Dịch giả: Lê Minh
Chương 9
CÁCH MẠNG TOÀN CẦU

Câu chuyện thứ nhất: Mùa đông 1998 tôi đến phỏng vấn Thủ tướng Thái Lan, ông Chuan Leekpai. Nửa đùa nửa thật tôi bắt đầu cuộc phỏng vấn bằng cách nhìn ông ta ở đầu bàn bên kia và nói: "Thưa ông Thủ tướng, tôi xin thú thật một điều. Tôi là người đã giúp vào việc lật đổ người tiền nhiệm của ông - nhưng thậm chí tôi cũng không biết tên ông ta là gì. Lúc đó tôi ngồi trong tầng hầm nhà tôi, theo dõi trên màn hình thấy giá trị đồng baht Thái Lan đang tụt xuống (và cũng theo dõi người tiền nhiệm của ông mất dần khả năng quản lý kinh tế Thái Lan). Vậy là tôi gọi điện cho hãng môi giới tài chính, nói họ rút tiền đầu tư của tôi ra khỏi các thị trường mới nổi ở Á châu. Giờ đây tôi cũng có thể bán bản thân ông, thông qua Internet, nhưng tôi đã tham vấn công ty môi giới tài chính. Dường như tình thế giờ đây cho thấy một đô-la một lá phiếu, thưa Thủ tướng. Ông nghĩ thế nào về việc bản thân Tom Friedman là một cử tri của mình?"
Vị Thủ tướng cười, nhưng ông ấy biết ý tôi muốn nói gì: tham gia nền kinh tế toàn cầu và kết nối với Bầy Thú Điện Tử tương tự như chuyện niêm yết đất nước bạn lên thị trường chứng khoán. Tương tự như việc chuyển đất nước của bạn thành công ty cổ phần chỉ có điều cổ đông bây giờ không chỉ là công dân nước bạn. Họ là thành viên của Bầy Thú Điện Tử, cho dù họ đang sống ở đâu. Và như tôi đã nói trước đây, họ không chỉ bốn năm mới đi bỏ phiếu một lần. Họ bỏ phiếu hàng ngày hàng giờ qua quỹ tương hộ, quỹ hưu trí, qua người môi giới và ngày càng trực tiếp hơn, qua mạng Internet.
Câu chuyện thứ hai: Mùa thu 1997, tôi sang Moskva cùng một đoàn doanh nhân và học giả người Mỹ. Trong nhóm của chúng tôi có Donald Rice, cựu Giám đốc sản xuất của Teledyne, một tập đoàn kỹ thuật cao của Mỹ, nay đứng đầu một hãng công nghệ sinh học. Trong chuyến đi có lần Rice kể với tôi rằng ông ta đã bàn bạc về các cơ hội làm ăn với một thương nhân người Nga, người có mong muốn tìm một đối tác công ty Mỹ. Rice là một thương gia dày dạn kinh nghiệm, trước khi bàn tiếp, ông ta hỏi vị thương nhân người Nga một câu đơn giản: " Anh đã nộp thuế chưa?" Người Nga này lúng túng, trả lời rằng cũng không hẳn. Xin lỗi, Rice đã nói với anh ta, vì nếu anh không nộp thuế thì không có cách nào có thể hợp tác, vì công ty của Rice là công ty hùn vốn từ dân chúng, nếu một trong những đối tác chi nhánh của công ty trốn thuế, thì điều đó sẽ bị ghi lại trong sổ sách của công ty trong mùa kiểm toàn hàng năm. Vậy thì thương nhân người Nga giờ đây chỉ có duy nhất một lựa chọn. Anh ta có thể là một công dân tồi ở nước Nga, tiếp tục trốn thuế và làm ăn một mình, hoặc anh ta sẽ trở thành một công dân tốt nộp thuế và trở thành đối tác của một tập đoàn hùng mạnh, kỹ thuật cao, của Hoa Kỳ. Ngày kết nối với Bầy Thú Điện Tử, thì các quốc gia càng có thêm cơ hội để lựa chọn, như đối với thương nhân người Nga nọ - hợp tác với bầythú, tuân thủ các điều kiện của chúng, hoặc cứ tự nhiên làm ăn đơn lẻ và chấp nhận tình thế là các nguồn vốn của họ sẽ cạn dần, hết dần khả năng tiếp cận kỹ thuật và khiến mức sống của dân chúng ở đó đi xuống.
Hai câu chuyện trên minh họa rõ ràng những ảnh hưởng chồng chéo mà toàn cầu hóa gây ra đối với quá trình dân chủ hóa. Nói chung, Bầy Thú Điện Tử sẽ buộc các nước kết nối phải lắp đặt các phần mềm và hệ điều hành mới, dựng lên nền móng của các chế độ dân chủ. Đồng thời, bầy thú và những siêu thị tài chính nhanh chóng trở thành hai trong số các thế lực lớn nhất trên thế giới có khả năng can thiệp và đe dọa mạnh mẽ các quốc gia. Chúng tạo cho dân chúng một cảm giác rằng bất cứ nền dân chủ nào họ có được trong nước, bất cứ lựa chọn nào họ thực hiện trong các cuộc tuyển cử địa phương hay toàn quốc, bất cứ thế lực nào được cho rằng đang kiểm soát xã hội của họ - tất cả (những yếu tố đó) chỉ là ảo tưởng - lực lượng tối hậu quyết định đời sống chính trị của họ chính là Bầy Thú Điện Tử cùng các siêu thị tài chính rộng lớn, vô hình và được điều khiển từ xa.
Nghịch lý của toàn cầu hóa cho thấy viễn cảnh một ngày nào đó bầy thú sẽ tiến vào tỉnh lỵ của bạn, súng trong tay, đò cho được một nền pháp quyền, rồi đến hôm sau chứng lừng lững ra đi, giống như trong phim King Kong, đè bẹp những ai vướng mắc trên đường di chuyển. Một ngaỳ nào đó chúng cư xử như thời năm 1776, rồi sang hôm sau, chúng thay đổi thái độ như thời 1984. Xin giải thích cho bạn vì sao chúng có thể đồng thời làm được cả hai việc cùng một lúc.
Tôi xin gọi quá trình trong đó bầy thú giúp xây dựng những nền móng của dân chủ với cái tên "cuộc cách mạng từ phía trên", hay "cách mạng toàn cầu". Lần đầu tiên tôi phát hiện ra cách mạng toàn cầu là trong một chuyến sang Indonesia năm 1997 khi thời đại Suharto đang dần lụi tàn. Dùng cơm tối với Wimar Witoelar, người dẫn một chương trình truyền hình Jakarta được đông đảo ưa thích, anh ta kể cho tôi về thế hệ trẻ trong giới trung lưu của Indonesia. Anh nhận xét rằng phần đông những thanh niên từ 20-30 tuổi được giáo dục chu đáo trong giới thượng lưu đều chia sẻ ước mơ làm giàu, nhưng tránh không bị tham nhũng; họ muốn có dân chủ, nhưng không muốn xuống đường tranh đấu vì dân chủ. Thế hệ đó hiểu rằng trong thời Suharto sẽ không thể có một cuộc cách mạng dân chủ được trên ban xuống, nhưng họ hoảng sợ trước khả năng một cuộc cách mạng dân chủ từ dưới lên, vì nếu dân nghèo thành thị đứng dậy thì đời sống sẽ bị phá vỡ, trê nên nguy hiểm. Vậy thì chiến lược thời nay là cần có một cuộc các mạng từ trên cao, một thứ cách mạng toàn cầu. Chiến lược đó chọ phép họ làm tất cả những gì cần thiết, vô tình hay hữu ý, để hội nhập Indonesia vào hệ thống toàn cầu. Họ hy vọng nếu trói buộc Indonesia vào những định chế và thị trường toàn cầu - như Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, Pizza Hut, APEC, ASEAN, Merrill Lynch, PricewaterhouseCooper hay những tổ chức phi chính phủ [NGO] - họ có thể nhập khẩu từ những tầm cao đó những tiêu chí và những hệ thống trên nền pháp lý mà cả chính phủ lẫn dân chúng ở Indonesia đều không tài nào sáng lập ra.
Chẳng hạn, báo chí Indonesia đã không thể trực tiếp chỉ trích chế độ Suharto về nạn con ông cháu cha thay vào đó, họ hăm hở đăng tải tin nói rằng Hoa Kỳ và Nhật Bản đã đưa Indonesia ra tòa án WTO để phê phán nhà máy quốc doanh sản xuất xe hơi của nước này - nhà máy lúc đó nằm dưới quyền của ông con trai của Tổng thống và được bảo hộ thuế quan, vi phạm các điều kiện của WTO. Chiến lược của các nhà cách mạng toàn cầu, nói tóm lại, là thu nhỏ chế độ Suharto bằng cách phóng đại, toàn cầu hóa toàn thể xã hội Indonesia. Nhà phân tích quân sự người Indonesia Juwono Sudarsono miêu tả cách mạng toàn cầu trong đó "thị trường toàn cầu sẽ áp đặt lên chúng tôi những tiêu chí và kỷ luật kinh doanh mà không đời nào chúng tôi có thể tự thiết lập". Một nhà cải tổ người Indonesia khác nói điều đó một cách đơn giản hơn. Ông ta nói ông ta cùng con trai ông trả thù Suharto mỗi tuần một lần "bằng cách đến ăn ở tiệm McDonald's".
Thông thường thì cơ quan hoạch định chính sách đối ngoại theo lối truyền thống, thuộcphái cực tả hay cực hữu, thường coi nhẹ sức mạnh của Bầy Thú Điện Tử và của toàn cầu hóa trong việc thúc đẩy dân chủ hóa. Michael Mandelbaum, một chuyên viên về chính sách đối ngoại thuộc Đại học John Hopkins cho biết: "Chúng ta vẫn còn sống với hình ảnh của các cuộc cách mạng năm 1776, 1789, 1917, và 1989, mọi người vẫn cho rằng dân chủ chỉ có thể có được khi dân chúng nổi dậy đạp đổ một chính phủ tham nhũng nào đó. Chẳng hạn những người Minutemen nổi lên ở Lexington, những đám đông Paris đạp cửa ngục Bastille, Công đoàn Đoàn kết ở Ba Lan, hay Sức mạnh của dân chúng ở Philippines. Như vậy, khi nói đến dân chủ hóa, chưa ai tưởng tượng ra cái cảnh một thương gia nước ngoài đến và nói với chính phủ của chúng ta rằng ông ta không kiếm ra đủ tiền để tạo công ăn việc làm cho các công dân của đất nước nếu chính phủ không thiết lập các điều khoản bảo hộ cho luật pháp, tuân thủ các tiêu chuẩn kế toán quốc tế và thực hiện minh bạch hóa."
