ây là tầng thứ 33 của tòa nhà, nói đúng hơn phải gọi là sân thượng. Sân thượng trên tầng cao nhất của tòa nhà nên lộng gió, tóc của Dung Nhan bị gió thổi tung lên trời rồi lại bồng bềnh hạ xuống. Cô không thích cái cảm giác này. May mắn là cô đã khoác sẵn một chiếc áo gió bó chặt lấy cơ thể. Mặc dù vậy, khi cô đang đi ngang qua tầng văn phòng cao nhất của công ty chứng khoán Thiên Hạ vẫn có rất nhiều cặp mắt nhìn theo, trong đó có những cặp mắt đầy nghi ngờ và khinh bỉ. Cô chỉ còn cách cố gắng cúi đầu đi thẳng lên trên sân thượng. Cô nhìn thấy một chiếc xe lăn ở chính giữa sân thượng. Trên xe có một ông lão đang ngồi đó. “Chủ tịch Hoàng, chào bác.” “Xin lỗi đã gọi cháu lên đến tận đây để nói chuyện. Cháu có lạnh không?” Ông lão vừa mỉm cười vừa nói. Dung Nhan lắc đầu, bước đến trước mặt ông nói: “Không, cháu không lạnh.” “Bác không thích nói chuyện ở trong phòng bác. Căn phòng đó toàn mùi thuốc, cảm giác như đang trong phòng bệnh ở bệnh viện” Ông lão ngẩng đầu lên nhìn trời nói, “Chỉ có ở đây, đối diện với bầu trời mênh mông, mới cho bác cái cảm giác đang ở trên đại dương. Bác cảm thấy đây là cách chữa bệnh tốt nhất.” Dung Nhan cũng ngước mắt nhìn lên trời nhưng cô chỉ thấy những đám mây u ám và bốn bề xung quanh là những quần thể cao ốc cao thấp, như thể đang đứng trên đỉnh của một ngọn núi giữa vô vàn các ngọn núi khác. “Con gái, con có thể đẩy ta lên phía trước để ngắm nhìn một chút được không?” Ông gọi cô là con, điều này cũng dễ hiểu. Trong con mắt của ông lão đầy bệnh tật này, cô đúng là một đứa con gái nhỏ. Dung Nhan gật gật đầu, cẩn thận đẩy chiếc xe lăn của ông lên phía trước mười mấy bước và dừng lại gần lan can. “Cám ơn con” Ông già nhìn xuống thành phố phía dưới, nhắm mắt lại nói: “Ta cảm thấy rất đau khổ về cái chết của Tử Toàn.” “Cháu nghĩ, đây là một tai nạn” Ông già gật gật đầu: “Ta cũng hy vọng đây chỉ là một tai nạn.” “Chủ tịch Hoàng, bác gọi cháu đến là vì việc gì vậy ạ?” Ông lão mỉm cười hiền từ: “Không có gì là quan trọng đâu, Tử Toàn đi rồi, bây giờ La Tân Thành đang phụ trách các công việc hằng ngày của công ty. Ta vẫn chỉ đứng ở đằng sau. Có lẽ con rất ngạc nhiên vì sao ta lại gọi con là “Con”. “Vâng” “Bởi vì ta cảm thấy giọng nói của con rất giống với giọng nói của con gái ta.” “Con gái bác?” “Nếu như nó còn sống bây giờ chắc đã làm mẹ rồi.” Ông già bình tĩnh nói. “Cháu xin lỗi” Dung Nhan cúi mặt xuống. “Không, ta phải cảm ơn con vì đã cho ta lại được nghe thấy giọng nói của con gái ta. Giọng nói của nó rất hay, rất hay, giống như giọng nói bây giờ của con vậy.” “Con gái bác chắc là rất thông minh và xinh đẹp” Ông già mỉm cười gật đầu, hình như ông đang chìm trong những kí ức hạnh phúc. “Con gái, con rất khéo ăn nói. Đúng là nó là đứa vừa thông minh, lại xinh đẹp. Ta rất yêu, rất yêu nó. Về sau nó bị bệnh máu trắng, cuối cùng đã qua đời trong một giấc ngủ mơ.” “Thượng đế vẫn luôn vô tình như vậy.” “Đán nguyện nhân trường cửu, thiên lý cộng thuyền quyên”(1). Ông lão khe khẽ ngâm mấy câu