Phần II

Tác giả - tác phẩm
Phần IV
Cốt lõi hiệp nghĩa

Mãi mãi truy cầu tinh thần nghĩa hiệp là một đặc điểm quan trọng trong tiểu thuyết của Lương Vũ Sinh. Ở điểm này ông không những chính thống mà còn bảo thủ, vì thế mà thường bị hiểu nhẩm, cho rằng ông rõ ràng là thuộc phái cũ, thậm chí không theo kịp sự phát triển của thời đại và sự thay đổi khẩu vị của độc giả.
Đây là một vấn đề khá phức tạp.
Bản chất trọng nghĩa của hiệp sĩ trong tiểu thuyết võ hiệp là điều đương nhiên, chí ít là trên phương diện lý luận. Trong tác yếu tố võ, hiệp, tình, kỳ của tiểu thuyết võ hiệp, hiệp đương nhiên là một yếu tố chiếm vị trí quan trọng.
Nhưng trong quá trình phát triển của tiểu thuyết võ hiệp, tình hình lại không như thế. Sự thay đổi tên gọi của tiểu thuyết võ hiệp cũng cho thấy điều đó. Tiểu thuyết hiệp nghĩa là tên gọi đầu tiên, rõ ràng khẳng định trọng điểm là hiệp nghĩa ; tiếp đó lại mạng tên gọi là tiểu thuyết võ hiệp ( là cái tên mà chúng ta đang dùng ở đây ), cái tên thứ hai này đã hàm ẩn một sự thay đổi vi diệu, tức đặt võ trước hiệp, hiệp đã lùi xuống vị trí thứ hai ( chú thích: thực ra, theo quy luật cấu tạo từ Hán ngữ, trong từ võ hiệpchữ hiệp quan trọng hơn, cũng như từ hiệp nghĩa thì chữ nghĩa quan trọng hơn - tức là: trong một từ ghép thì trọng tâm đứng sau ) ; nhưng sự tình vẫn chưa dừng lại, trong nói năng hàng ngày nhiều độc giả ( thậm chí cả tác giả ), lại xuất hiện tên gọi tiểu thuyết võ đả ( tiểu thuyết đánh võ. Tên gọi này cũng tương đương với tên gọi truyện chưởng ở miền Nam trước đây ) cũng như tên gọi phim võ trong điện ảnh. Trong những tên gọi này, đến cái bóng hiệp cũng không còn nữa.
Trong thực tế sáng tác của các tác gia, Truyền kỳ võ hiệp bị một số người viết thành truyện truyền kỳ có thêm đánh võ, mà bỏ quách tinh thần hiệp nghĩa ( tinh thần trọng nghĩa của hiệp sĩ ) Tình hình này ở phái cũ cũng có mà phái mới cũng có.
Trong tình hình ấy, Lương Vũ Sinh vẫn kiên trì giữ hiệp là chính, võ là phụ, thậm chí ông cho rằng thà rằng không có võ chứ không thể không có hiệp, võ chỉ là phương tiện, hiệp là mục đích. Thông qua thủ đoạn võ lực mà đạt tới mục đích hiệp nghĩa, điều này biểu hiện rõ ràng qua cá tính và phong cách độc đáo của Lương Vũ Sinh và tiểu thuyết của ông. Đương nhiên Lương Vũ Sinh không phải là người đầu tiên đề xướng tinh thần hiệp nghĩa ( Trong lịch sử Trung Quốc, người đầu tiên đề xướng tinh thần hiệp nghĩa là triết gia Mặc Tứ ( 468 - 376 TCN ) ; người đầu tiên viết về hiệp sĩ là sử gia Tư Mã ( 145 - 90 TCN ). Có thể xem thêm: Tư Mã - Thiên - Sử ký - Du hiệp truyện và thích khách liệt truyện ), nhưng kiên trì giữ đạo nghĩa của hiệp sĩ và quán triệt tinh thần ấy trong sáng tác - niềm tin, dũng khí và sự chân thành của Lương Vũ Sinh là đáng trân trọng. Và việc ông dựng nên phong khí hiệp nghĩa của một thời là điều đáng khẳng định.
Có lẽ người cho đây là một chứng cứ về sự thủ cựu của Lương Vũ Sinh. Thực ra đây là sự giữ vững quy phạm ( tức giữ vững quy phạm tinh thần của tiểu thuyết võ hiệp ) chứ không phải là thủ cựu. Bởi vì, đối với tinh thần hiệp nghĩa, Lương Vũ Sinh có quan điểm của mình trên cả 2 phương diện lý luận và sáng tác.
