Dịch giả: Nguyễn Hữu Lương
Hồi 92
LIỆT DIỆM QUÁN: NƠI CHỨA GÁI CỦA CÀN LONG

Gia Quân vương cùng bọn đại thần văn chương thân cận hằng ngày luyện tập thi thư, cử chỉ có bề văn nhã, tính tình lại đàng hoàng ngay thẳng. Nhưng từ khi qua chơi miếu Lạt ma về rồi, vương bỗng nảy sinh lòng tà dục, khiến tâm hồn trong trắng vốn có tiêu tan tức thì. Giữa lúc mọi người đang bận bịu về cuộc lễ chúc thọ và không ai để ý tới, chẳng hiểu tại sao vương quen biết một cô tiểu thư, con một vị Chương Kinh họ Hầu người Hán. Thế là hai người mật ước với nhau, thì thụt lại qua. Về sau viên Chương Kính biết chuyện, bèn ngầm đưa con gái vào phủ vương gia.
Gia Quân vương dấu kín nàng trong phủ để ngày đêm mua vui tìm thú. Người trong phủ đều gọi nàng là Hầu Giai thi. Về sau, khi đã lấy nàng Hỉ Tháp Lạp rồi, vương phong cho nàng làm Oanh tần.
Hồi đó, còn có một cô gái người Hán nữa được tuyển vào cung tên gọi Lưu Giai thị cũng được phong làm Thanh phi, thêm một cô nữa họ Nữu Cô Lộc cũng được phong làm quý phi. Những việc này đều là việc về sau.
Ngày lễ vạn thọ của Càn Long hoàng đế đã tới. Ngài chịu lễ cận hạ (lễ lạy mừng) của nội, ngoại thần công trong vườn Vạn Thọ viên. Mấy hôm lễ, trong hành cung Nhiệt Hà người ta thấy treo trên ngọn cây hay đầu nhà, không biết cơ man nào đèn lồng chữ Thọ. Vườn Vạn Thọ cũng mở rộng năm đường lớn Đường chính giữa là đường của vương, công tôn thất. Đường thứ nhất về phía trái, đó là đường dành cho các thân vương, bối lặc Mãn, Mông: Đường thứ nhì, đó là đường của bọn phiên thần hai bộ lạc Hồi Chuẩn và Quách Nhĩ Khách đất Tây Tạng.
Đường thứ nhất về phía trái đặc biệt dành cho sứ thần các nước Tây dương Anh, Pháp, Nga, Hà Lan. Còn đường thứ nhì là đường các quốc vương Nhật Bản, Triều Tiên, Miến Điện.
Tất cả đều phân ngôi chia thứ, ngồi hàng dọc hai bên trái phải lô nhô, chẳng khác gì những mỏm đá trên ngọn Thiên Bình sơn, kẻ nào kẻ nấy lặng lẽ âm thầm. Cả một khu vườn trống thế mà bỗng biến thành một rừng người, xa trông thấy đen kịt. Bọn sứ thần Anh, Pháp vốn chẳng chịu quỳ lạy nhưng chỉ vì muốn thông thương với Trung Quốc nên cũng phải miễn cưỡng làm theo bọn đại thần.
Càn Long hoàng đế thấy vậy, trong lòng khoái trá lắm. Ngài truyền lệnh ban yến và cho xem hát ngay tại trong vườn. Cuộc vui kéo dài mãi ba hôm, sau đó mới cáo từ ai về chỗ nấy.
Ít hôm sau, Càn Long hoàng đế bỗng nghĩ ra một trò chơi mới. Nguyên lai như sau, Càn Long hoàng đế vốn một tay ham chơi, hiếu sắc. Bởi vậy khi đến Nhiệt Hà, dù đã kén thêm đã khá nhiều phi tử rồi mà vẫn chưa đã thèm đối với ngài.