trong bài Thủy điệu ca đầu (2) của Tô Thức (3). Ông cười gượng nói: “Ta có một yêu cầu nho nhỏ… Hy vọng con có thể làm con gái nuôi của ta.” “Con rất lấy làm vinh hạnh” Dung Nhan mỉm cười trả lời. “Ta cũng rất vui” Ông lão vỗ nhẹ lên cánh tay đang nắm lấy chiếc xe lăn của Dung Nhan, “Con gái, ở dưới nhà rất nhiều người nói Tử Toàn chết không minh bạch nhưng ta không tin, con nghĩ sao?” Đứng trước mặt ông lão hiền từ này, lần đầu tiên Dung Nhan tỏ ra bối rối: “Con, con không biết.” “Con yên tâm đi. Ta tin ở các con” Bỗng nhiên Dung Nhan cảm thấy mặt ươn ướt, cô ngẩng đầu lên, những hạt mưa nhỏ xíu đang bay vào mắt cô. “Trời mưa rồi, cha có thể bị lạnh đấy. Con đưa cha vào trong nhé.” Ông lão gật đầu., sau đó nhắm nghiền mắt, để mặc cho đứa con gái ông vừa nhận làm con nuôi đưa ông rời khỏi sân thượng. Chẳng bao lâu sau, những hạt mưa to bắt đầu phủ kín sân thượng, rồi phủ kín cả cái thành phố rộng lớn này. Mã Đạt lại một lần nữa đi vào con đường chết chóc ấy. Cái đêm đáng sợ đó trời cũng đổ mưa như hôm nay. Chiếc cần gạt nước vẫn tạo những hình quạt xòe sang hai bên trên chiếc kính chắn gió. Mưa vẫn làm cho tầm nhìn của Mã Đạt trở nên mờ ảo, khiến cho anh buộc phải giảm tốc độ. Bốn giờ chiều, Mã Đạt đã đến con đường cạnh công viên bên sông. Anh phân vân một lúc rồi lại tiếp tục cho xe chạy lên phía trước. Lúc đó, cả thành phố đã bị mưa phủ kín, một màn mưa mù mịt giăng đầy trời. Anh phải đi vào đường An Tức dù rằng anh đã từng thề không bao giờ đi vào con đường cụt đáng sợ này nữa. Vậy mà những ngày này, những nỗi ngờ vực luôn thúc ép anh, không chịu buông tha anh, ngày đêm quấy rầy anh, thậm chí ngay cả trong mơ tấm biển hiệu của đường An Tức cũng bất ngờ hiện ra trước mắt anh. Không, anh không thể chịu đựng thêm được nữa, anh dứt khoát phải đi xem thế nào, biết đâu anh có thể phát hiện ra được điều gì đó. Trong màn mưa, cuối cùng Mã Đạt cũng đã nhìn thấy chiếc biển của đường An Tức. Anh bẻ vô lăng, cho xe chạy vào con đường chỉ có lối vào mà không có lối ra đó. Lúc này tuy trời âm u nhưng so với buổi tối hôm ấy, anh vẫn còn có thể nhìn rõ được cảnh vật hai bên đường, đều là những căn nhà cũ, thấp, rất nhiều nhà xung quanh có vườn, trồng chi chít các cây rậm rạp, dưới làn mưa trông chúng vô cùng xanh tốt. Ở đây vẫn rất lạnh lẽo. Nhưng thỉnh thoảng cũng có một vài người cầm ô chầm chậm qua đường. Mã Đạt chạy xe từ từ theo trí nhớ cho đến khi anh có thể xác định được vị trí xảy ra án mạng. Chính là ở đây. Mã Đạt xuống xe, quan sát các ngôi nhà xung quanh. Nước mưa chảy dòng dòng trên mặt. Anh thấy có một cảm giác u ám bao trùm. Trước mặt chỉ có một căn nhà cũ kĩ, kiến trúc kiểu châu Âu cũ. Đằng trước, đằng sau, bên trái, bên phải căn nhà đều là vườn cây, ngoài ra không có một nhà cửa gì khác nữa. Bây giờ Mã Đạt có thể khẳng định, mục đích xuống xe của Chu Tử Toàn đêm hôm đó chính là để đến căn nhà này. Mã Đạt đi đến trước căn nhà, cẩn thận nhìn quanh một lượt. Có thể nói, đây là một căn nhà rất thiếu sự sống, nặng