Ngày 7 tháng giêng năm 1997, tôi phải vào viện do bị viêm phổi, còn đến ngày 17 thì Duma đã đưa vào chương trình nghị sự vấn đề bãi chức Tổng thống do tình trạng sức khoẻ. Cái tin đó làm cho xã hội lại trào lên một làn sóng mới với những hồi hộp, lo âu.Trong trường hợp nào Tổng thống bị coi là không có khả năng, thì Hiến pháp ghi điều khoản này không rõ ràng. Lợi dụng điều này, những người cộng sản trong Duma định thông qua Luật về Uỷ ban y tế nhằm quy định cho Tổng thống những khuôn khổ chặt chẽ: bao nhiêu ngày Tổng thống được vắng mặt, còn quá bao nhiêu ngày thì không được. Những bệnh nào thì Tổng thống được phép ốm, còn bệnh nào thì không. Hầu như họ định đưa ra những thủ tục y tế mà tôi phải thực hiện trong những thời hạn nhất định! Rồi họ gần như đòi hỏi những phân tích phải nằm dưới sự chỉ đạo của Duma cộng sản.Không một luận chứng lành mạnh nào có thể tác động được những nghị sĩ cánh tả. Các nghị sĩ cánh hữu đã đưa ra hàng loạt thí dụ: ở nước nào Tổng thống phải đi phẫu thuật, ở nước nào Tổng thống ngồi trên xe lăn rất nhiều năm, ở nước nào Tổng thống mắc căn bệnh ung thư hiểm nghèo. Nhưng không có ở đâu Quốc hội lại đưa vấn đề đó ra thảo luận một cách vô liêm sỉ đến thế!Nếu Tổng thống cảm thấy “bất an” thì tự Tổng thống phải đặt vấn đề về việc bầu cử trước thời hạn. Theo tôi việc bắt buộc kiểm tra tình trạng sức khoẻ của Tổng thống chỉ nên thực hiện trước mỗi cuộc bầu cử. Nếu không làm như vậy thì sẽ xuất hiện biết bao mưu mô, biết bao trò chơi xảo trá, mất ổn định chính trị.Liệu có hợp lô gích không? Theo tôi là rất hợp.Nhưng Duma lại theo đuổi cái lô gích khác. Ngay từ năm 1991, thậm chí trước đó nữa, từ năm 1990 họ chỉ theo đuổi một ý tưởng: phế bỏ Yeltsin.Còn giờ đây, vào đầu năm 1997, một bộ phận đỏ hồng của Duma lại đi theo con đường cũ.Ngày 17 tháng giêng. Cuộc bỏ phiếu về tình trạng sức khoẻ của tôi đã được tổ chức. Những nghị sĩ của phái “Ngôi nhà chung của chúng ta - nước Nga” đã đứng dậy bỏ cuộc họp. Phái “Yabloko” cũng không ủng hộ đề nghị của đảng viên cộng sản Iliukhin. Còn Đảng Nông dân thì bị phân hoá.Đề nghị đó đã không thể thông qua được.Còn tôi cảm thấy thế nào vào cái thời điểm cuối tháng giêng đó?Tất nhiên tôi rất giận bản thân mình, giận các bác sĩ điều trị. Đúng ra sau phẫu thuật phải biết giữ mình! Bởi vì thực chất là phẫu thuật rất thành công... Tim tôi đã hoạt động được ngay. Rồi tôi đã hồi phục rất nhanh, khoẻ khoắn. Tôi dễ thở biết bao. Thậm chí tôi đi làm còn sớm hơn cả lịch trình điều dưỡng. Rồi sự cố xảy ra! Không hiểu do tôi nóng sốt quá hay do một thứ vi rút nào đó. Hay là do khi vào nhà tắm hơi tôi đã bị cảm lạnh. Tôi không nghĩ rằng cơ thể mình lại yếu đến như vậy. Không thể liều lĩnh với sức khoẻ được. Chính tôi lại phải rời bỏ công việc sôi động mất một tháng rưỡi nữa.Tình thế thật nặng nề - tôi bị bệnh viêm phổi sau phẫu thuật. Khi chuẩn bị cho phẫu thuật tôi đã sút đi mất hai mươi kilôgam. Hơn nữa lại bị cái nóng nực, cái ốm yếu hành hạ. Thân thể cứ như không còn là của tôi nữa, phổi gần như trong suốt Những suy nghĩ cứ lởn vởn trong đầu.Hình như tôi lại được sinh ra lần thứ hai.Đó mới là điều quan trọng. Tôi đã là “tôi” hoàn toàn khác. Một Boris Yeltsin khác hẳn. Có thể nói là một Yeltsin đã từng trải qua một thế giới khác trở về. Tôi đã không thể giải quyết các vấn đề bằng cách lợi dụng tất cả sức lực cơ thể của mình như trước đây. Tức là những vấn đề liên quan đến những cuộc va chạm chính trị đột biến. Giờ đây điều đó không còn dành cho tôi nữa.Mấy ngày liên tôi luôn sốt cao ở mức gần bốn mươi độ. Nhiệt độ cơ thể hạ xuống rất chậm chạp. Các bác sĩ hoảng hốt sợ rằng có thể diễn biến sức khoẻ sẽ phức tạp hơn. Liệu quá trình viêm nhiễm có tiếp tục nữa hay không?Chỉ gần đến ngày sinh của tôi, thì tôi mới hồi tỉnh dần. Ngoài cửa sổ đã là tháng hai. Đã là cuối đông rồi.Ngày 23 tháng Hai, lần đầu tiên sau cơn ốm tôi mới xuất hiện trước công chúng.Vẫn những nghi lễ cũ quen thuộc của Kremli - đặt vòng hoa trước mộ Chiến sĩ vô danh. Chính sắc lệnh đầu tiên của tôi ban hành là sắc lệnh về việc bỏ trạm gác số một. Tôi đã từng đứng trên Lăng, trên Quảng trường đỏ. Trước cái mộ ướp xác nhà lãnh tụ vô sản thế giới hàng ngày cứ sau một giờ là các chiến sĩ cảnh vệ lại thay đổi gác. Bây giờ họ chỉ còn đứng bên cạnh những ngôi mộ tượng trưng cho tất cả những người lính của chúng ta đã hy sinh cho Tổ quốc.Tôi tiến gần đến đám phóng viên. Những khuôn mặt quen thuộc. Họ chờ đợi ở tôi phát biểu nào đó. Việc tôi sẽ phát biểu điều gì đó sau một thời gian khá lâu vắng mặt là điều quan trọng đối với họ.Nói về Duma: “Thật khó khăn khi nói chuyện với tôi. Tôi có thể đầu hàng chăng”.Những câu đầu tiên làm sao mà tôi khó diễn đạt đến thế. Nhưng dù sao tôi cũng cảm thấy đã khá hơn khi nhập với vai quen thuộc của mình. Không ai được cho rằng Yeltsin sẽ bị nổ tung như một quả bóng bay.Nhưng có sự hoảng loạn nào đó đang treo lơ lửng. Xã hội đang chờ đợi một hành động nào đó, đang chờ đợi một cái gì đó quan trọng. Việc xuất hiện có tính chất xã giao trước ống kính truyền hình không thể loại bỏ được cảm giác này. Quần chúng đang chờ đợi sự xuất hiện của một Yeltsin bình thường quen thuộc.Ngày 6 tháng 3 năm 1997. Vẫn có thông điệp hàng năm của Tổng thống gửi Quốc hội Liên bang. Gian cẩm thạch của Kremli - một không gian rộng lớn, đầy chật ních người, hàng trăm nhà báo, rồi các nghị sĩ, thượng nghỉ sĩ, toàn bộ giới thượng lưu.Thông điệp hàng năm của Tổng thống là một văn kiện đầy những vấn đề chính trị quan trọng, quan điểm phát triển đất nước. Nội dung của văn kiện này được chuẩn bị khá lâu. Tôi rất coi trọng văn kiện này. Lần đầu tiên kể từ sau bầu cử, tôi gửi lên Quốc hội Liên bang, gửi đến nhân dân một văn kiện tối quan trọng với chương trình hành động của mình. Ngoài ra, đây còn là dịp để tôi xuất hiện sau nhiều ngày vắng bóng do phẫu thuật để phát biểu công khai.Không hiểu tình hình sẽ thế nào?Không phải là tất cả những ai trong phòng họp đều muốn nhìn thấy một Yeltsin khoẻ mạnh sau trận ốm thập tử nhất sinh. Chỉ cần hình ảnh của tôi xuất hiện đã làm cho họ hoảng hốt. Còn có những tiếng xì xào nào đó và những tiếng kêu ca.Nhưng tôi hoàn toàn để ngoài tai chuyện đó.Những người cộng sản bao giờ cũng đóng đúng vai diễn của mình. Vấn đề quan trọng không phải là ở đó. Vấn đề quan trọng là ở chỗ bằng chính giọng nói của mình, tôi đang nói chuyện với đất nước.Tôi mở đầu bằng câu: “Trật tự trong chính quyền là trật tự ở đất nước”. Ý của câu nói đó là đất nước phải do chính quyền lãnh đạo chứ không phải do tình hình chi phối đất nước. Cần phải lập lại trật tự. Trước hết là trong chính quyền. Chính tôi sẽ lập lại trật tự đó.Chính phủ đã không thể làm việc được nếu không có sự trợ giúp của Tổng thống. Đa số những lời hứa đưa ra với nhân dân về các vấn đề xã hội đã không được thực hiện. Do vậy cần phải thay đổi cơ cấu và thành phần Chính phủ, cần phải đưa những người có đủ uy tín và năng nổ vào Chính phủ.Một loạt luật được thông qua chỉ để phục vụ lợi ích của một nhóm nhỏ. Đa số các nghị sĩ đều hiểu rằng điều đó là gây thiệt hại cho đất nước Nga, nhưng mà những luật đó vẫn được thông qua.Từ diễn đàn này tôi cũng phát biểu rằng tôi đã nhận được thư của Quốc hội Liên bang về việc cần phải xây dựng một trụ sở của Quốc hội trị giá gần mười ngàn tỷ rúp. Số tiền này có thể đủ để trả nợ lương cho tất cả các giáo viên và bác sĩ của cả nước.Ngay sau khi phát biểu, Egor Stroev và Genadi Seleznev đã chối đây đẩy, giận dữ khẳng định rằng văn bản đó chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng và gửi đi chỉ là tình cờ.Bài phát biểu của tôi kéo dài nửa tiếng.Cứ sau mỗi câu, tôi lại thấy trở nên nhẹ nhõm. Tôi lại trở về với chính mình.Tôi gần như tin tưởng rằng đã tìm được lối thoát chính trị mà tôi suy ngẫm đã mấy tháng nay. Tôi hoàn toàn tin tưởng.Chỉ còn một đôi chút...Cũng mùa đông đó tôi được nghe những câu nói xì xào của Giáo chủ Alexi II. Khi phát biểu với tất cả các tín đồ nhân dịp lễ Giáng sinh, ông đột nhiên quan tâm đến chính trị và gọi việc không trả lương và tiền trợ cấp hưu trí là một “tội lỗi”.Lúc đầu từ đó làm cho tôi thất vọng. Tôi đã có quan hệ rất tình người, rất thân thiện với Đấng tối cao.Nhưng dù sao từ “tội lỗi” cũng như một tiếng chuông cảnh tỉnh tôi. Có vấn đề, có đau khổ và khó khăn kinh tế. Nhưng bỗng nhiên ông thẳng thắn và mạnh dạn dùng từ “tội lỗi”. Vấn đề là tội lỗi của ai? Của tôi hay sao?Khi tôi còn vật vã với bệnh viêm phổi, tôi luôn luôn nghĩ về điều này: làm sao để thê đội chính trị khác nhanh chóng thay thế lên nắm chính quyền. Nếu như bây giờ không nhanh chóng đưa lên vũ đài chính trị những người khác thì sau này sẽ bỏ mất cơ hội.Tội lỗi không phải ở chỗ là đất nước đang có những cuộc cải cách. Tội lỗi là ở chỗ những cuộc cải cách đó đang tiến triển rất chậm chạp!Ngày 24 tháng 2, lần đầu tiên sau khi bị bệnh, tôi gặp Chernomưrdin ở Kremli.Lúc đó tôi chỉ nói rất ngắn gọn: tôi cho rằng lĩnh vực xã hội đang gặp khủng hoảng, còn việc không trả nợ lương là căn bệnh cố hữu của Chính phủ. Qua cách trả lời (mặc dù về bên ngoài những câu cần nói, những lời hứa phải làm thế nào đã được nói ra) nhưng tôi cảm thấy Chernomưrdin rất mệt mỏi. Ông ta mệt mỏi bởi những căng thẳng thường trực, bởi những vấn đề tích tụ chưa được giải quyết.Chúng tôi đã làm việc cùng nhau nhiều năm liền, về tâm lý rất hiểu nhau.Chernomưrdin chưa bao giờ tự cao tự đại, cũng không muốn sử dụng thủ đoạn. Đó là thế mạnh của ông ta. Suốt bao năm trời đứng sau tôi, ông là một người đứng đắn, tốt bụng và trung thành. Chernomưrdin cố gắng giữ khoảng cách với những trò chơi sau hậu trường ở Kremli. Ông chỉ chuyên đi sâu vào những vấn đề kinh tế, và khi cần thiết thì mới can thiệp, chẳng hạn như sự kiện năm 1993, rồi chiến tranh Chesnia và sau đó là sự kiện ở Budenovsk - ông kiên quyết ủng hộ tôi. Có lẽ, trước đây đâu đó tôi đã không cho ông bộc lộ mình là một chính khách độc lập. Có lẽ tôi đã không tạo điều kiện cho ông... Nhưng tôi không hề luyến tiếc điều đó, bởi đã quá muộn. Với cá tính và thân thể ục ịch rất Nga, với nụ cười hiền hậu và hóm hỉnh, những năm qua Chemomyrdin đã thấp thoáng trên bầu trời chính trị. Đó là một Thủ tướng khó có thể thay thế... của một giai đoạn khủng hoảng chính trị. Nhưng tôi có cảm giác là sau cuộc bầu cử năm 1996 thì một giai đoạn mới đã đến. Giai đoạn xây dựng.Tôi muốn giúp đỡ Chernomưrdin thành lập được một Chính phủ có thể đẩy kinh tế lên. Chiến tranh Chesnia đã kết thúc hao tốn khá nhiều tiền của, bầu cử cũng kết thúc và nhiều chuyện khác nữa. Cần phải có bước nhảy vọt, đất nước đã quá mệt mỏi với những chờ đợi, với những vô định hình, với việc không có những nỗ lực quan trọng để làm thay đổi tình hình. Chỉ trích cá nhân Chernomưrdin về việc nền kinh tế suy sụp, thì không thể làm được. Nhưng tôi cũng không thể đứng nhìn những gì đang diễn ra ở đất nước này.Tất cả các nguồn dự trữ sản xuất trước đây - một nền công nghiệp không có hiệu lực, nông nghiệp tập thể - không thể chấp nhận được với cuộc sống mới. Chernomưrdin chủ yếu trông cậy vào cái gọi là đội ngũ giám đốc, không nhận thấy và không hiểu rằng chỉ có phương pháp quản lý mới, với tư duy mới thì mới có thể đưa nền kinh tế ra khỏi vũng lầy. Chính vì vậy mới hình thành một vòng luẩn quẩn: Những nhà đầu tư Nga không muốn đầu tư vào ngành sản xuất lớn. Điều đó trước hết làm cho nền kinh tế què cụt, không phát triển được, kể cả hoạt động ngân hàng. Còn kinh tế thị trường chỉ được tập trung ở một không gian kinh tế rất hẹp.Tuy vậy nhờ những khoản vay trong nước và nước ngoài, nhờ việc buôn bán nguyên liệu và kim loại, nhờ thị trường tiêu dùng rộng lớn trong nước và một giai cấp thương nhân nhỏ, vừa và lớn xuất hiện nên đã tạo ra nhiều công ăn việc làm, đất nước đã đạt được cái gọi là ổn định. Nhưng trong trường hợp của chúng ta thì ổn định hoá, nhưng không ổn định được.Ổn định hoá tức là một cuộc khủng hoảng.Chính phủ của Chernomưrdin được thành lập ngay sau cuộc bầu cử tháng 7 năm 1996 đã hoạt động được hơn một năm rưỡi. Nhưng đáng tiếc những nhà hành pháp, chuyên nghiệp kiểu như Chernomưrdin ở những cương vị chủ chốt đôi khi mỗi người lại nhìn đi một hướng.