Chương 2
Bước ngoặt

Nếu như sự khéo léo để bắt đầu một cuộc là không cần thiết, thì những sự kiện đầu năm 1965 dường như ủng hộ quan điểm này. Điều đó đã quá đủ cho các nhà lãnh đạo chính trị mù quáng theo đuổi những diễn biến ở Đông Nam Á nhằm tạo ra cho họ một tình thế mà ở đó chiến tranh trở thành cách lựa chọn duy nhất. Điều này đặc biệt đúng với chính quyền Johnson, mặc dù các nhà lãnh đạo Xô viết đã đối mặt với một vấn đề tương tự như vậy.
Vị trí của Mỹ ở miền Nam Việt Nam xấu đi nhanh chóng trong những tháng cuối cùng của năm 1964. Chính quyền Sài Gòn vẫn bị mất ổn định và những chương trình bình định được xây dựng để củng cố chính quyền ở vùng nông thôn cho thấy không có hiệu lực. Quân đội Việt Nam Cộng hoà thụ động trước những hoạt động đang tăng lên của Việt Cộng. Từ 26 tháng 12 đến 2 tháng 1, những đơn vị quân đội Việt Nam Cộng hoà được trang bị đến tận răng và được huấn luyện chu đáo dưới sự hỗ trợ của các cố vấn Mỹ và các trang thiết bị quân sự đã bị đánh bại trong một cuộc giao tranh ở Bình Giã.
Theo CIA, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lúc đó hầu như đã mở rộng ảnh hưởng đến mọi ngõ ngách ở miền Nam Việt Nam. Mặt trận này tự nhận là "đã kiểm soát được ba phần tư đất nước và 8 triệu trong số 14 triệu dân của miền Nam Việt Nam".
Các bản báo cáo của toà Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn trùng hợp với những tín toán của CIA.
Các quan chức Mỹ ở miền Nam Việt Nam tin rằng các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam có thể nhìn nhận lại tình hình năm 1964 "với cảm giác mãn nguyện". Những cuộc nổi loạn ở miền Nam Việt Nam tăng lên đáng kể. Việt Cộng đã mở rộng khu vực, phạm vi các hoạt động và đã giành được một số thắng lợi quân sự. Thất bại của Mỹ và chính quyền Sài Gòn trong việc dẹp tan cuộc nổi loạn này đã dẫn đến sự sa sút hơn về tinh thần trong quân đội và làm tăng sự mất ổn định chính trị ở Nam Việt Nam. Điều này đã ngược với bối cảnh chính trị ở miền Bắc, "nó không có sự thay đổi rõ ràng ở hàng ngũ lãnh đạo cao cấp hoặc trong các chính sách lớn…".
Mối quan tâm cao ở Washington về diễn biến của các sự kiện này làm cho Tổng thống Johnson và các cố vấn của ông thiên về một giải pháp quân sự ngày càng tăng lên ở Việt Nam.
Vào cuối tháng 11 năm 1964 một kế hoạch hai giai đoạn đã được vạch ra ở Washington bao gồm, những cuộc ném bom của không quân vào Bắc Việt Nam và đây được xem như là một biện pháp cuối cùng để buộc Hà Nội chấm dứt sự ủng hộ cho Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Mặc dù những cuộc ném bom này không nằm trong chương trình nghị sự của Washington vào thời điểm đó, nhưng việc Tổng thống Johnson thông qua các kế hoạch này đã phản ánh tâm trạng của chính quyền.
Thành công của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam miền Bắc Việt Nam đầu tháng 1 năm 1965 đã củng cố quyết tấm của các nhà hoạch định chính sách Mỹ.
Cho tới cuối tháng đó, họ cho rằng việc trả đũa lại Việt Nam dân chủ cộng hoà như là một biện pháp thích hợp cơ bản được thể hiện trong bức thư của Cố vấn an ninh quốc gia Mc George Bundy gửi Tổng thống ngày 27 tháng 1, với cái tên là "Fork in the Y Memo". Tác giả (cũng là phát ngôn viên của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Robert Mc Namara), đưa ra hai giải pháp cho Việt Nam: "Giải pháp thứ nhất là sử dụng sức mạnh quân sự của chúng ta ở Viễn Đông buộc tạo ra sự thay đổi trong chính sách của cộng sản; Giải pháp thứ hai là triển khai tất cả các lực lượng của chúng ta cùng với diễn biến của cuộc hội đàm nhằm cứu vãn cái nhỏ nhất cần bảo vệ mà không làm tăng thêm đáng kể những hiểm hoạ quân sự hiện nay của chúng ta".
Rõ ràng là biện pháp thứ hai không nằm trong chương trình này của Mỹ.
Washington hiểu rằng, hướng tới một giải pháp quân sự đối với cuộc chiến ở Đông Dương sẽ bao hàm những hiểm hoạ chắc chắn và nhiều vấn đề chưa xác định được, trong số đó có thể có phản ứng của Liên Xô đối với cuộc tấn công quân sự của Mỹ vào nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Các nhà lãnh đạo Mỹ đã cân nhắc triển vọng này một cách nghiêm túc trong suốt tháng 1 và đầu tháng 2, suy nghĩ kỹ những lập luận của họ cho việc ủng hộ hoặc bãi bỏ sự dính líu quân sự.
