Chương 17

Cuối cùng đã đến lúc Alphen Mecrat nói về thế lực của những người bảo trợ đủ sức giữ ông, một người Thiên chúa giáo lọt vào giữa lòng thế giới Hồi giáo, trong một cái vòng đã được yểm trấn mà không một thế lực xấu xa nào có thể động đến. Qua những điều được vị thầy thuốc tiết lộ, ông biết rằng ván bài coi như đã thắng, và việc ông khỏi bệnh chỉ còn chờ ngày một ngày hai.
Ông thầy thuốc Ả rập lúc ấy mới bắt đầu nói với ông về những cuộc chiến tranh, những cuộc phản loạn đẫm máu trên vương quốc Marôcô. Ông vô cùng kinh ngạc khi biết rằng ngay thành phố Feđờ cũng luôn luôn xảy ra những cuộc tàn sát kinh khủng. Ngay ở đây, chỉ cần trèo lên bức tường của lâu đài là đã có thể nhìn thấy các giá treo cổ và các cây thập tự được dựng gần như thường xuyên, chỉ có “khách hàng” là thay đổi mà thôi. Những biến động đưa tới sự suy tàn của triều đại Mulai acsy để rồi người em ông ta là Mulai Ismail cướp lấy quyền lực với sự tàn bạo của một con diều hâu trẻ. Ngay từ bây giờ Mulai Ismail đã là ông chủ rồi. Ông ta muốn dung nạp các họat động của nhà bác học lớn theo đạo Thiên chúa.
Ông ta, hay đúng hơn là kẻ đại diện và hướng dẫn hành động của con người ngấp nghé ngôi vua này từ thuở ông ta hãy là một chú bé con: Vị thái giám của ông ta, Đại hoạn quan Osman Feraji.
Ngự trị ngất ngưởng trên đỉnh cao quyền lực lúc đó hãy còn chao đảo, Osman Ferại một người da đen xuất thân từ nô lệ có gốc gác Ả rập, con người đầy tài trí mưu mẹo, biết rằng chuyện nòi giống của mình sẽ còn là mối lo dai dẳng nếu ông ta không tự biến mình thành một nhân vật không ai thay thế được.
Ông ta đeo đuổi vô vàn những ý định khác nhau với sự khéo léo và chính xác của con nhện trong tấm lưới. Con nhện khi thì rung lắc một sợi tơ, khi thì văng mình ra và gút vào một sợi khác cho đến khi quây chặt con mồi và biến nó thành bất lực.
Vị thái giám đen khôn ngoan để mắt đến mọi thủ đoạn của các hoàng tử và thần dân, bao gồm cả A rập, Becbe và Mo. Tất cả đều không biết gì về kinh tế, lại thận trọng, ghét nghề buôn bán, bị kiệt quệ do chiến tranh và do sự hoang phí. Trong lúc đó thì ngược lại, ông ta tinh vi và thành thạo buôn bán, quen điều khiển các tổ chức buôn bán kinh tế phức tạp nhất.
Các cuộc chinh phạt của Ismail thu vào tay vị tân vương những vùng đất nổi tiếng ở hai bờ sông Nigiê, nơi ngày xưa các nô lệ của hoàng hậu Saba đã khai thác vàng. Thế lực của triều đại mới từ nay vươn tới tận các vùng rừng rậm của bờ biển Epixơ, nơi người ta vẫn còn thấy những người da đen trần truồng dưới bóng rợp của những cây gòn đại thụ, đãi vàng bằng nước suối và tìm vàng trong đá đã nghiền nát hay ở tận dưới đáy giếng sâu đến chín, mười mét.
Osman Feraji nhìn thấy ở đó một con át chủ bài để đặt quyền lực dưới sự kiểm soát của mình, bởi vì chính cái đó đã làm nguy hại sự thống trị của vị quốc vương tiền nhiệm, do trước hết họ không biết một chút gì về việc cải cách tài chính. Quốc vương hiện tại cũng chẳng biết gì hơn, nhưng nếu các vùng mỏ cướp đọat được bằng lưỡi gươm của ông ta phát đạt như vào thời vua Sôlômông và hoàng hậu Saba, Osman có thể đảm bảo cho khả năng trị vì của ông ta được bền lâu.
