Dịch giả: Văn hòa - Nhất Anh
Chương 2

Toàn thể Whitehall đồng thanh nói rằng không bao giờ có một sự việc bắt đầu như thế này. Các vị bộ trưởng liên quan đến sự việc bừng bừng nổi giận. Các ngài cử một ủy ban điều tra tối mật để khám phá sự sai lầm sơ khởi, thu thập các lời khai, tìm ra tên những người liên hệ, bất kể người đó là ai, buộc tội, làm rõ những vùng bóng tối, ngăn chặn mọi sự tái phạm. Các ngài cử tôi làm chủ tịch ủy ban điều tra và trình lên các ngài một bản báo cáo. Những kết luận của ủy ban điều tra ấy sẽ được giữ bí mật.
Theo ngôn ngữ ít trau chuốt của Ned và các đồng sự của anh ta: “Tất cả bắt đầu bởi một sự ngu đần không thể tưởng tượng vào một ngày Chủ nhật đẹp trời, khoảng giữa 17 và 20 giờ rưỡi, một tên Nicholas P.Landau nào đó, một công dân và là người đóng thuế sòng phẳng, không có vết tích trong phiếu lý lịch tư pháp, mặc dù là gốc người Ba Lan, đến cửa bốn Bộ trong Whitehall - không ít hơn bốn Bộ -  và năn nỉ nhân viên bảo vệ cho hắn ta được tiếp xúc khẩn cấp với một sĩ quan tình báo Anh quốc. Hắn ta bị nhạo báng, chê cười, bị đẩy ra ngoài, thậm chí bị ngược đãi. Hai nhân viên bảo vệ của Bộ Quốc Phòng còn dùng cả vũ lực, chộp cổ áo véttông của hắn ta để tống ra ngoài, như lời của Landau đã khẳng định, nhưng theo lời khai của hai nhân viên bảo vệ trình bày với ủy ban điều tra thì họ đã giúp Landau tìm lối đi ra.”
Ủy ban hỏi:
- Nhưng vì sao các người lại đối xử với ông ấy như thế?
- Thưa quý vị, vì ông Landau từ chối không cho chúng tôi khám xét cái cặp da của ông ta xem trong có những gì. Đúng là ông ta có đề nghị giao cái cặp ấy cho chúng tôi giữ, với điều kiện là ông ta vẫn giữ chìa khóa. Nhưng như thế là trái với qui định. Và cũng quả thật ông ta có lắc lắc cái cặp trước mặt chúng tôi, đã bóp bóp nó, đã liệng nó lên cao và giật lại, rõ ràng là để chứng tỏ với chúng tôi là no không đựng vật gì nguy hiểm. Nhưng như thế cũng không đúng theo quy định. Và khi chúng tôi muốn ông ta giao cái cặp da ấy cho chúng tôi, ông ta đã kháng cự và bắt đầu la hét với giọng của người nước ngoài, làm huyên náo.
- Nhưng ông ta hét lên những gì? Ủy ban hỏi, bất bình với ý nghĩ là người ta lại có thể to tiếng lại Whitehall.
- Dạ, thưa quý vị trong ủy ban, ông ta la lối om sòm. Chúng tôi chỉ có thể hiểu được rằng ông ta bảo cái cặp da của ông ta đựng những tài liệu tối mật do một phụ nữ người Nga trao cho ông ta ở Matxcơva.
Ngay cả tại bộ ngoại giao, chỉ sau khi hết lời van nài, Landau mới tiếp xúc được với ngài Palmer Wellow.
Nếu Landau đã không dùng một chiến thuật mới, chắc chắn bao nhiêu lời lẽ của anh ta cũng vô ích. Nhưng lần này anh ta mở cặp da ra và để lên bàn để cho nhân viên bảo vệ trực nhật khám xét. Sau khi kiểm tra thấy màu nâu, người bảo vệ nói:
- Hãy trở lại vào ngày thứ Hai, khoảng giữa 10h và 17h.
Nói xong, người bảo vệ lui vào trong bót gác chỉ sáng mờ mờ.
Hàng rào cản hé mở. Landau liếc mắt nhìn quanh người bảo vệ, rồi đột ngột, anh ta chộp cái cặp da, vượt rào cản, co giò chạy băng qua cái sân vuông như một con sơn dương, và leo lên như bay các bậc cấp dẫn đến tiền sảnh uy nghi. Lần này anh ta gặp may mắn. Palmer Wellow thuộc cánh trung dung ở bộ Ngoại giao. Và chính hôm nay lại là phiên trực của ông. Ông bước xuống tầng cấp khi trông thấy Landau mặt đỏ rần, thở dốc, hai bên anh ta có hai cảnh binh oai vệ sẵn sàng đối phó nếu cần.