Ông nói:
.... Vậy thì, thế nào gọi là hiệp? Về điều này có nhiều kiến giải khác nhau. Quan điểm của tôi là: hiệp là hành vi chính nghĩa! Thế nào gọi là hành vi chính nghĩa? Về điều này cũng có nhiều quan niệm, tôi cho rằng: đem lại lợi ích cho nhiều người là hành vi chính nghĩa.
( Lương Vũ Sinh: Từ quan điểm văn nghệ, đánh giá tiểu thuyét võ hiệp - Chuyển dẫn từ La Lập Quần - Lịch sử tiểu thuyết vo hiệp Trung Quốc - Liêu Ninh Nhân dân xuất bản xã )
Ông lại nói:
Tập trung những phẩm chất tốt đẹp của con người ở tầng lớp dưới trong xã hội vào một tính cách cụ thể, khiến cho hiệp sĩ trở thành hoá thân của chính nghĩa, trí tuệ và sức mạnh ; đồng thời vạch trần sự hủ bại và bạo ngược của những nhân vật đại biểu của giai cấp thống trị và phản động, đó chính là tinh thần và tính điển hình của thời đại.
( Chuyển dẫn từ La Lập Quân: Lịch sử tiểu thuyết võ hiệp Trung Quốc ).
Hai đoạn văn trên là do chính Lương Vũ Sinh xác định và giải thích quan điểm của ông về tinh thần hiệp nghĩa nhân vật trong tiểu thuyết võ hiệp. Quan điểm này hiển nhiên là có sự khác biệt với truyền thống, có thể nói đây là một mô thức quan niệm mới mẻ. Lương Vũ Sinh không những luôn luôn nói vậy mà cũng luôn luôn làm vậy. Tinh thần trọng nghĩa của hiệp sĩ, là tinh thần căn bản trong tiểu thuyết Lương Vũ Sinh. Trong tác phẩm của ông, sự đối lập giữa hiệp nghĩa và tà ác không bao giờ mơ hồ. Về phương diện giá trị, sắc thái đạo đức của hiệp sĩ lớn hơn nhân tố cá tính, tinh thần lý tưởng của hiệp sĩ lớn hơn tính chất hiện thực của nó, ý nghĩa giáo dục được gửi gắm trong hình thức giải trí truyền kỳ.
Hiệp trong tiểu thuyết của Lương Vũ Sinh là những đại hiệp cống hiến và hy sinh cho lợi ích của nhiều người, tức là cống hiến và hy sinh cho Tổ Quốc, dân tộc và nhân dân. Đó là những hình tượng như đại hiệp Dương Văn Thông chiến đấu giúp đỡ dân tộc thiểu số ở xứ Hồi chống bọn bạo ngược, trong tác phẩm Táu ngoại kỳ hiệp truyện, như đại hiệp Trương Đan Phong gạt thù riêng vì nghĩa lớn, khảng khái xả thân vì quốc nạn, cứu giúp nhân dân v...v... Trong tiểu thuyết của mình, Lương Vũ Sinh đã xây dựng hàng loạt những hình tượng đại hiệp như vậy.
Sở dĩ tiểu thuyết Lương Vũ Sinh phải viết với khung lịch sử vì một lý do quan trọng tức là để tạo cho hình tượng đại hiệp trong tác phẩm một vũ đài lịch sử rộng lớn. Chỉ trên vũ đài lịch sử với những xung đột giai cấp, mâu thuẫn dân tộc gay gắt thì nhân vật chính trong tiểu thuyết võ hiệp mới biểu hiện được tinh thần hiệp nghĩa của họ. Những nhân vật hiệp nghĩa dưới ngòi bút Lương Vũ Sinh tuyệt đại là anh hùng yêu nước yê dân trong lịch sử, mà ít có những hiệp khách giang hồ thuần tuý. Đây chính là chỗ khiến cho tiểu thuyét của Lương Vũ Sinh vượt qua những tiểu thuyết hiệp nghĩa truyền thống, đồng thời đây cũng là chỗ khác biệt giữa họ Lương với những tiểu thuyết truyền kỳ đánh võ không rõ chính - tà đương đại.
Lấy tinh thần hiệp nghĩa làm mục tiêu hàng đầu và lý tưởng hình tượng hiệp sĩ - hình tượng hiệp sĩ là mô thức nhân cách đạo đức mới - rất dễ khiến cho người ta nghĩ đến khái niệm hoá, công thức hoá. Đây cũng chính là một vấn đề rất phức tạp trong tiểu thuyết Lương Vũ Sinh.
