Nước Nga bao giờ cũng tự hào với các tướng lĩnh của mình.Đó là các tướng lĩnh của cuộc chiến tranh năm 1812, các tướng lĩnh của chiến dịch Crưm (tuy bị thất bại), các tướng Mikhail Scobelev, Alexei Brusilov, các tướng lĩnh của Cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại trong Thế chiến hai: Georgi Zukov, Konstantin Rocosovski, Van Konev.Thậm chí từng là những nhân vật mâu thuẫn, nhưng những anh hùng trong cuộc nội chiến Mikhail Tukhachevski, Vasih Bhukher, Iona Yakir trong lịch sử họ vẫn là những anh hùng. Cho đến giờ đây chúng ta vẫn còn trăn trở, dằn vặt với những bí ẩn: không hiểu cuộc sống của chúng ta sẽ thế nào nếu như Stalin không đầy ải họ, không xử bắn họ? Có thể ngay trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại số người thương vong cũng ít hơn chăng?Trong cuốn phim nổi tiếng của Nikita Mikhalkov “Chìm trong ánh nắng” có một trích đoạn gây chấn động: Một vị tướng đỏ bị dẫn đến Lubianca, mặt mũi bầm nát. Trước đó mới có nửa tiếng đồng hồ con người này còn là một vị anh hùng dân tộc, còn bây giở: ông bị tra tấn dã man, không kìm nổi thổn thức - máu me, mũi dãi và nước mắt quện nhau trên mặt. Ai đã gây ra chuyện này? Tất cả chỉ có ba nhân viên an ninh: Họ tống vào quai hàm ông mấy quả đấm và thế là con người to lớn kia ngã vật bất động. Tôi nhớ là khi xem bộ phim này, tôi cứ suy nghĩ dằn vặt: sao lại thế được nhỉ? Thời đại nào mà kỳ quặc đến thế nhỉ? Một con người dũng mãnh đã chỉ huy những binh đoàn, quân đoàn, tập đoàn quân, không hề biết sợ chiến tranh thế giới, thậm chí cũng chưa kịp đợi đến chiến tranh thế giới, thì bỗng chốc chỉ trong khoảnh khắc chẳng còn là ai nữa, không còn trên đời nữa. Toàn bộ hy vọng của ông chỉ muốn được gọi điện cho Stalin cũng không diễn ra!Trong tôi còn nảy ra suy nghĩ khác nữa: Nếu như những tướng lĩnh đó nổi tiếng không bắn vào dân thường, không tuyên bố một cuộc khủng bố đồng loạt nhằm vào những người nông dân nổi dậy và những người Cô dắc, không làm sạch đến gốc rễ cả một tầng lớp xã hội - thì chắc chắn chẳng cần phải ngồi trên những chiếc xe chở phạm nhân như vậy?Tại sao tôi lại đề cập vấn đề này chi tiết như vậy?Cho mãi đến cuộc bầu cử năm 1996 một làn sóng các tướng lĩnh - chính khách Nga mới đã tác động ghê gớm lên đời sống chúng ta. Độc giả tự thấy đấy. Tướng Pavel Grachov, Bộ trưởng Quốc phòng; Tướng Zokhar Dudaev, Tổng thống của “Chesnia độc lập”; Alexandr Lebed, ứng cử viên Tổng thống và Thư ký Hội đồng an ninh. Các tướng Alexandr Korzakov, người đứng đầu Cơ quan an ninh Tổng thống, và Mikhail Barsukov, Giám đốc Cơ quan an ninh Liên bang. Mỗi người có tấm lai lịch riêng của mình. Nhưng cũng có những điều để nói về từng người này.Trong cuốn sách trước, tôi đã viết về những dấu vết nóng bỏng, về sự kiện bi thảm mùa thu năm 1993. Lúc đó tôi nghĩ rằng chủ nghĩa cộng sản đã vĩnh viễn bị chôn vùi. Không ai muốn để sự kiện dẫn đến đụng độ ồ ạt như vậy. Nhưng một khi Xô-viết Tối cao do Khasbulatov đứng đầu áp đặt trước Tổng thống và đất nước cái lô gích nội chiến, thì buộc phải hành động rất kiên quyết và mau lẹ. Đó là những ngay đau khổ đối với Matxcơva. Nhưng dù sao tôi cũng cho rằng thắng lợi chủ yếu của mình là ở chỗ chúng ta đã tránh được một cuộc xung dột đẫm máu quy mô lớn, một cuộc nội chiến giữa những người ủng hộ Xô viết Tối cao cộng sản và một chính quyền Tổng thống hợp pháp trên toàn nước Nga.Chính lúc đó tôi đã suy ngẫm sâu sắc điều này. Hay có thể nói theo cách khác - lần đầu tiên tôi va chạm với một loại tướng lĩnh không có chính kiến. Lạnh lùng vẻ bên ngoài, dường như được tôi luyện từ thép ra, thẳng thắn, trung thành với lời tuyên thệ và nghĩa vụ - họ muốn được người ta coi như vậy. Nhưng qua kiểm nghiệm thì hoá ra ngược lại.Thường là ở những người dân sự khiêm tốn, nhút nhát và sách vở (những thí dụ điển hình như Sakharov, Likhachev, Sobchac, Starovoitova) thì chính kiến lại rõ ràng và hành động kiên quyết hơn.Danh sách những người như thế có mà vô tận.Trong suốt những năm từ 1990 đến 1996 - giờ đây nghĩ lại tôi hoàn toàn tin rằng trên đầu nước Nga lúc nào cũng treo lơ lửng bóng tối âm u, nội chiến. Rất nhiều người Nga tin tưởng một cách đơn sơ mộc mạc là sẽ diễn ra: một cuộc đảo chính quân sự mới, nổi dậy, đất nước bị chia năm xẻ bảy thành nhiều nước cộng hoà nhỏ, hay nói cách khác là giống như Nam Tư. Hay nếu so sánh với lịch sử gần hơn ở nước ta, tức là phương án năm 1918. Một phương án ghê sợ. Phương án đó rất có thể xảy ra. Rất nhiều người lúc đó bỏ nước ra đi vì nguyên nhân này.Và thực sự những hoàn cảnh khách quan đã đẩy chúng ta theo chiều hướng này.