Việc Hoa Kỳ không thường xuyên thúc ép Trung Quốc phải dân chủ hóa, hay dân chúng Trung Quốc không nổi dậy hàng ngày để đòi phải được tham gia viết bài cho tạp chí Phố Wall châu Á không có nghĩa là mầm mống của một quá trình dân chủ hóa chưa được thai nghén ở Trung Quốc. Chúng ta quen nhìn dân chủ hóa như một sự kiện - giống như hình ảnh bức tường Berlin sụp đổ - nhưng thực ra dân chủ hóa là cả một quá trình.
Tất nhiên để quá trình đó thành công với sự ra đời của một nền dân chủ tự do, ngoài sức mạnh từ thị trường nó cần được nhiều thế lực khác tiếp sức, Larry diamond, đồng Tổng biên tập của tạp chí Dân chủ, một trong những học giả nghiên cứu sâu các khuynh hướng dân chủ hóa trên thế giới, nói như vậy. Bầy Thú Điện Tử là một lực lượng cần, như chưa đủ. "Điều quan trọng là Chính phủ Hoa Kỳ phải lên tiếng, thường xuyên và thúc bách, bênh vực dân chủ hóa", ông nói tiếp. "Điều quan trọng là Liện Hiệp châu Âu và Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc [UNDP], và những mạng lưới ngày càng rộng mở của các tổ chức phi chính phủ theo dõi và xúc tiến nhân quyền và các sáng kiến dân chủ hóa trong các khu vực kinh tế mới trỗi dậy. Điều quan trọng là quá trình toàn cầu hóa về thông tin sẽ cho người ta hiểu biết nhiều hơn về cảnh sống của đồng loại của họ. Điều quan trọng là phát triển kinh tế ở các nước đang tạo ra những tầng lớp trung lưu, những người tiếp tục đòi hỏi để được đóng góp vào việc hoạch định chính sách và đa nguyên về chính trị. Không phải ngẫu nhiên mà mỗi một quốc gia có mức thu nhập bình quân đầu người trên 15.000 đô-la đều là một nước dân chủ tự do, trừ Singapore, hiện đang là một chế độ hạn hẹp trong một thành phố, nhưng chính nó, hầu như chắc chắn sẽ trở thành dân chủ một khi có sự thay đổi về thế hệ. Điều quan trọng là sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc không còn một mô hình nào khác, ngoài mô hình dân chủ tự do".
Bạn cần phải làm cho những yếu tố kể trên cùng kết hợp.
Luận điểm đơn giản của tôi là trong số các động lực do Diamond liệt kê ở trên, bầy thú và các siêu thị tài chính có thể là những động lực quan trọng nhất trong thời toàn cầu hóa, để thúc đẩy dân chủ hóa. Lý do là bầy thú có khả năng vượt rào, vào sâu bên trong hệ thống chính phủ và điều hành của đất nước, những nơi mà các chính phủ nước ngoài và các tổ chức nhân quền không thể tiếp cận. Bầy thú có thể tăng áp lực và khó có chínhphủ nào chống lại chúng được. Bầy thú làm như thế cũng vì lợi ích của bản thân chúng và khiến cho các chính phủ và các bên hữu quan nhận rõ rằng làm như vậy cũng là vì lợi ích của chính họ.
Bầy thú vượt rào vào các quốc gia không chỉ để tuyên truyền dân chủ. Không phải vậy. Chúng coi trọng tính ổn định, khả năng xét đoán tương lai, sự minh bạch và khả năng di chuyển và bảo vệ tài sản cá nhân khỏi bị tịch biên hay rơi vào tay tội phạm. Và để đảm bảo những điều kiện trên, bầy thú cần các nước đang phát triển cài đặt các phần mềm và hệ điều hành - những thành phần cấu tạo nên dân chủ. Trong thế giới ngày nay bạn không thể đi từ Mao sang Merrill Lynch mà thiếu những con người như Madison. Hãy xem xét một cách chi tiết về cách thức làm thế nào mà bầy thú có thể áp đặt những thành phần của một nền dân chủ.
TÍNH MINH BẠCH
Tạp chí Phố Wall cho biết khi các quan chức tài chính của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và 11 quốc gia Á châu gặp nhau ở Malaysia hồi tháng 11 năm 1997, họ thấy Ngân hàng Trung ương Malaysia đã cho dựng một tấm bảng thông tin, cái loại mà bạn có thể thấy ở các sân bóng đá giải NBA. Trên tấm bảng đó, người Malaysia cho các vị khách quan sát sự hoạt động của dự trữ tiền tệ của nước này, chứng minh là kinh tế của họ làm ăn không đến nỗi tồi.
Không phải nước nào cũng đã làm như vậy - dựng những tấm bảng chỉ số kinh tế ở cửa khẩu sân bay - hay có lẽ họ sẽ làm được điều đó trong tương lai. Bầy thú trong những năm gần đây, đã biết cách đòi hỏi cho được, thường làm theo cách làm dữ, tính minh bạch trong báo cáo tài chính của các nước. Những nước có móc nối với bầy thú dần dần cũng nhận thức, cũng theo cách trả giá đắt rằng nếu họ càng chuẩn bị chu đáo, cung cấp đầy đủ thông tin về giao dịch tài chính, thì sẽ giảm đi khả năng khiến cho bầy thú phật lòng, phản ứng đột ngột và kéo nhau rút ra.
Bạn hãy coi Bầy Thú Điện Tử như một đàn linh dương đang tìm ăn ở một đồng cỏ châu Phi vậy. Khi còn đầu đàn phát hiện một vật di chuyển trong bụi cây gần đó thì nó sẽ không thầm thì với con linh dương bên cạnh, "Này, tao thấyhình như có con sư tử đang lẩn quất trong bụi cây." Không có chuyện như vậy. Con linh dương đó sẽ lồng lên chạy, khiến cả đàn lao theo, và nó cũng sẽ không chạy một đoạn ngắn rồi dừng lại. Chúng sẽ chạy thẳng qua biên giới, sang một nước bên cạnh và sẽ đè bẹp tất cả những sinh vật nhỏ nhoi trên đường di chuyển. Vậy thì làm thế nào để bạn có thể đề phòng đất nước của bạn khoỉ những tai họa như vậy? Trả lời: Bạt cắt bớt bụi rậm đi, làm cho lối đi quang quẻ, để lần sau, khi bầy linh dương nhìn thấy những vật gì lay động chúng sẽ nghĩ: "Không sao đâu. Ta thấy nó rồi. Chẳng qua là một con thỏ thôi". Hay nếy thực sự có sư tử đến thì bầy thú có thể thấy nó từ xa, và di chuyển sang một nơi khác trong đội ngũ và không giày xéo lung tung cả một vùng rộng lớn. Hoặc, nếu có cơ hội, bầy thú sẽ tự tổ chức thành một đội hình thiện chiến, khiến cho sư tử phải hoảng sợ mà bỏ chạy. Tính minh bạch ở đây cho phép bầy thú có được thông tin sớm hơn, để có làm điều gì tự vệ, chúng sẽ làm một cách có kỷ luật. Trong thế giới tài chính, điều này hàm ý sự khác biệt giữa xuống giá chút ít và bị sụt giá đến mức phải mất hàng tháng hay hàng năm mới hồi phục được.
Khi kinh tế của Hàn Quốc gặp khó khăn vào tháng 12 năm 1997, nước này công bố là dự trữ tiền tệ là ở mức 30 tỷ đô-la, nhưng trong thực tế họ chỉ có 10 tỷ đô-la. Và khi bầy thú phát hiện ra điều đó, thì chúng bỏ chạy. Cũng trong thời gian đó Chính phủ Seoul nói với IMF rằng toàn bộ vốn vay ngắn hạn từ nước ngoài là 50 tỷ đô-la. Nhưng một tuần sau đó họ nói lại, con số thực tế là 100 tỷ đô-la. Ối giời!
Sự thiếu minh bạch kiểu đó, như lời Richard Medley, một chuyên viên phân tích mức mạo hiểm chính trị cho các công ty tài chính, đã tạo ra những cơn hỗn loạn tồi tệ nhất. Thiếu minh bạch, ông ta nói, "chính là yếu tố tạo ra nhan nhản những người mang ảo tưởng cũng như đầu óc bi quan". Hãy nhìn Thái Lan, Hàn Quốc hay Nga trong đầu thập niên 90. Khi còn vàng son, sự thiếu minh bạch trong các nền kinh tế đó đã tạo ra một hạng người ảo tưởng, thổi lên những bong bóng, khiến người ta dồn tiền vào những nơi này, tin rằng họ có thê 3thu lãi năm sau cao như năm trước. Mặc dù những khoản tiền đầu tiên được sử dụng đúng đắn vào các nhà máy có lãi, những khoản tiền sau đó đã được dồn vào những khu du lịch hoang phí và những cơ sở không thuộc nhu cầu. "Bạn không thể có những phân tích đúng đắn khi phải làm việc trong những hệ thống thiếu minh bạch", Medley nói. "Khi [bầy thú] bị nhiễm những ảo tưởng lạc quan ở đất nước của bạn, chúng sẽ thi nhau đấu giá, kích giá lên cao chót vót. Những người có ảo tưởng lạc quan sẽ khuyên, "nhắm mắt vào mà mua, và chắc chắn, nhảy xuống cái bể đó bạn sẽ được an toàn vì trong bể có nước". Tai họa là ở chỗ đó. Sự thiếu minh bạch khiến cho những người ảo tưởng tiếp tục kích giá, phóng đại tiềm năng. Rồi đến khi chúc đầu nhảy xuống thì tất cả những cơn mộng mơ về dự trữ ngoại tệ và mức lãi dự phóng, hết thảy đều sụp đổ".
Bạn đi từ chỗ tin tất cả đến chỗ không còn tin gì. Những kẻ vỡ mộng trở nên hoảng loạn - anh ta ngờ rằng giờ đây khắp mọi nơi, đâu đâu cũng tiền ẩn những khoản nợ xấu, những khoản nợ không có trên sổ sách. Trong mỗi đàn thú đều có những loại cả tin và loại đa nghi, và nếu tai họa xảy ra thì cơn lồng lộn của bầy thú sẽ bị những con thú đó làm cho tồi tệ hơn.
