NIỆM XỨ

Thuận Thiên năm thứ hai (1129). Mùa Xuân. Tháng Giêng. Ngày Thìn.
Vua cho mở hội khánh thành tám vạn bốn nghìn bảo tháp ở gác Thiên Phù.
Cách đây ba tháng, ngựa trạm đã phi suốt ngày đêm mang lệnh vua cấp báo các ngôi chùa trong nước truyền cho tất cả các sư sãi phải về kinh dự đại lễ. Chuẩn bị hàng trang, dặn dò chú tiểu đóng cửa cho chặt, tay nải khóac chéo vai, một tay cầm gậy trúc, các sư sãi lên đường về kinh. Các nẻo đường trong nước nhan nhản những vị sư khất thực gầy guộc trong chiếc áo vàng lấm bụi qua vai đi miên man. Đôi khi, người ta bắt gặp xác của một vị sư vô danh khô quắt dưới bóng cây, trên gương mặt vẫn ngưng đọng nụ cười mãn nguyện của người tin rằng mình đang lên đường tới cõi Phật.
Để có tám vạn bốn nghìn bảo tháp, triều đình đã huy động vô kể thợ gốm, thợ ngoã ròng rã cả năm trời trước đó để nặn ra những ngôi tháp cao chừng năm tấc, đem nung bằng lửa rơm và than củi trong những chiếc vò khum khum mà mọi kích thước đều do nhóm thợ cả đo đạc, tính toán cẩn thận… Khi ánh lửa tàn, các ngôi tháp xuất lò có màu đỏ như son. Những ngôi bảo tháp được đặt trên gác Thiên Phù khiến cả ngôi gác lộng lẫy, hắt bóng duyên dáng xuống dòng sông uốn lượn. Những nhà sư đến từ khắp mọi miền ngồi la liệt tụng kinh gõ mõ cầu cho sự thịnh vượng của nhà Phật, mừng thiên hạ thái bình, quân của triều đình bách chiến bách thắng, cầu chúc cho đức hoàng đế Thần Tông sống lâu muôn tuổi.
Kiệu vàng của Thần Tông đã đến gần chân gác Thiên Phù. Trong tiếng tiền hô hậu ủng của hàng ngàn quân hộ tống và đoàn tuỳ tùng, nhất loạt sư sãi cùng háo hức ngẩng đầu nhìn về phía đức vua. Thần Tông đã sang tuổi mười bốn. Gương mặt xanh xao với đường sống mũi thẳng như một lưỡi dao. Một vành ria mờ mờ hiện bao quanh môi mỏng luôn mím chặt. Đôi mắt ngài ngự nay hiền như mắt đàn bà. Và thỉnh thoảng đôi mắt đó lại thoắt rờn rờn lên như sóng nước.
Kiệu dừng. hai thị vệ đỡ hai tay ngài ngự xuống kiệu. Quan quân, dân chúng và tăng ni cúi rạp mình trong tiếng hô vang dội: "Đức hoàng đế vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế…!". Tim Thần Tông đập rộn. Tột đỉnh vinh hoa quyền lực là đây.
Cố nén niềm kiêu hãnh trong lòng, Thần Tông giơ tay, khẽ nói:
- Bình thân! Tại cuộc đại lễ này, ta ở dưới chân đức Phật và chỉ ngang hàng với chú tiểu nhỏ kia!
Nói rồi đức vua thong thả dạo bước giữa những hàng dài như vô tận các tăng ni phật tử đang ngồi xếp vòng tròn tay lần tràng hạt, tay gõ mõ, miệng tụng kinh. Chưa bao giờ lòng thành kính với đức Phật lại được bầy ra rờ rỡ như trong đại lễ này.
Thần Tông bước đi giữa miên man những màu áo cà sa. Miên mang tiếng gõ mõ đọc kinh rầm rì như biển sóng lúc nửa đêm khiến những trái tim cứng rắn nhất cũng trở nên mềm dịu. Thần Tông như được ai đó bỏ vào trong nôi và đu đưa vào giấc miên viễn.
Con đường nào tít tắp xa trước mặt chợt hiện? Mọc đầy đá tai mèo màu tím. Cái ánh sáng nhàn nhạt này không rõ của ngày hay của đêm. Mà văng vẳng tiếng lục lạc rung từ đầu tích trượng của tỳ kheo. Người đàn ông gầy guộc vai đeo tay nải, tay cầm bát gỗ khất thực trên đường thiên lý. Con đường không soi tỏ đi đâu về đâu. Thần Tông không thể cắt nghĩa nổi, tại sao con đường đó cứ bám chặt lấy tâm trí ngài.
Trong giấc mơ, bất kể ngày hay đêm, Thần Tông đều thấy hiện lên gương mặt của một thiếu nữ. Gương mặt nhạt nhoà. Chỉ thấy một đôi mày dài và có đuôi như lá. Không khóc mà dường như ấn nấp đâu đó trong khoé mắt là những giọt nước nặng trĩu. Đẹp và buồn miên man khiến trái tim yếu ớt của ngài thổn thức. Mỗi lần mơ thấy gương mặt ấy, Thần Tông đuổi theo. Gương mặt cứ chập chờn xa dần. Nếu có thi thoảng ngài đuổi kịp, thì gương mặt thiếu nữ ấy biến mất, lồng vào đó là một gương mặt có cái mõm nhọn, phủ một lớp lông tơ mượt mà.