Đế chế Xô-viết nhiều năm được xây dựng không hề có bóng đen nghi ngờ, theo một kế hoạch tổng thể cứng nhắc. Trong nội bộ không thấy mâu thuẫn. Kịch bản lẽ ra phải thực hiện, thì đế chế buộc phải từ bỏ một loạt lãnh thổ, nhường chỗ cho cho sự hình thành những quốc gia mới, thậm chí trong kịch bản đó không có phương án như vậy. Kinh tế thì phát triển không xuất phát từ những nhu cầu của địa phương và thực tế cuộc sống, mà chỉ bằng một động tác làm tan băng hoàn toàn một phần sáu trái đất. Sau khi Liên bang tan rã, một bộ phận lớn những người nói tiếng Nga trở thành ngoại kiều ở các nước cộng hoà, nơi hàng chục năm họ cống hiến phục vụ cho nền công nghiệp, khoa học, văn hoá của đế chế. Ở những thành phố và khu vực, nơi người ta phải cung cấp lương thực từ những nơi khác và nơi chỉ sản xuất thép, xe tăng, tên lửa, thiết bị... thì do thị trường trong nước sụp đổ đã diễn ra tai hoạ kinh tế thực sự. Bổ sung thêm vào đội quân thất nghiệp còn có những sĩ quan thất nghiệp - quân đội ta nhanh chóng rút khỏi châu Âu.Năm 1991, vào những ngày diễn ra chính biến tháng Tám, khi chính quyền Xô-viết bị sụp đổ, tôi vẫn nghĩ rằng dù sao thì hệ tư tưởng trong nước vẫn không có vấn đề gì. Tất cả lúc đó đều đồng loạt căm ghét chủ nghĩa cộng sản và những người cộng sản, tất cả đều lên án chế độ giả dối...Nhân dân Nga chúng ta rất tin tưởng vào sức mạnh của lời nói. Và tôi cũng vậy. Nhu cầu tuyên truyền, nhu cầu tin vào những lời nói văn hoa ở nước chúng ta chẳng ai cần đến.Chúng ta đã quá chao đảo trong những năm cải tổ của Gorbachov và cả sau khi nó đã bị sụp đổ, đã có quá nhiều kiểu chính trị được phát trên vô tuyến truyền hình. Hình ảnh hoà bình, thịnh vượng, tiến bộ của nước Nga không tài nào nảy sinh ra được. Nó bị cản trở bởi những kẻ làm chính biến, bởi sinh hoạt được tổ chức kém, bởi nền kinh tế theo “liệu pháp sốc”, và bởi sự tan rã của phương thức cũ. Đúng tôi vẫn nghĩ là ở đây chẳng cần phải thiết lập cái gì cao siêu. Không cần tuyên truyền cho cuộc sống mới. Cuộc sống mới tự thân nó sẽ thuyết phục mọi người là nó thế nào.Cảm giác hằn học, mất tất cả những gì quen thuộc đã sinh ra một tầng lớp chính khách mới.Một mặt, đó là một tầng lớp nghị sĩ điên khùng mà điều quan trọng đối với họ là cứ cố bám giữ lấy ý tưởng dân tộc bị tổn thương.Mặt khác, đó là những tướng lĩnh hiếu danh lúc nào cũng sẵn sàng vào bất cứ thời điểm nào đương đầu một “sự kiện” nào đó.Xin dẫn chứng đó là tướng Dudaev. Dường như anh ta là một vị tướng thực sự, có thể nói là vị chỉ huy nổi tiếng của Liên Xô đã từng chỉ huy lực lượng không quân chiến lược, nắm trong tay những con bài ở châu Âu. Dường như đó là một người có văn hoá.Ấy thế mà năm 1991 khi trở về Chesnia, trong đầu anh ta đã nảy nòi kế hoạch: ra khỏi thành phần nước Nga, tuyên bố thành lập Nước Cộng hoà Hồi giáo? Phải chăng vòng nguyệt quế của Homeini và Kaddafi còn chưa đủ hay sao? Tôi không thể nào hình dung nổi. Nhưng đúng là như vậy - một con người với những ý tưởng điên khùng trở về “quê hương lịch sử” của mình. Sau những sự kiện khủng khiếp, có tính chất thời đại năm 1991 chúng ta đã bỏ qua tai hoạ dân tộc ở Chesnia. Chúng ta đã không tin, không thể hình dung chuyện như vậy lại có thể xảy ra được.Quy mô những cuộc đàn áp bao trùm khắp nước cộng hoà này kể từ khi Dudaev nắm quyền lực thật không thể tin nổi.Lúc đầu là hàng chục ngàn, sau đó là hàng trăm ngàn người Nga, người Chesnia phải bỏ đất nước Chesnia ra đi do bị tủi nhục và đe doạ.Nhưng mối nguy hiểm chủ yếu không phải ở chỗ sự man rợ ngày càng leo thang đến không thể tưởng tượng nổi. Trên lãnh thổ nước Nga bốc lên làn khói đen của tội phạm. Tôi phạm bùng lên lan tràn - đó là một chủ đề đặc biệt. Tôi nhất định sẽ trở lại vấn đề này. Trong vấn đề này người Chesnia không xấu hơn, mà cũng không tốt hơn dân tộc khác - dân tộc nào cũng có tội phạm. Nhưng ở Chesnia tội phạm được coi như một dạng hoạt động thu nhập công khai hợp pháp, trở thành niềm vinh quang dân tộc. Vấn đề khi một Nhà nước dù kém cỏi thế nào chăng nữa, nhưng kiên quyết tấn công chống tội phạm có tổ chức trên lãnh thổ của mình, thì ở các thành phố, làng mạc các cơ quan giữ gìn trật tự xã hội vẫn còn trông cậy vào chính quyền. Nhưng vấn đề lại khác, nếu như chính quyền địa phương lại giúp đỡ bọn tội phạm và chúng có thể biến mất biệt vô tăm tích bất cứ lúc nào cùng với tiền bạc, cùng với những con tin và vũ khí.Mùa thu năm 1994 trước khi diễn ra cuộc chiến tranh Chesnia đầu tiên, xã hội hoảng sợ trước một cuộc chính biến mới, nên không muốn có bất cứ một cuộc xung đột nào.Nhưng Dudaev đe doạ nước Nga, đe doạ gây khủng bố trên lãnh thổ nước Nga, gây nổ ở những căn cứ quân sự, những nhà máy điện nguyên tử. Một người dám tuyên bố như vậy, thì nói chung không thể nào trở thành đối tượng đàm phán được.Những người Chesnia tự hào rằng họ đã trong có thời gian dài và thường xuyên chiến đấu với nước đại Nga: Trong thế kỷ XIX với Sa hoàng, trong cuộc nội chiến - với những tướng lĩnh bạch vệ, còn sau chiến tranh - với Trêca. Trong câu chuyện huyền thoại dân tộc đó cho rằng người Chesnia ngay từ lịch sử cổ xưa đã cảm thấy thù địch với các bộ lạc miền núi khác, thì Dudaev đong vai trò chính. Mọi thứ trong cái hình ảnh hào nhoáng tỉnh lẻ của anh ta - mũ phớt, ca vát, ria mép của Dudaev - đều rất giống như những kẻ cầm đầu các nhóm vũ trang phiến loạn hiện nay. Chúng thay thế anh ta tiến hành khủng bố nước Nga không chỉ trên lời nói mà là hành động thực sự. Nhưng chính Dudaev là người cha tinh thần của những kẻ này.Còn một huyền thoại nữa cổ vũ Dudaev - đó là huyền thoại về một cuộc cách mạng Hồi giáo. Một huyền thoại nguy hiểm. Song điều đáng buồn nhất, trong đó có cả chính sách ngu xuẩn của Liên Xô đã dẫn đến xuất hiện chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo. Bao nhiêu năm trời ở Liên Xô chúng ta “đấu tranh chống chủ nghĩa Xion”, lên án Israel, giúp đỡ người Palestin và các phong trào Arập khác, bất. chấp cả chủ nghĩa khủng bố. Bao nhiêu năm trời chúng ta chiến đấu ở Afganistan. Chính vì thứ chủ nghĩa xã hội nhập