Osman Feraji cũng đã gặp thất bại đầu tiên khi những người được ông ta cử đến phía nam quay về, báo cho ông ta thái độ lừng khừng và tỏ ra không bằng lòng của các bộ lạc da đen. Họ không quan tâm đến vàng mà chỉ dùng vàng để dâng cúng thần linh của họ, làm một vài thứ đồ trang sức, loại y phục duy nhất dành cho đàn bà của họ. Nếu có ai tìm cách làm họ thay đổi ý định sẽ bị họ đầu độc ngay.
Thế nhưng lại chỉ có những người ấy biết các bí mật của vàng. Dùng vũ lực bắt ép họ sẽ bỏ phế các mỏ, không khai thác gì nữa. Đấy là những phương sách cuối cùng của những kẻ bại trận.
Giữa lúc đại hoạn quan đang hết sức lo lắng về chuyện đó, các điệp viên của ông ta đã chặn được lá thư của Giôphây đờ Perắc gửi cho vị đạo sĩ ở Feđờ.
-Nếu ông ta là kẻ dị giáo trong đám bạn bè tôi, tôi bảo vệ ông cũng hơi khó đấy- Apden Mecrat cắt nghĩa- bởi vì một làn sóng cố chấp đang ào ạt nổi lên khắp Marốc, Mulai Ismail đang tự chứng tỏ ông ta là lưỡi gươm của Mahômét (tức là thích giết người). May sao mà trong thư ông có nói bóng gió về những việc làm trước đây của chúng ta liên quan đến các kim loại quý. Như vậy là lá thư rơi thật đúng chỗ.
Những tinh tú được Osman Feraji hỏi đã báo trước với ông ta rằng Perắc là một sứ giả của Định mệnh. Nếu ông ta biết rằng uy quyền của vị tiên vương được xây dựng bởi sự vun đắp của mình sẽ lâu dài và cường thịnh thì các vì sao cho ông ta biết trong sự cường thịnh ấy, có một pháp sư, tuy xa lạ, khốn khổ đóng một vai trò quan trọng, vì cũng như vua Salômông, ông này nắm giữ những kiến thức thuộc về sự bí mật của Trái đất. Được ông ta hỏi, Apden Mecrát đã xác nhận những lời tiên tri ấy. Nhà bác học Thiên chúa giáo bạn của ông lão là người lão luyện nhất thời nay về các kỹ thuật làm ra vàng.
Những chỉ lệnh của chính Mulai Ismail được ban ra lập tức nhằm bảo đảm cho con người bị săn đuổi trên quê hương nước Pháp của ông, được hưởng một số phận may mắn.
-Con người ông từ nay dành cho đạo Hồi- Ông lão thầy thuốc Ả rập nói tiếp- Khi nào tôi báo cho ông biết là việc chữa bệnh đã xong ông sẽ đi sang Xuđăng cùng với một số người tùy tùng, và cả binh đội nếu ông thấy là cần thiết. Tất cả sẽ thuộc quyền ông. Để đổi lại ông phải làm sao để thật nhanh chóng đem về một số nén vàng cho ngài Đại hoạn quan.
----------------
Giôphây đờ Perắc trầm ngâm suy nghĩ. Rõ ràng ông không còn một lựa chọn nào khác ngoài việc nhận phục vụ cho Vị quốc vương Hồi giáo và vị Thái giám của ông ta.Những đề nghị đó làm thỏa mãn mọi mong muốn của ông, mong muốn của nhà bác học cũng như của người lữ hành. Những nơi ông sẽ tới chính là quê cha đất tổ của Cuaxi Ba. Anh ta vẫn thường nhắc tới và ông cũng đã từng mơ ước từ lâu.