Thần Tông thức dậy, thấy tràn ngập xung mình mùi ngọt nhàn nhạt, man mát như hương hoa lúa. Ngài chép miệng, cố nhớ lại xem đó là mùi gì. Không rõ. Chỉ biết đó là mùi khiến ngài khát. Khát lắm. Thái y đến để phân định xem mùi gì khiến đức vua đang nhớ, đang khát đến hành hạ thể xác. Tất cả các thứ mang mùi ngọt nhàn nhạt được mang đến. Không phải. Mãi về sau, khi nhũ mẫu mang đến một ít sữa đàn bà mới vắt, đựng trong bình ngọc, Đức vua nhìn thấy mới tỏ vẻ háo hức, nói: "Hình như ta nhớ thứ này". Rồi vồ lấy bình ngọc uống cạn. Sau đó đẩy bình ra: "Được. Nhưng chưa hẳn là thứ ta tìm kiếm. Nhưng từ nay, cứ đúng ngọ, hãy đem cho ta!".
Từ đó, cứ đúng ngọ, một bình sữa đàn bà mới vắt được đặt lên mâm ngự thiện. Bình sữa này được Thái y tuyển từ mười hai bình sữa của mười hai người đàn bà sinh con so khoẻ mạnh, mới được bứt ra khỏi trẻ sơ sinh, mang thẳng vào cung, ngày ngày được tẩm bổ sâm nhung quế phụ, chỉ để bữa vắt sữa vào bình ngọc đem dâng Vua.
Một lần, Đức vua đòi xem mặt những nô tỳ đã vắt sữa cho vua uống. Nhìn khắp lượt mười hai gương mặt, rồi Vua dừng lại ở một người đàn bà có đôi bầu vú nhỏ, nhọn hoắt, ở giữa hai bầu vú có ba sợi lông dài vàng óng, mắt tròn, mặt nhọn có nhiều lông tơ như mặt dã nhân. Vua đặt tay vào đôi vú, ve vuốt ba sợi lông vàng, nhìn lâu cái gương mặt đó, như nhìn ra cố nhân: "Từ nay, ta chỉ uống sữa của người này". Mười một người đàn bà khác được trả về nhà.
Mỗi ngày, người đàn bà mặt nhọn được chăm bẵm, tẩm bổ những món lợn sữa, trước giờ ngọ chừng ba khắc bắt đầu vén áo, ghé đầu vú vào miệng bình ngọc. Một dòng sữa trắng đục, hăng hơn sữa người thường phun thành từng tia xuống đáy bình. Vua uống sữa, đã cơn khát, khỏi ốm. Mỗi lần Thần Tông uống cái thứ sữa đựng trong bình ngọc, thì đThần Tông xé toạc luôn cái khăn đang quấn ngang người:
- Bị giam vào lãnh cung? Ai giam… Ta hỏi ngươi… kẻ nào cả gan giam nàng…?
Một lần nữa lồng ngực viên Thái giám thót lại. Làm sao dám tâu bày đó chính là truyền chỉ của Hoàng thượng! Ai có thể nghĩ rằng đến một nào đó như lúc này Hoàng thượng lại chợt nhớ, lại truyền chỉ đưa cung nữ tội nhân đó vào hầu hạ bên long sàng…
Nhưng thật may cho viên thái giám. Thần Tông đã bất chợt lăn mình trên đệm gấm, hai tay đập thình thình miệng la hét liên hồi:
- Mặc… Mặc các người…! Mang nàng đến cho ta…! Rồi các ngươi cút ngay đi cho khuất mắt ta…!
Tổng Thái giám lại dập đầu cúi lạy rồi lập cập lui ra.
Thần Tông chong chong nhìn ra ngoài, vật vã nóng lòng từng giờ từng khắc ngóng đợi tiếng trống bạc báo hiệu võng đưa Ngạn La tới…
Tổng Thái giám đã trở lại sau khi cắt đặt người đến lãnh cung đón cung nữ Ngạn La. Ngắm Đức vua nôn nóng như đứa trẻ nằng nặc đòi một thứ đồ, Viên Tổng Thái giám chợt nhớ đến cậu bé Dương Hoán cách đây mười hai năm.
°

*

Mùa thu, tháng Bẩy, ngày hai mươi nhăm. Hội Tường Đại Khánh năm thứ tám (1117). Vua Nhân Tông thẫn thờ ngấn lệ, quanh quẩn không rời bên gối Ỷ Lan Hoàng Thái hậu.
Thái hậu vừa băng.
Khi Thái hậu lâm trọng bệnh, gương mặt đẹp đẽ thường ngày của bà đã bắt đầu biết dạng. Bà nằm trên giường, thỉnh thoảng lại đứng phắt dậy, kêu rú, luôn miệng thét đuổi chuột, chân giẫy đành đạch, tay hoảng loạn đưa qua đưa lại quanh mình như cố sức vứt một vật gì ra khỏi da thịt. Những lúc như vậy, mặc các thị nữ lay gọi, Ỷ Lan Thái hậu không nhận ra bất kỳ ai, chỉ thỉnh thoảng khóc gọi tên Dương Thái hậu rồi nghiến răng kèn kẹt. Ba ngày nay, những cơn mê sảng mỗi lúc càng bấn loạn. Ngự y vào xem mạch, khoát tay lắc đầu thất vọng, nói vào tai Thái bảo Lý Trác: "Trong nội nhật thôi!". Vua Nhân Tông khóc nức, cùng tất cả các hoàng thân Sùng Hiền hầu, Thành Khánh hầu, Thành Quảng hầu, Thành Chiêu hầu, Thành Hưng hầu và các hoàng hậu, phu nhân, các trọng thần chầu chực bên giường. Khi đến, Thái hậu đã bằn bặt thiếp đi, hơi thở chỉ còn thoi thóp. Vua và các hầu cùng thị nữ cất tiếng khóc vang trời. Ở bên ngoài, hữu ty và các lễ quan bắt đầu tấp nập lo hậu sự.