Đó là một Chính phủ của những dự án mạnh dạn, những mong muốn thiện chí và những dự định tốt. Nhưng khó có thể gọi đó là một đội hình của những người đồng chí hướng gắn kết với nhau bởi cùng một quan điểm thống nhất, cùng một kế hoạch cải cách. Nếu đánh giá theo tiêu chuẩn Xô-viết, thì đó là một Chính phủ hiền hoà, tư duy, hoàn toàn trí tuệ. Nhưng trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi phải có những cải cách nghiêm túc thì nó lại không thích hợp.Nợ các xí nghiệp lẫn nhau tăng lên, thiếu ngân sách, nợ lương nhiều người... Trong hoàn cảnh đó thậm chí Nhà nước cũng không thể mua được sản phẩm của các xí nghiệp quốc phòng, công nhân không có lương, ngân sách địa phương không có đủ tiền để trả cho các bác sĩ và giáo viên, cho y tế và hỗ trợ những người già cả.Nói thật lòng, ý tưởng đưa những đại diện của giới ngân hàng vào thành phần Chính phủ cũng không thuyết phục lắm.Mùa hè năm 1996, Vladimir Potanin; người đã từng giữ chức Phó Thủ tướng thứ nhất về kinh tế, cần phải điều chỉnh quan hệ giữa giới kinh doanh và Nhà nước, thiết lập “những luật chơi dài dòng” được trông chờ từ lâu, tức là những quy định cho một tương lai lâu dài. Đó là một “con cá kình lớn” trong giới kinh doanh sừng sỏ chuyển sang công tác của Nhà nước. Tiền lệ đó chưa từng có xảy ra, còn bây giờ thì nó là một công việc hiển nhiên mà chẳng ai ngạc nhiên, tất cả đã quên đi trường hợp đầu tiên khó khăn như thế nào. Không ai biết là làm cách nào để kiêm nhiệm ngay trên một bàn làm việc, ngay trong đầu óc một con người cả những nhiệm vụ quản lý của Nhà nước và cả những lợi ích của những xí nghiệp tư nhân lớn có hàng ngàn mối quan hệ, hàng ngàn sợi chỉ liên quan với nền kinh tế Nhà nước.Potanin đã thể hiện sự dũng cảm và kiên quyết. Ngay ở trụ sở ngân hàng của mình, ông ta đã thông qua quyết định và chỉ sau một ngày quyết định đó đã được thực thi. Thế mà, ở đây, ở trụ sở làm việc của bộ máy nặng nề Nhà nước, thì để thống nhất được đòi hỏi thời gian hàng tháng trời. Ông ta đã dùng tiền của mình để trả lương thuê những chuyên gia giỏi chuẩn bị những văn bản cần thiết cho Chính phủ: Dự thảo các luật, nghị quyết, hướng dẫn. Ông ta rất khó khăn trong việc bỏ thói quen vẫn tự quyết định các vấn đề theo kiểu của mình, bỏ những phương pháp riêng, thậm chí cả những thói quen thường nhật. Chẳng hạn, ông ta phải sang nhà ăn ở Nhà Trắng. Có những điều người ta phải chấp nhận yêu cầu của ông ta, chẳng hạn như cho phép ông ta đi xe mà ông ta đã quen đi, sử dụng đội ngũ cảnh vệ lấy từ ngân hàng của mình.Chernomưrdin không thiết lập được quan hệ tốt với Potanin, vì Chernomưrdin cho rằng Phó Thủ tướng thứ nhất quá bảo vệ lợi ích của ngân hàng ONEKSIM.Cuối cùng Chernomưrdin đòi hỏi phải bãi chức Potanin.Thời gian càng trôi đi, càng thấy rõ Chính phủ đầu tiên của Chernomưrdin do ông thành lập mùa hè năm 1996 không thể giải quyết được những vấn đề kinh tế và xã hội đang làm chao đảo đất nước. Khi nói với những người thân cận và hiểu tôi, tôi nói rằng người bệnh cần phải phẫu thuật.Ngay từ đầu tháng 3, tôi đã thoả thuận với Chernomưrdin là Chubais, Chánh văn phòng Tổng thống sẽ trở lại Chính phủ.Ngày 17 tháng 3, tôi ký sắc lệnh bổ nhiệm Chubais làm Phó Thủ tướng thứ nhất. Chubais trở lại với lĩnh vực kinh tế quen thuộc của mình, ở cương vị Chánh văn phòng Tổng thống, anh ta cũng làm tốt, nhưng bao giờ anh ta cũng phàn nàn: “Đó không phải công việc của tôi”.Quả thực, tôi có cảm giác nếu chỉ có một mình Chubais trở lại Chính phủ thì còn ít quá...Rồi tôi quyết định tìm kiếm cho Chernomưrdin một cấp phó nữa. Một nhân vật chính trị toả sáng. Chính Boris Nemtsov hoàn toàn có thể thích hợp với vai này.Ý tưởng thật là ngoạn mục: Chernomưrdin có thể dựa vào hai cánh tay đắc lực từ hai phía, tự do hành động, chỉ cho ông ta thấy đâu là nguồn dự trữ, cứ việc thế mà hành động. Cần phải phá vỡ cái thế cân bằng chính trị đã quá quen thuộc của chúng ta, đã quá chán ngấy đối với xã hội. Cũng như đâu đó có ai đã nói là phải thay đổi bức tranh.Cuối cùng chúng ta đã thay đổi được bức tranh đó.Chubais quen thuộc với một Chernomưrdin quen thuộc - đó là một bức tranh. Hai “phó” trẻ trung, “cấc lấc” theo nghĩa tốt và năng nổ, thường xuyên ép Chernomưrdin vào một chế độ làm việc căng thẳng, thường xuyên gây áp lực - đó là bức tranh thứ hai hoàn toàn khác.Là tỉnh trưởng Nizni Novgorod, Nemtsov đồng thời là một nhân vật khá nổi tiếng. Không chỉ ở Volga, mà ở khắp nước Nga. Bằng sự xuất hiện của mình, anh ta hứa sẽ bảo đảm tạo được cho Chính phủ một niềm tin khác nữa. Một bầu không khí chính trị hoàn toàn khác ở trong nước.Có điều không một ai trong số trẻ muốn vào Kremli hay vào Chính phủ. Ai cũng phản đối.Tôi xin trở lại mấy tháng trước đây, tức là trở lại mùa hè năm 1996.Ngay sau bầu cử vòng hai, chỉ hôm sau thôi Chubais đã nói với tôi: “Thôi xin cám ơn Ngài, tôi còn có nhiều việc phải làm trong kinh doanh, có rất nhiều đề xuất thú vị, tôi không muốn trở lại chính quyền. Xin cám ơn sự tin cậy của ngài”. Còn tôi lại nghĩ là sẽ mời anh ta làm Chánh Văn phòng Tổng thống.Lúc đó trong tôi lại đột nhiên xuất hiện ý tưởng khác: đề nghị Igor Malashenko, Giám đốc kênh truyền hình NTV giữ chức vụ này. Anh ta rất lễ độ, khéo léo, nhưng kiên quyết từ chối. Chắc hẳn hoàn cảnh gia đình đã đóng vai trò ở đây: Vợ anh ta vừa mới sinh con, Igor đi Anh quốc và luôn luôn túc trực bên vợ. Tôi không cố nài ép anh ta, nhưng đề nghị anh ta liên lạc với tôi. Chính lúc đó anh ta nói một câu mà tôi nhớ mãi: “Thưa Boris Nicolaevich, tôi sẽ giúp đỡ Ngài...”.Tôi quay trở lại với Chubais. Chính anh ta cũng rất hiểu: nếu như chúng ta cứ để cho cuộc tranh giành của các phe nhóm này trong nội bộ Kremli mãi như đã từng xảy ra khi còn trợ lý thứ nhất Iliusin, Chánh Văn phóng Tổng thống Filatov, Giám đốc Cơ quan an ninh Tổng thống Korzakov, thì không thể thay đối được gì ở đất nước này. Cần phải có một hệ thống chỉ đạo chặt chẽ theo hàng dọc trực tiếp từ Tổng thống xuống các cấp dưới, chứ không phải từ ai đó muốn mở rộng ảnh hưởng của mình...Chubais hiểu, nhưng vẫn còn do dự.Cuối cùng tôi đưa ra một lý lẽ nữa: Tôi nằm viện để phẫu thuật và tôi cần tin tưởng hoàn toàn rằng khi tôi nằm viện thì không có bất cứ một tình trạng khẩn cấp nào xảy ra. Anatoli Borisovich hiểu điều đó: đây là lý lẽ thực sự cuối cùng. Rồi anh ta đồng ý.Còn một nhân vật chính trị thuộc thế hệ chính khách trẻ kiên quyết từ chối lời mời của tôi vào làm việc ở Chính phủ - đó là Grigori Yavlinski. Khi Chubais đứng đầu nhóm phân tích vận động bầu cử, anh ta đã thường xuyên trao đổi với Yavlinski. Có thể khi đồng ý vào thời điểm đó ủng hộ tôi trong vòng bầu cử lần thứ hai, Grigori Yavlinski đã đi quá mức thận trọng của mình trong việc lựa chọn đồng minh - và toàn bộ lịch sử những cuộc cải cách của chúng ta đã đi theo hướng khác. Nhưng một nhân vật hoạt động chính trị lý tưởng bao giờ cũng đáng quý. Bởi vì ở anh ta đã từng có cơ hội để chứng minh cho những đối thủ của mình rằng “cần phải sống có lương tâm”. Tôi không muốn đem chức Thủ tướng ra để mà cả. Nhưng chương trình của Yavlinski tôi luôn sẵn sàng xem xét.Nói chuyện với Boris Nemtsov là khó hơn tất cả.- Tôi đi Matxcơva để làm cái gì? - Anh ta hỏi Chubais với một cử chỉ hơi kiêu ngạo mùa xuân năm 1997 - Tốt nhất là tôi cứ ở đây và giúp các anh.Rồi có thuyết phục anh ta rằng phải tiến hành cải cách, thì anh ta lại lý giải: “Thế còn ở đây thì ai tiến hành cải cách?” Chubais gần như hét lên với Nemtsov: “Này anh cứ cho là anh thông minh, anh từng chỉ trích chúng tôi, thì anh hãy thử ít ra gánh lấy một phần trách nhiệm xem sao?”