Bầy Thú Điện Tử đã dạy bài học đó cho nhiều quốc gia trong những năm gần đây. Ngày nay, Bộ Tài Chính của Hàn Quốc gửi một email một ngày đến cho các nhà đầu tư có hoạt động liên quan tới dự trữ tiền tệ của nước này, trong đó nêu thật rõ mức dao động vốn tư nhân. "Người Hàn Quốc, từ chỗ coi tính minh bạch không là gì cả, quay sang cho rằng tính minh bạch là tất cả, "giám đốc quản trị một quỹ đầu tư ở phố Wall nói với tôi, "nếu chúng tôi cần, thì họ cũng có thể chuyển cho cả một dự báo thời tiết." Rich Johnson, người đứng đầu phòng đầu tư của Offitbank, một ngân hàng ở New York nói: "Khi sang Brazil, tôi nói với họ: "tôi cần thấy mọi thứ". Tôi giải thích thẳng thắn, "Không phải cho riêng tôi. Tôi là bạn của quý vị. Tôi tin quý vị. Nhưng làm thế nào để quý vị haỹ giúp tôi thuyết phục những kẻ hoài nghi?" Và những kẻ hoài nghi giờ đây đang nói với chúng ta: "Nếu không cởi bỏ hết trang phục cho chúng tôi xem xét mọi nơi trên thân thể của bạn, thì tôi sẽ không đời nào giao tiền vào tay bạn đâu, vì quá khứ của bạn là cả một lịch sử thiếu minh bạch và gây nhiều thất vọng. Nêu không có tính minh bạch thì sẽ không có tiền. Tôi muốn được xem kỹ sổ sách của bạn. Xem ngược xem xuôi, xem ban ngày rồi đến đêm cũng xem". Ngày nào tôi cũng tập hợp thông tin của tất cả các lĩnh vực trong kinh tế Brazil. Cuối ngày bao giờ tôi cũng nhận một báo cáo về những khoản lưu động vốn của Brazil trong ngày hôm đó. Tôi biết những gì xảy ra trong tài khoản thương mại của họ, trong tài chính, điều gì đã được chứng minh và ảnh hưởng tới mức lãi suất chính thức của ngân hàng trung ương và những gì xảy ra trong thị trường giao dịch của ngành du lịch Brazil. Báo cáo đó do một công ty tư nhân địa phương gửi đến, bao gồm những thông số chính thức từ ngân hàng nhà nước. Tôi có thể đầu tư thêm nếu hiểu rõ hoạt động trong các nhà băng nước này - mặc dù vẫn có những mức mạo hiểm nhỏ. Vì nếu có đầy đủ thông số tôi sẽ tính được các chi phí để đền bù rủi ro, và tôi có thể đổi ý nếu thấy không thuận lợi; nếu không tính toán có cơ sở thì tôi chỉ việc đoán mò, như thế chắc chắn sẽ phá sản."
Và một khi cam kết cho phép bầy thú được soi xét bản thân, bạn không còn đường thoát ra nữa, vì nếu làm như vậy, bạn sẽ phải trả giá đắt.
CÁC CHUẨN MỰC
"Nếu viết về lịch sử các thị trường vốn của Hoa Kỳ," Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers có lần nhận xét, "tôi xin gợi ý rằng điều giản đơn nhưng quan trọng bậc nhất, khiến hình thành những thị trường vốn, đó là tập hợp các nguyên tắc kế toán được chấp nhận chung. Chúng ta cần thực hiện chúng trên môi trường quốc tế. Một rong những thành công nhỏ nhưng đầy ý nghĩa của IMF thể hiện qua việc một thầy giáo ở Hàn Quốc dạy môn kế toán kể với tôi là trước kia lớp học của ông trong kỳ mùa đông chỉ có 22 học trò, nhưng năm nay [1998] số lượng học trò là 385. Chúng ta cần điều đó ở quy mô doanh nghiệp. Chúng ta cần điều đó ở quy mô quốc gia".
Một lý do khiến cho sự bùng nổ số lượng các khóa kế toán ở Hàn Quốc có lẽ là do Bầy Thú Điện Tử. Sau cơn khủng hoảng 1997-1998, chúng đã đòi hỏi phải có sự đào tạo các tiêu chuẩn kế toán đồng bộ ở mọi nơi. Khi nhìn sâu vào các công ty ở Hàn Quốc, Thái Lan hay Indonesia, chúng không thể hiểu được các dữ liệu kế toán, vì không có các bảng cân đối kế toán tổng hợp, tập hợp số liệu phản ánh hoạt động của các đơn vị và chi nhánh, khiến không thể thấy hết được tổng tài sản cũng như tổng số nợ, chưa nói số liệu các tài sản và nợ ngoài sổ sách.
Càng di chuyển đầu tư vào nhà máy hoặc các thị trường các nước, càng có thêm các nước muốn móc đầu tư từ bầy thú, càng có thêm các công ty nội địa muốn phát hành cổ phần trên thế giới, thì chúng càng phải chịu áp lực, buộc phải đào tạo để thích nghi với những tiêu chuẩn của thế giới về nghiệp vụ báo cáo tài chính.
Hãy tham khảo một ví dụ tôi tìm thấy trong tạp chí Hemispheres của hàng không United Airline, số tháng 12 năm 1997. Tạp chí đăng tải về một trong những công ty phần mềm máy tính phát triển nhanh nhất thế giới, Infosys, của Ấn Độ. Tạp chí viết: "Chìa khóa dẫn đến thành công của công ty là việc họ xóa bỏ những chính sách và truyền thống hoạt động của Thế giới thứ ba vốn dĩ đã khiến các công ty khác của Ấn Độ hoạt động khập khiễng và xúc tiến móc nối với Thế giới thứ Nhất, điều đó tạo thuận lợi rất nhiều cho khách hàng. "Từ đầu, chúng tôi đã quyết định sẽ không có sự nhập nhằng giữa tài sản công ty và của cá nhân", Narayana Murthy, người sáng lập và chỉ đạo của công ty cho biết. Có nghĩa là không ai được phép dùng xe công ty vào nhu cầu cá nhân - đây là một bước tách khỏi truyền thống kinh doanh của Ấn Độ. Ở Ấn Độ xưa nay các nhà quản lý công ty thường lạm dụng tài sản của công ty cho nhu cầu cá nhân. Các kỹ sư điện của công ty thường đến làm cho tư gia của các xếp lớn hơn. Nhân viên đi làm về thường kết hợp đón con cái của các xếp lớn và thậm chí trông coi các cháu đó luôn. Các phòng tài chính giúp các nhân viên mua địa ốc cho nhân viên công ty. Nhân viên công ty thường phải chịu làm những chuyện như vậy vì không có lựa chọn nào khác. Hoàn cảnh đó đã khiến cho môi trường sáng kiến và cải tiến trở nên bị cô lập, xa lánh. Những vụ đó khôngxảy ra ở Infosys. Infosys là công ty Ấn Độ đều tiên cho công bố kết quả kiểm toán hàng năm chỉ một tuần sau khi kết thúc năm tài chính; là công ty đầu tiên cho công bố các báo cáo tài chính hàng quý sau khi kiểm toán; và là công ty đầu tiên tuân thủ các Nguyên tắc kế toán được chấp nhận chung của Hoa Kỳ và các đòi hỏi về sổ sách của Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Hoa Kỳ. "Những báo cáo về tài chính và kế toán của Infosys đã tạo ra những chuẩn mực để các công ty khác noi gương và tuân thủ", một nhà phân tích đã đánh giá như vậy về Infosys".
Khuynh hướng trên đang được giới môi giới Internet thúc đẩy. Buôn bán trên mạng, theo lời John T. Wall, Chủ tịch NASDAQ International, "chắc chắn khiến tăng hơn nữa hoạt động soát xét trình độ quản lý của các chính phủ và công ty. Một khi con người ta có thể đầu tư ra nước ngoài và thực hiện giao dịch trên mạng, họ sẽ đòi hỏi nhiều hơn thông tin về các công ty, và sau đó muốn biết liệu họ có tin được những số liệu đó hay không. Liệu những thông số tài chính có được lập nên theo đúng tiêu chuẩn kế toán quốc tế hay không? Chất lượng quản lý công ty đó đến đâu? Những yếu tố đó góp phần cân đối mức thuế vụ và các hệ thống pháp luật hữu quan."
Theo một nghiên cứu của Hội nghị Thương mại và Phát triển của Liên Hiệp Quốc, một phát hiện trong cuộc khủng hoảng 1997-98 ở Á châu cho thấy phần đông trong số năm hãng kế toán lớn của Hoa Kỳ, khi tham gia kiểm toán ở các hãng tài chính làm ăn thua thiệt ở vùng này, đã không công bố những khó khăn, trục trặc mà thân chủ của họ gặp phải. Lý do chính của vụ này, theo bài đăng trên The New York Times ngaỳ 17/11/1998, là các hãng kế toán đó đã không áp dụng vào châu Á những nguyên tắc kế toán chặt chẽ và chi tiết giống như họ thực hiện ở Hoa Kỳ. Và nguyên nhân chính cho thấy các hãng kế toán lớn - như Pricewaterhouse Cooper hay Ernest & Young - đã vào làm ăn ở châu Á bằng cách mua sáp nhập các hãng kế toán vốn có ở vùng này, những cơ sở mà khách hàng của họ chỉ muốn thực hiện những quy tắc tài chính lỏng lẻo. Thực tế giờ đây không còn như vậy. Ngân hàng Thế giới đã đề nghị những hãng kế toán của Mỹ không được phê duyệt các hoạt động kiểm toán mà không tuân thủ những tiêu chuẩn quốc tế hiện hành. Nếu kiểm toán do các chi nhánh và đối tác địa phương của họ thực hiện thì chỉ những đối tác đó được ký vào - và giới đầu tư nước ngoài hãy cảnh giác. Nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc cho biết kiểm toán tồi không phải là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng, nhưng kiểm toán đúng đắn sẽ giúp phát hiện các lỗi lầm sớm và có thể giúp giảm hậu quả tai hại mà cuộc khủng hoảng gây ra.
Khi chúng ta đi dần vào một thế giới nơi Internet định hình cho thương mại, thì những tiêu chuẩn quốc tế ngày càng trở thành đòi hỏi lớn lao hơn, vì một lý do chủ yếu: vào lúc bạn quyết định dùng Internet để bán hàng hay cung cấp dịch vụ, từ lúc mở trang mạng đầu tiên, bạn đã trở thành một công ty toàn cầu - dù bạn có ở Ấn Độ, Ý hay Indianapolis. Làm ăn trên Internet tức là làm ăn trên toàn cầu. Vì thế bạn phải có tầm suy nghĩ toàn cầu và làm sao để có thể thu hút những người mua trên thế giới mua món hàng của bạn. Và bạn phải đảm bảo cho khách hàng tin rằng bạn sẽ giao hàng đúng hạn và an toàn, số tài khoản tín dụng của họ được bạn giũ kỹ lưỡng, tiền được chuyển đúng nguyên tắc quốc tế, luật lệ và quy tắc hành xử được tuân thủ và những thủ tục và vấn đề liên quan tới kế toán và thương mại được thực hiện theo thông lệ quốc tế. "Càng có nhiều thương vụ được thực hiện trên Internet từ khắp nơi trên trái đất, thì cung cách làm ăn ở nhiều nơi càng được hòa đồng và tiêu chuẩn hóa", Bob Hormats, Phó chủ tịch hãng Goldman Sachs International lập luận.