- Lạy Chúa! Ông đã tự đặt mình vào một tình thế rắc rối đấy, ông có biết không? Tôi là Wellow. Tôi là Thứ trưởng trực ở đây, ông vừa nói vừa đưa tay về phía Landau. - Tôi không muốn gặp một Thứ trưởng - Landau nói. - Tôi muốn gặp một sĩ quan cao cấp, chứ không muốn gặp ai khác.
- Nhưng Thứ trưởng cũng là một cấp khác cao - Palmer khẳng định với một giọng khiêm tốn - Xin ông đừng hiểu lầm danh từ.
Ủy ban điều tra chúng tôi phải thừa nhận rằng cho đến lúc này, tiết mục nhỏ của Palmer Wellow không chê được một chút nào. Ông ấy biết tỏ ra hài hước để đạt được hiệu quả, và không phạm một sơ suất nào. Ông dẫn Landau vào trong một phòng thẩm vấn, mời anh ta ngồi, và đối xử với anh ta một cách ân cần, bảo người tùy phái mời anh ta một tách nước trà đường và một cái bánh bích quy để giúp anh ta bình tĩnh trở lại. Dùng một cây bút máy đắt tiền do một người thân tặng, ông ghi tên và địa chỉ của Landau, cũng như của các hãng nơi anh ta đã làm việc, số giấy thông hành, năm và nơi sinh của anh ta: 1930, Varsovie. Ông giải thích là ông không biết gì về các vấn đề của cơ quan tình báo, nhưng cam kết sẽ giao các tài liệu của Landau cho “các nhà chức trách có thẩm quyền” và chắc chắn họ sẽ dành cho các tài liệu ấy sự chú ý đặc biệt. Và theo thỉnh cầu của Landau, ông viết một biên nhận trên một tờ giấy mỏng màu xanh của bộ Ngoại giao, ký tên và lệnh cho người tùy phái đi đóng dấu, ghi ngày giờ. Ông nói thêm, nếu các nhà chức trách cần những thông tin đầy đủ hơn, chắc chắn người ta sẽ liên lạc với anh, có thể đơn giản là bằng điện thoại.
Đến lúc ấy, Landau mới quyết định trao phong bì màu nâu và ba quyển sổ tay cho ông Thứ trưởng. Anh ta đau nhói trong tim khi nhìn bàn tay ông Palmer cầm các tài liệu ấy một cách thờ ơ.
Nhìn thấy cái tên ghi trên phong bì, Palmer hỏi:
- Vì sao ông không giao trực tiếp cho ông Scott Blair?
- Đó là những gì tôi đã cố làm, nhưng không làm được. Tôi đã có trình bày với ông Thứ trưởng rồi mà. Tôi đã gọi điện thoại khắp nơi, tôi đã gọi ba mươi sáu lần. Ông ta không có ở nhà, không có ở sở làm việc, không có ở câu lạc bộ, không có ở đâu cả - Landau phát cáu, quên cả văn phạm - Tôi gọi cả ở phi cảng. Vẫn biết, thứ Bảy khó gặp lắm.
- Hôm nay là Chủ Nhật, - Palmer cải chính và mỉm cười khoan dung.
- Thế thì hôm qua là thứ Bảy, không phải hay sao? Tôi gọi đến những người quen biết ông ta. Tôi tra niên giám điện thoại. Tìm thấy số điện thoại của một người tên là Archie Parr. Tôi gọi: “Archie, làm ơn cho tôi biết Barley hiện ở đâu? Tôi cần gọi điện thoại cho ông ta. Rất khẩn cấp”. Archie trả lời: “Ông ta đã trốn đi đâu biệt tích từ mấy tuần nay rồi. Niki, anh không biết là ông ta thường tạm lánh đi đâu đó một ít lâu như thế sao?”. Gọi đâu cũng không có kết quả. Tôi đâm ra nghĩ, hay là ông ta là một…
- Là một gì? - Palmer băn khoăn hỏi.
