Dịch giả: Lê Minh
Chương 6
Chiếc áo nịt vàng

"Một hai năm nữa, chúng tôi vẫn còn bị ràng buộc nhiều lắm. Chính phủ mới sẽ phải hết sức cẩn thận".
- Umar Juoro, Cố vấn kinh tế của cựu Thủ tướng Indonesia, B. J. Habibie, miêu tả cho báo The New York Times những hạn chế về kinh tế mà chính phủ Indonesia phải tuân thủ, vì nếu nóng vội làm gì đấy, Indonesia sẽ bị IMF và thị trường toàn cầu hóa bóp nát. Tháng 10 năm 1999.
Trong chuyến đi quan sát bầu cử ở Trung Quốc lần đó, tôi cùng người phiên dịch đi lang thang trong làng Heng Dao và ghé vào thăm nhà một người nông dân đã chuyển làm thợ máy cơ khí. Anh này nuôi ngỗng và lợn ở đằng trước nhà, nhưng trong nhà thì sắm đủ dàn stereo và TV màu. Phiên dịch của tôi, một sinh viên lúc đó đang theo học ở Hoa Kỳ phát hiện ra một điều mà tôi không thấy được - không thấy cái loa công cộng nào gần đấy. Dưới thời Mao Trạch Đông, chính quyền mắc loa vào tận gia đình thuộc các "công xã" (tên đơn vị hành chính thời đó), để tuyên truyền và hướng dẫn chủ trương. Chúng tôi hỏi anh nông dân thế loa cất đi đâu hết rồi?
"Năm ngoái chúng tôi gỡ hết xuống rồi", anh này nói. "Không ai muốn nghe từ những cái loa này nữa. Giờ chúng tôi có dàn máy stereo và TV". Điều người nông dân này không nói ra, đó là việc người dân không cần phải nghe những tuyên truyền của Bắc Kinh nữa. Anh ta biết những tuyên truyền đó rồi. Chúng cũng không phải là những lời dạy của Mao Chủ tịch, mà có nội dung đơn giản hơn nhiều: "Hãy tự thân vận động. Kiếm việc làm. Gửi tiền cho gia đình".
Trước đó vài tháng, tôi ở Thái Lan, quan sát một nền kinh tế tư bản theo lối bè cánh đang suy sụp. Tôi thu xếp để phỏng vấn Sirivat Voravetvuthikun, một tay kinh doanh xây dựng địa ốc bị khánh tận trong thời gian Thái Lan chịu khủng hoảng tài chính. Anh và vợ đã trở thành biểu trưng của hậu quả của khủng hoảng Thái Lan - họ phải xin đi bán bánh mì kẹp thịt để sống qua ngày. Từ chỗ giàu có, nay hai vợ chồng phải đi thuê một chỗ trong trung tâm Bangkok, cùng với những người làm cũ của họ dựng một cơ sở bán bánh mì kẹp thịt và giao hàng trên đường phố. Sirivat đến chỗ tôi cổ đeo một hộp đựng thức ăn mà vàng giống như một tay bán rong ở một sân vận động ở Mỹ. Điều tôi nhớ nhất trong buổi phỏng vấn là anh ta không lộ vẻ cay đắng hay tuyệt vọng. Anh nói đất nước Thái Lan đã tự làm hỏng việc. Ai cũng biết thế. Dân chúng giờ đây phải thắt lưng buộc bụng chịu đựng, tiếp tục chương trình và không còn nhiều điều để nói. Tôi hỏi anh ta đã có lúc nào giận dữ hay không? Có lúc nào muốn đốt công sở của chính phủ không, khi thấy tài sản của mình bị mất mát?
Không, Sirivat giải thích: "Chúng tôi không muốn quay về sống nơi rừng rú, ai cũng muốn có đời sống khá hơn, vậy ai cũng phải làm sao để chủ nghĩa tư bản có hiệu quả, không còn con đường nào khác. Chúng tôi phải tự cải thiện và tuân theo quy luật của thế giới... Chỉ có những người biết cạnh tranh mới tồn tại được. Hiện nay có thể phải cẩn đến một chính phủ đoàn kết quốc gia vì gánh nặng của mọi người thật là lớn".
