Dịch giả: Văn hòa - Nhất Anh
Chương 7 (tt)

rằng mẹ ông ta nằm bệnh viện ở Novgorod vì leo thang hái táo bị ngã bất tỉnh. Khi tỉnh lại thì hai chân đã bị bó bột.
- Bây giờ bà đã khỏe chưa?
Người trung niên cho xe ngừng lại. Katia chợt trông thấy các cánh cửa song sắt. Mưa đã tạnh. Trời quang đãng.
- Này, - Người trung niên nói và đưa trả lại mấy tờ giấy bạc cho Katia.
- Để lần sau, đồng ý? Bà tên gì? Bà thích trái cây tươi, cà phê hay rượu Vodka?
- Ông hãy giữ hết số tiền ấy đi - Katia đáp và đẩy các tờ giấy bạc lại cho ông ta.
Bước vào bên trong cửa bệnh viện, Katia trông thấy những chiếc xe cứu thương đậu ở một góc và một nhóm tài xế và nhân viên y tế đang đứng hút thuốc, tán gẫu. Dưới chân họ, một người đàn bà bị thương nặng nằm sóng sượt trên một cái cáng.
“Ông ta đã hết sức ân cần với mình”, nàng lại nghĩ đến Barley.
Nàng vội vã đi tới tòa nhà màu xám cao sừng sững trước mặt. “Một bệnh viện do sáng kiến của Dante và do Franz Kafka xây dựng, nàng nhớ lại. Ở đây các nhân viên ăn cắp thuốc chữa bệnh mang ra chợ đen bán. Các y sĩ cũng luôn bán thuốc để nuôi gia đình. Một bệnh viện dành cho người nghèo”. Nàng vừa đi vừa suy nghĩ. Rồi nàng vượt qua các cánh cửa của bệnh viện với sự vững tin. Một người đàn bà léo nhéo chạy theo sau nàng, và Katia chìa cho bà ta một đồng rúp, thay vì chìa thẻ của nàng ra. Sau một cái bàn bằng cẩm thạch, những người đàn bà khác đang ngồi và chẳng ai để ý đến ai ngoại trừ chính họ. Một ông già mặc đồng phục ngồi trong một cái ghế bành, gà gật ngủ trước một cái tivi cũ. Katia đi theo một hành lang chật ních, vì có kê nhiều giường bệnh mà nàng không thấy có ở đó khi nàng đến đây lần trước. Có lẽ người ta đã dời họ ra đây để dành chỗ rộng rãi cho một người quan trọng nào đó? Một bác sĩ nội trú có vẻ mệt mỏi đang truyền máu cho một bà già. Không ai rên siết, không ai phàn nàn, không ai hỏi vì sao họ phải nằm ngoài hành lang. Katia đi tới phía một tấm bảng, trên đó có hai chữ “Cấp cứu”.
“Em phải có vẻ tự nhiên của một người quen thuộc nơi này”. Anh ta đã bày vẽ cho nàng như thế lần đầu tiên. Chiến thuật ấy tỏ ra rất hữu hiệu, và sẽ mãi mãi hữu hiệu.
Một cái phòng họp được cải tạo thành phòng đợi, có một cái bóng đèn mờ như đèn chong đêm. Trên bệ, một nữ y tá trưởng ngồi ngất ngưởng trước một hàng dài bệnh nhân đang xin nhập viện. Trong bóng tối lờ mờ của gian phòng, người bệnh rên siết, nói thì thầm hay dỗ dành con cái của họ. Trong không khí phảng phất mùi thuốc sát trùng, mùi rượu, mùi máu đông.
Nàng đợi mười phút. Một lần nữa nàng lại nghĩ đến Barley. “Nét nhìn thành thực và nồng nhiệt của ông ta, cái vẻ vừa can đảm và đồng thời tuyệt vọng của ông ta. Vì sao mình đã không cho ông ta biết số điện thoại riêng của mình? Bàn tay của ông ta trên cánh tay mình như thể luôn luôn còn ở chỗ đó. Ông ta đã nói: Vì bà mà tôi đến đây”. Nàng nhận ra cái ghế gãy gần bên cửa ở phía sau cùng, nơi đó có một cái bảng đề “Toa-lét”, nàng ngồi xuống đó và nhìn chung quanh mình. “Người ta có thể chết ở đó mà chẳng có ai them hỏi tên gì” - Yakov đã nói như thế. Đó là cái cửa phía sau của một cái buồng nhỏ của phòng cất áo mũ, rồi đến toa lét. Katia lẩm bẩm nhớ lại cái máy điện thoại để trong phòng ấy, nhưng chẳng aidùng, vì chẳng ai biết nó ở đấy. Một cách chính thức, người ta không thể gọi điện thoại trên đường dây trực tiếp, nhưng đường dây này đã được đặt cho một bác sĩ có quyền thế, để ông ta có thể liên lạc với thân chủ riêng và bồ của ông ta, cho đến ngày ông ta bị đi đày. Một anh chàng dốt nát, chẳng biết gì, đã để nó sau một cái cột trụ, nên không ai thấy, và nó luôn luôn vẫn có ở đó cho đến bây giờ.