- Như Archie Parr đã nói đó. Scott Blair đã biến mất, phải không nào? Ông ta đã làm điều đó. Chắc chắn ông ta có những lý do để biến mất, những lý do mà ông Thứ trưởng không biết, vì ông không xem là mình phải biết. Có thể có những mạng người đang lâm nguy… và không phải chỉ có mạng của Scott Blair! Những tài liệu này là tối khẩn theo như thiếu phụ kia đã nói. Và tối mật. Thế thì ông hãy chuyển ngay các tài liệu này cho cơ quan tình báo, tôi van ông đấy, ông Thứ trưởng.
Tối hôm ấy, chẳng có bao nhiêu biến cố trên thế giới, ngoại trừ một cuộc khủng hoảng thuộc loại chán ngắt ở vùng Vịnh và một vụ xì căng đan tài chính ở Washington. Palmer đến dự một dạ hội tại Montpelier Square, do các cựu sinh viên đại học Cambridge đồng khóa với ông tổ chức. Họ là những người còn độc thân vui nhộn như ông.
Đêm đã khuya, khi chơi vài khúc nhạc của Chopin, vì liên tưởng, Palmer sực nhớ lại Landau. Ông ta bèn hỏi:
- Này các bạn, có ai trong các bạn biết một người tên là Scott Blair không? Không ai nhớ Scott Blair ở Cambridge sao?
- Ờ, tớ nhớ ra rồi -  một người bạn trả lời, - Vài năm trước chúng tớ ở Trinity College. Anh ta muốn sống bằng nghề chơi kèn saxo. Nhưng ông già của anh ta phản đối. Đúng, đúng, Barley Blair… Luôn luôn say sưa từ sáng sớm.
Wellow hỏi:
- Có phải là một tên gián điệp ghê gớm không?
- Người cha ấy à? Ông ta chết rồi.
- Đồ ngốc! Tớ hỏi về người con, Barley ấy?
- Tớ không biết Barley có phải là một tay gián điệp ghê gớm hay không - anh bạn học của Palmer từ hồi còn học ở Trinity College nói. - Nhưng tớ biết hắn là một kẻ không thành đạt vì thiếu tài năng và may mắn.
Palmer, mà bây giờ tính hiếu kỳ được kích thích, trở về căn hộ rộng thênh thang của mình tại Bộ Ngoại giao, lấy lại các quyển sổ tay và phong bì của Landau mà ông đã giao cho người tùy phái giữ. Kể từ lúc đó, cách hành động  của Palmer thật đáng chê trách; hay theo lời lẽ sống sượng của Ned và các đồng nghiệp của anh ta, trong bất cứ một nước văn minh nào, P.Wellow cũng đáng bị cột hai ngón tay cái lại với nhau và treo lên một trong các nhà cao hơn hết của thành phố để ông ta suy ngẫm về các hành vi sai trái của ông ta.
Thực tế suốt hai đêm và một ngày rưỡi, Palmer giải trí bằng cách đọc các quyển sổ tay mà ông ta thấy nội dung rất vui. Ông ta không mở cái phong bì màu nêu - trên đó Landau đã viết: “Tối mật. Người nhận: Ông Scott Blair, hay một vị chỉ huy cao cấp của cơ quan tình báo” - vì Palmer cũng như Landau, thuộc loại người cho việc đọc thư riêng của người khác là bất lịch sự. Nhưng quyển sổ tay thứ nhất biểu lộ một sự khinh khi đối với các nhà chính trị và quân sự, đầy dẫy những trích dẫn và những câu châm ngôn, ngạn ngữ phi lý đã mê hoặc ông ta.
Ông ta không thể nắm bắt được sự khẩn cấp của tình thế và trách nhiệm của ông ta. Ông ta là một nhà ngoại giao, chứ không phải là một “Người bạn” như người ta gọi các điệp viên. Theo Palmer, các “Người bạn” là một loại người hoàn toàn không có động lực trí thức. Nói thật, ông ta phàn nàn rằng chế độ cao quý của Bộ Ngoại giao mà ông ta là thành phần, càng lúc càng làm bình phong che chở của các “Người bạn”. Quả thật, Palmer là một người học rộng. Ông ta đã học tiếng Ả rập, đậu hạng ưu về lịch sử hiện đại, học tiếng Nga và tiếng Phạn, nhưng rất kém về môn toán, điều đó giải thích vì sao ông ta đã bỏ những trang nhạt nhẽo về các công thức đại số, các phương trình và các biểu đồ là phần cốt yếu của hai quyển sổ tay khác. Điều đó cũng giải thích vì sao Palmer quyết định không đếm xỉa gì đến Điều lệnh liên quan đến những người tự rời bỏ hàng ngũ và sự cung cấp những tin tức tình báo theo yêu cầu hay tự nguyện, và Palmer đã hành động theo ý thích của mình.
