Chương 1
Nguyên tác tiếng pháp: Angélique et son amour

 
Tóm tắt:
Là con thứ năm của một gia đình quý tộc tỉnh lẻ đã sa sút, Angiêlic lớn lên giữa đám bạn bè cùng quê và cảnh hương đồng cỏ nội. Với sắc đẹp mê hồn và một tính cách táo bạo, bướng bỉnh, giàu nghị lực với ít nhiều hoang dã, Angiêlic đã vượt qua cả một chuỗi dài những thử thách khắc nghiệt mà bàn tay số phận cố tình bày đặt.
Bị cha mẹ ép gả cho bá tước Đờ Perắc cực kỳ giàu có nhưng thọt chân, mặt đầy sẹo, Angiêlic thoạt đầu phản kháng kịch liệt. Tuy vậy, dần dần nàng nhận ra trong con người tật nguyền này một nhà bác học lỗi lạc, một nghệ sĩ kỳ tài, con người có trái tim nồng nhiệt tinh tế, và cũng hết sức kiêu hãnh. Chính giữa lúc tình yêu của hai người đang lên tới độ nồng nàn nhất thì bá tước bị vua Lu-I thứ 14 và Giáo hội ganh ghét, tống giam vào ngục Baxtiơ.
Một mình giữa đế độ Paris xa lạ và thù nghịch, Angiêlic tính “chọc trời khuấy nước” để cứu chồng nhưng nàng đã thất bại. Bá tước bị kết án tử hình và bị thiêu trên giàn lửa. Angiêlic rơi vào cảnh ngộ éo le: phải trở thành nhân tình của Nicôla, một người bạn thuở thiếu thời nay là tướng cướp. Cuối cùng với nghị lực, sắc đẹp và nữ tính của mình, nàng thoát khỏi vũng lầy và trở lại chiếm lĩnh vị trí của mình trong đời sống quý tộc để tìm cách trả thù cho chồng.
Sau 1 thời gian bôn ba, nàng trở thành bà chủ tiệm làm chocolate, giàu có và nổi tiếng xinh đẹp. Từ đó bằng mọi giá nàng lấy cho được tước Philip đuy Plexi Belie để con nàng có danh phận.
Thời gian đầu, vì bị ép buộc phải lấy Angiêlic, nên mặc dù yêu nàng, nhưng Philip ghét cay ghét đắng và hành hạ Angiêlic, không cho nàng xuất hiện ở triều đình. Angiêlic cá cược với Philip rằng, một ngày nào đó, nếu chàng yêu nàng say đắm, thì sẽ phải tặng nàng dây chuyền của gia tộc chàng. Và dần dần, Philip cũng ngày càng yêu Angiêlic hơn. Đúng lúc này thì Angiêlic nghe được tin Canto (đứa con trai thứ hai của nàng với bá tước Đờ Perắc) đã chết trên biển Địa Trung Hải.
Philip từ trận địa, một mình một ngựa phi về bên vợ, ôm nàng vào lòng, và đeo cho nàng sợi dây chuyền của gia tộc - thú nhận là chàng đã yêu nàng.
Nhưng đồng thời với tình yêu của Philip dành cho Angiêlic, nhà vua cũng yêu nàng... nhiều lần bày tỏ tình yêu với nàng. Philip cũng biết Vua yêu vợ mình, nhưng lòng trung thành tuyệt đối của chàng đối với nhà Vua khiến chàng im lặng.
Và với thói quen phục tùng Vua tuyệt đối, thấy mối tình tuyệt vọng của Vua đối với Vợ mình, trong một trận đánh (mà cả Vua và Angiêlic cũng như cả triều đình cùng đang ở nơi có diễn ra trận đánh), Philip đã băng vào giữa làn lửa đạn - nhiệt tình hơn mức phải có - và một quả đại bác đã cắt phăng đầu chàng.
Sau đó Angiêlic phải đối diện với mưu mô của phu nhân Mongtexpang - bạn đồng hương với Angiêlic, người tình của Đức vua. Đối diện với tình yêu âm ỉ của Đức Vua, sự chinh phục không ngừng... Angiêlic đã chống lại nhà vua và chịu nhiều đau khổ (bị hãm hiếp và sinh ra một đứa con gái không được thừa nhận).