. Nhưng Nemtsov vẫn bình thản bỏ về. Thật là một cá tính khảng khái... Có lẽ có chút gì đó giống tôi.Lúc đó lại nảy sinh ý tưởng để cho Tania đi Nizni Novgorod thuyết phục Nemtsov. Nó hiểu được ý đồ, mà tôi không cần thiết phải nói ra bằng lời: Đó là đội hình trẻ “cấc lấc”, các anh các chị nói chuyện với nhau.Không hề có chuyến máy bay, không có chuyến tàu điện nào đi Nizni Novgorod vào cái hôm đó.“Ba ơi, con đi bằng ô tô”. Valentin Yumasev gọi điện cho Nemtsov ít ra cũng thông báo cho anh ta biết Tania dang trên đường đến gặp anh ta.Nghe nói Boris Nemtsov không tin điều đó hoặc cũng không coi trọng việc này - dù sao từ tối đến sáng không ai dám bạo gan đi trên đường của chúng ta - nhưng anh ta thật sự bị chấn động khi nửa đêm nghe thấy tiếng chuông diện thoại của Tania:- Tatiana Borisovna, cô đang ở đâu?- Tôi đang ở Kremli.- Kremli nào?- Kremli của Thành phố Novgorod của anh...Sau khi tận mắt nhìn thấy con gái Tổng thống trong buồng làm việc của mình, Nemtsov mới hiểu rằng đây không phải là chuyện đùa. Họ nói chuyện với nhau rất lâu. Sáng ngày hôm sau thì Nemtsov đồng ý.Song lúc đó đã là tháng ba năm 1997 lại xuất hiện một vấn đề nữa là sau khi Chubais đi khỏi Văn phòng Tổng thống sang Chính phủ thì cần gấp rút phải tìm được người thay thế. Và tôi quyết định nói chuyện với Valentin Yumasev.- Thưa Boris Nicolaevich. Thứ nhất là tôi không có đủ tầm vóc chính trị. Thứ hai là tôi chưa bao giờ tham gia chính trị công khai, mọi người đều biết tôi là bạn của Ngài, bạn của gia đình Ngài, việc bổ nhiệm tôi xem ra nó hơi kỳ cục...Dù sao chăng nữa tôi cũng thấy lo cho Valentin Yumasev. Anh tất nhiên là một phóng viên có tài, một nhà phân tích thông tuệ. Anh ta đã ở bên tôi suốt từ năm 1987 đến nay. Anh ta sẵn sàng làm cả ngày lẫn đêm. Nhưng bộ máy Văn phòng Tổng thống đó là một cơ quan rất lớn có truyền thống riêng, có trật tự riêng.Đó là một cơ quan khá quan liêu hành chính.Yumasev phản đối lặng lẽ chứ không om xòm như Nemtsov hay Chubais. Nhưng rất lý. Anh ta hoàn toàn không muốn đoạn tuyệt với lối tự do riêng của mình. Theo tôi được biết, Tania và Anatoli Borisovich cứ nài ép anh ta và nhấn mạnh với anh ta rằng, thôi từ nay bỏ cái kiểu làm việc chỉ tư vấn đó đi. Như thế cũng không hay lắm.Mỗi một chính khách trẻ trong số mà sau này đã thống nhất với nhau cùng làm việc khá đoàn kết, thì đều có lý do để từ chối. Chubais vì lý do tâm lý không muốn trở lại Chính phủ sau vụ bị bãi chức một cách bê bối năm 1995. Nemtsov và Oleg Sysuiev, sau này cũng trở thành Phó thủ tướng thứ nhất, thị trưởng thành phố Samara - cả hai đều không muốn xa rời cái “bàn đạp xuất phát” khu vực khá thành đạt của mình, chưa muốn vội vã về Matxcơva và vì những lý do cá nhân và công danh khác nữa. Còn Valentin Yumasev thì không muốn trở thành một chính khách công khai. Nhưng trong quá trình thành lập đội hình này còn một yếu tố quan trọng khác nữa là cá tính cùng thế hệ. Những người này trưởng thành trong những năm 70 và đứng tuổi trong những năm 80, thậm chí họ có khi chưa từng hình dung mình lại tiến lên bậc thang danh vọng cao như thế. Chính quyền bao giờ cũng được họ hình dung là một tầng lớp người khác hoàn toàn những ông già tóc bạc hoa dâm với những chiếc bụng phệ “đầy uy tín”, những cán bộ lâu năm của Đảng từng trải qua trường đời nhiều năm của công tác Đảng trong Uỷ ban Trung ương Đảng cộng sản Liên Xô. Rồi cải tổ cũng không thay đổi được thái độ của họ - chính Gorbachov nói chung còn không muốn vội vã đoạn tuyệt với quá khứ. Những tư chất của người trí thức Xô-viết cũ đã hoạt động hoàn hảo, con người của lao động trí tuệ - chỉ có những người có bộ mặt bì bì và thần kinh lớn mới có thể lãnh đạo được ai đó hay chỉ huy cái gì đó. Tôi đã cố gắng thuyết phục là hoàn toàn không phải như vậy. Nhưng thậm chí kiên quyết đoạn tuyệt với quá khứ “đội hình trẻ của Yeltsin” về nội tâm vẫn không thể từ bỏ được cái cảm giác tâm lý này. Tôi nhớ có lần Valentin Yumasev nửa đùa nửa thật: “Thưa Boris Nicolaevich, Ngài biết đấy dù sao đó cũng không phải là cuộc sống của tôi. Tôi nhiều lúc cứ cảm thấy như mình là nhân vật trong tác phẩm của Mark Twein “Hoàng tử và tên ăn mày” đã được phát hành. Tôi không muốn đổ tội lỗi nào cho tác phẩm đó, nhưng thực sự có nguyện vọng như vậy...”.Đội hình - 97 - đó không chỉ giản đơn là những Bộ trưởng, Phó thủ tướng, những ông lớn lãnh đạo. Chỉ qua mấy tháng làm việc căng thẳng, nặng nề và quyết liệt họ đã biến thành những người đồng chí hướng thực thụ.Thỉnh thoảng vào những ngày chủ nhật họ tổ chức những chuyến đi dã ngoại ở khu nhà nghỉ của Yumasev, nướng thịt, rồi hát hò bên đống lửa. Họ cố gắng không nói đến chính trị và kinh tế, bởi vì những ngày làm việc căng thẳng đã nói quá nhiều rồi. Sysuiev cùng với Yumasev cầm hai cây ghi ta và hát những bài hát vui nhộn của Okudzava, Vizbor, Gorodnikovski... “Những người khổng lồ chống trời bằng những cánh tay đá”. Họ hát và hình như ở đâu đó trong tiềm thức họ tự cảm thấy mình là những người khổng lồ. Chubais vốn là một người lãng mạn thực thụ hầu như thuộc hết lời của những bài hát vui nhộn này. Nhưng do giọng anh ta quá kém, nên anh ta không hát thành lời mà chỉ hoà theo nhạc. Còn vợ Chubais, Masha, một cô gái xinh đẹp và nghiêm khắc, nói chung không thể chịu nổi những bài hát như vậy, mà chỉ tham gia nhóm này vì yêu chồng mà thôi.Những người vợ Matxcơva thường tư vấn cho những người vợ mới đến thu xếp cuộc sống ở Matxcơva thế nào, cho con cái đi học trường nào, giải quyết các công việc của họ ra sao - nói chung là chia sẻ với nhau những bí mật của phụ nữ.Macxim Boico, Phó thủ tướng về tư nhân hoá, thường không bao giờ đợi được đến lúc thịt nướng chín. Vợ anh ta mới sinh cháu bé và anh ta phải vội vã trở về nhà. Còn Boris Nemtsov mang cả gia đình về Matxcơva với cháu gái Zanna mười ba tuổi xinh đẹp. Cháu chưa có bạn ở Matxcơva, cháu vừa mới đến đây, nên Nemtsov bao giờ cũng mang cháu đi theo để cháu khỏi buồn.Họ thường vui vẻ và kể lại một cách hào hứng từng chi tiết trong những cuộc gặp gỡ ngày chủ nhật cho tôi nghe. Họ mời tôi tham gia, cùng đi chơi, cùng ăn, cùng uống và nghỉ ngơi. Nhưng tôi không muốn cản trở họ trong ngày nghỉ duy nhất. Với tôi họ đã có thời gian gặp tôi suốt cả tuần rồi.