Có ba vấn đề này sinh trong đầu của các nhà lãnh đạo Mỹ"
Vấn đề thứ nhất, đề cập đến những cách thức tham gia của Liên Xô vào cuộc chiến.
Thứ hai, các nhà lãnh đạo Mỹ đã thảo luận về tác động của sự leo thang của Mỹ trong quan hệ Mỹ-Xô.
Thứ ba là, triển vọng nói chung cho sự hoà hoãn và các mối quan hệ Trung-Mỹ nói riêng cũng được cân nhắc ở Washington.
Ban lãnh đạo Hoa Kỳ không hy vọng Liên Xô sẽ đứng ngoài khi Mỹ tấn công vào Việt Nam dân chủ cộng hoà. Nhưng thái độ của Moskva đối với những triển vọng về cuộc chiến ở Đông Nam Á như thế nào và sự giúp đỡ nào mà họ sẵn sàng cung cấp cho Bắc Việt Nam nếu như Mỹ thực hiện những kế hoạch trả đũa chống Hà Nội? Những vấn đề này dường như gây ra sự lo ngại cho Ngoại trưởng Mỹ Rusk, khi ông ta xuất hiện trước Ủy ban đối ngoại Thượng viện ngày 8 tháng 1 để trình bày về tình hình Đông Nam Á. Theo Rusk, Liên Xô mong muốn tránh dính líu với Mỹ trong cuộc chiến ở khu vực này. Hơn nữa, Liên Xô lo sợ về những hậu quả của cuộc chiến giữa một bên là Bắc Việt Nam và Trung cộng với bên kia là "thủ lĩnh của thế giới tư sản". Rusk cho rằng: "Chúng tôi có được một dấu hiệu cho thấy rằng họ đang lo lắng về một triển vọng đặc biệt sẽ diễn ra trong tình hình này".
CIA đã đồng ý với quan điểm này và được thể hiện trong báo cáo tháng 1: "Liên Xô dường như ngày càng lo lắng về khả năng leo thang trong cuộc chiến ở cả Nam Việt Nam và Lào, đang tìm kiếm một vài biện pháp để ngăn cản các hoạt động của Mỹ và Bắc Việt Nam".
Qua kế hoạch giúp đỡ của Liên Xô cho đồng minh Việt Nam, CIA nhận xét rằng: "Sự đáp lại của Liên Xô đối với các kế hoạch ném bom của Mỹ sẽ bao gồm cả nỗ lực ngoại giao và tuyên truyền mạnh mẽ, kết hợp chặt chẽ với sự giúp đỡ bằng quân sự cho Bắc Việt Nam, trong đó hầu như chắc chắn sẽ gồm cả pháo phòng không và Rada". Tình báo Mỹ cũng tin rằng Việt Nam cũng có thể thúc giục Liên Xô viện trợ tên lửa đất đối không và các máy bay phản lực tiên tiến.
Vào thời điểm này, Liên Xô đã thực sự bắt đầu những chuyến tàu vận chuyển vũ khí cho hệ thống phòng không của Việt Nam dân chủ cộng hoà. Trong báo cáo ngày 3 tháng 2, CIA đã cho thấy rằng các loại vũ khí phòng không gần đây đã bắt đầu xuất hiện ở Bắc Việt Nam.
Ngày 9 tháng 2 William Bundy, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về các vấn đề an ninh quốc tế, đã trình lên các thành viên trong tiểu ban về các vấn đề ở Viễn Đông của Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ với thông tin rằng, Liên Xô đã trang bị phòng không đáng kể cho sân bay chính ở khu vực Hà Nội.
Trọng tâm của các cuộc thảo luận ở Washington vào tháng 1 và đầu tháng 2 năm 1965 tập trung vào hai vấn đề có quan hệ mật thiết với nhau, đó là khả năng chính sách của Liên Xô hướng vào Mỹ và Trung Quốc.
Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ tin rằng Trung Quốc là một vấn đề chủ yếu của Liên Xô, khi xem xét đến sự phát triển mãnh liệt của hai cường quốc để giành vai trò lãnh đạo trong phong trào Cộng sản quốc tế. Theo các cố vấn của Tổng thống, vì lý do này nên Moskva sẵn sàng tăng cường vị trí của mình trong các nước xã hội chủ nghĩa và thậm chí có thể hy sinh một vài mục tiêu để hoà hoãn với phương Tây.
Quan điểm này đã được Liewllyn Thompson, một chuyên gia về Liên Xô và là Đại sứ lưu động, phát biểu trước Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ ngày 14 tháng 1: "Rõ ràng là trong các tháng sắp tới, phần lớn việc bận tâm của các nhà lãnh đạo Xô viết là quan hệ giữa họ với Trung cộng". Thompson nhận xét: "Bởi vì họ đang tranh giành với Trung cộng để tạo ảnh hưởng tới các Đảng cộng sản khác, do đó bất kỳ điều gì họ làm đều sẽ liên quan đến việc vấn đề đó có ảnh hưởng đến quan hệ Trung-Xô như thế nào?". Thompson cho rằng, quan hệ giữa Liên Xô với phương Tây được xếp hàng thứ yếu trong chương trình nghị sự của Liên Xô.
