Vậy là cuộc khủng hoảng chính trị đã được giải quyết. Điều cốt yếu nhất là tình hình khủng hoảng tháng 9 diễn ra khi cả nước Nga gần một tháng không có Chính phủ, đã không đưa chúng ta đi trệch ra ngoài khuôn khổ Hiến pháp.Chúng ta đã có thời gian xả hơi, nhưng là để tỉnh ngộ và tìm câu trả lời cho các vấn đề: chuyện gì đã xảy ra với chúng ta, hậu quả của khủng hoảng là gì và nói chung cần phải làm gì bây giờ?Ai ai cũng đều quan tâm xem liệu nước Nga có còn là một nước cộng hoà thể chế Tổng thống nữa không? Liệu chính quyền hiện tại có chuyển từ tay Tổng thống sang phe đối lập hay không? Nếu ta lướt qua báo chí những ngày ấy, đọc các bài bình luận chính trị, thì sẽ thấy được một câu trả lời giống nhau. Nước Nga không còn là một đất nước theo thể chế Tổng thống nữa. Chương trình cải cách tự do đã chấm dứt. Những nhân vật cải cách trẻ tuổi từng có thời làm việc lâu dài với Tổng thống đã đưa đất nước tới bờ vực khủng hoảng kinh tế. Nhiệm vụ cứu đất nước khỏi bờ vực đó, khắc phục sai lầm của những con người xa lạ trước đó là nhiệm vụ cấp bách mà Chính phủ thân tả của Primakov phải giải quyết. Rõ ràng Chính phủ này sẽ đi theo con đường hoàn toàn khác. Hơn nữa lại có Yuri Masliukov, một nhà kinh tế theo trường phái kế hoạch hoá thời Xô-viết là người đóng vai trò chủ chốt trong Chính phủ này. Ông này còn là một người kiên quyết ủng hộ các tổ hợp công nghiệp - quốc phòng và Uy ban Kế hoạch Chính phủ, một đối thủ đầy thuyết phục của cuộc cải cách thời Gaidar.Vậy là có thể cắm cây thánh giá xuống toàn bộ nấm mồ chính sách của Yeltsin.Trong khi đó tôi tuyệt đối không hề bị những tâm trạng lo lắng, thậm chí bi kịch bao trùm toàn bộ báo chí lúc đó làm bối rối. Tôi bình tĩnh theo dõi Chính phủ mới, bởi tôi tin tưởng chắc chắn một điều rằng thời điểm khủng hoảng tồi tệ nhất đã lùi lại phía sau.Tôi cố xác định xem chiến lược chính trị mới của tôi sẽ ra sao. Phòng thủ, hay chờ đợi? Điều này còn phụ thuộc vào điều gì thực tế sẽ diễn ra trong nhận thức, trong tâm trạng của người dân. Rồi dần dần mọi người sẽ hiểu ra: xã hội chẳng hề hoảng loạn, thực tế đã không diễn ra cái gọi là sự sụp đổ hoàn toàn các giá trị tự do, chính sách tự do từng được tuyên bố hồi tháng 9.Cuộc khủng hoảng đã không làm ảnh hưởng đến những vùng xa xôi của nước Nga. Người dân tại các vùng thôn quê với vẻ mặt khó hiểu hỏi người thành phố: khủng hoảng là cái gì? Xin hãy giải thích giùm cho... Những người nông dân Nga không có tiền gửi trong ngân hàng. Điều nghịch lý này lại đóng vai trò tích cực.Đúng là đồng rúp sụt giá đã đánh mạnh vào giá cả, xét về mức sống thì mọi người đều cảm nhận thấy khủng hoảng. Song cơn giông tố đó không biến thành hỗn loạn. Người dân dần dần thích nghi, và chính điều đó phần nào đã cứu thoát chúng ta. Khủng hoảng trong lính vực không thanh toán nợ đã được khắc phục, con tim của ngân hàng bắt đầu hoạt động trở lại bình thường cho dù hiện tại vẫn chỉ là sự hỗ trợ một cách giả tạo, nhưng dù sao...Các ngân hàng không giành được trái phiếu ngắn hạn quốc gia cũng đứng vững trước cơn chao đảo. Công nghiệp địa phương vốn trước kia không có được khả năng vươn tới thị trường hàng ngoại nhập