Động cơ của đội hình - 97 là Anatoli Chubais. Anh ta đã đưa đến Chính phủ nhiều gương mặt mới và tất cả họ đều tập hợp trong một tập thể đầy trí tuệ và ý chí duy nhất dưới sự chỉ huy của Chubais. Anh ta đã biến tập thể này thành kỷ luật chặt chẽ. Rồi anh ta đưa ra những ý tưởng. Một mắt xích không chính thức nối liền giữa tôi và đội hình trẻ của Chubais là Tania.Tôi nắm chắc mọi ý tưởng của họ, mọi cuộc tranh luận và những khía cạnh nhỏ trong quan điểm của họ. Chính ở đây tôi bao giờ cũng đứng sang một bên quan sát quá trình đó. Tôi thật sự rất quý mến cái đội hình mà tôi khởi xướng và tôi thật lòng có cảm tình. Tôi còn quý mến cái nhiệt tình, năng nổ trẻ trung và khát vọng đạt được kết quả của họ.Có điều Chernomưrdin cũng tham gia vào việc vận động Nemtsov, nhưng trong thâm tâm ông ta tỏ thái độ thận trọng đối với việc này. Ông ta hiểu rõ Chubais, nhưng còn Nemtsov thì chưa.Trong bài phát biểu trên truyền hình về vấn đề những nhà cải cách trẻ tham gia Chính phủ, tôi phải đưa câu sau vào: “Không sợ gì cả,Victor Stepanovich, họ sẽ không phụ lòng anh đâu!”Ông ta lúng túng khi nghe được câu đó và gọi điện hỏi những nhân viên truyền hình: câu này lấy ở đâu vậy? Chính những nhân viên cũng hoảng hốt, bởi vì không có sự thống nhất từ đầu. Tất nhiên là tự tay tôi viết câu đó trước khi phát biểu, mặc dù các trợ lý của tôi phản đối. Victor Stepanovich nghi ngờ hay là có âm mưu gì chăng ở Kremli và thật vô ích. Tôi thực sự muốn truyền đạt để ông ta hiểu một ý nghĩ giản đơn: “Đừng có sợ, Victor Stepanovich! Đơn giản là đừng có sợ, chỉ có thế thôi!Dần dần Chernomưrdin cũng quen, chấp nhận quan điểm đó ông ta hiểu rằng nếu không có những con người trẻ trung quyết đoán, bất chấp, đôi khi khó chịu thì không thể tạo ra được bước đột phá nào. Nền kinh tế bị chìm đắm giữa thị trường chưa được hình thành và khủng hoảng chính trị triền miên cần phải được cải cách một cách căn bản và hoàn toàn theo quan điểm mới.Tôi hiểu Chính phủ có thể sẽ không bền vững, bị chao đảo bởi nhũng cơn sóng gió và những khát vọng khác nhau. Nhưng cần phải nhanh chóng, mạnh dạn, tấn công vào cái đầm lầy khủng khiếp này. Đội hình trẻ đã sẵn sàng. Họ chỉ còn chờ tín hiệu của tôi để thực hiện những kế hoạch lớn của mình. Ai sẽ còn trụ được trong Chính phủ, ai không vượt qua được những cản trở, thì tôi còn chưa biết. Tôi tin vào năng lực của họ, tin vào khát vọng cháy bỏng giành chiến thắng của họ.Khởi đầu công việc của đội hình những nhà cải cách trẻ được xã hội đón nhận với hy vọng lớn lao. Rồi những “con cá mập” của giới kinh doanh và những bà già làng quê cũng rất chăm chú lắng nghe xem, những chàng trai “tóc hoe vàng và tóc xoăn” kia nói gì. Theo chỉ số thăm dò dư luận, Nemtsov bao giờ cũng nói năng giản đơn và sống động kèm theo những câu pha trò, tiếu lâm và uy tín chính trị đã nhanh chóng vượt qua Lebed, Luzkov và thậm chí cả Ziuganov. Uy tín của anh ta còn vượt Ziuganov cả ở những vùng nông thôn. Chubais hớn hở: “Boris Nemtsov vượt qua cả Ziuganov ở những làng quê?”Tôi để ý thấy trong những cuộc gặp chung với Chernomưrdin, Chubais và Nemtsov, thì hai Phó thủ tướng thứ nhất, mỗi người xử sự, một kiểu riêng của mình. Chubais nói năng khéo léo, có chừng mực, cố gắng thể hiện đĩnh đạc và thống nhất với Chernomưrdin trong những vấn đề kinh tế. Nemtsov không chấp hành một quy định nào cả. Cái âm điệu cấc lấc của anh ta làm cho Chernomưrdin khó chịu. Ông bực dọc ngơ ngác nhìn về phía tôi. Cái nhìn của ông muốn thầm nói: “Tôi nghĩ rằng Boris Efimovich không đúng”.Những cuộc gặp như thế được tổ chức thường xuyên, hầu như tuần nào cũng có. Nếu như tôi nghỉ phép, thì Nemtsov và Chubais đến thẳng dinh thự của tôi cùng với đội ngũ chuyên viên giới thiệu với tôi những dự án quyết định của họ.Tôi cố gắng tìm hiểu xem trong họ có kết hợp được cái năng nổ của tuổi thanh niên với nhận thức già dặn có mục đích của mình không. Chubais và Nemtsov bổ sung cho nhau, trở thành một cặp bài trùng không thể lay chuyển nổi.Thời gian đó chúng tôi đã chuẩn bị một số sắc lệnh và nghị quyết của Chính phủ đã chín muồi từ lâu. Chẳng hạn, sắc lệnh về việc tổ chức những cuộc đấu thầu giữa các công ty tư nhân trong việc thực hiện cung ứng hàng Nhà nước. Dù đó là thuốc men, dược phẩm cho các bệnh viện hay sản phẩm cho quân đội. Bây giờ kiểu đặt hàng Nhà nước như vậy chỉ có thể nhận được nếu như anh giới thiệu mặt hàng với giá cả sản phẩm của mình. Ai là người đưa ra với những điều kiện tốt nhất thì sẽ chiến thắng. Ngay lập tức có thể chấm dứt được các kênh lạm dụng việc cung ứng này.Giải quyết được nhiệm vụ này, thì có thể tránh được ngân sách bị thất thoát, làm cho dòng tài chính trở nên trong sạch, còn các quyết định của Chính phủ sẽ trở nên không có lợi cho những hành động “mờ ám”, lập hai sổ kế toán, Chính phủ sẽ là người đứng ra điều hành toàn bộ.Sự kiên trì mà những nhà cải cách trẻ tiến hành công việc của mình được giới báo chí mệnh danh là ngoạn mục. Lẽ dĩ nhiên không thể không có những sơ suất nào đó. Mặc bộ quần áo trắng hoàn toàn không có tính cách lễ tân, Nemtsov đi đón Tổng thống Azerbaizan Geidar Aliev là một sự kiện mãi mãi đi vào lịch sử của nền ngoại giao nước Nga mới.Còn một giai thoại kỳ thú nữa liên quan đến Boris Nemtsov - yêu cầu các quan chức sử dụng xe nội địa. Tất nhiên anh ta xuất phát từ những suy nghĩ tốt đẹp. Phung phí tiền của Nhà nước để mua những chiếc xe ngoại của Đức, của Italia để làm gì? Các quan chức mua những chiếc “Audi” hay “Fiat” để làm gì nếu như có thể mua được những chiếc “Volga” hay “Matxcơvich” của chúng ta cũng đi tốt. Sau này tôi được kể lại rằng ý tưởng đó của Boris Efimovich xuất hiện chỉ là ngẫu hứng. Khi Nemtsov trở về nhà ở thành phố Novgorod nhìn thấy chiếc xe “Volga” của mình, còn bên cạnh là những chiếc xe nhập ngoài “Mercedes” hay “BMW” thì anh mới hiểu: nếu như bằng tấm gương của mình không giúp gì được cho nền chế tạo xe hơi nội địa, thì chẳng có gì giúp ích được.Các quan chức bị choáng váng. Họ không muốn chuyển sang ngồi những chiếc xe hay bị hỏng hóc. Rất có thể thông cảm với họ được. Xe của chúng ta mùa đông không khởi động được vì lạnh, mùa hè thì bị cháy do nóng quá. Như vậy ý tưởng tốt đẹp của Nemtsov có thể bị chết ngấm. Nemtsov tự động chuyển từ “Mersedes” sang sử dụng xe “Volga” đến chỗ tôi để tìm kiếm sự ủng hộ. Tôi trả lời rằng ủng hộ cả về lời nói lẫn việc làm.Vào thời điểm đó tôi đang chuẩn bị một bài phát biểu trên Đài truyền thanh kêu gọi “Hãy mua hàng nội địa”. Chúng ta phải tự hào với những sản phẩm của chính chúng ta. Nhà nước cần phải làm tất cả những gì có thể làm được để hô trợ cho các xí