Trong số phi tử mới tuyển, phải kể hai nàng Khách Thích Bí và Tháp Cố Phi là được sủng ái hơn hết. Nhưng khi nhìn thấy bọn Phiên vương của các bộ lạc đem vợ con theo đều là những trang tuyệt thế giai nhân, phục sức lại có vẻ phong lưu tình tứ hơn người, hơn nữa còn có thêm bọn gái phương Tây da dẻ trắng toát, phong độ lạ lẫm, thì chẳng hiểu tại sao ngài đâm ra chán ngấy bọn phi tần mỹ nữ của mình. Thế là ngài ngắm bảo Hoà Khôn đưa tin ra nói hoàng đế Trung Quốc nhận lụa, ngọc, đàn bà của người Tây phương dâng, nay ngọc, lụa đã có, chỉ còn thiếu gái. Bởi thế, ngài cần chọn vài cô gái ngoại phiên tại hành cụng đế sớm hôm hầu hạ và truyền đạt cho ngài nghe những phong tục lạ kỳ nơi quốc ngoại.
Hoà Khôn nhận được chỉ ý ấy, sung sướng như điên. Khôn tức tốc về trướng phủ, họp bọn mạc hữu thân tín lại để bàn tính. Bọn mạc hữu bèn dâng kế; một mặt phái người đi tứ xứ tuyển chọn gái đẹp ngoại phiên, một mặt xây cất ngay một toà nhà gọi Liệt Diệm quán bên trong hành cung.
Nửa năm sau, quản xây cất xong thì người từ khắp nơi cũng đã đưa về đủ số. Hôm đó, Càn Long hoàng đế cho triệu bọn gái đẹp vào bệ kiến tại Như Y châu. Như Y châu vốn là nơi mưa vui của hoàng đế với bọn phi tần. Tại nơi này có một nhà gương bốn mặt, một tấm thân soi vào gương tức khắc hoá thành mấy chục tấm thân nhìn rõ mồn một ở khắp bốn phía.
Hoàng đế truyền lệnh cho các cô gái vào bệ kiến trước bửu toạ, quan sát rất kỹ lưỡng. Cứ mỗi lần đưa một cô vào bệ kiến là một lần mụ quản sự trong cung phải bước tới, cởi bỏ hết quần áo của cô ta, sờ sẫm kiểm soát cẩn thận khắp người rồi mới cho vào gần ngự toạ. Lại còn có bọn bảo mẫu chỉ bảo cách thức quỳ lạy. Bọn gái đẹp có cô tô son điểm phấn rực rỡ, có cô lại trang điểm nhã nhặn. Đây là lần đầu họ được gặp thiên nhan nên có vẻ vừa sợ vừa thẹn.
Hoàng đế tươi cười vui vẻ, thân mật hỏi chuyện từng cô cô nào không hiểu tiếng, tức thì thông sự nữ qua đứng bên cạnh dịch lại ngay. Khi thấy cô nào vừa ý, Ngài liền giơ tay ra ôm lấy, kéo lại gần mình rồi ngắm nghía từ mặt cho đến tay đến chân. Trong bọn gái này, Nhật Bản có một cô tuyệt trần tên gọi là Thiên Đại Tử. Ấn Độ có một cô cao dong dỏng, hết sức hoạt bát. Tây Dương có một cô da trắng mịn màng, người trẻ như măng ai nhìn thấy cũng phải động tình.
Đêm đó, Càn Long hoàng đế cho giữ ba cô này lại Như Y châu, rồi liền bảy ngày đêm chẳng thả ra. Sau đó, một đạo thánh chỉ hạ xuống, phong cô gái Tây Dương làm đệ nhất phi của Liệt Diệm quán, cô gái Thiên Đại Tử làm đệ nhị và cô gái Ấn Độ làm đệ tam phi. Xếp đặt xong cho ba cố gái tuyệt sắc này rồi, hoàng đế mới đi khắp Liệt Diệm quán để lâm hạnh cho bằng hết những nàng mỹ nữ còn lại.