Giữ lại các tài liệu ấy để đọc từ tối Chủ nhật cho đến sáng thứ Ba, Palmer mới nghĩ rằng đã đến lúc phải nói chuyện với một bạn đồng nghiệp nào đó về các tài liệu quý giá mà ông đã thủ đắc. Thế là Palmer đã nói với một bạn đồng nghiệp ở bộ phân nghiên cứu:
- Này Tig, nhất thiết anh phải đọc các tài liệu này - Trong tất cả các lĩnh vực, ông ta đều có đưa ra những tương quan theo lối suy nghĩ hoàn toàn lệch lạc.
- Nhưng làm sao anh biết đó là một người đàn ông, Palms?
Người bạn đồng nghiệp của Palmer đọc quyển thứ nhất, quyển thứ hai, ngồi xuống và nghiên cứu rất lâu quyển thứ ba. Rồi trở lại quyển thứ hai để nghiên cứu các biểu đồ. Lúc đó, với kinh nghiệm nghề nghiệp, ông ta biết mình đang đứng trước một tình thế rất nghiêm trọng. Ông ta nói:
- Này Palms, ở vào địa vị của anh, tôi sẽ chuyển tất cả cho họ ngay lập tức.
Nhưng sau khi suy nghĩ, ông ta đã đích thân gọi điện thoại cho Ned theo đường dây trực tiếp và yêu cầu Ned đợi mình.
Hai ngày sau, hiệu lệnh sửa soạn cuộc chiến được ban ra. Bốn giờ sáng thứ Tư, đèn còn sáng ở tầng chót một ngôi nhà nhỏ bằng gạch ở khu phố Victoria, chi nhánh do Ned chọn, ở đó vừa chấm dứt trong sự kinh hoàng tập thể, cuộc họp đầu tiên của toán đặc nhiệm đảm trách chiến dịch, sau này được mệnh danh là “Chim Xanh”. Năm giờ sau đó, trong hai cuộc họp khác tại tổng hành dinh của cơ quan Tình báo ở một cái tháp mới trên Embankment, Ned lại ngồi sau bàn giấy của mình, bao quanh bởi những  chồng hồ sơ dày cộm, giống như những chướng ngại vật.
Ned nói với Brock, viên phụ tá tóc hoe của ông ta:
- Có thể Trời cũng không xâm nhập được, nhưng cách ông ta chọn các Joes của mình còn khó xâm nhập hơn!
Trong ẩn ngữ của nghề nghiệp, một Joe là một nguồn cung cấp thông tin, theo tiếng thông thường: Một điệp viên. Khi nói đến Joe, phải chăngd ám chỉ Landau? hay Katia? hay tác giả vô danh của các quyển sổ tay? Hay ông ta đã chỉ đích danh nhân vật còn trong bóng tối lờ mờ: nhà quý phái - điệp viên lớn của nước Anh là Bartholomew Scott Blair? Brock không biết điều đó và cũng không cần phải biết. Một tuần trôi qua trước khi Ned quyết định - không phải không có những sự thận trọng thường lệ - mời “ông già Palfrey đến cộng tác”. Đã từ lâu lắm rồi, tôi luôn luôn là cái “ông già Palfrey ” ấy.
- “Ông già Palfrey” ở đâu rồi? Hãy đi mời cái ông cử nhân luật ấy đến đây. Việc kia thuộc phần của Palfrey.
Vài hàng đủ để tôi tự giới thiệu. Không cần phải mất nhiều thì giờ. Tôi tên là Horatio Benedict de Palfrey. Nhưng trong cơ quan, người ta gọi tôi với cái ẩn danh Harry. Cố vấn pháp luật tại cơ quan tình báo.