-Tôi sẽ chấp nhận- cuối cùng ông nói- Tôi sẽ chấp nhận một cách sung sướng, một cách nhiệt tình nếu biết chắc chắn rằng ông ta sẽ không đòi hỏi gì thêm là tôi phải làm ra vẻ người Mo. Tôi không lạ gì thói cố chấp của những người thuộc phía ngài cũng như thuộc phía tôi. Chính vì cái đó mà suốt hơn mười thế kỷ, Thập giá và trăng lưỡi liềm ( thập giá là biểu tượng của đạo Cơ đốc, trăng lưỡi liềm là biểu tượng đạo Hồi) phải lao vào cuộc thánh chiến. Về phía tôi, tôi luôn luôn tôn trọng quyền của mỗi một con người tự chon lấy đấng sáng thế của mình để tôn thờ. Tôi mong rằng ông ta cũng có chung một cái nhìn như thế.
-Tôi hiểu ý ông. Quả thật nếu chuyện chỉ liên quan đến Mulai Ismail, các mong muốn của ông ít có cơ may được chấp nhận. Chắc chắn ông ta thích tạo thêm một kẻ tôi tớ của thánh Ala trên thế gian này hơn là vàng để cất trong tráp. Thế nhưng Osman Feraji lại có những tham vọng khác. Trước hết cần phải phục vụ ông ta. Ông ta sẽ không đòi hỏi thêm bất cứ cái gì nữa đâu.
Và ông già nhỏ bé dịu dàng nói tiếp:
-Tất nhiên tôi sẽ đi cùng với ông. Tôi sẽ săn sóc sức khỏe vô cùng qúy giá của ông, giúp đỡ ông trong công việc và có thể tôi cũng sẽ không thừa trong việc giúp ông tránh khỏi một số khó khăn trắc trở nào đấy. Đất nước tôi khác đất nước ông, tôi không thể bỏ mặc ông được.
Những năm tiếp theo đã chứng kiến việc nhà qúy tộc Pháp rong ruổi trên những miền đất nóng bỏng của Xuđăng và những nơi còn tăm tối hơn nhưng không kém phần nguy hiểm là vùng rừng rậm Ghinê và Xứ sở của loài voi.
Công việc tìm tòi và khai thác vàng làm phức tạp thêm nhiệm vụ của nhà thám hiểm. Ông phải thâm nhập và những bộ tộc chưa từng biết. Ở đây các khẩu súng của đội bảo vệ xung quanh ông, làm cho người ta nổi giận hơn là tin tưởng. Ông biết cách chinh phục từng bộ lạc một chỉ bằng mối liên hệ duy nhất có thể tồn tại giữa ông và những con người man rợ trần truồng ấy: lòng mến chuộng sâu sắc đối với đất và những bí ẩn của đất. Khi ông nhận ra niềm say mê truyền kiếp từ bao đời, bắt buộc người da đen ở vùng này phải liều mình chui xuống lòng đất để thỉnh thoảng kiếm được vài mẩu vàng đem về cúng bái vật của họ là bức tượng đẽo bằng gỗ, ông cảm thấy họ thực sự là người anh em của ông.
Ông đã ở một mình hàng nhiều tháng trời trong rừng rậm, nơi mà cả một số người của vùng sa mạc Sahara cùng đi với ông sợ hãi không dám ở, Cuaxi Ba cũng dừng lại ở bìa rừng. Ông chỉ còn mang theo Apđula, chàng trai có niềm tin nồng nhiệt và dứt khoát rằng vị đạo sĩ da trắng có “barakia” tức là bùa mê. Đội bảo vệ chủ yếu được dùng vào việc áp tải các chuyến xe chở vàng về phía bắc.
Apden Mecrát cuối cùng đã khuyến khích ông quay về vì Đại hoạn qua Osman Feraji vô cùng thích thú trước kết quả mà vị đạo sĩ da trắng thu được, đã chuyển đạt lời yêu cầu của Mulai Ismail muốn được tiếp họ ở Mikennê, thủ đô của Vương quốc. Vào lúc đó, vị quốc vương đã thiết lập quyền cai trị một cách vững vàng. Những lợi ích thu được do quyền lực của mình làm ông ta hiểu được tường tận các vùng đất xa xôi ấy. Bản thân ông ta được một bà mẹ người da đen đẻ ra, và hiện nay ngôi chính thất của ông ta cũng là một cô gái Xuđăng. Nhiều chiến binh ưu tú được chọn lọc ở Xuđăng, ở Nigiê và vùng thượng sông Nin là nòng cốt của một đội quân hoàn toàn tận tụy với ông ta.