Liệt Diệm quán còn gọi là Ngư Đài hành cung quán, gồm có mười mấy toà nhà, cứ mỗi toà đặt một mỹ nhân. Ngay tại giữa xây một toà nhà lớn gọi là Thưởng Diệm hành cung. Hằng ngày, hoàng đế ngự trong hành cung này, rồi cho gọi người đẹp lần lượt lâm hạnh.
Trong số mỹ nữ, có vài cô không quen, xấu hổ quá, lặng lẽ trốn ra sau viện thắt cổ chết. Viên quản sự thái giám tâu hoàng đế rõ rồi khiêng xác ra ngoài vườn sau chôn đi. Cũng có khi cao hứng, hoàng đế bèn tự thân tới nhà từng cô để thưởng ngoạn. Cách trang hoàng ở đây đều bắt chước theo cách trang hoàng nơi quê hương bản quán từng nàng. Cũng có lúc người đẹp mớ ước một món ăn hoặc một vật dụng nào đó của quê hương mình, tức thì Hoà Khôn cho bọn dịch tố, dù xa xôi ngàn dặm, đi kiếm mua cho bằng được đem về.
Càn Long hoàng đế khoái nhất là tới nhà đệ nhị phi tử. Toà nhà băng gỗ, có cửa sổ giấy sạch sẽ như lau như ly, không một chút bụi bặm. Bước chân vào là đã thấy giường. Khi vào nhà, ngài cởi giày rồi nằm ngay ra giường, ôm lấy Thiên Đại Tử mà vui vẻ.
Về sau, đệ nhất phi biết được chuyện này, trong lòng ghen tức lắm. Nàng bèn rình lúc hoàng đế không có mặt, chạy sang nắm đầu Thiên Đại Tử đánh lộn một trận nên thân. Hai ngòi lửa giận lên tới cùng độ, vật nhau ở trên giường y như hai con thú. Bọn cung nữ vội chạy đi cấp báo. Hoàng đế đích thân chạy tới, quát bảo thôi, rồi nắm tay đệ nhất phi kéo về nhà riêng của nàng.
Toà nhà của đệ nhất phi trang trí theo kiểu Tây Dương. Nàng đích thân làm bếp nấu món ăn dâng lên hoàng đế, quả có một hương vị đặc biệt. Hoàng đế ở lại đây luôn một hơi ba ngày ba đêm. Qua đêm thứ ba, giữa lúc đang yên giấc bên cạnh người đẹp, bỗng Thiên Đại Phi tay cầm một con đao nhọn nhảy vào. Nàng Tây Dương phi chưa ngủ, vội đưa tay ra gạt đỡ. Không ngờ con "Đông dương thích đao" nhọn sắc có tiếng, đã chém đứt mất cánh tay phải của Tây Dương Phi.
Càn Long hoàng đế thấy vậy cả kinh thất sắc. Bọn nội thị chạy tới bắt ngay Thiên Đại Phi. Hoàng đế giận lắm, quát bảo thị vệ đẩy ra ngoài cung chém vắt ngang hông chết.
Việc này chẳng mấy chốc vang động khắp cung vi, nàng Xuân A Phi biết chuyện, vội tới bệ kiến hoàng đế, khuyên ngài:
- Bọn mỹ nhân vốn người Tứ Di, tính tình man rợ chưa thuần… Hoàng thượng là thân vạn thặng cần phải bảo trọng, chớ có quá ư lưu luyến khiến xảy ra tai hoạ phi thường.
Càn Long hoàng đế nghe lời khuyên này có tình có nghĩa ngài thấy Xuân A Phi, bất giác nhớ lại mối tình xưa, bèn lại về cung của nàng để lâm hạnh. Từ đó, đối với Liệt Diệm quán, Ngài có vẻ nhạt tình đi nhiều lắm.
Hồi đó, trời đã tàn đông. Qua mùa xuân sang năm có hai việc lớn xảy ra, Ngài không thể không quay về kinh.
Việc thử nhất là là Quân Vương làm lễ Đại hôn. Trước khi làm lễ cưới chính thức, Vương đã lấy vài nàng phi rồi.