Bỗng nhiên mi mắt Thái hậu giật nhẹ. Rồi bà chống tay ngồi dậy, vẻ khoẻ mạnh tỉnh táo hoàn toàn, như không có chuyện gì xảy ra. Nhân Tông và những người ngồi quanh reo lên mừng rỡ. Hoàng hậu và các thị nữ vội đỡ lưng. Thái hậu đưa đôi mắt thoắt trở lại tinh tường nhìn lướt khắp các khuôn mặt. Giọng nói của Thái hậu chợt lại vẫn uy nghi:
- Ta dặn các ngươi rồi… Thằng bé con đó đâu?
- Muôn tâu…!
- Mang nó lại đây cho ta…
- Muôn tâu…!
Nhân Tông ra hiệu. Thái bảo Lý Trác lật đật đến bên Sùng Hiền hầu phu nhân. Hai vợ chồng Sùng Hiền hầu vội vàng trở ra. Thị nữ chực sẵn lúc nào từ ngoài cửa, tay bế Dương Hoán mới chừng hai tuổi. Sùng Hiền hầu phu nhân hối hả như giằng lấy con, cùng chồng và Lý Trác bế đến bên giường Thái hậu. Khi vợ chồng Sùng Hiền hầu tới nơi, đã thấy bốn cậu con trai đẹp đẽ, khoẻ mạnh là con của các hầu, lớn hơn Dương Hoán. Nét mặt của tất cả mọi người đều căng thẳng, quyết liệt. Đức vua Nhân Tông thở dài buồn nản. Riêng hoàng hậu thì cứ nhìn những đứa bé trai mà tủi phận khóc rũ rượi sau lưng Thái hậu.
Vừa thấy Dương Hoán trong tay Sùng Hiền hầu phu nhân, mặt Thái hậu tươi lên. Bà đưa bàn tay khô khỏng chạm nhẹ lên vầng trán rộng, sáng ngời của đứa bé:
- Cái trán này, có thể giữ vững cơ nghiệp cho nhà Lý ta đây.
Tổng Thái giám nhớ, lúc trong rõ mặt đứa bé hai tuổi Dương Hoán, ông đã giật mình. Rất quen. Một gương mặt mà ông đã gặp. Dung mạo ấy khác thường, hơi ma quái, có sức sai khiến người. Gặp một lần không thể quên. Nhưng không thể gọi tên.
Thái hậu đột ngột ngẩng lên. Người nhìn như điểm mặt Nhân Tông, Hoàng hậu, vợ chồng Sùng Hiền hầu và tất cả mọi người đang đứng im phắc như nín thở quanh giường. Thái hậu im lặng hít một hơi dài rồi lại thong thả lên tiếng:
- Các ngươi hãy nghe ta… Thằng bé này mới hơn hai tuổi đã thông minh đĩnh ngộ, dung mạo chẳng phải thường… Cả đời ta không tiếc công sức để gìn giữ ngôi báu. Xã tắc luôn cần có người tài để cai trị. Đức vua hiện nay bạc phận không con nối dõi. Trước đây ta đã truyền đem con trai của các hầu vào nuôi dưỡng trong cung, chọn lấy đứa tài nhất. Xem ra Dương Hoán dù mới hai tuổi nhưng là đứa nổi trội hơn cả. Khác hẳn người thường. Sau khi ta chết, hãy lập thằng bé này làm Thái tử, sau này lên nối ngôi trị vì thiên hạ, duy trì ngàn đời triều đại nhà Lý ta…!
Chung quanh lặng ắng đi sau lời phán truyền của Thái hậu. Vẻ thất vọng thoáng chút căm tức hiện lên trên khuôn mặt của các hoàng thân và phu nhân.
Chờ đợi giây lát, Thái hậu cố ngẩng đầu lên nhìn lại chung quanh, gằn giọng hỏi lại:
- Các người… có nghe rõ lời ta… truyền… không?
Chỉ có đức vua và vợ chồng Sùng Hiền hầu cùng Thái bảo Lý Trác vội vã đáp:
- Dạ bẩm Thái hậu… Hoàng nhi và các triều thần đều nghe rõ rồi ạ…!
- Được…!
Thái hậu buông tay. Những lời nói vừa rồi đã làm Thái hậu kiệt sức, bà nhắm mắt ngả lưng tựa vào tay hai cung nữ đỡ phía sau để thở. Nhưng đôi mắt của Thái hậu vẫn hé mở. Bà ưỡn người nhìn quanh như để đắn đo. Ánh mắt dừng lại trên mặt quan Nội chi hậu quản giáp Lý Sơn. Thái hậu đưa ngón tay làm hiệu vẫy tiểu thư con Lý Sơn lại gần. Cô bé sáu tuổi từ nãy đến giờ nép bên tay mẹ nhìn Thái hậu, giờ sợ hãi chồn chân trụ lại. Nhưng người mẹ đã ý tứ nhẹ nhàng đẩy con lên với nỗi hồi hộp cuồn cuộn như sóng trong lòng. Cô bé đến bên giường. Thái hậu lặng lẽ nhìn cô bé giây lát rồi run rẩy chạm vào bàn tay bụ bẫm của cô bé. Cố sức lắm Thái hậu mới đưa được bàn tay đó đặt vào bàn tay Dương Hoán:
- Các ngươi hãy nghe… Một mai đứa nhỏ lên ngôi báu thì cử hành ngay lễ nạp hậu đón con bé này vào cai quản nội cung… Phải làm tức thì việc này… Cái hoạ trống ngôi thái tử, trống ngôi hoàng hậu, gây cảnh nồi da nấu thịt, hẳn các ngươi chẳng lạ gì…!