khẩu, những phương pháp khủng bố được các cơ quan đặc biệt của chính chúng ta du nhập vào đã câu kết với các nhánh Hồi giáo cấp tiến và tàn bạo... đã ngấm thành nỗi căm thù xuất hiện ngay từ thời chiến tranh Afganistan đối với nước Nga và nhân dân Nga.Hơn nữa lòng căm thù của những kẻ khủng bố, những kẻ Hồi giáo cực đoan ở những thời điểm khác nhau còn du nhập vào các nước khác nữa như Mỹ, Anh, Pháp, Ấn Độ, Israel, Nga. Điều quan trọng khác nữa là: tất cả những nước này vào cuối thế kỷ 20 đều có vũ khí hạt nhân, công nghệ cao, máy bay, tên lửa, máy tính. Những nước này đã đánh thức dậy một nền văn minh khác, một nền văn minh dã man, đánh thức dậy một tính mọi rợ thời trung cổ - và việc giải quyết được vấn đề này không hề đơn giản. Tính mọi rợ đó đang đặt chúng ta vào việc làm sao để bảo vệ được những giá trị của chúng ta, hoà bình và bản thân sự tồn tại của chính chúng ta. Nền văn minh dường như đang trong tình trạng bấp bênh trước các chỉ huy chiến trường, trước cuộc chiến tranh du kích, trước việc bắt cóc con tin, trước những hành động khủng bố: làm sao giải quyết được đây? Chúng ta không còn khả năng chống chọi với tai hoạ này tưởng chừng như nảy nòi từ lịch sử xa xưa sâu thẳm. Từ những kỷ nguyên trước đây. Chúng ta chỉ còn phải học cách chống chọi, đối phó.Hơn nữa mỗi nước đều có cách đối phó riêng của mình. Người Israel dùng kiểu ăn miếng trả miếng. Còn người Mỹ và Anh thì xây dựng một mạng lưới điệp viên rộng khắp theo dõi chặt chẽ những tên cầm đầu, đồng thời trong chính sách đối ngoại, đặc biệt là trong nền kinh tế quốc tế thì cố gắn các nước Hồi giáo vào mắt xích những ưu tiên chung. Người Pháp vào lúc cao điểm chống những người Algeri nổi dậy thì dùng biện pháp đàn áp hàng loạt và trục xuất nhiều người ra khỏi đất nước và đồng thời duy trì và cố duy trì quan hệ thân thiện với những thuộc địa cũ của mình.Chúng ta cũng dã phải đối mặt với đúng vấn đề như vậy và như tôi đã đề cập là vấn đề đó hoàn toàn bất ngờ đối với chúng ta. Giờ đây cần phải nhớ lại xem nó được bắt đầu như thế nào. Cần phải hồi tưởng lại một cách thành thật, không nghi ngại những sai lầm của những ngày đó, không ngại nỗi đau tinh thần luôn ám ảnh những ký ức của chúng ta.Mùa hè năm 1994 cuộc chiến tranh Chesnia đã trở nên sôi động. Lúc đó trong các cơ cấu chính quyền lan truyền một lý thuyết: chính quyền của Dudaev trên lãnh thổ Chesnia sẽ không bền vững. Chế độ mới của chính quyền này chủ yếu dựa vào ảnh hưởng của các bộ tộc và mặc dù chế độ đó được các tộc trưởng ủng hộ, nhưng hiện đang diễn ra sự thù địch gay gắt, tranh giành quyết liệt ảnh hưởng và quyền lực. Trên lãnh thổ Chesnia thường xuyên diễn ra những cuộc xung đột vũ trang, khi thì ở Groznyi, khi thì ở khu vực Nadterechnyi. Sản xuất bị đình trệ, các xí nghiệp không hoạt động, quần chúng thì bất mãn và đã chán ngấy những lời hứa của Dudaev. Tất cả đều muốn có một sự ổn định nào đó. Đã đến lúc Nga phải can thiệp với sự hỗ trợ của các lực lượng chống Dudaev ở bên trong. Sự kiện ở Grudia cho thấy khi người đứng đầu thái quá, làm những điều xằng bậy, thì giới trí thức dân tộc có ảnh hưởng sẵn sàng chấp nhận một phương án tình thế, thông thường là các nhóm chính trị hướng vào nước Nga. Chúng ta hãy thành lập ngay ở Matxcơva, nơi có nhiều người Chesnia sinh sống một tổ chức mới dẫn đầu phong trào này. Và có không ít ứng cử viên - Avturkhanov, Gadziev, Zavgaiev.Một kế hoạch với từng giai đoạn cụ thể đã được chuẩn bị sẵn sàng. Kế hoạch đó sẽ tiến hành từng bước đưa vào Chesnia tâm lý và các lực lượng chống Dudaev. Sẽ giúp tiền bạc và nếu cần cả các chuyên gia. Mục tiêu chủ yếu là làm sao lật đổ Dudaev. Nếu như xảy ra xung đột vũ trang thì cố gắng không để xảy ra đẫm máu. Những nỗ lực gìn giữ hoà bình bao giờ cũng được nhân dân ủng hộ: chúng ta đã có kinh nghiệm ở Tazikistan, Pridnestrovie.Tôi đã nhất trí với kế hoạch đó.Còn một luận chứng nữa: Nếu tuyên bố chiến tranh với tội phạm ở một địa điểm nào đó và chiến thắng, thì như vậy có thể dẹp được tình hình tội phạm hình sự ở nước Nga. Vấn đề là cần bắt đầu từ Chesnia. Cần phải loại bỏ tâm lý vẫn sống ngoài vòng pháp luật của bọn tội phạm, tấn công thật sự vào thế giới tội phạm đã bao trùm khắp nước cộng hoà này, chứ không phải chỉ làm kiểu đầu voi đuôi chuột.Còn có một lý thuyết nữa: Dường như Yeltsin gây căng thẳng với Chesnia chỉ để củng cố uy tín của mình, chỉ vì muốn củng cố quyền lực Tổng thống của mình. Thật là bậy bạ! Thật là láo toét? Tôi hiểu rằng xã hội lo sợ và không muốn chiến tranh. Đặc điểm chủ yếu của chiến dịch quân sự ở Chesnia chính là ở chỗ tôi muốn ngăn chặn xung đột quân sự lan rộng, chứ không vì một mối lợi ích chiến thuật cụ thể nào. Nhưng chiến tranh không chấm dứt mà lại bùng lên. Cuộc chiến tranh này đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của chúng ta, xuất hiện dưới một hình thức mới, dưới một dạng mới.Nó đã diễn ra ở Budenovsk, ở Krasnoarmeisk, ở Groznyi mùa hè năm 1996.Quyết định triển khai chiến dịch quân sự ở Chesnia được Hội đồng an ninh thông qua. Trên báo chí đã viết rất nhiều: Ai ra lệnh? Ra lệnh thế nào? Tại sao? - Tất cả được che giấu dưới tấm màn bí mật. Rồi Yeltsin, dường như lẩn tránh trách nhiệm. Lại láo toét nữa! Trong suốt quá trình tiến hành chiến địch quân sự ở Chesnia chưa bao giờ tôi lại lẩn tránh trách nhiệm.Thậm chí