Vương vốn là một vị hoàng tử được hoàng đế cưng chiều nhất. Bởi vậy, ngài đặc thưởng cho Vương một toà Quận Vương Phủ. Bên trong phủ, nhà cửa phòng buồng hết sức rộng lớn, trần thiết đẹp đẽ.
Ngày lễ Đại hôn đã tới đây là ngày náo nhiệt vui nhộn nhất. Nàng Hỉ Tháp Lạp xinh đẹp tuyệt trần, nên hai vợ chồng tình nghĩa mười phần khăng khít.
Năm đó có lễ Đại hôn của Gia Quân vương nên hội chợ trong cung được phép kéo dài mãi tới tháng ba, Càn Long hoàng đế hằng ngày đưa cô con dâu mới cùng mấy phi tần sủng ái ra phố du ngoạn.
Lúc này Hoà Hiếu Cố Luân công chúa đã mười sáu tuổi.
Hoàng đế cưng quý nàng hết sức nên cũng cho nàng đi theo, ngày ngày dạo chơi ngoài phố buôn bán. Công chúa là người rất hoạt bát, nói năng lại lanh lẹn. Hoàng thượng thường giữ nàng lại, cha con trò chuyện cười vui với nhau.
Lúc đó Hoà Khôn cũng có mặt. Mới đầu Công chúa nhìn thấy Khôn, không khỏi e lệ mắc cỡ. Càn Long bảo nàng bái kiến nhạc gia. Từ đó về sau mỗi khi công chúa thấy Hoà Khôn nàng đều thưa là ông gia. Khôn cũng hay nán lại để trò chuyện cười vui với cô con dâu tương lai của mình.
Có một hôm, Hoàng đế dắt tay công chúa đi dạo phố, Hoà Khôn cũng có mặt bên cạnh. Nàng liếc nhìn thấy trong tiệm có treo một chiếc áo choàng lớn màu hồng rất đẹp. Nàng thích lắm, nói nhỏ với cha. Nhưng hoàng đế cười, bảo nên hỏi ông gia của nàng. Hoà Nhân nghe nói, vội chạy vào tiệm, bỏ luôn hai mươi sáu lạng bạc để mua áo rồi tự tay mình cầm khoác lên vai cho công chúa.
Hôm đó, công chúa ăn mặc kiểu con trai. Thêm chiếc áo choàng dài vào, nàng càng tỏ ra xinh đẹp lạ thường. Mặt nàng đầy đặn như trăng rằm mùa thu rực sáng, môi nàng hồng hồng chẳng kém gì những cặp môi tô son thắm. Càn Long hoàng đế cười nói:
- Phò mã của mày đẹp chẳng khác gì đứa con gái. Còn mày lại giống hệt như con trai!
Công chúa nghe nói, mắc cỡ quá cúi gầm mặt xuống, và im lặng chẳng nói lời nào. Hoàng đế lại cười nói:
- Hà! Hà! Hôm nay tại sao con chim oanh lại thôi hót rồi?
Công chúa nghe đoạn, giấu môi nguýt một cái, vội quay mình bỏ chạy đi nơi khác mất hút…
HẾT TẬP 1

Truyện Thanh Cung Mười Ba Triều Tập 1 - Hồi 1 .
Càn Long xem tờ sớ tỏ ý do dự. Văn võ bá quan, anh nào lại chả muốn nhân cơ hội này mà lấy lòng hoàng đế. Bởi thế tất cả đều hùa theo Hoà Khôn tâu xin hoàng đế cử hành lễ Khánh chúc đại điển và giao cho các văn học đại thần soạn sách kỷ yếu ghi công.
Sau đó Hoà Khôn còn dâng lên một tờ sớ nữa, ca ngợi Hoàng thượng từ khi lên ngôi tới nay có mười chiến công.
Mười chiến công ấy đều là do cơ trí xếp đặt của Hoàng thượng, ân uy đều dùng, do đó nên giao cho Hàn lâm viện đem mười chiến công ấy ghi chép kỹ lưỡng và rõ ràng. Mặt khác mong trăm quan văn võ cùng dâng tôn hiệu gọi là "Thập Toàn Đại Đế".