Vài ngày sau, Ngoại trưởng Rusk đã phát biểu cùng quan điểm như vậy, thậm chí còn thẳng thừng hơn khi báo cáo với Thượng viện về tình hình Đông Nam Á: "Suy nghĩ hiện nay của tôi là vấn đề Trung Quốc là nỗi bận tâm lớn ở Moskva và bất kỳ điều gì mà họ và chúng ta đang làm và đang bàn chỉ bằng một phần trong vấn đề của họ với Bắc Kinh. Theo sự cảm nhận cơ bản nhất, vấn đề Bắc Kinh là ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu của họ".
Các đánh giá của tình báo Mỹ đã ủng hộ (và đôi khi còn thổi phồng) quan điểm này bằng cách phân tích sự phát triển trong chính sách của Liên Xô ở Đông Nam Á, từ những dự báo về sự rạn nứt trong quan hệ Trung-Xô: "Kết quả của sự bận tâm của Liên Xô đối với Trung Quốc, theo các nhà phân tích Mỹ, đó là một vị trí không thể hoà hợp, hơn nữa đối với Moskva về lĩnh vực quan hệ Xô-Mỹ, đặc biệt trong trường hợp những hoạt động theo kế hoạch của Mỹ chống lại Bắc Việt Nam. Trong một dự báo tình hình quốc gia đặc biệt ngay sau các cuộc ném bom trả đũa của Mỹ chống lại Bắc Việt Nam. Ban lãnh đạo tình báo Mỹ (sau những dự báo vì những nỗ lực của Trung Quốc nhằm khoét sâu thêm sự khó xử của Liên Xô), đã dự báo rằng: "Chính sách chung của Liên Xô sẽ nặng nề hơn đối với Mỹ". Chính điều này sẽ nuôi dưỡng các hành động cản trở việc làm hoà dịu những căng thẳng và làm tăng cử chỉ thù địch của Liên Xô về các vấn đề Đông-Tây khác. Đồng thời, tình báo Mỹ cũng nhấn mạnh rằng, Liên Xô sẽ không muốn kích động một cuộc khủng hoảng lớn ở bất kỳ nơi nào, ví dụ như ở Berlin hoặc Cuba, hư là phản ứng đối với các hành động của Mỹ.
Mặc dù Washington lo ngại về sự sa sút có thể trong các mối quan hệ Xô-Mỹ, nhưng triển vọng về một Liên minh Trung-Xô thực sự là một cơn ác mộng cho các nhà hoạch định chính sách của Mỹ.
Rusk tin rằng nếu không thực hiện những hành động mạnh mẽ để ngăn chặn hiểm hoạ của Trung Quốc ở Đông Nam Á, thì Liên Xô và Trung Quốc dễ kết hợp các nỗ lực của họ lại với nhau để buộc "đế quốc Mỹ" rút lui ở cả các khu vực khác trên thế giới.
Như ông đã trình bày tại cuộc điều trần trước Ủy ban đối ngoại Thượng viện: "Nếu như Bắc Kinh có thể chứng minh được rằng, đường lối, chính sách của họ đã đem lại những lợi ích thực tế, như những thành công ở Đông Nam Á và Indonesia, thì sẽ có một khả năng rất to lớn là, Moskva sẽ nỗ lực thu hẹp mối ngăn cách giữa Moskva và Trung Quốc bằng cách hướng tới quan điểm mang nặng tính quân sự của Bắc Kinh đối với cuộc cách mạng thế giới".
Vài ngày sau đó Ngoại trưởng Mỹ lại thể hiện niềm tin một lần nữa cũng tại chính Ủy ban này: "Tôi thật sự tin tưởng rằng nếu Bắc Kinh giành được thành công đáng kinh ngạc ở Đông Nam Á hoặc chống lại Ấn Độ, thì Trung Quốc có thể làm tăng thêm triển vọng Liên Xô sẽ thu hẹp khoảng cách với Bắc Kinh bằng cách tiến hành theo định hướng về tư tưởng và chiến thuật của Bắc Kinh. Mặt khác, nếu như những người Cộng sản Trung Quốc bị chặn lại tại các giới hạn hiện tại của họ, thì những cơ hội đó sẽ được chứng minh rằng, Bắc Kinh sẽ tiến xa hơn theo chiều hướng cùng tồn tại hoà bình (ít nhất qua nhiều bước). Tôi không bao giờ hy vọng điều đó xảy ra sớm".
Ý kiến phản đối về khả năng thiết lập lại mối quan hệ hữu nghị giữa Moskva và Bắc Kinh là do Mike Mansfield, thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện đưa ra. Trong bức thư của ông gửi Tổng thống Johnson sau một cuộc thảo luận tại Nhà Trắng, Mansfield cho rằng sự can thiệp trực tiếp của Mỹ vào cuộc chiến Việt Nam có thể dẫn tới "một mức độ hợp tác gần gũi hơn giữa Liên Xô và Trung Quốc… điều đó có thể tự bộc lộ rõ bằng việc Liên Xô phục hồi lại viện trợ quân sự cho Trung Quốc và việc vận chuyển hàng viện trợ của Liên Xô qua Trung Quốc cho Bắc Việt Nam. Đây có thể là một bất lợi rất lớn bởi vì một trong những hy vọng của phương Tây là khuyến khích sự rạn nứt giữa hai cường quốc cộng sản, một hy vọng mà tôi tin chắc rằng bây giờ đã giảm xuống một mức độ đáng kể".
