trời vẫy gọi vô cùng quyến rũ.
Bên ngoài trời vẫn mưa rả rích, ếch nhái ván tấu bản nhạc đồng quê buồn muôn thuở. Thảo càng thêm cương quyết. Không thể chôn chân nơi chốn chiêm khê mùa thối này mãi, phải lên đường tìm tương lai.
Nam Kỳ là đất dụng võ của những kẻ quyết chí lập thân. Hôm nay Thảo về quê Yên Phú để xin phép cha mẹ. Anh biết trước cha sẽ không bằng lòng và sẽ khuyên anh không nên “thả mồi bắt bóng” như chó ngoạm miếng thịt chạy qua cầu trong sách Quốc văn giáo khoa thư. Nói làm sao đây để thuyết phục cha cho anh ra đi tìm chán trời mới? Khó lắm! Cách hay nhất là biên thư để lại. Khi cha đọc thư thì anh đã xuống tàu ra khơi.
Chiếc tàu Pélican của hãng Messagenés Maritimes nhổ neo từ từ tách bến. Thảo lâng lâng như uống mấy cốc rượu. Đàn hải âu bay lượn sau lái tàu là hình ảnh khắc sâu trong tâm hồn chàng trai lần đầu tiên lao vào kiếp phiêu lưu vô định. Thảo đặc biệt chú ý một con hải âu nhỏ nhất. đang xòe đôi cánh tơ mềm trong gió lộng, có lẽ nó mới rời tổ ấm để thử sức lần đầu. Cũng như mình. háo hức, tràn đầy khát vọng. Tự nhiên Thảo ví mình với chú hải âu đáng yêu ấy.
Sau mấy ngày lênh đênh trên biển, tàu cập bến Nhà Rồng, anh thợ giặt ủi bất đắc dĩ bắt tay từ biệt các bạn thuỷ thủ bước xuống Khánh Hội. Trước mắt anh, một cảnh tượng vui mắt: Tây, Tà, Chà, Chệt, người thì đủ sắc, xe thì đủ loại, xe hơi, mô tô, xe kéo, xe ngựa... Thảo xách gói hành lý nhỏ theo dòng người đi về chợ Bến Thành. Qua cầu Móng, đã thấy phố xá đông vui. Sài Gòn sầm uất hơn Hải Phòng của anh nhiều. Thảo đi về phía chợ, một biệt thự xuất hiện nguy nga tráng lệ như nhà Tây. Hỏi mới biết là nhà chú Hoả, một người Tàu giàu nhất Sài Gòn - Chợ Lớn. Theo chỉ dẫn của người bạn, Thảo tìm đến một nhà trọ ở trong hẻm gần nhà ga xe lửa. Ở đó anh được chủ nhà cho mượn ghế bố nghỉ trưa và nghỉ đêm. Cơm ngày hai bữa dọn chung cho tất cả mọi người ở trọ thuộc nhiều giới: thầy ký công tư sở, thanh niên học nghề. Mỗi mâm bốn người. Nhà nấu cơm tháng này chứa khoảng mười hai người, giá cả rất vừa túi tiền giới bình dân. Thảo rất vừa ý nơi này. Anh có đủ tiền để ở trọ lại đây trong một tháng thời gian vừa phải đi tìm việc làm. Hàng ngày anh thả rong khắp phố phường khám phá thành phố mà Pháp hãnh diện gọi là Hòn ngọc Viễn Đông. Phương tiện đi lại rất dồi dào: xe điện, ô tô buýt, xe thổ mộ. Thảo thích ngồi vắt vẻo trên xe thổ mộ. Tiếng móng ngựa gõ lộc cộc xuống đường nhựa nghe hay hay, thỉnh thoảng anh xà ích tra cán roi vô căm tạo âm thanh giòn giã như một bản nhạc độc đáo của Sài Gòn. Thảo đi khắp nơi: Chợ Cũ, Cầu Muối, Cầu ông Lãnh, Cầu Kho, Chợ Quán, Chợ Lớn, Bình Tây. Đi xe điện cũng có cái thú của nó. Thảo thích ngồi ngắm thành phố chạy dài theo đường xe điện, ngồi ăn bánh mì ngọt thơm bơ gọi là bánh croissant, vừa thưởng thức mùi vị ngọt ngon vừa ngắm cảnh, còn vui thú nào hơn. Về đêm, những ánh điện sáng xanh với tiếng chuông leng keng mỗi khi qua các ngã tư đường là hai nét độc đáo của xe điện mà Tây gọi là “tramway” mượn của người Anh...
Cảnh chỉ là phụ, người mới là chánh. Thảo có óc quan sát về sinh hoạt của thành phố. Tất nhiên anh quan tám trước nhất là cộng đồng người Bắc lập nghiệp trong Nam. Số này ở từng nhóm theo tập quán phố phường của Hà Nội. Ngành da tập trung mấy dãy phố đường Đết-pan. Ngó qua vách Khám Lớn, ngành tơ lụa chiếm một khúc đường Catinat(1) là một trong những khu sang trọng nhất. Ở dưới dốc cầu Kiệu gầu chợ Phú Nhuận là nơi hành nghề của các chị em cô đầu, trước nhà có gắn đèn xanh đỏ và bên trong vang lên tiếng đàn tiếng ngâm “Hồng Hồng, Tuyết Tuyết, mới ngày nào có biết cái chi chi...”
Còn cộng đồng người Tàu thì nắm trọn ngành thương nghiệp. Hầu hết các dãy phố trong Chợ Lớn đều do người Tàu mở tiệm buôn và ăn uống, từ bình dân như mấy tiệm Băng Gia bán hột gà chưng cho tới các nhà hàng sang trọng như Ngọc Lan Đình, Đại La Thiền.
Người Tàu và người Bắc có một điểm giống nhau là tình đoàn kết của những kẻ tha phương cầu thực. Người Tàu sống theo bang, Quảng Đông, Triều Châu, Phước Kiến, Hải Nam, Hẹ v.v... Quảng Đông buôn bán lớn, Hải Nam mở quán nước. Tiều làm rẫy, Phước Kiến dạy học... Thảo thích vô quán Tàu ăn cơm thố với thịt xá xíu, canh cải bẹ xanh nấu thịt hẩm và đập lên trên một quả trứng vịt nửa sống nửa chín. Hồi ở Hải Phòng, anh học chút ít tiếng Quảng Đông, nhờ vậy có thể nói chuyện với đám phổ ky vui tính thích trò chuyện với khách. Câu nói đầu môi của họ là hỏi: “Lị xức phàn chưa?”. Thảo ngẫm nghĩ và nẩy ra một ý nghĩ hay hay: chỉ những người biết đói khát mới quan tâm tới chuyện cơm nước, mới hỏi thăm cuộc sống của những người bên nhau. Những kẻ lưu lạc nghèo đói dễ gần nhau đúng như khẩu hiệu Thảo thường thấy trong báo Pháp lén lút đưa vô thuộc dịa “vô sản toàn thế giới, liên hiệp lại”.
Chú thích:
(1) D' Espagne nay là Lê Thánh Tôn. Catinat nay là Đồng Khởi.