Thế là một đạo thánh chỉ hạ xuống, giao việc ghi công đó cho Hoà Khôn và Kỷ Văn Đạt chủ trì, truyền cho Hàn lâm viện tại Nam Thư trại trình bày ghi chép cấn thận, nhưng không được quá phô trương, còn việc tôn hiệu thì khỏi bàn tới.
Tiếp được thánh chỉ, bọn văn học đại thần này vội bắt tay vào việc. Đích thân Càn Long hoàng đế cũng thường tới Nam Thư trại để xem xét. Nhóm Nam Thư trại lấy Kỷ Hiểu Phong làm đầu. Phàm những việc ra vào ngồi đứng của hoàng đế thảy đều do Phong phục vụ cả.
Qua đến mùa hạ, khí trời nóng bức, bộ "Kỷ công thư" cần phải được hoàn thành. Tính Phong vốn sợ nóng, song phải trông coi việc biên soạn nên đành chịu, hằng ngày đều phải tới Nam Thư trại để đôn đốc.
Trời về chiều. Phong biết lúc này hoàng đế sẽ không ra xem nữa, nên ông leo lên giường cao ngồi ngất ngưởng, cởi bỏ cả áo lót, để mình trần trùng tục rồi cầm chiếc quạt lớn quạt lấy quạt để, miệng thì gào:
- Nóng quá! Trời! Nóng quá!
Có một hôm, ông cởi bỏ hết áo lót, quấn tóc quanh đỉnh đầu, ngồi ngất ngưởng trên giường. Bỗng nghe từ bên ngoài có tiếng kêu la, biết ngay là hoàng đế tới. Bọn Hàn lâm vội vàng đứng cúi đầu im phăng phắc. Duy chỉ có ông đang ở trần, không biết trốn nấp vào đâu, đành chui tọt vào gầm giường, im hơi lặng tiếng trong đó.
Một chuỗi tiếng giầy bước ngang qua. Ông nghe tiếng hoàng đế nói chuyện với Hoà Khôn rồi Hoà Khôn ca tụng những chiến công của hoàng đế. Ông cũng nghe hoàng đế dặn là khi soạn xong bộ sách Kỷ yếu ghi công thì soạn ngay tới bộ Lục tuần Giang Chiết (sáu lần đi tuần du miền Giang Nam, Chiết Giang) khởi đầu từ năm Càn Long thứ mười sáu Tân Mùi, đến năm thứ bốn mươi chín Giáp Thìn, phụng thái hậu du hành bốn lần, đưa các hoàng tử du hành hai lần, năm Tân Mùi và năm Đinh Sửu hai lần đi xem xét việc đắp đê ven sông. Năm Nhâm Tý định thanh khẩu thuỳ chi, năm Giáp Thìn sửa đổi đào trang hạ lưu. Năm Canh Tý đi quan sát Hải Ninh, thạch đường (bờ đê đá) Năm Giáp Thìn đi làm tiếp đê đá tỉnh Chiết Giang.
Đấy là nội dung của bộ sách Lục tuần Giang Chiết mà hoàng đế giao cho Hoà Khôn và Kỷ Hiểu Phong hai người đôn đốc bọn quan Hàn lâm cố tâm biên soạn kỹ lưỡng, nhưng chỉ nên có gì viết nấy chứ không được quá phô trương. Hoàng đế nói xong, ông nghe Hoà Khôn miệng thưa "Lĩnh chỉ". Chưa hết, ông còn nghe hoàng đế hỏi Kỷ Hiểu Phong đi đâu, ai đó tâu là có việc phải đi, lát nữa mới quay lại. Càn Long hoàng đế lại hỏi:
Bộ sách Kỷ công thư đó đặt nhan đề chưa?
Hoà Khôn đáp:
- Tạm thời đặt tựa là "Thập toàn đại võ công ký".