thì nay bước đầu đã hồi sinh. Bất kỳ doanh nghiệp nào - từ một quán nhỏ cho đến công ty dầu mỏ cỡ lớn đều học cách sống theo giá cả mới, theo cơ chế kinh tế hà khắc mới. Người ta ngày càng viết, càng nói nhiều đến chuyện khủng hoảng đã giúp làm lành mạnh và thử thách nền kinh doanh trong nước. Tuy rằng thử thách này về thực chất cũng gây ra không ít choáng váng.Nhưng dù sao một khi chúng ta đã không chết - thì có nghĩa là chúng ta đứng dậy được.Một lần nữa chúng ta đã kịp dừng lại bên bờ vực thẳm. Một lần nữa số phận lại che chở nước Nga. Những cuộc cách mạng, những biến động xã hội mà những người bôn-sê-vích luôn mơ tưởng đến đã không diễn ra. Vậy thì điều gì đã cứu chúng ta một lần nữa?Cái mà chúng ta rêu rao bằng những lời lẽ hoa mĩ như “cải tổ” hay “cải cách thị trường” thì báo chí phương Tây gọi một cách hết sức đơn giản và rõ ràng: đó là cách mạng dân chủ. Ở nước chúng ta hoàn toàn không có định nghĩa về thời kỳ quá độ như thế.Giải thích về hiện tượng bất thường này vừa đơn giản, lại vừa phức tạp: Nước Nga đã quá mệt mỏi với các cuộc cách mạng rồi, thậm chí ngán ngẩm với chính cụm từ thể hiện hoặc là cuộc chính biến, hoặc là thảm hoạ xã hội vô hình.Chúng ta phản đối các cuộc cách mạng. Chúng ta đã chán ngấy cách mạng trong thế kỷ 20 này.Xã hội Nga ủng hộ nền dân chủ trong giai đoạn cải cách chính trị quan trọng và đầy biến động này. Nhưng xã hội Nga đã và đang không muốn để xảy ra bất cứ thảm hoạ nào. Với xã hội này, khái niệm “đấu tranh giai cấp” và “đấu tranh xã hội” không còn được chấp nhận. Cách mạng trong nhận thức của người dân Nga là cơn chấn động, hỗn loạn, đói nghèo.Ngay từ cuối những năm 80, tôi đã hoàn toàn nhận thức rõ là nước Nga ủng hộ các cuộc cải cách cấp tiến, nhưng không tán thành kiểu cách mạng như một cái gì đó nguy hại gắn liền với nổi dậy vũ trang, bạo lực hoặc đảo chính.Những cuộc mít tinh ở Matxcơva ủng hộ dân chủ diễn ra dưới thời Gorbachov đều hoàn toàn là những cuộc mít tinh hoà bình. Sự chống đối một cách hoà bình của dân chúng đối với những người phục thù cộng sản - đó chính là điều thống nhất tất cả các tầng lớp khác nhau lúc đó. Điều đó cũng giống như “mùa xuân Praha”, giống như cuộc “cách mạng nhung lụa”. Tôi nhận thấy rõ một điều: xã hội đang trông chờ cải cách và xã hội hiện đang hội đủ các yếu tố văn minh, tràn đầy động lực.Thời gian đã chứng tỏ rằng tôi đã đúng trong cách đánh giá của mình. Đất nước bác bỏ mọi mưu đồ áp đặt vũ lực. Ai cầm vũ khí đầu tiên, kẻ đó phải chịu thất bại. Điều này đã đúng vào năm 1991, cũng như 1993.Sự lựa chọn của nước Nga rất rõ ràng - đó là tái cơ cấu dân chủ đất nước.Song “hoà bình” không có nghĩa là “dễ dãi”. Một mặt, động lực tái thiết không đổ máu này (chống bôn-sê-vích, chống cộng sản) giúp cho nền dân chủ đứng vững và chiến thắng. Song mặt khác, động lực đó cũng gieo vào lòng dân một sự chờ đợi vô thức tới một điều kỳ diệu xã hội nào đó. Một số hy vọng nước Nga sẽ được những vỏng tay lớn trên thị trường thế giới chào dón, rồi lập tức nước Nga sẽ phát triển kinh tế thịnh vượng ngay như họ từng mơ ước. Số khác hy vọng thị trường tự do và sức cạnh tranh sẽ đến một cách tự nhiên, sẽ không còn