Vài tháng sau đó tôi đến dự một buổi thuyết trình tại Washington của Anatoly Chubais, công trình sư của những cuộc cải cách kinh tế và tư nhân hóa của nước Nga mà nay đã thất bại. Chubais sang Hoa Kỳ để kêu gọi lần cuối cùng những trợ giúp tài chính của IMF sang Nga; trong khi đó hạ viện, Viện Duma của nước này, trong đó phần đông là các dân biểu cộng sản, tiếp tục tự sửa lại những điều kiện mà IMF đặt ra khi cho nước Nga vay tiền. Viện Duma thường chụp cho Chubais cái mũ phản quốc và tay sai của nước ngoài do việc ông ta thúc giục đất nước cải tổ sâu sát hơn về kinh tế và định hướng theo thị trường tự do. Tôi hỏi Chubais ông đáp lại những lời chỉ trích đó ra sao và ông trả lời: "OK", tôi nói với họ, "Chubais là một điệp viên của CIA và IMF. Nhưng quý vị có cách nào khác không? Các vị có sáng kiến gì mới không?" Với câu hỏi đó, Chubais nói, chưa bao giờ ông ta nhận được câu trả lời nào cho đàng hoàng vì những người cộng sản không nghĩ ra được điều gì khả dĩ hơn.
Vài tháng sau đó tôi sang Brazil. Ở đó tôi phỏng vấn Fabio Feldmann, một cựu Bộ trưởng Môi trường của vùng Sao Paulo, Dân biểu Quốc hội Brazil, lúc đó đang vận động tranh cử để trở lại vị trí cũ của ông ở Sao Paulo. Văn phòng của ông ta lúc đó có rất đông các nhân viên vận động tranh cử, đầy các bích chương khẩu hiệu. Feldmann là người cấp tiến. Tôi hỏi ông ta về bản chất của các tranh cãi chính trị ở nước này hiện tại là gì. Ông ta nói: "Những người cánh tả [duy ý chí] ở Brazil đang bế tắc. Thách thức đối với chính quyền liên bang là tìm thêm công ăn việc làm cho dân chúng. Quý vị phải đồng thời tạo ra và phân phối nguồn thu nhập trong dân chúng. Thế nhưng những người cánh tả đưa ra được chương trình gì mới? Không thấy họ đề nghị làm thế nào để tạo ra thu nhập, mà chỉ thấy họ muốn phân phối thu nhập ".
Những câu chuyện trên nói với chúng ta điều gì? Một khi ba quá trình dân chủ hóa đồng thời xuất hiện vào cuối những năm 80, thổi bay những bức tường, chúng cũng thổi bay những lựa chọn mang tính duy ý chí vốn dĩ được dùng để thay thế chủ nghĩa tư bản và thị trường tự do. Người ta nói đến những mô hình thay thế cho thị trường tự do và nhất thể hóa toàn cầu, người ta từng đòi hỏi phải có cải tổ, và rằng cần phải có "con đường thứ ba", nhưng giờ đây không thấy những điều đó là khả dĩ. Giờ đây ta thấy rõ sự phân biệt giữa trào lưu ngày nay so với công cuộc toàn cầu hóa lần thức nhất. Vào thế kỷ 19 cho tới đầu thế kỷ 20 khi cuộc cách mạng công nghiệp và tư bản tài chính hoành hành ở châu Âu và châu Mỹ, nhiều người đã bị sốc khi nghe về cái gọi là sự tàn bạo của chủ nghĩa Darwin và "những cối xay gió của quỷ Satan". Những thế lực đó phá vỡ những trật tự truyền thống, tăng rõ rệt khoảng cách giàu nghèo và dồn nén lên con người biết bao áp lực. Nhưng chúng cũng giúp tăng đến mức chóng mặt mức sống của một tầng lớp đã biết tận dụng thế mạnh của máy móc và công cụ tài chính. Thực tế lúc đó làm sản sinh ra nhiều tranh cãi và học thuyết, vì người ta muốn tạo những tấm đệm bảo vệ giới thợ thuyền trước những con quỷ tư bản và thị trường tự do. Như Karl Marx và Friedrich Engels đã miêu tả tình cảnh thời đó trong Tuyên Ngôn của Đảng Cộng Sản: "Cách mạng hóa thường xuyên trong sản xuất, động chạm thường xuyên tới điều kiện xã hội, xuất hiện bất ổn vĩnh viễn và sự gây rối, tất cả giúp phân biệt cho thấy những đặc điểm của giai cấp tư sản thời mới. Những quan hệ truyền thống với định kiến và tư duy cũ kỹ hay đáng tôn kính đều bị quét sạch. Những luồng tư duy mới vừa được sản sinh sẽ nhanh chóng mòn mỏi, thậm chí hóa thạch. Những gì trước đây vững chác nay bị nung chảy, những gì trước đây là thiêng liêng, nay bị tầm thường hóa, và con người đến lúc đã được đánh thức để nhận thức một cách thực tế hơn về giá trị cuộc sống và những mối quan hệ trong nhân loại".
Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc - cùng với sự rạn vỡ của những bức tường bảo vệ nó - những người xưa nay không thích thú gì với mô hình Darwin mà họ cho là tàn bạo, đã không đưa ra được bất cứ lý thuyết nào mới để thay thế cho lý thuyết thị trường tự do. Khi câu hỏi, "hệ thống nào ngày nay là hữu hiệu nhất trong việc tăng cường mức sống?" được đặt ra thì không thấy ai còn bàn cãi ra nữa. Vì câu trả lời duy nhất cho điều đó là: chủ nghĩa tư bản trên nền tảng thị trường tự do. Những hệ thống khác có lẽ đã hữu hiệu hơn trong việc phân chia công bằng và hợp lý hơn các nguồn tài sản, nhưng khi so sánh với chủ nghĩa tư bản cùng thị trường tự do, thì chúng hoàn toàn thất bại trong việc tạo dựng thêm các nguồn tài sản và thu nhập mới. Và đó là điều con người ta ngày càng thấu hiểu. Vậy nói theo cách duy lý thì ngày nay không còn sự phân biệt riêng rẽ giữa bánh chocolate hay kẹo dâu hay chanh yên hay chanh cốm. Ngày nay chỉ còn món kẹo vani mang tên thị trường tự do và Bắc Triều Tiên. Ngày nay món kẹo vani mang tên thị trường tự đo có nhiều loại, nhiều nhãn hiệu, tùy sở thích của bạn, và theo đó bạn vận dụng nhanh hay chậm mà thôi. Nhưng chung cuộc thì phải chăng bao giờ bạn cũng mong cuộc sống khấm khá hơn, mong một thế giới trong đó không còn rào cản, và như vậy, thị trường tự do chính là tư duy duy nhất hiện hữu. Một con đường. Nhiều tốc độ. Nhưng vẫn duy nhất chỉ một con đường.
Một khi đất nước của bạn nhận thức ra điều đó, khi nó nhận thức được các quy luật về thị trường tự do trong nền kinh tế toàn cầu ngày nay và quyết định tuân thủ, nó sẽ khoác lên mình một thức tôi tạm gọi là chiếc áo nịt vàng. Chiếc áo đó được dệt bằng loại sợi mang đặc điểm kinh tế và chính trị của thời đại toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa có chiếc áo nịt vàng. Nếu đất nước của bạn chưa có thì trước sau cũng sẽ phải may.
Chiếc áo nịt vàng xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1979 do Thủ tướng Anh Margaret Thatcher dệt. Bà sẽ đi vào lịch sử như một trong những nhà cách mạng của nửa cuối thế kỷ 20. Chiếc áo của Thatcher sau đó được Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan cải tiến trong những năm 80, dệt thêm cho nó những loại sợi mới bền hơn. Và chiếc áo phản ánh thời trang của sự kết thúc Chiến tranh Lạnh, một khi ba cuộc dân chủ hóa thổi bay những thứ thời trang khác và những hàng rào bảo hộ chúng. Những cuộc cách mạng do Thatcher và Reagan tạo dựng xuất hiện khi đa số dân chúng trong hai nền kinh tế chủ yếu của phương Tây (Anh và Mỹ) kết luận rằng sự chỉ đạo trực tiếp nền kinh tế của chính phủ không còn có thể đảm bảo tăng trưởng hữu hiệu nữa. Thatcher và Reagan đã kết hợp, vứt bỏ đi nhiều phần chủ chốt của quyền lực quản lý kinh tế trực tiếp của nhà nước thuộc trường phái Xã hội Lớn và nền kinh tế Keynes, và trao quyền quyết định cho thị trường tự do.