“Nhưng làm sao anh biết được những chỗ như thế? Nàng đã hỏi anh ta. Cái lối vào ấy, cái xó ấy, cái chỗ điện thoại ấy, cái chỗ phải ngồi và chờ đợi… Làm sao anh biết được tất cả các điều ấy?”
“Tôi đi lang thang - anh ta trả lời, và nàng hình dung anh ta lang thang trong các con đường ở Matxcơva, không ngủ, không ăn và không có nàng, đi mãi không biết mệt - Tôi là một lãng tử, nay đây mai đó - anh đã nói với nàng như thế - Anh đi lang thang để làm bạn với tâm trí của anh, anh uống rượu để lẩn tránh nó. Khi anh đi lang thang, em ở bên cạnh anh, mặt em sát bên vai anh.”
“Cái máy điện thoại ấy là cái máy bảo đảm hơn hết - anh ta đã nói. Ngay cả các cơ quan mật vụ cũng không bao giờ nghĩ đến việc đặt máy nghe lén một máy điện thoại loại bỏ không dùng đến trong một phòng cấp cứu của bệnh viện”.
Nàng nhớ lại rằng anh ta thường nói về ý nghĩa của cái chết. Và nàng đã hỏi: “Vì sao anh luôn luôn tìm cách dạy cho em ý nghĩa của cái chết?” Và anh đã đáp: “Vì em đã dạy cho anh ý nghĩa của cuộc sống”.
Nàng nhớ lại lần chót nàng gặp anh ta ở Matxcơva. Nàng đã mượn căn hộ của Alexandra, bỏ trống vì hai vợ chồng cô ta đi Ukraine. Nàng mở cửa và đẩy anh ta vào trước. Sau khi khóa cửa lại, nàng nhào tới, níu chặt anh ta và kéo anh sát vào người nàng một cách vụng về và thô bạo để trừng phạt anh, vì anh đã bắt nàng phải chờ đợi biết bao nhiêu tháng, biết bao nhiêu đêm.
Còn anh ta thì sao? Anh ta ôm nàng trong vòng tay giống như bố nàng ôm nàng hồi xưa, đẩy nàng ra hơi xa một chút, hai vai anh thẳng băng. Khi đó nàng biết, đã qua rồi cái thời kỳ mà anh ta có thể chôn những điều khổ não của anh ta trong tấm thân đàn bà của nàng.
“Em là niềm tin duy nhất của anh - anh ta thì thầm và hôn nhẹ lên trán nàng - Katia, em hãy nghe anh nói, để anh nói với em những gì anh đã quyết định làm”.
Trong căn phòng nhỏ tối om, chỉ có một bóng đèn vỡ treo lòng thòng một cách vô ích trên trần nhà. Một cái quầy thật to bằng gỗ chắn ngang đường đi ra phòng để áo mũ, nàng cố xê dịch nó một chút, nhưng nó quá nặng và nàng phải chui qua ở phía dưới. Vào được bên trong, nàng thấy mình đang ở giữa cái giá để móc áo măng-tô, những khung tò vò và những cái mũ bỏ quên. Cái cột trụ cách đó một mét. Cái máy điện thoại vẫn ở chỗ cũ, phía sau cột trụ, nhưng nàng chỉ nhìn thấy nó một cách lờ mờ, ngay cả khi nàng đứng trước nó rồi. Nàng nhìn nó đăm đăm, hy vọng tiếng chuông reo lên. “Anh đang ở đâu? Nàng nhủ thầm - Ở Kazakhtan? Trong vùng trung lưu song Volga? Trong rặng núi Oural? Nàng biết anh đang thường lui tới các nơi ấy - Anh đang ở đâu, anh và cái tội tày đình của anh? - Nàng tự nhủ - Anh đang ở đâu? Anh và cái quyết định kinh khủng của anh?”