Từ rất nhiều cuộc thảo luận ở Washington đầu năm 1965 mà chúng có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ Xô-Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam và cũng có thể rút ra hai kết luận:
Một là: Liên Xô không hài lòng với cuộc xung đột quân sự ở Đông Dương và mong muốn thật sự dàn xếp hoà bình, càng sớm càng tốt.
Hai là: Trong cuộc chạy đua lâu dài này, Liên Xô không mong muốn làm nguy hại đến các mối quan hệ với phương Tây nói chung, đặc biệt là với Mỹ bởi vì cuộc xung đột này nằm ở một góc xa xôi của thế giới.
Trong khi các nhà phân tích người Mỹ đang làm rõ sự rối rắm của tình hình thế giới, có thể ảnh hưởng đến hoạt động của Mỹ ở Việt Nam, thì hai sự kiện xảy ra vào tháng 2 đã làm thay đổi cơ bản tình hình ở đó và tạo ra một bước chuyển mới trong cuộc chiến ở Việt Nam.
Ngày 31 tháng báo chí ở Moskva đưa tin rằng Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Kosygin sẽ thăm Hà Nội vào đầu tháng 2. Chuyến thăm này đã tạo ra một bước tiến trong quan hệ giữa Liên Xô và Bắc Việt Nam sau cuộc gặp của các nhà lãnh đạo Xô viết với Phạm Văn Đồng vào tháng 10 và 11 năm 1964. Khoảng cách giữa các cuộc gặp này và chuyến thăm của Kosygin đã được đánh dấu bằng những thay đổi về chất trong mối quan hệ song phương giữa Liên Xô và Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Ngoài việc mở cửa phái đoàn thường trực Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam vào cuối tháng 12 năm 1964, Liên Xô đã tăng cường các nỗ lực của họ một cách rõ ràng để bảo vệ Hà Nội khỏi những cuộc công kích có thể xảy ra, bằng cách chuyển tới Việt Nam dân chủ cộng hoà các loại vũ khí phòng không. Họ cũng đẩy mạnh sự giúp đỡ tinh thần bằng cách lên án chính sách của Mỹ ở Việt Nam và Đông Nam Á. Những chuyển hướng này trong chính sách đã được các "đồng chí" Việt Nam hoan nghênh.
Các nhà ngoại giao Xô viết đã báo cáo với Moskva rằng, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam miền Nam Việt Nam tỏ ra mãn nguyện với tin tức về sự ủng hộ của Liên Xô trong cuộc đấu tranh của họ. Đồng thời họ cũng nhấn mạnh rằng, vị trí của Liên Xô trong khu vực sẽ phụ thuộc vào mức độ viện trợ của Liên Xô cho cuộc đấu tranh của Việt Nam.
Rõ ràng rằng, chuyến thăm của Kosygin được dự định nhằm củng cố nền tảng mới trong các mối quan hệ giữa Liên Xô và Việt Nam dân chủ cộng hoà, đồng thời làm rõ các chi tiết trong quan hệ giữa hai nước với các vấn đề quân sự là trọng tâm tại các cuộc thảo luận. Do vậy đoàn đại biểu Liên Xô gồm có Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Nguyên soái Konstantin Vershinia, Phó chủ tịch Ủy ban Nhà nước về ngoại thương, Tướng G.S. Didorovich và Bộ trưởng hàng không dân dụng Engenii Loginov.
CIA đã lưu ý đến tầm quan trọng của chuyến thăm của Liên Xô trong báo cáo tình báo ngày 1 tháng 2. CIA thấy rằng một trong những mục đích chính chuyến thăm của Kosygin đó là "củng cố lòng tin về những tuyên bố công khai được nhắc lại kể từ tháng 11 rằng, Liên Xô "không thể cứ thờ ơ với số phận của một nước xã hội chủ nghĩa anh em và rằng Liên Xô sẵn sàng cung cấp cho Hà Nội sự giúp đỡ cần thiết". CIA coi chuyến thăm này như "đỉnh cao trong sự trao đổi quan điểm kể từ khi Khrusev bị đổ". Nhưng cũng theo tình báo Mỹ, Moskva cũng đang theo đuổi các mục đích khác bằng cách gửi một phái đoàn cao cấp tới Hà Nội.
Hai tháng sau có được những bằng chứng mới, CIA cho là "Kosygin chắc chắn đã ý định báo động cho Bắc Việt Nam không được đánh giá thấp quyết tâm của Mỹ nhằm ngăn chặn thắng lợi của Cộng sản ở miền Nam". Nhiệm vụ của ông ta là kêu gọi Hà Nội tránh những hành động có thể tạo ra sự trả đũa của Mỹ và tạo ra những thay đổi về giới hạn của cuộc chiến và chờ đợi cho đến khi thể chế chính trị ở Sài Gòn thực sự tan vỡ.
Qua xem xét đến việc đoàn đại biểu này hai lần dừng chân ở Bắc Kinh đã thể hiện rõ ràng rằng Liên Xô cũng đã có kế hoạch đi đến sự thoả hiệp với Trung Quốc. Tuy nhiên, các mục đích chuyến thăm của phái đoàn Kosygin được tính toán rất kỹ.
Liên Xô nhanh chóng phát hiện ra rằng ít nhất một số mục tiêu của họ là không thể đạt được. Đầu tiên là mong muốn Việt Nam tránh sự khiêu khích đối với Mỹ đã tỏ ra vô vọng.