Để mang chiếc áo đó, một đất nước phải tuân theo, hoặc tỏ ra sẵn sàng tuân theo những luật lệ vàng sau đây: tăng cường khu vực tư nhân thành đầu tàu để tăng trưởng kinh tế, duy trì mức lạm phát thấp, duy trì giá cả ổn định và giảm biên chế, giảm nhẹ bộ máy quan liêu của nhà nước, cân đối ngân sách dẫu không duy trì được thặng dư, thủ tiêu hoặc giảm hàng rào nhập khẩu, bỏ bớt hạn chế đối với đầu tư nước ngoài, bỏ chế độ quota và độc quyền của các ngành nội địa, tăng xuất khẩu, tư nhân hóa khu vực kinh doanh của nhà nước, thả nổi thị trường tài chính, khiến đồng nội tệ được phép hoán chuyển thành ngoại tệ, mở cửa các ngành công nghiệp, thị trường chứng khoán và cổ phần cho nước ngoài sở hữu và đầu tư trực tiếp, thả nổi kinh tế nội địa cho phép cạnh tranh, xóa bỏ tham nhũng, móc ngoặc và bao cấp trong chính phủ, mở cửa hệ thống thông tin và ngân hàng cho khu vực tư nhân vào cạnh tranh và cho phép dân chúng của họ được tự do đầu tư với đồng tiền hưu bổng của họ ở trong nước cũng như ngoài nước. Tất cả những yếu tối trên dệt thành chiếc áo nịt vàng.
Hơi đáng tiếc là chiếc áo đó chỉ có một cỡ. Nên nó sẽ gây khó chịu đối với một số nhóm nhất định trong xã hội và khiến toàn bộ xã hội phải chịu áp lực thường xuyên giảm thiểu cơ cấu kinh tế và tăng hiệu quả hoạt động. Nó nhanh chóng bỏ rơi người ta nếu họ không mang áo, nhưng nó cũng nhanh chóng giúp con người theo kịp đà phát triển, nếu họ chịu đựng mang cho đúng cách. Người ta không còn có thể õng ẹo lựa chọn nên mặc áo cho đẹp, cho ấm hay cho vừa - thời trang năm nay chỉ còn có một chiếc áo đó thôi.
Một khi đất nước của bạn mặc chiếc áo đó lên người thì có hai điều có có khuynh hướng xảy ra: kinh tế tăng tiến và chính trị xẹp đi. Có nghĩa là về kinh tế, chiếc áo nịt vàng giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thu nhập bình quân trong dân chúng - thông qua thương mại, đầu tư nước ngoài, tư nhân hóa và việc sử dụng hữu hiệu hơn tài nguyên vật lực của đất nước trước bối cảnh cạnh tranh toàn cầu. Nhưng về mặt chính trị, chiếc áo này thu hẹp khả năng lựa chọn, hạn chế và kiểm soát về chính trị và hoạch định chính sách kinh tế của nhà cầm quyền. Chính vì thế ngày nay rất khó phân biệt được sự khác biết trong chính sách của chính phủ và phái đối lập đưa ra ở những quốc gia đã mặc chiếc áo nịt. Một khi mặc chiếc áo đó lên, chính phủ ở đất nước của bạn chỉ có thể lựa chọn giữa Pepsi và Coca Cola khi hoạch định về chính trị - có thể có chút ít khác biệt trong những khía cạnh nhỏ nhoi, hình thức, một chút đáp ứng truyền thống và văn hóa địa phương... nhưng không bao giờ họ đi ngược hay phủ định được các nguyên lý bằng vàng nói trên. Đối với các chính phủ dù có thuộc những người theo phái dân chủ hay cộng hòa, bảo thủ hay công đảng, phái de Gaulle hay chủ nghĩa xã hội, dân chủ thiên chúa giáo hay dân chủ xã hội - nếu họ không tuân thủ những nguyên tắc chung về quản lý thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ rút vốn và ra đi, lãi suất sẽ tăng và trị giá chứng khoán của đất nước sẽ sụt xuống. Các duy nhất để cử động trong chiếc áo nịt là làm thế nào cho nó giãn ra, và cách duy nhất làm nó giãn ra là người mặc phải lên cân, to béo hơn. Một khi kích cỡ người mặc lớn lên thì số vàng trên chiếc áo sẽ được sản ra nhiều hơn cho xã hội.