khi người khác ra lệnh, tôi cũng nhận trách nhiệm về mình. Tôi nhận trách nhiệm về cuộc tấn công vào Groznyi, về những cuộc ném bom và về việc chấm dứt những cuộc ném bom. Còn tại Hội đồng an ninh, khi quyết định triển khai chiến dịch quân sự, thật sự là không ghi lại biên bản. Trên bàn làm việc của tôi vẫn còn những báo cáo (những báo cáo đó là của các cơ quan khác nhau, có lẽ phải đến hàng chục báo cáo) trình bày lý do tại sao phải tiến hành chiến dịch quân sự. Ngoài ra còn có những báo cáo phân tích khác nữa đề cập đến việc can thiệp vũ trang vào Chesnia. Tôi nêu ra những luận chứng và cân nhắc: có những ý kiên nào “tán thành” và “phản đối”? Điều gì sẽ chờ đợi chúng ta? Và quan điểm chung là: chúng ta không thể đứng ngoài quan sát một khúc ruột của nước Nga đang bị tách ra, điều đó sẽ là khởi đầu làm tan rã đất nước.Một trong những người tin tưởng tuyệt đối vào tính chất “chớp nhoáng” của chiến dịch quân sự là Pavel Sergeevich Grachov, Bộ trưởng Quốc phòng Nga từ năm 1992 đến 1996.Nhân nói về Pavel Grachov, tôi muốn đề cập đôi nét về nhân vật này.Pavel Grachov là một vị tướng quân đội thực thụ. Đã có lần, tôi nói đó là “Bộ trưởng Quốc phòng tốt nhất”. Vậy thì ý tôi muốn nói gì? Vấn đề là ở chỗ khác với các tướng lĩnh khác, Grachov luôn luôn quan tâm đến chính trị. Đó là cá tính thực sự đặc biệt ở anh ta muốn bảo đảm cho đất nước luôn được bình yên.Grachov lúc nào cũng muốn đứng ở “đúng vị trí” của mình. Và thực sự việc chỉ huy một cơ quan quân sự và việc chỉ huy một chiến dịch quân sự là có sự khác nhau: Việc tấn công vào Groznyi đêm ngày mồng một tháng giêng khẳng định điều đó và không bao giờ phai nhạt khỏi tâm trí chúng ta. Đã có biết bao những chiến binh bị thương vong, đã có sự chống trả quyết liệt như thế nào.Sau đó xuất hiện những tướng lĩnh khác đã lập thành tích chiến đấu dưới làn đạn, từng chỉ huy chiến dịch quân sự. Nhưng thực sự hai tháng đầu phát động chiến tranh đã biết bao thương vong phải trả giá!Quân đội ta đã không được chuẩn bị sẵn sàng. Các bộ trưởng vũ lực đã không hề có sự ăn ý trong hành động. Rồi còn có sự phá đám, quấy rối và không am hiểu của đám phóng viên báo chí đối với các hành động của chúng ta, phản ứng kịch liệt của dư luận. Với những hậu quả của nó, cuộc khủng hoảng “cục bộ” Chesnia, khi đất nước như bị nổ tung lên bởi một “cuộc chiến tranh chớp nhoáng” tàn khốc, vô nghĩa có thể so sánh với cuộc khủng hoảng của năm 1991 và năm 1993. Vào thời điểm đó, nước Nga còn phải đối mặt với một ảo tưởng cực kỳ nguy hiểm khác, nhưng cũng rất gần - đó là ảo tưởng về sức mạnh của quân đội chúng ta. Đó là kỹ năng chiến đấu của quân đội, sự sẵn sàng cho mọi cuộc xung đột và khả năng giành được chiến thắng.Dư luận đã bàn tán về chuyện gỉ nhỉ? Họ bàn tán về chuyện ở Chesnia... Rằng ở đó có bao nhiêu quân phiến loạn - năm, mười, hai mươi ngàn quân... Còn quân đội của chúng ta thì sao - một đội quân hùng mạnh, đông đảo và có đầy đủ. Chỉ một thời gian sau mới té ra là quân đội của chúng ta và các vị chỉ huy hoàn toàn chưa được chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh. Các tướng lĩnh thì mắc sai lầm. Chiến tranh đã diễn ra tàn khốc, ghê sợ và đẫm máu.Tôi nhớ rất rõ tôi phải cố gắng như thế nào khi gặp Anatoli Adamovich Kovalov, người trong ngay những ngày đầu tiên của chiến dịch quân sự đã đối mặt với phiến quân ly khai và sau đó quay lại Matxcơva để tiến hành cuộc họp báo về những thương vong và sự tàn phá ở Groznyi.Những mâu thuẫn nội bộ đã làm cho tôi hoảng hốt! Đây, ngồi trước mặt tôi là một con người thật xứng danh, một nhà dân chủ, một người bảo vệ pháp luật và là đại diện được uỷ quyền của Tổng thống về nhân quyền. Làm sao có thể giải thích cho anh ta, nói như thế nào cho anh ta hiểu là sự toàn vẹn của quốc gia, cuộc sống của nước Nga đang bị đặt lên bàn cân? Thế nhưng, anh ta vẫn như để ngoài tai những luận chứng của tôi.Tôi lặng im nghe anh ta báo cáo, cầm lấy bản báo cáo và cám ơn. Nếu như những ngày đó - những ngày sôi sục đó trên vô tuyến truyền hình phát đi những phóng sự chống chiến tranh mà các trợ lý của tôi coi như sự phản bội, rồi chúng tôi áp dụng những biện pháp cứng rắn là hạn chế tự do ngôn luận, thì chắc chắn chúng ta đã bị chia rẽ. Rồi xã hội có lẽ cũng đã tiến theo một con đường khác.Bằng nỗ lực của ý chí, tôi đã bác bỏ tất cả mọi sự phê phán không cần thiết và không công bằng. Dần dần xã hội đã trở lại với nhưng ý nghĩ lành mạnh, đúng đắn.Tất cả đều hiểu rằng quân đội của chúng ta đang chiến đấu ở đó. Quân nhân đang tiến hành công việc chiến đấu của mình, còn quan chức dân sự cũng thực hiện chức năng của mình. Xã hội đã không bị chia rẽ. Tuy rằng có ai đó đã hy vọng như vậy.Năm 1995, chính là cái năm mà cả nước Nga lại bị mắc một căn bệnh mới - căn bệnh “tự ti”, hoàn toàn không tin tưởng ở chính mình, ở sức mạnh của mình. Chúng ta, những người Nga không còn tôn trọng chính chúng ta. Và điều đó có nghĩa là ngõ cụt lịch sử đối với một dân tộc.Vậy thì tại sao điều đó lại diễn ra? Có lẽ căn nguyên của nó là sự ấu trĩ, là lối giáo dục con người của chính quyền Xô-viết cũ. Một niềm tin thơ ngây vào sức mạnh vô biên của Nhà nước. Còn khi Nhà nước mắc một sai lầm, khi Tổng thống cũng là một con người rơi vào tình trạng đánh giá thiên lệch (cụ thể là đánh giá thiên lệch sức mạnh của quân đội Nga), thế là xã hội bùng lên những cơn hoảng loạn. Một cơn hoảng loạn đồng loạt nguy hiểm. Hậu quả của nó vẫn còn dai dẳng đến bây giờ.Mùa hè và mùa thu năm 1996 số phận lại bắt tôi phải đối mặt với một nhân vật chính trị Nga đeo quân hàm (sự thật, đến lúc này anh ta đã tháo bỏ quân hàm, nhưng phong cách của anh ta, suy nghĩ của anh ta vẫn như một vị tướng).