Tiếp the sau những ngôi nhà đỏ quạch, man rợ dọc bờ sông Nigiê, là thành phố Mikennê, náo nhiệt, giàu có và đẹp đẽ, những khu vườn kỳ lạ, phô bày một cảnh tượng văn minh.
Thói xa hoa của người Ả rập là Giôphây đờ Perắc thích thú. Bản thân ông đi vào thành phố cùng với đoàn hộ tống ăn mặc sang trọng nhất mang vũ khí tốt nhất mua được của người Bồ Đào Nha ở vùng bờ biển hoặc của người Ai cập trong nội địa, đã gây được một ấn tượng mãnh mẽ đối với Mulai Ismail.
Một vị quốc vương hay ghen tị có thể sẽ bắt ông trả giá đắt cho cái thói ngông nghênh của mình. Mà điều đó thì bá tước Perắc đã có kinh nghiệm ở dưới một bầu trời khác, với vua Luy thứ 14 rồi. “ Vẫn chưa đủ lý do để ta phải từ bỏ ý thích của mình” ông nghĩ. Và trong lúc đi ngang qua thành phố trên con ngựa ô, mặc áo khoác lên trắng thêu ngân tuyến, ông chỉ ném một cái nhìn lãnh đạm về phía những người nô lệ thiên chúa giáo khốn khổ, đang oằn mình dưới trận mưa roi của bọn cấm vệ, những chiến binh ưu tú của vị Thống lĩnh các tín đồ. Mulai Ismail đón tiếp ông rất trọng thể. Từ lâu đã biết tiếng nhà bác học theo đạo Thiên chúa ông ta cảm thấy vinh dự được con người lỗi lạc ấy phục vụ mình mà không phải làm nhục bằng cưỡng bức hay tra tấn. Osman Feraji không dự cuộc diện kiến.Nhưng ông đã được mách bảo từ trước. Vị quốc vương tránh đề cập đến trước mặt khách vấn đề cốt tử của ngài là kéo về cho đạo Hồi một con người đại tài mà số phận bắt phải sinh ra ở một nơi lầm lạc.
Ba ngày yến tiệc đủ để thắt chặt tình hữu nghĩ của hai người. Khi tiệc tan Mulai Ismail nói với Giôphây đờ Perắc rằng ông ta định cử ông làm sứ thần ở Công xtăng ti nốp, bên cạnh Đại quốc vương Thổ nhĩ kỳ. Thấy Giôphây đờ Perắc từ chối một cách khéo léo ông ta tỏ vẻ không bằng lòng.
Cho dù đến nay ông ta vẫn còn là chư hầu của Đại quốc vương Thổ nhĩ kỳ và Ngài đã bắt đầu hỏi đến vị đạo sĩ da trắng. Ngài cũng muốn nắm được sự thần kỳ của việc tạo ra vàng.
-Những kẻ hủ lậu ấy, những đức chân tín cuồng nhiệt ấy cho rằng tôi giam ngài vào một cái tháp và ở đấy ngài tạo ra vàng bằng phân lạc đà- Mulai Ismail vừa cười phá lên vừa phanh áo khóac ra tỏ vẻ khinh bỉ.
Để quốc vương yên tâm Giổphây đờ Perắc nói rằng ông sẽ vẫn trung thành với sự nghiệp của ông ta,và rằng sẽ không nhận bất cứ một lời đề nghị nào có hại đối với vị chúa tể nước Ma rốc.