Quả nhiên những tranh cãi chính trị trong các quốc gia phát triển ngày nay đã và đang được gói gọn trong việc làn thế nào để chỉ đưa ra những điều chỉnh về tiểu tiết, tránh những cải tổ lớn. Về kinh tế, giữa quan điểm của Bill Clinton và của đối thủ Bob Dole trong cuộc tranh cử năm 1996, thì sự khác nhau thực sự nằm ở đâu? Không thấy. Clinton nói đại thể: "Chúng ta đang phải mặc chiếc áo nịt vàng, nhưng tôi có một cách giúp chúng ta vá thêm một miếng vào khuỷu tay và nới ở vùng bụng chút ít". Bob Dole thì nói: "Không, không, quý vị không thể nới ở vùng bụng được, giữ cho chặt bụng và thắt chặt thêm ở khuỷu ta". Nói gì thì nói những họ chỉ bàn về cùng một chiếc áo mà cả hai đều không ai không muốn thay thế - và không chỉ có hai vị này làm như vậy. Năm 1997, khi tranh cử chức Thủ tướng Anh, ông Tony Blair cam kết, "Chúng tôi sẽ tiếp tục mặc chiếc áo nịt vàng tương tự như phái bảo thủ, nhưng chúng tôi sẽ đắp thêm vào vùng vai và ngực". Đối thủ của Blair lúc đó là John major dường như đã đáp lại, "Đừng có động đến sợi tơ nào trên chiếc áo đó. Margaret Thatcher đã may nó chật như vậy thì, lạy Chúa, cứ để thế mà mặc". Chính vì thế Paddy Ashdown, thủ lĩnh đảng Tự do của nước Anh khi quan sát Blair và Major hồi năm 1997 và lắng nghe cương lĩnh của cả hai vị đã phát biểu rằng thực ra chính sách của cả hai nên không khác biệt nhau là mấy. Ashdown nói Blair và major lúc đó đang tham gia "bơi đồng diễn nghệ thuật".
Trong thời điểm mà các bức tường sụp đổ và chiếc áo nịt vàng trở thành thời trang, đi khắp thế giới tôi đã chứng kiến nhiều những cuộc bơi đồng diễn như vậy. Trước cuộc tuyển cử năm 1998 ở Đức, trong đó Gerhard Schroeder thuộc đảng Dân chủ Xã hội đánh bại Helmut Kohl thuộc Dân chủ Thiên chúa giáo, hãng thông tấn AP đã trích lời Karl-Josef Meiers thuộc Hiệp hội Đối ngoại của Đức nói về hai đối thủ trên: "Quý vị có thể quên đi những nhãn hiệu Tả hay Hữu. Cả hai đều ngồi cùng một chuyến đó thôi".