Ngay sau khi Kosygin đến Hà Nội, các đơn vị của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã tấn công vào một căn cứ của Mỹ ở Pleiku, giết 8 lính Mỹ và làm bị thương hơn 60 người. Cuộc tấn công này đã biến thành một cái cớ mà Mỹ chờ đợi từ lâu nay để tiến hành một cuộc trả đũa. Tổng thống Johnson ngay lập tức phê chuẩn các kế hoạch công kích trên lãnh thổ của Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Mặc dù trước đó Washington đã huỷ bỏ cuộc tuần tiễu DESOTO (một nhiệm vụ thu thập tin tức tình báo ở Vịnh Bắc Bộ và dọc theo bờ biển của Bắc Việt Nam) cho tới sau chuyến thăm của Kosygin, nhằm tránh làm phương hại đến các mối quan hệ Xô-Mỹ, nhưng cuộc tấn công vào Pleiku đã tạo cho Mỹ một cơ hội tuyệt vời để trừng trị Bắc Việt Nam và rằng với sự hiện diện của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô ở Hà Nội cũng không thể cản trở Mỹ có hoạt động như vậy.
Không có một bằng chứng nào cho thấy rằng Liên Xô đã biết trước cuộc tấn công vào Pleiku, mà chỉ có một số lập luận mâu thuẫn. Các mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam-Liên Xô vẫn chưa đạt tới mức độ mà Hà Nội có thể sẵn sàng thông báo cho Moskva những kế hoạch và các hoạt động của mình ở miền Nam.
Ví dụ như, đầu tháng 1-1965, một quan chức của Sứ quán Liên Xô ở Việt Nam dân chủ cộng hoà trong cuộc nói chuyện với một đại diện của Bắc Việt Nam trong Ủy ban thống nhất đất nước đã cố gắng tìm kiếm về những hoạt động sắp tới của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam miền Nam Việt Nam, nhưng không có kết quả gì.
Quan chức này đã kết luận: "Cũng như trước kia, các đồng chí Việt Nam không muốn chia sẻ với chúng tôi bất kỳ một tin tức nào đặc biệt là những tin tức liên quan đến những vấn đề cụ thể của tình hình ở miền Nam Việt Nam, về hoạt động của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và các kế hoạch của họ trong tương lai…".
Trong một nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam, R.B. Smith cho rằng Moskva không quan tâm đến việc khuấy động các sự kiện ở miền Nam để dẫn đến việc kích động Mỹ. Thái độ của các nhà lãnh đạo Xô viết trước sự kiện này cũng như ảnh hưởng yếu (thậm chí không có) của họ ở Hà Nội, cho thấy rằng Liên Xô khó mà có được những ý đồ như vậy. Các quan chức Mỹ hiểu vấn đề này tương đối rõ.
Vào lúc đó, không có một chút nghi ngờ nào ở Washington rằng Liên Xô có thể biết được các kế hoạch của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Điều trái ngược là tất cả những lời tuyên bố và những tài liệu đã khẳng định lời tiết lộ của các nhà hoạch định chính sách rằng, "Kosygin có thể bị Hà Nội bẫy".
Tuy nhiên, Tổng thống Johnson đã nhận thức được tác động có thể xảy ra đối với Moskva từ những hành động trả đũa của Mỹ. Trong các cuộc thảo luận ở Nhà Trắng ngay sau khi các tin tức về cuộc tấn công ở Pleiku được truyền đến Nhà Trắng, không phải tất cả các cố vấn của Tổng thống đều ủng hộ cuộc tấn công trả đũa trên lãnh thổ Việt Nam dân chủ cộng hoà, chủ yếu là bởi những tổn thương mà chúng có thể gây ra cho các mối quan hệ Xô-Mỹ. Trong số những người không ủng hộ cuộc tấn công này gồm có: Trợ lý Ngoại trưởng George Ball, Mike Mansfield và Liwellyn Thompson.
Nhằm sửa chữa thiệt hại này ở mức tối thiểu, Johnson đã thông qua các biện pháp cho Liên Xô được biết về những dự định của Mỹ ở Việt Nam. Vào ngày hôm trước khi có cuộc họp của Hội đồng an ninh quốc gia 8 tháng 2, Thompson đã gặp Đại sứ Liên Xô Anatoli Dobrynin cố gắng thuyết phục ông ta rằng Mỹ đã buộc phải đáp lại cuộc tấn công của Việt Cộng. Chính Johnson đã quyết định có một cuộc thảo luận với Đại sứ Liên Xô-như ông đã giải thích cho các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ: "Bởi vì tầm quan trọng của việc truyền đạt quan điểm của chúng ta tới người Nga". Nhưng các nỗ lực của chính quyền Johnson không thể ngăn chặn được phản ứng tiêu cực của Moskva.
Ngày 9 tháng 2, Chính phủ Liên Xô đưa ra một tuyên bố liệt kê và giải thích về các sự kiện ở Việt Nam với một lời cảnh báo rằng, Liên Xô "cùng với các đồng minh và những bè bạn của mình" có thể thực hiện "những bước tiến xa hơn để bảo vệ an ninh" và tăng cường sự phòng thủ của Việt Nam dân chủ cộng hoà". Đáng chú ý là trong đó có một số đoạn đề cập đến các quan chức Xô-Mỹ. Các nhà lãnh đạo Xô viết nhấn mạnh rằng sự phát triển trong quan hệ giữa hai nước là một tiến trình chung, không phù hợp với những "hành động chính trị hiếu chiến, mà điều đó có thể làm xấu đi những bước tiến tới sự bình thường hoá trong các mối quan hệ Xô-Mỹ".