Đó là Alexandr Lebed.Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ tiếng nói ồm ồm của anh ta hồi tháng Tám năm 1991, khi anh ta nói với tôi trong buồng làm việc ở Nhà Trắng: chỉ cần một loạt đạn từ xe tăng, thì toàn bộ nền móng của toà nhà sẽ sụp đổ, tất cả những nhân vật anh hùng của Ngài sẽ bay qua các cửa sổ. Khi đó tôi thấy có cảm tình và chú ý đến viên sĩ quan của quân đội Liên Xô này.Nhưng thời gian trôi đi, tôi càng hiểu là nấp sau cái giọng ồm ồm và dáng đi lừng lững như chú gấu kia, sau cái vẻ hùng dũng bị thổi phồng kia hiện lên sự ngập ngừng, không tin tưởng vào bản thân mình. Có thời Lebed chơi rất thân với Pavel Grachov (sau đó số phận bắt mỗi người đi một đường). Grachov là một vị tướng đặc thù, không bao giờ muốn vượt ra ngoài khuôn khổ quân lệnh, khuôn khổ nghi lễ nhà binh, một cuộc sống nhà binh quen thuộc. Như thế là anh ta đã thoả mãn rồi. Lebed, thuộc cấp của Grachov lại là một loại người hoàn toàn đối lập. Đó là loại sĩ quan Nga rơi vào một hệ thống đồ sộ, trong đó anh ta suốt đời chỉ biết làm những chi tiết vặt vãnh quan trọng và mãi đến những năm ở tuổi bốn mươi anh ta mới hiểu rằng cuộc sống đã đổi thay.Tôi có thái độ hết sức nghiêm túc với cái bi kịch của con người này và cảm thấy mình có lỗi trước những sĩ quan bị sa thải khỏi quân dội, mà chính quyền mới của Nga đã không tạo cho những người này như đã từng hứa cấp nhà cấp cửa, công việc và cuộc sống bình thường. Nhưng việc đó sẽ được đề cập đến sau.Còn Lebed, ở một phương diện nào đó trong anh ta có sự phản ánh tập trung của cái bi kịch trên, của khủng hoảng tư chất, của sự tìm kiếm vô vọng chỗ đứng của mình trong hoàn cảnh mới. Một con người lao đầu vào chính trị như vào một trận chiến. Người ta hỏi anh ta những vấn đề về tình hình quốc tế, thì anh ta ấp a ấp úng trả lời rằng đừng có chạy theo những khoản tín dụng vô ích như lừa chạy theo củ cà rốt treo phía trước. Rồi anh ta đưa ra đầy rẫy những chuyện tếu táo, những câu ngạn ngữ. Muốn bộc lộ mình là một người đàn ông mạnh mẽ và không thể sa ngã. Anh ta đã đánh gục, đã làm các phóng viên hoảng sợ bằng cái giọng ồm ồm rất tự tin của mình. Nhưng dù sao trong nền chính trị của chúng ta, đó là tiếng nói chân thành, của một con người bằng da bằng thịt, chứ không phải là một trò chơi. Lúc đó tôi có ấn tượng như vậy.Tôi cảm giác cái con người dị thường này đang quằn quại, muốn mọi thứ đều phải rõ ràng, mạch lạc, trong sáng đến trần trụi và anh ta đau khổ đến mức nào khi không tìm thấy chỗ đứng cho mình trong cuộc sống mới. Tôi không chỉ cảm thấy mà tôi còn có sự cảm thông nữa đối với con người này. Những phóng viên nhạy cảm nắm bắt được cảm tình của tôi, đã vội vã cho rằng Lebed là người kế nhiệm của tôi.Tất nhiên, anh ta không bao giờ có thể trở thành người kế nhiệm được.Ngày 18 tháng 6 năm 1996, ngay từ sáng sớm có sự chứng kiến của các phóng viên, tôi đã ký sắc lệnh bổ nhiệm Lebed làm Thư ký Hội đồng an ninh. Tôi đã trao cho viên tướng này khá nhiều quyền hạn: cải cách quân đội, an ninh đất nước, chống tội phạm và tham nhũng.Nhưng vấn đề chủ yếu là cuộc chiến ở Chesnia. Tôi đã hứa sẽ kết thúc chiến tranh trước bầu cử. Toàn bộ lãnh thổ của nước cộng hoà này, kể cả các vùng núi cao đã bị quân ta kiểm soát. Tuy nhiên ngọn lửa xung đột vẫn còn âm ỉ cháy, và vẫn còn thương vong.Vấn đề đau khổ là không ai biết nên kết thúc chiến tranh như thế nào. Những cuộc hội đàm bình thường chưa đem lại kết quả gì đáng kể. Những cuộc đàm phán trước đó, từ năm 1995 đã kết thúc bằng vụ ám sát tướng Romanov. Còn bây giờ đàm phán với ai? Về vấn đề gì? Trên cơ sở pháp lý nào?Không ai biết điều đó. Nhưng Lebed lại biết. Lebed bay đi Chesnia ban đêm hoàn toàn bí mật và ngay đêm đã gặp Maskhadov và Udugov. Cuộc đàm phán đã có hiệu quả, theo kiểu các tướng lĩnh nói chuyện với nhau.Ngày 14 tháng 8, tức là ngày hôm sau, sau khi đã diễn ra những cuộc đàm phán, Lebed đã ký lệnh về việc giải quyết cuộc khủng hoảng Chesnia ngay ở chỗ tôi. Chỉ đạo chiến lược về toàn bộ các vấn đề Chesnia được giao cho Hội đồng an ninh. Thế là chỉ sau hai tuần Lebed và Maskhadov đã ký tại Khasaviut tuyên bố về những nguyên tắc kết thúc cuộc chiến.Dưới đây là một số điểm trong tuyên bố đó:Vấn đề quy chế của Chesnia sẽ hoãn lại đến năm 2001. Rút lui hoàn toàn các đơn vị quân đội. Thành lập các uỷ ban chung. Hợp tác. Vân vân.Trên thực tế, nước Nga thừa nhận tính hợp pháp của việc tự tuyên bố độc lập của nước Cộng hoà Chesnia. Nước Nga từ bỏ những nhiệm vụ đặt ra trước đây - thiết lập sự kiểm soát trên lãnh thổ Chesnia, khôi phục luật pháp của Nga trên lãnh thổ nước Cộng hoà này, giải tán những đội quân vũ trang trái phép. Những nhà quân sự coi quyết định này là một sự phản bội. Còn báo chí thì gọi đó là đầu hàng. Duma lại coi đó là một cuộc phiêu lưu. Nhưng dù sao thì cái cảm giác chủ yếu của những ngày đó là: xã hội Nga đón nhận quyết định này với sự thở phào nhẹ nhõm. Tất cả đã quá mệt mỏi với chiến tranh, với cảnh nồi da nấu