Lee Hong Koo được chứng kiến tậm mắt chiếc áo nịt vàng khi ông ta đảm đương cương vị Thủ tướng Hàn Quốc khoảng giữa thập niên 90. "Ngày xưa, chúng tôi từng nói, "Lịch sử phán xét điều này điều kia", Lee nói, "giờ đây chúng ta nói "những thế lực thị trường" phán xét và người ta sẽ phải sống và ứng phó với những thế lực đó. Cần có thời gian thì chúng ta mới hiểu. Chúng tôi ban đầu đã không nhận thấy rằng trong kết cục của Chiến tranh Lạnh, thế lực của thị trường đã lên ngôi, đứng trên chính trị. Những vấn đề lớn ngày nay là phải chăng bạn đã có dân chủ, và, phải chăng bạn đã có một nền kinh tế mở chưa? Đó là những câu hỏi lớn. Một khi bạn đã lựa chọn, thì nền chính trị chỉ còn là một điều chỉnh chính trị trong một quỹ đạo khá hạn hẹp trong hệ thống". Lee vốn dĩ trưởng thành trong Đảng Quốc gia của Hàn Quốc cầm quyền qua nhiều năm. Nhưng sau khi kinh tế Hàn Quốc đổ vỡ vào thời điểm 1997-1998 thì đất nước này nhận thấy họ cần phải mặc áo nịt thật sát nữa nếu họ vẫn còn muốn tiếp tục phát triển và thu hút đầu tư nước ngoài, Dân chúng Hàn Quốc đã dẹp đi những loại chính trị gia cổ lỗ và bầu Kim Dae Jung, một nhân vật theo đảng Tự do, suốt đời bênh vực nhân quyền, lên làm Tổng thống. Nhưng chính Kim đã đề xuất Lee sang làm Đại sứ của Hàn Quốc ở Washington. Lee nói với tôi: " Trong quá khư là gì có chuyện một người như bản thân tôi, vốn là ứng viên tổng thống rồi là thủ tướng và thủ lĩnh của đảng đối lập với chính phủ mới lại được chính người đứng đầu chính phủ mới, thuộc một đảng khác, tín nhiệm mời làm đại sứ ở Washington. Tuy nhiên trong tình hình hiện tại, khi mà Hàn Quốc đang muốn vượt khỏi cơn khủng hoảng kinh tế hiện nay, sự khác biệt về quan điểm của tôi và của Tổng thống Kim không còn mấy ý nghĩa. Chúng tôi không có nhiều lựa chọn". Thế đấy, người Hàn nói "cùng hội cùng thuyền", hay, "bơi đồng diễn" bằng tiếng Hàn như thế nào nhỉ?
Manmohan Singh giữ chức Bộ trưởng Tài chính của Ấn Độ vào năm 1991, khi đất nước này xóa bỏ nền kinh tế chỉ huy, đông cứng kéo dài hàng chục năm, và tự khoác lên chiếc áo nịt vàng. Trong văn phòng của ông ta ở Quốc hội Ấn Độ, năm 1998, Singh kể với tôi cảm giác bất lực của ông khi đất nước bắt đầu đi theo con đường này.
"Chúng tôi được biết rằng sẽ có những lợi điểm khi đất nước được vào khai thác các thị trường tài chính trên thế giới, nhưng khả năng kiểm soát và phân phối của chính phủ sẽ giảm, nếu chúng tôi tiếp tục mở cửa ra bên ngoài. Nếu bạn hoạt động trong một thị trường toàn cầu hóa thì bạn sẽ phải hiểu biết và cọ xát với tính cách của các thế lực khác cùng tham gia trong cuộc chơi - dù bạn có cho rằng người ta đúng hay sai. Bạn sẽ phải trau dồi những hiểu biết đó và sử dụng nhuần nhuyễn trong quá trình vạch chính sách cho riêng bạn... Chúng ta ở trong một thế giới mà số phận của ai ai cũng liên hệ với nhau, nhưng những lo lắng và mong đợi của Ấn Độ chưa được ai đếm xỉa tới. Đó chính là điều khiến mọi người khắc khoải. Nếu bạn thực thi một chính sách hối đoái hay chính sách tiền tệ thì những chính sách của bạn chỉ là một phần tiểu tiết của những gì Alan Greenspan quyết định. Điều đó làm giảm quyền tự do của bạn, thậm chí giảm khả năng tự quyết về tài chính. Trong một thế giới mà tiền vốn lưu hành rộng rãi trên phạm vi quốc tế thì bạn không thể quyết định mức thuế một cách riêng rẽ, khác biệt với mức thuế của các nước khác. Và một khi nhân công cũng trở nên di dộng trên phạm vi toàn cầu thì bạn không thể tự quyết riêng rẽ về mức lương và thưởng của họ. Toàn cầu hóa đã giảm khả năng tự quyết của các chính phù. Tôi có một người bạn ở nước láng giềng, cũng là bộ trưởng tài chính. Cái ngày ông ta được bổ nhiệm, tôi có gọi để chúc mừng. Nhưng ông ta trả lời "Đừng có mừng cho tôi. Tôi chỉ là một nửa ông bộ trưởng. Nửa kia nằm ở Washington".