Tôi đã nếm trải điều này khi sang Sri Lanka hồi cuối năm 1999. Khi đến nơi vào buổi sáng, tôi đi xe chừng hai tiếng ra ngoài Thủ đô Colombo, đến thăm một trong những nhà máy dệt lớn nhất của Sri Lanka. Con đường đến nhà máy không đủ rộng, khiến chúng tôi phải chật vật tránh xe cộ và gia súc. Khung cảnh tiêu biểu của miền nhiệt đới. Rốt cuộc, chúng tôi đến được làng Pannla; nhà máy dệt hiện đại này đóng cạnh làng, với những nhà xưởng khang trang tươi màu sơn, thảm cỏ cắn xén đẹp đẽ và hệ thống ăng ten vệ tinh - khu nhà máy trông giống như vừa rơi từ sao Hỏa. Nhà máy này là của Slimline, một hãng dệt Sri Lanka, chuyên nhận hợp đồng từ các siêu thị Victoria's Secret và của Marks & Spencer. Toàn bộ nhà máy được lắp đặt máy vi tính và được nối mạng Internet với chuỗi siêu thị Victoria's Secret để thực hiện thương mại điện tử. Tổng cộng có 1.400 nhân viên, phần nhiều là nữ, tuổi từ 18, họ ngồi làm việc bên hàng hàng những máy khâu. Ai cũng mặc đồng phục và những phụ nữ mang thai thì đội mũ đỏ - họ được phép làm việc chậm hơn người khác. Nhà máy được gắn điều hòa không khí và rất sạch đến mức có thể bày đồ ăn ra sàn. Ngày công dài tám tiếng nhưng cường độ lao động khá cao - mỗi công nhân phải hoàn thành định mức tính từng phút. Mỗi dây chuyền sản xuất được một máy tính theo dõi và định mức trung bình phải được thực hiện, nếu công nhân mong có thưởng. Lương công nhân trung bình là 80-100 đô-la một tháng, bao gồm cả ăn sáng. Hiện có một danh sách mọi người xếp hàng vào xin việc. Về điều kiện sản xuất, đây là một nhà máy đạt tiêu chuẩn quốc tế. Nếu không nói đến lương bổng thì tôi sẵn sàng cho con gái tôi xin vào làm ở đây.
Tôi hỏ Mahesh Amalean, chủ nhà máy, vì sao phải trang bị đẹp đẽ như vậy? Vì sao không phải chỉ là một xưởng đơn sơ? Chẳng phải ông ta sẽ thu lãi cao hơn nếu giảm chi phí trang bị cho xưởng? Không, ông ta trả lời, không được - vì lý do toàn cầu hóa. Biện pháp duy nhất giúp cho Sri Lanka tồn tại trong ngành dệt, đối phó với cạnh tranh từ những nơi rẻ mạt hơn như Trung Quốc và Brazil, là bước lên bậc thang chất lượng, sản xuất hàng chất lượng cao cho các hãng bán lẻ hàng hiệu danh tiếng trên toàn cầu. Ông ta giải thích, chạy đua để làm hàng rẻ với Bangladesh chẳng hạn, không phải là điều hay. Phương pháp duy nhất để giữ quan hệ với các hãng hàng hiệu lớn trên toàn cầu là phải sản xuất những sản phẩm có chất lượng ngày càng cao, cải thiện liên tục điều kiện lao động. "Những hãng hàng hiệu ngày nay đòi hỏi không những hàng chất lượng cao, giá rẻ và điều kiện lao động cho công nhân cũng phải tốt hơn", Amalean giải thích. Điều đó không hẳn vì Victotia's Secret bỗng chốc trở nên quan tâm đến phúc lợi xã hội mà vì giới tiêu dùng và sinh viên Hoa Kỳ ngày càng trở nên quan tâm đến các lợi ích xã hội sau khi họ chứng kiến những chiến dịch lớn phản đối những cơ sở hãng xưởng có điều kiện làm việc tồi, bóc lột công nhân. Những người tiêu cùng đó giờ đây tuyên bố với các siêu thị rằng họ không dùng những mặt hàng sản xuất trong những hãng xưởng bóc lột nhân công. Nói cách khác, một trong những lý do chính dẫn tới việc Sri Lanka cải thiện chất lượng các nhà máy dệt của họ không phải là muốn dựng chứng ngại chống toàn cầu hóa, mà bởi vì trong nền kinh tế toàn cầu ngày nay, để sống sót, các nhà sản xuất ở Sri Lanka đã phải ràng buộc bản thân họ với các hãng bán lẻ lớn ở phương Tây. Càng làm như vậy, nhà máy của họ càng phải được nâng cấp để khớp với những tiêu chuẩn mà hiện nay giới tiêu dùng phương Tây đòi hỏi. "Khi những nhân viên phụ trách mua bán của Victoria's Secret và các hãng khác đến thăm nhà máy, một trong những điều trước tiên họ hỏi chính là điều kiện làm việc của nhà máy", Amalean nói. "Họ phải chất vấn, vì đó là điều khách hàng của họ muốn biết".
Vài ngày sau khi thăm nhà máy dệt, tôi đến ăn sáng với một nhóm các nhà doanh nhiệp Internet trẻ. Nhiều người trong bọn họ phàn nàn là một lý do cho thấy các công ty non trẻ của họ không sáng tạo được các phần mềm mới là vì hiện nay chưa có luật lệ địa phương nào về vấn đề bản quyền để chống việc đánh cắp các sáng tạo. Họ cũng phàn nàn về việc Microsoft chưa muốn vào thị trường Sri Lanka vì hiện nay nước này chưa có luật bảo vệ tác quyền. Về điều này, Lalith B. Gamage, đứng đầu Viện Công nghệ Thông tin của Sri Lanka phát biểu thẳng thắn rằng để thu hút Microsoft và các hãng công nghệ lớn, chính phủ đang gấp rút thông qua một dự luật bảo vệ tác quyền. Và ông ta hứa với những người ngồi xung quanh là đạo luật đó sẽ được thông qua trong vòng một năm. Khi lắng nghe những bàn cãi như vậy, tôi nghĩ rằng không rõ Bill Gates có biết về ảnh hưởng của công ty của ông ta ở đất này ra sao không.
Giải pháp toàn cầu như trên không chỉ xuất hiện ở các nước đang phát triển. Có lẽ ví dụ lớn nhất thế giới về cách mạng toàn cầu, áp đặt các tiêu chuẩn quốc tế ở mọi nơi, thể hiện trong quyết định của Liên Hiệp châu Âu ấn định một đồng tiền chung, một ngân hàng chung và một hệ thống tiêu chuẩn tài chính chung - một tấm áo nịt nạm vàng chung - cho toàn bộ thành viên của Liên hiệp. Đối với Ý, một đất nước mang tiếng có một chính phủ tham nhũng và thiếu hiệu lực, thì Liên hiệp Tiền tệ châu Âu, ra đời năm 1999, là một thứ của trời cho. Liên hiệp này buộc nước Ý phải mặc chiếc áo nịt bằng cách chuyển giao một số chức năng của chính phủ Ý sang cho Ngân hàng châu Âu, đóng tại Frankfurt. Đài phát thanh của nhà nước đã phát một bản tin từ nước Ý năm 1997 về việc người dân Ý - sau một thế hệ chịu đựng việc chính phủ quản lý tiền tệ yếu kém - đã hối thúc để Liên hiệp châu Âu vào quản lý đất nước của họ, mario Abate, một luật sư thương mại người Ý được trích dẫn, " Một trong những hiệu quả trong thấy của việc gia nhập đồng tiền chung châu Âu, đồng euro, là sự xuất hiện của nhiệm vụ tôi gọi là "việc quét dọn nhà cửa" - chính phủ đã bị buộc phải ra tay giải quyết thâm hụt ngân sách, kiểm soát lạm phát và chi tiêu của chính phủ. Họ bị buộc phải làm điều đó. Và hiển nhiên, khi làm điều đó, nền kinh tế sẽ được lợi và đó là điều tôi rất tán thành". Abate nói thêm rằng đa số dân chúng Ý có lẽ sẽ rất mừng khi các viên chức châu Âu đích thân sang quản lý đất nước của họ. Không thấy có sự phản ứng nào từ nước Ý nhằm vào những trung tâm quyền lực của châu Âu đóng ở Brussels, Frankfurt và Strasbourg. "Có nhiều hiềm khích nhắm vào Rome hơn", Ablate kết luận, "vì đối với chúng tôi, Rome là tượng trưng của một trung tâm tội phạm. Họ ăn cắp tiền của chúng tôi. Chúng tôi coi đó là hành động ăn cắp, vì họ thu tiền và không thấy trả lại". Bộ trưởng Tài chính Ý, ông Vincenzo Visco nói với tờ báo La Republica vào đầu năm 1999 khi đồng euro bắt đầu được lưu hành, rằng từ nay "sẽ không còn những trò lố bịch xấu bụng" trong giới chính trị gia và doanh gia người Ý, những người trước đó đã thể hiện "quá thừa những hành vi phi pháp". Liên hiệp tiền tệ châu Âu, ông ta nói thêm, "có nghĩa là chúng tôi sẽ không còn có thể chấp nhận những tiêu chuẩn thấp kém chỉ vì chúng làm chúng tôi dễ sống hơn".
Đó chính là lối nói của một nhà cách mạng toàn cầu.
THAM NHŨNG
Nếu muốn tìm hiểu xem hệ thống toàn cầu hóa giúp làm giảm tham nhũng ra sao, thì xin đọc những bản tin nói về cuộc đảo chính quân sự ở Pakistan ngày 12/10/1999. Điều gì đã xảy ra? Cuộc đảo chính là ví dụ điển hình về xung đột mang động cơ chính trị, trong hàng ngũ thượng lưu ở nước này. Tướng Pervez Musharraf đã liều lĩnh điều quân vào vùng Kasmir do Ấn Độ kiểm soát, có lẽ với hy vọng rằng một khi cả Pakistan và Ấn Độ đều có vũ khí hạt nhân thì làm như vậy, thế giới sẽ vào can thiệp và giúp xây dựng một giải pháp cho Kashmir. Ông ta đã tính sai. Thế giới không vào và lực lượng của ông đã bị quân Ấn Độ đẩy lui. Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif đã phủi trách nhiệm trong vụ Kashmir và đổ lỗi cho lực lượng vũ trang, và cách chức Tướng Musharraf. Tranh chấp quyền lực diễn ra, trong đó Musharraf và quân đội đã lật đổ Thủ tướng Sharif. Một câu chuyện rất xưa.