thịt. Tất cả đều muốn hoà bình.Chúng ta còn chưa biết hoà bình có đến hay không.Chúng ta còn chưa biết quyết định vấn đề Chesnia một cách nhanh chóng và hiệu quả này rồi sẽ dẫn đến cái gì nữa.Tại buổi trả lời phỏng vấn, Lebed tuyên bố. “Một đất nước bị bần cùng với nền kinh tế suy sụp và với một quân đội cũng như vậy thì không thể cho phép mình tiến hành một cuộc chiến tranh hoang phí”.Tôi cố gắng lắng nghe âm điệu phát biểu của Lebed. Đã có lúc tôi có cảm giác rằng một con người khí chất mạnh mẽ, một gã đàn ông khoẻ mạnh và năng nổ lên nắm quyền thực sự đã thúc đẩy nhanh việc giải quyết những vấn đề đau đầu của chúng ta. Nhưng trong tôi cũng xuất hiện mối nghi ngờ là có thể hay là tôi không đánh giá hết anh ta - đây chính là chính khách trẻ tuổi mà tôi đã đi tìm và không tìm ra chăng.“Tôi không hợp với một quan chức: Lưng tôi không quen uốn còng xuống... Nguyên tắc đẩy đất nước vào vực thẳm không thích hợp với tôi: Tôi không chơi cái trò đó và sẽ không bao giờ...Sau lưng tôi là mười một triệu con người, và con cái họ hôm nay bị chết trong cuộc chiến tranh phi lý này”.Lebed còn phát biểu một câu sau: “Tôi được cử đi Chesnia để đập tan nó”.Điều mà Lebed không thích đóng vai công chức thì tôi đã biết từ lâu. Điều mà vấn đề hoà bình Chesnia được Lebed giải quyết theo phong cách của mình. với những lời lẽ dứt khoát, kiên quyết, nhấn mạnh lập trường của mình, tôi cũng đoán ra từ trước. Vấn đề cốt yếu là anh ta sẽ xử sự sau này nữa như thế nào.Tôi đã tiến hành việc thay đổi các bộ trưởng vũ lực ngay từ trước khi bầu cử. Những bộ trưởng chẳng có gì nổi tiếng chịu trách nhiệm về chiến dịch quân sự ở Chesnia tôi đã cách chức hết. Kể cả Grachov.Sau khi xem xét Bộ Quốc phòng (theo đề nghị của Lebed, tôi dã cách chức bảy (!) Thứ trưởng của Grachov và bổ nhiệm Igor Rodionov lên làm Bộ trưởng), Alexandr Lebed vẫn chưa thoả mãn. Anh ta tấn công vào Bộ trưởng Nội vụ Kulikov (chính Kulikov với tư cách là Tư lệnh các lực lượng nội vụ chịu trách nhiệm chủ yếu về việc tiến hành chiến dịch quân sự sau này trên toàn lãnh thổ Chesnia). Chính ở đây Lebed đã tìm ra lý do để làm chính biến (tuy là nó chẳng đáng để ý gì), và cũng chính ở đây Lebed đã tố cáo những đối thủ và những kẻ phá hoại. Hục hặc giữa Lebed và Kulikov đã trở nên công khai. Lebed nói thẳng: “Hai còn trâu húc nhau không thể đi trên một chiếc thuyền”.Quân đặc nhiệm dù của Lebed đã bắt giữ hai nhân viên của Bộ Nội vụ, một phụ nữ và một nam giới và những người này ngay lập tức đã phải thừa nhận là họ theo dõi viên tướng này.Sự đối địch giữa các cơ cấu vũ lực bao giờ cũng rất nguy hiểm đối với quốc gia. Khi các tướng lĩnh choảng nhau, thì dân thường sẽ bị thương vong, luật pháp và trật tự xã hội sẽ bị coi thường. Họ là những tướng lĩnh, nên bất chấp Hiến pháp. Giờ đây không thể để tình hình diễn biến như thế được.Cuối cùng thì cũng diễn ra những tuyên bố ầm ĩ của Lebed về chính sách đối ngoại. Lebed đe doạ sẽ tiến hành”cấm vận kinh tế” những nước châu Âu, nếu NATO mở rộng sang phía Đông (còn anh ta muốn nói đến nước nào thì không ai hiểu được), tuyên bố những tên lửa của Liên Xô dù là hoen gỉ nhưng vẫn còn có thể bắn được, đề nghị Thành phố Sevastopol phải được trở lại nước Nga. Mọi tuyên bố của mình anh ta không hề tham khảo ý kiến của ai.Những hành vi của vị tướng này gây ra phản ứng kịch liệt từ nhiều phía và tôi không thể không làm gì.Lebed không hề có bạn bè trong số những quan chức dân sự. Những cuộc chửi bới Lebed nhằm vào Chubais đã vượt quá khuôn khổ lịch sự. Lebed công khai ám chỉ phải cách chức Chánh văn phòng Tổng thống của Chubais, rằng Chubais hay xiên xỏ, châm chọc khả năng và trí tuệ của Lebed. Báo chí đã rất quan tâm xem vị Thư ký Hội đồng an ninh mới này còn gây ra những chấn động gì nữa.Tất cả những chuyện gì xảy ra trong những tháng đó ở Kremli đều liên quan đến tình thế rất rõ ràng - đó là bệnh tật của tôi.Lebed không hề vô cớ tuyên bố rùm beng ở hành lang của chính quyền. Bằng cử chỉ của mình, anh ta muốn bộc lộ: Tổng thống chẳng ra gì cả, còn tôi một vị tướng - chính khách sẵn sàng thay thế vị trí của ông ta. Ngoài tôi ra, chẳng còn có ai xứng đáng cả. Chỉ có tôi mới có khả năng nói chuyện với nhân dân trong giờ phút nan nguy.Điều làm tôi lo lắng nhất là Lebed hoàn toàn không có khả năng thoả thuận, tìm đồng minh, thông qua những quyết định đã được thống nhất. Dường như điều đó phải đến. Lebed phải học, phải biết hướng những nỗ lực của mình tìm kiếm cách giải quyết một cách hiệu quả những vấn đề của chúng ta ở Chesnia. Nhưng sau tuyên bố ở Khasaviut, thì mọi việc mới rõ: Lebed không thể có kiên nhẫn để giải quyết tất cả mọi vấn đề ở Chesnia.Tôi đành phải giao cho Chernomưrdin tiến hành một phần các cuộc đàm phán với người Chesnia.Ngày 3 tháng 10, tôi đã ký sắc lệnh tước bỏ những quyền hạn nhất định của Lebed trong việc gây ảnh hưởng đối với quân đội, Lãnh đạo Uỷ ban về phong hàm và chức vụ trực thuộc Tổng thống sẽ giao cho Yuri Baturin, Thư ký Hội đồng Quốc phòng. Nếu như ai đã hiểu tâm tính của những tướng lĩnh Nga, thì ý nghĩa của sắc lệnh hoàn toàn mang tính chất văn phòng thuần tuý như thế nào. Lebed sẽ không còn nắm trong túi mình những ngôi sao lớn nhất đối với những người có cấp hàm cao nhất của Nhà nước. Anh ta không còn có thể muốn làm gì thì làm.Lebed hiểu ngay là tôi có ý như thế