Bị bán như món hàng sống ở chợ nô lệ, nàng được tên cướp biển Rescator (thực chất là bá tước đờ Perắc chồng nàng) mua về. Angiêlic không biết đó chính là chồng nàng vì Rescator luôn đeo mặt nạ và chân không bị thọt giống chồng nàng. Còn Rescator tuy vẫn còn yêu nàng tha thiết nhưng nghĩ rằng nàng đã trở thành người tình của Nhà vua - người đã chia cắt hai người nên không tiết lộ danh tính thực của mình. Sau đó nàng trốn khỏi tay Rescator.
Bị truy quân lính của nhà vua truy bắt, Angiêlic vào làm người ở gái cho thương gia Gabrien Bécnơ và ông Becnơ (đã góa vợ) đem lòng yêu nàng.
Một ngày nọ, nàng được tin đoàn quân lính kị binh của nhà vua sẽ tàn sát toàn bộ đám người Tin Lành đang bao bọc nàng. Hoặc là họ cải đạo, hoặc là họ chết
Lúc này tên cướp biển Rescator đang ở ngay cạnh nàng. Và Angiêlic tìm cách lên thuyền, nhờ ông ta đưa toàn bộ đám người Tin lành lên thuyền để trốn thoát. Còn diễn biến tiếp theo như thế nào thì mời các bạn đọc truyện Angiêlic và tình yêu
°°°°
Cảm giác bị một cái nhìn vô hình dòm ngó đưa Angiêlic trở về thực tại. Nàng giật mình và đưa mắt sục sạo xung quanh tìm kẻ đã đem mình đến đây, trong căn phòng sang trọng kiểu phương Đông của cái lầu sau này. Nàng quả quyết là người đó nhất định phải ở đây, nhưng vẫn không nhìn thấy.
Nàng nhận ra chính tại căn phòng này, đêm qua, nàng đã được Rescator tiếp. Sự mau lẹ của các sự kiện, tấm thảm kịch trải qua, vẻ thanh bình đang ngự trị, và cảnh trí mới lạ, cùng lúc tạo cho nàng phong vị giấc mơ. Angiêlic hẳn là chưa thức giậy nếu Ônôrin không bắt đấu ngọ nguậy vươn vai vươn cổ như một chú mèo con.
Trong bóng tối lấp loé ánh vàng của đồ đạc và các vật trang trí mà nàng chưa thấy thật rõ hình thù, mùi hương quen thuộc làm nàng xao xuyến, và có một cái gì riêng biệt của Rescator vẫn còn phảng phất đâu đây. Nàng vẫn chưa quên phong vị Địa trung hải, cũng như nàng vẫn giữ thói quen uống cà phê, dùng thảm và ghế dựa có đệm bọc bằng lụa.Một làn gió lạnh tạt vào qua cửa sổ mang theo hơi ẩm của sương mù. Angiêlic thấy rét. Cùng lúc đó nàng đâm ra bối rối, vì thấy chiếc nịt vú đã bị cởi ra. Bàn tay nào đã tháo móc cài? Ai đó đã cúi xuống người nàng trong lúc nàng còn đang thiêm thiếp? Đôi mắt đàn ông nào, có thể vì lo lắng, đã nhìn xoi mói làn da tái nhợt, tư thế bất động, đôi mắt nhắm nghiền và vẻ bầm dập của nàng?
Có thể người đó thấy nàng nằm ngủ một mình, trong trạng thái ngã vật,kiệt sức,và đã cởi nịt vú để cho nàng dễ thở hơn.
Cử chỉ ấy có thể đơn giản là một sự ý tứ, nhưng cũng chứng tỏ người đàn ông quen thuộc với đàn bà, và biết cách đối xử với mọi cung cách của họ, kể cả sự buông thả đáng yêu mà chỉ nghĩ đến nàng đã đột nhiên đỏ mặt, và vừa ngồi dậy, vừa sửa lại quần áo một cách nóng nảy đến dữ tợn.