mùi tử khí. Ở đây trong một ngày mưa gió thế này dễ khiến người ta cảm thấy ớn lạnh. Mã Đạt thận trọng bước vào giữa cửa lớn, sàn nhà bằng gỗ vọng lên tiếng bước chân nặng nề của anh. Anh nhìn vào phía bên trong có một hành lang dài chìm trong bóng tối, tưởng chừng như không dứt. “Anh đến thuê phòng à?” Đột nhiên một giọng nói già cả cất lên sau lưng Mã Đạt, tiếng nói như vọng lên từ địa ngục, khiến anh rùng mình. Mã Đạt quay người lại, thấy một ông lão đứng ngay đằng sau. Mã Đạt không biết trả lời thế nào, vội gật đầu. “Ở đây hết phòng trống rồi.” – Ông lão lạnh lùng đáp, trông sắc mặt ông u uất, đôi mắt lộ vẻ hoài nghi hung ác với bất cứ ai. “Phòng của ông ở đây giá bao nhiêu, tôi có thể trả giá cao hơn.” “Có lẽ cũng còn một phòng đấy, người khách thuê phòng đã lâu không thấy xuất hiện, tôi nghĩ chắc anh ta bỏ đi rồi” – Ông lão bỗng trở nên nhẹ nhàng, ho húng hắng mấy cái rồi đưa Mã Đạt đi theo cái hành lang tối om. Mã Đạt cẩn thận đi theo phía sau, hỏi: “Người khách kia đi từ bao giờ ạ?” “Lần cuối cùng tôi nhìn thấy cũng khoảng hơn 10 ngày rồi. Đến rồi đây.” Ông mở cửa phòng, Mã Đạt lại được nhìn thấy ánh sáng. Đây là một phòng rộng chừng 20 m2, có cửa sổ quay ra vườn cây. Trong phòng bày rất ít đồ đạc, chỉ có một chiếc giường đôi không chăn đệm. Ngoài ra không thấy đồ đạc nào khác, bụi phủ một lớp dày, không thể tưởng tượng được đây lại là phòng có người đang thuê. Mã Đạt nghi ngờ hỏi: “Người khách kia trông thế nào ạ?” “Đó là một người đàn ông chừng hơn 30 tuổi, mặc một bộ comple là phẳng phiu, ra dáng người có tiền, nhưng không hiểu tại sao anh ta lại muốn thuê phòng ở đây.” Mã Đạt móc trong túi ra một trang báo cũ. Trên trang báo này có một bức ảnh màu to của Chu Tử Toàn. Anh đưa bức ảnh cho ông lão xem, rồi hỏi: “Bác xem có phải người này không?” Ông lão lấy ra một chiếc kính lão, đi đến bên cửa sổ xem một lúc, sau đó nói giọng chắc chắn: “Đúng, chính anh ta đấy.” “Cảm ơn bác.” Mã Đạt xin lại tờ báo. “Bây giờ bác không phải lo ngại đâu. Bác hoàn toàn có thể cho cháu thuê căn phòng này vì người này đã chết rồi.” “Chết rồi?” Ông lão như muốn xỉu. Mã Đạt vội đỡ lấy ông. Ông lão thở dài nói: “Thảo nào mà lâu thế không thấy quay lại. Tội nghiệp quá” “Bác ơi, thế người này thuê căn phòng này tử khi nào?” “Khoảng chưa đến một tháng trước, anh ta đến đây thuê căn phòng này. Tôi cũng không biết vì nguyên cớ gì, anh ta chỉ một mực đòi thuê căn phòng này. Thực ra khi đó nhà này còn nhiều phòng tốt hơn. Biết nói thế nào nhỉ, anh ta là một người khách thật kì quặc” Mã Đạt vội hỏi lại ngay: “Kì quặc như thế nào ạ?” “Kì quặc vì anh ta chưa bao giờ ngủ qua đêm ở đây. Mỗi ngày chỉ đến hai lần, một lần vào hơn 7 giờ sáng, còn một lần là 6 giờ tối. Mỗi lần đến cũng chỉ ở lại khoảng nửa tiếng.” Ông lão lắc đầu nói: “Tôi xưa nay chưa gặp người khách nào lạ lùng thế này, anh ta thuê phòng không phải để ở mà hình như có mục đích gì khác thì phải. Anh nhìn xem, chiếc giường này vẫn cứ y nguyên như chưa có ai dùng