Càn Long hoàng đế nghe xong, phá lên cười, nói:
- Nếu nói vậy thì Trẫm bèn xưng là "Thập toàn lão nhân" cho hợp!
Sau đó, ông lại nghe tiếng chân ngài bước xuống sàn nhà, chạy tới các án thư lớn, thuận tay giở hết bản thảo này tới bản thảo nọ.
Lúc đó, trong phòng lặng ngắt như tờ, đến một tiếng ho nhỏ cũng không có. Kỷ Hiểu Phong nằm dưới gầm giường, tức hơi đến muốn chết. Mồ hôi chảy ra như tắm, nhỏ giọt xuống đất tí tách, miệng thở hổn hển như sắp đứt hơi. Một lát sau, ông cố ghé tai nghe ngóng. Tưởng rằng hoàng đế đã ra đi bèn thò đầu ra lớn tiếng hỏi "lão đầu tử" (lão già gân) đi rồi sao?", khiến cả bọn đại thần đứng nãy giờ trong phòng giật mình đánh thót một cái. Càn Long hoàng đế cũng lấy làm quái lạ, liền hỏi:
- Ai hỏi vậy?
Cả bọn đại thần giật mình lần nữa, không dám nói lời nào. Cuối cùng Hoà Khôn lớn mật hơn, bèn tâu:
- Nghe như tiếng Kỷ Hiểu Phong thì phải!
Càn Long hoàng đế quay mình bước sát tới chiếc giường, quát hỏi:
- Kẻ nào ở dưới gầm giường đó?
Có tiếng trả lời từ dưới gầm giường vọng ra:
- Thần là Kỷ Quân ở dưới gầm giường!
Hoàng đế hỏi:
- Tại sao không chui ra?
Kỷ Hiểu Phong hồi tấu:
- Thần sích thân lộ thể, không dám kiến giá.
Càn Long hoàng đế nói:
- Tha cho ngươi vô tội! Mau ra đây nói chuyện.
Kỷ Hiểu Phong lúc đó mới dám lóp ngóp bò ra, miệng câm như hến, chẳng dám nói một lời. Khổ cái là thân hình ông cao lớn, thành thử ì ạch mãi mới bò được ra ngoài. Người ông trần trùng trục, phơi thịt da đỏ hỏn, khắp mình mồ hôi nhễ nhại, râu tóc lấm bét bụi bậm…
Kỷ Hiểu Phong chui từ trong gầm giường ra, trông bộ tịch thật là thiểu não. Càn Long hoàng đế leo lên giường ngồi, Phong hoảng quá, chỉ có nước quỳ mọp dưới đất, dập đầu lia lịa…
Một lát, Càn Long hoàng đế lạnh lùng hỏi Phong:
- Ba tiếng "Lão đầu tử", có phải người dùng để chỉ trẫm?
Phong sợ quá chẳng dám đáp. Càn Long hoàng đế lại hỏi tiếp:
- Người vốn là đại thần văn chương tuỳ tùng, trong lòng đầy ắp chữ nghĩa. Ngươi hãy giải rõ ba tiếng "Lão đầu tử" cho trẫm nghe thử? Nếu giảng không sai, Trẫm sẽ tha tội…
Kỷ Hiểu Phong thường ở cạnh Càn Long hoàng đế, nên cũng có dạn dĩ, bèn đánh bạo tâu:
- Hoàng thượng tha tội, xin hãy nghe lời thần nói. Ba tiếng "Lão đầu tử" là tiếng gọi thông thường của toàn thể kinh đô gọi Hoàng thượng. Hoàng thượng tự xưng là Muôn tuổi (vạn tuế) ngài chẳng già là gì? Hoàng thượng vốn đứng đầu một nước, ngài chẳng phải đầu là gì? Hoàng thượng xưng mình là thiên tử, ngài chẳng phải tử thì là gì? "Lão đầu tử" chính là ba tiếng xưng hô hoàng thượng với cả một tấm lòng tôn kính, chứ chẳng phải một biệt hiệu để cợt đùa?