Nhưng điều mới mẻ đã xuất hiện khi Musharraf lên cầm quyền. Khi đó ông ta bắt đầu hiểu rằng đối với dân chúng, điều gì là quan trọng nhất - đối với họ Kashmir không quan trọng, chống tham nhũng mới là điều họ đòi hỏi. Tham nhũng tràn lan đã hoành hành dưới thời chính phủ Sharif. Vậy thì Tướng Musharraf, đáng nhẽ đã đăng quang và trở thành nguyên thủ quốc gia hợp pháp, giương cao ngọn cờ dân tộc chủ nghĩa Hồi giáo, đòi chủ quyền dân tộc... đã chọn con đường khác. Ông thanh minh cho việc tiếm quyền bằng cách tự giới thiệu bản thân là một con người trong sạch, hứa đào tận gốc rễ nạn tham nhũng ở Pakistan. Tướng Musharraf thậm chí cho công bố bản khia thuế của ông để chứng minh rằng ông trong sạch. Ông ta biết sẽ có hai loại người sẽ lắng nghe - dân chúng trong nước, những người đã quá chán ngán chính phủ cũ, và thành viên của Bầy Thú Điện Tử, đang kiểm soát những nguồn tài chính mà ông ta cần để giúp tăng trưởng trở lại. Trong lịch sử, có bao giờ một vị tướng đảo chính, tiếm quyền rồi ngay lập tức cho công bố những khoản ông ta nộp thuế? Thay vì thanh trừng các nhân vật cánh tả hay cánh hữu, ông ta đã cam kết rằng chính phủ sẽ truy tìm tất cả những kẻ thiếu nợ, trốn thuế và lừa đảo tài chính. Tờ báo Washington Post (21/10/1999) đăng tải rằng vài ngày sau đảo chính, ngân hàng tư nhân lớn nhất của Pakistan đã đăng một quảng cáo trên trang nhất của một tờ báo: "NHỮNG KẺ THIẾU NỢ CHÚ Ý! CƠ HỘI CUỐI CÙNG - HÃY TRẢ NỢ! NẾU KHÔNG SẼ PHẢI CHỊU HẬU QUẢ." Tôi tự nhủ: không hiểu đây là một cuộc đảo chính của quân nhân Pakistan hay là một cuộc đảo chính của giới quản trị tài chính của nước này?
Đó không còn là một điều dị thường.
Cách mạng toàn cầu đang tạo ra cái giá rất cao mà những đất nước dung túng cho nạn tham nhũng phải trả. Vì tại sao bạn phải đầu tư vào nước X, nơi bạn phải đút lót tất cả mọi người kể cả bà con của họ, trong khi bạn có thể vào đầu tư ở nước Ý, nơi bạn chịu chi phí lao động tương tự, nhưng không bị phải đút lót? Bầy Thú Điện Tử đã nói với mỗi quốc gia: "Nếu bạn không tập hợp được một đám khách hàng ổn định và xây dựng được một tập hợp các cơ hội bền vững để đầu tư, không sao, chúng tôi sẽ đi nơi khác, và trong một thế giới không còn rào cản, chúng tôi đi đâu cũng được". Đối với bầy thú, tham nhũng cũng là một trạng thái thiếu khả năng tiên liệu, vì bất cứ thương vụ nào cũng có thể đổ bể nếu một ai đó đút lót một ai đó, và đó là điều bầy thú căm ghét hơn hết.
Derek Shearer, đại sứ Hoa Kỳ tại Phần Lan trong những năm 90 đã tận mắt chứng kiến việc cách mạng toàn cầu đẩy những người Nga vao hai lựa chọn: hoặc kiểm soát nạn tham nhũng hoặc chịu nghèo đói và kém phát triển mãi mãi. "Trong cương vị đại sứ Mỹ ở Phần Lan, nhiệm vụ của tôi là gặp gỡ các doanh nhân Phần Lan và khuyến khích họ đầu tư vào nước Nga - vì đó là yếu tố quan trọng góp phần ổn định vùng biên giới giữa hai nước", đại sứ Shearer nói. "Nhưng những người Phần Lan đó đáp lại: "Chắn chắc rồi, chúng tôi sẽ vào làm ăn với người Nga. Họ có thể mang xe tải sang đây mua bất cứ thứ gì cũng được, miễn là họ mang theo vài bao tải tiền mặt để thanh toán. Nhưng chúng tôi sẽ không sang làm ăn bên đó. Quá tham nhũng và quá nguy hiểm. Tại sao chúng tôi lại phải sang đó nhỉ? Chúng tôi có thể sang Hungary, Cộng hòa Czech hay Estonia để kiếm tiền và được bảo đảm có thể thu lãi. Vì sao chúng tôi lại phải bận tâm với người Nga khi hoàn cảnh của họ như vậy?" Tôi lại giải thích, "Rồi, rồi, nhưng quý vị nên đầu tư ở đó để giữ ổn định khu vực". Và họ nhìn tôi bằng con mắt lạnh lẽo. Giờ đây tôi không còn làm cho chính phủ nữa và đang tư vấn cho một số công ty đầu tư ở phố Wall. Hôm trước họ hỏi tôi về chuyện đầu tư ở nước Nga và tôi trả lời, "quên đi". Nếu nhìn bằng con mắt thương gia, không dính dáng gì đến chính sách đối ngoại thì đúng là chẳng tội gì phải đầu tư ở nước Nga. Người Phần Lan có cái quyền của họ chứ".
Đôi lúc những tiêu chuẩn cao do bầy thú áp đặt có thể gây sốc thậm chí trong các nền kinh tế tiên tiến. hãy xem bài báo trên tờ Washington Post (20/01/1998), viết từ Tokyo có tựa đề "Nhà lập pháp Nhật Bản treo cổ tự vẫn trong khách sạn". Bài báo kể chuyện Shokei Arai thành viên Quốc hội Nhật Bản, tâm điểm của một vụ bê bối tham nhũng đã treo cổ tự vẫn trong buồng khách sạn ở Tokyo, vài giờ trước khi sắp bị bắt. Chiều sâu trong nội dung câu chuyện là hai điểm chủ yếu: "Có những lo lắng trong giới chính trị gia rằng Arai có thể để lại những bằng chứng tội phạm liên lụy đến những người khác... Hiện không thấy có dấu hiệu nào chứng tỏ ông ta để lại những tư liệu như vậy, nhưng tại một cuộc họp báo tối thứ tư vừa qua, ông ta đã phàn nàn rằng những ủy viên công tố chỉ lọc riêng bản thân ông ta ra để truy tố. Arai nói với báo chí rằng hãng môi giới tài chính Nikko Securities bảo đảm với ông rằng họ chi tiền cho ông cũng như cho hàng trăm khách hàng khác. Thương gia Nhật bản trong chỗ riêng tư đã nói rằng họ bị choáng khi thấy những gì xưa nay là thông lệ trong làm ăn thì nay đã đột ngột thay đổi. Một thời giới quan chức nhà nước thường được chiêu đãi rượu chè thả cửa cùng các công ty. Trong những buổi như vậy người ta giải thích rằng quan chức và thương gia có thể trao đổi, một cách không chính thức, những thông tin cần thiết. "Những tài khoản VIP" và những khoản lại quả là điều bí mật mà ai cũng biết, giới thương gia nói - và viện công tố cho đến nay đã làm ngơ trước những chuyện đó. [Bình luận viên chính trị Minoru] gắn những hành động cương quyết gần đây với một nhóm công tố viên trẻ trung, mới mẻ và hăng hái, những người được du học ở nước ngoài. "Họ bắt đầu có lối nghĩ phương Tây, và coi thông lệ khoản đãi các quan chức chính phủ như hiện tượng không thể chấpnhận được trong thông lệ quốc tế, Morita nói (đoạn in nghiêng là của tác giả)".
Robert Shapiro, Chủ tịch hãng Monsanto, có lần đã nói với tôi rằng công ty của ông không đi đầu trong cuộc chiến chống hoạt động tham nhũng, nhưng đã thực hiện nguyên tắc không lót tay. Và ông ta cho rằng làm như vậy công ty của ông gieo những hạt giống trên thế giới, chia sẻ cùng những người theo cùng một giá trị. "Chúng tôi tuyển rất nhiều nhân viên ở nhiều nước và trở thành trường đào tạo cho họ," Shapiro nói. "Nhiều nhân viên ở các nước khác làm việc cho chúng tôi thấy khó có thể tin rằng chúng tôi thực sự nghiêm túc trong việc chống tham nhũng, và chắc chắn chúng tôi sẽ không bao giờ tiếp tay cho những kẻ gây chiến trên thế giới."
Thực tế đã có và bao giờ cũng có những ngoại lệ, đặc biệt một khi cạnh tranh trở nên quyết liệt hơn. Những ước mơ làm giàu bằng những doanh nghiệp khả nghi cũng nhiều hơn. Theo một nghiên cứu của Quốc hội Mỹ, Citibank đã rất hăng hái bắt tay làm ăn với raul Salinas de Gortari em trai cựu Tổng thống Mexico, đến mức đã bỏ qua thông lệ kiểm tra, giúp ông ta kín đáo chuyển một ngân khoản 100 triệu đô-la ra khỏi Mexico. Hiện tại thì những hiện tượng như thế mới chỉ ở mức ngoại lệ. Khuynh hướng chủ yếu trên thế giới không đi theo hướng đó. Bộ luật về hành vi tham nhũng ở nước ngoài ra đời năm 1977 coi hành vi của các công ty Mỹ đút lót để làm ăn ở nước ngoài là phi pháp. ngày 20/11/1997 29 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trong đó có các quốc gia dân chủ và phát triển hàng đầu, đã chấp nhận nhiều phần trong bộ luật chống tham nhũng của Hoa Kỳ. Theo các quy tắc mới của OECD, các hãng của Nhật Bản và châu Âu không được phép lót tay các viên chức nước ngoài để thắng thầu, và họ cũng sẽ thấy khó khăn hơn trong việc cân đối tiền đút lót với các khoản miễn thuế, vốn dĩ được hợp pháp hóa ở Pháp và Đức. Mặc dù vẫn còn những kẽ hở trong những quy tắc mới mẻ đó, nhưng chúng đánh dấu một thắng lợi của những con bò đực của nước Mỹ trong Bầy Thú Điện Tử, những kẻ đã cho rằng họ mất rất nhiều hợp đồng, trị giá hàng tỷ đô-la vào tay các công ty Nhật Bản và châu Âu chỉ vì không đút lót.