Tại sao người đó đem nàng tới đây, đến chỗ ông ta không để nàng ở cùng với các bạn hữu của nàng? Như thế này thì nàng có khác gì nô lệ của ông ta, tù binh của ông ta, được xếp đặt theo tính khí thất thường của ông ta, cho dù có những dấu hiệu chứng tỏ ông ta cũng chẳng thiết gì nàng.
-Có ai đấy không? - nàng hỏi to - Ngài ở đây à, thưa ngài.
Không có ai đáp lại ngoài nhịp thở của biển khơi và tiếng vỗ bập bềnh của sóng. Nhưng Ônôrin đã bị đánh thức và vừa lồm cồm ngồi dậy vừa ngáp. Angiêlic cúi xuống bế con bằng một cử chỉ che chở, và kiêu hãnh vì nàng đã nhiều lần giữ được cho cái sinh linh yếu ớt này thoát khỏi sự đe doạ của những hiểm nguy.
-Lại đây con bé bỏng của mẹ - nàng thì thào - không sợ gì nữa. Chúng ta đã ở ngoài biển rồi. Nàng đi tới cửa kính và ngạc nhiên khi thấy cửa có thể mở ra một cách dễ dàng. Vậy thì nàng đâu phải là tù binh...
Bên ngoài trời vẫn còn sáng. Nghe rõ tiếng bước chân thuỷ thủ đi đi lại lại trên boong tầu, trong khi những ngọn đèn đầu tiên đã được thắp. Sóng dịu nhẹ và một vẻ thanh bình toát ra từ con tàu cướp biển đơn độc giữa đại dương trống trải, tưởng chừng như trước đó vài tiếng đồng hồ, nó chưa hề phải đối mặt với cái chết. Người ta chỉ thấm thía ý nghĩa của sự sống một khi cái chết cầm chắc kề sát bên cạnh.
Có người nào đó vẫn ngồi dựa cửa vụt đứng dậy và Angiêlic thấy ngay bên cạnh gã người Mo khổng lồ đêm vừa rồi đã pha cà phê cho mình. Anh ta trùm đầu bằng tấm khăn len trắng của người Marốc và khoác một khẩu súng mút có báng khảm bạc, giống như những tên lính cấm vệ của Mulai Ismail mà nàng đã từng thấy.
- Các bạn tôi ở đâu? - Nàng hỏi.
-Mời bà đi - gã người Mo đáp – ông chủ bảo tôi dẫn bà đi khi nào bà tỉnh dậy.
Giống như mọi chiếc tàu khác được dùng để chở hàng hay cướp bóc, chiếc Gunxbôrô không có khả năng tiếp nhận hành khách. Khoang dành cho thuỷ thủ đoàn ở dưới boong trước chắc chắn có chỗ nhưng không thể chứa nhiều hơn. Vì vậy, người ta phải để cho những kẻ di tản ở trong một phần của khoang boong dành cho giàn pháo được nguỵ trang của chiếc tàu cướp biển. Xuống hết một cầu thang ngắn, Angiêlic nhận ra đám bạn hữu của mình đã bắt đầu được xếp đặt một cách tuỳ tiện giữa các khẩu pháo. Nhìn chung, các giá súng với những thanh đồng lớn được phủ vải, có thể dùng để đặt các bọc đồ sơ sài của họ.
Ánh ngày vẫn còn rớt lại trên boong, nhưng ở đây, dưới tháp, trời đã thẫm lại trong thứ ánh sáng mầu hồng đục lờ từ một ô cửa mở ở thành tàu rọi tới.
Vừa bước vào, Angiêlic đã bị hỏi dồn:
-Bà Angiêlic! Mọi người nghĩ là bà chết rồi, chết đuối rồi...
Hầu như lập tức, những lời tố cáo vang lên:
-Ở đây chúng tôi chẳng nhìn thấy gì cả... Họ nhốt chúng tôi như tù. Trẻ con khát khô cổ...
Trong tranh tối tranh sáng, Angiêlic chỉ nhận ra họ qua giọng nói. Giọng Abighen cao hơn cả.
-Cần phải chăm sóc ông Becnơ, ông ấy bị thương nặng.
-Ông ấy đâu? – Angiêlic vừa hỏi vừa thầm tự trách mình bỏ qua ông Becnơ.
Mọi người giúp nàng đi tới chỗ người thương gia nằm, phía dưới ô cửa thành tàu.