nghiệp Nga sản xuất những sản phẩm có chất lượng. Tôi đã đề nghị đưa vào một câu theo sáng kiến của Nemtsov rằng tiền ngân sách trong trường hợp nếu nền công nghiệp nội địa có thể sản xuất được thứ hàng đó tương đương với hàng nhập ngoại thì chỉ chi cho mua những thứ sản phẩm của chúng ta.Sau đó tôi nói với Giám đốc Cơ quan cảnh vệ thôi không dùng xe Mercedes mà chuyển sang dùng xe ZiL. Quả thật khi đi đến Kremli, tôi chứng kiến một chiếc xe nội địa đang bị đâm, mà lòng tôi quặn đau. Từ xa xưa thời còn là Uỷ viên Bộ Chính trị, tôi đã không thích những chiếc xe ZiL đặc biệt này, bởi vì trong dân đã đặt tên cho đó là những xe “chở quan”, bởi vì chỉ được sử dụng để đưa đón những Uỷ viên Bộ Chính trị. Nhưng biết làm thế nào, cần phải giúp đỡ những bạn trẻ.Nhưng những đồng nghiệp của Nemtsov trong Văn phòng và trong Chính phủ tiếp tục bao vây việc triển khai ý tưởng của anh ta. Hơn nữa, dù bằng tấm gương của mình, nhưng anh ta cũng không thể cổ vũ được bạn bè. Chiếc xe của anh ta bị hỏng và bắt buộc phải thay đổi chiếc khác. Sự việc trớ trêu hơn nữa là vào mùa hè chiếc “Volga” của Phó thủ tướng thứ nhất bị cháy ngay trên đường phố. Nemtsov ra khỏi xe, còn những lái xe đi qua đang càu nhàu với anh ta. Vào thời điểm này cả nước đã biết mặt Nemtsov. Anh ta đứng buồn bã, đau khổ nhìn chiếc xe đang bốc khói. Ý tưởng đã bị chết ngấm.Tôi cũng đã có lúc thành thật sử dụng chiếc xe ZiL. Sau đó tôi quyết định chẳng tội gì phải tự hành hạ mình và chuyển sang sử dụng Mercedes.Đáng tiếc là một lời nói chưa thể đạt được điều gì cả. Ý tưởng thật hay đấy. Nhưng xe của chúng ta còn quá tồi...Năm 1997 nền kinh tế nói chung đã có sự khởi sắc. Tuy là sự khởi sắc đầu tiên, chưa bền vững, nhưng đó cũng là một thắng lợi. Đội hình của Chubais đã nêu ra rất rõ những mục tiêu của mình: đó còn gọi là bảy công việc chính của Chính phủ. Trong con mắt đánh giá của xã hội chương trình này của nhóm nhà kinh tế trẻ được trình bày rất rõ ràng và cụ thể. Thông qua Bộ luật thuế mới và có hiệu lực hoạt động từ ngày 1 tháng Giêng năm 1999 - chấm dứt tình trạng thu thuế không đúng. Cắt giảm thâm hụt ngân sách, thông qua Bộ luật ngân sách - chấm dứt tình trạng sống không có tiền. Hình thành những hình thức sở hữu có hiệu quả thông qua việc tư nhân hoá - chấm dứt tình trạng thất nghiệp vô hình, chấm dứt tình trạng biển thủ tài sản ở các xí nghiệp quốc doanh. Triển khai cải cách chế độ hưu trí - nếu không có chế độ hưu trí không bao giờ chúng ta có thể đảm bảo được chế độ đối với những người già cả. Giảm tốc độ tăng giá - không phải bằng sắc lệnh, mà là thông qua cơ chế kinh tế. Giảm thu nhập bằng tiền giấy Nhà nước trên danh nghĩa - đáng tiếc là việc này không thực hiện được trong năm 1997, nếu không thì đã có thể ngăn chặn được cuộc khủng hoảng tài chính sau đó. Cải cách ruộng đất - đây chính là tảng đá gây cản trở đối với tất cả những nhà cải cách Nga!Còn một dự án nữa do Boris Nemtsov tiến hành. Dự án này nêu ra là đã thấy buồn - cải cách chế độ nhà cửa - dịch vụ, nhưng nó liên quan đến bất cứ người nào và cực kỳ quan trọng trong việc khôi phục một nền kinh tế bình thường của đất nước. Vấn đề là do từ thời chủ nghĩa xã hội, điện, nước, hơi đốt cung cấp đến từng nhà đều do Nhà nước đảm nhiệm. Còn tiền lấy từ đâu? Các xí nghiệp chịu những khoản thuế “treo” không thể chị đựng nổi, trong đó có những khoản bù giá cho các xí nghiệp này. Các xí nghiệp Nga do vậy không thể có khả năng cạnh tranh. Ý tưởng đó rất giản đơn: Chỉ trợ giá cho các gia đình thu nhập thấp như hưu trí, đông con..., còn những gia đình khác sẽ tăng dần dần, nhưng kiên quyết nâng mức trả tiền điện, hơi đốt và nước.Một dự án tối quan trọng khác nữa được giao cho Oleg Sysuiev là cải cách lĩnh vực xã hội. Kế thừa từ quá khứ Xô-viết cũ, chúng ta phải đối mặt với một hệ thống bảo trợ xã hội rất phổ biến rộng rãi, nhưng nghèo nàn và hoàn toàn không có phân biệt. Chính phủ sẵn sàng chuyển từ áp dụng chế độ bảo hiểm xã hội lan tràn bất kể ai cũng được (thậm chí có người không cần đến) sang chế độ bảo hiểm có địa chỉ cho những người thực sự cần đến.Đáng tiếc nhiều công việc chính cần làm đã không thực hiện được. Nó có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân chủ yếu là sự chống đối điên khùng của cánh tả Duma. Những nghị sĩ cộng sản kiểm soát Duma chỉ thấy thích hợp nếu cùng đồng loạt nghèo khổ, khi Nhà nước quyết định phân phối, khi con người chỉ có thể kiếm chác một cách nhục nhã cho mình một cái gì đó của chính quyền.Khi tất cả đều nghèo và khó khăn, thì họ bao giờ cũng bỏ phiếu ủng hộ những người cộng sản. Còn những người giàu có và tự do thì không bao giờ làm như vậy. Đáng tiếc là thực tế mọi chương trình của Chính phủ đòi hỏi phải thay đổi trong luật, như vậy có nghĩa là phải được sự ủng hộ của Duma. Nhưng ở đây tôi không thể giúp gì Chubais được Duma luôn luôn sẵn sàng phá rối bất cứ một sáng kiến nào của chúng ta.Tuy nhiên những gì trong quyền hạn của Chính phủ mới họ đã làm tất cả. Trong Nhà Trắng xuất hiện nhiều gương mặt trẻ và mới mẻ. Chubais đã chỉ đạo đội hình các nhà kinh tế trẻ đã được thử thách: Kudrin, Ignachev, Boico và những người khác. Nhiều người cho đến bây giờ vẫn làm việc trong Chính phủ.Nemtsov đưa từ thành phố Novgorod những nhà quản lý trẻ của mình: Brevnov, Saveliev và những người khác. Trong số đó có cả Sergei Kirienko. Tất cả họ chỉ ngoài ba mươi tuổi. Theo dõi công việc của họ, tôi nhận thấy rất rõ ràng: nhiều người còn chưa đảm nhiệm những chức vụ cao, rất có trách nhiệm, một số người từ bỏ các chức vụ cao đó.Nhưng tất cả họ đều tràn đầy hy vọng... Kể cả tôi.Tôi hy vọng là nửa sau năm 1997 - đầu năm 1998 tất cả chúng ta đều cảm thấy đất nước đã có thay đổi.Nhưng bỗng dưng xuất hiện cái mà tôi không hề chờ đợi. Cuộc chiến tranh ngân hàng bùng nổ.Một cuộc chiến tranh thông tin thực thụ.Chính lúc đó, lần đầu tiên tôi mới hiểu là chuyện gì. Các vụ bán đấu giá của “Sviazinvest” đăng đầy các trang báo. Hai kênh truyền hình ORT và NTV tung ra những danh mục khó hiểu kiểu: “Giết chết kẻ thù và những kẻ cạnh tranh”. Nhìn những phát thanh viên mà thấy tội. Họ xuất hiện trên màn truyền hình lo sợ hoảng hốt, nhìn vào ống kính máy quay và cố gắng để không đọc chệch. Lúc đầu tôi không để ý lắm chuyện này. Bán đấu giá chỉ là một hoạt động thực tiễn bình thường. Trong các cuộc bán đấu giá phải có kẻ thắng, người thua, bao giờ chả có chuyện không hài lòng. Nhưng ở đây hình như có chuyện gì khác thường. Tuy có hơi hoảng hốt, nhưng các trợ lý của tôi khẳng định không có chuyện gì đặc biệt xảy ra. Đó là một cuộc cạnh tranh bình thường. Cuộc đấu đá của hai nhóm kinh doanh tranh giành ảnh hưởng.Tôi vặn lại: “Nhưng tại sao báo chí của chúng ta lại chia ra thành hai nhóm. Tại sao chương trình “Thời sự” ngày nào cũng nói về “Sviazinvest?”