Tiếng dạ ran lên xung quanh. Không ai có gan nói thêm được lời nào về những định liệu của Thái hậu. Sùng Hiền hầu là huynh đệ với Đức đương kim hoàng thượng. Nội chi hậu quản giáp Lý Sơn là người hoàng tộc trong tay nắm giữ hầu hết binh mã của triều đình. Nhưng điều quan trọng hơn nữa là phu nhân Đỗ Thị vợ Sùng Hiền hầu và phu nhân Nguyễn Thị vợ Lý Sơn đều thuộc dòng họ nội, ngoại của Thái hậu và được Thái hậu đưa vào cung gây dựng cho từ khi người được đức Thánh Tông ban ân sủng…
Nói rồi, Thái hậu bỗng đổ sập xuống gối. Bà thở hắt, đầu ngật ra sau, mắt trợn ngược. Thái hậu băng.
Nhân Tông đặt bàn tay vuốt mắt mẹ. Vuốt ba lần, mắt vẫn mở trừng trừng. Đến khi ngài ra lệnh cho Thái bảo Lý Trác đuổi hết mọi người ra ngoài. Chỉ còn một mình với thi hài Thái hậu, ngài khóc rưng rức, khấn tên Dương Thái hậu. Khấn lần thứ nhất, mắt vẫn không khép. Nhân Tông quì xuống khấn lần thứ hai, thi hài Ỷ Lan Thái hậu giật mạnh, gần như chồm dậy. Khấn lần thứ ba, thi hài từ từ nằm xuống, không vuốt mà mắt tự khép lại. Nhân Tông ngửa đầu khóc ba lần: "Chẳng lẽ có đức Phật thật sao?", và bước ra ngoài. Hữu ty và lễ quan đã răm rắp sắp đặt hậu sự. Thái hậu được dâng tên thuỵ là Phù Thánh Linh Nhân Hoàng Thái Hậu.
Vua Nhân Tông buồn đau khôn xiết, nhất nhất làm theo lời mẹ, ngay cả việc hoả táng thi hài và đem chôn sống ba người thị nữ đã tận tuỵ hầu hạ Thái hậu hết sức chu toàn. Một của Linh Nhân táng ở Thọ Lăng phủ Thiêm Đức. Xung quanh ngôi mộ lộng lẫy đào ba chiếc huyệt. Ba thị nữ được xốc nách dìu tới, đẩy xuống huyệt. Trong tiếng khóc nghẹn xé ruột của những người bị cưỡng phải lìa bỏ xuộc sống, mộ đoàn tăng ni tay lần tràng hạt, tay cầm phướn đi rắc nước thiêng xuống mộ và rưới lên đầu những người bị chôn sống. Trong lúc đó, những tảng đất được lấp dần đến bàn chân, đầu gối, bụng và cổ kẻ xấu số. Khi đất lấp đến cằm, những người xấu số không thể chửi rủa được nữa, miệng chỉ còn ngớp ngớp như cá mắc cạn và đôi mắt muốn nứt tròng để lộ vẻ căm hờn. Để hoàn tất công việc, người ta bỏ vào miệng mỗi người một đồng tiền rồi lấp kín đầu. Lúc đó, những người đứng gần đấy vẫn thấy ngôi mộ sống giẫy lên rùng rùng và tiếng ằng ặc vọng lên một cách yếu ớt từ dưới đất.
Thái giám vẫn nhớ, sau khi Thái hậu mất, giông bão trong triều nội khởi phát. Các hoàng thân đều hậm hực ngăn cản việc lập Dương Hoán làm Thái tử, lấy cớ rằng cậu bé ốm yêu, trông không giống người thường, lại còn quá trứng nước. Đức hoàng thượng đã cao tuổi, chẳng may có mệnh hệ nào thì vua còn nhỏ như vậy làm sao có thể cai trị thiên hạ, giữ bền xã tắc? Các quan trong triều người phò Dương Hoán, kẻ kết bè với các hoàng thân.
Cậu bé hai tuổi Dương Hoán đã được đưa vào cung nuôi dạy cùng con trai các vương hầu khác. Có lần cung nữ chuyên hầu hạ nâng giấc cho Dương Hoán đang lúc nửa đêm bỗng hét ầm lên khiếp sợ. Thái giám, thị vệ hốt hoảng chạy tới. Cảnh tượng kinh hoàng trước mắt: Một con rắn lục màu xanh lẹt đang quấn quanh cổ Dương Hoán, vươn cổ định mỏ vào thái dương. Dương Hoán vẫn ngủ say. Cung nữ thì đang run lẩy bẩy trong góc phòng, khiếp đảm muốn ngất. Thái giám thị vệ cuống cuồng không biết bằng cách nào bảo toàn tính mạng cho cậu bé.
Cái lưỡi nhọn ghê tởm của con rắn độc hạ thấp sát thái dương cậu bé. Vòng cuốn quanh cổ cậu bé lỏng dần, để chỗ cho cái cổ lấy đà vươn cao chực mổ xuống. Đám thị vệ đứng lặng vì bất lực. Thị nữ ngất xỉu đi.