Ít lâu sau ông đến Angiê. Sau ba năm làm một cuộc hành trình vĩ đại trong rừng rậm châu Phi, người cựu tử tù, tên tội phạm được cứu thoát một cách thần kỳ khỏi lò thiêu của đức vua nước Pháp, tự thấy mình thân thể lành lặn và được đổi mới, tâm hồn khoáng đạt vô cùng trên các bến bờ Địa Trung Hải.
Trong ngần ấy năm tháng rồi qua, liệu ông có nghĩ nhiều đến Angiêlic người vợ của mình không? Số phận của vợ con có làm ông bận tâm quá không? Nói dúng ra ông rất hiểu tâm địa đàn bà, bất kể loại đàn bà nào. Cho dù họ có chửi mắng ông và thề thốt rằng họ là người có niềm tin vững chắc nhất thế giới đi nữa, thì họ vẫn chẳng bỏ cả đời người cho tiếc hận và cho những giọt nước mắt đau thương. Còn ông là kẻ nam nhi và thiên tính của ông là luôn luôn sống mãnh liệt. Hơn thế nữa, ông đã có một nhiệm vụ duy nhất được phân định là phải sống, nhiệm vụ đó lúc nào cũng đè nặng lên con người ông. Giổphây đờ Perắc nhớ lại những giờ phút mà nỗi đau thân xác đã tới độ dập tắt luôn cả ngọn lửa tinh thần. Lúc đó, chỉ còn ý thức được có mỗi một cái vòng vây chết chóc đang xiết chặt quanh mình: đói, khát, bệnh tật, sự hành hạ của những kẻ chống lại mình do đó phải tìm cách trốn thoát. Những lúc như vậy ông đã tự đẩy con người mình đi hơi xa.
Một buổi tối ở Fedờ khi Giổphây đờ Perắc từ một cuộc cưỡi ngựa dạo chơi trên sa mạc trở về căn buồng dành cho mình trong lâu đài của Apden Mecrát ông hết sức ngạc nhiên khi nhìn thấy qua ánh trăng mờ ảo một cô gái trẻ đang đợi mình trên đệm. Cô ta có đôi mắt đep, hiền dịu và hơi ngơ ngác như mắt nai, đôi môi đỏ thắm màu hoa lựu hiện lên sau lớp mạng mỏng, và bộ quần áo trong suốt để lộ một thân hình hoàn hảo.
Đã lâu rồi không nghĩ đến thú vui xác thịt người thầy giáo cũ của các lớp học tình ái của xứ Lăngơ6đốc lại cho rằng đây chỉ là trò đùa nghịch của cô hầu gái và định đuổi cô ta đi. Nhưng cô gái thì biết rõ trách nhiệm của cô là được ngài pháp sư sai đến để giải sầu cho vị khách từ nay có thể hiến dâng đàn bà sức lực tràn đầy đã lấy lại được hoàn toàn nhờ sự săn sóc của ngài.
Thọat đầu ông mỉm cười với cô ta. Ông nhìn cô ta cởi móc tấm mạng, trút bỏ xiêm y với sự đơn giản thành thạo của một kẻ có nghề, rồi cô ta làm duyên và ngả và lòng ông một cách hết sức tự nhiên. Thế rồi các mạch máu lại căng lên đập nhanh và mãnh liệt, ông lại tìm thấy trong mình nỗi thèm khát đàn bà.
Cũng giống như chiếc bánh cuốn hút ông khi ông sắp chết đói, dòng suối cuốn hút ông khi ông sắp chết khát, ôm chặt trong lòng mình tấm thân thoang thoảng mùi hương long não và hoa nhài, đêm ấy ông tự thấy mình đã sống lại hoàn toàn.
Cũng chính trong đêm ấy, kỉ niệm về Angiêlic lần đầu tiên trở lại với ông mạnh mẽ và đau nhói đến mức làm ông không thể ngủ tiếp được.
Cô gái vẫn nằm ngủ bình yên, hơi thở nhẹ tưởng chừng không nghe thấy.
Ông nằm duỗi dài trên tấm nệm và nhớ lại. Lần cuối cùng ông ôm ấp một người đàn bà, người đó là nàng. Angiêlic, vợ của ông, nàng tiên nhỏ vùng đầm lầy Poatu của ông, thần tượng có đôi mắt xanh của ông.