những con đường “ổ gà”, không còn những ngôi nhà “ổ chuột”, không còn hàng hoá kém chất lượng.Không, không thể xảy ra những chuyện đó.Cuộc cách mạng, thậm chí mang tính hoà bình, dù sao cũng là một sự phá vỡ ghê gớm đối với trật tự cuộc sống cũ.Những thay đổi nhanh chóng trong cuộc sống như hình thức sở hữu, chế độ Nhà nước, thế giới quan, hệ tư tưởng và lợi ích quốc gia, thậm chí cả biên giới đều không thể không gây ra những cơn sốt trong xã hội, không thể không làm chấn động những nền tảng cơ bản nhất của cỗ máy Nhà nước.Phải, cỗ máy Nhà nước này đã bị suy yếu trầm trọng do hậu quả của cuộc “cách mạng thầm lặng” của chúng ta.Một chính quyền thực sự được ra đời từ kết quả của bất kỳ một cuộc cách mạng nào - dù thầm lặng hay ồn ào - tưởng như diễn ra ở đâu đâu, vậy mà hoá ra lại ở “ngay trên mặt đất”.Tôi đã nhận ra mối hiểm hoạ này. Và tôi phải nhanh chóng ngăn nó lại. thúc đẩy thiết lập một thể chế Nhà nước Nga mới, áp dụng những cơ chế điều hành mới, đưa thành luật và sắc lệnh.Nhưng giờ đây tôi lại nhận thấy tất cả khiếm khuyết của quá trình chuyển đổi nhanh chóng, song lại vội vã này. Chúng ta không đánh giá hết chủ nghĩa vô Chính phủ thâm căn cố đế vốn đã ăn sâu vào từng đường gân thớ thịt của người dân Nga, họ đã không tin tưởng vào bất cứ giới lãnh đạo nào. Điều này có nguyên cớ của nó: Suốt những năm dưới chính quyền Xô-viết dân chúng đã chán ngấy cái gọi là “Nhà nước” và chính quyền của các quan chức lãnh đạo Đảng. Thế giới quan Nga ngày nay với ý nghĩa này được xác định đơn giản: Cần ít lãnh đạo hơn và Nhà nước hãy ít can thiệp hơn vào công việc của chúng ta. Còn có một quan điểm khác tương phản với quan điểm này, hoàn toàn trái ngược với hệ tư tưởng vô Chính phủ: cần phải đưa đất nước vào khuôn khổ bằng mọi giá, thậm chí bằng cái giá thủ tiêu cả cải cách dân chủ!Nhưng dù ở thái cực này hay thái cực kia - cũng như ở bất cứ thái cực nào khác, vẫn hoàn toàn không thể có được sự thật lịch sử. Nước Nga mới đã trải qua giai đoạn cách mạng dân chủ. Hiện tại cũng đến lúc quay trở lại ý tưởng thể chế Nhà nước nhưng ở một cấp độ khác và dưới một hình thức khác, nghĩa là quay trở lại một thể chế Nhà nước nhưng thể chế đó không cản trở con người. Thể chế độ đó sẽ không đè nén, áp bức con người, mà trái lại bảo đảm cho họ một cuộc sống ổn định và thịnh vượng.Vậy mà giờ đây các tiêu chuẩn đơn giản nhất phải phục tùng ban lãnh đạo được bầu ra một cách dân chủ lại bị coi là quay trở lại nền độc tài cộng sản. Không thể như vậy. Nước Nga đang vận động theo hướng đi đúng - xây dựng một quốc gia dân chủ, hùng mạnh, đúng đắn chứ không phải một quốc gia độc đoán, chuyên quyền.Tôi cứ cố kiểm tra lại cảm giác của mình hồi mùa thu năm 1998: Đúng thật, dù trên báo chí, ở Duma hay Thượng viện, trong các bài phân tích xã hội, thậm chí cả trên đường phố... không thấy bất kỳ ở đâu có những câu chuyện về chuyển giao chính quyền hay sở hữu, về việc cần thiết phải áp dụng tình trạng khẩn cấp nào đấy. Quả thực bầu không khí lúc đó đáng lo ngại, ở nhiều khu vực mùa đông sẽ rất khó khăn, nhưng... không còn nỗi sợ hãi như những ngày đầu tiên - chúng ta sẽ chết, chúng ta sẽ đói, thiếu lương thực, lạm phát một ngàn phần trăm, giải tán Thượng viện và vân vân. Nhìn chung giọng điệu của báo chí đã thay đổi - từ thất vọng đã chuyển sang ôn hoà, có suy nghĩ và tỉnh táo. Không còn cơ sở để nảy sinh giai đoạn hai của cuộc khủng hoảng chính trị, khủng hoảng quyền lực trong nước.