Nói nó phức tạp vì thực tình là như thế, đồng thời cũng muốn lưu ý các bạn không đọc hoặc không thích Lương Vũ Sinh không nên đơn giản hoá vấn đề này. Đã lý tưởng hoá thì dễ dẫn đến khái niệm hoá, điển hình hoá thì dễ dẫn đến công thức hoá. Tiểu thuyết Lương Vũ Sinh cũng có ít nhiều nhược điểm này.
Nói cụ thể, sự khắc hoạ hình tượng nhân vật chính trong tiểu thuyết Lương Vũ Sinh có 3 đặc điểm đáng chú ý:
1. Về loại hình nhân vật, chú ý là nổi bật khí chất cá tính của nhân vật.
2. Với tiền đề mô thức đó, chú ý miêu tả tính chất giáp ranh của nhân vật.
3. Trong nhân cách lý tưởng và mô thức đạo đức rất cố gắng miêu tả nhân tính chân thực.
Lương Vũ Sinh kiên trì giữ vững lý tưởng nghĩa hiệp, kiên trì mô thức nhân cách đạo đức đồng thời cố gắng khắc hoạ những cá tính rõ nét và hình tượng sinh động, để cho các nhân vật chính trong quá trình theo đuổi mục tiêu đại nghĩa luôn có biểu hiện thân phận trình độ, cá tính và khí chất của mình. Tác giả đã đặt nhân vật trong những mâu thuẫn xung đột phức tạp khiến cho họ có điều kiện trải qua những kinh lịch và biểu hiện những cá tính khác nhau. Ví dụ như Dương Văn Thông trong Tái ngoại kỳ hiệp truyện và Lăng Vị Phong trong Thất kiếm hạ Thiên Sơn tuy là huynh đệ đồng môn và cùng thực hiện sự nghiệp giống nhau, theo đuổi mục đích giống nhau, có lý tưởng đạo đức giống nhau nhưng mục đích giống nhau, nhưng cá tính họ hoàn toàn khác nhau. Dương Văn Thông thì nhiệt tình phóng khoáng mà Lăng Vị Phong thì trầm uất dè dặt. Trương Đan Phong trong Bình tung hiệp ảnh thì tự tin, hài hước, tài hoa ; mà Đoàn Khuê Chương trong Đại Đường du hiệp truyện thì cẩn thận, rụt rè khác hẳn với Trương Đan Phong. Mặc dù họ đều là những anh hùng đại hiệp xả thân vì nước, hết lòng vì dân nhưng tính cách, khí chất thì một người một khác. Lại chẳng hạn như 3 nhân vật chính trong Giang hồ tam nữ hiệp, tuy sánh vai hành hiệp nhưng khí chất và cá tính họ lại rất khác nhau. Lữu Tứ Nương có khí chất lãnh tụ, quả quyết mà cương nghị, nhiệt tình mà thâm trầm. Phùng Anh thì dịu dàng, sâu lắng, khí phách lỗi lạc hoạt bát. Phùng Lâm thì lại ngây thơ hoạt bát, vui vẻ nghịch ngợm, hơi có chút tà khí.
Thứ nữa, cái gọi là sự khác nhau về mô thức chính là tính chất giáp ranh là chỉ trong sáng tác tuy Lương Vũ Sinh giữ vững tinh thần hiệp nghĩa nhưng không cố chấp. Nếu cho rằng nhân vật chính trong tác phẩm của ông hoàn toàn lag nho giao mẫu mực, khuôn thước của đạo đức thì không đúng. Có các tác phẩm như Bạch Phát Ma Nữ truyện, Vân Hải ngọc cung duyên làm chứng.