Suốt cả đêm ông chìm đắm vào những kỉ niệm. Ông tự hỏi mình về số phận của nàng. Không có gì phải lo lắng. Ông biết nàng đã trở về với gia đình, không đến nỗi cô đơn hoặc thiếu thốn. Trước đó không lâu ông đã giao cho Môlin, người chung vốn làm ăn với mình ngày xưa ở Poatu, chịu trách nhiệm cung cấp tiền nong cho người vợ trẻ trong trường hợp mình gặp tai họa. Chắc nàng phải ẩn náu ở quê nhà cùng với hai con – ông tự nhủ.
Đột nhiên ông cảm thấy mình không còn đủ kiên nhẫn để chịu đựng cái vực thẳm im lìm và sự tan vỡ rơi xuống giữa hai người. Một ham muốn nhục thể mãnh liệt dựng ông dậy trên giường. Ông quờ quạng tìm kiếm quanh mình một phương cách ma quái nào đó có thể vượt qua được sự vây hẵm của sự tàn phá, và trở lại những tháng ngaỳ qua, với những đêm dài ông đã bế nàng trong tay mình.
Khi lấy vợ ở Poa tu ông đã ba mươi tuổi, đã khá chán chường với các cuộc phiêu lưu tình ái, ông không chờ đợi sự kiện ấy, bản khế ước hôn nhân ấy, đem lại cho mình một cái gì của buổi ban đầu.Ông đã sửng sốt vì sắc đẹp của nàng, lại càng sửng sốt hơn khi khám phá ra nàng hãy còn trinh. Trước ông, nàng chưa hề biết đến một người đàn ông nào khác. Cô gái đẹp rực rỡ ấy đã đón nhận niềm vui xác thịt đầu tiên với sự ngạc nhiên và kinh hãi như một con hoẵng non hoang dã, điều đó đã trở thành một kỷ niệm đẹp đẽ nhất trong tình yêu của ông.
Từ đó trở đi những ngườiđàn bà khác đã không tồn tại với ông, những người đàn bà của hiện tại, của quá khứ. Phải khó khăn lắm ông mới nhớ lại được họ tên và khuôn mặt của những người ấy.
Ông biết tình yêu, biết khoái lạc. Ông còn biết những cái gì khác nữa không thể nói thành lời mà một người đàn ông có được với một người đàn bà. Những mối dây liên hệ đã bện chặt hai khối óc, hai trái tim. Ông đã được chứng kiến những đổi thay trong con mắt nhìn của nàng, thân thể và cử chỉ của nàng. Ba năm, ông ôm nàng trong cánh tay mình. Nàng sinh cho ông một đứa con trai, nàng có mang đứa thứ hai. Liệu đứa con ấy có được sinh ra không?
Từ đó ông không lúc nào không cần đến nàng. Đối với ông không còn ai hơn nàng. Và bây giờ ông đã mất nàng.
Ngày hôm sau thấy ông có vẻ rầu rĩ, Apden Mecrát hỏi han rất cặn kẽ. Ông lão nói rằng nếu những trò tiêu khiển như vậy đem lại cho người bệnh sự thoải mái, không gây nên thất vọng và lo âu thì khoa y học có thể dùng nó để chữa bệnh. Giổphây đờ Perắc cố làm yên lòng người thầy thuốc của mình nhưng ông không thổ lộ nỗi đau của mình. Mặc dù giữa hai người có sự tương hợp nhưng họ vẫn không thể hiểu nhau. Tình cảm sâu sắc là điều hiếm có đối với người theo đạo Hồi. Họ coi đàn bà chỉ là đồ chơi, không có ích lợi gì khác ngoài nhục dục, và không chừng ông lão còn cho thay bằng một người đàn bà khác cũng nên.