Đã đến lúc phải xem xét, nghiên cứu cuộc xung đột đang bùng nổ.Người quan tâm nhiều nhất đến việc mua cổ phiếu của “Sviazinvest” là Vladimir Gusinski. Anh ta đã móc ngoặc từ lâu với những người tham gia dự án trong nội bộ Chính phủ. Anh ta móc ngoặc với Cơ quan an ninh Liên bang, Cơ quan liên lạc Chính phủ Liên bang, muốn nắm cả các tần số phát sóng của quân đội, muốn thành lập một công ty trùm sỏ về sản xuất và dịch vụ các phương tiện liên lạc và viễn thông với sự đầu tư của phương Tây.Gusinski có đầy đủ khả năng để mua lại cổ phiếu của “Sviazinvest”.“Nếu như chúng ta cho anh ta quyền ưu tiên nào đó, thì bán đấu giá không còn là bán đấu giá, mà là một sự xúi bẩy nào đó, là sự giễu cợt đối với ý tưởng bản đấu giá - Chubais thuyết phục tôi. - Có những nhóm tài chính khác, những nhà đầu tư khác cũng muốn có được toàn quyền mua “Sviazinvest”.Đối với chúng ta cần phải có một tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá người thắng cuộc: “ai trả nhiều thì người đó thắng”. Những lập luận của Chubais thật rành mạch, kiên quyết và được diễn đạt lô gích. Khả năng bảo vệ quan điểm của mình trong anh ta thật dồi dào.Sau này khi đọc cuốn sách “Tư nhân hoá ở Nga” của Anatoli Borisovich, tôi mới hiểu thực chất của cuộc xung đột đó, hiểu được cái gì Phó thủ tướng thứ nhất đúng và cái gì chưa hoàn toàn đúng.Một hệ thống kinh tế phức tạp và không bền vững như ở nước Nga thì không nên vứt bỏ một cách thẳng thừng.Quá trình chuyển đổi từ giai đoạn đầu “tư nhân hoá theo Chubais”, khi bán tài sản Nhà nước, thì Nhà nước cần hạ thấp giá cho các ngân hàng và công ty trong nước, còn đến giai đoạn hai khi cơ chế kinh tế thị trường đã hoạt động, thì nó diễn ra trong chớp nhoáng, hầu như không có sự báo trước và tín hiệu nào. Những người tham gia bán đấu giá đã quen với cơ chế cũ, cứ dường như đập đầu vào bức tường mới xuất hiện.“Có thể, hay là ta bắt đầu không phải từ “Sviazinvest”, bởi vì cơ quan này đã gây ra nhiều cuộc tranh cãi quá rồi? - Rất nhiều chuyên gia đã hỏi Anatoli Chubais. Nhưng anh ta vẫn kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình. Anh ra chứng minh rằng chỉ có như vậy thì nền kinh tế Nga mới khôi phục được.- Thưa Boris Nicolaevich, nếu không có đầu tư, hơn nữa lại không có đầu tư nước ngoài, không thành lập những công ty có vốn đầu tư nước ngoài, chúng ta không thể bổ sung cho ngân sách được, không thể giải quyết được những vấn đề xã hội và cái chủ yếu là không thể có bước đột phá như Ngài chờ đợi. Người nước ngoài sẽ đến với chúng ta nếu như họ tin chắc rằng mọi việc đều trong sáng, việc mua bán cổ phiếu tài sản quốc gia ở nước Nga đều tiến hành một cách công bằng. Nếu như Nhà nước thay đổi luật chơi, ngân hàng cần phải phục tùng. Các ngân hàng cảm thấy mình là ông chủ hoàn toàn ở trong nước. Sau bầu cử họ muốn tiếp tục cắt giảm lượng tiền. Cần phải có lần nào đó bẻ gãy cả răng của họ đi! Nếu không làm như vậy thì chúng ta chẳng hề làm được gì hết!- Chubais giải thích.Thời gian đã chứng minh: anh ta là con tin của cuộc đấu đá này. Thực sự anh ta không muốn thế, lợi dụng các nhóm tài phiệt để đấu đá với nhóm khác, lợi dụng ngay những mâu thuẫn trong nội bộ giới thượng lưu kinh doanh. Anh ta đã không biết giữ khoảng cách nhất định. Do vậy những luật chơi mới được Chubais sử dụng như chiếc gậy chính trị.Cuộc đối đầu vô vọng giữa Gusinski và Berezovski đã gây cho Chubais tức giận ghê gớm. Bởi vì chính hai nhà doanh nghiệp này tháng hai năm 1996 đã đề nghị Chubais đứng đầu bộ chỉ huy vận động bầu cử, cùng với họ thành lập một đội hình hùng mạnh gồm những con người trí tuệ, có khả năng làm nên chiến thắng trong bầu cử. Chubais nói tiếp:- Thưa Boris Nicolaevich, không có gì đáng ngại. Họ đã có lần đến ôm chân Ngài, bởi họ còn biết đi đâu, thì rồi họ lại đến ôm chân thôi.Thị trường theo thế giới quan nó hoàn toàn giống một người theo phái đa số về khí chất và về hành động. Đó là điều đáng lo ngại.Tôi còn lo ngại những hậu quả của cuộc xung đột ngay trong nội bộ đội hình tất yếu sẽ xảy ra.Mỗi một bài báo mới điên cuồng chống Chubais và Nemtsov, mỗi một chuyên mục truyền hình nhục mạ lại làm tôi lo ngại. “Phải chăng họ không hiểu được rằng dựa vào sự kiên nhẫn của Tổng thống như thế mà chả lẽ lại không đạt được gì?”.Tôi suy ngẫm và giở đọc tiếp những trang báo. Những nỗ lực để phân chia lại cái gì đó, lợi dụng vào chuyện đó những nguồn thông tin làm cho tôi hết sức lo ngại.Trở lại thời kỳ đó, giờ đây tôi thấy tương đối rõ nguyên nhân gây ra cuộc chiến tranh ngân hàng của chúng ta. Những nhà cải cách trẻ muốn khắc phục tình trạng không phù hợp giữa luật pháp của chúng ta với thực trạng kinh tế bằng một cú đột phá. Họ muốn đột ngột thay đổi các quy định, như tôi đã nói ở trên.Nhưng còn có nguyên tắc chung - những quy định kinh tế mới bao giờ cũng được áp dụng với hành động đã kiểm nghiệm. Luật thuế mới, tỷ suất mới - những thứ đó phải được công bố trước để thị trường kịp thích ứng và được áp dụng sau một thời gian nhất định. Nhưng họ lại muốn làm ngay. Muốn hành động tức thì.Một khía cạnh khác nữa của vấn đề là những đầu tư tài chính trong quá trình vận động bầu cử đã biến thành đầu tư chính trị. Những chủ ngân hàng muốn trực tiếp tác động lên chính quyền, điều khiển đất nước sau lưng những chính khách.Chúng ta vừa mới tránh được mối đe doạ của chính biến, của chủ nghĩa phục thù cộng sản, chúng ta vừa mới có được những tiêu chí của một xã hội công dân, thì bỗng dưng lại đối mặt với thách thức mới, nguy hiểm.