Không phải nước nào cũng mang hết chiếc áo nịt lên mình - một số nước mặc nửa chừng (Ấn Độ và Ai Cập). Một số khác mặc lên rồi lại cởi ra °Malaysia và Nga). Một số nước sửa lại chiếc áo cho hợp với bản sắc văn hóa của họ và cởi bớt một số nút (Đức, Nhật Bản và Pháp). Một số nước cho rằng họ có thể cưỡng lại sức nịt chặt của áo khi họ sở hữu những nguồn tài nguyên như dầu lửa chẳng hạn (Inran và Ảrập Xê-út). Một số nước khác rất nghèo và bị cô lập, nơi chính phủ còn có thể buộc dân chúng của họ chịu khổ - họ không mặc cho dân tấm áo nịt vàng, mà chỉ khoác cho họ tấm áo nịt cũ kỹ đơn sơ (Bắc Triều Tiên, Cuba, Sudan và Afghanistan). Nhưng thời gian sẽ trôi đi và áo nịt vàng sẽ dần trở thành điều không thể thiếu đối với bất cứ nước nào.
Thông thường khi tôi nói điều đó với những người dân không phải là người Mỹ, họ thường phản ứng như sau: "Đừng có dạy chúng tôi mặc áo nịt và kết nối vào thị trường toàn cầu. Chúng tôi có văn hóa riêng, giá trị riêng và chúng tôi phát triển kiểu cách và tốc độ riêng. Lý thuyết của anh qua là áp đặt. Tại sao chúng ta lại không cùng ngồi lại với nhau để cùng nhất trí về một mô hình khác, thoải mái hơn?"
Toi xin đáp lại: "Tôi không nói rằng bạn buộc phải mặc chiếc áo đó. Và nếu truyền thống văn hóa và xã hội của bạn đi ngược lại những giá trị là thuộc tính của chiếc áo đó thì tôi xin được hoàn toàn thông cảm. Nhưng tôi xin tuyên bố điều này: Trong hệ thống thị trường toàn cầu ngày nay, thế giới phát triển nhanh và chiếc áo nịt vàng chính là sản phẩm của nhiều thế lực trong lịch sử và về cơ bản đã được cải tổ toàn bộ phương pháp chúng ta dùng để liên lạc, để đầu tư và xây dựng tầm nhìn vào thế giới. Nếu muốn đi ngược lại, điều đó tuỳ ở bạn và vĩnh viễn là việc của bạn. Nhưng nếu bạn nghĩ là có thể đi ngược lại với những trào lưu như hiện nay mà không bị trả một giá càng ngày càng đắt hơn, không phải tự dựng lên những hàng rào ngày càng cao hơn để tự bảo vệ, tự cô lập - thì bạn đã nhầm".
Vì sao: Những trào lưu dân chủ hóa tài chính, công nghệ và thông tin không những đã thổi bay những bức tường bảo vệ những trường phái khác - thổi bay sách đỏ của Mao, những nhà nước phúc lợi phương Tây kiểu cũ và những chế độ tư bản cánh hẩu ở Đông Nam Á. Ba trào lưu dân chủ hóa đó đồng thời mở đường cho một lực lượng mới ra đời trên thế giới - tôi gọi đó là một Bầy Thú Điện Tử.
Bầy thú Điện tử gồm những tay môi giới và buôn chứng khoán, cổ phiếu và các loại tiền tệ trên khắp thế giới. Họ ngồi trước các màn hình máy vi tính, chuyển tiền bằng điện tử qua nhiều thứ quỹ hỗ tương và và quỹ hưu trí vào các thị trường tài chính mới nổi. Từ tầng hầm các chung cư, nơi họ ngụ cư, các vị này mua bán chứng khoán thông qua Internet. Trong bầy thú còn có cácn công ty xuyên quốc gia, hiện đang phân tán các nhà máy của họ trên khắp thế giới, tìm tòi để sử dụng các loại tài nguyên và nguồn nhân lực rẻ nhất. Bầy thú này lớn rất nhanh, tận dụng thành quả của trào lưu dân chủ hóa tài chính, thông tin và công nghệ - đến mức, ngày nay chúng thay thế dần dần chức năng của các chính phủ trong việc chu cấp vốn đầu tư cho các công ty và các quốc gia. Trên thực tế một khi các quốc gia ngày càng bị buộc phải mặc chiếc áo nịt vàng để cân đối ngân sách, thì nền kinh tế của họ ngày càng bị phụ thuộc vào khả năng cấp vốn của Bầy Thú Điện Tử. Vậy thì để phát triển bền vững, mỗi quốc gia ngày nay không những phải thắt lưng buộc bụng nhưng vừa phải nhập vào bầy thú này. Bầy thú rất khoái chiếc áo nịt vàng, vì chiếc áo này giúp sản sinh ra những luật lệ tự do và thị trường tự do mà chúng rất muốn thấy tồn tại ở mỗi nước. Những nước đã tự giác mặc chiếc áo đó thường được bầy thú thưởng cho những khoản vốn đầu tư lớn. Những nước này không chấp nhận thì thường bị bầy thú này tránh xa hoặc rút hết tiền đầu tư của chúng về.