Giổphây đờ Perắc cố xua đuổi nỗi ám ảnh. Ông luôn luôn tự biết tách mình đúng lúc khỏi sự cám dỗ, coi đó như là sự mềm yếu, không để sức mạnh tình yêu cản bước mình trên con đường tự do và sự nghiệp.Liệu ông có còn được gặp lại Angiêlic vói hai bàn tay mịn màng, với nụ cười lấp lánh phô hai hàm răng trắng như ngọc đã từng làm ông mê mẩn hay không?
Ông có thể làm gì được? Chạy đến với nàng ư? Không nói đến chuyện tù tội, chả lẽ ông không biết rằng mặc dù được quan tâm rất chu đáo, ông làm gì có tự do để thoát ra khỏi sự giám hộ của những con người đầy quyền lực là quốc vương Mulai Ismail và vị thái giám của ông ta, những người đang nắm vận mệnh của ông trong tay.
Ông đã vượt qua được thử thách, thời gian, lòng kiên nhẫn sẽ cho phép ông đến một ngày nào đó, tìm lại được người vợ mà ông chưa bao giờ quên- ông tự nhủ với mình như vậy.
Khi trở về biển Địa Trung hải việc làm đầu tiên của ông là gửi một bức thư về Macxây để hỏi thăm về tin tức người vợ, hoặc giả tìm tung tích nàng và hai đứa con. Sau khi suy đi tính lại kỹ càng, ông quyết định không để lộ mình với các bạn cũ hay những người cùng giới quý tộc trong vương triều nước Pháp. Đã lâu lắm rồi có lẽ những người ấy đã quên ông.
Ông chỉ gửi thư cho cha Ăngtoan, linh mục tuyên úy trên đoàn tàu Galê hoàng gia, yêu cầu ông này trở lại Pari tìm luật sư Đêgê. Chàng trai tháo vát và thông minh, khá dũng cảm bảo vệ ông trước phiên tòa đã chiếm được lòng tin của ông.
Trong lúc chờ đợi ông phải đi đến Côngxtăngtinốp. Trước hết ông tìm một người thợ thủ công người Tây ban nha ở Bon, thửa một số mặt nạ bằng da mịn và cứng để che giấu bộ mặt của mình. Ông không muốn để mình bị nhận dạng. Do tình cờ có thể đưa ông đến chỗ chạm trán với người của Đức hoàng thượng nước Pháp cũng như các đại diện của vô số bà con anh em thuộc tầng lớp dòng dõi trong đám quý tộc nước ngoài. Chỉ riêng trong các Hiệp sĩ xứ Mantơ ông đã có những hai người bà con. Địa trung hải, đại đấu trường của các cuộc giao tranh chống những kẻ phản đạo, thu hút bao nhiêu là tước hiệu của châu Âu. Dưới ngọn cờ Bácbari, tình thế của ngài cựu lãnh chúa Tuludơ lúc này quả thật trớ trêu. Bị những người Thiên chúa giáo săn đuổi, ông hòa nhập vào thế giới đạo Hồi, lực lượng chống đối đã hơn một thế kỷ nay, bằng trò chơi cân bằng của họ, đánh dấu sự tiến bộ thụt lùi của việc truyền bá đạo Thiên chúa. Do sự sa sút tinh thần của thế lực này, những người Thổ thuộc đế quốc Ôtôman đã đáp lại bằng cách tràn ngập các nước cho đến lúc đó vẫn là đạo gốc. Xécbi, Anbani,Hy lạp. Từ đấy, chỉ vài năm sau nữa, họ sẽ đến gõ cánh cổng vàng của thành Viên- thiên chúa giáo. Các hiệp sĩ Thánh Giăng của Giêdudalem lần lượt mất đảo Crete, rồi đảo Rốt, chỉ còn giữ được mỗi mẩu đảo Mantơ.
Nhưng, Giổphây đờ Perắc vẫn đến bên cạnh đại quốc vương Thổ Nhĩ kì. Không một phút đắn đo nào làm hỏng được ý định của ông. Quả thật vấn đề không phải là ông mang sự giúp đỡ của người Thiên chúa giáo đến cho kẻ thù. Ông có một chủ định khác ở trong đầu.