TỰ DO BÁO CHÍ
Trung Quốc sẽ có một nền báo chí tự do. Cách mạng toàn cầu là động lực dẫn đến điều đó. Vâng, lãnh đạo Trung Quốc chưa biết được điều này, nhưng họ đang bị xô đẩy theo hướng đó. Hãy nhìn những gì xảy ra trong hai tuần cuối cùng của năm 1996. Trong năm 1996, hai thị trường chứng khoán sôi động nhất của Á châu nằm ở Trung Quốc - Thượng Hải và Thẩm Quyến. Từ ngày 1/4 đến ngày 9/12 chỉ số chung của Thượng Hải tăng 120 phần trăm và của Thẩm Quyến tăng 315 phần trăm. Một lý do khiến hai thị trường này tăng tốc là vì chúng hầu như được thả nổi, và một lý do khiến chúng được thả nổi là vì Trung Quốc chỉ có một hệ thống kiểm soát giao dịch chứng khoán thô sơ, và họ hầu như không có lấy một tờ báo tài chính độc lập, trong sạch và có trách nhiệm để có thể đánh giá cao những cổ phần lành mạnh và vạch trần những công ty làm ăn bất chính - những công ty không công bố kịp thời, chính xác và công khai những thông số tài chính của họ. Những tờ báo như Barron's Fortune, Business Week, the Far Eastern Economic Reviem, The NewYork times và The Wall Street Journal chính là những tờ báo có trách nhiệm theo dõi chặt chẽ những vụ như vậy. Vào tháng 12 năm 1996 chính phủ Trung Quốc nhận thấy hai thị trường Thượng Hải và Thẩm Quyến lung lay - vì hàng loạt các hoạt động đầu cơ và giao dịch khả nghi - nhưng họ chỉ có một thứ công cụ để đối phó: báo chí nhà nước. Vậy là vào ngày 16/12/1996, tờ Nhân dân nhật báo đăng một xã luận cảnh báo rằng một số cổ phần trên hai thị trường đã bị kích lên tới mức "vô lý" và "bất thường".
Hãy đoán xem điều gì đã xảy ra? Ai ai cũng thi nhau bán lập tức, giá trên hai thị trường sụt và rất nhiều người trong giới đầu tư nhỏ chịu mất mát - nhiều đến mức cảnh sát được phái đến để giữ trật tự khi giới đầu tư tập hợp để chống đối trước cửa các hãng môi giới ở nhiều thành phố Trung Quốc. Tạp chí Wall Street Journal của Á châu đăng tin "bên ngoài một hãng môi giới ở Bắc Kinh, một công nhân ca thán rằng anh ta bị mất 20.000 tệ (khoảng 2.400 đô-la) trong tuần đó. "Trước ngày Nhân dân nhật báo đăng bài, thì vẫn có sự cân đối giữa mua và bán", một người đàn ông mặc áo da tuyên bố trước một đám đông vài chục nhà đầu tư đang tỏ vẻ đồng tình. "Sau đấy không còn ai dám mua nữa. Thị trường đang chìm xuống".
Người cảm thấy tức tối nhất trên thế giới không phải là người vừa bị mất việc. Người cảm thấy tức tối và đau đớn nhất thế giới là người có cảm giác họ bị lừa hết toàn bộ số tiền dành dụm mà anh ta đi làm kiếm được. Qua thời gian, lãnh đạo Trung Quốc sẽ không thể kiểm soát và theo dõi những thị trường đang nóng lên trên đất Trung Hoa; họ cũng không thể phòng vệ cho dân chúng khỏi nạn lừa đảo để đến mức phải nổi dậy chống chính phủ, nếu họ không thiết lập những định chế thích hợp với thị trường tự do - chẳng hạn một cơ quan giám sát đầu tư và một nền báo chí tự do và có trách nhiệm do một cơ chế pháp quyền bảo vệ. Tóm lại, họ cần cách mạng toàn cầu. Không phải ngẫu nhiên mà Đài Loan một nơi có nền báo chí tự do nhất Á châu chính là nơi chịu đựng tốt nhất và phòng đỡ hiệu quả nhất trong cơn khủng hoảng 1997-98.
Hiện tại có 30 triệu dân Trung Hoa sở hữu chứng khoán. Nhiều đến như vậy nên đã xuất hiện hàng loạt các tờ báo và tạp chí chui, theo dõi thị trường chứng khoán, vì những nhà đầu tư giờ đây đòi hỏi phải có những thông tin kinh tế trung thực. "Chúng bắt đầu như những bản tin mách nước do các phòng nghiên cứu trong các nhà môi giới đầu tư soạn thảo, được chuyển bằng fax đi mọi nơi," Seth Faison, Trưởng phân xã của The New York Times tại Thượng Hải giải thích. "Tin tức kinh tế và thị trường và thông tin của một số công ty và cổ phần, hoặc một vài tin về một kế hoạch mới của một bộ nào đó ở Bắc Kinh. Nhiều phần là đồn đại, nhưng một số lời đồn lại hóa chính xác. Những loại báo này phục vụ đông đảo dân chúng tham gia mua bán chứng khoán nhưng không trông cậy gì vào tin tức trên báo chí nhà nước". Điều sẽ xảy ra nếu Chính Phủ Trung Quốc chính thức cho phép báo chí tự do đưa tin kinh doanh thì những tờ báo như tờ Siuthern Weekend sẽ lợi dụng khe hở đó lồng vào các trang báo tin tức mang tính chính trị, chỉ trích tham nhũng và nạn lộng quyền chính trị. Đó chính là cách một nền báo chí tự do sẽ ra đời ở Trung Quốc
THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU VÀ CỔ PHIẾU
Về cơ bản có ba phương pháp cho phép các doanh nghiệp có thể huy động vốn: vay tiền ngân hàng, bán cổ phần và phát hành trái phiếu. Điều quan trọng là một đất nước có đủ ba khả năng này để nếu ngân hàng trục trặc, bạn sẽ tìm đến thị trường cổ phiếu và trái phiếu. Nếu thị trường trái phiếu ứ đọng thì bạn tìm đến ngân hàng hoặc thị trường chứng khoán. Giải pháp tay ba này giúp phân tán mức rủi ro tài chính và tăng năng lực cho hệ thống tài chính ứng phó với những cơn sốc. Nhưng thường ta chỉ thấy các nước đang phát triển chỉ có một, nhiều lắm là hai trong số ba yếu tố, khiến cho nền tài chính của họ không lấy gì làm ổn định.
Hãy nhìn các con hổ Á châu. Có một đặc điểm chung khi một nước lâm vào các cơn khủng hoảng, đó là: tỷ lệ tiền tiết kiệm nội địa cao và mức chính phủ nợ nước ngoài thấp. Dân chúng không muốn tiêu tiền và chính phủ không muốn vay tiền. Như thế hay quá? Không hẳn. Ở những nước mà dân chúng ham thích tiết kiệm thì tiền của họ chỉ nằm trong các ngân hàng địa phương, vì các dạng quỹ đầu tư, quỹ hưu bổng và thị trường trái phiếu hầu như không tồn tại ở dạng thô sơ. Các ngân hàng địa phương chịu tồn đọng những lượng tiền lớn, và điều duy nhất họ có thể làm là đem tiền đó cho các công ty địa phương vay mượn. Dẫn đến sự cạnh tranh quyết liệt giữa các ngân hàng, họ ném tiền tới tấp, thậm chí vào những người mượn tiền cho những dự án chưa đạt tiêu chuẩn. Hơn nữa khi ngân hàng gặp khó khăn, thậm chí bị cải tổ như trường hợp ở Thái Lan thì rất khó cho các công ty vay tín dụng mới, vì không có thị trường trái phiếu, trong khi cổ phiếu của họ lại chưa kịp phát hành. Chính vì thế Hồng Kông và Singapore đã quyết định mở thị trường trái phiếu - mặc dù tiền tiết kiệm trong ngân hàng rất nhiều - vì họ muốn thị trường trái phiếu đó cung cấp cái gọi là "vốn kiên nhẫn", - tín dụng dài hạn cho các công ty, tránh những điều kiện ngặt nghèo ngắn hạn do ngân hàng ấn định. Thêm nữa, thị trường trái phiếu cũng giúp cho những người gửi tết kiệm ở Hồng Kông và Singapore đầu tư vào những quỹ đầu tư và hưu bổng có khả năng trả lợi tức cao hơn lãi suất tiết kiệm trong ngân hàng.
Bầy Thú Điện Tử lâu nay đã khuyến khích việc thiết lập thị trường trái phiếu, để chúng kiếm ăn và cũng vì những nguyên tắc tài chính của loại thị trường này cho phép tăng cường mức độ minh bạch và dân chủ hóa trong nền tài chính. Thị trường chứng khoán và trái phiếu giúp cho các công ty tránh được việc phải quỵ lụy trước một nhóm nhỏ các viên chức ngân hàng, để hùn vốn. Một khi các công ty lệ thuộc nặng nề vào việc vay mượn ngân hàng - đặc biệt ở những nơi có những hệ thống tư bản làm ăn lối móc ngoặc, trong đó chủ ngân hàng cấu kết với doanh nhân và quan chức chính phủ - họ có thể tránh những dòm ngó và căn vặn, điều họ thường gặp phải trong thị trường chứng khoán và trái phiếu. Hoạt động của các công ty cho phát hành cổ phiếu và trái phiếu phải chịu sự giám sát và đánh giá hàng ngày: trái phiếu của họ nằm trong tay một đám đông dân chúng đa dạng, và được các công ty xếp hạng độc lập đánh giá, trong khi cổ phần của họ được các nhà đầu tư nặc danh mua bán trên một thị trường tự do. Khả năng duy nhất để trái phiếu và cổ phiếu của bạn được xếp hạng trong một thị trường được giám sát, đó là bạn phải thực hiện chính sách kê khai hoạt động và tài sản đúng đắn. Và nếu bạn muốn cuốn hút các nhà đầu tư quốc tế lớn và muốn được các hãng kiểm toán lớn như Moody's, Duff & Phelps Credit Rating Co. hay Standard & Poor's xếp hạng thì những báo cáo tài chính của bạn phải được xây dựng trên cơ sở các thông lệ quốc tế. Sự trừng phạt sẽ đến rất nhanh nếu vi phạm xảy ra.
Hãy xem bài báo sau đây trên tờ Washington Post ngày 15/11/1998, viết từ Paris: Câu chuyện bắt đầu với Serge Tchuruk, một thương gia danh tiếng ở Pháp thông báo trong cuộc họp giữa buổi ăn sáng với các nhà đầu tư quốc tế là mức lợi tức của tập đoàn viễn thông Alcatel của ông thực ra thấp hơn mức dự đoán vài tuần trước đó. Bầy Thú Điện Tử không thích cái sự ngạc nhiên như vậy. Trong khoảng thời gian từ bữa ăn sáng đến khi kết thúc giao dịch chứng khoán ngày hôm đó, cổ phần Alcatel giảm 38 phần trăm giá trị - mức sụt giảm cao nhất trong ngày - các quỹ đầu tư và hưu bổng quyết định rút vốn và bỏ rơi Alcatel. Ký giả của bài báo Anne Swardson tiếp theo đã mô tả việc Bầy thú sắp xếp lại những tập tục thương mại ở châu Âu: "Trong vài năm qua, người nước ngoài đã buộc nhiều công ty phải thay đổi cung cách quản lý, cải cách hệ thống kế toán, hòa nhập với quy mô thế giới, sử dụng tiếng Anh - ngôn ngữ thương mại quốc tế - vào các cuộc họp hội đồng quản trị. Nói chung quản lý ở châu Âu, vốn dĩ thờ ơ với người ngoài, nay trở nên năng động, chú ý và quan tâm đến cổ đông hơn".