Điều này có ý nghĩa gì đối với Tổng thống?Có chứ.Không gian chính trị phần nào đó được trao cho phe đối lập, tức là Chính phủ liên minh của Primakov. Nhưng nó chỉ được trao vào thời điểm hết sức cần thiết! Giờ đây, khi trong tay đa số Quốc hội tập trung một bộ phận đáng kể chính quyền hành pháp thì họ sẽ không có quyền về mặt đạo đức, không có khả năng tiếp tục làm tròng trành con thuyền. Sáng kiến chính trị của họ sẽ bị thu hẹp. Các biện pháp chống khủng hoảng là một công việc nghiêm túc. Những biện pháp này không thể mang tính chất hoạt động chính trị cũng như mơ hồ mang tính cách mạng. Dù có cố gắng, Chính phủ Primakov cũng không thể đi ngược hướng, không thể áp dụng các cuộc thử nghiệm nguy hiểm kiểu cộng sản đối với nền kinh tế.Tôi cố theo dõi sát hơn sách lược và thái độ của Evgeni Maximovich.Ông bắt đầu hành động một cách hết sức chín chắn, cân nhắc, không vội vàng. Thận trọng lấy lòng các lực lượng chính trị, thường xuyên chủ động trao đổi ý kiến với người đứng đầu các đảng phái và lãnh đạo các khu vực. Không áp dụng các bước đi quá mạnh. Dần dần củng cố vị trí của mình. Ông giành được sự ủng hộ của các thống đốc. Ngoài Masliukov, ông còn đưa vào Chính phủ nhiều người khác của mình như nhà nông học Kulic, thống đốc tỉnh Leningrad Gustov và Georgi Boss, thành viên tin cậy trong đội ngũ của Luzkov.Nói thực tôi không nghi ngờ gì trước việc Primakov nhanh chóng quen với cương vị mới, cũng như ổn định vị thế của mình chỉ trong có vài tuần lễ. Ông ta là một nhân vật có thâm niên trong bộ máy Nhà nước, bao năm trời làm việc dưới thời Breznev với vai trò nhà nghiên cứu quốc tế, sau có mặt trong Bộ Chính trị dưới thời Gorbachov, một nhà ngoại giao, một tình báo viên.Nhưng với tôi lúc này, điều quan trọng hơn là cần phải hiểu xem Primakov sẽ lựa chọn âm điệu nào để nói chuyện với đất nước? Để chính với âm điệu ấy toàn thể dân chúng - từ người dân lao động cho đến những nhà lãnh đạo hàng đầu, đều sẽ lắng nghe ông ta hơn.Tôi có cảm tưởng là Primakov đã lựa chọn hoàn toàn đúng âm điệu của mình!Ông ta biết cách trấn an mọi người bằng chất giọng hơi khô, pha chút hài, phong cách diễn đạt cứng nhắc có chừng mực. Với phong thái chậm rãi tin tưởng, Evgeni Maximovich biết làm dịu không khí căng thẳng bao trùm toàn xã hội hồi tháng 9 - thảng 10 và làm cho mọi người tin tưởng vào khả năng tình hình sẽ ổn định.Nói thực, đây cũng chính là điều tôi trông cậy.Tóm lại, Primakov đã đạt được vị trí chắc chắn mà trước đó chưa một Thủ tướng Nga nào có được. Về khách quan, có mọi cơ sở để khẳng định điều này: ông được các lực lượng chính trị rất khác nhau, từ Văn phòng Tổng thống cho đến Duma Quốc gia ủng hộ, và có uy tín cao.Khủng hoảng được tháo gỡ dần - đó đã là một thắng lợi.Những gì Chính phủ Primakov sẽ tiến hành trong kinh tế thì phải chờ tới mùa xuân, khi đất nước sống qua mùa đông, thì mới có thể