nào. Gần như suốt ngày hôm đó anh ta cứ muốn đến gặp tôi tại Bakhvich. Trước khi tôi phải phẫu thuật còn hơn một tháng nữa. Anh ta cầu khẩn:- Thưa Boris Nicolaevich, quyết định của Ngài là sai lầm. Hội đồng Quốc phòng - đó không phải là cơ quan có thể lãnh đạo những chức vụ cao cấp trong quân đội. Hiện nay lãnh đạo cơ quan này là một nhân vật dân sự. Quân đội sẽ không hiểu được điều đó”Tôi giải thích cho Lebed hiểu rằng quyết định của tôi không nên thảo luận. Và tôi khuyên: “Anh nên làm việc của mình. Nên làm việc thường xuyên với Thủ tướng và những người khác. Không nên cãi nhau với mọi người trong bộ máy của tôi”.Lebed tự ái, nói rằng trong trường hợp đó anh ta sẽ xin từ chức.Anh ta bỏ đi, những bước đi chậm chạp và nặng nề kiểu rất tướng, còn tôi hiểu rằng hoá ra một con người nghe chừng có vẻ rất kiên quyết và cứng rắn, nhưng không phải như vậy. Đối với tôi, một người đã từng trải qua nền đại chính trị, ở các cương vị lãnh đạo khác nhau thì chỉ qua cách nói năng và cử chỉ của anh ta là đã quá hiểu. Biết đâu, hay là tôi đã nhầm? Ta hãy xem sao...Tôi thử chờ. Nhưng chưa thấy có đơn xin từ chức.Ngày 7 tháng 10 Lebed bay đi Bruselles tham dự cuộc họp ở Đại bản doanh của NATO. Anh ta đã tổ chức một cuộc họp báo rùm beng, ầm ĩ, đưa ra những tuyên bố hết sức ngạc nhiên.Còn lúc đó thì tôi đã giao cho Văn phòng Tổng thống chuẩn bị sắc lệnh bãi chức anh ta. Vấn đề không hề giản đơn như vậy, nhất là bây giờ khi thời gian đã qua đi. Uy tín của Lebed trong các lực lượng vũ trang rất cao. Sự tín nhiệm trong dân chúng có lúc lên đến gần ba mươi phần trăm. Đó là chỉ số uy tín cao nhất trong số những chính khách. Nhưng cái chính là Lebed gần như đã nắm được Bộ Quốc phòng do tay chân của mình là Igor Rodionov đứng đầu một người ủng hộ nhiệt tình quan điểm đối lập.Trong khi đó tại Văn phòng Tổng thống của tôi đã thảo luận một cách nghiêm túc đến phương án xấu nhất: tập kích đưa quân dù về Matxcơva, chiếm giữ trụ sở của các bộ vũ lực... Quân đặc nhiệm dù là đội quân cơ động nhất và được huấn luyện tốt nhất trong lực lượng bộ binh - Lebed nói chung được họ tôn sùng. Họ nói rằng đến bây giờ Lebed có thể thực hiện mọi mệnh lệnh của quân đặc nhiệm dù - từ chạy, kéo dây, nhảy và bật dù, bắn mục tiêu di động...Nhưng tôi cho rằng điều đó chẳng có ý nghĩa gì hết. Tôi chỉ biết rằng trong bất cứ mọi hoàn cảnh, Lebed không dám quyết định bất cứ một vấn đề gì. Tôi đọc được trong mắt anh ta một biểu hiện bất ngờ - một cậu học trò chỉ biết học thuộc lòng máy móc đã quên mất bài giảng trên lớp và không biết làm gì hơn.Nhưng dù sao tôi vẫn còn nghi ngờ việc từ chức của anh ta. Nên chăng lại chính thời điểm này làm cho tình hình chính trị nội bộ căng thẳng lên? Sau đó là cuộc phẫu thuật của tôi. Nhưng, mặt khác, nếu như có chuyện gì đó xảy ra thì sao?Tôi không muốn để khi tôi phẫu thuật thì Lebed vẫn còn ở Kremli. Một con người khó sai bảo, có những tham vọng chính trị lớn lao, đang bị những mâu thuẫn nội bộ dày vò... và là một chính khách yếu đuối. Chính cái tiêu chí cuối cùng là cái ghê sợ nhất. Ta có thể mạnh mẽ phê phán mình, nhưng lúc nào cũng phải chủ động nắm vững tình hình. Còn Lebed thì sao? Chỉ để chứng minh cho bản thân mình một cách rất ấu trĩ, anh ta có thể bất chấp không làm một điều gì. Con người này không thể nhận có bất cứ mảy may nào hy vọng để lãnh đạo đất nước này. Bản thân Lebed chắc hẳn cũng cảm thấy sắp bị cách chức.Đang trong tình trạng cáu gắt, Lebed có lần đến Gorki gặp tôi mà không báo trước.Người ta không cho anh ta vào gặp tôi vì không hẹn trước. Anh ta đứng mãi ngoài cổng, chửi mắng cảnh vệ. Anh ta gọi điện từ máy điện thoại công cộng và gào lên trong máy rằng người ta không cho anh ta gặp Tổng thống! Cũng không phải ai khác, mà chính là Chubais, kẻ thù chính của xã hội!Qua miệng của anh ta Chubais được báo chí gọi là “nhiếp chính”: rằng khi Tổng thống bị ốm nặng, thì tất cả đều do “nhiếp chính” Chubais chỉ đạo. Nhiếp chính là thuật ngữ dùng ở thời chế độ quân chủ, đối với thời đại của chúng ta thì không có liên quan gì cả. Nhưng thuật ngữ đó đã lan truyền trong Duma, Hội đồng Liên bang và có ý nghĩa chính trị xiên xỏ.Lebed đứng ở cổng, các cảnh vệ thì run lên cầm cập. Phải thừa nhận rằng tôi có cảm giác rất hay và kỳ quặc lần đầu tiên xuất hiện trong tôi suốt bao năm trời: Dường như có ai đó định đập cửa nhà mình xông vào. Ít ra mình cũng có thể gọi cảnh sát chứ.Tình hình đến mức cực điểm. Thủ tướng buộc phải triệu tập gấp một cuộc họp với các bộ trưởng vũ lực.Chernomưrdin cố ý không mời Lebed tham dự. Các bộ trưởng không thể chịu đựng được hơn nữa bởi những hành động của Thư ký Hội đồng an ninh và đều thống nhất một quan điểm không thể để Lebed nắm quyền lực nữa. Nhưng Lebed không hiểu bằng cách nào đó biết có cuộc họp như vậy và mò tới. Thế là diễn ra một cuộc chửi lộn. Lebed đã gây ra bê bối. Các bộ trưởng thì lặng im... Chỉ có mỗi một mình Kulikov là kiên quyết phản kháng.