Điều tôi khoái nhất là sau khi biết Alcatel bị bầy thú trừng phạt, Tchuruk đã lên máy bay, bay sang London rồi từ đó nhảy lên một chuyến máy bay khác bay sang New York để gặp các cổ đông của các quỹ đầu tư, thanh minh với họ để khôi phục lòng tin.
"Ông ta rất lấy làm hối lỗi, nhưng điều đó không còn quan trọng nữa", một trong những nhà đầu tư có mặt trong bữa ăn sáng ở Paris nói với tờ báo, "vì vào lúc đó, chúng tôi đã bán hết các cổ phiếu [Alcatel] chúng tôi có".
DÂN CHỦ HÓA
Nhìn chung Bầy Thú Điện Tử sẽ tăng áp lực đòi dân chủ hóa do ba lý do chủ yếu - tính uyển chuyển, tính hợp pháp và khả năng phát triển bền vững. Xin giải thích: bầy thú càng lớn lên thì nền kinh tế toàn cầu càng hoạt động trơn tru và cởi mở hơn, khiến bạn càng phải trở nên uyển chuyển hơn trong việc tận dụng quan hệ với bầy thú đồng thời bảo toàn bản thân bạn trước những cơn lồng lộn của bầy thú. Mặc dù lúc nào cũng có thể tìm thấy ngoại lệ, nhưng tôi tin một điều rằng quy luật chung cho thấy hệ thống quản lý càng được dân chủ hóa, chịu trách nhiệm và cởi mở, thì hệ thống tài chính của bạn càng ổn định, tránh được những diễn biến đường đột. Khi xuất hiện những cú sốc hay những diễn biến đường đột, hệ thống quản lý và nền tài chính của bạn sẽ uyển chuyển và tự thích nghi với tình hình và đòi hỏi mới nhanh hơn. Xã hội của bạn càng cởi mở và dân chủ thì bạn sẽ tiếp nhận góp ý và ý kiến nhanh hơn, và thêm cơ hội để bạn sửa đổi các hoạt động trong trung hạn, tránh được việc bị dồn vào chân tường. Mặt khác nếu có trục trặc trong công ty của bạn, thì khả năng uyển chuyển linh động sẽ giúp cho bạn tuyển những giám đốc mới và đuổi thẳng cánh những giám đốc cũ vô tác dụng.
Hơn nữa, khi đất nước của bạn phải cải tổ giữa đường thì càng dân chủ sẽ càng tạo khả năng cho chính phủ chia sẻ cùng dân chúng những khó khăn trong cải tổ. "Hãy nghĩ tới những điều các nhà lãnh đạo Đông Nam Á tuyên bố với dân chúng của họ trong thời hậu Chiến tranh Lạnh thế giới thứ hai", Larry Diamond, một học giả về chủ đề dân chủ cho biết. "Họ nói với dân chúng: "Các người hãy giao quyền tự do của các người cho chúng tôi và câm họng lại, và tôi sẽ cho các người các cơ hội để làm giàu". Thật dễ dàng khi thấy dân chúng không quan tâm tới chính trị khi con thuyền đang nổi, và dân chúng cảm thấy họ có thể giao phó nhiệm vụ chính trị cho người khác, miễn là không ảnh hưởng đến miếng cơm manh áo của họ. Vâng, điều đó có thực, trong 30 năm, nhưng một khi sự tăng trưởng trở nên lung lay thì khả năng phân phối phúc lợi xã hội và của cải vật chất cũng không còn nguyên vẹn. Và dân chúng nhận thấy rằng họ không thể giao phó việc quản lý chính trị cho ai khác - lúc đó, những dàn xếp như trên sẽ đổ vỡ. Hậu quả là những gì dân chúng đã nói với các chính phủ ở Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc, và sắp tới sẽ là Trung Quốc, rằng nếu chính phủ không đảm bảo khả năng tăng trưởng nếu nhà nước không làm đúng theo thỏa thuận trước kia, thì dân chúng sẽ đòi hỏi phải có một thỏa thuận mới, trong đó, dân chúng sẽ có vai trò quan trọng hơn trong cung cách điều hành đất nước. Nhưng, một khi có vai trò lớn hơn, nên dân chúng sẽ chịu đựng được những hy sinh lớn lao hơn khi hệ thống chính phủ được cải tổ và nâng cấp. Và chính vì thế dân chúng sẵn sàng tỏ ra kiên nhẫn hơn trong việc chịu đựng các khó khăn kinh tế, hơn là người ta dự đoán. Do nền chính trị được cởi mở và dân chủ hóa, ít nhất thì dân chúng có cảm giác rằng họ trực tiếp và được bình đẳng, tham gia khắc phục khó khăn. Họ trở thành người tham gia chính trong cuộc chơi".
Trong số những quốc gia Á châu đã chính thức móc nối với Bầy Thú Điện Tử (Trung Quốc, hiện thiếu một đồng tiền có khả năng chuyển đổi và một thị trường vốn cởi mở, là quốc gia chưa thực sự móc nối vào với bầy thú), những nơi có những hệ thống dân chủ và ít tham nhũng nhất - Đài Loan, Hồng Kôg, Singapore, Australia - đã thua thiệt ít nhất trong cuộc khủng hoảng 1997-98. Những quốc gia có hệ thống dân chủ nhưng tham nhũng - Thái Lan và Hàn Quốc - chịu thua thiệt ở mức cao hơn, nhưng do có những nền dân chủ, họ có khả năng phản ứng nhanh trong cuộc khủng hoảng mà không phải trải qua những cuộc nổi dậy của dân chúng. Họ đã dùng lá phiếu để bầu một hệ thống quản lý và những phần mềm tốt hơn. Sau khi chịu đựng cơn lồng lộn của bầy thú hồi mùa thu năm 1997, Thái Lan đã bầu cho một chính đảng trong sạch và dân chủ nhất ở đất nước này và đã thông qua một hiến pháp mới, cấp tiến và chống tham nhũng. Hiến pháp mới của Thái Lan lần đầu tiên quy định rằng các chính trị gia nước này phải công khai hóa tài sản cá nhân của họ trước và sau khi cầm quyền và mỗi người trong số họ sẽ phải chịu luận tội nếu hơn 50.000 cử tri ký vào một yêu sách đòi hỏi điều tra về tham nhũng nhằm vào người đó. Thái Lan cũng đã thông qua đạo luật Tự do Thông tin đầu tiên ở Á châu, cho phép báo chí Thái Lan hăng hái sử dụng luật này để theo dõi các bộ trưởng - một điều trước đó chưa từng có ở nước này. Một viên chức của Ngân hàng Thế giới ở Bangkok quan sát và nói với tôi: "Hiến pháp mới của Thái Lan sẽ không đời nào được Quốc hội phê chuẩn nếu không có cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng ở đây. Không đời nào. Cuộc khủng hoảng ngân hàng đã khiến cả nhà vua lẫn quân đội thúc đẩy để có Hiến pháp mới, điều xưa nay họ vẫn rụt rè". Hàn Quốc đã phản ứng ra sao? Họ bầu lên Kim Dea jung, một nhân vật dân chủ và tự do nhất, người mà trước cuộc khủng hoảng chưa chắc được chọn để làm nhân viên bắt chó.
Quốc gia Đông Nam Á mang tính toàn trị và tham nhũng cao nhất, Indonesia dưới thời Suharto, là một đất nước thiếu uyển chuyển nhất, thiếu khả năng nhất trong việc cài đặt các phần mềm, và là quốc gia rốt cuộc đã rệu rã - chính vì những đám đông dân chúng không muốn chịu đựng những đau đớn trong cải tổ, họ không còn cảm thấy chính phủ là người của họ nữa. Khi đồng nội tệ của Indonesia bị mất giá vào năm 1998, và IMF nói họ chỉ cứu giúp nếu nước này cắt chi tiêu của chính phủ, Tổng thống Suharto đã nói những lời sau đây với dân chúng: "Các bạn ạ, chúng ta phải thắt lưng buộc bụng. Chúng ta cùng hội cùng thuyền". Và dân chúng đã giận dữ đáp lại: "Ông Tổng thống, chúng ta không cùng hội cùng thuyền trong chuyện chia nhau những lệ phí đường bộ, việc xây các khách sạn, dựng hãng hàng không và các công ty taxi mà ông và con cái của ông đang nắm giữ. Ông hãy ráng chịu nhé".
Sau cùng, tìm kiếm và hiểu biết các hệ điều hành và phần mềm mới trên giấy tờ thì chưa đủ, điều khiến chúng trở nên bền vững chính là đặt chúng vào một hệ thống dân chủ hay đang được dân chủ hóa. Diamond lập luận: "Các quốc gia đang cố gắng tìm cách, móc nối vào Bầy Thú Điện Tử với những phần mềm tốt, hệ thống pháp quyền và tính trách nhiệm - nhưng lại không thực hiện thường xuyên quy chế bầu cử tự do - sẽ không theo kịp bầy thú trong giao đoạn dài hơi. Bởi vì bạn không thể duy trì một phần mềm tốt trong một chế độ toàn trị, một chế độ mà bản thân nó không tự chịu trách nhiệm, không giao phép tự do lưu thông thông tin, không cho phép một nền tư pháp độc lập hoạt động để thanh trừng tham nhũng và không cho phép tổ chức tuyển cử tự do đặng có thể thay đổi bộ máy quản lý về chính trị".
Chỉ bầu cử không thôi cũng không đủ để đảm bảo quản lý đúng đắn; Nga và Pakistan là hai minh chứng cho điều đó. Ngược lại nếu chỉ cài đặt các hệ điều hành và phần mềm hiện đại trong một đất nước nhưng không tổ chức bầu cử thường xuyên và tự do để có thể xóa bỏ các vị lãnh đạo tham nhũng, thì cũng hỏng việc. Chính vì thế các vị lãnh đạo thông thái trong các nước đang phát triển sẽ là những người hiểu nhanh nhất rằng nếu không được bầy thú giúp đỡ thì sẽ không có tăng trưởng, nếu không có các phần mềm và hệ điều hành đúng đắn thì bầy thú sẽ không đến, và nếu không có tuyển cử tự do thì sẽ không xây dựng được các cơ chế quản lý đúng đắn.
Trong khi cái lô-gic về cách mạng toàn cầu khiến tôi lạc quan tin rằng bầy thú ngày càng đóng góp nhiều hơn vào quá trình dân chủ hóa, thì thực tế vẫn khiến người ta phải thận trọng. Không có chuyện cứ trực tiếp móc nối với bầy thú thì các phần mềm sẽ tốt hơn, hệ điều hành và dân chủ sẽ được mặc nhiên chuyển đến cho bạn. Bạn phải tự hành động. Xây dựng phần mềm về cơ bản là một quá trình mang tính chính trị, có con người thực tham gia và phải chịu những kháng cự mang tính chính trị, kinh tế, lịch sử và văn hóa. Không có đường tắt và dân chúng thường phải chật vật mới học được những bài học mới. Hoa Kỳ được như ngày hôm nay là nhờ có 200 năm thăng trầm với những chu kỳ khủng hoảng trong việc đầu tư vào ngành đường sắt, những đổ bể trong hệ thống ngân hàng, những cuộc phá sản lớn, độc quyền sinh ra và độc quyền bị tiêu diệt và vụ vỡ thị trường chứng khoán năm 1929 và vụ khủng hoảng tín dụng và các khoản vay trong những năm 80. Không có chuyện nước Mỹ bẩm sinh đã trở nên giàu có.