phán xét được. Còn giờ đây tôi chờ đợi ở Chính phủ Primakov không phải là những hành động kiên quyết, mà ngược lại. Con bệnh “kinh tế Nga” vừa qua khỏi cơn sốt cao hiện không cần phải cho uống thêm thuốc nữa. Nó cần phải được nghỉ ngơi, lấy hơi, bình phục.Quả thực, ngay từ đầu không hiểu tại sao cánh báo chí lại chẳng thích thú gì Chính phú Primakov. Họ cảm thấy rõ sự khó chịu ghê gớm này. Sau này mới rõ điều gì đã kích động báo chí chỉ trích một cách vội vã và theo tôi là vô lý: như thế nội các mới giữ bí mật tuyệt đối. Bộ máy Chính phủ được lệnh phải giấu kín tin tức trước báo chí, hạn chế trả lời phỏng vấn, các cuộc tiếp xúc với phóng viên đều phải qua kiểm soát nghiêm ngặt.Đó là phong cách làm việc nhiều năm của Evgeni Maximovich trong các cơ quan mật như Uỷ ban Trung ương Đảng cộng sản Liên Xô, Bộ Ngoại giao, Cơ quan Tình báo đối ngoại. Nhưng hoạt động của Chính phủ vài năm gần đây đã công khai hoá. Phóng viên đã quen được thảo luận về những hành động Chính phủ sẽ áp dụng. Họ quen sống theo chuẩn mực của báo chí thế giới.Thế mà bỗng nhiên ở đây lại ban ra lệnh cấm “kiểu Xô-viết”. Chuyện cỏn con chăng? Tiểu tiết chăng? Hoá ra không phải thế. Tôi hiểu rõ là có điều gì đó đã xảy ra trong quan hệ giữa Thủ tướng và giới phóng viên khi trong cuộc gặp lần đầu tiên với tôi, Primakov đã mang theo “chiếc cặp đặc biệt” của mình. Trong chiếc cặp này ông ta thu thập hầu như tất cả những gì báo chí viết về nội các mới và người đứng đầu nội các đó. Mọi chi tiết đều được cẩn thận gạch chân bằng bút dạ màu. Nói thực, khi nhìn thấy những thứ đó tôi dường như không tin vào mắt mình nữa. Có cần thiết không, khi không những chỉ đọc, mà lại còn gạch chân và cắt chúng ra từ báo chí nữa chứ. Và điều chủ yếu là Primakov quyết định khiếu nại giới báo chí với ai đây? Với tôi ư?- Evgeni Maximovich, tôi đã quen với chuyện này từ lâu rồi... Người ta viết về tôi hàng ngày, bao nhiêu năm rồi, và anh có biết là với giọng điệu thế nào không? Mà làm gì được bây giờ, chẳng lẽ đóng cửa các toà báo hay sao?- Không, nhưng ngài hãy thử đọc xem, thưa Boris Nicolaevich. Chuyện này hoàn toàn làm giảm uy tín nền chính trị của chúng ta.Vậy là, với tinh thần ấy tôi nói chuyện với Primakov gần một tiếng đồng hồ.Mãi tôi không thể hiểu được chuyện này có ý nghĩa gì. Rồi sau chợt nhớ là bản thân tôi trong những năm đầu tiên tham gia chính trường cũng đã phản ứng thế nào với các bài báo khác nhau trên báo chí. Nhưng rồi tôi cũng dần dần học lược cách phân biệt tự do ngôn luận xã hội với những chuyện “đơm đặt” thô bạo. Suốt những năm qua, tôi luôn luôn bị báo chí chỉ trích, - còn Primakov thì nào có phải chịu gì đâu. Ông ta không thể thay đổi thái độ với giới báo chí ngay được. Từng là một phóng viên được tôi luyện dưới thời báo chí Xô-viết, nhiều năm làm việc cho báo “Sự thật”, ông ta đã nhìn thấy sau mỗi bài báo là âm mưu phức tạp nào đó, ý đồ nào đó hoặc mối đe doạ từ phía các đối thủ chính trị. Xuất phát từ tư duy lô gích đơn giản nhất cũng không thể nào giải thích cho ông ta hiểu được. Để tự vượt qua được chính mình, ông ta cần phải có thời gian và có... thái độ khác với cuộc sống.Thật buồn là Evgeni