Ngày tiếp theo, Kosygin và Phạm Văn Đồng đã đưa ra một tuyên bố chung nhấn mạnh tầm quan trọng của Việt Nam dân chủ cộng hoà như là "một tiền đồ của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Nam Á", nhấn mạnh đến vai trò của nó trong cuộc đấu tranh chống "chủ nghĩa đế quốc Mỹ" và những đóng góp trong sự nghiệp bảo vệ hoà bình ở châu Á và trên toàn thế giới. Bản tuyên bố cũng tái khẳng định rằng Liên Xô sẽ "không giữ thái độ làm ngơ đối với việc bảo đảm an ninh của một nước xã hội chủ nghĩa anh em" và "cung cấp cho Việt Nam dân chủ cộng hoà những khoản viện trợ và sự giúp đỡ cần thiết". Bản tuyên bố cũng cho thấy rằng hai nước cũng đã đạt tới sự hiểu biết về những bước cần phải làm để tăng cường các khả năng phòng thủ của Bắc Việt Nam.
Chiến dịch tuyên truyền của Liên Xô rõ ràng xuất phát từ thái độ căm phẫn đối với những hành động xâm lược của Mỹ đối với Bắc Việt Nam trong khi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô đang ở thăm Hà Nội. Moskva đã không giấu giếm quan điểm: "Sự chọn lựa thời điểm cho các cuộc ném bom của Mỹ lên lãnh thổ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà là một sự xúc phạm tới Kosygin một hậu quả rất rõ ràng mà nhiều cố vấn của Johnson đã lo sợ".
Ngày 10 tháng 2 một quan chức của Liên Xô tại Liên Hợp Quốc đã khẳng định rằng Liên Xô coi việc ném bom của Mỹ trong chuyến thăm của Kosygin tới Hà Nội là "một hành động thiếu thiện chí". Bản thân Kosygin cũng không thể tha thứ cho "hành động làm bẽ mặt này", và thậm chí một năm sau ông lại đưa chuyện này ra trong một cuộc hội đàm với Phó tổng thống Hubert Humphrey ở New Delhi.
Nhưng cũng có một số lý do chính đáng tạo nên sự bực tức của các nhà lãnh đạo Xô viết. Sự kiện ở Pleiku và việc trả đũa của Mỹ đã xoá đi những gì còn lại trong hy vọng của Moskva nhằm tránh được việc quốc tế hoá cuộc xung đột ở Việt Nam.
Như vậy, Liên Xô bị buộc phải gác qua một bên chính sách ủng hộ về tinh thần, không tham dự và phải nhảy vào một cuộc chiến với những hậu quả không thể lượng trước được.
Sự khó xử trong chính sách đối ngoại của Liên Xô càng trầm trọng hơn do mối quan hệ ngày càng xấu đi với Trung Quốc. Những lần dừng chân của Kosygin ở Trung Quốc cho thấy những mục tiêu không thể thương lượng được giữa hai cường quốc cộng sản.
Trên đường quay trở về Moskva, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô đã gặp Mao Trạch Đông ngày 11 tháng 2, nhưng cuộc gặp đó đã không đem lại một kết quả khả thi nào. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã phản đối những đề nghị hoà giải của Liên Xô cũng như lời đề nghị phối hợp giúp đỡ cho Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Trong bối cảnh này các nhà lãnh đạo Liên Xô đã thông qua một chính sách được bắt nguồn từ cuối năm 1964.
Đầu tiên là Moskva sẽ không mạo hiểm đọ sức với Mỹ. Mặc dù Liên Xô lên án những hành động gần đây nhất của "Chủ nghĩa đế quốc Mỹ", những lời tuyên bố của họ đã được phân biệt bằng một giọng điệu hơi kiềm chế. Tương tự như vậy, các nhà lãnh đạo Xô viết đã hạn chế những lời cảnh báo xa hơn về tác động của những hành động của Mỹ đối với quan hệ hai nước, như vậy sẽ tránh được những khái niệm về sự đổ vỡ có thể xảy ra trong tương lai.
Moskva cũng tính toán tương đối kỹ về những lời hứa giúp đỡ Bắc Việt Nam.
Trong bài phát biểu trên vô tuyến truyền hình ngày 26 tháng, như các nhà phân tích Bộ Ngoại giao nhận xét. Kosygin đã nói đủ để "bảo vệ Liên Xô chống lại luận điệu của Trung Quốc rằng Liên Xô đã phản bội Hà Nội, nhưng lại tránh xa khỏi việc cam kết rằng Liên Xô sẽ toàn quyền trong việc ủng hộ Bắc Việt Nam".
Rõ ràng là điều này không có ý rằng Liên Xô có ý định lẩn tránh sự giúp đỡ thiết thực cho những người bạn Việt Nam của họ. Sự thực là số lượng viện trợ của Liên Xô cho Bắc Việt Nam là đáng kể và đang tăng lên hàng năm. Thế nhưng sự hạn chế được thấy rõ trong các tuyên bố của Liên Xô ở giai đoạn đầu của cuộc chiến Việt Nam là những miễn cưỡng của Moskva trong việc làm cho viện trợ của họ đối với Việt Nam thành vật chướng ngại trong các mối quan hệ với phương Tây.