Những tổ chức kiểm định mức khả tín về tài chính như Investors Service của Moody, Duff & Phelps Credit rating Co., và Standard & Poor's (S&P) chính là những tay chân, là nguồn nuôi dưỡng bầy thú điện tử. Những tay chân đó qua lại khắp trên thế giới, mở những cuộc thăm dò ở mỗi quốc gia. Chúng sẽ lên tiếng ầm ĩ, cảnh báo cho bầy thú mỗi khi có một quốc gia cởi bỏ chiếc áo nịt vàng (nhưng nhiều khi Moody's và S&P bị đánh lạc hướng hoặc bị mê mẩn, không kịp báo động cho các nhà đầu tư, như trong trường hợp Đông Nam Á vừa qua).
Quan hệ tương hỗ giữa Bầy Thú Điện Tử, các quốc gia và chiếc áo nịt vàng chính là cốt lõi của cơ chế toàn cầu hóa hiện nay. Tôi nhận thức ra điều này vào tháng 2 năm 1995, trước chuyến thăm của Tổng thống Clinton sang Canada. Lúc đó tôi làm việc ở nhóm phóng viên Nhà Trắng và để chuẩn bị viết về chuyến đi của Tổng thống, tôi tìm tòi trong số các bài báo trên tờ Financial Times và các tờ khác xem người Canada bình luận điều gì về Clinton, con người được mệnh danh là "Sứ giả của hy vọng". Tôi ngạc nhiên vì không thấy họ nói nhiều đến vị Tổng thống, thay vào đó báo chí bình luận rằng chuyến đi này được một "Sứ giả của hãng Moody;s dàn dựng. Lúc đó, Quốc hội Canada đang bàn bạc về ngân sách nhà nước, và một nhóm công tác của hãng Moody's đã sang thăm Ottawa và cảnh báo Bộ Tài chính và các nhà lập pháp của nước này. Họ nói nếu Canada không giữ được tỷ lệ thâm hụt ngân sách đối với GDP trong tiêu chuẩn quốc tế, thì Moody's sẽ hạ mức khả tín về tài chính của Canada vốn đang là hạng cao nhất AAA, khiến cho chính phủ và bất cứ công ty nào của Canada đều phải chị lãi suất cao hơn mỗi khi mượn tiền từ nước ngoài. Nêu rõ về điều này, Bộ trưởng Tài chính của Canada đưa ra một tuyên bố: "Quy mô nợ nước ngoài của Canada so với quy mô của nền kinh tế cho thấy Canada trở nên dễ bị tổn thương hơn trên thị trường tài chính toàn cầu. Chúng ta đang chịu những mất mát trên phương diện toàn vẹn về kinh tế". Nhằm vào những người dân Canada còn chưa hiểu rõ vấn đề, Bộ trưởng Tài chính Paul Martin tuyên bố mạnh mẽ hơn: "Chúng ta đang chịu nợ ngập đến cổ rồi". Thực ra Canada không quan tâm nhiều đến vị "sứ giả hy vọng", chính những "sứ giả của Moody's", và Bầy Thú Điện Tử đang được họ chú ý hơn hết.
Bầy thú này từ đâu đến và làm sao chúng lớn nhanh, chóng khỏe như vậy, đến mức đe dọa các quốc gia độc lập ở mức tương tự như các siêu cường thời trước?