Bỗng Dương Hoán mở mắt. Bàn tay cậu bé đưa lên, đặt vào đúng mõm con rắn xanh. Đám thị vệ thét lên một tiếng kinh hoàng, nhắm mắt lại.
Đến khi mọi người chung quanh mở mắt, thì thấy Dương Hoán đang chơi đùa với rắn. Con rắn lục với nọc độc khủng khiếp giờ đây đã nằm ngoan ngoãn trong lòng bàn tay hồng hồng nhỏ xíu!
Tổng Thái giám nhớ, lúc ấy mắt Dương Hoán ánh lên vẻ gì đó rất khác lạ. Lần thứ hai, ông lại tự vỗ đầu mình, cố nhớ lại xem cái diện mạo này đã gặp ở chốn nào.
Đức Nhân Tông giao cho Tam pháp ty điều tra vụ con rắn lục nhưng không sao ra manh mối. Dẫu vậy, nhiều kẻ tâm phúc trong gia đình hoàng thân quyền cao chức trọng ở triều đình đã biến mất khỏi kinh thành.
Ba tháng sau khi Thái hậu mất, mùa đông, tháng Mười, vua Nhân Tông lệnh cho quần thần văn võ ngự đến hành cung Khải Thụy xem gặt và cày ruộng tịch điền. Hữu ty lập trước ở đây một đàn tế Thần nông. Lễ dâng lên Thần nông một mâm xôi trắng, một thủ lợn to, bốn chân giò… Đám thợ gặt chờ sẵn trên ruộng tung hô vạn tuế. Những lượm lúa nặng trĩu hạt đầu tiên được dâng lên ngài ngự. Vua nâng cao lượm lúa trĩu hạt vàng, khấn lạy bốn phương tám hướng tạ ơn trời phật. Lượm lúa truyền qua tay các hoàng thân quốc thích, bá quan văn võ đại thần. Cuối cùng, lượm lúa đến tay quan Trung thư thị lang để chuyển cho đám nông phu chờ sẵn bên cối giã. Đám nông phu kính cẩn tuốt từng hạt lúa, giã kỹ thành gạo trắng bong để nấu nồi cơm cúng đặt lên bàn thờ Thần Nông. Lát nữa, tàn một tuần hương, các quan Thái bốc, chiêm tinh sẽ hạ mâm cơm gạo mới xuống để nhìn móng chân giò lợn mà đoán trước vụ mùa sắp tới được, mất…
Dùng xong bữa cơm đạm bạc dọn ngay trên bờ ruộng với các lão nông, vua Nhân Tông cởi áo bào, khoác lên người bộ áo tơi nón lá. Giữa khoảnh ruộng phẳng, một chiếc lưỡi cày sáng choang, tay cày buộc khăn lụa đỏ và con trâu cộ đôi sừng cong vút đang chờ Hoàng thượng. Theo lệ đặt ra từ đời tiên hoàng Thái Tông, đức vua đi cày cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, và nêu gương cho nông phu trăm họ.
Năm nay, khác với mọi năm, Đức vua mở đường cày cắt ngang ruộng rộng rồi bất chợt họ trâu, cắm cày dừng lại giữa luống, phất tay lệnh cho Thái bảo Lý Trác. Lý Trác bước lên bậc cao của hành cung, cung kính nâng tờ chiếu viết trên vuông lụa màu vàng, cao giọng đọc:
- "… Trẫm nay cai trị muôn dân mà lâu không có con nối, ngôi báu của thiên hạ biết truyền cho ai? Vậy nên trẫm nuôi các con trai của Sùng Hiện, Thành Khánh, Thành Quảng, Thành Chiêu, Thành Hưng để chọn người nào giỏi thì lập làm Thái tử. Khi Thái hậu băng, người đã có di chiếu, Dương Hoán được lập làm Thái tử. Nhưng do trong triều còn có nhiều kẻ không phục, nói Dương Hoán còn trứng nước. Trẫm thật đau lòng khi vì một ngôi Thái tử mà có thể dẫn tới chuyện không hay trong cốt nhục. Vậy nay, thể lòng các hầu, nay nhân lễ tịch điền, ta trao việc chọn lựa Hoàng Thái tử vào tay Trời, Phật…!".
Đám nội giám lễ mễ bê ra năm chiếc tráp lớn đặt trước mặt năm cậu con trai của các chức hầu. Mở tráp, bầy ra la liệt trước mặt các cậu bé: cung kiếm đao thương, lụa là gấm vóc, nghiên bút kinh sách… cho chí đến những vật dụng thường ngày như son phấn gương lược, rượu chè, kẹo bánh, hoa quả…
Các hoàng thân quốc thích văn võ đại thần đều hồi hộp. Mọi người hiểu rằng Hoàng thượng đang dùng thuật "sở nguyện" (để con trẻ tự lựa chọn đồ chơi theo ý thích mà đoán được ý nguyện, tương lai của đứa trẻ sau này) để xét nết, chọn người trao ngôi báu.
Mấy cậu quý tử chẳng đợi lời cha mẹ, lập tức sà vào đống đồ vật rực rỡ trước mặt. Đứa nhặt bạc vàng. Đứa cầm cung kiếm. Đứa bới hoa quả vải vóc… trong sự hồi họp lo lắng đến nghẹn thở của các bậc cha mẹ đứng vây quanh.