-Chúng tôi nghĩ là không khí mát lành sẽ làm ông ấy khá hơn, nhưng chẳng thấy khá gì cả.
Angiêlic quỳ xuống cạnh người bị thương. Nhờ chút ánh sáng hồng của mặt trời đang lặn chiếu rọi vào khoang tàu tối sẫm, nàng có thể phân biệt các đường nét, và nàng thấy khiếp hãi trước vẻ tái nhợt, nỗi đau khổ mà ông ta phải chịu đựng, dù đang thiêm thiếp. Nhịp thở ông ta chậm và khó khăn.
“Ông ấy bị đánh trong lúc che chở ta”, nàng tự nhủ.
Thật xúc động khi nhìn thấy ông ta trong tình cảnh này. Nhà đại thương gia của xứ La Rôsen, cùng lúc bị tước bỏ hết sức lực lẫn tư cách đáng kính, bây giờ nằm đó với đôi vai lực lưỡng để trần, với bộ ngực lông lá xồm xoàm, không khác gì bộ ngực của một anh phu khuân vác tầm thường.
Các bạn đồng hành của ông ta, trong lúc nguy cấp đã xé chiếc áo rơđanhgốt thấm máu và áo sơmi của ông ta để bịt vết thương. Chính vì vẻ ngoài ít khi thấy như vậy mà Angiêlic đã không nhận ra ông ta. Giữa người thương gia theo đạo Tin lành bình thản ngồi trước cuốn sổ ghi chép trong khung cảnh cửa hàng đày của cải và cũng người ấy, trần truồng, bất lực, đang tồn tại một cái vực cách biệt sâu thẳm. Trong nỗi kinh hoàng, một ý nghĩ kỳ cục chợt lướt qua đầu nàng: “Đáng lẽ ra ông ấy đã là người tình của ta”.
Đột nhiên ông ta trở nên hết sức gần gũi, nàng cảm thấy mình ít nhiều thuộc về ông ta, và nỗi lo lắng tăng lên gấp bội khi nàng đặt bàn tay êm dịu của mình lên thân thể ông ta.
-Từ lúc được đưa tới đây ông ấy có cử động hay nói năng gì không?
-Không. Thế mà chúng tôi cứ ngỡ là vết thương không nghiêm trọng lắm. Nhát kiếm đâm trúng vai và ngực trái. Máu ra ít thôi.
-Cần phải làm một cái gì đó.
-Nhưng làm gì mới được chứ? – Tay thầy thuốc Anbe Parin, lại một lần nữa phản đối bằng thứ giọng chua loét của ông ta – trong tình thế của tôi lúc này, tôi chẳng có gì cả. Không thuốc tẩy, không ống thụt, không ở gần hiệu thuốc để mà chạy đến tìm các cây thuốc.
-Ít ra thầy cũng có thể mang theo túi đồ nghề chứ, thầy Parin – Abighen nói, với một vẻ hung hăng chưa từng thấy – cái túi ấy có cồng kềnh gì cho cam.
-Tại...sao – con người từ thiện tỏ vẻ uất ức - tại sao lại chê trách tôi bỏ mất đồ nghề trong khi các người lôi tôi ra khỏi giường không một lời giải thích, rồi đẩy tôi lên cái tàu này, mình trần thân trụi, đến cả lau qua con mắt cũng không có thời gian nữa. Vả lại, trong trường hợp của ông Becno, tôi chả làm được gì nhiều. Tôi đâu phải nhà phẫu thuật.
Lôrie bám lấy Angiêlic, cố nài nỉ:
-Chẳng lẽ để cha tôi chết sao?
Từ mọi phía những bàn tay chìa tới túm chặt lấy nàng, có thể có cả bàn tay của Xêvêrin, Ônôrin, Macxian, hoặc những bà mẹ đang cuống cuồng lên trước tình cảnh khốn quẫn của họ.
-Lũ trẻ đang khát đấy – bà Care lặp lại.
Cũng còn may là họ không đến nỗi quá đói. Ông chủ hiệu thực phẩm hào hiệp đã bỏ chỗ bánh mì và bánh xốp dự trữ ra phân phát cho mọi người. Khác với ông thầy thuốc, ông này khá bình tĩnh, đã mang theo bọc bánh và thậm chí cả cuộc vượt truông cũng không thể làm ông ta bỏ lại được.