Một lần tôi hỏi Anatoly Chubais, kiến trúc sư của cuộc cải tổ kinh tế nửa vời ở nước Nga, về những khó khăn nước này gặp phải khi chuyển sang kinh tế thị trường.
"Chúng tôi đã không có đủ người có kinh nghiệm quản lý nhà nước kiểu mới, thiếu công nghệ và thiếu thị trường, vì chúng tôi vốn dĩ không có thị trường", ông ta trả lời. "Chính thuật ngữ "thị trường" đã bị cấm sử dụng ở Liên Xô. Tôi không phải là một người già, nhưng tôi vẫn nhớ một người bạn, một kinh tế gia hồi năm 1982 đã mất việc khi viết một bài báo trong một tạp chí khoa học trong đó ông ta dùng từ "thị trường"."
Điều sau đây mới thật đáng sợ. Ngay cả khi bạn hiểu thế nào là thị trường, ngay cả khi bạn đã viết được phần mềm mới, bạn phải tiếp tục nâng cấp chúng, không ngừng. Điều gì sẽ xảy ra khi bạn có được hệ điều hành DOScapital 6.0?
Bạn sẽ phải bắt tay vào xây dựng DOScapital 7.0.
Julia Preston, phóng viên The New York Times tại Mexico một lần đã kể với tôi về một cuộc gặp mặt của các du kích quân Zapatista, nhóm nông dân chống đối những ảnh hưởng của thương mại tự do và toàn cầu hóa ở Mexico. Du kích Zapatista đã mở một cuộc họp ở vùng rừng miền nam Mexico với chủ đề "Diễn đàn liên lục địa hỗ trợ nhân văn và chống chủ nghĩa tự do kiểu mới." Phiên họp cuối cùng diễn tra trong một sân vận động lấm bùn đất và do thủ lĩnh Zapatista "Phó tư lệnh Marcos" - một nhân vật kết hợp giữa Robin Hood và Ralph Nader - chủ tọa. Phiên họp kết thúc bằng những hồi trống - và đứng trước đám đông hoan hô, những du kích quân Zapatista tuyên bố kẻ thù lốn nhất của nhân loại là Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đóng ở Geneva, kẻ đã xúc tiến tự do thương mại và đòi chấm dứt bảo hộ mậu dịch.
Câu chuyện này nhắc nhở tôi rằng trong khi là nhân tố đóng góp cho dân chủ hóa, Bầy Thú Điện Tử và những siêu thị tài chính sẽ đồng thời tạo những ảnh hưởng ngược lại. Chúng gây ra một cảm giác đang lan truyền, đặc biệt những môi trường dân chủ, rằng ngay cả khi có dân chủ, thì dân chúng vẫn có khả năng mất quyền kiểm soát vận mệnh của họ, vì thậm chí những chính phủ được bầu cũng phải chịu bó tay trước các thế lực thị trường mang đầy tính áp đặt.
Bầy thú càng sinh sôi, trưởng thành, nhanh nhẹn và có nhiều ảnh hưởng hơn, Stephen J. Kobrin, chuyên gia của Viện toàn cầu hóa Wharton lập luận, "thì những công dân càng cảm thấy tâm điểm của sự kiểm soát kinh tế và hoạch định chính trị dần dần được chuyển từ mức địa phương, nơi nó được kiểm soát, lên tầm toàn cầu, nơi không một ai đứng ra kiểm soát và không một ai trông coi. Khi chính trị mang tính địa phương, lá phiếu của bạn còn có ý nghĩa. Nhưng khi quyền lực dời sang khu vực đa quốc gia, thì sẽ không còn tuyển cử nữa và không còn ai để cho bạn bầu".
Không còn nghi ngờ gì là trong hệ thống toàn cầu hóa, nơi quyền lực được các nhà nước và siêu thị chia sẻ, một khía cạnh nhất định của việc hoạch định chính trị sẽ được chuyển từ trong nước ra khu vực thị trường toàn cầu, nơi không một ai, không một nước nào hay định chế nào có thể nắm toàn quyền - chí ít thì điều này chưa xảy ra. Hãy nhớ lại bao nhiêu lần bạn được nghe cụm từ "Thị trường nói... ", "Thị trường đang đòi hỏi..., và "Thị trường không cảm thấy yên tâm.."
Yaron Ezrahi, một nhà nghiên cứu lý thuyết chính trị người Israel nói: "Những quyền lực mang tính quyết định nhất trong lịch sử thường ẩn giấu trong lô-gic không mang tính người - chẳng hạn Chúa trời, quy luật tự nhiên, luật của thị trường - và chúng bao giờ cũng phản kháng khi sự bất tương xứng không thể chịu đựng được về tinh thần xuất hiện. Kỷ nguyên Khai Sáng chính là thời toàn cầu khoa học và triết lý và sự phản kháng đã xuất hiện khi những tên trộm, những kẻ tội phạm, những kẻ lừa đảo và những kẻ bóc lột thanh minh rằng tất cả những điều chúng làm là nhân danh khoa học và biện chứng. Toàn cầu hóa ngày nay cũng có thể như vậy. Nhiều người sẽ coi đó không hơn gì một thứ mặt nạ do những kẻ thượng lưu nào đó tron gkinh tế sử dụng để tước đi của con người ta quyền được phát ngôn. Chính vì thế mà một số người đã lập luận rằng giới toàn cầu hóa trong mỗi xã hội đều muốn rằng trước tiên họ sẽ mua chuộc giới truyền thông, vì họ muốn quy phục những người dân có khuynh hướng bất phục toàn cầu hóa, biến họ thành những người tiêu dùng. Biến chính trị thành một môn thể thao mang tính thưởng ngoạn chính là một trong những qua trình hỗ trợ cho toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa biến công dân từ chỗ là nhân vật chính trở thành những kẻ đứng ngoài cuộc nhưng lại có ảo tưởng là mình vẫn ở trong cuộc".
Càng ngày dân chúng trong một nước có cảm giác rằng hệ thống toàn cầu hóa được chỉ đạo từ xa, thì họ càng có lý do để chống đối những người tuyên truyền cho toàn cầu hóa. Bộ trưởng Kinh tế Yousef BoustrosGhali của Ai Cập có lần đã phát biểu: "Toàn bộ quá trình toàn cầu hóa rất dễ mang tính mị dân. Những người chống lại cải cách sẽ chỉ vào những người muốn mở cửa kinh tế để đón đầu tư nước ngoài rằng, "thằng cha này là phản lại sự nghiệp của chúng ta, vì hắn muốn mở cửa hệ thống để đón người ngoài". Và bạn sẽ nói, "Vâng, nhưng để cho các thị trường tự điều chỉnh giá cả thì sẽ đạt hiệu quả cao hơn". Và những người chống đối lại quay ra nói, "Đừng có rồ dại? Thị trường là do người nước ngoài kiểm soát. Làm sao chúng ta có thể để cho thị trường nội địa của chúng ta tự định giá khi chúng bị người nước ngoài kiểm soát?"
Quả thực một trong những thách thức lớn nhất khi xây dựng lý thuyết chính trị trong kỷ nguyên toàn cầu hóa là làm thế nào để người dân hiểu rằng họ có thể tự quyết, không những về hoạt động của chính phủ của họ mà còn về một số quyền lực toàn cầu hiện đang nhào nặn cuộc sống của họ. "Các thế lực thị trường và các định chế nhà nước thường khác nhau về tư cách hành xử, vậy thì cần phải có một nền dân trí mang tính quyết định để có thể phòng ngừa những bất công xảy ra", Ezrahi nói, "Vai trò quyết định đó chính là cốt lõi của xã hội công dân và nền quản lý dân chủ - bảo vệ và xây dựng sinh hoạt công cộng và tập thể. Tai họa sẽ đến nếu bạn để cho cuộc sống cộng đồng và tập thể bị chi phối bởi những thế lực nằm bên ngoài nền chính trị của đất nước của bạn". Môn học xã hội công dân cho con cháu chúng ta sẽ phải vượt khỏi khuôn khổ các chủ đề về chính phủ địa phương, bang và liên bang, sang những chủ đề liên quan tới mối quan hệ giữa các nước và các siêu thị tài chính, quan hệ giữa nhà nước và các cá nhân được trang bị những công nghệ tiên tiến, và quan hệ giữa những cá nhân đó với các siêu thị tài chính. làm sao chúng ta có thể đối phó với một thế giới trong đó Bầy Thú Điện Tử có khả năng hàng ngày bầu chọn các chính phủ, trong khi các chính phủ đó không thể bỏ phiếu trực tiếp quyết định hành xử của bầy thú? Ai sẽ là người quản lý quan hệ giữa bản thân tôi và Internet, quan hệ giữa bản thân tôi và những siêu thị tài chính và quan hệ chính phủ của tôi với các siêu thị tài chính? Xin mô phỏng lời nói của Larry Summers, đây là tình thế "bế tắc cả ba mặt mang tính toàn cầu"
Có một lợi thế bạn có thể thấy trong hệ thống toàn cầu hóa đó là nó không phân biệt đối xử - nó có thể khiến cả quốc gia yếu kém cũng như quốc gia hùng mạnhcó cảm giá bất lực và chịu chỉ đạo của những thế lực không bị kiểm soát và cũng không được lựa chọn. Tôi đã đến gặp Bộ trưởng Tài chính Mexico, ông Guillermo Ortiz ngay sau khi đồng peso của nước này bị phá giá năm 1995. Ông ta ngồi bên bàn, gắn chặt vào máy vi tính, trên màn hình, ông ta thấy từng giây, từng giây, đồng tiền này mất giá, giống như một bệnh nhân đang suy tim.
"Hãy ngưng chiến", Oriz nói với thị trường thế giới. "Chúng mày đánh tao đến chết rồi. Ngưng lại, đừng có bán rẻ (peso) nữa". Khi tôi hỏi ông ta có cảm nghĩ như thế nào khi bị các thị trường toàn cầu hành hạ, đeo đuổi ông ta để khoác lên cho ông chiếc áo nịt nạm vàng, Ortiz khoác tay chỉ vào màn hình của ba chiếc máy vi tính trước mặt, chỉ mức lên xuống từng giây của peso, và nói: "Có những ngày tôi cảm thấy hoàn toàn bất lực. Thỉnh thoảng tôi phải chuyển sang làm việc ở một phòng khác, để không bị những màn hình này phân tâm".