Riêng chú bé Dương Hoán cứ dửng dưng trước đống phẩm vật ngổn ngang trước mặt. Mặc vợ chồng Sùng Hiền hầu vỗ tay dậm chân thúc giục. Chú bé cứ ngồi nguyên vậy một lát, như tâm trí non nớt còn để mãi tận đâu đâu. Đến lúc chiếc trống nhỏ trong tay quan Thái bảo sắp dóng lên một hồi chín tiếng báo thời gian đã hết, đức Hoàng thượng cùng các quan đại thần xem xét sở nguyện của mỗi đứa trẻ mà quyết định ngôi vị Thái tử về ai… thì cậu bé Dương Hoán bỗng chống tay đứng dậy. Cậu chẳng nhìn ai, chẳng nói chẳng cười, cứ thế lẫm chẫm lần tường bước đi theo đường cày của đức Nhân Tông vừa mở. Loạng choạng vấp ngã. Lại chống tay đứng dậy. Mãi đến khi đến được gần đức vua, cậu bé mới một lần nữa cúi xuống, bàn tay nhỏ bé nhặt lên một hòn đất, toét miệng cười, và giơ tay cầm hòn đất về phía Hoàng thượng như để khoe, rồi đưa lên miệng.
Mọi người ngơ ngác. Còn vợ chồng Sùng Hiền hầu thì mặt xanh mày xám chỉ chực chạy tới bế xốc con lên để tránh được cơn thịnh nộ của đức Hoàng thượng về tội bất kính của thằng bé.
Nhưng nhìn kìa, từ phía đàn tế Trời, Phật, các quan Thái bốc đã lật đật bước tới quỳ thụp xuống trước mặt Hoàng thượng:
- Bẩm tâu Bệ hạ… Được vàng bạc châu báu, cung kiếm gươm đao… thì dễ… Được đất mới là triệu được nước… Nhờ phúc ấm của các đấng Tiên hòang, phúc ấm của Thái hậu, giang sơn nhà Lý ta có ngôi vị Thái tử rồi…!
Nhân Tông buông cày, đứng giữa luống đất vỡ dở cất tiếng cười ha hả.
Chạy theo hầu bên Hoàng đế, lúc đó viên Tổng Thái giám chợt nhìn vào mắt Dương Hoán. Một niềm thoả mãn tột cùng, của một người có quãng đời từng trải, bỗng hiện lên ràng rõ trong mắt cậu bé. Khiến cậu bé hai tuổi bất chợt già hẳn đi như một người dàn dạn sương gió, thấm đẫm tham vọng trong cõi đời. Thái giám giật thót người. Nhưng tĩnh khi trí nhìn lại, thấy Dương Hoán chỉ là cậu bé hai tuổi với cái miệng bê bết đất.
Đêm đó, từ khu ruộng tịch điền Khải Thụy nhìn lên, vòm trời xanh đen sâu thẳm. Mặt trăng có hai quầng.
°

*

Được nuôi dưỡng từ nhỏ trong cung cấm, hơn mười năm trời sống trong cái không khí âm âm tranh tối tranh sáng và những tiếng thì thầm to nhỏ nếu không là chuyện dâm bôn khơi gợi thì cũng là sự mỉa mai dèm pha lẫn nhau của đám cung nữ nịnh hót ăn không ngồi rồi và lũ nội giám mặt trắng béo phị, Thái tử Dương Hoán không lạ lẫm gì với những chuyện mây mưa chăn gối. Đám nội giám bất lương còn thay nhau bày vẽ ra những việc nam nữ gợi sự tò mò ham thích để lấy lòng Thái tử hòng mưu sự ân sủng sau này. Chưa kể, trước mặt Thái tử là đấng Phụ hoàng tuổi đã cập kề sáu mươi mà chung quanh vẫn nào hậu, nào phi với hàng chục hàng trăm cung tần mỹ nữ ngày đêm khêu gợi.
"Tum… tum…" tiếng trống bạc theo võng từ xa vẳng tới.
Trước viên Tổng Thái giám, cặp mắt lộ quang sáng chói của Thần Tông luôn bút rứt. Từ khi là Thái tử Dương Hoán đến lúc trở thành đức vua Thần Tông, cậu bé mười ba tuổi có thể thoả thích ngụp lặn trong dòng hoan lạc mà không bị ai ngăn cấm. Và ngoài hậu, phi và các phu nhân có biết bao nhiêu vưu vật ngoan ngoãn khác được kiệu được võng nối nhau dẫn đến trước long sàng này dâng hiến thoả mãn cơn khát của vị vua niên thiếu. Nhưng kỳ lạ, càng uống lại càng thấy khát. Và giữa những cơn khát bỏng rẫy nối nhau hành hạ trong tâm thần và thể xác của Thần Tông, có lúc ngài lờ mờ, nôn nao nhớ lại một điều gì không rõ…
Thần Tông hoàng đế nhỏm người dậy. Trái với lệ thường vẫn chờ cho tiếng trống nối tiếp dồn dập báo võng đến gần, võng qua cửa, võng đến dâng hiến trước long sàng, lần này Thần Tông hấp tấp xỏ chân vào đôi hài thêu chim phượng mà cung nữ vừa vội quì xuống đặt vào đôi chân bé nhỏ trắng lạnh của đức vua. Chợt ngài như trông thấy ngọn lửa đỏ rừng rực toả khói đen lên vòm trời Na Ngạn hơn hai tháng trước cùng lẫn với tiếng sóng nước, tiếng giông bão gầm gào suốt trên dải sống Gâm dài dặc trong một ngày đầu hè hơn bốn mươi năm trước.