Phong giải thích tới đây, Càn Long hoàng đế không nhịn được, bật lên những tràng cười khà khà rồi vuốt râu khen hay! Từ đấy ba tiếng "Lão đầu tử" được mọi người trong cung thường dùng để xưng hiệu cho Càn Long hoàng đế khi nói chuyện với nhau. Thảng hoặc Càn Long hoàng đế có nghe thấy cũng chỉ cười.
Chẳng bao lâu, Càn Long hoàng đế đã trị vì 60 năm trên ngôi báu. Ngài âm thầm chuẩn bị điển lễ nhường ngôi. Năm đó, đang vào buổi triều sớm ngày mồng một tháng chín, bọn đại thần vào chầu trong Cần Chính điện, Càn Long hoàng đế hạ dụ nói:
- Lúc lên ngôi, Trẫm có thề trước trời đất nếu tại vì được đúng một niên giáp (sáu chục năm) thì đem ngôi báu truyền lại cho thái tử, chẳng bao giờ dám tại vị tới sáu mươi mất năm bằng với đức Thánh Tổ. Vậy Càn Long đã tới năm thứ sáu mươi, trẫm tuân chiếu thanh lệ của Liệt Tổ viết tên tuổi của thái tử sau tấm biển lớn ở điện Chính Đại Quang Minh.
Nói đoạn, hoàng đế lập tức sai hai vị tướng quốc đem theo bọn nội giám đến điện Chính Đại Quang Minh lấy cái hộp vàng chứa sẵn tờ chiếu truyền ngôi cho thái tử đem về mở ra. Lúc đó khắp triều văn võ mới biết trên tờ chiếu ghi rõ sách lập hoàng tử thứ mười lăm là Gia Quân vương Nhung Diệm làm thái tử, lấy niên hiệu Càn Long thứ sáu mươi mốt là Gia Khánh nguyên niên. Viên quan thuyết trình đem tờ chiếu đọc rõ trước điện xong, tức thì văn võ bá quan nhất tề quỳ xuống lạy mừng. Rồi khi bãi trào, mọi người kéo nhau tới cung Dục Khánh để chúc mừng thái tử.
Gia Quân vương tiếp chiếu xong bèn tiếp đãi bọn quan viên. Vương không quên nói thêm đôi lời khách sáo nào đức bạc, nào tài hèn, không kham nổi ngồi cao việc lớn.
Khi bọn quan viên đã về cả, Vương vội chạy tới cung phụ hoàng để tạ ơn. Lúc đó, thân mẫu của Vương đã được phong làm Đệ nhất quý phi.
Qua năm sau, đúng vào buổi chầu sớm Tết Nguyên Đán, Càn Long hoàng đế ngự tại điện Thái hoà, làm lễ Thiên vị (trao ngôi). Ngài đem chiếc ngọc tỷ truyền quốc trao lại cho Gia Khánh hoàng đế.
Gia Khánh hoàng đế xưng là Nhân Tông Duệ hoàng đế, tôn Càn Long hoàng đế làm Thái thượng hoàng đế. Gia Khánh tuy nói làm hoàng đế nhưng thực quyền vẫn còn trong tay Càn Long. Bọn thần hạ dâng sớ tâu đều xưng Thái thượng hoàng là hoàng thượng cả. Nhất thiết sớ tấu, họ đều nhờ gửi lên Thái thượng hoàng duyệt khán. Ví thử có việc đại sự quân quốc, họ cũng nhờ Gia Khánh đi xin huấn dụ của Thái thượng hoàng mới dám thi hành. Gia Khánh chẳng có chút tự do, chút quyền hành nào, nhưng vốn là người con có hiếu, kính trọng phụ hoàng mình, nên ngài cũng chẳng để bụng lắm.
--!!tach_noi_dung!!--

Đánh máy: Nguyễn Học
Nguồn: VNTQ
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 16 tháng 7 năm 2007

--!!tach_noi_dung!!--
--!!tach_noi_dung!!-- --!!tach_noi_dung!!--