Điều đó lại càng không thể chấp nhận được khi mọi việc đã đi quá xa khuôn khổ và suy nghĩ lành mạnh vào đúng cái ngày mà tôi quyết định ký sắc lệnh bãi chức anh ta.Lẽ ra nên cách chức Lebed sớm hơn. Nhưng... thật kỳ cục là Alexandr Lebed có điều gì đó rất giống tôi khi nào đó. Nhưng chỉ khác ở dạng anh ta nhừ trò hề. Cứ như ta nhìn vào gương cườiTôi nằm ở viện với bệnh đau tim (đau cả nghĩa đen và nghĩa bóng). Nhưng lúc nào tôi cũng cảm thấy trong tôi có thái độ kỳ cục, hai mặt với Lebed. Một mặt, tôi biết ơn anh ta đã dám nhận trách nhiệm nặng nề giải quyết hoà bình ở Chesnia. Tuy cái thời gian hoà bình đó kéo dài không lâu, không được xây dựng một cách bền vững, nhưng tôi không thể cứ cho kéo dài chiến tranh mãi.Tiếc thay Lebed hoá ra là con người hay to mồm, nhưng lại là một chính khách rất yếu đuối. Có thể đó lại là điều hạnh phúc đối với chúng ta. Hơn nữa, bây giờ anh ta không còn là một vị tướng, mà chỉ là tỉnh trưởng. Tôi rất muốn tin rằng cái trường đời này sẽ dạy cho anh ta điều gì đó. Bởi dầu sao anh ta cũng là một con người chói sáng và dị thường...Tôi sợ rằng nếu tôi nêu ra một công thức như vậy, thì có thể làm cho các quân nhân chân thực tức giận.Rất nhiều tướng lĩnh biết rằng tôi đánh giá cao công lao của họ đối với Tổ quốc. Rồi tôi tin ở họ. Nhưng tôi không thể viết về những gì kém thú vị đối với tôi. Tôi có ấn tượng là trong mảng lịch sử từ năm 1998 đến 1996 có quá nhiều chuyện đất nước phụ thuộc vào các quyết định của các tướng lĩnh, vào cách xử sự của họ công khai cũng như sau hậu trường. Nước Nga phải đối mặt trực diện với cái lô gích của các tướng lĩnh và sự quá tự tin của họ. Chính trong đó có phần lỗi lầm của tôi.Tôi đặc biệt đáng tiếc phải nhớ lại một vị tướng nữa, người có vai trò đặc biệt trong đời tôi. Đã nhiều năm anh ta rất gần gũi với tôi và rất có tình người và tình đồng đội, và cũng nhiều năm tôi coi anh ta là người đồng chí hướng. Đó là tướng Alexandr Korzakov, Giám đốc Cơ quan an ninh Tổng thống. Trong cuốn sách Alexandr Vasilevich viết có quá nhiều điều không đúng sự thật và bẩn thỉu. Nhưng tôi không hề đọc cuốn sách đó, không muốn biết thêm những điều kinh tởm nữa. Tôi chỉ biết một điều: anh ta đã hàng chục năm bảo vệ tôi, miệng hứa trung thành, lấy thân mình che chở tôi với đúng nghĩa của nó, chia sẻ với tôi những khó khăn, không ngừng tìm tòi phát hiện và lôi ra ánh sáng những địch thủ của tôi (đó chính là nỗ lực, cố gắng và cũng là nguồn gốc sâu xa của sự bất hoà của chúng tôi), và vào lúc khó khăn nhất của tôi thì anh ta định cho tôi “leo cây”...Tại sao lại xảy ra như vậy?Chỉ có mấy năm mà anh ta nhảy từ cấp thiếu tá của “Cục” (Cục Cảnh vệ của KGB cũ - N.D.) lên đến cấp tướng, có được những chức năng mà anh ta không thể có được, tạo ra một cơ cấu bảo vệ sánh ngang vai với bạn anh ta là Barsukov, Giám đốc FSB, người không hề có quan hệ gì trực tiếp đến công tác phản gián. Korzakov muốn tạo cho mình được thật quyền lực để lợi dụng nó. Để muốn trở thành một chính khách thực thụ, cần phải có tất cả những phẩm chất cần thiết, chứ không phải là chỉ theo dõi đối thủ và phân loại họ ra thành ai là “người của ta” và ai là “người của họ”. Chính vì vậy, Korzakov muốn tác động đến việc bổ nhiệm người này, người kia trong Chính phủ và trong Văn phòng Tổng thống và cả ở các bộ vũ lực và đó là lỗi ở tôi. Korzakov đối với tôi chỉ còn là người của quá khứ của tôi, một quá khứ có những chiến thắng lớn lao và thất bại ghê gớm, của vinh quang, của những thời điểm tôi cứ theo đà thẳng tiến và rồi lại bị tụt dốc với tốc độ không thể hình dung nổi. Chính tôi thật rất khó khăn mới đoạn tuyệt được với quá khứ đó.Nhưng dù sao thì cũng phải đoạn tuyệt.Khi KGB có sức mạnh toàn năng bị sụp đổ, thì trong cái không gian chính trị, tự do chính trị chưa bao giờ có đã xuất hiện. Những người mang quân hàm trên vai đều lợi dụng tình hình đó theo cách của mình. Còn đầu những năm 90 thực tế đã có mối nguy cơ thực sự của một cuộc chính biến quân sự, một cuộc nội chiến, và đối với tôi, như tôi đã nói là tôi đã biết rất rõ. Nhưng điều gì đã cản trở diễn tiến của tình hình đó?Điều thật kỳ cục là chính sự ổn định nội bộ của xã hội đã cản trở. Nền dân chủ non trẻ trong nước đã nhanh chóng tạo ra được sự miễn dịch đối với “nạn vi rút của các tướng lĩnh”: Muốn chỉ huy tất cả. Tự do ngôn luận và các tiêu chí chính trị của nước Nga mới đã được thiết lập, hay nói một cách nghiêm túc là đối trọng của mối đe doạ này.Cứ mỗi năm tôi lại cảm thấy ảnh hưởng của các tướng lĩnh ngày càng ít nguy hiểm hơn.Chính vì vậy ở nước Nga khi người ta nói: ở nước Nga chưa có dân chủ, chưa tạo ra được những tiêu chí của một xã hội công dân, cơ chế pháp lý, thì tôi rất nghi ngờ thứ chủ nghĩa cấp tiến đó mặc dù có thể điều đó được nói ra xuất phát từ một động cơ tốt đi chăng nữa.Khi nhìn lại lịch sử đá qua, các bạn hãy tự hiểu nó.Có lần vào năm 1993, mà có thể sớm hơn là vào năm 1991, tôi đã suy nghĩ: trong giới tướng lĩnh của chúng ta có điều gì đó không ổn. Có điều gì đó quan trọng mà họ không có: có thể là tính hào hiệp, trí tuệ, một cái gì đó xuyên suốt. Mà quân đội là cái hàn thử biểu của xã hội. Đặc biệt là ở nước Nga. Còn ở đây quân đội chỉ đơn giản như đống giấy màu hào nhoáng bỏ đi. Tôi chờ đợi xuất hiện một vị tướng mới không giống như những vị tướng khác. Hay nói.chính xác hơn là giống như những tướng lĩnh mà tôi từng biết qua sách vở đọc được thời thơ ấu. Tôi chờ đợi...Thời gian trôi đi, nhưng vị tướng như vậy không thấy xuất hiện.Rồi từ khi anh ta xuất hiện trước toàn xã hội, thì thấy rất rõ đó là hình ảnh một quân nhân dũng cảm thực thụ và có trình độ cao.Người ta gọi anh ta là “tướng”. Đó là đại tá Vladimir Putin. Nhưng đây lại là chuyện khác rồi.