Sau các cuộc tiếp kiến với Quốc vương của các quốc vương và các cố vấn trong hội đồng của nhà vua, ông đóng đại bản doanh ở Candi, trong một tòa lâu đài nằm ở ngoại vi thành phố. Trong khi chờ mở tiệc tại đấy, ông được thông báo rằng có thư từ Pháp gửi sang. Các nỗi bận tâm biến đi trong chốc lát. Ông bỏ các quan khách để chạy đến trước mặt gã đầy tớ người ả rập “ Đi tới đây! Vào nhanh lên, nói đi!”
Gã đầy tớ trao cho ông một lá thư của cha Ăng toan.Nhà tu hành kể vắn tắt bằng lối hành văn cố tỏ ra ý khách quan, kết quả của cuộc điều tra mà ông ta đã tiến hành ở Pari. Qua luật sư Đêgê cha biết rằng cựu nữ bá tước đờ Perắc, vợ góa của một nhà quý tộc mà tất cả mọi người đều nghĩ rằng đã chết thiêu ở quảng trường Grevơ đã tái giá với một người anh em họ của nàng là hầu tước Plexi beli. Nàng đã có một đứa con trai với ngươi chồng ấy, đang sống trong Triều đình ở điện Vecxây, nơi nàng được hưởng điạ vị tôn kính.
Ông vò nát tờ giấy trong tay.
Trước hết là đừng nghĩ đến chuyện đó nữa! Không thể được!...Rồi buộc phải công nhận từ từ cái sự thật hiển nhiên đó., ông phát hiện ra như nhìn thấy qua một tấm màn rách rằng mình đã ngây thơ biết bao khi không hình dung được sớm hơn một kết cục như thế. Hẳn là không còn gì tự nhiên hơn. Chẳng lẽ một góa phụ trẻ đẹp sắc sảo như vậy lại chôn vùi đời mình trong một lâu đài cổ tỉnh lẻ để dệt thảm như nàng Penelope à?
Cầu cạnh, nịnh bợ, lấy chồng, xênh xang ảo não ở Triều đình nước Pháp số phận nàng là như thế mà. Sao không nghĩ đến điều đó sớm hơn? Sao không sửa soạn trước để đón cú sốc này? Sao còn đau khổ nhiều đến thế? Tình yêu làm con người ta ngớ ngẩn. Tình yêu làm con người ta mù lòa. Và điều đó chỉ có nhà bác học, bá tước đờ Perăc là không biết mà thôi.
Phải chăng là vì ông đã quá quen hơi bén tiếng nên mới không bao giờ thoát ra được khỏi ảnh hưởng của nàng? Cuộc sống và đàn bà là những thứ luôn luôn dao động.Đáng lẽ ra ông phải biết thế. Một con người bị ruồng bỏ, và từ đấy chẳng còn một chút quyền lực gì nữa, há còn đòi hỏi sự trung thành của những kỉ niệm này sao? Thế là người đàn bà ông yêu, vợ ông, sự nghiệp của ông, của cải của ông nay dâng cả cho người khác.
Cúi gập người xuống, ngồi im như hóa đá, Giổphây đờ Perắc nắm chặt lá thư trong lòng bàn tay như thể muốn xiết chặt những ngón tay quanh cái cổ trắng ngần của Angiêlic.
Sau đó ông phá lên cười. Nhưng tiếng cười lại tắc nghẹn trong cổ ông và làm ông nghẹt thở. Bởi vì từ cái ngày bị vỡ giọng, ông không thể cười một cách dễ dàng như trước nữa. Riêng vết thương đó là Apden Mecrát không chữa nổi. Ồng lão chỉ có thể làm cho giọng nói của ông dễ nghe hơn một chút mà thôi. Không cười được nữa, không hát được nữa ông có cảm tưởng như mình bị giam trong một chiếc cùm sắt.
Tiếng hát làm nỗi đau trong tâm hồn được phóng thoát. Thế là bây giờ,và những năm tháng sau này nữa, lồng ngực ông sẽ dồn ứ những tiếng gào thét không thể thốt ra.