 
°
 
Niki Landau được gọi đứng dưới lá cờ Anh quốc đúng bốn mươi tám tiếng đồng hồ sau khi các quyển sổ tay đáp xuống trên bàn giấy của Ned. Kể từ khi gặp bao nhiêu khó khăn vất vả ở Whitehall, Landau sinh bệnh vì tức giận và nhục nhã. Anh ta đã không đi làm việc trở lại và bỏ bê căn họ nhỏ của mình ở Golder Green, mà thường lệ anh ta chăm sóc dọn dẹp, yêu dấu như con người mình. Ngay cả Lydia cũng không thể kéo anh ta ra khỏi sự ưu sầu. Tôi đã vội vã xin phép Bộ Nội vụ được nghe lén đường dây điện thoại của anh ta. Và khi Lydia điện cho anh ta, chúng tôi nghe Landau trả lời từ chối không tiếp cô ta. Và khi cô ta xuất hiện nơi cửa nhà anh, các nhân viên tình báo của chúng tôi báo cáo rằng anh ta chỉ để Lydia vào nhà đủ thời gian để uống một tách trà, rồi tiễn cô ta ra ngay.
Các mật báo viên nghe Lydia buồn bã nói:
- Em không biết em đã làm điều gì sai trái, nhưng em xin lỗi anh.
Lydia vừa ra đến ngoài đường thì Ned gọi điện cho Landau:
- Alô, Niki Landau? - Giọng của Ned rất nghiêm nghị.
- Ông muốn gì? - Landau vặn lại.
- Tôi là Ned đây. Chúng ta có một người bạn chung, tôi tin như thế. Không cần phải nêu tên. Ông đã có nhã ý để lại bức thư cho ông ấy hôm kia. Sự việc không được rõ ràng, tôi phải thú thật điều đó. Còn có cả một gói đồ nữa.
Giọng nói của Ned hấp dẫn Landau ngay lập tức. Một giọng nói quả quyết, đầy uy quyền. Giọng nói của một quý ngài đàng hoàng, Harry ạ, chứ không phải một kẻ vô liêm sỉ.
- Vâng, đúng như thế - Landau bắt đầu.
Nhưng Ned đã nói chặn lại:
- Không cần đi vào chi tiết bằng điện thoại. Nhưng chúng ta cần gặp nhau để nói chuyện nhiều, và tôi thiết tưởng tôi phải cám ơn ông, càng sớm càng tốt. Khi nào ông rảnh?
- Khi nào ông muốn cũng được. - Landau đáp.
- Không bao giờ được để đến ngày mai… Bây giờ, ông có bằng lòng không?
- Ned, ý kiến của ông rất hay!
- Tôi cho xe đến đón ông ngay lập tức. Ông hãy ở nhà và đợi tiếng còi. Sẽ là một chiếc Rover màu xanh lục, biển số B. Tài xế tên là Sam. Nếu ông có chút nghi ngờ nào, hãy bảo anh ta xuất trình chứng minh thư. Và nếu như thế vẫn chưa đủ, thì hãy gọi số điện thoại ghê trên chứng minh thư ấy được chưa?
- Người bạn chung của chúng ta mạnh giỏi chứ? - Landau hỏi, nhưng Ned đã cúp máy.
Hai phút sau tiếng còi vang lên. Sự thật thì chiếc xe đã đợi nơi góc đường, Landau nghĩ trong lúc bước xuống cầu thang như đang đi trong một giấc mộng. Được rồi, ta đang ở trong tay những người nhà nghề, Landau thầm nghĩ. Anh ta được đưa đến một ngôi nhà nằm trong một ốc đảo vừa mới được sửa sang lại tại khu phố sang trọng Belgravia. Vào lúc hoàng hôn trắng lấp lánh như mời gọi Landau. Lâu đài của những quyền lực bí mật cai trị sự tồn tại của chúng ta. Ở cửa, một tấm bảng đồng láng bóng, đề chữ: “Cơ quan liên lạc với người nước ngoài”. Khi Landau bước chân lên các bậc cấp và bước vào nhà, một người mặc đồng phục liền đóng cửa lại. Landau thấy một người đàn ông bước tới để đón tiếp mình. Ông ta người dong dỏng cao, độ bốn mươi tuổi, nghiêm nghị và khỏe mạnh. Landau đánh giá cao cái bắt tay nhã nhặn nhưng cứng rắn, như cái bắt tay của một sĩ quan hải quân.
- Tuyệt vời, Niki! Mời vào.