cả.” “Vâng, thế thì đúng là kì quặc thật” Ông lão nghi ngờ hỏi: “Này, anh bạn trẻ, anh không phải là cảnh sát đấy chứ?” “Không, tất nhiên là không ạ” “Thế thì tốt, anh vừa nói anh muốn thuê phòng này. Cái phòng này thực ra là cái phòng chẳng ra gì, tiền thuê là 200 tệ một tháng, đặt tiền trước một tháng, có thể ở luôn từ bây giờ.” Mã Đạt do dự một lúc, anh nhìn lại căn phòng một lần nữa, có lẽ; căn phòng này có một điều gì đó. Anh quyết định đưa 200 tệ tiền phòng cho ông lão. “Bác à, cháu muốn ở lại đây một mình một lúc.” Mã Đạt khẽ nói. Ông lão lập tức biết điều rời khỏi căn phòng. Mã Đạt đóng cửa lại, một mình đi đi lại lại trong phòng. Mỗi bước đi của anh đều dẫm lên những đám bụi. Trên tường quét vôi ve đơn giản, không có treo tranh ảnh gì, trần nhà có nhiều chỗ bị mốc. Còn chiếc giường thì hiển nhiên là nhiều năm nay chả có ai nằm. Chu Tử Toàn vì sao lại thuê căn phòng này? Vợ anh ta cũng có một căn nhà nhỏ ở ngoài. Họ đúng là một đôi vợ chồng kỳ lạ. Mã Đạt lắc đầu, anh không thể nào lý giải nổi. Trời càng lúc càng tối, nước mưa rơi trên cành cây ngoài cửa sổ, tạo nên những âm thanh đặc biệt, làm cho người ta cảm thấy ngột ngạt. Mã Đạt nghĩ ai mà đến ở nơi này thì sớm muộn gì cũng mắc bệnh thần kinh. Anh đẩy cửa, bước ra ngoài, đi xuyên qua hành lang tối om, vừa bước ra đến gần cửa chính đã nghe tiếng ông lão: “Anh ra ngoài đấy à.” Mã Đạt bình tâm lại rồi trả lời: “Vâng, cháu nghĩ cháu phải đi đã, mấy hôm nữa cháu sẽ trở lại.” “Thế thì anh giữ lấy chìa khóa đã này” Ông lão đưa chìa khóa phòng vào tận tay Mã Đạt. “Cảm ơn bác” Sau đó Mã Đạt phát hiện ông lão lại nhìn anh bằng con mắt đặc biệt như lúc trước. Anh hỏi với giọng khó hiểu: “Có chuyện gì thế bác?” Ông lão do dự một lát rồi nói: “Có một việc, tôi nhất định phải nói với cậu. Trước khi, người khách kia tới thuê nhà, tôi không muốn cho anh ấy thuê phòng này đâu, chỉ vì anh ấy trả giá cao quá nên tôi mới phá lệ.” “Tại sao?” “Bởi vì theo như mọi người kể lại ở căn phòng đó…” Ông lão cẩn thận nhìn xung quanh, sau đó ghé môi sát vào tai Mã Đạt và nói rất khẽ 2 tiếng: “Có ma.” Chú thích
(1)Đán nguyện nhân trường cửu, thiên lý cộng thuyền quyên: Chỉ nguyện đời ta trường cửu, Bay ngàn dặm cùng với thuyền quyên. (2) Thủy điệu ca đầu: Tết trung thu năm Bính Thìn, Tô Thức uống rượu vui đến sáng, nhớ đến em là Tử Do nên đã làm bài từ này. Ở đây chủ tịch Hoàng ngâm bài thơ này tưởng nhớ về đứa con gái của mình. (3) Tô Thức: còn tên là Tô Đông Pha, là một trong số tám đại văn hào lớn nhất Trung quốc suốt bảy thế kỷ (từ VII đến XIII)
(1)Đán nguyện nhân trường cửu, thiên lý cộng thuyền quyên: Chỉ nguyện đời ta trường cửu, Bay ngàn dặm cùng với thuyền quyên. (2) Thủy điệu ca đầu: Tết trung thu năm Bính Thìn, Tô Thức uống rượu vui đến sáng, nhớ đến em là Tử Do nên đã làm bài từ này. Ở đây chủ tịch Hoàng ngâm bài thơ này tưởng nhớ về đứa con gái của mình. (3) Tô Thức: còn tên là Tô Đông Pha, là một trong số tám đại văn hào lớn nhất Trung quốc suốt bảy thế kỷ (từ VII đến XIII)