Maximovich không thể tránh khỏi được mô-típ kiểu cũ thời Xô-viết, không tránh được trạng thái bị kích động tinh thần nặng nề do báo chí gây ra. Nhưng tôi vẫn cố chịu đựng.Thế rồi thay vì “chiếc cặp đặc biệt” quen thuộc với những mảnh giấy cắt ra từ báo, ông ta còn mang tới một cái gì đó khác nữa kia - đó là một vài trang kẹp chặt trong chiếc cặp tài liệu văn phòng. “Xin ngài hãy đọc đi”. Tôi bắt tay vào đọc. Đó là những tờ giấy nặc danh về một quan chức tương đối có vai vế bị tố cáo tham ô, nhận hối lộ. hoạt động tài chính bất hợp pháp và nhiều điều tiếng xấu xa khác.Tôi bảo:- Evgeni Maximovich này, chúng ta hãy cùng nhau nghiên cứu nhé? Những hiện tượng này là thế nào đây? Anh tin chúng thật à? Chúng ở đâu ra đấy?- Đây là những tài liệu do các cơ quan đặc biệt chuẩn bị, thưa Boris Nicolaevich. Dĩ nhiên là cần phải kiểm tra lại tất cả, nhưng...- Nếu đó là sự thật thì tại sao không khởi tố người này đi.Rõ là không hài lòng trước câu hỏi của tôi, Primakov liền giấu cặp tài liệu đi.Những cảnh tương tự như vậy lặp đi lặp lại không phải mặt lần. Có lẽ trên bàn làm việc của Evgeni Maximovich có rất nhiều “tài liệu” kiểu này.Cuối cùng tôi đến phát chán chuyện này. Tôi liền quyết định kiểm tra một trong số các “tài liệu” của Primakov.Chuyện này liên quan đến thứ trưởng Bộ Y tế Mikhail Zurabov. Trong tay Primakov có bức thư nặc danh và ông ta đọc thấy: Zurabov gần như là kẻ cướp, có quan hệ với nhóm tội phạm Kapcaz, v.v. (Sau này mới rõ là trên thực tế vị Thứ trưởng trẻ tuổi này đã hành động không cẩn thận khi tấn công bọn mafia trong ngành dược, dồn ép chúng). Primakov cho gọi Phó thủ tướng Valentina Matvienko, yêu cầu ngay lập tức cách chức vị thứ trưởng.Tôi yêu cầu Putin kiểm tra tin này. Sau một thời gian, Vladimir Vladimirovich mang tới cho tôi tư liệu thực tế của Cơ quan an ninh Liên bang về Zurabov. Dựa trên cơ sở số liệu của Cục An ninh Kinh tế FSB. Sự khác biệt thật ghê gớm. Trong “tư liệu” của Primakov mọi thứ được tường trình thật chính xác nhưng lại hoàn toàn ngược lại.Chẳng hạn trong tài liệu của FSB có nói: “Không xác định được là Zurabov có quan hệ với nhóm tội phạm trong số nhân vật có nguồn gốc Kapcaz”. Trong “tư liệu” của Primakov: Nghi ngờ có quan hệ với các băng nhóm người Daghestan. Tài liệu FSB: không xác định là có hiện tượng nhận hối lộ từ công ty dược. Trong “tài liệu”: Nghi có nhận hối lộ. Sự khác nhau là như thế đấy.Zurabov thực sự là một người trung thực, đúng đắn, một chuyên gia cẩn thận, thông minh. Tôi tiếp xúc gần với anh ta hơn khi anh ta trở thành cố vấn Tổng thống về các vấn đề xã hội. Hiện giờ anh ta đang là Chủ tịch Quỹ hưu trí Nga.Vậy là tôi đã hiểu ra cái công nghệ vu khống ngày càng được tích tụ trên bàn làm việc của Primakov. Đảng tiếc là một số cơ sở thương mại đã tiếp cận được một số nhân viên bất mãn của FSB và của các cơ quan đặc biệt khác, mua chuộc một số nhân viên bị đuổi việc từ các cơ quan này. Như vậy, họ sẽ chẳng khó khăn gì khi lập “hồ sơ” về đối thủ cạnh tranh hay một quan chức không thích hợp.Số cựu sĩ quan FSB hoặc nhân viên công tố lập ra cho Primakov những “hồ sơ” đó, đồng thời lại không dẫn ra nhưng chứng cứ rõ ràng