Ngoài những dấu hiệu không có thực như vậy, Moskva rất muốn tạo cho Mỹ một bằng chứng rõ ràng rằng Liên Xô muốn duy trì những kênh liên hệ của họ với phương Tây một cách cởi mở.
Ngày 12 tháng 2, CIA đã gửi cho Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng có một quan chức ngoại giao bậc trung của Liên Xô đã khuyên một đồng nghiệp Mỹ về sự hữu ích của những liên hệ không chính thức giữa hai cường quốc nhằm giải quyết cuộc xung đột một cách hoà bình.
Cho đến cuối tháng 3, CIA đã tổng kết những cuộc tiếp cận riêng của các quan chức Xô viết trong những ngày đầu tiên của sự leo thang trong cuộc chiến. Theo CIA, những cuộc tiếp cận này "nhấn mạnh mong muốn của Moskva tránh sự tham gia vào cuộc chiến Việt Nam và tiếp tục hợp tác Mỹ để tiến tới một giải pháp chính trị".
CIA nhận xét: "Một đề tài thích hợp trong các cuộc hội đàm" là một điểm được nhấn mạnh trong lợi ích chung giữa Mỹ và Liên Xô, nhằm đạt tới một giải pháp hoà bình cho cuộc khủng hoảng.
Bất kỳ ai đã quen với các phương pháp làm việc của bộ máy nhà nước Xô viết đều có thể hiểu rằng những bước tiến như vậy sẽ không thể thực hiện được nếu như không có sự hướng dẫn từ trên.
Về vấn đề này, những cảm giác được nêu ra ở trên đã thể hiện vị trí của các nhà lãnh đạo Xô viết và mong muốn của Liên Xô tránh sự không cần thiết trong các mối quan hệ với Washington.
Các quan chức cao cấp nhất của Moskva đã cho các nhà ngoại giao Mỹ thấy rõ vị trí công khai của họ (Liên Xô) nên được nhận thức như thế nào? Đại sứ Mỹ ở Moskva, Toy Kohler đã báo cáo với Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 4 tháng 3 rằng, mặc dù Liên Xô có thái độ cứng rặng, nhưng tình hình ở thủ đô Moskva dường như "dễ thay đổi", nghĩa là tất cả các kênh liên lạc với Liên Xô nên được giữ "trong tình trạng hoạt động tốt ở tương lai gần".
Vị Đại sứ Mỹ đã bị thuyết phục bởi sự "thừa nhận gần như thẳng thừng" của Gromyko khi ông ta trả lời câu hỏi của Kohler rằng những tuyên bố khác của Liên Xô cho vị Đại sứ Mỹ này chỉ là "một đoạn tuyên truyền" và không thể coi là một câu trả lời của chính phủ Liên Xô đối với những tuyên bố của Ngoại trưởng Rush với Đại sứ Dobrynin.
Washington, những đề nghị này của Liên Xô đã đạt được sự thoả mãn ở hai khía cạnh.
Đầu tiên là những mối liên hệ giữa các quan chức Liên Xô và Mỹ đã giúp làm cho mỗi bên biết được những quan điểm và các dự định của nhau và những mối liên hệ này được coi như một bảo đảm chống lại sự hiểu lầm có thể gây nguy hại cho quan hệ hai nước.
Hai là, Liên Xô có thể cung cấp cho Hà Nội một kênh liên lạc hoặc ít ra có một cách nào đó để thông báo với Hà Nội về các kế hoạch của Mỹ ở Việt Nam mà không bị một hiểm hoạ rằng thông tin này có thể bị cố ý làm sai lệch, ví dụ như bởi Bắc Kinh.
Những cân nhắc này đã giúp hình thành nên những kiến nghị về tầm quan trọng trong việc liên lạc với Xô viết do các đại sứ Mỹ ở Đông Nam Á thực hiện.
Ngày 26 tháng 2, Maxwell Taylor ở Sài Gòn cũng như U. Alexis Johnson, phó của ông ta, William Sulliwan, Đại sứ Mỹ ở Lào, và Graham Martin, Đại sứ Mỹ ở Thái Lan đã gửi về Washington quan điểm của họ về vai trò khả thi của Liên Xô trong cuộc chiến Việt Nam.
Taylor lo lắng đối với chất lượng tin tức về các mục tiêu của Mỹ mà Hà Nội đang nhận được. Ông nghi ngờ rằng những tin tức đó có thể bị Trung Quốc cố ý làm sai lệch. "Để tránh mối nguy hiểm này", Taylor cho là: "Chúng ta đề nghị một khả năng liên lạc với Liên Xô một cách chính xác về giới hạn tự nhiên của các yêu cầu nào rằng họ sẽ chuyển các mục tiêu đó cho Hà Nội, nhưng chúng ta hy vọng là họ sẽ làm như vậy trong sự bảo đảm về những lợi ích riêng của họ".