Một giọng nói khả ái không phải khi nào cũng đi đôi với một khuôn mặt khả ái, nhưng Ned có cả hai cái đó. Đi theo ông ta đến cài bàn giấy hình bầu dục, Landau có cảm giác rằng con người này luôn luôn sẽ đứng về phía mình. Landau nhận thấy nhiều chi tiết nơi Ned làm cho anh ta có cảm tình ngay lập tức: cái vẻ duyên dáng và tế nhị, sự quả quyết bình tĩnh của một cấp chỉ huy. Anh cũng khám phá ra Ned biết nói nhiều thứ tiếng như chính anh. Nếu anh nêu ra một từ hay một từ ngữ bằng tiếng Nga, thì Ned lập tức tán thưởng bằng một nụ cười và đáp lại cũng bằng thứ tiếng ấy. Đó là một người thuộc phe chúng ta, Harry ạ. Nếu chúng ta biết được một điều bí mật nào, chúng ta phải thổ lộ với ông ấy, chứ không phải với cái tên hèn hạ kia ở Bộ Ngoại giao.
Cho đến khi  Landau bắt đầu nói, anh ta không nhận thức được anh cần tin cậy vào Ned đến mức nào. Hễ anh ta mở miệng ra, không còn gì có thể ngăn chặn anh ta lại nữa. Anh ta nghe chính chuyện của mình với sự ngạc nhiên, vì anh ta thuật lại chuyện Katia, các quyển sổ tay, vì sao anh ta đã giấu các tài liệu này, và anh đã giấu nó như thế nào. Anh cũng nói về cuộc đời của mình, về nỗi khó chịu do gốc gác Slave của mình gây nên, nói về lòng yêu nước Nga của mình và tình cảm của mình bị xâu xé giữa hai nền văn hóa. Tuy nhiên Ned không thúc đẩy, cũng không ngăn cản Landau. Ông ta là một thính giả bẩm sinh, biết im lặng lắng nghe. Ông ta chỉ ghi một cách rất tế nhị vài điều vào những tờ phiếu nhỏ, và chỉ ngắt lời Landau một cách hiếm hoi, để làm sáng tỏ một điểm chi tiết - thí dụ như lúc ở phi cảng Cheremetievo, khi Landau đi qua các ghisê mà không bị kiểm soát gì cả.
- Có phải tất cả những người trong đoàn của ông, ai cũng đi qua các ghisê một cách dễ dãi như ông không?
- Tất cả. Chỉ một cái hất đầu ra hiệu, và tất cả chúng tôi đều đi qua một cách tuyệt đối dễ dàng.
- Ông không cảm thấy một mình ông được biệt đãi sao?
- Về phương diện nào?
- Ông không có ấn tượng rằng sự đối xử ấy chỉ áp dụng cho một mình ông sao? Một lối đối xử đặc ân.
- Hoàn toàn không có. Họ đã lùa chúng tôi đi ngang qua như một đàn cừu, tôi muốn nói như một bầy cừu… Họ trả hộ chiếu lại cho chúng tôi và không đòi hỏi gì thêm nữa.
- Ông có để ý đến các đoàn người khác mà họ cũng cho đi qua mau như thế không?
- Người Nga có vẻ rất thoải mái. Có lẽ vì hôm đó là thứ Bảy, lại là mùa hè, hay có thể là vì có chính sách glasnost. Thỉnh thoảng họ có kéo vài hành khách đứng riêng ra, lục soát và để cho các hành khách khác đi qua. Thú thật tôi đã cảm thấy kỳ cục. Nếu tôi biết trước như thế này, thì tôi đã không nhọc công sắp đặt tất cả mọi sự đề phòng ấy.
- Ông không kỳ cục đâu. Ông đã hành động một cách tuyệt diệu. - Ned nói và ghi vài hàng vào phiếu, rồi hỏi thêm:
- Ở trong máy bay, ai ngồi hai bên ông, ông có nhớ không?
- Spilkey Morgan.
- Còn phía bên kia?
- Không ai cả. Tôi ngồi kế bên cửa sổ.
- Ông có nhớ số ghế ông ngồi không?
Landau nói ngay số ghế. Anh ta có thói quen lấy số ghế như nhau trong mỗi lần đi máy bay, nếu có thể được.
- Ông có nói chuyện với người ngồi bên cạnh không?
- Có. Nói rất nhiều.
- Về vấn đề gì?
- Ôi chao! Nhất là về vấn đề đàn bà. Đêm hôm trước, Spilkey xách hành lý đến Notting Hill ngủ với hai gái ăn sương - Ned mỉm cười thích thú.