Bỗng, chuông điện thoại reo lên. Nàng cầm máy lên và nghe một giọng nói thật trầm:
- Alô, Piotr đây.
- Chào anh, Aléna đây - Nàng đáp.
Sau đó anh ta nói với Katia về tình hình công việc của anh ta. Ngoài ra không nói gì khác. Katia cho anh ta biết công việc của nàng vừa làm. Anh ta bảo: “Em hãy làm như thế. Ông ta đã nói như thế này. Anh đã nói như thế kia. Em hãy nói với ông ta rằng anh cảm ơn ông ta đã đến Matxcơva. Hãy nói với ông ta rằng hãy cư xử như người biết phải trái. Anh khỏe mạnh. Em có khỏe không?...”
Sau khi cúp máy, Katia trở lại phòng đợi và ngồi trên một chiếc ghế dài cùng với các người khác. Nàng biết rằng không có ai để ý đến nàng. Người đàn ông có nước da trắng bệch mặc áo bờ-lu-dông bằng da mà nàng đã thấy ngồi ở đầu kia của cái ghế ấy, vẫn còn ngồi nguyên ở chỗ cũ. Sau đó nàng lại nghĩ đến Barley, sung sướng biết rằng có một người như ông ta ở trên đời.
 
°
 
Barley mặc áo lót, nằm dài trên giường trong phòng khách sạn. Ông nhấp nhấp một chút rượu uýt-ky, rồi cố đọc sách với ánh sáng yếu ớt của cây đèn ngủ. Máy điện thoại để ở sát cùi chỏ của ông, và bên cạnh nó là quyển sổ tay nhỏ để ghi chép những điều cần thiết. Ông đọc một quyển sách của Marquez, những chữ trong  sách lởm chởm dưới mắt ông như dây kẽm gai. Buộc lòng ông phải ngừng đọc.
Ông nhớ lại đôi mắt của nàng. Đôi mắt ấy có thể nhìn thấy gì nơi ta? Một thứ đồ cổ, ông tự trả lời. Mặc bộ com lê thời đại của bố ta? Một diễn viên tồi. Nàng tìm kiếm ở ta một niềm tin sâu sắc, nhưng chỉ thấy sự suy đồi về đạo đức của những người Anh thuộc tầng lớp của thời đại ta. Nàng tìm kiếm sự bảo đảm cho một hy vọng tương lai, và chỉ thấy dấu vết của một thời đại đã qua rồi. Nàng tìm kiếm một sự giao hảo và chỉ thấy nơi ta nhãn hiệu “dành riêng”.
Dành riêng cho ai? Cho một ngày trọng đại? Cho một sự đam mê nào?
Ông cố hình dung tấm thân đàn bà của nàng nhưng lại tự nhủ: “Với một khuôn mặt như khuôn mặt của nàng, sao còn quan tâm đến thân hình của nàng?”
Ông uống một ngụm rượu. “Nàng là hiện thân của lòng can đảm… và hàng đống lo âu. Katia, nếu em là tất cả những điều đó, anh là người dành riêng cho em đây. Chỉ dành riêng cho một mình em thôi”.
Nếu…
Ông tự hỏi, ông cần phải biết những điều gì khác về nàng. Không có gì khác ngoài sự thật. Thời ông còn trẻ tuổi, ông đã lẫn lộn sắc đẹp và trí thông minh, nhưng rõ ràng Katia thông minh đến độ không thể có sự lẫn lộn được. Ông cũng đã từng lẫn lộn sắc đẹp và đạo đức. Nhưng từ Katia tỏa ra một vầng hào quang đạo đức rực rỡ đến độ không thể có sự lẫn lộn được.
Nếu…
Ông lại uống thêm một ly rượu đầy uýt-ky, và đột nhiên nhớ lại Andy. Andy chơi kèn nên bị chứng viêm tuyến giáp trạng, phải nhập viện. Khi người ta cho biết bệnh của anh cần giải phẫu để cắt bỏ tuyến giáp trạng, anh đã từ chối, muốn nhảy xuống sông rồi không bao giờ ngoi lên nữa. Barley và Andy đã cùng nhau uống rượu say sưa và dự định làm một chuyến du lịch đến Capri: ăn những bữa chót toàn những món thịnh soạn, uống một thùng rượu và nhào xuống biển Tyrrhénienne bơi mãi đến tận cõi hư vô. Nhưng khi tuyến giáp trạng của Andy hành hạ anh ta một cách thật sự, anh ta chợt thấy muốn sống hơn và đã đồng ý cho người ta giải phẫu. Thế là Andy luôn luôn còn sống, nhưng không còn biết sống để làm gì và cũng không còn biết cách nào để chết, đành phải tìm một ý nghĩa cho bản thân của anh ta mà thần chết không thể cướp đi được.