Võng đã tới trước long sàng. Tiếng trống ngừng bặt.
Ngạn La được dìu ra khỏi võng.
Thần Tông kêu thảng thốt. Mắt dán chặt vào Ngạn La.
Tổng Thái giám cũng không thể ghìm nỗi tiếng kêu thán phục. Đang đứng trước long sàng kia, không rõ là người hay nữ thần Lạc Thuỷ? Phảng phất vẻ mèo hoang.
Giấc mơ viên của Thần Tông tiếp nối, trong khi chân vẫn đưa ngài qua những dòng sư sãi đang cúi đầu tụng kinh gõ mõ.
Chợt một tiếng mõ lạc lõng, rơi ra ngoài giàn đại hợp của muôn ngàn tiếng mõ đnag râm ran trong buổi lễ, rót thẳng vào tai Thần Tông. Tiếng mõ đó đứng riêng một sắc, lúc trầm đục như thúc tức vỡ ngực, lúc trong trẻo như tiếng hạc bay, lúc như khóc như than, lúc rủ rỉ như ru êm. Có một sức trì níu ma quái nào đó kéo đôi chân ngài vô tình lựa giữa ngàn ngạt những tăng ni để hướng về phía tiếng mõ.
Thần Tông đưa mắt tìm kiếm.
Ngài chạy giữa hàng hàng lớp lớp những bóng áo cà sa để nửa vai trần, đầu trọc, đang ngồi xếp bằng theo thế liên hoa, đang nao nức tụng kinh. Ngài cuống quýt tìm nơi phát ra tiếng mõ.
Thần Tông chạy ra xa tít. Đám cận thần và lũ thị vệ áo bào vướng víu, võ phục nặng nề khó khăn lắm mới kịp theo bước chân ngài ngự. Khi họ dừng lại, thấy đức vua đứng sững trước một người bé nhỏ.
Đó là một sư bà ngồi ở cuối dẫy cuối cùng. Cái đầu trọc cúi xuống. Những sợi tóc mọc thóang điểm lấp lánh như bạc hắt ánh sáng lên gương mặt chăm chú đang hết sức căng thẳng của Thần Tông. Dáng cúi đầu thật yêu kiều. Cái bàn tay lần tràng hạt thon mềm. Chỉ nhìn cũng biết chúng mát như lụa. Bàn tay phải quấn quýt lấy chiếc dùi mõ và bàn tay đó như run rẩy gõ lên từng chuỗi âm thanh như hờn khóc. Đôi hàng mi nặng trĩu rủ xuống trông như ngủ. Dường như người gõ mõ đang cử động chiếc dùi trong một cơn mê, với trái tim đang run lên nối nhịp với chiếc mõ vô tri.
Thần Tông không bước nổi. Nặng như ngàn cân đeo đầu mũi chân. Ngài dính chặt xuống mảnh đất trước sư bà.
Thần Tông đứng rất lâu, mồ hôi nhỏ giọt ướt cả mặt đất mặc dù có hai tiểu thái giám cầm quạt phe phẩy hai bên.
Tiếng mõ khiến tim ngài đau nhói. Cơn đau tim này không bao giờ có trong lồng ngực của một đứa trẻ mười bốn. Thần Tông cảm thấy như mình đã sống qua nhiều kiếp, oải mình vì bể dâu.
Một người đàn ông từng trải đang hiện diện trong ngài, ngắm nhìn người đàn bà đầu trọc lạ lẫm lạc lõng với khung cảnh đô hội và trước tám vạn bốn nghìn bảo tháp đang đỏ rực toả sáng.
Dường như không Phật, không trời, không vua, không trần gian trong cái hàng mi nặng trĩu sập xuống như then khoá kia.
Và ngài háo hức muốn được nhìn tận mặt. Được nhìn vào đôi mắt ẩn sau hàng mi khép như ngủ kia. Nhưng những tiếng rộn rịch của đám tiền hô hậu ủng nãy giờ đã kịp đến tề tựu xung quanh vua trước mặt, sư bà vẫn không ngẩng đầu, vẫn như chìm vào một giấc ngủ say đắm từ thuở hồng hoang.
Hàng trăm đôi mắt đổ dồn vào chỗ đức vua và sư bà. Mọi người chưa bao giờ thấy sự lạ như vậy. Bởi dẫu là sư bà hay ai đi nữa thì khi đức vua có biệt nhãn, người đó buộc phải giữ lễ, phải ngưng tụng kinh, phải quì mọp xuống, chắp hai tay xưng tụng đức vua. Khi đức vua cho phép bình thân thì mới được quay lại việc tụng kinh gõ mõ.
Viên thị vệ theo hầu vua nổi giận thét:
- Sư bà chùa Trầm… Ngài ngự giáng lâm… sao sư bà không mau mau quì lạy?
Sư bà vẫn không ngẩng mặt.
Viên thị vệ rút soạt kiếm ra khỏi vỏ. Mũi kiếm lách dưới cằm sư bà:
- Mụ này hỗn xược! Thất lễ! Muốn ta đưa mụ đi đường tắt lên Niết bàn phải không?
Viên thị vệ tay giữ kiếm không rời khỏi cổ sư bà, mắt nhìn Thần Tông chờ đợi. Nếu nhà vua gật đầu, hoặc chỉ cần nhìn lảng sang chỗ khác, lưỡi kiếm sắc như nước lập tức sẽ đưa ngang, cái cổ mảnh mai sẽ đứt lìa và máu của sư bà sẽ phun lên làm đỏ thêm những ngọn tháp.