- Ông có nói chuyện về các quyển sổ tay với Spilkey không? Vì lúc đó ông đã cảm thấy nhẹ nhõm rồi. Niki,… trong tình huống ấy… ông thổ lộ… đó là một điều tự nhiên.
- Ned. Điều đó không hề thoáng qua trong đầu óc của tôi. Tôi đã không tin cậy bất cứ ai. Tôi đã không thổ lộ và sẽ không bao giờ thổ lộ với bất cứ ai. Tôi tin cậy ông, bởi vì người bạn chung của chúng ta đã biến mất và vì ông là một nhà chức trách có thẩm quyền về việc này.
- Còn Lydia?
Sự đụng chạm đến danh dự của Landau làm cho anh ta tạm thời không còn khâm phục Ned nữa, và đồng thời cũng ngạc nhiên thấy Ned biết rất rõ đời tư của anh đến thế nào.
- Ned, những người đàn bà mà tôi có quan hệ, biết vài điều nhỏ nhặt về tôi, chuyện đó đúng, và chắc chắn họ tin rằng họ biết được nhiều hơn. Nhưng tôi không bao giờ cho họ biết được những điều bí mật của tôi.
Ned tiếp tục ghi chép. Và một cách nào đó, những cử động chính xác của cây bút máy của ông ta, cộng thêm sự khôn khéo của Ned sợ rằng Landau có thể phạm một sơ hở nào đó, càng khuyến khích Landau tỏ ra tò mò muốn tìm hiểu Ned nhiều hơn. Anh ta đã để ý thấy vẻ mặt điềm đạm và quả quyết của Ned có vẻ khựng lại khi anh ta nêu lên cái tên Barley.
- Quả thật Barley mạnh khỏe chứ, ông Ned? Chẳng có điều gì xảy đến với ông ta chứ?
Ned có vẻ như không nghe, và cầm lên một phiếu mới để ghi chép.
Landau hỏi tiếp:
- Tôi tin rằng Barley đã cầu cứu với Sứ quán, phải không? Một người nhà nghề như ông ta, không bao giờ nên chơi cờ giữa công chúng, nêu ông muốn biết ý kiến của tôi. Chính điều đó đã tố cáo ông ta.
Chỉ đến lúc ấy Ned mới ngẩng mặt lên hỏi các giấy má của ông ta, và Landau thấy vẻ mặt lạnh lùng của ông ta còn dễ sợ hơn cả những lời ông ta nói:
- Niki, ở đây không bao giờ người ta nêu đích danh ai. Ngay giữa chúng ta với nhau cũng thế. Lẽ tất nhiên ông không có lỗi, vì ông không biết điều đó. Nhưng đừng vi phạm nguyên tắc ấy lần nữa.
Rồi, chắc thấy hiệu quả gây nên bởi thái độ của mình, Ned đứng lên, đi lấy một chai rượu nho trắng Tây Ban Nha để trên một cái bàn gỗ nhỏ, rót hai ly đầy và đưa mời Landau một ly. Ông ta nói:
- Vâng, ông ấy vẫn mạnh khỏe.
Hai người lặng lẽ nâng cốc chúc sức khỏe người bạn chung, còn cái tên Barley thì Landau đã mười lần thề thầm trong lòng rằng sẽ không bao giờ nói ra nữa.
Ned tuyên bố:
- Chúng tôi không muốn ông tới Gdansk tuần sau. Chúng tôi đã cho lấy một giấy chứng nhận của bác sĩ, và lẽ tất nhiên chúng tôi sẽ tặng ông một số tiền bồi thường. Ông bị bệnh. Có thể bị ung thư. Từ nay ông sẽ không đi làm việc, đồng ý chứ?
- Tùy ý ông - Landau đáp.
 
Trước khi ra về, lẽ tất nhiên Landau phải ký tên vào một tờ cam kết theo đúng bản Điều lệ về sự giữ bí mật. Đó là một văn bản lời văn cầu kỳ với những danh từ pháp lý, cốt để gây ấn tượng với người ký tên vào tờ cam kết.
Sau đó Ned ngắt các micrô và camêra viđeô giấu kín mà tầng lầu thứ mười hai đã đòi hỏi. Cho đến lúc này, Ned đã hành động một mình, đó là đặc quyền của ông với tư cách là chỉ huy. Những người có nhiệm vụ tiếp xúc với các người khác, trước hết là với những người hoạt động đơn lẻ. Ngay cả ông già Palfrey kia, Ned cũng chưa gọi đến. Chưa…