Rồi ông nghĩ đến Anthea, con gái của ông.
Ông nghĩ đến Hal, con trai của ông.
Nhưng rồi ông ý thức được rằng ông không thôi nghĩ đến Katia.
Có ai gõ cửa. Nàng đã đến với ta, trần truồng trong một cái áo ngủ mỏng manh. Barley yêu dấu của em, nàng thì thầm. Anh sẽ còn yêu em nữa không sau cái đêm này?
Không, nàng sẽ không bao giờ có cái loại hành động ấy. Nàng là một người đàn bà không ai sánh kịp. Nàng không phải sinh ra để làm những chuyện tầm thường đã biết bao lần lặp đi lặp lại ấy!
Nhưng đó là Wicklow.
Barley nói:
- Wicklow, hãy vào đi. Uống với tôi một ly?
Wicklow ngước mày lên, vui vẻ nói: “Nàng có gọi điện thoại không?”
Barley lắc đầu.
Wicklow tự rót cho mình một ly nước suối.
- Báo cáo ông, tôi đã đọc sơ qua những quyển sách mà họ đã nhượng bộ cho chúng ta với giá hạ - Wicklow với cái giọng mà cả anh ta và Barley đã đính ước với nhau để đề phòng các máy nghe lén - Tôi không biết ông có muốn tôi thuật lại vắn tắt cho ông nghe hay không.
- Wicklow, tôi sẵn sàng nghe anh báo cáo đây - Barley vừa nói vừa nằm dài lại trên giường, còn Wicklow thì kéo ghế ngồi.
- Vậy thì thưa ông, tôi xin trình bày với ông về một trong các quyển sách mà họ đã đề nghị với chúng ta. Đó là quyển hướng dẫn giữ gìn sức khỏe và sự an lạc bằng chế độ ăn uống căn cứ trên giá trị dinh dưỡng của thức ăn uống, và sự tập luyện thân thể theo phép dưỡng sinh. Nhưng trước hết tôi phải hỏi Youri đã.
- Thế thì ông hãy hỏi ông ta đi.
Một lát sau, Barley đã ngồi thẳng băng trên giường, máy điện thoại áp vào tai, còn Wicklow thì đứng sát bên ông. Nàng không nói tên nàng.
- Bà hãy đến gặp tôi - Barley đề nghị.
- Tôi lấy làm tiếc đã gọi cho ông quá trễ. Tôi có làm phiền ông không?
- Chắc chắn là bà có làm phiền tôi, vì tôi luôn luôn nghĩ đến bà. Tiệc trà ngon đấy chứ. Chỉ tiếc là nó không kéo dài lâu thêm nữa! Bây giờ bà đang ở đâu đấy?
- Hình như ông có mời tôi ăn tối vào ngày mai, phải không?
- Ăn sáng, ăn trưa, ăn tối tất cả những gì bà muốn - Barley đáp và xem quyển sổ tay mà  Wicklow đã đưa cho ông - Tôi sẽ cho xe đến đón bà ở đâu?
Ông ta ghi một địa chỉ vào sổ tay
- Luôn tiện bà cho tôi số điện thoại riêng của bà, để phòng trường hợp một trong hai chúng ta lạc đường.
Nàng cũng cho ông biết luôn, miễn cưỡng, vì đó là một điều trái nguyên tắc. Wicklow quan sát Barley trong lúc ông ghi vào sổ tay, rồi đi ra khỏi phòng để cho hai người nói chuyện với nhau.
Người ta có bao giờ có thể biết được, Barley đã suy tư, uống một ly uýt-ky đầy để cho tâm hồn bình tĩnh lại sau khi Katia cúp máy. Những người đàn bà đẹp, thông minh và có đạo đức, người ta không bao giờ có thể biết được một cách xác thực những gì họ nghĩ. Phải chăng nàng đã yêu ta, hay ta cũng chỉ là một người như bao nhiêu người khác?
Rồi bỗng nhiên ông đâm ra sợ hãi. Ông nhớ lại câu nói của Walter: “Cô ta đã bịa đặt ra tất cả các điều đó? Cô ta có thật sự tiếp xúc với lão ấy hay không? Hay với một người nào khác? Và người đó là ai?”.