Sau đó ông nói trực tiếp vào một đường dây chung của bốn đại sứ đang thảo luận rất lâu về các vấn đề của cuộc chiến ở Việt Nam. Họ nhấn mạnh đến ảnh hưởng mạnh mẽ của Trung Quốc đang kiểm soát Việt Nam dân chủ cộng hoà. Theo cuộc trao đổi này thì chỉ có một cách lựa chọn có thể chấp nhận được đối với Trung Quốc là Liên Xô. "Tuy nhiên, việc Liên Xô nhận được sự biểu lộ chính xác rằng chúng ta không phản đối vai trò đang tiếp tục của Liên Xô ở Việt Nam dân chủ cộng hoà là rất quan trọng, Liên Xô muốn thay thế ảnh hưởng đang thống trị ở Việt Nam của Cộng sản Trung Quốc". Đồng thời các đại sứ đã miễn cưỡng buộc Liên Xô ủng hộ Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Mặc dù các nhà ngoại giao Mỹ cho là thời điểm cho các cuộc thương lượng với Việt Nam dân chủ cộng hoà chưa tới, nhưng họ công nhận rằng khả năng khi Việt Nam dân chủ cộng hoà "có thể cùng với Liên Xô" chấp nhận sự chia cắt Việt Nam và đồng ý với thân phận của nó "như một quốc gia Cộng sản nhỏ, độc lập nằm ở bờ Bắc của Vĩ tuyến 17. Vì vậy, tài liệu này cũng chỉ ra rằng trong tháng 2 năm 1965, Washington đã sẵn sàng thảo luận với Bắc Việt chỉ trên những vấn đề của riêng nó và làm như vậy Bắc Việt Nam sẽ không loại bỏ sự giúp đỡ của Liên Xô.
Đối với các nhà lãnh đạo Xô viết, sự bắt đầu của hoạt động quân sự của Mỹ chống lại Bắc Việt Nam đã rút ngắn khoảng cách chiến thuật của họ. Sự đoàn kết "vô sản" cùng với cuộc đấu tranh giành độc lập và chống chủ nghĩa đế quốc đã đặt ra luật lệ của Liên Xô. Mặc dù, muốn giải quyết cuộc xung đột một cách hoà bình, Liên Xô cũng phải cân nhắc đến những mong muốn của đồng minh Bắc Việt Nam của họ.
Nếu như (như Rush công nhận) Hà Nội và Bắc Kinh đang viết kịch bản cho các hoạt động của Mỹ ở Đông Nam Á thì Liên Xô cũng phải có phần tham gia đóng góp, tối thiểu cũng là đóng góp một cách chính thức.
Kosygin nhấn mạnh đến những từ ngữ dễ hiểu này trong một cuộc tiếp chuyện với một quan chức phương Tây vào cuối tháng 2, đây là thời điểm mà các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam rõ ràng có dự định tiến hành chiến tranh để thống nhất đất nước. Nhưng các nhà lãnh đạo Mỹ vẫn có thể hài lòng với tình hình tiếp theo sự leo thang của Mỹ vào cuộc chiến ở Việt Nam.
Tất cả những nỗi lo sợ của họ hoá ra là bị cường điệu hoá.
Những cuộc ném bom trả đũa Bắc Việt Nam, cũng như một chương trình tiếp tục ném bom Việt Nam dân chủ cộng hoà (tên mật là "Sấm rền") và việc triển khai các lực lượng quân chiến đấu của Mỹ diễn ra sau đó ở miền Nam Việt Nam đã không dẫn tới một cuộc khủng hoảng quốc tế lớn nào hoặc một cuộc chiến với Trung Quốc và Liên Xô nữa, Moskva dường như rất háo hức để giúp đỡ giải quyết tình hình này.
Mc George Bundy, đánh giá kết quả trong những ngày đầu tiên của cuộc chiến ghi trong báo cáo đệ trình lên Tổng thống rằng những hành động của Mỹ đã không làm cho Liên Xô và Trung Quốc đoàn kết với nhau.
Mặc dù, Hà Nội vẫn chưa thuyết phục là "sẽ để những người láng giềng của họ đơn độc", nhưng Mỹ đã có thể thực hiện bước đi ban đầu.
Điều quan trọng nhất, theo Bundy, Washington có thể tiến tới một tình thế (với ít sự xung khắc so với chúng ta dự đoán) mà trong đó dư luận quốc tế có thể xem hành động chống lại Bắc Việt Nam của chúng ta như là một lời đáp lại tự nhiên, chống lại các hoạt động của Việt Cộng ở miền Nam". Bundy viết: "Điều này phản ánh một tâm trạng đang thịnh hành ở Washington "là một sự thay đổi mới và quan trọng. Điều này có lợi nhất cho chúng ta đối với hoạt động tấn công của du kích trong một cuộc chiến lâu dài, bất kể kết quả cuối cùng là gì".
Thật không may là Bundy đã không biết: "kết quả cuối cùng ở Việt Nam là gì?".
Ở Moskva, mức độ rối loạn và khó chịu trong những ngày leo thang đầu tiên của cuộc chiến đã mở ra một tính toán nghiêm chỉnh. Mặc dù họ đã trông đợi một sự trả thù bùng nổ, nhưng các nhà lãnh đạo Xô viết vẫn chưa xác định rõ đường hướng trong chính sách của mình. Bởi vì, trong những tháng tiếp theo Liên Xô sẽ phải nhanh chóng vạch ra chính sách của họ đối với Việt Nam trong khi đó lại phải cân nhắc sự tham gia của họ vào cuộc chiến ở Việt Nam.