Nhưng Thần Tông lại không hề tức giận. Ngài hạ giọng như thì thầm:
- Sư bà! Người hãy cho ta nhìn mặt.
Lúc đó sư bà chùa Trầm mới như sực tỉnh khỏi giấc ngủ, vụt ngẩng đầu lên.
Đôi mắt lập tức chiếu rực vào mắt Thần Tông.
Đôi mắt dài như lá, không khóc mà sũng lệ khiến cho đôi hàng mi không phải là bờ bến mà chỉ như những cánh cửa khép mở đưa người ta đến một cõi phiêu bồng xa thẳm.
Đôi màu khói lam ủ dột như chau. Đôi mắt ấy hắt cái ánh sáng kỳ lạ khiến ngài ngự rùng mình và trái tim như tuột rơi đâu mất. Mùi da thịt thơm ngát như mùi sen chớm nở thoảng lên khiến Thần Tông sững sờ. Vẻ quyến rũ vô tình của sư bà khiến cho người ta quên mất hai nếp nhăn khắc khổ đã hằn vết bên khoé miệng tuyệt đẹp. Thần Tông bất giác tự hỏi: "Sư bà bao nhiêu tuổi nhỉ? Hai mươi. Năm mươi… Hay đã thiên thu…?".
Tên thị vệ cũng ngẩn người nhìn, thẫn thờ buông kiếm.
Lưỡi kiếm tuột từ cổ xuống, đậu hững hờ trên vai sư bà.
- Đức hoàng đế vạn tuế…!
Sư bà khẽ nói trong miệng, giọng buông thõng và đôi hàng mi lại đổ sóng soài như cố che giấu điều gì. Đôi bàn tay như lụa lần tràng hạt. Tiếng mõ lại đều đều vang lên. Nhưng không giấu được sự run rẩy.
Thần Tông bỗng cảm thấy như say sóng.
Dáng vẻ lạ lẫm và mùi hương thoảng lên từ da thịt của người đàn bà luống tuổi đã tự giam mình trong cửa Phật lâu ngày khiến ngài cứ thấy da diết nhớ. Đang đứng trước mặt bà mà lại nhớ. Dường như cái giấc mơ cố hữu đang trở lại.
Có phải các gương mặt thiếu nữ mà ngài rượt đuổi mỗi đêm? Nhưng đây lại là một sư bà luống tuổi! Không rõ nhớ gì. Nhưng thổn thức và trống vắng mà cồn cào lo sợ. Sợ giây phút cái hình ảnh đang hiển hiện trước mặt kia bỗng chốc sẽ tan biến vào thinh không như một ảo giác.
Thần Tông bỗng hạ giọng, như nài nỉ:
- Sư bà động Trầm, người có thể về trông nom việc tụng kinh niệm Phật trong nội cung ta được ch
  • ĐÊM NGUYÊN TIÊU
  • CÔNG ĐƯỜNG
  • ĐẠI ĐĂNG KHOA
  • CỬU TRÙNG
  • TIẾNG GỌI
  • TIỂU ĐĂNG KHOA
  • NGƯỢC THÁC OÁN
  • RU CÁ BƠN
  • LÃNH CUNG
  • LONG SÀNG
  • NIỆM XỨ
  • ĐOẠ XỨ
  • ---~~~mucluc~~~--- ---~~~cungtacgia~~~---
    !!!9606_11.htm!!!ng?
    Sư bà vẫn không ngẩng đầu.
    Thần Tông lại khẩn khoản:
    - Nội cung của ta đang cần một người như sư bà để giáo hoá Phật đạo cho các cung nữ.
    Lời từ chối bật ra từ lồng ngực rung động:
    - Kẻ tu hành xin cảm tạ đặc ân của Đức hoàng đế. Kẻ tu hành này đã quen uống nước suối ăn mầm cây trong động Trầm. Không quen với các nghi lễ quí phái chốn kinh thành…
    Thần Tông ngạc nhiên, thoáng sợ:
    - Ngươi từ chối ư? Đó là niềm mong ước của cả ngàn tăng ni…
    Sư bà vụt nhìn lên, chói chang mắt Thần Tông:
    - Đức hoàng đế bỏ qua cho kẻ tu hành này… Lễ sắp tàn. Xin hoàng đế gia ân cho kẻ tu hành này được trở về động Trầm.
    Thần Tông lại thêm một lần nài nỉ khiến mọi người chung quanh lại thêm sửng sốt:
    - Thôi được… sư bà sẽ về chùa Trầm. Nhưng trước khi sư bà trở về, ta muốn lưu sư bà lại một tuần trăng để cùng đàm đạo đôi điều về Phật pháp…
    Thần Tông hấp tấp phất tay áo trở gót không kịp để sư bà từ chối. Khi vua vừa quay mình, từ đôi mắt sóng sánh của sư bà hai dòng lệ trào ra, nối nhau chảy xuống theo những nếp nhăn khắc khổ trên miệng và chảy vào đầu lưỡi, đầy vị mặn.
    "Nghiệp chướng!"
    Hai tiếng nấc khẽ trong khoé miệng của sư bà.

    Truyện Giàn Thiêu ---~~~cungtacgia~~~---

    14 Tác phẩm

    --!!tach_noi_dung!!--

    Đánh máy: HuyTran
    Nguồn: HuyTran
    Được bạn: Ct.Ly đưa lên
    vào ngày: 14 tháng 9 năm 2007

    --!!tach_noi_dung!!-- --!!tach_noi_dung!!-- --!!tach_noi_dung!!--