Ở nước Nga hiện nay và trên thế giới nói chung, thuật ngữ “tập đoàn thống trị đầu sỏ” được áp dụng đối với những đại diện của giới kinh doanh của chúng ta bao giờ cũng đi kèm với màu sắc tội lỗi. Tuy không thể đánh đồng họ với tội phạm. Đó không phải là những “bá tước” biển thủ tiền bạc và cũng không phải là những kẻ đầu sỏ của giới mafia. Đó là đại diện của tư bản lớn có quan hệ qua lại chặt chẽ với Nhà nước. Chính điều đó đã gây cho xã hội có sự chú ý đặc biệt, chính điều đó đã buộc các phóng viên và các cơ quan bảo vệ pháp luật phải nghiên cứu đến chân tơ kẽ tóc đời sống và hoạt động của họ. Trên thực tế ảnh hưởng của giới tư bản lớn đối với chính quyền tất yếu ở nước nào cũng có. Vấn đề là ở chỗ ảnh hưởng đó có hình thức như thế nào.Tôi muốn giải thích, tôi đã thấy quá trình đó như thế nào.Khi nước Nga trở thành một quốc gia độc lập, bước vào cải cách kinh tế, trước hết là cần phải giải quyết hai vấn đề tối quan trọng: thả nổi giá cả, tức là áp dụng kinh tế thị trường thực thụ, kiên quyết và cứng rắn như đã làm dưới thời Pie Đại đế ra lệnh trồng khoai tây. Thứ hai là cho phép sở hữu tư nhân. Một bộ phận đáng kể tài sản Nhà nước phải trở thành tư nhân. Đó là nhiệm vụ chính trị và kinh tế phải được giải quyết đồng thời. Nếu không làm được điều đó thì đừng có nói đến bất cứ một cuộc cải cách nào. Điều đó phải được thực hiện nhanh chóng. Phải làm với bất cứ giá nào, dù có mắc sai lầm, dù có bị phản đối (trong bất cứ cuộc chia bôi tài sản nào cũng đều xuất hiện sự bất công) là tạo thành một tầng lớp sở hữu.Thậm chí nếu người sở hữu mới của xí nghiệp cũ của Nhà nước có yếu đuối, kém cỏi, thì cuối cùng anh ta phải bán lại sở hữu của mình cho người khác có năng lực và căn cơ hơn, điều đang diễn ra ở nước chúng ta.Người ta nói rằng tài sản của chúng ta khi bán đã không được đánh giá đúng giá trị. Rồi có những câu chuyện bàn tán rằng đã bán tống bán tháo nó đi. Chúng ta đã tạo ra rào cản giả tạo để không cho tư bản phương Tây được vào mua đấu giá.Đúng, hoàn toàn đúng. Chúng ta đã bán không đúng giá, tất nhiên chỉ tương đối thôi - hàng trăm ngàn đô la. Tất nhiên nếu đó là công ty dầu lửa, luyện kim, hoá chất... nằm ở Tây Âu hay ở Mỹ thì nó có thể có giá cao hơn nữa.Nhưng còn lý lẽ khác cũng đúng. Tiền của phương Tây đổ vào thị trường của chúng ta rất khó khăn. Nếu không làm như vậy thì không thể xuất hiện những nhà tư bản Nga, không thể có tư bản mại bản của chính Nga. Điều hoàn toàn rõ ràng là chỉ năm năm sau khi chủ nghĩa xã hội sụp đổ các nhà doanh nghiệp của chúng ta không thể nào cạnh tranh được với phương Tây.Thậm chí số tiền (cũng không nhiều) được thanh toán qua những xí nghiệp tư nhân hoá ở Nga cũng không có. Lấy đâu ra tiền? Đó chỉ là những khoản tín dụng, mà những nhà kinh doanh Nga có thể vay ở thị trường phương Tây. Tức là lại là tiền của phương Tây.Vấn đề nảy sinh là: tại sao các nhà kinh doanh của chúng ta không thể vay tín dụng được nhiều hơn, khi Nhà nước có thể bán các xí nghiệp của mình đắt hơn? Nguyên nhân thật giản đơn: không ai cho chúng ta nhiều hơn nữa. Họ chỉ cấp đúng bao nhiêu mà những nhà kinh doanh Nga có thể thanh toán được, đúng với giá mà vào thời điểm đó xí nghiệp có giá trị. Không hơn, không kém.Xin lưu ý là giai đoạn chủ chốt của quá trình tư nhân hoá được kết thúc vào năm 1996. Chỉ còn rất ít xí nghiệp được tư nhân hoá sau năm 1996. Kể cả “Sviazinvest” nổi tiếng.Phương Tây lo sợ đầu tư những khoản tiền lớn vào Nga, sợ phải cho các nhà kinh doanh Nga vay quá nhiều tiền. Các nhà kinh doanh của chúng ta đã liều lĩnh. Liều lĩnh ghê gớm nữa là khác. Điều thật dễ hiểu là nếu như những người cộng sản thắng cử năm 1996 thì công việc đầu tiên họ bắt tay vào làm là quốc hữu hoá toàn bộ tài sản. Chính vì vậy sau khi đầu tư hàng trăm triệu đô la bằng xương máu, nói đúng nghĩa của nó thì các nhà kinh doanh mại bản rất quan tâm vào việc ổn định chính quyền, về việc kế tục của chính quyền đó.Đấy là điểm mấu chốt. Đấy là câu trả lời: Tại sao chính quyền và giới kinh doanh luôn bên nhau?.Tháng 8 năm 1996, chính các nhà kinh doanh chủ động đề nghị hỗ trợ bộ chỉ huy vận động bầu cử của tôi. Không ai đòi hỏi họ, không ai áp đặt điều kiện với họ. Họ đến không phải để bảo vệ Yeltsin, mà là bảo vệ chính họ, nghề kinh doanh của họ, bảo vệ hàng triệu đô la mà họ đã đổ vào đầu tư để nhanh chóng thu hồi được.Còn bây giờ nói về giá trị của các xí nghiệp. Như tôi đã đề cập, việc tư nhân hoá những xí nghiệp quốc doanh lớn nó không được tiến hành có trật tự như ở những nước khác có sự ổn định. Có nghĩa là các nhà kinh doanh của chúng ta quan tâm cái gì trước tiên? Ổn định chính trị. Xã hội càng ổn định bao nhiêu thì giá trị càng tăng lên, tư hữu hoá càng có giá trị, nhà kinh doanh càng giàu có hơn. Nếu như xã hội không ổn định hay phía trước là một cuộc bầu cử không rõ kết quả thế nào - thì xí nghiệp đó có thể không có giá trị gì hết. Điều gì đã xảy ra trước cuộc bầu cử năm 1996. Chính vì vậy các nhà kinh doanh đã sẵn sàng đầu tư tiền vào sự ổn định chính trị, vào chính trị nói chung. Từ đây thấy rõ sự tích cực thái quá của họ vào các quá trình chính trị ở Nga.Sau bầu cử, toàn bộ thị trường Nga - tư bản hoá tất cả các xí nghiệp của chúng ta, tăng lên mấy lần. Thị trường thế giới phản ứng với tình hình ổn định chính trị ở Nga. Giá trị của các công ty lớn được mua với giá hàng trăm triệu đô la ngay lập tức được tăng lên hàng tỷ.Cho nên những ai cố hình dung những người đầu sỏ kinh doanh Nga chỉ là những kẻ rửa tiền ấu trĩ hoặc là những ai đưa hối lộ làm giàu nhờ tư nhân hoá thì chỉ là suy nghĩ rất hời hợt. Hoặc là họ lợi dụng những kẻ đao búa để đi theo dấu vết sai lầm.Hơn nữa đã đến lúc khi thói quen của bọn đầu sỏ tác động lên chính trị, lên chính quyền, lên xã hội đã không còn có tác dụng đối với đất nước nữa. Cần phải đưa quá trình này vào một trật tự chặt chẽ nào đó. Cuộc bán đấu giá “Sviazinvest” là một trong những nỗ lực đó.Ngay lúc đầu tôi chưa nhận thức được quy mô của hiện tượng này và toàn bộ mối nguy hiểm của nó. Đúng, những khoản tiền lớn đã được đầu tư vào chính trị. Chính những khoản tiền “chính trị” này hiện nay đang là mối đe doạ nguy hiểm đối với sự phát triển nước Nga. Không phải là những người cộng sản, cũng không phải là cuộc nội chiến hay một sự rối ren, không phải là chủ nghĩa ly khai địa phương, cũng không phải là những tướng lĩnh thô kệch mang quân hàm - mà là những khoản tiền lớn đang giằng xé nhau và đồng thời lật đổ hết cơ cấu chính trị mà chúng ta xây dựng một cách khó khăn.Giới đầu sỏ tài chính định điều khiển các công việc quốc gia theo các kiểu khác nhau: một số ngân hàng định nắm những quan chức Matxcơva, toà thị chính, số khác thì làm việc với các tỉnh trưởng, còn số khác nữa như Gusinski và Berezovski thì tung hết tiền bạc ra để thành lập những công ty viễn thông đồ sộ, những nhà in lớn hay nói một cách khác là muốn độc quyền nắm các phương tiện thông tin đại chúng. Tôi nhớ là đã diễn ra một cuộc giành giật chiếm hữu tờ báo Nga có thâm niên lâu đời là tờ “Tin tức”. Đại diện của hai công ty cạnh tranh chạy đuổi theo ban biên tập để giành được nhiều cổ phiếu nhất. Một số phóng viên lúc đầu làm việc cho người chủ mới nghe chừng có vẻ không hào hứng, còn sau đó thì hì hục và mẫn cán như thế nào.