-Nếu bọn bất lương này không đem ta đến chỗ có ánh sáng, tôi phá cửa. – Ông Manigôn đang đứng trong vùng tối nhập nhoạng gần đó, chợt kêu lên.
Dường như chỉ còn chờ giọng nói vang rền như sấm này để bày tỏ thái độ, những người thuỷ thủ hiện ra trong ánh sáng của ba chiếc đèn lớn mà họ đang đi tới để treo vào giữa và hai phía giàn pháo. Sau đó họ quay lại bậc cửa và bưng đến một chiếc chậu gỗ đang bốc lên mùi thơm ngon lành, và một xô sữa đầy ắp.
Trong số họ có hai người là dân đảo Mantờ, trước kia từng được dùng làm hầu cận cho Angiêlic. Mặc dù họ có vẻ man rợ với nước da màu xanh ô liu và những cặp mắt đỏ đòng đọc, nàng biết rằng họ là những người tốt…tốt trong chừng mực nào đó. Họ chỉ chậu thức ăn cho những người khách với vẻ mời mọc.
-Mà này, các ông muốn chúng tôi ăn như thế nào đây? – bà Manigôn kêu lên, giọng the thé – Các ông định cho lũ lợn chúng tôi đớp thức ăn trong cùng một cái máng ư? Chúng tôi chẳng có đến một cái đĩa.
Bà ta bật lên những tiếng nức nở cuồng loạn trong khi nhớ tới những thứ đồ gốm đẹp đẽ bị vỡ trong động cát.
- Ồ những thứ ấy có đáng gì đâu hở bà – bà Care nói - rồi sẽ tự xoay xở được hết.
Thật hết sức bất ngờ, bà ta đưa cho mọi người chiếc chén duy nhất, mà đến giây phút cuối cùng, như có phép lạ, đã nhét được vào cái bọc khốn khổ của mình. Angiêlic cố cắt nghĩa cho đám thuỷ thủ bằng thứ ngôn ngữ hổ lốn của vùng Địa trung hải mà nàng chỉ còn nhớ được dăm ba tiếng. Họ gãi đầu gãi tai tỏ vẻ bối rối. Câu hỏi về bát đĩa đặt ra một vấn đề gai góc đối với toán lính. Họ vừa bỏ đi vừa nói như mọi lần rằng họ sẽ lo liệu.
Quây quanh chậu thức ăn, đám khách bàn tán hồi lâu về các thứ đựng trong đó.
-Món ragu trộn rau sống.
-Dù gì nữa cũng là món ăn tươi.
-Vậy là chúng ta chưa được nếm món bánh bích quy và thịt muối rất quen thuộc của vùng biển.
- Những thứ này họ phải cướp ở đất liền. Tôi vừa nghe tiếng lợn kêu và tiếng một con dê be be trong khoang ngay phía dưới bọn mình đây này.
-Không phải đâu. Những con vật ấy, họ mua đấy, trả bằng tiền mặt hẳn hoi. Họ buôn bán tử tế mà.
-Ai nói thế? – Ông Manigôn hỏi ngay khi vừa nghe hết những lời giải thích bằng thổ ngữ miền Sarăngtơ.
Dưới ánh sáng đèn, ông ta phát hiện ra những khuôn mặt chưa hề quen biết: hai người dân quê gầy gò, để tóc dài và các bà vợ, bìu díu chừng nửa tá con cháu nhếch nha nhếch nhác.
-Các người ở đâu ra vậy?
-Chúng tôi là tín đồ Tin lành ở xóm Xanh-Môritxờ.
-Thế các người làm gì ở đây?
-Thì đấy! Khi một người chạy về phía vách đá, chúng tôi cũng chạy. Và tệ hại hơn là sau đó chúng tôi tự nhủ: thì họ lên tàu mình cũng cùng lên tàu. Ông tưởng rằng chúng tôi thích rơi vào tay bọn lính long kỵ của Nhà Vua sao? Có khả năng chúng sẽ trút cơn bực bội lên chúng tôi…Nhất là khi chúng biết rằng mọi người đã buôn bán với bọn cướp. Và kết cục chúng tôi đã bỏ lại những gì ở phía sau? Cũng chả có gì nhiều. Vì chúng tôi đã bán cho họ đến con dê, con lợn cuối cùng…Thế thì sao nào?