không phải là ít. Là một người cực kỳ thận trọng, chín chắn, vậy mà trong khi đó ông ta lại có thể tin ngay những lời buộc tội này mà không nghĩ rằng ai đó sẽ được cấp những khoản khá khá cho những vụ “tố cáo” này. Cái tiểu sử lâu đời của một người lãnh đạo các cơ quan bí mật Xô-viết đã tác động như vậy đó.Số sĩ quan FSB bị đuổi việc không chỉ lập ra cho Primacơv những hồ sơ vu khống, mà còn thường xuyên lui tới Thủ tướng để phàn nàn về Putin. Evgeni Maximovich theo quán tính vẫn có thái độ khó chịu đối với Giám đốc FSB như một giáo chủ của cơ quan đặc biệt. như một người đồng chí lớn tuổi và có kinh nghiệm, tóm lại là như một Thủ trưởng. Còn Putin vẫn tỏ thái độ kính trọng Primakov, không cho phép mình vượt ra ngoài khuôn khổ tuổi tác và vị trí, nhưng đồng thời cũng kiên quyết giữ mình. Tuy nhiên sự hiểu lầm vẫn xảy ra.Chẳng hạn như các cựu tướng lĩnh FSB bị Putin cho nghỉ hưu đã mách với Primakov rằng Primakov và các thành viên gia đình họ bị... theo dõi. Primakov ngay lập tức gọi điện cho Putin và yêu cầu không được theo dõi họ nữa. Putin với bản tính lạnh lùng, kìm nén trả lời tương đối cương quyết và tuyên bố rằng cần phải tiến hành điều tra và khởi tố vụ án ngay lập tức nếu như các chứng được được khẳng định và ông đề nghị nêu ra nguồn tin nói trên.Sự buộc tội thật quá vô lý, dở hơi. Làm sao lại có thể theo dõi cả Thủ tướng Chính phủ? Làm sao có thể theo dõi một người mà lúc nào cũng có cả một lực lượng bảo vệ lớn kè kè bên cạnh, mà an ninh của con người đó là do cả một cơ cấu - Cơ quan Cảnh vệ Liên bang chịu trách nhiệm? Làm sao lại phải theo dõi con người này khi mỗi bước đi của ông ta chẳng còn là điều gì bí mật với bất cứ ai?Putin đòi phải được điều tra chính thức. Evgeni Primakov rút lui ý kiến. Song việc buộc tội vô lý trước đó ông ta vẫn cho là hoàn toàn thực tế.Còn một giai thoại nữa liên quan đến cái gọi là “làm trong sạch” FSB. Rồi còn có tin trình báo lên Primakov rằng Giám đốc mới của FSB đang thanh trừng các nhân viên cũ. Ông ta nhiều lần nói với tôi là Putin đã loại bỏ những cán bộ an ninh có kinh nghiệm, đưa vào ban lãnh đạo một loạt những người trẻ, ít kinh nghiệm xuất thân từ Saint Peterburg. Cuối cùng tôi yêu cầu phải làm rõ vấn đề này.Putin xin phép tôi được tổ chức cuộc gặp với Hội đồng phụ trách FSB ở ngay buồng làm việc Thủ tướng. Họ gặp nhau, và Primakov rất ngạc nhiên khi thấy trong Hội đồng phụ trách hầu hết là những khuôn mặt quen thuộc. Đại đa số các phó giám đốc là người cũ. Sau cuộc gặp đáng nhớ đó, Evgeni Maximovich mới có thái độ dịu hơn đối với FSB. Chỉ cần chú ý phân tích một chút các chi tiết tương tự là mọi chuyện đâu vào đấy. Evgeni Maximovich nghi ngờ những người khác trong những chuyện dường như ông ta không coi là đáng xấu hổ đối với mình.Còn tôi suốt thời gian dài không hiểu vì sao vị Thủ tướng của một quốc gia lớn, thông minh, một nhà chính trị trí thức lại xử sự trong các cuộc nói chuyện với tôi như một cán bộ của trường phái cũ. Nếu dưới thời tôi nắm quyền mà tôi lại cứ tin vào những thói quen như thế của Primakov thì chẳng mấy đã làm thay đổi cơ cấu chính trị và kinh tế của nước ta chỉ dựa vào những “hồ sơ” của