Hình tượng Bạch Phát Ma nữ xứng đáng là nhân vật nổi tiếng nhất cũng là hình tượng thành công nhất trong tiểu thuyết của Lương Vũ Sinh. Vì nàng vốn là một đứa trẻ hoang dã cho nên vừa ngây thơ trong sáng, dám nghĩ dám làm lại vừa ra tay dữ dội vừa tình cảm sâu sắc si mê vừa cởi mở phóng khoáng lại vừa cố chấp. Bản tính tự nhiên ( hoang dã ), bản tính xã hội ( ma tính ) và phẩm chất lý tưởng ( nghĩa hiệp ) đã kết hợp một cách tự nhiên và xảo diệu ở nhân vật này. Coi nàng là một ma nữ một cách đơn thuần hay coi nàng là một hiệp nữ một cách đơn thuần, đều không thoả đáng. Nhìn bên ngoài, nhất là nhìn với con mắt thành kiến thì con người này tính tình dữ dằn hành vi không theo khuôn thước khiến người ta không sao hiểu nổi, rõ ràng là một Ma nữ. Nhìn sâu vào bên trong, với cái nhìn của chân nhân thì lại thấy con người này trong sáng ngây thơ, nhiệt tình chân thật, phẩm hạnh cao khiết, thực sự là một nàng tiên. Nói tóm lại đây, với tư cách của một chân nhân thì đây là một nhân vật có cá tính rất rõ, lại là một người tình bất hạnh, có số phận bi thảm. Điều thú vị là, hai nhân vật chính khác là Trác Nhất Hàng, đệ tử phái Võ Đang và Nhạc Minh Kha, đệ tử Hoắc Thiên Đồ, trong ấn tượng của chúng ta cũng không phải là hình tượng hiệp sĩ đơn thuần. Trác Nhất Hàng là thư sinh, công tử kiếm kẻ thất tình, tính cách ôn hoà mềm yếu ; Nhạc Minh Kha thì lại là quân nhân, vỗ sĩ kiêm kẻ lánh đời, tính cách khoát đạt và thô lỗ. Sự mềm yếu của Trác Nhất Hàng khiến chàng mất Luyện Nghê Thường, mất tình yêu và hạnh phúc. Sự thô lỗ của Nhạc Minh Kha khiến chàng chưa bao giờ coi trọng tình yêu của Thiết San Hô ; nhưng cái chết của Thiết San Hô khiến chàng đau khổ lánh đời. Sự lựa chọn của ba nhân vật Bạch Phát Ma nữ, Trác Nhất Hàng, và Nhạc Minh Kha đều không theo lẽ thường của hiệp sĩ mà theo đúng cảnh ngộ và sự phát triển của tính cách mỗi con người. Đây là chỗ bất ngờ và độc đáo của tiểu thuyết Bạch Phát Ma Nữ truyện.
Hình tượng Kim Thế Di trong Vân Hải ngọc cung duyên càng khác với những hình tượng hiệp sĩ thông thường. Con người này tính tình quá khích, dám nghĩ dám làm, vừa chính vừa tà, cũng là một trong những nhân vật thành công của Lương Vũ Sinh. Sự chuyển biến và phát triển tính cách của nhân vật này là một trong những đoạn thành công nhất trong tiểu thuyết của ông. Bởi thế nhiều người coi Vân hải ngọc cung duyên là mộ tác phẩm lạ của Lương Vũ Sinh. Những điều ấy đủ để chứng tỏ rằng không thể đánh giá tiểu thuyết Lương Vũ Sinh 1 cách đơn giản.
Bà là, tuy trong tiểu thuyết của Lương Vũ Sinh thiện ác phân minh nhưng cũng có những vùng giáp ranh và vùng trung gian. Ngoài sự đánh giá về đạo đức, Lương Vũ Sinh chưa bao giờ quên đặc trưng và sự ảo diệu của nhân tính. Điều này cũng khiến chính và tà trong tiểu thuyết Lương Vũ Sinh cũng không cứng nhắc và nhất thành bất biến như trong tiểu thuyết võ hiệp của tiền nhân. Hình tượng Võ Đang Tứ lão trong Bạch Phát Ma Nữ truyện có thể thuyết minh điều này: Họ xuất thân từ danh môn chính phái, nhưng trong cái nhìn của Luyện Nghê Thường ( nhất là so sánh với nàng ) thì lại ngôn ngữ vô vị, mặt mũi đáng ghét nguyên nhân là ở sự khiếm khuyết trong tâm lý, tính cách của họ, tức tự cho mình là phải, ích kỷ hẹp hòi, coi rẻ người khác, trong đó hình tượng của Bạch Thạch Đạo Nhân là nổi bật nhất. Còn những lời ăn năn của Mộ Dung Thuỳ, sự tỉnh ngộ và trở về của Lý Thiên Dương thì viết rất có tình có lý khiến người đọc cảm động sâu sắc. Điều đó chứng tỏ: Vô luận là người thuộc chính phái hay tà phái đều không thể bình luận một cách đơn giản, lấy danh thay cho thực. Sự chính và tà của mỗi người không phải do môn phái hay nghề nghiệp quyết định, mà do hành vi và sự chọn lựa lối sống của họ. Dù là sự ích kỷ của Bạch Thạch Đạo Nhân hay là sự cải tà quy chánh cua Lý Thiên Dương đều là chứng minh cho nhân tánh.