-Chúng tôi cũng đã quá đủ những chuyện như thế rồi! – Ông Manigôn nói một cách giận dữ - Lại còn cả những cái miệng vô ích phải nuôi này.
-Ngay bây giờ, ông bạn thân mến ạ - Angiêlic nói – tôi xin lưu ý ông rằng không phải chỉ riêng ông mới phải chịu đâu nhé. Tuy không trực tiếp, nỗi lo ấy cũng liên quan đến những người dân quê này, những người mà ông còn mắc nợ món xúp bữa chiều, vì chắc chắn thiệt của một trong những con lợn của họ đã được dùng để nấu ra món ăn đấy.
- Nhưng rồi khi chúng ta đến đảo…
Ông mục sư Bôke liền can thiệp:
-Những người dân quê biết lật đất và chăn dắt súc vật không bao giờ là gánh nặng cho một trại di cư cả, xin hoan nghênh các bạn đến ở cùng chúng tôi.
Chuyện rắc rối chấm dứt và vòng người được mở ra để lấy chỗ cho những người dân quê khốn khổ kia.
Với mỗi người, cái buổi chiều đầu tiên trên con tàu xa lạ đang đưa họ đi tới định mệnh này, có một cái gì phi hiện thực. Mới hôm qua, người này giàu, người kia nghèo, họ đều còn ngủ trong nhà mình. Nỗi lo cho số phận tạm lắng dịu, vì ý định lên đường làm họ nguôi ngoai. Đành chịu sự hy sinh, họ tìm đủ mọi cách để đạt được tối đa sự an toàn và tiện lợi. Và bây giờ họ tự thấy mình vật vờ trong bóng tối đại dương, bị cắt đứt mọi liên hệ, hầu như vô danh, không khác gì linh hồn của những kẻ bị đày xuống địa ngục trong con thuyền Carông (1). Sự so sánh ấy xuất hiện trong đầu óc đám đàn ông, vì họ phần lớn đều có học, và chính vì thế, họ ngồi nhìn một cách buồn thảm món xúp sóng sánh nhẹ nhàng trong chậu, theo nhịp lắc của con tàu.
Cánh đàn bà đã có việc khác để làm, chẳng hơi đâu kề cà đi nhớ thơ Đăngtơ. Có chiếc chén của bà Care, họ lần lượt chuyền nhau cho lũ trẻ uống sữa. Công việc không phải không khó khăn, vì cùng lúc với bóng đêm buông xuống, tàu càng chao đảo mạnh. Lũ trẻ cười đùa vì được thấy nước bắn tung toé, trong khi các bà mẹ la mắng. Họ chẳng còn bao nhiêu quần áo để thay, và ở trên tàu thì giặt giũ vào đâu cơ chứ? Mỗi một khoảnh khắc trôi qua lại mang đến cho đoàn người sự xa cách và nỗi khổ đau. Trái tim các bà nội trợ rỉ máu vì nuối tiếc những đồ dùng đẹp đẽ và các bánh xà phòng bị bỏ lại trong nhà giặt. Cả những chiếc bàn chải đủ cỡ - mà không có bàn chải thì giặt thể nào được? Chỉ bà thợ làm bánh là mỉm cười, vì nhớ rằng mình có mang theo những thứ đó. Bà ta đưa cặp mắt hoan hỉ nhìn những người bên cạnh ỉu xìu xìu.
Angiêlic quay lại quỳ xuống cạnh ông Gabrien. Nàng thấy yên tâm về số phận Ônôrin. Con bè vừa tự xoay xở để múc lấy một trong những chén sữa đầu tiên, bây giờ lại đang sục tìm vài miếng thịt trong chậu xúp. Nó sẽ luôn luôn biết tự bảo vệ.
(1). Caron: Tên người lái đò trên sông Styx ở địa ngục, làm nhiệm vụ chở những linh hồn có tội bị đầy đoạ - Theo “Thần khúc” của Đante.