mình và cảm giác chỉ quan phân định ai bạn, ai thù.Tôi kiên trì khuyên Evgeni Maximovich không nên để ý đến bất kỳ chỉ trích nào của các nhà chính trị và kinh tế tự do, bất kỳ bài báo nào, bất kỳ tin đồn nào về những mâu thuẫn có thể nảy sinh trong các cơ quan đặc biệt. “Tôi là Tổng thống, tôi ủng hộ anh. Đó là điều cốt yếu” - Tôi từng nói với ông ta như vậy.Rồi dần dần tôi cảm thấy ông ta đã tiếp nhận những lời khuyên của tôi, cố gắng hết mức để hiểu tôi.Chính vào mùa thu năm 1998, trong giới thượng lưu chính trị nảy sinh cảm giác rằng Thủ tướng đang ngấm ngầm giành quyền lực của Tổng thống, nắm về tay mình cơ chế điều hành Nhà nước. Primakov ngày càng gặp gỡ thường xuyên hơn với các Bộ trưởng vũ lực mà theo Hiến pháp chỉ chịu sự phục tùng của Tổng thống, luôn cố gắng đặt vào vị trí thứ hai, tức là vị trí Phó thủ tướng những người thân cận của mình trong Cơ quan Tình báo Đối ngoại. Báo chí bắt đầu viết rằng giới thân cận Tổng thống đã “giao” tôi cho Primakov - hay là nhân viên văn phòng Tổng thống dường như đã thoả thuận với Evgeni Maximovich để họ sẽ được ở lại làm việc trong tương lai, vì thế mà cứ lặng nhiên ngắm nhìn quyền lực tối cao trôi tuột khỏi tay Tổng thống.Tôi phản ứng trước thông tin đồn đại này một cách hoàn toàn bình thản. Tôi không sợ bất cứ cuộc đảo chính “ngấm ngầm” nào. Điều chủ yếu đối với tôi là Primakov và Chính phủ của ông ta sẽ lấp được khoảng trống chính trị (hơn nữa lại còn có thể thoát khỏi khủng hoảng nữa) và phái cộng sản cũng có người của mình tham gia vào Chính phủ này.Có rất nhiều ý kiến khác nhau về chiến lược kinh tế của Primakov thời đó.Một số nhà kinh tế phê phán gay gắt ông vì thiếu một chính sách dễ hiểu. Một số khác, có vẻ thân Chính phủ thì khẳng định Chính phủ không phạm sai lầm và rằng nền kinh tế đã bắt đầu có đôi chút tăng trưởng (nhờ liên tục giảm tỉ giá đồng rúp). Điều đó là sự thực: nhờ việc tỉ giá đồng rúp giảm đi gần như ba lần, mà chúng ta đã dễ dàng hơn khi trả nợ lương, đảm bảo cấp tài chính cho các chương trình dự trữ của Nhà nước, tăng thu ngân sách Mức sống thực tế của người dân đương nhiên trở nên giảm sút nhiều do lạm phát, nhưng dù sao bằng khả năng thuyết phục, bằng phong cách lãnh đạo Xô-viết của mình, Chính phủ “màu hồng” của Primakov đã giữ được dân chúng không tiến hành chống đối xã hội, biểu tình và gây ra cuộc “chiến tranh đường ray”.Dân chúng hưởng ứng khẩu hiệu của Chính phủ mới: Sống theo thu nhập, sản xuất và tiêu dùng hàng nội. Dưới thời Thủ tướng mới, Chính phủ thì giúp đỡ nền kinh tế bằng cách Chính phủ, về thực chất, đã để nền kinh tế được bình yên.Theo các cuộc thăm dò dư luận xã hội, uy tín của Primakov ngày càng cao và ổn định. Evgeni Maximovich, dù muốn hay không cũng đã hỗ trợ tôi nhiều trong việc đạt được mục tiêu chính trị chính yếu là giữ đất nước ổn định cho đến năm 2000, trước bầu cử. Sau này, như lúc đó tôi từng suy nghĩ, chúng tôi sẽ cùng nhau tìm một nhà chính trị trẻ, mạnh mẽ và sẽ trao lại cho người đó ngọn cờ chính trị. Trao cho người ấy một bàn đạp khởi động, giúp đỡ người ấy phát huy tiềm năng của mình.Và chỉ bằng cách ấy chúng ta mới có thể giành chiến thắng trong bầu cử.